TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Các cấp độ đối chiếu ngữ nghĩa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 17, 2012

(lược trích và bổ sung bài: Lê Đình Tư. Những vấn đề ngữ nghĩa học âm vị. Tạp chí khoa học ngoại ngữ 3, 2005)

Như trên đã nói, ngôn ngữ học phân biệt hai bình diện của ngôn ngữ: bình diện biểu hiện và bình diện nôi dung hay bình diện ngữ nghĩa. Nói về bình diện biểu hiện của ngôn ngữ là nói về cấu trúc hình thức của các đơn vị ngôn ngữ, còn nói về bình diện nội dung là nói về ý nghĩa của các đơn vị đó. Với quan niệm đó, người ta cũng đã vạch ra một đường ranh giới cho các lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ: Mô tả mặt biểu hiện của ngôn ngữ, chúng ta đi từ cấp độ âm vị, còn khi mô tả mặt nội dung của nó thì bắt đầu từ cấp độ hình vị. Âm vị được coi là những đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để cấu tạo nên mặt ngữ âm của ngôn ngữ và không có nghĩa, còn hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ. Kết quả là, khi đề cập đến bình diện ngữ nghĩa của ngôn ngữ, cấp độ âm vị thường bị bỏ qua. Nói cách khác, ngữ nghĩa học thường được coi là lĩnh vực ngôn ngữ học nghiên cứu những cấp độ ngôn ngữ lớn hơn âm vị. Trong thực tế, khi đối chiếu những vấn đề ngữ nghĩa giữa các ngôn ngữ, người ta cũng thường tập trung chủ yếu vào cấp độ từ vựng, bởi vì các đơn vị từ vựng như từ, thành ngữ được coi là những đơn vị có nghĩa hoàn chỉnh và có thể xác định được những đơn vị tương đương trong ngôn ngữ khác để đối chiếu.

Tuy nhiên, từ lâu người ta đã để ý đến các hiện tượng tượng thanh hay tượng hình, tức là những trường hợp mà âm thanh của ngôn ngữ có quan hệ khá chặt chẽ với những gì chúng biểu đạt trong thực tế khách quan. Chẳng hạn, H. Schreuder (1970) đã  nhận ra rằng, tổ hợp âm ‘ash’ trong tiếng Anh rất hay được dùng để biểu đạt những động tác nhanh hoặc đột ngột, ví dụ: flash (lóe sáng), dash (lao tới, ném mạnh), crash  (đâm sầm xuống), hay tổ hợp âm vị /bl/ (cũng trong tiếng Anh) thường xuất hiện trong các từ biểu thị sự khó chịu, ghê tởm hay chán ngấy, ví du: bland smile (nụ cười nhạt nhẽo), blare (làm om sòm), blast (nguyền rủa)… Thậm chí, tác giả còn thấy rằng, trong một số trường hợp, mối quan hệ giữa âm thanh ngôn ngữ (không chỉ là từ tượng thanh) và ý nghĩa chặt chẽ tới mức chúng có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi ý nghĩa của từ trong quá khứ, khiến hiện nay một số tổ hợp âm trong tiếng Anh biểu thị những ý nghĩa tiêu cực thay vì ý nghĩa trung hòa như trước đây. Chẳng hạn, âm vị /u/ khi kết hợp với một số âm vị khác (ví dụ như với /l/, /ʃ/ hay /p/) thường biểu đạt những sự vật, sự việc được đánh giá tiêu cực, ví dụ: allure (cám dỗ, quyến rũ), shrew (người dàn bà đanh đá, độc ác), putrid (thối tha, đồi bại). Những hiên tượng tương tự trong tiếng Pháp cũng đã được P. Guiraud (1971) đề cập đến trong tác phẩm “La semantique”. Trên địa bàn tiếng Việt, Nguyễn Hữu Quỳnh (1994) cũng đã nêu nhận xét rằng, một số vần và nguyên âm “có khả năng biểu thị một nét nghĩa nào đó về trạng thái, họat động, tính chất.”.  Ví dụ: vần ‘it’ trong tiếng Việt biểu thị một nét nghĩa chung là ‘làm kín, làm chặt thêm’ của các từ ‘bịt’,’khít’,‘thít’…, trong khi vần ‘óp’ mang nét nghĩa ‘giảm thể tích, thu nhỏ khối lượng’ như trong các từ ‘bóp’, hay‘tọp’. Nghiêm túc hơn, các nhà phong cách học cũng đã bàn khá nhiều về giá trị tu từ học của các yếu tố ngữ âm trong các ngôn ngữ. Xa hơn nữa, W. Humboldt cũng đã nhìn nhận ý nghĩa biểu trưng của các đơn vị ngữ âm trong các ngôn ngữ.

Nhìn một cách tổng thể, các nhà ngôn ngữ học này, ở những mức độ và góc độ khác nhau, đều thừa nhận tính có lí do nhất định của âm thanh ngôn ngữ. Họ cho rằng không phải lúc nào mối quan hệ giữa mặt âm và mặt nghĩa trong ngôn ngữ cũng đều mang tính võ đoán, rằng các ngôn ngữ có những lí do và cách thức khác nhau để lựa chọn các phương tiện ngữ âm nhằm biểu đạt những sự vật, hiện tượng, đặc trưng, hay tính chất trong thực tế khách quan. Sự lựa chọn này có liên quan đến bản thân các âm thanh ngôn ngữ và các mối quan hệ đối lập giữa chúng với nhau. Nói cách khác, trong một số trường hợp, người ta thừa nhận có sự hài hòa nhất định giữa mặt âm thanh và mặt nghĩa của các tín hiệu ngôn ngữ.

Như vậy, âm vị có thể được sử dụng theo hai mục đích khác nhau: 1/tạo ra các từ, và 2/ tạo nghĩa mới cho các từ. Trong mục đích thứ nhất, các âm vị tạo ra các từ khác nhau nhờ những thế đối lập về các nét khu biệt của chúng, còn trong mục đích thứ hai, từ được bổ sung một ý nghĩa mới nào đấy nhờ việc khai thác các giá trị ngữ nghĩa mà các âm vị có thể mang lại. Sự tồn tại các giá trị ngữ nghĩa của âm vị khiến cho sự phân biệt hai bình diện của ngôn ngữ, tức bình diện biểu hiện và bình diện ngữ nghĩa theo cách xưa nay, trở nên không rõ ràng hoặc/và không triệt để. Ngữ nghĩa học truyền thống không quan tâm đến hoặc không thừa nhận những giá trị ngữ nghĩa của những đơn vị ngôn ngữ nhỏ hơn hình vị. Đó là cái phần dư ngữ nghĩa trong ngôn ngữ mà ngôn ngữ học chưa có cách giải quyết dứt khoát. Thông thường,  khi nhận thấy một hiện tượng ngôn ngữ nào đấy mang giá trị ngữ nghĩa, người ta cứ nghĩ trước hết đến sự hiện diện của hình vị hay từ.

Sự thừa nhận giá trị ngữ nghĩa của các âm vị, hoặc phức thể âm vị, tạo tiền đề cho việc hình thành một bộ môn nghiên cứu mới: Ngữ nghĩa học âm vị (semantyka fonemów lub fonosemantyka), bộ môn nghiên cứu giá trị ngữ nghĩa của cấp độ âm vị.

Ngữ nghĩa học âm vị có vẻ liên quan nhiều hơn đến ngữ dụng học, bởi vì loại ý nghĩa này phụ thuộc nhiều vào các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cụ thể. Tuy nhiên, ý nghĩa của các âm vị không chỉ liên quan đến sự vận dụng ngôn ngữ mà còn liên quan đến cả lịch sử phát triển của ngôn ngữ, nghĩa là vừa có tính chất đồng đại vừa có tính chất lịch đại. Ngữ nghĩa học âm vị có ý nghĩa thực tiễn to lớn: Nó giúp giải thích nhiều hiện tượng ngữ nghĩa trong các ngôn ngữ, nhờ đó giúp ta hiểu rõ hơn bản chất của những hiện tượng ngôn ngữ như đồng nghĩa, dị nghĩa, các tên riêng, sự hài âm, chơi chữ , hay đặc điểm cấu tạo của các tiếng xã hội trong một cộng đồng ngôn ngữ.

Như vậy, các nghiên cứu ngữ nghĩa học âm vị sẽ bổ sung những thông tin làm cho bức tranh về các bình diện ngữ nghĩa của ngôn ngữ được hoàn chỉnh hơn. Với ngữ nghĩa học âm vị, cấu trúc các bình diện của ngôn ngữ trở nên nhất quán hơn: trên bình diện biểu hiện, chúng ta nghiên cứu toàn bộ mặt cấu tạo hình thức của ngôn ngữ: đi từ âm vị đến văn bản, còn trên bình diện ngữ nghĩa, chúng ta xem xét toàn bộ mặt nội dung của ngôn ngữ, cũng đi từ âm vị đến văn bản. Điều này cũng có nghĩa là ngữ nghĩa học đối chiếu cũng quan tâm đến cả cấp độ âm vị của ngôn ngữ.

__________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, NGỮ NGHĨA HỌC ÂM VỊ, Ngữ nghĩa học, Những vấn đề đại cương | Thẻ: , , , , , , , , | 5 Comments »

Ngữ nghĩa học – khái niệm và phạm vi nghiên cứu (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 10, 2012

Lê Đình Tư

 

2. Ý nghĩa – đối tượng nghiên cứu của ngữ nghĩa học

Như vậy, có thể thấy rằng nghĩa học ngôn ngữ học (từ đây trở đi sẽ được gọi là ngữ nghĩa học) là một ngành khoa học nghiên cứu về ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ. Tuy nhiên, như có thể thấy bên trên, cái được gọi là ‘ý nghĩa’ là một đối tượng không dễ nắm bắt, bởi tính trừu tượng, đa diện và đa cấp của nó. Trong ‘ý nghĩa’,  ta cũng có thể nhận thấy sự có mặt của những mối quan hệ phức tạp giữa cái trừu tượng và cái cụ thể, cái xã hội và cái cá nhân, cái phổ niệm và cái dân tộc. Ý nghĩa là sự tổng hòa của nhiều loại quan hệ: quan hệ giữa sự vật/hiện tương và một chuối âm thanh/chữ viết nào đó; quan hệ giữa người nói và người nghe; quan hệ giữa con người và xã hội, quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa…, và cả quan hệ giữa ngôn ngữ với ngôn ngữ (hay quan hệ liên ngôn ngữ). Mạng lưới các quan hệ này làm cho mặt ý nghĩa của ngôn ngữ trở nên rất khó định nghĩa một cách chắc chắn và nhất quán. Ý nghĩa sẽ được định nghĩa (nếu có thể nêu được định nghĩa) theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào góc độ quan sát: là sự vật, nếu được xem xét trong quan hệ giữa từ và sự vật, là khái niệm, nếu được xem xét trong quan hệ với quá trình nhận thức hiện thực, là thái độ/ tình cảm, nếu được xem xét trong quan hệ giữa các vai giao tiếp, v.v. (xem thêm bên dưới). Đây chính là nguyên nhân khiến cho ‘ý nghĩa’, mặc dù đã được các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà triết học, nghiền ngẫm và tìm hiểu từ thời Cổ đại đến nay, vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng và trọn vẹn.

Với bản chất phức tạp và đa diện của nó, ‘ý nghĩa’ được quan tâm nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, nhưng nhiều khi rất khó vạch được ranh giới rõ ràng giữa những ‘’ý nghĩa’ được lấy làm đối tượng nghiên cứu ở những lĩnh vực khoa học khác nhau đó.

Như trong triết học chẳng hạn, ý nghĩa ở đây từng được coi là cái tương ứng nằm ngoài ngôn ngữ của một đơn vị ngôn ngữ, hay nói cách khác, ý nghĩa chính là mối quan hệ giữa mặt biểu hiện của ngôn ngữ và hiện tượng bên ngoài nó. Đây được gọi là ‘quan niệm dựa vào vật quy chiếu’ (ví dụ: Arystoteles). Quan niệm coi ý nghĩa là sự vật hoặc các đặc trưng của sự vật chính là quan niệm sơ đẳng nhất về ý nghĩa của từ. Theo quan niệm này thì từ gợi ra sự vật, thay thế cho sự vật. Điều đó có nghĩa là ý nghĩa của từ chính là bản thân sự vật hoặc sự quy chiếu vào sự vật. Quan điểm như vậy cũng được J.S. Mill (1843) nêu ra, khi ông khẳng định rằng đối tượng biểu đạt của các phát ngôn là bản thân hiện thực. Trên cơ sở đó, ông quan tâm nghiên cứu về mối quan hệ giữa các tên gọi của các sự vật và sự biểu đạt các sự vật. Tuy nhiên, ông có phân biệt các kiểu tên gọi xét về cách thức chúng liên hệ với sự vật được gọi tên, mà phải kể trước tiên là kiểu tên gọi không chỉ biểu đạt sự vật mà còn hàm chỉ (connotate) những đặc điểm nhất định của đối tượng được biểu đạt. Ví dụ, những từ như: ‘người’, ‘chó’, ‘bàn’, ‘sông’, v.v. không chỉ biểu đạt các đối tượng được gọi tên ở đây mà còn hàm chỉ cả một số thuộc tính của chúng, tức là những đặc điểm quyết định về bản chất của người, chó hay bàn, sông, v.v. Quan niệm của Mill được các nhà triết học sau này kế tục và phát triển, nhờ đó mà nó giữ một vị trí ổn định trong nghĩa học lô gích và ngữ nghĩa học. Người ta tiếp tục chính xác hóa thêm các khái niệm: ‘sự quy chiếu’ (referencja/odniesienie) được hiểu là những thuộc tính của một tên gọi được sử dụng, còn ‘vật quy chiếu’ (referent) là sự vật/đối tượng mà tên gọi được quy chiếu vào; ‘sự biểu vật’ (denotacja) và ‘cái biểu vật’(denotat) được dùng để chỉ mối quan hệ giữa tên gọi và lớp sự vật hoặc là sự vật đại diện cho lớp sự vật mà tên gọi có thể được quy chiếu vào. Chẳng hạn, từ ‘chó’ có nội dung (ý nghĩa) là tập hợp những nét đặc trưng của các con chó (gọi chung là ‘cẩu tính’), có ‘cái biểu vật’ là toàn bộ lớp sự vật ‘các con chó’ (hoặc một đại diện điển hình của chúng), ví dụ như trong câu: „Chó là con vật trung thành”, và có ‘vật quy chiếu’ là một con chó cụ thể nào đó, ví dụ như trong câu: „Con chó của cậu dễ thương quá!”. (Những thuật ngữ này hiện nay trong tiếng Việt đang được dịch khác nhau).

Cũng có một quan điểm triết học khác, mang tính ngôn ngữ học nhiều hơn, cho rằng ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ là mối quan hệ giữa nó với các đơn vị ngôn ngữ khác. Đó là quan điểm đồng nhất ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ với cách sử dụng nó. Dòng quan điểm này được gọi là ‘quan niệm không dựa vào vật quy chiếu’ (ví dụ: trường phái triết học phân tích Oxford). Những người theo dòng quan điểm này thường lấy việc miêu tả ý nghĩa của câu, thậm chí toàn bộ lời phát biểu làm cơ sở để từ đó xác định ý nghĩa của các từ như là loại ý nghĩa thứ phát.

Dẫu vậy, xu hướng hiểu ý nghĩa theo góc độ tâm lý học trong triết học vẫn chiếm ưu thế vượt trội, bởi vì ý nghĩa của các tín hiệu ngôn ngữ ở đây thường được hiểu như là những ý niệm nằm trong đầu người nói hay những hình ảnh (tưởng tượng) hoặc những ấn tượng về sự vật được gọi tên.  Chẳng hạn, vào thời Trung cổ, ý nghĩa thường được hiểu là ’khái niệm’(và do đó có tên gọi chủ nghĩa khái niệm- konceptualizm), và chính trên cái nền của những cuộc tranh cãi xoay quanh ‘khái niệm’ đã hình thành nên những triết thuyết khác nhau: sớm hơn thì có thuyết duy thực (realizm), thuyết duy danh (nominalizm), còn muộn hơn thì có thuyết liên tưởng (asocjacjonizm). Nhưng, có thể nói, cái dấu ấn tâm lý học đó biểu hiện rõ ràng nhất trong một sơ đồ biểu thị mối quan hệ giữa từ (kí hiệu) và ý nghĩa, thường được gọi là ‘tam giác ngữ nghĩa’, do Ogden và Richards (1923) đưa ra, và được trích dẫn cũng như diễn giải trong nhiều công trình nghiên cứu ngữ nghĩa học. Trong sơ đồ này, ý nghĩa được hiểu là khái niệm và được phân biệt với đối tượng được biểu đạt (tức ‘vật quy chiếu’).

Trong một cách quan niệm hẹp hơn, ý nghĩa của một tín hiệu ngôn ngữ chỉ còn là ‘sự ứng xử của con người’ khi phản ứng trước tín hiệu nghe được đó, bởi vì sự  ứng xử của con người được coi là chỉ báo khách quan duy nhất để hiểu các phát ngôn  (xem: Bloomfield 1935, Morris 1938 và Osgood 1957). Một ví dụ cổ điển: phát ngôn „Tôi đang đói.” gây ra ở người tiếp nhận (người nghe) phản ứng: ‘mang thức ăn đến’. Đây chính là quan niệm trong hành vi luận (behawioryzm), vốn đã có những ảnh hưởng rộng lớn không chỉ trong nghiên cứu ngữ nghĩa học mà còn cả trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác, mặc dầu bị nhiều ý kiến phê phán.

Những quan niệm triết-tâm lí học về ý nghĩa như nêu trên đã được áp dụng vào ngôn ngữ học nói chung và ngữ nghĩa học nói riêng. Điều đáng nói là lập trường của nhiều nhà ngôn ngữ học trong vấn đề bản chất của ý nghĩa rất gần với quan điểm của thuyết liên tưởng tâm lí học. Chẳng hạn, trong “Giáo trình…”  của mình, Saussure đã nêu lên tính chất hai mặt của tín hiệu ngôn ngữ, trong đó mặt nội dung (tức ý nghĩa) của nó được ông quan niệm là ‘khái niệm’. Cách quan niệm này của Sausure sau này đã trở thành nền tảng lí luận cho những công trình nghiên cứu ngữ nghĩa học theo đường hướng cấu trúc luận. Còn trong những đường hướng nghiên cứu mới hơn, được gọi chung là ngôn ngữ học học tri nhận, quan niệm tâm lí học thậm chí đã trở thành tư tưởng chủ đạo, khi ngôn ngữ được coi là một bộ phận của cơ chế tâm lí con người và tính chất tâm lí của ý nghĩa luôn luôn được nhấn mạnh . Theo cách hiểu của các nhà tri nhận luận (ví dụ: G. Lakoff, Ch. Fillmore, R. Langacker) thì ý nghĩa là „cách thức mọi người hiểu các phát ngôn”. Với cách hiểu như vậy, thật khó có thể nêu lên một định nghĩa mang tính ngôn ngữ học thuần túy về ý nghĩa (xem thêm bên dưới).

Cho nên, có thể xem quan niệm ”ý nghĩa là mối quan hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ” trong ngôn ngữ học không chỉ đánh dấu một trào lưu nghiên cứu ngữ nghĩa học muốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của cách tiếp cận triết-tâm lí học, mà còn biểu hiện một xu hướng muốn từ bỏ ý định tìm hiểu về bản chất của ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa được xác định chỉ nhờ vào việc nghiên cứu hai loại quan hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ: quan hệ tương đương (hay còn gọi là quan hệ kéo theo) và quan hệ mâu thuẫn, có nghĩa là muốn xác định ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ thì cần phải xác định được những đơn vị tương đương và/ hoặc mâu thuẫn với nó. Hai đơn vị ngôn ngữ tương đương về nghĩa với nhau nếu chúng đưa tới những hệ luận (kết luận) giống hệt nhau. Ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ chính là cái thuộc tính chung cho tất cả những đơn vị tương đương nghĩa trong một ngôn ngữ. Cách định nghĩa ý nghĩa nhờ vào thuộc tính chung của các đơn vị ngôn ngữ đã được nhiều nhà ngôn ngữ học tiếp nhận (xem chẳng hạn: Jakobson 1959) và rõ ràng đây là quan niệm đặc trưng cho đường hướng nghiên cứu ngữ nghĩa học không quan tâm đến khía cạnh bản thể luận của ‘ý nghĩa’, tức là đến việc xem xét xem bản chất của ‘ý nghĩa’là gì.

Phải đến cuối những năm 80 và trong những năm 90 của thế kỷ XX, vấn đề bản chất của ý nghĩa mới  được hâm nóng trở lại nhờ ngôn ngữ học tri nhận. Theo cách hiểu của các nhà tri nhận luận (ví dụ: Lakoff và Langacker), ý nghĩa  là „sự hình dung về thế giới” trong óc người nói, tức là tất cả những gì mà người nói liên hệ với các sự vật hay hiện tượng của thế giới khách quan khi sử dụng các từ. Chỉ có điều đó thường không phải là những đặc trưng quan yếu mà là những đặc trưng điển hình, thường xuyên được liên tưởng với sự vật/ hiện tượng. Nói cách khác, trong óc người nói tồn tại một bức tranh lược đồ về sự vật/ hiện tượng: đó là bức tranh ngôn ngữ về thế giới. Bức tranh ngôn ngữ về thế giới là một bức tranh được hình thành trong ý thức của người nói nhờ những kinh nghiệm nhận thức và văn hóa. Bức tranh này được gắn kết trong ý thức của người nói với một biểu thức ngôn ngữ (một chuỗi âm thanh) và đó chính là ý nghĩa của biểu thức ngôn ngữ đó.

Với cách hiểu này, khái niệm ‘ý nghĩa’ được mở rộng thêm rất nhiều và càng trở nên mơ hồ, vì bản thân các khái niệm ‘bức tranh ngôn ngữ’và ‘biểu thức ngôn ngữ’ đều có nội hàm rất rộng và chưa bao giờ được xác định một cách rõ ràng.

_____________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa học, Những vấn đề đại cương | Thẻ: , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

4. Sự liên kết nội dung trong văn bản tiếng Việt (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 6, 2012

4.2 Liên kết lô gích

4.2.1 Dùng các phương tiện nối kết

Để duy trì tính mạch lạc của văn bản, các phát ngôn còn phải được liên kết với nhau theo những quan hệ gọi là quan hệ lô gích. Đó là những kiểu quan hệ khác nhau giữa các sự kiện, ví dụ như: quan hệ liên hợp, quan hệ phủ định, quan hệ lựa chọn, quan hệ loại trừ, quan hệ bao hàm, quan hệ nhân-quả, quan hệ thời gian, v.v.

Đối với sự liên kết lô gích giữa các phát ngôn của văn bản thì các phương tiện nối kết như các kết từ (ví dụ: và, còn, nhưng, song, mặc dù, dù, dẫu, thì,…), phụ từ (ví dụ: cũng, lại, cứ, luôn,…) hay những từ ngữ chuyên dùng để nối kết (ví dụ: như vậy, quả vậy, quả thật, ấy thế nhưng, cuối cùng, rốt cuộc, không những thế,…) được sử dụng nhiều nhất để nối các phát ngôn hoặc các phần nội dung (ví dụ: các đoạn văn) của văn bản theo các quan hệ lô gích. Trong tiếng Việt, biện pháp này được gọi chung là ‘phép nối’, tức là sử dụng các phương tiện nối kết (xem chẳng hạn: Trần Ngọc Thêm 2006) .

Các phương tiện nối kết có tác dụng bộc lộ rõ ràng nhất sự liên kết giữa các phát ngôn, vì vậy đây là phương thức được sử dụng phổ biến trong những loại văn bản đòi hỏi sự liên kết lô gích rõ ràng: văn bản khoa học, văn bản chính luận và văn bản hành. Trong khẩu ngữ, các phương tiện nối kết cũng được sử dụng nhiều để bảo đảm cho thông tin được truyền đạt chính xác.
Ví dụ:

(i)                Dùng kết từ:

Căn hộ được thuê với giá thỏa thuận là 500 USD/tháng (năm trăm đôla/tháng). Thời gian hợp đồng là 02 (hai) năm kể từ ngày kí. Nhưng ngày 15 tháng 5 năm 1996, bà Trần Thị Bích đã đưa ra đề nghị với chúng tôi là muốn rút ngắn thời gian hợp đồng đến hết tháng 10 năm 1996.  (công văn)

hoặc:

Nói riêng về doanh nhân Á châu, phần lớn người Trung Quốc và Việt Nam gặp phải một vấn đề là sĩ diện. Có lẽ vì mặc cảm thôi. (PL TP HCM)

(ii)             Dùng phụ từ:

Trước đó, bố của Phú là ông La Phúc Thông đang bình thường khoẻ mạnh bỗng muốn chết vì lúc nào cũng tưởng tượng cảnh bị người khác đuổi giết. Rồi một ngày, ông Thông kết liễu đời mình bằng chính cây lá ngón có trong vườn nhà. (Kienthuc.net.vn)

(iii)           Dùng từ ngữ chuyên dùng:

Xưa nay, không ai chết đến lần thứ hai để được bài học kinh nghiệm về cách chết. Bởi vậy, vẫn có nhiều người chết một cách ngờ nghệch.”  (Nguyễn Công Hoan)

4.2.2. Sắp xếp các phát ngôn theo một trật tự lô gích

Các quan hệ lô gích giữa các phát ngôn không chỉ được thể hiện bằng các phương tiện nối kết mà còn có thể bằng sự sắp xếp các phát ngôn theo một trật tự phù hợp với quan hệ lô gích giữa các sự kiện mà các phát ngôn đó biểu đạt. Cách sắp xếp các phát ngôn theo một trật tự nhất định để tạo ra sự liên kết được gọi là phép tuyến tính.  Biện pháp này hay được sử dụng trong các tác phẩm văn học chứ ít được dùng trong các văn bản khoa học, chính luận hay hành chính, bởi nó có thể gây nên những cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, trong ví dụ sau: “Nó khuỵu cẳng. Một củ khoai ở mẹt biến mất.”, ta có thể giải thích mối quan hệ ở đây là quan hệ nhân-quả (‘Vì nó khuỵu cẳng nên củ khoai ở mẹt biến mất’) nhưng cũng có thể hiểu đó là quan hệ thời gian (‘Sau khi nó khuỵu cẳng thì củ khoai ở mẹt biến mất’), hay quan hệ liên hợp (‘Nó khuỵu cẳng và một củ khoai ở mẹt biến mất’). Thông thường, ta chỉ nhận ra biện pháp này khi không có các biện pháp liên kết khác được sử dụng. Sau đây là một số trường hợp sử dụng điển hình:

(i)                Sắp xếp theo quan hệ thời gian–nhân quả:

Sau bữa tối, không một ai muốn chơi đùa vui vẻ nữa. Chẳng mấy chốc tiểu thư Rita và Terestka ra về. (CH)

(ii)             Sắp xếp theo quan hệ thời gian thuần túy:

Đến lúc tối trời Phan mới về đến nhà. Anh treo bức tranh con mèo lên cái đinh nằm một góc phòng khách rồi bật đèn ngủ. (BTCM)

(iii)           Sắp xếp theo quan hệ nhân-quả thuần túy:

Cổng ra vào đã khóa. Tôi tìm đến nơi có một cái cây mọc sát tường, leo lên cây rồi đu qua tường, xong nhảy ra ngoài. (QLCTC)

(iv)           Sắp xếp theo quan hệ bao hàm:

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nước Việt Nam độc lập.” (HCM).

  ______________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , | 1 Comment »

Một số vấn đề về ngữ pháp văn bản tiếng Việt (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 15, 2012

4. Sự liên kết nội dung trong văn bản tiếng Việt

Khác với ở bình diện liên kết hình thức, ở bình diện liên kết nội dung (hoặc liên kết ngữ nghĩa), các phương tiện liên kết phong phú hơn rất nhiều. Ở đây có thể quan sát thấy sự tham gia của tất cả các yếu tố ngôn ngữ trong việc tạo ra tính hoàn chỉnh về nội dung của văn bản.

Liên kết nội dung trước hết nhằm tới ba mục tiêu: (i) thể hiện được chủ đề của văn bản, (ii) tạo được tính chặt chẽ, lôgích của văn bản và (iii) kết nối được các văn bản, nếu cần, trong những tình huống giao tiếp nhất định. Điều này có nghĩa là liên kết nội dung văn bản quyết định tới việc, liệu văn bản có thỏa mãn được sáu đặc trưng còn lại (tức là trừ đặc trưng về ‘tính liên kết hình thức’) của văn bản hay không.

4.1 Liên kết chủ đề

4.1.1 Lặp từ vựng

Để bảo đảm cho văn bản có tính liên kết chủ đề, nghĩa là các câu phải cùng hướng tới việc thể hiện một chủ đề cho trước, thì biện pháp đơn giản nhất là lặp từ vựng. Biện pháp lặp từ vựng, nói chung, dựa trên việc sử dụng những yếu tố từ vựng (từ, tên gọi, cụm từ) trong các phát ngôn khác nhau, khiến cho chủ đề của văn bản được duy trì. Tuy nhiên, ở đây có thể quan sát thấy hai hiện tượng lặp từ vựng: ‘lặp cả âm và nghĩa’ và ‘lặp nghĩa’.

(1) Lặp cả âm và nghĩa, tức là lặp lại trong một/ những phát ngôn mới những đơn vị từ vựng đã được sử dụng ở một phát ngôn khác. Trong thực tế, cũng giống như trong lặp ngữ âm và lặp ngữ pháp, các đơn vị từ vựng có thể được lặp lại đầy đủ hoặc chỉ được lặp lại một bộ phận. Vì vậy, có thể phân biệt ‘lặp hoàn toàn’ và ‘lặp bộ phận’.

Trong trường hợp lặp từ, biện pháp chủ yếu là lặp hoàn toàn, mặc dù cũng có thể quan sát thấy những trường hợp lặp bộ phận. Ví dụ:

(i) Lặp hoàn toàn:

Tôi nghĩ đó là chuyện buồn. Tôi chưa đến bảy mươi. Mặc dầu vậy xin đừng kể, ngày hôm nay xin đừng kể bất cứ điều gì buồn. (CĐTM)

(ii) Lặp bộ phận:

Tôi không ưa danh thiếp, đó là một thứ biểu hiện quy ước, thường là giả dối. Bản thân tôi cũng ít khi gửi thiếp. (CH)

Đối với trường hợp lặp cụm từ thì lặp bộ phận thường được dùng để tránh gây cảm giác nặng nề, hoặc để tiết kiệm lời. Khi lặp bộ phận, người ta thường phải dùng đại từ chỉ định (này, ấy, đó …) để tăng thêm tính liên kết giữa các câu. Tuy nhiên, đối với các tên gọi của các tổ chức, cơ quan hay phong trào… thì không nhất thiết phải dùng đại từ chỉ định đó. Ví dụ:

(i) Lặp hoàn toàn:

Bình thường thì các thi hài được chuyên chở bằng máy bay trong những chiếc quan tài kẽm đặc biệt.[…]. Ở Lvov không có quan tài kẽm cho Natalia. (CĐTM)

(ii) Lặp bộ phận:

Ban lãnh đạo Phòng thể dục thể thao quận đã xuống hiện trường cùng công an quận, phường tiến hành lập biên bản và điều tra sự việc. Sau đó đại diện ban lãnh đạo Phòng và Chủ nhiệm hồ bơi Chi Lăng đã đến gia đình nạn nhân thăm hỏi chia buồn và hỗ trợ cho gia đình số tiền là 2.000.000 đ để lo mai táng. (Tờ trình)

(2) Lặp nghĩa

‘Lặp nghĩa’ cũng dựa trên việc ‘lặp lại’ nhưng chỉ là lặp nội dung chứ không lặp âm thanh của của một từ, một tên gọi hay một cụm từ. Biện pháp này không chỉ có tác dụng tạo sự liên kết cho văn bản mà còn tránh được cảm giác đơn điệu hoặc bổ sung những thông tin phụ (ví dụ: sư đánh giá tốt/ xấu hay diễn đạt những sắc thái nghĩa khác nhau). Thực chất, đây là biện pháp sử dụng một đơn vị tương đương để thay thế cho một đơn vị đã được sử dụng trong một phát ngôn khác.

Những đơn vị có thể thay thế nhau phải là những đơn vị có nghĩa/ giá trị tương đương nhau nên ‘từ đồng nghĩa’ thường được dùng làm phương tiện để lặp nghĩa. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ, nói chung, thường ít xảy ra hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn mà chủ yếu là hiện tượng gần nghĩa, nên biện pháp này có thể thay đổi một phần ý nghĩa được lặp lại, tức là bổ sung cho nó một nội dung nào đó (xem bên dưới). Vì vậy, phương thức lặp đồng nghĩa có tác dụng làm cho văn bản trở nên đa dạng và phong phú. Ngoài từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa, còn có những phương tiện khác cũng được dùng để lặp nghĩa như: đại từ, cách nói vòng hay hoán dụ… Ví dụ:

(i) Lặp nghĩa dùng yếu tố đồng nghĩa:

Sinh nhật. Anh đã ra đời như thế nào nhỉ? (CĐTM)

(ii) Lặp nghĩa dùng đại từ:

Anh thì thầm. Đôi khi anh thì thầm bằng tiếng Pháp. Cô thích nhất thế. (CĐTM)

(iii) Lặp nghĩa dùng cách nói vòng:

Nhiều người bảo chùa Bà Đanh không linh, không ai đến là sai. Mặt khác làng Đanh Xá hy vọng rằng, cái tên ngôi chùa vắng sẽ được nhiều người biết đến bằng cái tên ngôi chùa đệ nhất khách. (báo GDVN)

(iv) Lặp nghĩa dùng hoán dụ:

Người mẫu không chỉ có thù lao thấp hơn mà số sô diễn trong ngày, trong tuần cũng không bao giờ bằng ca sĩ. Giỏi lắm một siêu mẫu có chừng ba sô diễn một tuần đã là “như mơ”. Trong khi với những ca sĩ đương thời thì một đêm chạy sô bốn điểm diễn là bình thường, hỏi sao các chân dài hiện nay không tính đường lấn sân ca hát dù thực lực có hạn! (báoTuổi trẻ)

4.1.2 Đối nghĩa

Đối nghĩa là phương thức liên kết chủ đề sử dụng những đơn vị ngôn ngữ (từ hoặc cụm từ) có ý nghĩa đối lập nhau trong những phát ngôn khác nhau để tạo ra sự liên kết nội dung giữa các phát ngôn đó. Tuy nhiên, khái niệm ‘nghĩa đối lập’ không đồng nhất với khái niệm ‘từ trái nghĩa’, vì ở đây các yếu tố có nghĩa đối lập không phái bao giờ cũng là những từ trái nghĩa mà có thể chỉ là những yếu tố được xã hội hay cá nhân nhìn nhận là có nghĩa đối lập nhau, vi dụ như: xuân/hạ/thu/đông, hay thậm chí: cao/lắm, rộng/nhiều. (xem ví dụ bên dưới). Do vậy, sự đối lập nghĩa trong những trường hợp này thường mang tính chất lâm thời và thể hiện tính sáng tạo của các cá nhân.

Trong tiếng Việt, đối nghĩa được sử dụng như là biện pháp liên kết quan trọng nhất trong những văn bản đặc biệt gọi là ‘câu đối’. ví dụ:

Nhà cao cửa rộng con rể ở

Tiền lắm bạc nhiêu cháu ngoại tiêu.

Trong các văn bản bình thường, sự đối lập nghĩa thường gần với hiện tượng trái nghĩa hơn, trong đó có cả hiện tượng đối phủ định, ví dụ:

Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh.

hoặc:

Nếu trạng thái yêu kéo quá dài, con người sẽ chết vì kiệt sức, rối loạn nhịp tim hoặc tim đập nhanh, vì đói hoặc hội chứng mất ngủ. Những người dù sao cũng không bị chết, thì trong trường hợp khá nhất cũng phải vào bệnh viện tâm thần. (CĐTM)

4.1.3 Liên tưởng

Biện pháp liên tưởng thể hiện ở việc sử dụng trong những phát ngôn khác nhau những đơn vị ngôn ngữ (từ, cụm từ) có liên quan về nghĩa với nhau hoặc được liên hệ mạnh mẽ với nhau để tạo sự liên kết giữa các phát ngôn đó.

Sự liên tưởng luôn luôn dựa trên hai loại quan hệ: nội ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ, do đó ở đây có thể có hai kiểu liên tưởng:

(i) Liên tưởng dựa trên quan hệ nội ngôn ngữ (trong phạm vi của cái gọi là trường nghĩa), ví dụ:

Ở đây tuyệt nhiên không có một nhà thờ nào. Mà em thì muốn cầu nguyện biết bao. Dù sao thì em vẫn muốn cầu nguyện. Em mang theo cây thánh giá bằng gỗ của mẹ. (CĐTM)

(ii) Liên tưởng dựa trên quan hệ ngoài ngôn ngữ (liên quan đến kiến thức ngoài ngôn ngữ), ví dụ:

Có lẽ tôi không còn là người Xlavơ nữa. Tôi không uống rượu, rất đúng giờ, giữ lời hứakhông tổ chức các cuộc khởi nghĩa. (CĐTM).

Những yếu tố như: thuộc tính điển hình, vị trí điển hình hay chức năng điển hình của người/ sự vật là những yếu tố quyết định đến khả năng sử dụng biện pháp liên tưởng ngoài ngôn ngữ.

4.1.4 Tỉnh lược

Tỉnh lược là biện pháp lược bỏ một/ một số thành phần nào đó của một phát ngôn nhằm tránh lặp lại chúng trong một/ những phát ngôn khác. Chính nhờ sự lược bỏ này mà các phát ngôn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Biện pháp này còn có tác dụng tránh lặp từ vựng và lặp nghĩa (không dùng yếu tố đồng nghĩa hay đại từ). Yếu tố tỉnh lược có thể là bất cứ thành phần nào đó của phát ngôn. Ví dụ:

Từ lâu anh đã thích mùi nước hoa. Chúng như một bức thông điệp mà người ta muốn truyền đạt. Mà không cần đến bất cứ một ngôn ngữ nào.

Hoặc:

Cô đam mê ngủ. Đặc biệt là thời gian gần đây. Cô có những giấc mơ không bình thường. (CĐTM)

(còn nữa)

Posted in Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Một số vấn đề về ngữ pháp văn bản tiếng Việt (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 25, 2012

2.3 Những đặc trưng của văn bản
Văn bản tiếng Việt hiện nay cũng được xem xét trên các bình diện đã nói ở trên. Tuy nhiên, trong thực tế nghiên cứu và miêu tả, các bình diện của văn bản không phải bao giờ cũng được xem xét một cách riêng rẽ mà có thể được xem xét kết hợp dưới góc độ một đặc trưng nào đó của nó. Chẳng hạn, tính liên kết của văn bản không chỉ được miêu tả trên bình diện cấu tạo hình thức mà còn cả trên bình diện nội dung của nó, nghĩa là có thể nói tới ‘sự liên kết hình thức’ và ‘sự liên kết nội dung’ của văn bản. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về ngữ pháp văn bản, người ta thường tiếp cận văn bản từ phía các đặc trưng của chúng. Đó là những đặc trưng giúp ta nhận biết văn bản trong số những đơn vị ngôn ngữ khác không phải là văn bản (gọi chung là ‘tính văn bản’ hay ‘các phạm trù của tính văn bản’). Trong ngữ pháp văn bản, người ta thường nêu lên những đặc trưng chủ yếu sau đây [dựa theo đề xuất của Beaugrande i Dressler(1990)]:
– tính liên kết (kohezja),
– tính mạch lạc (koherencja),
– tính chủ định (intencjonalność),
– tính chấp nhận được (akceptowalność),
– tính thông tin (informacyjność),
– tính tình huống (sytuacyjność) ,
– tính liên văn bản (intertekstualność)
Cũng chính vì vậy, văn bản được định nghĩa là ‘một sự kiện giao tiếp đáp ứng được bảy tiêu chuẩn về tính văn bản” nói trên. Nếu thiếu bất kỳ một tiêu chuẩn nào trong số đó thì „văn bản” cũng không mang tính giao tiếp, mà không có tính giao tiếp thì ngôn phẩm sẽ không phải là văn bản.

2.4 Phân loại văn bản
Nói chung, cho đến nay, việc phân loại văn bản trong giới ngôn ngữ học thường không nhất quán, đó là vì văn bản có thể được phân loại theo những cách khác nhau, tùy theo góc độ quan sát văn bản. Chẳng hạn, có thể phân biệt những cặp văn bản đối lập như ‘văn bản nói’/ văn bản viết’; ‘văn bản ngẫu sinh’/ ‘văn bản tái sinh’ (‘sao chép’); ‘văn bản công khai’/ ‘văn bản riêng tư’; ‘văn bản thông dụng’/ ‘văn bản nghệ thuật’; ‘văn bản tự sự’/ văn bản mô tả’…
Trong tiếng Việt, văn bản cũng có thể phân loại theo những cách khác nhau, cụ thể như sau:
(i) Xét về dạng thức tồn tại: ‘văn bản nói’ và ‘văn bản viết’. Tuy nhiên, ở đây cần phải nhấn mạnh rằng, sự phân biệt hai loại văn bản như trên không chỉ căn cứ vào dạng thức tồn tại mà trước hết là căn cứ vào những đặc điểm của những phương tiện dùng để cấu tạo nên văn bản (ví dụ: đặc điểm của từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp).
(ii) Xét về kiểu cấu tạo: ‘văn bản ổn định’, được xây dựng theo những mô hình đã trở thành khuôn mẫu (ví dụ: đơn từ, tờ khai, hợp đồng), ‘văn bản thông dụng, được xây dựng theo một mô hình thông dụng, có tính đến những yếu tố như thói quen truyền thống, trình tự trình bày các phần (ví dụ: tiểu luận, luận văn khoa học, tờ trình), và ‘văn bản tự do’, được xây dựng không theo một mô hình hay bố cục nhất định nào mà do người viết tự ý sáng tạo ra (ví dụ: tác phẩm văn học, sách khoa học thường thức)
(iii) Xét về phong cách chức năng: ‘văn bản hành chính’, ‘văn bản báo chí-chính luận’, ‘văn bản khoa học’ và ‘văn bản văn chương’.

Ngoài ra, có thể phân biệt các văn bản về mặt quy mô. Xét về mặt này, có thể phân biệt: ‘văn bản một phần’ (chỉ bao gồm phần tin), ‘văn bản hai phần’ (phần mở đầu và phần tin) và ‘văn bản ba phần’ (mở đầu, phần tin và phần kết).

3. Sự liên kết hình thức giữa các câu trong văn bản tiếng Việt

Để liên kết hình thức các câu/ phát ngôn (từ đây sẽ gọi chung là phát ngôn) trong văn bản, tiếng Việt sử dụng một số ‘yếu tố ngữ âm’ (âm tiết, vần, phụ âm đầu, thanh điệu) và ‘yếu tố ngữ pháp’ (hư từ, cấu trúc ngữ pháp). Phương thức sử dụng các yếu tố liên kết này là ‘lặp lại’ chúng trong những phát ngôn khác nhau và nhờ đó tạo ra sự liên kết giữa các phát ngôn đó.

3.1. Lặp ngữ âm
Phép ‘lặp ngữ âm’ thường được dùng trong các tác phẩm thi ca, (hay chung hơn: ‘văn vần’). Trong các loại văn bản khác, gọi chung là ‘văn xuôi’, phương thức này ít khi được sử dụng.
Trong văn vần, trước tiên phải nói đến phương thức ‘lặp số lượng âm tiết’. Phương thức này cho phép tạo ra các thể thơ khác nhau. Chẳng hạn, nếu số lượng các âm tiết được lặp đi lặp lại đều đặn giữa các câu kế tiếp nhau thì ta sẽ có các thể thơ bốn chữ, thơ năm chữ hay thơ bảy chữ… So sánh:

1) Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt

(ca dao)

2) Đường lúc hoàng hôn xuống,
Là lúc viễn khách đi.
Nước đượm màu li biệt,
Trời vương hương biệt li

(Xuân Diệu – Viễn khách)

3) Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
.
(Hồ Xuân Hương – Bánh trôi nước)

Còn nếu số lượng âm tiết được lặp lại ở những câu đứng cách nhau hoặc kết hợp cả hai cách lặp nói trên thì ta có các thể thơ lục bát hay song thất lục bát. So sánh:

4) Bao giờ anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây.
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
.
(ca dao)

(5) Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ
Chàng há từng học lũ vương tôn.
Cớ sao cách trở nước non,
Khiến người thôi sớm, thôi hôm, những sầu
.
(Đoàn Thị Điểm – Chinh phụ ngâm)

Phương thức ‘lặp vần’ cũng là một phương thức lặp ngữ âm phổ biến để tạo ra sự liên kết giữa các câu thơ. Tuy nhiên, các vần không phải bao giờ cũng được lặp lại hoàn toàn mà có thể chỉ là lặp một phần nhưng phải tuân theo những nguyên tắc về luật hài âm. Ví dụ:

(i) Lặp hoàn toàn:

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

(Chinh phụ ngâm)

(ii) Lặp bộ phận:
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường?

Ngoài ra, còn có ‘lặp âm tiết’, nhưng theo kết quả nghiên cứu (ví dụ: Trần Ngọc Thêm), phương thức này ít khi được sử dụng.
Trái lại, trong văn xuôi, phương thức lặp vần tuy cũng được sử dụng nhưng rất ít gặp. Phương thức lặp ngữ âm phổ biến ở đây là lặp số lượng âm tiết và thường đi kèm với ‘lặp ngữ pháp’. (xem bên dưới). Đó là do phương thức lặp ngữ âm trong văn xuôi chỉ tạo ra một độ liên kết không đáng kể, chủ yếu là tạo cho văn bản văn xuôi tính nhạc điệu hay âm hưởng thơ.

3.2 Lặp ngữ pháp
Phương thức ‘lặp ngữ pháp’ thể hiện ở việc lặp lại một hay một số yếu tố ngữ pháp của một phát ngôn ở một phát ngôn khác để tạo ra sự liên kết giữa chúng.
Như vậy, lặp ngữ pháp bao gồm ‘lặp từ ngữ pháp’ (còn gọi là ‘lặp hư từ’) và ‘lặp cấu trúc ngữ pháp’ (còn gọi là ‘lặp cú pháp’) của các phát ngôn. Thông thường, để tăng thêm độ liên kết của hai phát ngôn, người ta kết hợp sử dụng cả hai phương thức này, nghĩa là lặp cả cấu trúc ngữ pháp và hư từ. Có thể quan sát thấy những trường hợp sau:

(i) Chỉ lặp cấu trúc ngữ pháp, ví dụ:
“Từng ngày, mẹ thầm đoán con đã đi đến đâu. Từng giờ, mẹ thầm hỏi con đang làm gì.” (Nguyễn Thị Như Trang. Tiếng mưa).

(ii) Chỉ lặp từ ngữ pháp, ví dụ:
“Nước Việt Nam muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng qúy, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa.” (Thép Mới – Cây tre)

(iii) Lặp cấu trúc và từ ngữ pháp, ví dụ:
Nếu không có nhân dân thì không đủ lực lượng. Nếu không có chính phủ thì không ai dẫn đường.” (Hồ Chí Minh).

Kiểu lặp này rất phổ biến trong các văn bản tiếng Việt, nhất là các văn bản cổ.
Nói chung, trong trường hợp này, lặp cú pháp là phương thức cơ bản. Và, như đã nói ở trên, lặp cấu trúc có thể được kết hợp với lặp ngữ âm. [trường hợp (iii)].
Cũng giống như ở phương thức lặp ngữ âm, ở đây cũng có thể có ‘lặp hoàn toàn’ và ‘lặp một phần’.

(còn nữa)

Posted in Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Một số vấn đề về ngữ pháp văn bản tiếng Việt (tóm tắt)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 18, 2012

Lê Đình Tư

1. Tổng quan

1.1 Ngữ pháp văn bản, ngôn ngữ học văn bản và văn bản học

Ngữ pháp học truyền thống, trong khi chỉ quan tâm đến những đơn vị ngôn ngữ trong phạm vi câu, chưa đi sâu nghiên cứu chức năng giao tiếp của ngôn ngữ cũng như quá trình tiếp nhận và tạo lập các tín hiệu giao tiếp bằng ngôn ngữ, do đó không đủ khả năng giải thích nhiều hiện tượng biểu hiện trong phạm vi câu nhưng lại có liên quan đến những cơ chế ngoài câu như điệp, đối, việc lựa chọn các quán từ, vai trò của đại từ, từ nối, các mối liên kết giữa các câu, v.v. Điều này khiến cho nó không đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn trong phân tích tác phẩm văn học hay phân tích và xây dựng các loại văn bản khác nhau.

Ngữ pháp văn bản ra đời nhằm giải quyết những hạn chế của ngữ pháp trong phạm vi câu. Tuy nhiên, cách gọi tên bộ môn ngôn ngữ học này trong tiếng Việt có phần không chính xác, không phản ánh đúng quan niệm được chấp nhận trong ngôn ngữ học Âu châu, bởi vì thuật ngữ văn bản (text) của các ngôn ngữ Âu châu có thể gây ra sự hiểu nhầm trong tiếng Việt, nơi mà thuật ngữ này vẫn được hiểu theo nghĩa hẹp hơn: ‘sản phẩm ngôn ngữ viết’ hay ‘ngôn phẩm viết’. Do vậy, cần phải hiểu từ ‘văn bản’ theo nghĩa rộng hơn. Ở đây thuật ngữ ‘ngữ pháp văn bản’ bao hàm việc nghiên cứu văn bản không chỉ với tư cách là loại ngôn phẩm viết, mà còn cả với tư cách là những ngôn phẩm nói có cấu trúc của những chỉnh thể trên câu. Như vậy, với tư cách là một thuật ngữ ngôn ngữ học, ‘văn bản’ trong tiếng Việt từ nay cũng bao gồm cả những ngôn phẩm nói.

Ngữ pháp văn bản thường được dùng như là một thuật ngữ đồng nghĩa với ngôn ngữ học văn bản, tuy rằng ngôn ngữ học văn bản có phạm vi nghiên cứu rộng hơn, ví dụ như nó nghiên cứu cả những vấn đề siêu văn bản (hipertekst). Bên cạnh hai thuật ngữ tương đương này còn có một thuật ngữ khác dùng để chỉ một bộ môn khoa học khác nhưng đôi khi lại được dùng theo nghĩa giống như ngữ pháp văn bản, đó là văn bản học (tekstologia) (ví dụ: J. Bartmiński ). Tuy nhiên, theo cách hiểu của phần lớn các nhà ngôn ngữ học thì ‘ngữ pháp văn bản’ và ‘văn bản học’ là hai lĩnh vực khoa học khác nhau, vì quan tâm đến những vấn đề khác nhau: ‘văn bản học’ thường được dùng với nghĩa là ngành khoa học nghiên cứu các văn bản (chủ yếu là văn học) dưới góc độ so sánh nhằm tìm ra những thay đổi trong những văn bản đó. Mục đích chủ yếu của ‘văn bản học’ là phát hiện những chỗ sai sót hay khác biệt của các văn bản để xác định văn bản gốc và các dị bản, những chỗ sáng tạo trong văn bản, lai lịch của văn bản hoặc để phục vụ cho công việc biên tập.

1.2. Nghiên cứu ngữ pháp văn bản trên thế giới và ở Việt Nam
Ngữ pháp văn bản phát triển thành một bộ môn nghiên cứu độc lập trải qua 4 giai đoạn:

(i) Giai đoạn phi ngôn ngữ học: trước năm 30 của thế kỷ XX. Đó là giai đoạn nghiên cứu văn bản một cách rời rạc, chưa có sự định hướng ngôn ngữ học. Các nghiên cứu văn bản trong suốt thời gian này chủ yếu phục vụ cho những lĩnh vực nghiên cứu có liên quan đến văn bản như thuật hùng biện (ví dụ: các triết gia Hy Lạp cổ đại như Aristoteles, Quintillian) hay tu từ học.

(ii) Giai đoạn sơ khai: những năm 30 – 40 của thế kỷ XX. Đó là giai đoạn xuất hiện những công trình nghiên cứu văn bản ít nhiều có dịnh hướng ngôn ngữ học (ví dụ như của nhà ngôn ngữ học Tiệp Khắc Mathesius).

(iii) Giai đoạn tự khẳng định: những năm 50 – 60 của thế kỷ XX. Đây là giai đoạn hình thành và bổ sung các khái niệm cơ bản của ngữ pháp văn bản, xác định đối tượng và mục đích nghiên cứu của nó. Trong giai đoạn này bắt đầu xuất hiện các tung tâm nghiên cứu ở Tiệp Khắc hay ở Liên Xô (cũ). Ngoài ra, các ý kiến chuyên môn của những tên tuổi lớn trong ngôn ngữ học như L. Hjemslev hay H. Weinrich cũng đã góp phần làm cho ngữ pháp văn bản trở thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập.

(iv) Giai đoạn phát triển mạnh mẽ: từ những năm 70 đến nay. Ở giai đoạn này, ngữ pháp văn bản đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập. Người ta đã xây dựng và hoàn thiện được hệ thống khái niệm cơ bản, khẳng định văn bản là đơn vị lớn nhất của ngôn ngữ. Bên cạnh đó, ngữ pháp văn bản trong giai đoạn hiện tại không còn bị giới hạn trong việc nghiên cứu cấu trúc nội tại của văn bản mà còn mở rộng phạm vi nghiên cứu tới những đặc trưng hướng ngoại của nó. Xuất hiện ngày càng nhiều các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa các kiểu ứng xử và những đặc trưng xã hội hoặc văn hóa của con người, ví dụ: Trường phái Anh-Mỹ (Halliday, Hymes), các công trình nghiên cứu về ngữ dụng (Grice), hay phân tích hội thoại (Goffman, Jefferson).

Ở Việt Nam, nghiên cứu về ngữ pháp văn bản còn chưa có nhiều, tuy rằng cũng đã thu được những kết quả nhất định, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu về tính liên kết (Kohezja) của văn bản (ví dụ: Trần Ngọc Thêm) và tính mạch lạc (Koherencja) văn bản (ví dụ: Diệp Quang Ban). Cũng đã có một số nhà nghiên cứu (ví dụ: Đỗ Hữu Châu) bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu cấu trúc hướng ngoại của văn bản. Ngoài ra, có một số nhà nghiên cứu (ví dụ: Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú) vẫn tiếp tục đường hướng nghiên cứu về phong cách của văn bản.

2. Khái niệm về văn bản và văn bản tiếng Việt

2.1 Một vài quan niệm về văn bản
Thuật ngữ ‘văn bản’ trong các ngôn ngữ Ấn-Âu đều bắt nguồn từ chữ La-tinh ‘textus’ có nghĩa là ‘dây bện, vải’. Trong ngôn ngữ học, ‘văn bản’ đã được định nghĩa theo những cách khác nhau. Trên địa bàn tiếng Việt chẳng hạn, Đinh Trọng Lạc quan niệm: “Văn bản … là một thể thống nhất toàn vẹn được xây dựng theo những quy tắc nhất định”. Hữu Đạt thì cho rằng: “Văn bản là một tập hợp các câu (hay phát ngôn) được kết hợp với nhau theo một phương thức nhất định đảm bảo cho việc truyền đạt thông tin có hiệu quả và chính xác.” Định nghĩa của Trần Ngọc Thêm có phần đơn giản hơn: Văn bản là chỉnh thể thống nhất và trọn vẹn về nội dung và hình thức. Nhưng ông cũng khẳng định thêm: “Văn bản là một hệ thống mà trong đó các câu mới chỉ là các phần tử. Ngoài các câu–phần từ, trong hệ thống văn bản còn có cấu trúc. Cấu trúc của văn bản chỉ ra vị trí của mỗi câu và những mối quan hệ, liên hệ của nó với những câu xung quanh nói riêng và với toàn văn bản nói chung. Sự liên kết là mạng lưới của những quan hệ và liên hệ ấy.”.
Hiện nay, trong tiếng Việt, ‘văn bản’ được quan niệm là đơn vị cao nhất của ngôn ngữ. Đó là một chỉnh thể gồm một hay nhiều đoạn văn được liên kết chặt chẽ với nhau để thể hiện một nội dung hoàn chỉnh chung.

2.2 Các bình diện của văn bản
Văn bản là một chỉnh thể, trong đó có thể phân biệt ba bình diện:

(i) Bình diện ngữ kết (hay cấu tạo hình thức)
Đó là bình diện liên quan đến sự liên kết hình thức của các đơn vị ngôn ngữ như các yếu tố ngữ âm, các đơn vị từ vựng, các cách kết hợp mệnh đề và các cách liên kết câu. Bình diện này làm nên tính liên kết của văn bản.

(ii) Bình diện ngữ nghĩa (hay cấu tạo nội dung)
Bình diện này liên quan đến sự liên kết các đơn vị có nghĩa (hình vị, từ, câu) để thể hiện một thông điệp nhằm đạt được một ý định giao tiếp. Xét về mặt này, văn bản là một thể thống nhất về nội dung và tính lôgích. Bình diện này làm nên tính mạch lạc của văn bản.

(iii) Bình diện ngữ dụng
Đó là bình diện liên quan đến những yếu tố tham gia vào việc truyền tải và tiếp nhận văn bản: người nói, nguời nghe, hoàn cảnh giao tiếp, và đến ý định thông báo của người nói. Bình diện này liên quan đến đặc điểm hay chủng loại phong cách của văn bản .

(còn nữa)
___________________________________________________

Posted in Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , , , | 1 Comment »

Ngữ nghĩa học – khái niệm và phạm vi nghiên cứu

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 13, 2011

Lê Đình Tư

1. Ngữ nghĩa học – những cách hiểu khác nhau

Cho đến nay, khái niệm ‘ngữ nghĩa học’ vẫn không được hiểu một cách thống nhất. Thuật ngữ này vốn bắt nguồn từ chữ ‘sēmantiká’ trong tiếng Hy Lạp và được dùng chủ yếu để chỉ lĩnh vực khoa học nghiên cứu về ý nghĩa của các từ, mệnh đề, câu, kí hiệu hoặc các biểu tượng. Trong hệ thống thuật ngữ khoa học quốc tế, ‘ngữ nghĩa học’có những tên gọi khác nhau, ví dụ: trong tiếng Anh: semantics (semantyka), semiology (semiologia), semiotics (semiotyka), semasiology (semazjologia). Xét về nội hàm của thuật ngữ, trong tiếng Việt có thể cần phải phân biệt hai khái niệm: ‘nghĩa học’ và ‘ngữ nghĩa học’.

Có thể nêu một cách khái quát những cách hiểu chủ yếu sau đây về ‘nghĩa học’:

Nghĩa học có thể được hiểu như là một thuật ngữ của lí thuyết chung về tín hiệu (thường được gọi là nghĩa học lô gích – semantyka logiczna lub semiotyka logiczna), tức là đồng nghĩa với ‘tín hiệu học’ (semiologia hoặc semiotyka), một trong ba bộ môn của lô gích học nghiên cứu về các tín hiệu (từ và các thành ngữ), các thuộc tính và chức năng của chúng. Đó là: nghĩa học, dụng học và kết học (semantyka, pragmatyka i syntaktyka) (theo Charles W. Morris). Đây là một lĩnh vực nghiên cứu nằm ở ranh giới của các ngành khoa học: triết học, ngôn ngữ học, lô gích học, lí thuyết thông tin và nhân học.Theo cách hiểu này, nghĩa học nghiên cứu mối quan hệ giữa các tín hiệu và hiện thực mà chúng biểu đạt. Khác với tín hiệu học lô gích, vốn bắt nguồn từ Ch.S. Peirce, L. Wittgenstein và R. Carnap, tín hiệu học không phải là một lĩnh vực khoa học được xác định rõ ràng. Các nghiên cứu tín hiệu học đã được khai triển tương đối muộn và cho đến tận ngày nay phạm vi của chúng vẫn chưa được xác định một cách chính xác.

Thuật ngữ tín hiệu học được sử dụng lần đầu trong tác phẩm ‘Giáo trình ngôn ngữ học đại cương’ của F. De Sausure. Trong tác phẩm này, Sausure đã đề xuất thành lập một ngành khoa học mới là tín hiệu học với đối tượng quan tâm chủ yếu là tín hiệu. Tuy nhiên, ý tưởng của Sausure là trong ngành khoa học này, tín hiệu sẽ được xem xét trước hết ở sự hoạt động xã hội của nó, và ngành khoa học mới này sẽ trở thành cơ sở của ngôn ngữ học theo cách hiểu mới, tức là khoa học nghiên cứu về một loại tín hiệu – tín hiệu ngôn ngữ. Như vậy, ngôn ngữ học sẽ trở thành một bộ phận của tín hiệu học – khoa học chung về tất cả các tín hiệu. Một số nhà tín hiệu học, như Pierre Guiraud chẳng hạn, thì định nghĩa tín hiệu học hẹp hơn, coi đây là ngành khoa học nghiên cứu về tất cả những hệ thống tín hiệu nào không phải là tín hiệu ngôn ngữ.

Nghĩa học theo cách hiểu của triết học ngôn ngữ (gọi là nghĩa học tổng quát – semantyka ogólna) – một quan niệm xã hội học-triết học về ngôn ngữ, phát triển ở Mỹ từ những năm hai mươi của thế kỷ XX. Thực ra, thuật ngữ này không có mấy điểm chung với nghĩa học lô gíchnghĩa học ngôn ngữ học, vì nó chủ yếu nghiên cứu việc cải thiện các quan hệ giữa con người với con người thông qua việc cải thiện ngôn ngữ, còn những vấn đề quan tâm khác của nó lại liên quan chủ yếu đến lĩnh vực xã hội học, tâm lí học và tâm lí trị liệu (psychoterapia). Người khởi xướng cho nghĩa học tổng quát là Alfred Korzybski, một triết gia và nhà lô gích học người Mỹ gốc Ba Lan. Chính Koszybski vẫn thường nhấn mạnh rằng không nên lẫn lộn nghĩa học tổng quát của ông với nghĩa học ngôn ngữ học. Trong hai tác phẩm của mình (‘Manhood of Humanity’ – Sự trưởng thành của nhân tính, và ‘Science and Sanity’ – Khoa học và sự tỉnh táo), ông đã nêu ra và giải thích những vấn đề chủ yếu của nghĩa học tổng quát, trong đó quan trọng nhất là quan điểm của ông về kiến thức và sự truyền đạt kiến thức. Theo ông, kiến thức của con người cũng như việc chuyển giao kiến thức đó bị giới hạn bởi cấu trúc của hệ thần kinh con người và cấu trúc của ngôn ngữ. Con người không thể tiếp thu thế giới khách quan một cách trực tiếp mà chỉ có thể tiếp nhận nó thông qua những mối liên tưởng trừu tượng, những hình ảnh tiếp nhận được thông qua hệ thần kinh và được truyền tải nhờ ngôn ngữ. Quá trình này bị tác động bởi những cảm nhận phức tạp của con người và sự thiếu chính xác của ngôn ngữ khiến bức tranh của hiện thực bị biến dạng.

Quan điểm của Koszybski sau đó tiếp tục được các học trò của ông tiếp thu và phát triển.

Nghĩa học được hiểu là một bộ môn của ngôn ngữ học (gọi là ‘nghĩa học ngôn ngữ học‘ hoặc ngắn gọn hơn: ‘ngữ nghĩa học‘– semantyka językoznawcza) nghiên cứu về ý nghĩa của các từ nói riêng và các đơn vị ngôn ngữ nói chung (thành ngữ, câu, văn bản). Thuật ngữ ‘ngữ nghĩa học’ theo cách hiểu này đã được nhà ngôn ngữ học Pháp Michel J. A.Bréal đưa ra lần đầu trong tác phẩm Essai de sémantique xuất bản năm 1897. Ngữ nghĩa học nghiên cứu trước hết ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, nhưng cũng nghiên cứu cả mối quan hệ giữa hình thức và nội dung của tín hiệu ngôn ngữ theo nghĩa đồng đại và lịch đại. Ngoài ra, ngữ nghĩa học còn nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nghĩa của từ, tức là giữa nghĩa cơ bản (hoặc nghĩa gốc) của nó với các nghĩa phái sinh hoặc nghĩa cụ thể được sử dụng trong phát ngôn. (Sẽ nói rõ thêm ở phần sau).

(còn nữa)

______________________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa học, Những vấn đề đại cương | Thẻ: , , , , , , , | Leave a Comment »

Tiếng Việt sẽ bao gồm 33 kí tự?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 9, 2011

Đó là đề xuất thêm ký tự F, J, W,Z trong bảng chữ cái tiếng Việt đã được đưa vào dự thảo thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính của Bộ GD-ĐT.

Tối 8/8, ông Quách Tuấn Ngọc – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người trực tiếp soạn thảo thông tư trên – cho biết dự thảo sẽ công bố trong tháng 8/2011 để xin ý kiến các nhà ngôn ngữ học, tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến ban hành chính thức vào tháng 10/2011.

Giải thích về việc bổ sung các ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt, ông Ngọc cho rằng chữ viết của VN hiện nay được sáng tạo trên việc sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt nhưng đã phức tạp hóa bằng các chữ kép thay thế cho nhóm ký tự F, J, W, Z khiến cho tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong cộng đồng người sử dụng máy tính thì các ký tự trên đã trở nên quen thuộc, chủ yếu phục vụ việc gõ các ký tự riêng của tiếng Việt là ă, â, ê, ơ, ư. Vì vậy, việc thừa nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái tiếng Việt là cần thiết để thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt trên môi trường máy tính và sách giáo khoa.

Dự thảo thông tư trên còn một nội dung khác là làm rõ xung quanh chữ “y” và “i” trong những trường hợp phát âm giống.

Nếu thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 ký tự.

(Theo Tuổi trẻ)
_________________________________________________________________

Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Phương tiện biểu thị nghĩa ngữ pháp (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 18, 2011

9. Các phương tiện biểu thị ý nghĩa cầu khiến/mệnh lệnh

Các từ dùng để biểu thị ý nghĩa cầu khiến/mệnh lệnh được chia thành hai nhóm: 1) phó từ và 2) từ tình thái.

– Những phó từ dùng để tạo câu mệnh lệnh là: hãy, đi, đừng, chớ. (xem lại phần Phụ từ)

– Những từ tình thái dùng để biểu thị ý nghĩa cầu khiến/động viên/thúc giục là: nào, vào, thôi, nhé.

+ Bình thường, chỉ cần sử dụng những từ nói trên cũng đủ thể hiện ý nghĩa cầu khiến/động viên/thúc giục. Ví dụ:
1) Mọi người vào đây cả nào!
2) Hết giờ rồi, về thôi!
3) Anh mua nhiều nhiều vào!
4) Đi cẩn thận nhé!

+ Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ta có thể kết hợp các từ tình thái này với các phó từ ‘hãy’, ‘đi’ đã nêu ở trên để tăng thêm ý nghĩa cầu khiến/mệnh lệnh. Ví dụ:
1) Mọi người hãy vào đây cả nào!/ Mọi người hãy vào đây cả đi nào!
2) Anh hãy mua nhiều nhiều vào!
3) Hết giờ rồi, hãy về thôi!/ Hết giờ rồi, hãy về đi thôi!
4) Hãy đi cẩn thận nhé!/ Hãy ăn no đi nhé!

+ Ngoài ra, từ ‘nhé’, ‘nào’ còn có thể kết hợp với các từ ‘thôi’, ‘vào’ thành cặp để tăng thêm ý nghĩa động viên/thúc giục và tính biểu cảm. Ví dụ:
1) Hết giờ rồi, về thôi nào!/ Hết giờ rồi, về thôi nhé!
2) Con đi đứng cẩn thận vào nào!/ Con đi đứng cẩn thận vào nhé!

– Ngoài các từ nêu trên, với một số trường hợp, ta còn có thể sử dụng phó từ ‘lên’, và cũng có thể kết hợp nó các từ ‘nào’, ‘nhé’ nói trên để thể hiện ý nghĩa cầu khiến/ động viên/ thúc giục. Tuy nhiên, từ ‘lên’ có thể dùng với các tính từ. Ví dụ:
1) Cười lên!</Cười lên nào!/ Cười lên đi!/ Hãy cười lên đi!
2) Tươi lên!/ Tươi lên nhé!/ Hãy tươi lên nào!

10. Các phương tiện biểu thị ý nghĩa dạng

Để biểu thị ý nghĩa ‘dạng bị động’, tiếng Việt dùng hai nhóm từ: 1) các phụ từ: ‘được’, ‘bị’, và 2) các giới từ: ‘do’, ‘bởi’.

– Các phụ từ ‘được’ và ‘bị’ vốn là những động từ (xem lại phần Từ loại tiếng Việt) đã được ngữ pháp hóa, do đó khi sử dụng cần phân biệt hai chức năng của chúng: chức năng biểu thị sự may/rủi và chức năng biểu thị ‘dạng bị động’ của động từ. Ví dụ, so sánh:
1) Người kia được cơm rượu lại được ba quan tiền. (‘được’ là động từ)
2) Ra đường, phụ nữ thường được nhìn kĩ hơn. (‘được’biểu thị dạng bị động)

– Từ ‘được’ dùng để biểu thị ‘dạng bị động’ nhưng có kèm theo nghĩa ‘tích cực’, vì vậy, về nguyên tắc, ta chỉ có thể kết hợp nó với những động từ có nghĩa ‘tích cực’ như: khen, tặng, thưởng, yêu, thương, xây dựng, …mà không thể kết hợp nó với những động từ có nghĩa ‘tiêu cực’ như: ghét, đánh, mắng, bỏ tù, từ chối,… Ví dụ:
1) Chị Hà được thưởng Tết 10 triệu đồng. (+)
2) Một cô gái được giết trong khách sạn. (-)

– Trái lại, từ ‘bị’ dùng để biểu thị ‘dạng bị động’ nhưng có kèm theo nghĩa ‘tiêu cực’, vì vậy, về nguyên tắc, ta chỉ có thể kết hợp nó với những động từ có nghĩa ‘tiêu cực’,… mà không thể kết hợp nó với những động từ có nghĩa ‘tiêu cực’. Ví dụ:
1) Vì anh mà em bị mắng. (+)
2) Cuốn tiểu thuyết đã bị tặng thưởng giải nhất của Hội Nhà văn. (-)

– Trên đây là những ví dụ về câu dạng bị động chỉ có chủ ngữ (ngữ pháp) mà không có ‘chủ thể’ của hành động/hoạt động. Nguyên tắc chung khi sử dụng ‘được’ và ‘bị’ trong trường hợp này là: đặt các phụ từ này trực tiếp trước các động từ. Đối với những câu bị động có cả chủ ngữ (ngữ pháp) và ‘chủ thể’ của hành động/hoạt động, cần phải tuân theo mô hình kết cấu chung như sau:

S + (được/bị) + A + V

Ví dụ:
1) Bài ca của ông được nhiều người mến mộ.
3) Nó vừa bị cô ấy tát cho hai cái.

– Các giới từ ‘do’, ‘bởi’ có ý nghĩa trung hòa và thường được dùng theo mô hình kết cấu sau:

N + (do) + A + V (‘do’ thay cho ‘được’/ ‘bị’)
N + (được/bị) + V + (bởi) + A

Ví dụ:
1) Đây là loại ôtô do công ti Toyota sản xuất.
2) Bộ bàn ghế được làm ra bởi những người thợ tài hoa.

Ghi chú:

* Trong thực tế có thể bắt gặp những trường hợp, trong đó ‘được/bị’ được dùng không theo nguyên tắc đã nêu ở trên. Đó là cách sử dụng mang tính chất tu từ và do đó ý nghĩa của các từ này có thể thay đổi. Ví dụ:
1) Chẳng ai muốn bị cô ấy yêu.
2) Được thủ trưởng nhắc nhở là một vinh dự.

* Cũng có thể bắt gặp những trường hợp, trong đó ‘được’ và ‘bị’ được sử dụng cùng với nhau. Đó cũng là những trường hợp sử dụng mang tính chất tu từ và ý nghĩa chung sẽ phụ thuộc vào ‘được’ (nghĩa ‘tích cực’). Ví dụ:

Bà vẫn ao ước được … bị hiếp dâm nữa mà không bao giờ cái dịp hiếm có ấy lại tái hiện. (Vũ Trọng Phụng)

* Ngoài ra, có những trường hợp, trong đó việc sử dụng cả ‘được’và ‘bị’ đều có thể được chấp nhận. Khi ấy sự khác nhau về nghĩa (tốt hay xấu) sẽ phụ thuộc vào thái độ của người nói đối với hiện thực. Ví dụ:
1) Nội dung tờ quảng cáo đã bị thay đổi.
2) Nội dung tờ quảng cáo đã được thay đổi.

_______________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

Phương tiện biểu thị nghĩa ngữ pháp (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 11, 2011

7. Các phương tiện thể hiện ý nghĩa thời

Các từ dùng để thể hiện ý nghĩa thời trong tiếng Việt gọi là phó từ chỉ thời gian.

– Phó từ chỉ thời gian là các từ: đã, chưa, đang, sẽ, vừa, mới, sắp, từng. (xem lại phần Phụ từ).

Trong tiếng Việt, vấn đề ‘thời’ hiện chưa được giải quyết một cách thống nhất. Có quan điểm cho rằng tiếng Việt không có phạm trù ‘thời’ mà chỉ có phạm trù ‘thể’ (ví dụ: Cao Xuân Hạo và một số người khác). Thực ra, vấn đề này không đơn giản như vậy. Có thể quan niệm rằng trong tiếng Việt có thời tuyệt đốithời tương đối, nên các phó từ nêu trên có thể được sử dụng để biểu thị ‘thời tuyệt đối’ hoặc ‘thời tương đối’. Vì vậy, khi sử dụng, cần phải xác định điểm quy chiếu để phân biệt rõ thời gian của các sự kiện hay quá trình. Ví dụ:

(i) Thời tuyệt đối:
+ Tôi học tiếng Việt.
+ Tôi đã học tiếng Việt sáu tháng.
+ Tôi sẽ học tiếng Việt một năm.

(ii) Thời tương đối:

* Hiện tại tương đối:
+ Tôi đang học tiếng Việt thì nó gọi.
+ Ngày mai, vào giờ này, tôi còn đang học tiếng Việt.
+ Hồi ấy, tôi đang học tiếng Việt ở Hà Nội.

* Quá khứ tương đối:
+ Bởi vì tôi đã bắt đầu đi học sớm hơn, cho nên khi anh Cán còn đang học đại học thì tôi đã đương làm ở Viện rồi.
+ Ngày mai, vào giờ này thì anh ấy đã đến Nội Bài rồi.
+ Trong nhà đã ngủ yên cả rồi.

* Tương lai tương đối:
+ Lúc ấy, nó nói với tôi: nếu có điều kiện nó sẽ trở về thăm quê hương.
+ Khi không còn ai trong phòng, nó mới nói sẽ không học tiếp nữa.

8. Các hư từ biểu thị ý nghĩa kết quả của hành động/hoạt động

– Để chỉ kết quả của hành động/hoạt động (hoàn thành hay chưa hoàn thành), tiếng Việt chủ yếu dùng các phó từ: xong, rồi, chưa.

+ Từ ‘xong’ và ‘rồi’ vừa biểu thị ý nghĩa ‘kết quả’ vừa biểu thị ý nghĩa ‘thời’, do đó chúng có thể được sử dụng một mình hoặc dùng cùng với các từ chỉ ‘thời’ hay được kết hợp với nhau thành cặp. Ví dụ:
1/ Giáo sư đã đến./ Giáo sư đến rồi./ Giáo sư đã đến rồi.
2/ Chiều nay tôi dịch xong./ Chiều nay tôi sẽ dịch xong./ Chiều nay tôi sẽ phải dịch xong rồi.
3/ Tôi từng ăn thử món này./ Tôi ăn thử món này rồi./ Tôi đã từng ăn thử món này rồi.
4/ Tôi chưa làm./ Tôi chưa làm xong./Tôi sắp làm xong. (Trong các ví dụ này, ý nghĩa các câu khác nhau).

+ Cũng có khi từ ‘xong’, ‘rồi’, ‘chưa’ chỉ biểu thị ý nghĩa kết quả (hoàn thành) mà không biểu thị ý nghĩ thời. Trong những trường hợp này, chúng thường biểu thị trạng thái của sự vật hoặc hiện tượng. Ví dụ:
1/ Công việc chưa làm xong./Công việc làm xong rồi.
2/ Cơm chưa chín./ Cơm chín rồi.
3/ Nó chưa ngủ./ Nó ngủ rồi.

– Ngoài ra, trong tiếng Việt, các phó từ: mất, được, ra, cũng được sử dụng để biểu thị kết quả của hành động/hoạt động. Các phó từ này cũng có thể được sử dụng kết hợp với phó từ ‘rồi’ đã nói ở trên. Ví dụ:
1/ Anh Lực quên mất em rồi.
2/ Tôi hiểu được câu này rồi.
3/ Em tìm ra câu trả lời rồi.

+ Từ ‘mất’, ngoài ý nghĩa ‘kết quả’ còn thể hiện sự đánh giá/thái độ đối với ‘kết quả’ đó, thường thì đó là sự đánh giá tiêu cực. Ví dụ, so sánh:
1/ Tôi quên anh ấy rồi./ Xuýt nữa tôi quên mất anh ấy.
2/ Mèo ăn đĩa cá rồi. 2/ Sao không đậy, để mèo ăn mất đĩa cá, hả?

+ Phó từ ‘ra’ và ‘được’ tuy có thể thay thế nhau nhưng ‘ra’ chủ yếu dùng để biểu thị kết quả của những hoạt động trí óc (nhận thức) nên thường dùng với những động từ biểu thị hoạt động tâm lí như: nghĩ, tìm (ví dụ: Tìm ra câu trả lời), hiểu, phát hiện…, còn ‘được’ dùng để biểu thị kết quả của các hoạt động nói chung kèm theo nghĩa ‘khả năng’ nên có thể sử dụng với tất cả các động từ bao hàm nghĩa „khả năng” Ví dụ:
1/ Tôi nghĩ ra một cách để đuổi khéo nó.
2/ Phải mất hai năm công an mới bắt được thủ phạm vụ giết người cướp của.

Ghi chú:

* Cần nhớ lại rằng, phó từ ‘rồi’ khi được dùng với một số động từ chỉ hoạt động tâm lí/quá trình sẽ thay đổi ý nghĩa và biểu thị nghĩa ‘bắt đầu’ chứ không phải là nghĩa ‘kết quả’. Ví dụ:

Từ nay tôi tin anh rồi.

* Ngoài các phó từ chỉ kết quả trên đây, tiếng Việt còn có từ ‘thấy’ cũng dùng để chỉ kết quả. Tuy nhiên, ‘thấy’ không phải là hư từ theo đúng nghĩa. Từ này ngoài ý nghĩa ‘kết quả’ còn bao hàm nét nghĩa ‘nhận biết bằng giác quan, vì vậy có thể coi đây là yếu tố cấu tạo từ mới. Ví dụ:
1/ Nói to lên chút nữa, tôi không nghe thấy gì cả.
2/ Theo cánh tay anh ấy chỉ tôi mới nhìn thấy chiếc thuyền.

____________________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »