TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for Tháng Hai, 2010

Tác phẩm dịch: Không ít cảnh ngọng nghịu, ngô nghê tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 27, 2010

Minh Thi

(LĐ) – Với số lượng tác phẩm dịch ồ ạt như hiện nay, người đọc dường như lạc giữa “mê cung”, không biết chọn sách nào hay để đọc. Thế nhưng, chọn được sách hay rồi, lại phải xem xem NXB có uy tín hay không?
Tên tuổi người dịch có được đóng dấu bảo đảm hay không, vì sợ rằng sẽ mua phải một trong số những cuốn sách “thảm hoạ” dịch thuật.

Giật thót ngay trang bìa

Thế nhưng cho đến thời điểm này, điều đáng ngạc nhiên là ngoài những tên tuổi dịch giả có uy tín, hầu hết các loại sách từ văn học đến kinh tế, giáo dục… đều thường ghi là một nhóm tác giả, hoặc một vài cái tên lạ hoắc. Ngay cả cuốn tiểu thuyết kiểu như “Quay cuồng vì yêu” cũng chỉ ghi: “Nhóm dịch Phương Nam”.

Nếu lướt qua các trang bìa sách, nơi quảng cáo nội dung cũng như những lời khen tặng của các nhà phê bình trên khắp thế giới, có thể, người đọc tinh ý đoán được chất lượng dịch của tác phẩm. Bởi ngay ở “mặt tiền” này, nhiều cuốn bộc lộ điểm yếu của người dịch: Vốn tiếng Việt còn non, dịch không Việt hoá, văn phong “đặc” tiếng nước ngoài, khó tiếp cận nổi.

Ngay một cuốn đang được giới thiệu là khá nóng trên thị trường sách văn học – cuốn “Cọp trắng” của Aravind Adiga, người vừa đoạt giải Man Booker 2008 người ta vẫn thảng thốt vì ngoài bìa sách ghi rằng: “Cọp trắng là một trong những cuốn sách mạnh mẽ nhất mà tôi từng đọc trong nhiều thập niên qua”… Tính từ mạnh mẽ thường đi với danh từ chỉ tính cách con người, chứ ít khi được gán cho một cuốn sách, cho dù là “nhân cách hoá” đi chăng nữa.

Bìa sau ghi tiếp: “Một chuyện kể hồ hởi gây cười về Ấn Độ ngày nay, đồng thời là tiếng thét hùng hồn về nhiều sự bất công của nó. Adiga bước vào văn đàn trong bộ chiến giáp và sẵn sàng chinh phục”. (Chinh phục ai? Tại sao lại là “một chuyện kể hồ hởi gây cười”? Thậm chí, với giọng tiếng Việt ngây ngô như vậy, người dịch không hề sợ câu cụt: “Cọp trắng là một tác phẩm lột trần” rồi chấm câu ở đây, mà người ta phải tự đoán hay là “trần trụi”?

Ở bìa cuốn “Quay cuồng vì yêu” (NXB Trẻ và Phương Nam Book), đã có thể phát hiện những câu không ổn về ngữ pháp: “Từ thành phố lớn, Flynn, cô con gái nhà giàu “vô tích sự” về đây tiếp quản một khách sạn được thừa hưởng từ bà cô già mới chết”. “Một khách sạn được thừa hưởng” nên hiểu như thế nào?

Ở bìa cuốn “Michael của tôi” (NXB Văn học và Cty sách Bách Việt), người ta đọc thấy những dòng choáng váng như: “Được viết đẹp, xúc động và sâu sắc, cuốn tiểu thuyết xuất sắc này lập tức trở thành câu chuyện tình ám ảnh…”. Còn bìa sau cuốn “Sự hiền hoà của sói” (NXB Văn hóa Sài Gòn – Chibooks) lại có những dòng rối rắm khó hiểu kiểu như: “Một cuốn sách hay phi thường (!)…

Có những thần bí, âm mưu, mê đắm, dũng cảm, xấu xa, kịch tính trong sự sinh tồn giữa quang cảnh mênh mông và còn nhiều nữa (?). Penney đã tạo ra những nhân vật mà người ta tin là thật từ tất cả yếu tố rời rạc nhau…”. Hay “một câu chuyện phiêu lưu đầy mê hoặc, một sự tương phản sảng khoái…”(!).

Ngay đầu đề cuốn “Sách “đen” về tinh thần doanh nhân” (NXB Trẻ), đã có một cụm từ vụng: “Cẩm nang giúp thành công cho những người dám nghĩ dám làm”. Lẽ ra nên là “Cẩm nang giúp những người dám nghĩ dám làm thành công”. Một ví dụ khác nữa, cuốn “Dốc hết trái tim” (NXB Trẻ) ở bìa trong ghi: “Nó là câu chuyện về một đội ngũ xây dựng một doanh nghiệp thành công…”. Một lỗi sơ đẳng khi bê nguyên cấu trúc câu tiếng Anh sang tiếng Việt trong quá trình chuyển ngữ!

Vốn tiếng Việt còn yếu

Chỉ nói riêng bìa sách mà đã thể hiện sự cẩu thả khi chuyển ngữ, thì thử hỏi, nội dung bên trong sẽ như thế nào. Dịch giả nổi tiếng Cao Xuân Hạo sinh thời từng nhận xét: “Đọc nhiều bản dịch cảm thấy ngọng nghịu cứ như là nghe tây nói tiếng Việt!”. Và ông cho rằng, hình như một số dịch giả dịch quá sát nguyên bản mà không đọc lại cho kỹ xem văn Việt của bản dịch có ngô ngọng quá không!

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: Ngoài việc đẩy mạnh công tác phê bình dịch, cần xem lại công tác biên tập của các NXB. Phải đối chiếu bản dịch với bản gốc xem có chính xác không, rồi lại xem bản tiếng Việt đã nhuần nhuyễn chưa. Lâu nay, chúng ta hầu như không có biên tập dịch theo đúng nghĩa!

Một độc giả cho biết: “Có hai điều làm tôi thấy rất khó chịu khi đọc sách dịch. Thứ nhất là, bản dịch quá dở, không truyền tải được cái hay, cái đẹp của nguyên bản. Thứ hai là, sách bị lỗi về chính tả hay đánh máy (đa số sách nào cũng vậy)”.

Làm thế nào để những dịch giả làm việc cẩu thả hoặc không có thực tài phải giải nghệ? Có ý kiến cho rằng: Bên cạnh những thông tin về sách hay, bản dịch hay, dịch giả hay để chỉ người khác tìm đọc, cũng nên có những thông tin về sách dở, bản dịch dở, dịch giả dịch dở hoặc thiếu trách nhiệm (chỉ mướn học sinh dịch mà không kiểm tra)… để hướng dư luận đến chỗ tẩy chay các đầu sách dở…

______________________________________________________________

Posted in Dịch thuật và ngôn ngữ học, Tiếng Việt và Dịch thuật | Thẻ: | Leave a Comment »

Tiếng nước tôi – Bảo vệ tiếng Việt bắt đầu từ nhà trường

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 27, 2010

VIỆT HOÀI – LAM ĐIỀN

TT – Nếu dùng “khiếm thính”, “khiếm thị” trong văn bản chính thức thay cho “điếc”, “mù” thì sẽ tìm từ nào tương ứng thay cho “câm” để khỏi mang tiếng “kỳ thị người khuyết tật”?

Từ chuyện tưởng rất nhỏ và cá biệt đó đến chuyện vĩ mô như “Ðề án ngoại ngữ đến năm 2020” của Chính phủ đều đã được các nhà khoa học bàn cãi khá sôi nổi trong hội thảo quốc gia “Chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” vừa kết thúc ngày 27-11 tại Hà Nội.

Tiếng Việt lai căng

Tuy không chủ tâm phản ánh tình trạng “loạn ngôn” trong sử dụng tiếng Việt mà báo chí và công luận đã đề cập khá nhiều, nhưng vì các báo cáo khoa học đều có tính khảo cứu nên các nhà khoa học đã phải dẫn chứng lại không ít trường hợp cười ra nước mắt khi vấp phải việc sử dụng tiếng Việt ngô nghê, lệch lạc, bí hiểm, “hiểu được chết liền”.

Có nhiều lý do được đưa ra để mổ xẻ: tác động của quá trình đô thị hóa và hội nhập, trình độ của người sử dụng ngôn ngữ, tâm lý tự ti ngôn ngữ vì nghĩ mình thuộc nền văn hóa nhỏ…, nhưng tập trung nhất vẫn là vì chưa có chính sách ngôn ngữ tương xứng ở tầm quốc gia, đặc biệt là xác định trọng tâm của việc dạy tiếng Việt cho trẻ em từ tiểu học.

Chính sách ngôn ngữ – vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia

Kể từ hội nghị khoa học toàn quốc về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” (năm 1979) và hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và phát triển” (năm 1993) đến nay, đã gần 20 năm mới lại có một hội nghị toàn quốc về ngôn ngữ. Nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn về việc “suy thoái” ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học đều khẩn thiết mong có những chính sách từ cấp cao nhất để có những giải pháp cơ bản và lâu dài bảo vệ, phát triển và hiện đại hóa ngôn ngữ. GS Nguyễn Văn Khang cho rằng: “Theo cách nhìn truyền thống, chính sách ngôn ngữ chỉ được nhìn nhận là một bộ phận của chính sách dân tộc, thì ngày nay chính sách ngôn ngữ có quan hệ đến hàng loạt vấn đề: dân tộc, tôn giáo, văn hóa truyền thông, giáo dục, an ninh quốc phòng và trở thành một vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia”.

Nhìn trực diện vào bề nổi của hiện trạng sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn, các nhà nghiên cứu Vũ Kim Bảng, Văn Tú Anh, Vũ Thị Hải Hà, Ðinh Công Ðức, Ðinh Lư Giang… mổ xẻ cách dùng tiếng Việt bất nhất, lai căng và lộn xộn trong tên tắt của các doanh nghiệp, trong phát âm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong giao tiếp trên mạng của thanh thiếu niên, thậm chí trong cả văn bản hành chính – công vụ.

Có nhiều ý kiến bàn bạc xung quanh tham luận “Xác định lỗi phát âm khi dạy đọc – nói cho học sinh tiểu học” của Lê Thanh Nhàn. Các ý kiến thống nhất cho rằng nên chuẩn hóa chữ viết và tôn trọng cách phát âm địa phương. GS Hồ Ngọc Ðại nhấn mạnh tiếng Việt của ta vô cùng giàu đẹp, có giá trị và tha thiết kiến nghị chúng ta cần thống nhất cách gọi tên các chữ cái Việt và gọi theo âm của ta: a, bờ, cờ…

Nguy cơ độc tôn tiếng Anh
Khía cạnh tâm lý “tự ti ngôn ngữ” đã được các nhà nghiên cứu Bùi Hiền, Lê Hùng Tiến, Nguyễn Thiện Giáp… chỉ ra rất thẳng thắn khi phê phán “Ðề án ngoại ngữ đến năm 2020”. Các nhà khoa học đều cho rằng việc độc tôn tiếng Anh trong trường phổ thông sẽ giết chết sự đa dạng ngôn ngữ, đa dạng văn hóa và thậm chí cả tiếng Việt.

Ði sâu vào phân tích từng khía cạnh cụ thể, nhà nghiên cứu Lê Hùng Tiến cung cấp những chứng cứ khoa học cho thấy chương trình mới của Bộ GD-ÐT dạy tiếng Anh từ lớp 3 là không thực tế, gây lãng phí và đề nghị tập trung xây dựng tốt chương trình ngoại ngữ bảy năm. Tác giả cũng kiến nghị cần tiến hành các cơ sở khoa học chắc chắn trước khi cải cách chương trình, biên soạn sách, đào tạo giáo viên. Ý kiến này được nhiều đại biểu tán thành.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Hùng cũng khẳng định “Ðề án ngoại ngữ đến năm 2020” của ta phi lý vì chưa xác định được mục tiêu học ngoại ngữ. Các GS Hồ Ngọc Ðại, Nguyễn Thiện Giáp đều nhấn mạnh tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ giảng dạy, tùy từng chuyên ngành ở một số trường đại học hiệu trưởng có thể quyết định dạy bằng tiếng Anh nhưng không được ghi vào luật.

Việt hóa không thống nhất

Tham luận của tác giả Nguyễn Trung Thuần đặt vấn đề “Tiếng Việt trong công nghệ thông tin” thu hút nhiều sự quan tâm. Tác giả nêu hàng loạt tồn tại trong việc chuyển ngữ, Việt hóa các thuật ngữ công nghệ thông tin. Ðặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều trang mạng xã hội được người Việt Nam tham gia, nhưng cách Việt hóa không thống nhất làm bức tranh tiếng Việt trong lĩnh vực này hiện đang xa lạ với tiếng Việt, thậm chí còn tối nghĩa. Ðây thật sự là vấn đề cần thiết, PGS.TS Vũ Kim Bảng cho rằng trong lĩnh vực này mỗi hãng công nghệ thông tin có một cách lựa chọn để dịch sang tiếng Việt các thuật ngữ. Có lẽ ta cần phải có một bộ phận định hướng chuẩn về thuật ngữ công nghệ thông tin và nên biên soạn một bộ từ điển thuật ngữ công nghệ thông tin để làm công cụ chung.

Thực tế này cho thấy lâu nay công cuộc nghiên cứu và hoạch định chính sách ngôn ngữ của chúng ta đã quá xa rời so với diễn biến và phát triển của ngôn ngữ trong xã hội, nhất là ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ chuyên ngành.

GS Nguyễn Hữu Tồn, viện trưởng Viện Ngôn ngữ, cùng nhiều nhà ngôn ngữ học kiến nghị: “Nhà nước cần xây dựng một chính sách ngôn ngữ: về mặt pháp lý cần triệt để, nghiêm túc bảo đảm và thực hiện quyền bình đẳng giữa các ngôn ngữ ở Việt Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ngôn ngữ có được quyền bình đẳng trong thực tế. Cụ thể là các dân tộc có quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, trong các phạm vi giao tiếp…

Ðã đến lúc Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng ngay bộ luật về ngôn ngữ…”.

Posted in 1, Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: | Leave a Comment »

Bàn thêm về cuốn sách 1.575 thành ngữ – tục ngữ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 27, 2010

Tường Vy

Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt là một đề tài được nhắc đến rất nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập của đất nước hiện nay. Chứng minh cho sự giữ gìn tiếng Việt là các câu thành ngữ, tục ngữ vốn được sáng tạo và lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ người Việt.

Từ hiểu sai, dùng sai

Cuốn theo những biến đổi mạnh mẽ của xã hội, các câu thành ngữ, tục ngữ cũng dần bị biến đổi theo cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, trong quá trình biến đổi đó, nhiều trường hợp các câu thành ngữ, tục ngữ đã sai lệch so với nguyên gốc, từ đó dẫn đến việc áp dụng sai vào trong văn bản. Việc viết sai, hiểu sai, dùng sai các thành ngữ, tục ngữ vô tình đã làm mất đi tính trong sáng của tiếng Việt.

Trong tình hình đó, cuốn sách 1575 Thành ngữ-Tục ngữ cần bàn thêm (NXB Văn nghệ) của học giả Lê Gia, tác giả của nhiều bộ sách nghiên cứu về ngôn ngữ dân gian Việt Nam, vừa được xuất bản đã giúp bạn đọc hiện nay hiểu rõ hơn về ý nghĩa thật sự của những thành ngữ, tục ngữ thường được sử dụng.

Trong lời mở đầu, tác giả đã nhấn mạnh cuốn sách không phải là một cuốn từ điển về thành ngữ, tục ngữ mà là một tác phẩm nhằm bổ sung thêm, giải thích lại ý nghĩa của 1.575 thành ngữ, tục ngữ mà vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan đã bị diễn giải, sử dụng sai trong các văn bản kể cả trong nhiều cuốn từ điển tiếng Việt, từ điển thành ngữ, tục ngữ.

Có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ vốn dĩ tưởng chừng rất quen thuộc, thường xuyên được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng bản thân người sử dụng cũng như một số sách từ điển hoặc không hiểu rõ hoặc giảng sai. Ví dụ điển hình như câu thành ngữ “Há miệng mắc quai”, nhiều sách từ điển cho rằng, hàm ý rằng đã trót ăn của ai rồi thì không thể mở miệng phê phán, tố cáo họ được. Theo học giả Lê Gia thì giải thích cách đó mang ý nghĩa đạo đức, đi vào ứng dụng cụ thể của câu hơn là ý nghĩa thật sự ban đầu. Theo ông, “quai” đây là quai nón. Khi đội cái nón lá thì ta phải kéo quai nón xuống mà vít cứng dưới cằm để nón khỏi bay. Và như vậy khi muốn há miệng ra cũng rất khó vì mắc cái quai nón ghì cứng cằm mình. Từ hình ảnh đó, thành ngữ hàm ý muốn nói: “Mình đã nhờ vả họ, suy tôn họ, đề cao họ, phục tùng họ, đội họ lên đầu (đội nón) rồi thì nay có muốn nói gì khác về họ cũng rất khó mở miệng ra mà nói vì tay chân họ, ảnh hưởng của họ (quai nón) sẽ giữ cứng miệng mình lại. Đó là tự mình khóa miệng mình”.

Cũng tương đồng như thế, ở câu tục ngữ “Một tiền gà, ba tiền thóc”, nhiều trường hợp được sử dụng, lý giải như là việc tham một món lợi nhỏ sẽ dẫn đến tổn thất, thiệt thòi lớn gấp nhiều lần sau này. Học giả Lê Gia cho rằng trên thực tế, câu nói này hàm ý: “Tiền vốn bỏ ra lúc ban đầu để mua cho có thì ít hơn nhiều so với tiền bỏ ra tiếp theo để nuôi dưỡng nếu mình muốn sử dụng, hưởng lợi”. Do đó, câu tục ngữ này ý khuyên nên tính toán đến khả năng lo toan sau này khi làm việc gì đó chứ hoàn toàn không phải mang nghĩa tiêu cực, phê phán…

Đến hiểu nhầm, dùng nhầm

Thậm chí, có khi thành ngữ, tục ngữ còn bị hiểu sai lệch hoàn toàn so với ý nghĩa ban đầu dẫn đến dùng nhầm. Điển hình nhất như câu thành ngữ “Xướng ca vô loài” vốn hay bị xem là một câu chửi mắng, dè bỉu những người làm nghề ca hát, biểu diễn sân khấu. Theo học giả Lê Gia thì thời xưa người ta chia xã hội ra làm bốn thành phần chính là “sĩ, nông, công, thương” (người có học, người làm ruộng, người làm công nghệ và người buôn bán) là những thành phần có đông người, được gọi là “Tứ dân”. Còn các thành phần ít người và bán chuyên nghiệp như lên rừng tìm kiếm lâm sản, làm dịch vụ như chèo đò, làm thuê… trong đó có giới “xướng ca” thì không được xếp vô loại nào cả (vô loài) tức là không thuộc hạng “Tứ dân”, chứ không có ý khinh khi gì cả. Việc ngại gả con cái, không thích cho con cái theo con đường này không phải vì “vô loài” mà do lúc đó tiền nhân không coi đây là nghề chính thức, mang tính nghiệp dư và chỉ có thể hành nghề khoảng chục năm, sau đó cùn nghề, thành thất nghiệp.

Là một học giả có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam, thế nhưng tác giả Lê Gia cũng khá cẩn thận khi dùng từ “cần bàn thêm” cho tác phẩm của mình. Ý kiến của học giả Lê Gia chỉ nhằm “bàn thêm”, góp thêm một cách hiểu được cho là tương đối đúng nhất về những câu thành ngữ, tục ngữ quen thuộc. Từ cách hiểu đúng sẽ dẫn đến dùng đúng thành ngữ, tục ngữ cho từng hoàn cảnh, ngữ cảnh khác nhau. Sự trong sáng của tiếng Việt vì thế sẽ được bảo vệ một cách hiệu quả hơn.

____________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học tri nhận, Ngữ cú học | Thẻ: | Leave a Comment »

Phương ngữ Nam bộ trong ca dao về tình yêu

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 26, 2010

Phương ngữ Nam Bộ là một dạng từ ngữ địa phương của vùng đất Nam bộ. Nó thể hiện cách nói, cách sử dụng từ ngữ, kiểu phát âm riêng của con người Nam bộ. Phương ngữ Nam bộ còn là nơi chứa đựng các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt xã hội của con người và vùng đất Nam bộ.
Tìm hiểu phương ngữ Nam bộ được thể hiện qua ca dao Nam bộ là một cách nhằm khẳng định thêm tính độc đáo, sắc sảo, phong phú và đa dạng của con người Nam bộ xưa trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói của mình.

Ca dao Nam bộ trước hết là ca dao của người Việt ở Nam bộ nên nó mang đầy đủ yếu tố của vùng đất Nam bộ, trong đó có việc sử dụng từ ngữ của con người ở đây. Sống giữa thiên nhiên hài hòa và đa dạng với rừng tràm bạt ngàn và một vùng sông nước bao la, trong lời ăn tiếng nói của con người ở đây không khỏi ảnh hưởng của các hình tượng thiên nhiên này. Cho nên, có thể nói, giàu tính hình tượng là một đặc điểm trong cách dùng từ của ca dao Nam bộ:

Chồng chèo thì vợ cũng chèo
Hai đứa cùng nghèo lại đụng với nhau.

“Đụng” ở đây là “lấy”, “lấy nhau” hay nói cho văn hoa một chút là “kết duyên” nhau. Với các từ trên, người Nam bộ có thể hoàn toàn sử dụng được, nhưng đôi khi con người ở đây không dùng những khuôn mẫu có sẵn đó, mà lại dùng từ “đụng” rất giàu hình tượng này để tạo điểm nhấn, mang sắc thái mạnh. Chính điều này đã làm phong phú thêm cho kho tàng phương ngữ Nam Bộ.

* * *
Giàu tính so sánh và cụ thể cũng là một đặc điểm của ca dao Nam bộ. Nam bộ là một vùng sông nước, có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên hình ảnh chiếc ghe, con đò, con cá, con tôm, cần câu, cái lờ… là những vật rất quen thuộc đối với người dân nơi đây. Quen thuộc đến mức đã đi vào tâm thức của họ và được thể hiện qua lời ăn tiếng nói hằng ngày, cũng như đã âm thầm đi vào ca dao:

Thân em như cá trong lờ
Hết phương vùng vẫy không biết nhờ nơi đâu.

“Cá – lờ” là một hình tượng cụ thể, tác giả dân gian đã lấy hình tượng cụ thể này để làm đối tượng so sánh với con người, cụ thể ở đây là cô gái. Trường hợp này, ta cũng sẽ bắt gặp rất nhiều trong ca dao Nam bộ.

* * *
Một đặc điểm nữa trong việc sử dụng phương ngữ Nam bộ trong ca dao Nam bộ là giàu tính cường điệu, khuếch đại. Đây là cách nói thể hiện rõ nét sự lạc quan và tính cởi mở của con người Nam bộ. Tính giàu cường điệu, khuếch đại này được con người Nam bộ sử dụng thể hiện tính chất phác, mộc mạc, độc đáo, gây được ít nhiều cảm xúc cho người đọc:

Anh than một tiếng nát miễu xiêu đình
Cây huệ kia đang xanh lại héo, cá ở ao huỳnh vội xếp vi.

Rõ ràng, chỉ than có một tiếng mà “nát miễu xiêu đình” thì quả là nói quá. Nhưng chính cách nói quá này mới tạo được ấn tượng, gây được cảm xúc, tạo được sự chú ý cho đối phương.

Hay để bộc lộ tình thương của mình, người Nam bộ không ngại nói thẳng, nói quá, nói cường điệu, nói khuếch đại. Họ nói cốt sao cho hết cái thương đang cháy bỏng trong lòng mình:

Anh thương em,
Thương lún, thương lụn,
Thương lột da óc,
Thương tróc da đầu,
Ngủ quên thì nhớ,
Thức dậy thì thương

* * *
Giàu tính dí dỏm, hài hước cũng là một trong những đặc điểm trong cách sử dụng từ ngữ trong ca dao Nam bộ. Ca dao Nam bộ, ngoài những cách nói cường điệu, giàu hình tượng, đôi lúc có phần thâm trầm, sâu lắng còn có những cách nói mang tính hài hước, dí dỏm. Đây là tinh thần lạc quan trong tính cách của con người Nam bộ. Chính tinh thần lạc quan này đã tiếp thêm cho họ sức mạnh trong việc chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú dữ hoành hành. Tuy là nói dí dỏm, hài hước nhưng không hẳn là một cách nói chơi, mà là có ngụ ý, ngụ tình. Đó cũng là kiểu nói: “nói chơi nhưng làm thiệt”:

Bên dưới có sông, bên trên có chợ
Hai đứa mình kết vợ chồng nghen.

Rõ ràng, đây là cách nói mang tính chất vừa nói chơi lại vừa nói thiệt. Bông đùa đấy nhưng cũng là thật đấy. Nếu đối phương không chịu thì bảo là “nói chơi”. Còn nếu ưng thuận thì tiếp tục lấn tới tán tỉnh. Và trong bài ca dao sau, cũng không hẳn là dí dỏm, hài hước, nói cho vui một cách đơn thuần:

Trời mưa cóc nhái chết sầu
Ễnh ương đi cưới nhái bầu không ưng
Chàng hiu đứng dựa sau lưng
khều khều móc móc cứ ưng cho rồi.

* * *
Có cách nói hài hước, dí dỏm, lại có cách nói cường điệu, khuếch đại, ca dao Nam bộ cũng có những cách nói rất giản dị, chân tình. Trong hoàn cảnh tự tình với nhau, đôi khi họ không dùng những từ hoa mỹ, không nói những từ chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, mà chỉ nói một cách mộc mạc, bình dân, cốt sao bày tỏ được lòng mình:

Anh về em nắm vạt áo em la làng
Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em.

Quả là mộc mạc, quả là chân tình. Trong từng câu, từng chữ không có gì khó hiểu cả, tạo được sự cảm thông và gây được cảm xúc cho người đọc.

Hay:
Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt sợi dây
Qua tới đây không cưới được cô hai mày
Qua chèo ghe ra biển đợi nước đầy qua chèo trở vô.

Phương ngữ Nam bộ ra đời tuy có muộn hơn so với phương ngữ của các vùng khác, nhưng không vì thế mà nó nghèo nàn, hời hợt, mà trái lại nó rất đa dạng, phong phú và sâu lắng. Nó chứa đựng các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán cùng tính cách của con người Nam bộ. Phương ngữ Nam bộ không chỉ đơn thuần là khẩu ngữ của người Nam Bộ mà nó đã bước vào văn học nghệ thuật với một tư thế rất đường hoàng. Những câu ca dao Nam bộ vừa dẫn trên là một minh chứng cho điều này.

(Theo E-cadao)

Posted in Từ vựng học | Thẻ: | Leave a Comment »

Sự đổi mới của truyện có yếu tố kỳ ảo sau 1986 qua hệ thống ngôn từ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 26, 2010

TS. Bùi Thanh Truyền
Đại học Huế

Cho đến nay, sau chặng đường 20 năm định hình và phát triển, người ta đã không còn do dự khi thừa nhận sự tồn tại và đóng góp của một bộ phận văn xuôi nhận thức và phản ánh cuộc sống bằng đặc trưng và ưu thế của những sự vật, sự kiện,… vừa lạ lùng vừa quen thuộc, vừa chân thực vừa hoang đường mà giới nghiên cứu văn học quen gọi bằng cái tên kì ảo (fantastic). Với tư cách là những thể loại gắn liền với từng đổi thay của đời sống xã hội, lẽ dĩ nhiên, ngôn ngữ trong truyện ngắn và tiểu thuyết của mảng sáng tác này, ngoài những đặc trưng riêng do sự tác động của yếu tố kì ảo mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây, cũng in đậm dấu vết chuyển mình của một giai đoạn văn học đầy sôi động.

1. Ngôn ngữ nhiều cảm giác

Trước đây, Tô Hoài đã có lần cả quyết: “Tiếng Việt hoàn toàn lạ lùng với hình thức cảm giác” (Công việc viết văn). Chữ “lạ lùng” ở đây hiểu theo nghĩa là xa lạ, không chấp nhận. Với văn xuôi đương đại, một khi thế giới huyền hoặc, tâm linh trở thành đối tượng để miêu tả, khám phá tất yếu sẽ kéo theo sự đổi thay của ngôn từ nghệ thuật.

Cùng với các nhân tố khác trong phương thức trần thuật, nồng độ cảm giác trong ngôn ngữ đã góp phần hiện tại hoá những chuyện đã qua, thực tại hoá những vấn đề có tính chất bí ẩn, khó tin vượt quá trường cảm nhận của thị giác con người. Với hệ thống ngôn ngữ này, câu chuyện về quá khứ cũng được quy tụ qua cảm giác sống động, tươi mới của hiện tại, dù quá khứ ấy chỉ được sử dụng làm cảm hứng và đề tài. Đó là một hệ thống ngôn từ với lời kể thiên về miêu tả, đầy các từ láy, từ diễn tả tâm trạng, cảm giác, tả thiên nhiên, với những lời bình phẩm, đánh giá… không giống ngôn từ nặng về hành động, sự kiện của truyện truyền thống. Cách “hiện tại hoá” câu chuyện bằng cảm giác “như là một nét đặc thù khá rõ của phương thức tự sự mới”(1).

Đa số nhà văn hôm nay, khi sử dụng yếu tố kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật, họ đều có ý thức cao trong việc miêu tả thứ ngôn ngữ nằm giữa đường biên của hư và thực, bình thường và linh dị nhằm diễn tả một thế giới kì bí, đầy thách thức đối với trí tuệ, tình cảm con người. Người viết đã hoà trộn một cách nhuần nhuyễn cái ảo và cái thực khiến cho ý tưởng ẩn chìm vào mê trận ngôn từ. Sự “đan chéo” của cuộc đời, của hạnh phúc, sự “sắp xếp lạ lùng” của số phận các nhân vật gây cho người đọc tâm trạng hồi hộp, căng thẳng để rồi vỡ òa trong niềm hứng khởi khi bất chợt nhận ra thâm ý của người viết bên trong màn sương huyền thoại. Mở đầu và kết thúc tác phẩm thường bằng cảm giác; đó là cơ hội để người đọc cùng thể nghiệm những nhận thức thiên về trực quan, cảm tính cùng với nhân vật (Có tay mẹ dắt, Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ, Phiên chợ Giát, Đêm bướm ma, Chiếc bóng, Đêm Vu lan, Biệt thự ma ám,…).

Mọi ấn tượng thẩm mĩ mà ta có được về tác phẩm đều do ngôn từ tạo nên. Nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết hôm nay đập ngay vào giác quan để rồi ám ảnh không dứt tâm trí người đọc và gợi ra ở họ bao trăn trở, suy tư về cuộc sống trước hết là ở hệ thống nhan đề. Hàng loạt những điều vừa lạ vừa quen, vừa vô lí lại vừa có lí… đã gợi lên ngay từ tên gọi của chúng. Trong số 205 truyện ngắn và tiểu thuyết chúng tôi khảo sát, gần 35% truyện có nhan đề tạo được “cảm giác mạnh” cho độc giả ngay từ lúc “chạm ngõ” tác phẩm (Vẫn tin vào chuyện thần tiên, Người in tiền âm phủ, Ma quỷ trong lòng ta, Thần cây đa và tôi, Thiên thần sám hối, Cặp bồ với ma, Con gái thuỷ thần, Người bán tuổi, Dịch quỷ sứ, Hoá thân, Thoát xác, Hư ảnh, Nhân Sứ, Mắt ma,…). Theo Vưgôtxki, “tên gọi được đặt ra cho truyện đương nhiên không phải là vô ích. Nó chứa đựng trong bản thân sự triển khai chủ đề quan trọng nhất, nó đề xuất cái chủ chốt định ra toàn bộ cơ cấu truyện kể”(2). Ngoài ra, nó còn là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt truyện có yếu tố kì ảo, là “cú huých” đầu tiên vào tâm lí, thị hiếu độc giả, gây nên ở họ một loạt “phản ứng dây chuyền” bằng cách buộc sự tưởng tượng và ý nghĩ phải mở rộng đến những biên giới xa lạ. Hiệu quả nghệ thuật thể hiện rất rõ. Người đọc có thể quên đi những diễn biến cụ thể của cốt truyện, nhưng nhan đề cùng những ý vị, suy tưởng, cật vấn mà nó gợi ra thì còn mãi: Sao không phải là “xuống” mà lại là Lên ruồi, không phải “bến sông” mà lại Bến trần gian? Lương tâm và trách nhiệm với đồng loại phải chăng là những mối dây thân ái bền chặt neo giữ con người giữa cõi đời (Dây neo trần gian). Sự độc ác, vô lương là những chất xúc tác trong phản ứng biến mỗi cá nhân thành những con thú đội Lốt người. Ám ảnh quá khứ là gánh nặng kí ức đè lên mỗi chúng ta khiến cho “con người vừa mới sinh ra đã đủ tuổi già để chết” là một trong những thông điệp ẩn hiện sau cái tên Những đứa trẻ chết già. Tính biểu trưng của nhan đề Tàn đen đốm đỏ được Phạm Ngọc Tiến lí giải ở cuối truyện như là nỗ lực tìm lời giải thích hợp lí cho những gì làm nên huyền thoại về cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại.

Khi thâm nhập vào tác phẩm, cảm giác bị vây bủa, giăng mắc, bị ám ảnh ban đầu như được gia tăng nồng độ bởi thế giới kì ngôn. Liên tiếp xuất hiện những phó từ, trạng từ chỉ tính chất bất bình thường hoặc thoắt ẩn thoắt hiện của sự vật như: bỗng, bỗng dưng, tự nhiên, đột nhiên, nhoáng một cái, biến ảo, chợt, bất chợt… Thêm vào đó là mạng lưới từ ngữ “đầy ma lực”: bí ẩn, kì quặc, thiêng liêng, thánh linh, cõi âm, cõi hồn, vòng trầm luân, thuở hồng hoang, ngày tận diệt, lạ lùng, huyền thoại, ma thuật, ma quái, giải nguyền… Kèm với chúng là những từ ngữ chỉ cảm giác bất an, nỗi lo âu, sợ hãi bản năng của con người: rùng mình, rợn tóc gáy, ớn buốt sống lưng, kinh hoàng, nổi gai khắp người, bủn rủn cả chân tay… Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, trong 280 trang của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, có tới 116 lần Bảo Ninh sử dụng những từ ngữ, hình ảnh rùng rợn, li kì: tiếng thở than buồn thảm của thế giới rừng sâu, vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo, đám hành khách từ trong mộ hiện ra, ma cà rồng, ảo giác, kì quái, ma quái, hoang đường,… Thậm chí chỉ trong một trang (trang 8) xuất hiện hàng loạt các từ ngữ gây ấn tượng và cảm giác mạnh: “thần chết sờ soạng”, “vô khối hồn ma quỷ (…) lang thang”, “mịt mù lam chướng”, “những kì lễ lạt (…) của giới các âm hồn”, “cuộc điểm danh của các toán quân đã chết”, “chim chóc khóc than như người”, “các loại măng (…) đỏ như những tảng thịt ròng ròng máu”, “đom đóm to kinh dị (…) lớn tày cái mũ cối”, “cây cối hoà giọng với gió rên lên những bản nhạc ma”… Cảnh tượng mà chúng gợi ra không khỏi khiến những con người yếu bóng vía “có thể điên lên hoặc chết rũ vì khiếp sợ”. Hệ thống ngôn từ đầy ám gợi này đã góp phần khắc hoạ chân thực hơn diện mạo tàn khốc của chiến tranh, khiến bất kì ai có dịp tiếp xúc với tác phẩm cũng sẽ “mãi mãi bị ám ảnh”.

Giống Nỗi buồn chiến tranh, lời văn trong nhiều tiểu thuyết hôm nay dường như cũng chịu sự câu thúc của rất nhiều tiên cảm, những âu lo, rợn ngợp trước một thế giới bí ẩn, vô hình (Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Cơ hội của Chúa, Người sông Mê, Mối tình hoang dã,…). Trường nghĩa bao trùm lên chúng được đặc trưng bởi tính chất kì bí, lạ lùng, hư huyễn, như có như không thể hiện rất rõ tính quan niệm của nhà văn. Đọc và sẽ thấy nào là “chưa hợp đã tan”, “hồng nhan bạc mệnh”, “nước chảy bèo trôi”, “mờ mờ nhân ảnh”, “về với Chúa”, “tận thế”; nào là “lẽ vô thường”, “kiếp ảo, kiếp họa”, “kiếp người đi qua”, “số kiếp định mệnh”, “số mệnh vẫn là số mệnh”, v.v… Điều đó thể hiện phần nào tâm lí phấp phỏng, bất an của con người hiện đại. Dường như bầu sinh quyển thâm u, rợn ngợp, đầy huyễn hoặc của hiện thực (với những không gian thiêng, cõi siêu nhiên như một dấu hỏi chưa có lời đáp, thế giới thẳm sâu bất định của lòng người,…) đã thâm nhập vào từ làm cho các khía cạnh hình tượng của nó cũng trở nên kì bí, lung linh sắc màu. Trông mặt đặt tên được tâm trạng lo âu của con người hôm nay cũng là một tình cảm khẳng định của văn học Đổi mới, và ngôn ngữ kì ảo có khả năng nói điều mà ngôn ngữ nghệ thuật bình thường không dễ gì nói được.
Đặc trưng của thế giới huyền thoại đã chi phối rất rõ cách sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Đến lượt mình, hệ thống ngôn ngữ này cũng có chức năng khu biệt quan trọng thế giới kì ảo ấy. Khi miêu tả tình làng nghĩa xóm của con người trần tục, người ta thường sử dụng thành ngữ “tối lửa tắt đèn có nhau”; nhưng trong Nghĩa địa xóm Chùa, cũng là diễn đạt ý tưởng này, Đoàn Lê lại viết: “Từ ngày ra nhập tịch nghĩa địa xóm Chùa tôi được sống trong cảnh chan hoà tình người, tối lửa tắt trăng có nhau cực kì vui vẻ.” Hạ xuống một chữ trăng, người viết đã tạo lập nét khu biệt đáng kể của không gian, thời gian và đặc tính của những “cư dân nghĩa địa” với đêm, bóng tối cùng sự dị ứng bởi ánh sáng mặt trời. Với vong hồn liệt sĩ, ngôn từ thể hiện rõ tính chất “phản vật chất”: “Bóng anh trôi nhè nhẹ trên sông” (Bến trần gian), “Họ không hề nhìn thấy tôi, dù tôi đứng sát cạnh, phận vong hồn là thế” (Tàn đen đốm đỏ). Đặc trưng của những hồn ma nữ là vẻ đẹp như chỉ có từ cõi Liêu trai: “Mình vương đầy sương – Mặt tràn nắng, gió… Em đi rồi dấu chân em ở đâu” (Cặp bồ với ma). Sự chi phối của cái huyền ảo, siêu nhiên được thể hiện qua rất nhiều biệt ngữ miêu tả một số tục lệ, tín ngưỡng: bùa, đêm vu lan, điềm báo, ma thuật, lời nguyền, cúng cô hồn, lễ cầu cơ, lễ cầu hồn, lễ trục hồn, lễ giải hạn, thầy pháp, bói toán, cúng tế,… Với những sáng tác về đề tài chiến tranh, về thân phận mong manh của con người, ngôn ngữ thường có tính chất u mặc, trầm ngâm trong sự chiêm nghiệm về những mất mát của quá khứ, những hệ luỵ của kiếp người vì thế mà vang vọng “một nỗi buồn không kích thước”.
2. Ngôn ngữ đa nghĩa, giàu hình ảnh

Khả năng nghệ thuật của ngôn từ đư¬ợc thể hiện tr¬ư¬ớc hết bởi tính hình tượng của nó. Đây là đặc tr¬ư¬ng của ngôn ngữ văn học nói chung. Tuy nhiên, đối với văn xuôi có yếu tố kì ảo đ¬ương đại, tính hình t¬ượng đư¬ợc gia tăng với nồng độ cao một phần do đặc tr¬ưng phản ánh của thể loại quy định.
Một trong những yêu cầu của chủ nghĩa hiện thực là phản ánh cuộc sống như¬ nó vốn có. Yêu cầu này không (hoặc ít) đặt ra đối với văn xuôi tiếp cận cuộc sống bằng cái kì ảo. Bởi ở đây, do lọc qua lăng kính của cái “kì”, hiện thực sẽ có độ “lệch pha” rất lớn so với nguyên mẫu của nó. Từ thế giới lung linh ảo thực này, tiếng nói chân thành của nhà văn có dịp cất lên.

Lấy nhân vật và không gian nghệ thuật làm ví dụ. Hệ thống nhân vật trong văn xuôi có yếu tố kì ảo hôm nay khá đa dạng, phong phú. Có thể đó là những nhân vật huyền thoại hoặc có nguồn gốc từ thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, những nhân vật siêu thực, lịch sử đã thuộc về thiên cổ như¬ ma, quỷ, vong hồn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Lê Thánh Tông, Gia Long, Quang Trung,… Hoặc là cỏ cây, đồ vật, con vật… có hành động, chức năng thần kì; là những con ng¬ười “d¬ưới đáy” bị biến dạng, hoá thân bởi sự khắc nghiệt, hoang dã của môi trường sống, bởi không tìm được chỗ đứng của mình giữa dòng đời cuộn chảy, bởi phép thuật, lời nguyền, v.v… Chư¬a xét đến tâm lí, tính cách, chỉ hệ thống tên gọi nhân vật cũng đã tạo nên lớp s¬ương mù huyền thoại, cổ tích bao phủ hầu hết các trang văn của Hoà Vang, Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Lê, Nguyễn Thị Ấm, Phạm Thị Hoài,… Đây là những lớp từ có tính chất biểu trưng rất lớn, gợi liên tưởng đến những “cổ mẫu” trong văn xuôi truyền thống. Mỗi nhân vật như một tín hiệu nhấp nháy, khêu gợi sự tưởng tượng, đối thoại ở người đọc. Bằng ngôn ngữ chọn lọc, cô đúc, nhấp nháy hình ảnh này, nhân vật bỗng trở nên sống động, hiện hữu, có thể tạo đư¬ợc ấn tượng sâu đậm, mạnh mẽ ở người đọc. Được nhào nặn từ chất liệu ngôn từ đặc biệt, nhân vật nhưổ mờ hoá sau lớp voan huyền ảo của thời gian, hoặc lung linh hào quang truyền thuyết, huyền thoại khiến việc cảm nhận chúng không chỉ bằng lí trí tỉnh táo, mà phải – như cách nói của Nguyễn Tuân, “bằng sự rung động phức hợp cả năm giác quan”(3). Khách quan mà nói, với cây phả hệ sum suê, khác lạ này, chủ nghĩa hiện thực cổ điển với tiêu chí xây dựng nhân vật điển hình, đầy đủ chân dung, diện mạo sẽ dễ “lạc môi trường”. Do sự chi phối của yếu tố kì ảo, ngôn ngữ bình thường đã trở nên bất lực, nhường chỗ cho một hệ thống ngôn ngữ khác thích hợp hơn.

Tương tự như thế, không gian nghệ thuật cũng được kiến tạo từ hệ thống ngôn ngữ mang những đặc trưng kì ảo. Đó là hệ thống không gian phi thực như trời, Tây thiên, địa ngục, thuỷ cung… với tính chất không định tính và không cản trở như vẫn thường thấy trong không gian thần thoại, cổ tích; những không gian thiêng như núi, rừng, sông, biển, nghĩa địa, miếu, đền,… Hệ thống không gian ấy đã trở thành bầu khí quyển mới lạ đòi hỏi ngôn từ phải có sự bứt phá, vượt ngưỡng để thích ứng. Kết quả là các khía cạnh hình tượng của ngôn từ lung linh, đa nghĩa hơn. Đến với những sáng tác này, người đọc như thực hiện chuyến thám hiểm những miền đất lạ: Rừng thiêng “chất chứa nghìn trùng bí ẩn, vừa quyến rũ, vừa nghiệt ngã”, hang núi lảng vảng bóng vong hồn, đêm tối thui như¬ hũ nút hoặc mờ mờ sương trăng như huyền thoại (Tàn đen đốm đỏ, Nỗi buồn chiến tranh, Phiên chợ Giát, Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ); là những bến sông xa mờ kỉ niệm, bồng lan kí ức gợi cho con người bao hoài niệm, tiếc nuối, xót xa trong cuộc lữ hành tìm lại “bản lai diện mục” của chính mình (Chảy đi sông ơi, Mùa hoa cải bên sông, Bến trần gian); là những bản làng chìm trong “thứ không khí huyền thoại”, là nghĩa địa, cõi ma “âm thịnh dương suy” với bao số phận, cảnh đời của thế giới bên kia (Những ngọn gió Hua Tát, Nghĩa địa xóm Chùa, Cặp bồ với ma), v.v… Ở đây, sự phản ánh hiện thực được thẩm thấu màu sắc huyền thoại trở nên hàm nghĩa và mang tính khái quát cao, đưa ta thâm nhập vào thế giới của những cảm xúc, ấn tượng, suy tưởng mà ngôn ngữ thông thường ít khi đạt được. Phiêu diêu trong dòng chảy ngôn từ, người đọc như bắt gặp tầng ngầm văn hóa dân tộc khơi lên từ đáy sâu thời gian.
Tính mập mờ, đa nghĩa, của văn chương là vấn đề làm tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu văn học Đông – Tây. Theo Alain Roble Grillet, chuyên gia nghiên cứu văn học phương Tây, “văn học luôn luôn, và một cách có hệ thống, nói đến việc khác”. Còn ở phương Đông, từ rất lâu đã phổ biến quan niệm cho rằng đặc trưng nghệ thuật ngôn từ là “ý tại ngôn ngoại”. Đằng sau bề mặt câu chữ bao giờ cũng ẩn chứa tiếng nói từ trái tim của người viết. Đối với những tác phẩm ít nhiều bị chi phối bởi cái huyền bí, siêu nhiên, điều này thể hiện khá rõ; bởi ở đó, ý hàm ẩn thường bị giấu kín hoàn toàn, còn cái minh hiển được trưng ra với mọi kiểu phô diễn nên dễ khiến người đọc rơi vào “mê lộ”. Độc giả không thể đọc chúng trên một dòng, một đoạn hay một nhân vật. Cái kì ảo buộc người đọc phải suy ngẫm, tự “xé rách” màn sương bí ẩn che phủ trên bề mặt câu chữ để đi vào chiều sâu của nó – cũng có nghĩa là phải phát huy cao độ sức liên tưởng và kinh nghiệm cá nhân vào việc lĩnh hội nghệ thuật, nhờ thế gợi ra được vô số các ý tưởng, biểu tượng và cách giải thích (Bến trần gian, Cặp bồ với ma, Mộng du 1…). Ở đây, tác giả không phải là người phán xử tất cả. Chính vì thế, nó gia tăng khả năng đồng sáng tạo ở người đọc. Khách quan mà nói, tính chất kì ảo của ngôn ngữ cũng đã góp phần tạo ra tính đa nghĩa, đa chủ đề, đề tài của văn xuôi hôm nay.

Một trong những phương tiện hữu hiệu làm cho tác phẩm mơ hồ, đa nghĩa, là “vận dụng các mô típ thần thoại, các hình thức biến hoá hư ảo”(4). Dấu ấn của thần thoại, truyền thuyết, cổ tích trong cách xây dựng thế giới hình tượng của văn xuôi đương đại, việc vận dụng các mô típ kì ảo cổ điển và hiện đại để khắc hoạ không – thời gian nghệ thuật, chân dung nhân vật cũng như xây dựng cốt truyện,… có tác dụng không nhỏ trong việc gia tăng biên độ của ý nghĩa, mở rộng liên tưởng của người đọc.

Màu sắc tượng trưng, siêu thực song hành với tính luận đề là những nhân tố nổi trội mang lại sức hút của nhiều thiên truyện. Tuy nhiên, đa số nhà văn đã chứng tỏ “tay nghề” của mình khi tránh được hai nhược điểm thường thấy trong cách viết theo khuynh hướng này, đó là sự khô cứng trong ngôn ngữ và biến nhân vật thành cái “loa phát ngôn” cho tư tưởng của nhà văn một cách lộ liễu. Mỗi truyện đều diễn ra “cuộc đánh vật của nhà văn với con chữ”. Một sự dụng công câu chữ văn học, dụng công đến cả việc đặt tên từng truyện, từng chương sách, không chịu theo lối mòn công thức (Những đứa trẻ chết già, Thiên thần sám hối, Đêm bướm ma, Bến trần gian, Lên ruồi, Bán cốt, Nhân Sứ,…).

Với nhiều tiểu thuyết (Hiện tượng HVEYA, Mối tình hoang dã, Người sông Mê), tên chương sách cũng như ý vị của câu chữ hiếm khi lộ trần mà nằm ở tầng sâu, không dễ thấy ngay. Người viết đã trộn hoà cái thực và cái ảo một cách khá nhuần nhuyễn khiến cho ý tưởng ẩn chìm vào mê trận ngôn từ, hư đấy mà cũng là thực đấy, bắt buộc người đọc phải lần đến đầu mút của vấn đề bằng cách tái dựng lại cấu trúc tác phẩm theo cách tiếp nhận của mình. Việc làm này đã gia tăng khả năng đồng sáng tạo ở độc giả, khiến tác phẩm tồn tại trong mỗi người không đơn nhất mà đa dạng, nhiều màu vẻ tuỳ vào tầm đón đợi sẵn có của họ.

Tính hình tượng, sự mơ hồ, đa nghĩa của ngôn ngữ còn được thể hiện rõ trong cú pháp, trong lời văn nghệ thuật. Ở nhiều tác phẩm, lời văn thường đa nghĩa nhờ sự chồng xếp của biểu tượng, hình ảnh, sự trùng điệp về cú pháp, sự đa dạng, linh hoạt trong phong cách ngôn ngữ, giọng điệu, những khoảng lặng ngôn từ,… Tất cả quyện hoà tạo thành một trường lực không ngừng hấp dẫn, ám ảnh người đọc, dắt dẫn họ tiềm nhập vào những vỉa hiện thực sâu thẳm để từ đó chiêm nghiệm về lẽ huyền vi, bí nhiệm của cuộc sống. Trong từng truyện, người viết đã nhập đồng cái ngôn ngữ của cõi vô thức, của giấc mơ với sự tỉnh táo của hồi ức, của những bột phát không thể kìm nén, một thứ ngôn ngữ phi không gian, phi thời gian để cất lên tiếng nói hiện tại đầy biến hoá – một tiếng nói đa thanh, đa sắc của ngày hôm nay. Vì thế, nó tan hoà trong một thứ “ngữ pháp ánh trăng” nhập nhoạng, vi phạm tối đa nguyên tắc ngữ pháp bình thường: những lời đối thoại không có dấu hiệu nhận biết, nhiều chỗ không đánh dấu câu và nhất là sự phóng túng, đậm đặc trong cách dùng dấu ba chấm (Bến trần gian, Cặp bồ với ma, Người sông Mê, Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già). Trong gần chín trang in với khoảng 2.700 chữ, Bến trần gian có đến… 52 lần sử dụng dấu này. Nhiều trang chỉ 15 dòng lại có đến 9 lần dấu ba chấm xuất hiện. Ở Cặp bồ với ma, con số này đạt đến mức kỉ lục: có trang dấu ba chấm xuất hiện đến 11 lần. Không phải chỉ được dùng chủ yếu như một dấu chấm câu hoặc thể hiện ý liệt kê còn dang dở, 90% dấu chấm lửng trong hai truyện ngắn này đều thể hiện sự đứt nối, lửng lơ của tâm trạng con người và có sự tuỳ tiện về vị trí trong câu (đầu, cuối và nhất là giữa câu văn). Nhiều chỗ chúng cũng không tuân thủ nguyên tắc chức năng của việc dùng dấu câu trong ngữ pháp tiếng Việt do có mặt ở những chỗ thông thường lẽ ra thuộc về dấu chấm hỏi, chấm cảm: “Anh cứ trôi, trôi mãi… và cất tiếng gọi “Đò… ơi, đò…”; “Bến nào đấy ơi…”; “Thế mà lại sắp giỗ anh Lăng rồi u nhỉ…” (Bến trần gian); “Anh truyền cái ấm sang em đi… Em yêu anh… Em yêu anh mất rồi. Khổ quá…” (Cặp bồ với ma). Đôi khi chúng cũng được sử dụng như những “khoảng trắng” che giấu tình cảm nhân vật, khiến trí tưởng tượng của người đọc mặc sức bay lượn để thấu cảm và sống trọn vẹn với những cảm xúc, tâm trạng phức tạp của người trong cuộc. Đây là lời của Thuỳ: “Lăng ơi, em không thể đi với anh được, em còn phải trông nom u, với cả … còn anh ấy và các con em…”. Có biết bao điều gợi lên từ hai dấu ba chấm ấy: một sự tế nhị của người nói để không làm tổn thương đến người nghe (nên mới ngập ngừng chọn cách nói “anh ấy” thay vì nói “chồng em”), một sự kìm nén nỗi đau, tiếng khóc sắp bật ra bởi thương Lăng, thương cả cho mình (Dở dang nào có ra gì – Đã tu tu trót, qua thì thì thôi), và trên hết vẫn là nét đẹp nhân cách, sự hi sinh lặng thầm của người phụ nữ Việt Nam. Cách sử dụng dấu câu này sẽ khiến các nhà ngữ pháp học khó chịu; nhưng ở đây là của văn chương. Nó là thuật luyện đan từ ý thức, tiềm thức, giấc mơ, lí trí, tình cảm với chủ trương “dùng ngôn ngữ ảo mộng để thể hiện cái ảo mộng” nhằm hướng tới phản ánh một hiện thực gần đấy mà xa đấy, bảng lảng chập chờn như một giấc mơ. Tất cả như bước ra từ chính những nhịp đập xúc động của trái tim con người. Từ đây có thể thấy cấu trúc bề sâu của tư duy nghệ thuật đang chi phối hành văn của tác giả, vì thế nó có tính chất tín hiệu nhiều mặt. Đó là dòng trôi nhẹ ngấm vào lòng người như gợn nước loang trên tờ giấy thấm để từ đó cảm nhận đầy đủ sự bất tử trong vẻ đẹp của tâm hồn người lính.

Việc gắn kết với ẩn dụ, tượng trưng ở cường độ cao khiến cho văn xuôi có yếu tố kì ảo hôm nay vẫn còn nhiều ẩn số; giống một loài “ẩn lan” quý hiếm không ngừng thách đố, khêu gợi sự kiếm tìm không mệt mỏi của con người như phát hiện của Paul Ricoeur: “Trong chức năng thi pháp, ẩn dụ là cái chiến lược về sự khám phá. Nhờ đó ngôn ngữ tách bản thân nó khỏi các chức năng miêu tả trực tiếp nhằm đạt tới một trình độ huyền thoại”(5).

3. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Sự mong manh giữa hai bờ thực – ảo, lối kết hợp tài tình giữa nguyên tắc tả thực và nguyên tắc tượng trưng trong bản thân kì ảo đã trao cho nó đôi cánh của chú ngựa thần Pêgazơ (tượng trưng của thi ca – B.T.T). Có thể lý giải điều này bằng câu nói của Carlgustav Jung: “Thời điểm xuất hiện của tình huống huyền thoại luôn luôn đặc trưng bởi sự tăng đột ngột của cảm xúc đặc biệt”. Chính “cảm xúc đặc biệt” này đã thăng hoa thành những câu văn thấm đẫm chất thơ:

Đêm nay hồn ai gọi hồn ai. Tiếng hú cất lên từ đâu đó trong rừng thẳm, âm u truyền dọc theo gờ núi lạnh lẽo của truông Gọi hồn, cô đơn, lạc lõng… (Nỗi buồn chiến tranh).
Bóng anh trôi nhè nhẹ trên sông, đổ lên những thân cây đẫm sương. Mấy chục năm nay, cây cỏ vẫn thế. Anh cứ trôi, trôi mãi… và cất tiếng gọi “Đò ơi… đò…” (Bến trần gian).
Tôi chưa gặp tình yêu, chưa biết tình yêu nhưng bây giờ tôi đã gặp, đã biết. Tình yêu ấy là em. Mong manh như tia nắng cuối chiều. Mỏng manh như sợi gió đầu mai. Tình yêu của tôi là cõi hồn em tinh khiết… (Tàn đen đốm đỏ).

Khó mà nói hết ấn tượng để lại trong lòng người đọc của những câu văn xuôi như thế. Một lửng lơ. Một bồi hồi. Một ngân rung, nồng say mộng mị… Có thể là tất cả. Sự ứ đầy của hình tượng, cảm xúc như những chiếc chìa khóa mở mọi cánh cửa tâm hồn để con tim đến với con tim.

Phải chăng vì vậy mà Nguyễn Tuân, cây đại thụ của văn học kì ảo Việt Nam, gọi những sáng tác theo lối này của mình là “yêu ngôn” – kiểu truyện ma quái mà trong đó mỗi câu chữ đều được chắt lọc, ẩn hiện như có ma lực, để chỉ cần tiếp xúc một lần, người đọc sẽ bị ám ảnh mãi không thôi.

Với nhiều truyện, vang vọng thi ca của tác phẩm còn thể hiện ở những lời kể mà ngôn ngữ bị hút vào mạch truyện tựa như là ngôn ngữ thơ, như là thơ bằng văn xuôi (Tàn đen đốm đỏ, Nỗi buồn chiến tranh, Độc huyền, Người sông Mê, Mộng du 1). Điều này một phần bắt nguồn từ tính ẩn dụ của ngôn từ – một trong những tính chất đẩy văn xuôi gần lại với thơ – của truyện. Việc dồn nén chữ nghĩa cũng tạo ra vô số khoảng trống, nên đọc xong mà truyện vẫn như chưa dừng lại (Bến trần gian, Nhân Sứ, Cặp bồ với ma, Mùa hoa cải bên sông, Người sót lại của Rừng Cười, Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ). Trạng thái “nhập đồng ngôn ngữ” thường xuất hiện khi người viết đắm sâu vào tác phẩm, văn chương say sưa, mê đắm, quấn quýt trong vẻ đẹp hư hư thực thực. Ở một số truyện ngắn, lời văn khá đẹp, công phu, có những câu chữ bột phát từ vô thức, từ trạng thái nửa mê nửa tỉnh… (Sự tích những ngày đẹp trời, Con gái thuỷ thần, Chảy đi sông ơi, Ngày xưa, cô Tấm… Đêm bướm ma…).

Sự kết hợp hài hoà giữa chất tự sự và chất thơ vừa như một lực nam châm hút văn xuôi về phía cuộc sống, không sa đà vào chủ nghĩa duy kì lấy sự thu hút độc giả nhờ cái lạ làm cứu cánh; vừa là đôi cánh nâng chất liệu tự sự vút lên những tầm cao, làm giàu thêm xúc cảm thẩm mĩ của người đọc hôm nay. Giống như thơ, ngôn ngữ trong một số truyện ngắn và tiểu thuyết đương đại chẳng những có sự rung bật mạnh của cảm xúc, sự chớp loé của tư duy hình tượng để mở rộng chiều sâu liên tưởng mà còn dồn nén cảm xúc trong mạch văn dẫn truyện vừa tự nhiên vừa cuốn hút, tạo ra các tình huống để nhân vật bộc lộ trọn vẹn tính cách của mình. Sự đồng dạng, đứt nối trong mạch văn, những tiếng gọi như tiếng lòng đồng vọng lan dài trong ánh trăng diễm ảo, những khoảng lặng của cảm xúc, sự chuyển cảnh liên tục theo trường nhìn của các nhân vật trở đi trở lại trong Bến trần gian khiến truyện giống như một giấc mơ, một thế giới của cái đẹp không lời (vô ngôn chi mĩ), một bài thơ với những nhịp mạnh đan cài những nhịp nhẹ, những trùng điệp day dứt, những rung động mãnh liệt hay nhẹ nhàng như tiếng gọi “đò ơi, ơi đò…” vang vọng chất thơ không dứt. Những tương phản trong hình ảnh, điệp trùng trong cú pháp, hài hoà về âm điệu, nhịp điệu, tính chất biểu trưng, ám ảnh của hình tượng… cũng là sự chưng cất công phu của Châu Diên để chất thơ trong tiểu thuyết Người sông Mê có dịp thăng hoa:
Như đã nói, với văn xuôi có yếu tố kì ảo, ngôn ngữ thể hiện rõ cảm quan thế giới bằng huyền thoại. Cảm quan này được xem như là sự cảm nhận hồn nhiên, như là thứ “ngữ pháp ánh trăng” (theo cách nói của Mann, để đối lập với sự sáng rõ ban ngày, dưới ánh mặt trời của tư duy duy lí nghiêm ngặt) đầy chất thơ huyền thoại. Sự kết hợp giữa thơ và văn xuôi khiến truyện mang dáng dấp thể tài biền văn của văn học trung đại. Nếu chất văn xuôi góp phần thể hiện chất liệu tự sự, là sợi dây kết nối văn học với thực tại thì thơ nâng chất liệu này lên hình thức tinh luyện, mở rộng biên độ tưởng tượng ở độc giả. Nhưng cường độ cao của tưởng tượng trong ngôn ngữ không làm cho truyện xa rời hiện thực, ngược lại càng góp phần thể hiện nó chân xác hơn.

4. Ngôn ngữ mới lạ về giọng điệu

Sự thống trị của quan niệm con người trần thế – trần tục cũng đã dẫn đến những thay đổi căn bản trong lập trường xã hội, thái độ tình cảm, thị hiếu thẩm mĩ cũng như cảm hứng chủ đạo của người viết, trong hành vi ngôn ngữ của chủ thể đặt trong mối quan hệ với hiện thực khách quan – cũng có nghĩa là những đổi thay quan trọng về giọng điệu trần thuật của văn xuôi có yếu tố kì ảo hôm nay, mà rõ nhất là giọng giễu nhại và da diết quan hoài trở thành hai yếu tố thẩm mĩ nổi bật. Những thay đổi về giọng điệu này cũng phần nào thể hiện thái độ gây hấn, “khinh rẻ khuôn mòn bỏ lối quen” để hướng đến “mới hoá” văn học nói chung, ngôn ngữ văn xuôi nói riêng.

4.1. Giọng giễu nhại và khuynh hướng dân chủ, phi thiêng hóa
Là thành tố gắn với phạm trù cái hài, giọng điệu giễu nhại trong văn xuôi có yếu tố kì ảo thời đổi mới tiếp tục khơi lại nguồn mạch nguyên sơ, khoẻ khoắn của truyện cười dân gian. Hai nhân tố chủ đạo tạo nên sắc thái giễu nhại trong nhiều truyện ngắn là u mua và châm biếm đối tượng. Sức mạnh phê phán của nó vừa có tính phủ định lại vừa có ý nghĩa khẳng định; nói cách khác, nó là sự phê phán mang tính cảm xúc sáng tạo tích cực, và có sức công phá mạnh mẽ đối với những cái xấu xa lỗi thời. Chính trong những tác phẩm văn học chống tiêu cực, tiếng cười được đặc biệt sử dụng như một vũ khí đắc lực bởi nó là một tác nhân tống tiễn quá khứ một cách vui vẻ

Trước hết, giọng giễu nhại gắn liền với sự tố cáo, đả kích, phủ định thói hư tật xấu của thế thái nhân tình giữa thời buổi nhiều thang bậc, giá trị đang theo sự đổi mới tư duy mà thay đổi. Đó là bản chất cơ hội và trục lợi đến sát đất của con người (Dịch quỷ sứ, Đồng đô la vĩ đại, Vật lạ ở trên đầu, Thoát xác, Anh lính Tôny Đ., Hội làng), là những con người “làm trò”, bị giày vò bởi ảo tưởng cá nhân hoặc những thèm khát vật chất, dục vọng tầm thường (Mộng du I, Mỗi người có một cái tên, Truyện thầy A.K – Kẻ sĩ Hà Thành, Thiên sứ, Vẫn tin vào chuyện thần tiên, Món tái dê, Ai là quỷ dữ?), những lệch lạc, biến thái trong cách ứng xử với môi trường, văn hoá (Thông điệp gửi môi trường, Chuyện vui về đền miếu, Ngôi chùa trúng bom, Người in tiền âm phủ), sự cứng nhắc, thậm chí chưa hoàn thiện của cơ chế quản lí (Truyện cười ở làng Tam Tiếu, Nghĩa địa xóm Chùa, Người chăn bò thần thánh)… Truyện cười ở làng Tam Tiếu đưa người đọc vào một không gian đang “động to” vì… cười. Tất cả chỉ tại câu chuyện một anh chàng gặp vận như kiểu “quýt làm cam chịu”: Từ một chiến sĩ diệt dốt nhưng… mù chữ, do gặp thời, anh ta leo tót lên ghế phó chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp, được nông dân tung hộ “vạn tuế”. Kết thúc con đường vinh thân phì gia đó là… hai “cái sừng” to tướng do bà vợ trịnh trọng “cắm” lên đầu y. Chuyện vui về đền miếu là tiếng cười châm biếm, đả kích những sai lầm của cơ chế quản lí, ứng xử đối với văn hoá thời Đổi mới. Chất hài hước trong Chuyện Bụt mọc có thật lại là sự vạch trần những thủ đoạn mượn danh tín ngưỡng, văn hoá để trục lợi. Người chăn bò thần thánh với những chi tiết về giống “bò tập thể” kỳ lạ: Chúng không cần ăn cỏ, không bài tiết, chỉ cần “chúm môi, phồng má khẽ thổi phù một cái. Thế là cả đàn bò cứ ngoan ngoãn lừ lừ ra như một đàn bóng bay khổng lồ” chính là cái nhìn phê phán một thời kì hợp tác xã không ít những non nớt, tiêu cực. Thông qua những tình tiết khôi hài về sự chuyển biến trong cách sống của nhân vật, người viết phần nào làm lộ ra cái thế giới bí ẩn, phức tạp của tâm hồn con người hôm nay. Với những “công năng” tích cực của nó, kì ảo là một trong những nguyên nhân mang lại sức mạnh đả kích, vạch trần những cái “hài đời” của văn xuôi đương đại.
Không chỉ nhằm bộc lộ thái độ khinh thường hay nghiêm khắc mổ xẻ những quái trạng, những khối u ác tính của xã hội, giọng giễu nhại ở đây còn là cái cười thiện cảm, đôi khi chua chát của người viết. Phép biện chứng của trí tưởng tượng phóng khoáng hé mở cho ta thấy những cái cao quý, anh minh và cả những nỗi đau đằng sau những cái thoáng nhìn cứ ngỡ là tầm thường, điên rồ, buồn cười… Giấu trong cách châm biếm truyền thống bao giờ cũng ẩn hiện sắc thái u mua nhẹ nhàng gắn với ý thức dựng xây cuộc sống và đấu tranh cho sự thắng lợi của cái mới, cái tốt đẹp. Vì thế, sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi bắt gặp trong nhiều truyện những chi tiết “cười ra nước mắt” gắn với những thân phận, cảnh đời của nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội như công chức (Dịch quỷ sứ, Chiếc đồng hồ quay ngược), cán bộ về hưu (Lên ruồi, Gương soi thật mặt), văn – nghệ sĩ, trí thức (Tiểu Ái, Sắm vai, Tí teo hạnh phúc, Huyền thoại phố phường), người lao động nghèo thành thị (Nghĩa địa xóm Chùa, Thực đơn chủ nhật, Anh lính Tôny Đ.)…

Tiếng cười ở đây đã xoá bỏ nỗi sợ hãi và thái độ tôn kính trước khách thể, trước thế giới, biến nó thành đối tượng của sự tiếp xúc thân mật và bằng cách đó, chuẩn bị cho việc nghiên cứu nó một cách hoàn hảo, tự do như Bakhtin đã nói. Đây là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của văn học Đổi mới. Vì lẽ, một thời gian dài trước đó, nền văn xuôi của ta, như nhiều người nhận xét, còn quá nhiều nghiêm trang, cao đạo, chững chạc mà thiếu hẳn những tiếng cười nhẹ nhàng, vui vẻ. Căn cốt của vấn đề là chúng ta chưa có được một cách nhìn thế tục vừa lém lỉnh vừa nghiêm túc, vừa khắt khe vừa độ lượng. Trong khi đó, tiếng cười, chất hài lại là “một loại quan hệ thẩm mĩ với đời sống, là một kiểu cảm hứng trong sáng tác, nếu được chăm chú tìm tòi và thể hiện, nó sẽ bộc lộ một loạt những nguyên tắc thi pháp đặc trưng, tạo nên cả một mạch thể tài văn học đặc sắc, đem lại rất nhiều hứng thú cho người đọc”(6). Sự xuất hiện của tiếng cười trong văn xuôi có yếu tố kì ảo hôm nay là biểu hiện sống động cho tinh thần ấy.

Với giọng giễu nhại, văn học hôm nay thể hiện rõ sự thừa tiếp truyện cười truyền thống. Ở Truyện cười ở làng Tam Tiếu, người viết cũng lấy lại mô típ của những nhân vật có “số đỏ” một cách ngẫu nhiên như trong truyện dân gian. Vấn đề là từ sự mô phỏng của Tạ Phong Ba trong tác phẩm này lại có thể trở thành truyện nhại. Nhại khác mô phỏng ở sự bắt chước có ý thức nhằm một mục tiêu với một giọng điệu khác với nguyên mẫu. Ở nhân vật này thì rõ ràng là nhại máy móc, nhưng không ngu độn như kiểu Làm theo lời vợ dặn của truyện cười nguyên thuỷ, mà lại tinh ranh, “khôn lỏi”. Tạ Phong Ba là một diễn viên hề giữa cuộc đời còn quá nhiều trò hề. Mục đích của người viết là giễu cợt, châm chọc một trong những quái trạng đáng buồn của xã hội hiện đại và hiệu quả gây cười gắn liền với tính thời sự của truyện.

Sự giễu nhại này không tách rời tính chất nghiêm chỉnh của tinh thần xây dựng và thái độ thực sự khách quan, cầu thị. Mỉa mai, châm biếm không phải đến từ một “cõi lạ”, không dính dáng đến hiện tại mà luôn gắn chặt với thực trạng muôn mặt của cuộc đời vì nó là kết quả của một “nguyên nhân ngầm ẩn… của cái giống như thật” như nhận xét của cây bút kì ảo nổi tiếng thế giới, Thomas Mann. Dẫu nói về cái xấu, cái ác nhưng những tác phẩm ra đời từ cảm hứng trào lộng vẫn hướng con người về phía cái đẹp, khơi gợi những tình cảm cao đẹp bởi “khi cười cái xấu, người ta đứng cao hơn nó” (Tsecnưsepxki). Tinh thần này toát lên từ dạng thức giễu nhại đến khó chịu trong một văn cảnh hài hước mang đậm tính chất nghịch dị (grotesque) của Truyện cười ở làng Tam Tiếu, Chuyện vui về đền miếu, Chuyện Bụt mọc có thật… Qua đó, tác phẩm góp phần xoá bỏ những khuôn khổ, ràng buộc, những lối mòn công thức để cho văn học “cởi bỏ bộ mặt thánh thượng”, tăng sự tự do trong sáng tạo của người nghệ sĩ đồng thời khẳng định sự đổi mới theo chiều hướng tích cực và nhân bản của văn xuôi hôm nay. Sự có mặt của giọng điệu này khiến văn học có thể du nhập vào nó nhiều hình thức ngôn ngữ: nhại tác giả, tác phẩm, ngôn ngữ đời thường, những lời nói tục, thần chú, giai thoại, bàn luận về thực tại hạ đẳng, thậm chí nhại cả phong cách của một giai đoạn văn học. (Chi tiết vị trung tướng cũng viết nhật kí bằng… thơ trong Người sông Mê khiến bạn bè và người thân phải một phen bất ngờ khi phát hiện ra “bí mật” này như là sự giễu cợt nhẹ nhàng quan niệm “chiến sĩ – thi sĩ” (lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa) khá phổ biến một thời). Dẫu là sự đời thường hoá ngôn từ nghệ thuật đến mức tối đa, nhưng tiếng cười trong văn xuôi có yếu tố kì ảo hôm nay không phải là tiếng cười lộ thiên, mang tính chất bản năng, dung tục mà chứa đầy ý vị tinh tế, đằm sâu của nó.

Tóm lại, giọng trào lộng đã thể hiện rõ chức năng chỉnh lí hình tượng bằng tiếng cười, là một trong những nỗ lực khám phá tích cực và toàn diện cuộc sống của người viết. Nó góp phần mang lại sự cởi mở, thoải mái, dân chủ của đời sống văn học đương đại. Một mặt nó giải thoát cho khả năng phán đoán, mở rộng trí tưởng tượng, mặt khác lại không ngừng duy trì mối liên hệ tỉnh táo với hiện thực. Đây cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng tạo ra tính hiện đại của văn học giai đoạn này, bởi hài hước là “phát minh lớn nhất của tinh thần hiện đại”(7). Vì vậy, dẫu văn học sau 1986 vẫn đương còn vận động nhưng những giá trị của nó trên nhiều phương diện, như phương diện tạo ra một tiếng cười mới, là một biểu hiện đáng khích lệ và cần được ghi nhận trên hành trình đi tới của văn học Việt Nam.

4.2. Giọng quan hoài da diết và cảm hứng trước nỗi đau và thân phận con người
Cùng với độ lùi thời gian và những đổi thay trong cơ chế quản lí văn hoá, xã hội, khuynh hướng nhận thức lại đã hình thành đậm nét trong văn học thời Đổi mới. Gắn liền với những đánh giá khách quan về những được mất của con người, của dân tộc trong và sau chiến tranh, văn xuôi cũng xuất hiện giọng trầm lắng, xót xa mà những âm hưởng chủ đạo là mô típ nỗi đau, sự cô đơn và những ưu tư của người viết trước những “bể dâu” của số phận, nhân tình.

So với văn học giai đoạn 1945-1985, văn học hôm nay thường nói nhiều hơn đến nỗi đau, đến mất mát của từng cá nhân cụ thể. Giọng văn vì thế mà lắng xuống, câu chữ như gẫy vụn, vỡ oà trước sự thúc ép của rất nhiều xót xa, thương cảm. Dù có nhiều mất mát, xót đau nhưng phần lớn không có sự sám hối, phủ định; bao trùm lên nhiều sáng tác có yếu tố kì ảo giai đoạn này vẫn là sự nhân hậu, minh triết của người viết, nhất là đối với các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Sự hi sinh của người lính không phải đã đặt dấu chấm hết cho những mất mát không gì bù đắp nổi của dân tộc, nỗi đau còn được kéo dài, được nhân lên ở thế giới bên kia. Nhưng một điều cũng hết sức cảm động là từ cõi âm, vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn người lính như được bọc trong ánh hào quang huyền thoại nên lại càng lung linh, bất tử. Cuộc tử sinh dẫu có nhiều nước mắt nhưng đó chỉ là sự chia tay tạm thời; còn nỗi đam mê, tình yêu cuộc sống… tất cả sự vĩ đại mà dung dị của người lính Việt Nam thì vẫn trường tồn và tiếp tục phát huy sức mạnh (Thần đất, Cõi âm, Khúc hát biển ban mai, Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng, Đợi bạn, Bến trần gian, Cặp bồ với ma, Tàn đen đốm đỏ…).
Giọng quan hoài da diết cũng gắn liền với mô típ con người cô đơn sau chiến tranh (Ngày xửa ngày xưa, Biển cứu rỗi, Những giấc mơ có thực, Người sót lại của Rừng Cười). Nhưng giọng điệu này đạt hiệu quả nghệ thuật hơn cả là khi chạm đến những vấn đề muôn thuở của con người: đó là những khắc khoải, những buồn vui, khổ đau hay sung sướng (Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ, Biển cứu rỗi, Thần đất, Ngày xưa, cô Tấm… Sự tích những ngày đẹp trời), những xáo trộn tình cảm trên hành trình mưu cầu hạnh phúc và lẽ sống (Chảy đi sông ơi, Con gái thuỷ thần), là cảm giác tái tê, đắng nghẹn của nhà văn khi đối diện những bi kịch nhân sinh mà nguyên nhân chính là hủ tục, định kiến cứng nhắc, lỗi thời (Truyền thuyết viết lại, Châu Long, Tiếng thở dài qua rừng kim tước), là sự u hoài man mác cảm giác tiếc nuối cho sự mai một những giá trị truyền thống trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại (Kiếp bèo, Độc huyền, Con chuột lông vàng), là những đổ vỡ, bất hạnh của con người trong vòng quay số phận… Đây là một nguyên nhân khiến cho nhiều truyện không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi và day dứt trong giọng điệu trần thuật (Cơ hội của Chúa, Người đi vắng,Trí nhớ suy tàn, Những đứa trẻ chết già). Những cuốn tiểu thuyết này cho người đọc chứng kiến sự đổ vỡ của những giá trị truyền thống, trong khi những giá trị mới chưa thể đem đến cho con người sự thanh thản. Xét theo một nghĩa nào đấy, các nhân vật ở đây đều thua cuộc mà nguyên nhân của nó có thể là do sự dồn đuổi của “thổ ngơi cùng khốn”, nhưng điều cơ bản vẫn là xuất phát từ chính cách sống giữa một thế giới với đầy những toan tính tối tăm, phân li, vô cảm. Điều này được người viết khái quát thành một vấn đề có tính chất tượng trưng, cảnh báo, là “thử thách cuối cùng của Chúa”.

Thậm chí trong cổ tích cũng không còn là thế giới lí tưởng, ở đó mọi thứ đều nhất thành bất biến theo quy luật nhân quả thuần phác của dân gian mà cũng chứa đựng không ít đổ vỡ, bất hạnh của con người ở hiền chẳng gặp lành (Châu Long, Những ngọn gió Hua Tát).

Đội ngũ những người sáng tác trưởng thành sau 1986 phần lớn thuộc thế hệ nhà văn “không mảy may bị vướng mắc cách nhìn sử thi”. Câu văn trong truyện của họ thường man mác cảm giác tê tái song hành với nỗi đau nhân tình âm thầm, lặng lẽ nhưng sâu sắc. Nói như Hoàng Ngọc Hiến, “đau thương là quyền lớn nhất của nhà văn để viết về những sự việc tiêu cực”. Cho nên, sẽ không là võ đoán khi cho rằng, cùng với giọng giễu nhại, sự lên ngôi của kiểu giọng điệu này cũng là yếu tố cơ bản tạo nên chất văn xuôi và tính dân chủ, hiện đại của văn học những năm gần đây.

Đối với người cầm bút hiện đại, cái huyền ảo, kì bí chỉ là nơi gởi gắm những điều mà nhà văn muốn nói xuất phát từ sự thúc ép của cuộc sống. Đằng sau những chi tiết hoang đường, kì lạ bao giờ cũng lấp lánh trái tim nhà văn với nhiều sắc độ: Khi mỉa mai, dằn hắt, lúc trầm lắng, xót xa. Sự phối kết nhiều chất giọng cũng thể hiện rõ những cách tân của ngôn ngữ văn xuôi đương đại so với giai đoạn trước. Sự linh hoạt, phong phú của giọng điệu trần thuật cũng chính là nhu cầu tự nhiên để người viết tự làm mới mình. Khách quan mà nói, sự mới lạ, đa dạng của giọng điệu cũng là phương tiện quan trọng để tác giả thể hiện một cách sinh động cái đa đoan của con người, cái đa sự của cuộc sống. Việc có mặt của những giọng điệu này, theo Bakhtin, đã góp phần tăng thêm chất văn xuôi cho tiểu thuyết cũng như truyện ngắn thời gian qua. Đây cũng là dấu hiệu của sự phát triển, trưởng thành của văn xuôi giai đoạn này. Điều quan trọng hơn là độc giả đến với truyện có yếu tố kì ảo đương đại không phải chỉ để tìm cái kì, cái quái mà là để hiểu những nhân cách, những tấm lòng từ đó trang bị cho mình những kiến thức, vốn sống phù hợp với thực tế.

Khách quan mà nói, chính nhãn quan kì ảo hoá thể hiện qua ngôn ngữ đã góp phần làm cho “câu chữ có men” (Ma Văn Kháng). Tất cả những hình thức ngôn ngữ đó giúp cho nhà văn tái hiện một cách chân thực, không giản lược toàn bộ thế giới tâm hồn, trí tuệ của con người ngày càng phức tạp, thường là mâu thuẫn. Là “yếu tố thứ nhất của văn học” (M. Gorki), ngôn ngữ văn học một thời kì, nói như Trần Đình Sử, “gắn với đặc trưng tư duy hình tượng của thời ấy, là “hoá thạch” của đời sống tâm lí, xã hội một thời, là tấm gương phản chiếu gần xa ý thức thẩm mĩ, luân lí, chính trị thời ấy”(8). Văn học, vì thế, không chỉ có nhiệm vụ ghi chép sự thay đổi của ngôn ngữ, nó còn là chính sự thay đổi đó nữa. Sự độc đáo của ngôn ngữ văn xuôi đương đại dưới tác động của yếu tố kì ảo cũng không ngoài nỗ lực, khát vọng tái hiện một cách sinh động, đầy tính nghệ thuật thực tiễn xã hội đa sắc hôm nay; vì lẽ, việc sáng tạo ngôn ngữ văn học không bao giờ bắt đầu từ bản thân ngôn từ mà bắt đầu từ ý đồ phản ánh đời sống của người nghệ sĩ

_____________________
(1) Trần Đình Sử (chủ biên): Tự sự học – một số vấn đề lí luận và lịch sử. Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2004, tr.376.
(2) Vưgôtxki:Tâm lí học nghệ thuật. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1981.
(3) Phan Cự Đệ: Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Nxb. Giáo dục, H, 2000, tr.739.
(4) Trần Đình Sử: Lý luận và phê bình văn học. Nxb. Hội Nhà văn, H, 1996, tr.104.
(5) Hoàng Trinh: Từ kí hiệu học đến thi pháp học. Nxb. Đà Nẵng, 1997, tr.108.
(6) Nhiều tác giả: Một thời đại mới trong văn học. Nxb. Văn học, H, 1995, tr.165.
(7) Milan Kundera: Tiểu luận (Phan Ngọc dịch). Nxb. Văn hoá thông tin – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, H, 2001, tr.210.
(8) Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam. Nxb. Giáo dục, H, 1999, tr.152.

Posted in Ngôn ngữ nghệ thuật | Thẻ: | Leave a Comment »

VIỆT NHÂN CA

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 25, 2010

(Một bài viết về nguồn gốc Việt-Hoa có tính cách nghiên cứu rất sâu xa và khoa học).

Đỗ N. Thành

– VIỆT NHÂN CA《越人歌》: Châu lại về hợp phố, Việt-Nhân-Ca là của người Việt, bài viết nầy được viết để tặng cho người Việt, như một món quà Xuân để đón mừng năm mới 2010, “uống nước nhớ nguồn”, nguồn văn hóa Việt ở Đông phương kỳ bí và bao la, mà những ngộ nhận và những lớp bụi mờ của lịch sử làm nhiều người không nhận ra sự thật. Cho nên bài nầy cũng là một đóng góp nhỏ cho việc nghiên cứu văn hóa Việt và ảnh hưởng của văn hóa Việt mà nhiều người không hay chưa để ý tới…

Chữ “Hoa” và tiếng “Hoa” hiện giờ giải thích “Việt Nhân Ca” không đúng vì đã lạc vào “mê hồn trận”…

Việt Nhân Ca quá nổi tiếng ! Sau khi Việt Nhân Ca được đưa vào phim và hát thì làm nổi lên một phong trào tìm hiểu Việt Nhân Ca trong dân gian chứ không còn là chuyện của các chuyên gia : nghiên cứu Sử, nghiên cứu Bách Việt Sử, nghiên cứu dân tộc học, nghiên cứu âm nhạc cổ, nghiên cứu âm nhạc Việt cổ đại v.v… Việt Nhân Ca nổi tiếng vì có thể nói là : Đó là một bài “thơ tình” đầu tiên được ghi nhận bởi lịch sử, một bài “dân ca” xuất hiện sớm nhất trong dòng sử cổ xưa đã ghi nhận được một cách trọn vẹn… Chuyện xảy ra trên nước Sở và cách xa thế kỷ 21 hiện giờ khoảng 2800 năm. Ý nghĩa giá trị và quý giá của Việt Nhân Ca là vậy.

Hiện giờ thì : “Bối cảnh” cuả “Việt Nhân Ca” được ghi như sau : Việt Nhân Ca là Dân ca của dân tộc “CHoang” được ghi lại bằng ký âm bởi người Sở thời Xuân-Thu.*** Một số ý kiến cho rằng Lịnh-Doãn của nước Sở là Ngạc Quân Tử Tích sau khi nghe bài hát của người Việt rồi nhờ người phiên dịch ra tiếng Sở.***

Việt ngày xưa có nhiều nhóm Việt nên gọi là Bách Việt, “Sở” và “Việt” đồng tông đồng tộc, Sở cũng chính là Việt, Sở quá rộng lớn nên Bắc Sở thường Tự Xưng là “Kinh Sở” và Nam Sở tự xưng là “Tương Sở hay “Tượng Sở” ? Trong lịch sử xưa có khi Nam-Sở tách ra độc lập là nước “Dương Việt”. Nếu ngược dòng thời gian thời Xuân Thu đi ngược về xa xưa nữa, thì tận xa xưa có “Lịnh-Doãn” của nước Sở là Tử Văn vào Triều Đình của Chu nói chuyện bằng Tiếng Sở mà triều Đình Chu xưng là “Hoa” lại không ai hiểu tiếng Sở cuả “Lịnh-Doãn” tên là “Tử Văn 子文”… điều nầy có được ghi nhận trong Sử Ký. Xin quý vị xét kỹ yếu tố câu chuyện nầy mà đừng cho rằng tiếng Sở là Tiếng “Hoa”; ngay cả “Lịnh-Doãn” là của Triều Đình Sở nghĩa là gì thì tiếng “Hoa” cũng không biết, nên chỉ biết và ghi chú là Quan “Lịnh-Doãn” là chức quan tương đương với “Tể Tướng” hay gọi là “Thừa Tướng”, “Lịnh-Doãn 令尹” là đa âm cổ xưa, quang Lịnh-Doãn, hay Quang Loãn-quan Loan-Quang Lang chỉ có tiếng Việt và người Việt mới hiểu. Xin đừng nói tiếng Sở là Tiếng Hoa trong khi Sở và Việt là Đồng tông đồng tộc và nói tiếng Việt và quan chức người Việt cuả Hùng Vương được gọi là Quan “Lang=Loan=Lịnh Doãn = 令尹” … Những người nghiên cứu Hoa Văn, cho rằng Hoa Văn là của “Hoa-Tộc” phát xuất từ tiếng Sở nên xét kỹ những phân tích rõ ràng của tôi vừa nêu, và nên nhớ là có thể tra cứu dễ dàng là thời Xuân Thu cuả Đông Chu vẫn dùng ngôn ngữ Việt để làm phổ thông chung giữa các quốc gia nhỏ ở Trung nguyên và gọi là Nhã ngữ… và “Nhã ngữ-Việt粤” mà ngày nay cũng đã bị gọi là “Hoa” đã “đơn âm” hóa các “đa âm” nên nhiều người lầm tưởng “Việt”, “Hoa” là 2 ngôn ngữ khác nhau. Thật ra ví dụ như “Tử la” thôn là Thôn “Tả” mà có nơi lại đọc “Trử-la” thôn là Thôn “trả” hay “trái”…”Tả” và “trái” không hiểu nhau rồi sau nầy bị gán ghép là “Hoa” với “Việt”…, hàng trăm , hàng ngàn lý giải rõ ràng sẽ được tôi tiếp tục viết ra sau nầy ở những bài khác chứ không phải ở đây để khỏi bị lạc đề khi nói riêng về “Việt Nhân Ca”. Sở dĩ phải nói đến “Trử-La” và “Trái” cổ xưa sinh ra và biến thành “Tả”-Hán Việt, “Tó”-Triều Châu, “Chỏ”-Quảng Đông, “Chò”-Bắc kinh là để đọc giả thấy rõ là dù chung một gốc ngôn ngữ mà sau khi biến âm thì vùng nầy lại không hiểu ngôn ngữ vùng kia. Những chữ biến âm của Việt được cho là “Hán” tự, “đơn âm” từ đa âm rút gọn có nhiều biến thể theo từng vùng cũng bị cho là “Hán” tự. Vì vậy cho nên mới có rắc rối khi nghiên cứu ký âm của bài Việt Nhân Ca, mà qua Khảo cứu của tôi thì “Việt Nhân Ca” là tiếng Việt chứ không phải tiếng CHoang.

Tóm tắt rõ ràng về bối cảnh ra đời của “Việt Nhân Ca” : Lưu Hướng 刘向 là cháu 4 đời của Lưu Giao 刘交, Lưu Giao là em của Lưu Bang 刘邦 cao Tổ của Triều Hán . Lưu Hướng là tác giả cuả sách 《Thuyết Uyễn-说苑》; “Thuyết Uyễn” có chương kể chuyện xưa là “襄成君始封之日- Tương Thành Quân Thủy phong chi Nhật”, Tương Thành Quân là Sở Tương Vương 楚襄王 tên hiệu là Hùng Hoành 熊橫 … Trong câu chuyện đó thì có nhắc đến “鄂君子皙-Ngạc Quân Tử Tích” là vua Sở Hùng Ngạc 楚熊咢 ngày xưa dùng thuyền dạo mát ngoạn cảnh thì có “Người” chèo thuyền hát bài Dân Ca Việt, Ngạc Quân Tử Tích nhờ người ghi lại và phiên dịch ra tiếng “Sở” là “Việt Nhân Ca”.

– Việt “Tộc” ngày xưa có “Bách Việt” , Nhiều giọng Việt “địa phương” là dĩ nhiên, (…ngày nay thì người Sài Gòn hay người Hà Nội chưa chắc nghe và hiểu được một người Huế nói tiếng Huế và rặc giọng Huế !) một người Việt nào đó đã hát bài dân ca Việt theo một giọng địa phương Trung, Nam, Bắc nào đó, một người Việt khác lại “ký âm” ghi lại bằng tiếng Sở cho Ngạc Quân Tử Tích và trở thành “Việt Nhân Ca” trong lịch sử. Bản chính của “bản gốc-ký âm Việt Nhân Ca” đã là “tiếng Việt của Sở ngày xưa” tương đương tiếng “thuần Việt” chúng ta dùng ngày nay… Lưu Hướng dùng Nhã Ngữ ( Nhã ngữ=tiếng Việt “Văn-Ngôn-Văn : thịnh hành từ thời Khổng Tử… gọi là Hán Văn thời nhà Hán tương đương tiếng Việt ngữ vùng Quảng Đông ngày nay ) để mà giải thích ý nghiã là “Kim tịch hà tịch hề v. v…”

– Tam sao thất bổn, và những ngộ nhận do ai đó gây ra… thế là từ đó, có sự lầm lẫn “Bản gốc của Việt Nhân Ca” không phải là tiếng Sở (!) và cho rằng tiếng Sở ngày xưa là tiếng “Hoa” !!!??? Và bây giờ người ta lại đi tìm mỏi con mắt và cho rằng “Việt Nhân Ca- bản gốc” là tiếng “CHoang” cuả người CHoang (Tiếng Thái) ! ? !… Sự “bình tĩnh” và “vô tư” theo “tinh thần khoa học” của các chuyên gia ngôn ngữ học đâu rồi ??? Làm ơn xem lại lịch sử đi ! Sở 楚 là Shan 楚 là Sơ-Tân -Lang 疋檳榔=疋木木=楚, là Văn -Lang, “Sở và Việt đồng tông đồng tộc”, vua của Sở là những vị “Hùng Vương 熊王”, quan của Sở gọi là Quan “Lang” (gọi là 令尹Lịnh Doãn=Loan=Lang), làm ơn vào các trang nhà của vùng Động Đình Hồ là tỉnh Hồ -Bắc và Hồ Nam ngày nay để mà nghiên cứu hay trực tiếp đi gặp dân địa phương để hiểu về “Cổ ngữ” của Sở, để biết rõ “Sở” ngữ thì con ngổng gọi là “ngang” hay “ngo”, ăn-hai là “ăn-hại”, lá cây trúc là “lá”, tiểu nam nhi là “trai” hay “tsai”, trương ra… gọi là “mở”, và các từ ngữ khác như “phan”, “bán mạng”, “thấy” v.v… đều là y như tiếng Việt của người Việt ở Việt Nam bây giờ,… cây “sáo” là nhạc cụ để thổi SÁO của người Việt thì “Tiếng -sở” vẫn gọi là “Sáo”… xin hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt và hiểu rõ “Cổ ngữ của Sở” đễ biết rằng :

—bản gốc của “Việt Nhân Ca”:

_滥兮抃草滥予 Lạm hề biện thảo lạm dư
_昌枑泽予昌州州 Xương hằng trạch dư xương châu châu
_饣甚州焉乎秦胥胥 Thực thầm châu yên hồ tần tư tư
_缦予乎昭 Mạn dư hồ chiêu
_澶秦逾渗惿随河湖 Thìn tần du sâm, đề tuỳ hà hồ.

Bản nầy đã là tiếng Việt, là tiếng Sở ngày xưa. Như là tiếng Việt “thuần Việt” của người Việt đang dùng ngày nay. Vậy mà bị ngộ nhận do cách trình bày trong “Thuyết Uyễn” của LƯU HƯỚNG.

—Và “bản phiên dịch Việt Nhân Ca” như Lưu Hướng trình bày trong “Thuyết Uyễn” và cho rằng đó là tiếng Sở thì thật ra cũng là tiếng Việt “Hán Việt” mà ngày xưa thời Xuân Thu-chiến quốc gọi là Nhã ngữ, đến thời Hán thì gọi là Hán Ngữ, nhưng khi Lưu Hướng kể chuyện trong sách Thuyết Uyễn thì biến thành đây là “Sở” ngữ :

_”今夕何夕兮,搴舟中流。
今日何日兮,得与王子同舟。
蒙羞被好兮,不訾诟耻。
心几烦而不绝兮,得知王子。
山有木兮木有枝,心悦君兮君不知!

Kim tịch hà tịch hề?khiên chu trung lưu.
Kim nhật hà nhật hề?đắc dữ vương tử đồng chu!
Mông tu bị hảo hề, bất hiềm cấu sỉ.
Tâm kỷ phiền nhi bất tuyệt hề,đắc tri vương tử.
Sơn hữu mộc hề mộc hữu chi,tâm thuyết quân hề quân bất tri !

– Sở Tương Vương lên ngôi vua trước công nguyên 298 năm=cách nay hơn 2300 năm.

– Sở Ngạc Vương lên ngôi vua trước công nguyên 799 năm=cách nay hơn 2800 năm.

-“Việt Nhân Ca” đã có tuổi hơn 2800 năm,

– Chữ “Hoa” và tiếng “Hoa” hiện giờ giải thích “Việt Nhân Ca” không đúng vì đã lạc vào “mê hồn trận” của chữ nghĩa mà quên đi cái gốc âm thanh của tiếng nói, và chữ nghĩa chỉ là phương tiện, bỏ đi và không tìm hiểu cái gốc thanh và ngữ của lịch sử nơi địa phương mà mình đang nghiên cứu mà chỉ theo cái ngọn của sách “Thuyết Uyễn” và hiện giờ và cho rằng vùng đó là “Hoa ngữ” thì dễ lầm lẫn là dĩ nhiên thôi. Vì thế cho nên bất cứ người nào nghiên cứu “Việt Nhân Ca” mà lạc vào “mê hồn trận” của riêng chữ nghĩa của đa số hiện giờ cứ cho là “chử tượng hình” là chữ “Hoa” thôi là sẽ lạc lối ngay, chỉ cần “vô Tư” và “Thực tế” thì sẽ tìm ra những ngộ nhận do “tam sao thất bổn” hay là “ai đó” gây ra ! Ghi chú: “Sách Thuyết Uyễn” thời Hán thật sự còn không ? Thời đó đa số là viết trên thẻ tre ! “Thuyết Uyễn” sau nầy là được ghi lại thời nào ? Đời nhà Tống, Minh, hay Triều nhà Thanh cho “ghi soạn lại hết” thành TỨ KHỐ TOÀN THƯ ???

Ký âm để viết lại Việt Nhân Ca của thời xưa được lưu lại là:

1- 滥兮抃草滥予 Lạm hề biện thảo lạm dư
2- 昌枑泽予昌州州 Xương hằng trạch dư xương châu châu
3- 饣甚州焉乎秦胥胥 Thực thầm châu yên hồ tần tư tư
4- 缦予乎昭 Mạn dư hồ chiêu
5- 秦逾渗惿随河湖 Thìn tần du sâm, đề tuỳ hà hồ

Ký âm nầy… khi phiên ra Hán-Việt thì thường gặp là : Các bài phiên dịch tôi đọc được đa số thấy thường là thiếu hết một chữ ở câu số 3 :” 饣” , đó chính là chữ “Thực”.

Phiên dịch ra Hán Việt cho một bài dùng chữ tượng hình cổ xưa để “phiên âm” tiếng Việt thì sẽ rất là khó !!! Vì có chữ không còn được dùng nữa, nên rất khó tra tự điển, mà dù cho có tra tự điển thì chưa chắc đúng được ! Bởi vì giọng đọc ở các địa phương khác nhau, và cách nhau mấy trăm năm, ngàn năm thì tiếng nói và cách dùng chữ viết của một số chữ điều có thể thay đổi, và lại biến âm theo từng miền ngôn ngữ v.v…

Ký âm nầy… cho đến khi tôi đang viết bài nầy thì người ta vẫn nghĩ là phiên âm để ghi lại tiếng “CHoang” tức là tiếng “THÁI” của Tráng Tộc

– ký âm Việt Nhân Ca được phiên dịch ra Hán-Việt như sau :

– Lưu-Hướng- 刘向 của đời nhà Hán đã sưu tầm và viết ra trong《Thuyết Uyễn-说苑》là: (… ghi chú- câu “Sơn hữu mộc hề mộc hữu chi 山有木兮木有枝” là do người phiên dịch cho Ngạc Hoàng Tử của Sở thêm vào).

今夕何夕兮,搴舟中流。
今日何日兮,得与王子同舟。
蒙羞被好兮,不訾诟耻。
心几烦而不绝兮,得知王子。
山有木兮木有枝,心悦君兮君不知!

Kim tịch hà tịch hề?khiên chu trung lưu.
Kim nhật hà nhật hề?đắc dữ vương tử đồng chu !
Mông tu bị hảo hề,bất hiềm cấu sỉ.
Tâm kỷ phiền nhi bất tuyệt hề,đắc tri vương tử.
Sơn hữu mộc hề mộc hữu chi,tâm thuyết quân hề quân bất tri !

-Trích một đoạn dịch ra Việt ngữ trên Diễn Đàn của Viện Việt Học: [Tạm dịch ra Việt ngữ] :Re: “Việt nhân ca” có liên hệ tới Tráng ngữ Posted by: Trần Nam Phong (162.105.112.—) Date: April 16, 2007 10:19PM)

Đêm nay đêm nào (chừ), chèo thuyền giữa sông
Ngày này ngày nào (chừ), cùng vương tử xuôi dòng.
Thẹn được chàng mến yêu (chừ), nào chê phận thiếp long đong
Lòng rối ren mà chẳng dứt (chừ), được gặp chàng vương tông
Non có cây chừ, cây có cành (chừ); lòng yêu chàng (chừ), chàng biết không?

-Xin quý vị chú ý: bản dịcḥ văn xuôi nêu trên rất hay và đúng ý so với bên bản Hoa Văn và Hán Việt mà hiện giờ ai cũng đã hiểu theo nghĩa nầy.

Phân Tích và giải mã bí mật Việt Nhân Ca theo tiếng Việt.
Toàn bộ “Việt Nhân Ca” bản gốc : là phiên âm gồm 33 chữ.
*xin chú ý:
A/ những chữ phiên âm ghi giống nhau, thì khi tìm hiểu, phiên dịch, phải là cùng một chữ. Nếu không, thì là Sai. Sở dĩ người ta phiên dịch sai “Việt Nhân Ca” là vì không khắc phục khuyết điểm nầy.

Ví dụ: 滥滥,予予予,昌昌,州州州,乎乎,胥 胥

B/ những chữ phiên âm và câu chuyện là của người “Sở” nói về “Bài Ca Việt”, phải hiểu “Sở và Việt Đồng tông, đồng tộc” như Sử ký Tư Mã Thiên đã chép…, phải hiểu các phương ngữ ngày nay có liên quan đến cổ sử của Sở và Bách Việt không chỉ riêng tiếng Việt ngày nay, mà còn tiếng Việt của “Việt Ngữ ở Quảng Đông”, “Sở ngữ, Mân Việt ngữ ở Phước Kiến, Triều Châu”, “Bộc Việt cuả Người Hẹ-Hakka”, “Sở ngữ, Tương Ngữ ở Giang Tây”, “Ngô Việt ngữ ở Thượng Hải và Giang Tô”, “Hoa Ngữ ở phía Bắc từ thời nhà Chu”, phạm vi ảnh hưởng của “Sở” và tiếng Sở đã quá rộng lớn thời xa xưa, và càng ảnh hưởng mạnh sau khi Hán-Võ và Lưu-Bang đều là người Sở đã khởi nghĩa để tiêu diệt nhà Tần của Tần Thủy Hoàng. Cho nên phải đối chiếu các phương ngữ của cả một vùng rộng lớn có liên quan đến Bách Việt, liên quan các ngôn ngữ Bách Việt đã phân hóa thành các phương ngôn của hiện thời. Sở dĩ người ta phiên dịch sai “Việt Nhân Ca” là vì không khắc phục khuyết điểm nầy.

C/ Ngôn ngữ ngày nay không thể hoàn toàn giống như xưa, và ngược lại ! Người ta “quên” rằng ngôn ngữ “đơn âm” ngày nay có nguồn gốc là “đa âm” của ngày xưa…, sở dĩ người ta phiên dịch sai “Việt Nhân Ca” là vì không khắc phục khuyết điểm nầy.

D/ Bài “thơ” “Việt Nhân Ca” là một khúc hát dân ca của người Việt thời Xưa, Sau khi đã dịch ra tiếng “CHoang” và cho là đúng rồi, mà không hoàn toàn phù hợp để hát theo thể điệu dân ca của dân tộc CHoang ! Chỉ là miễn cưỡng… vậy mà vẫn chấp nhận cái chưa hoàn hảo rồi kết luận đã tìm ra ý nghĩa và sự thật cuả “Việt Nhân Ca” là quá mức chủ quan, thiển cận và thiếu tinh thần khoa học. Sở dĩ người ta phiên dịch sai “Việt Nhân Ca” là vì không khắc phục khuyết điểm nầy.

E/ “Việt Nhân Ca” có “Việt” là chữ quan trọng nhất, không tìm hiểu hết nghĩa của chữ “Việt” và không hiểu hết thi ca với dân ca của người Việt chính thức mang tên Việt ở nước Việt Nam ngày nay là một khuyết điểm lớn nhất. Vì câu chuyện và bài hát là nói về Dân Ca của một người Việt đang chèo ghe. Sở dĩ người ta phiên dịch sai “Việt Nhân Ca” là vì không khắc phục khuyết điểm nầy.

F/ Việt ngữ và Hoa ngữ “liên quan” như thế nào ? Không hiểu song ngữ Việt-Hoa thì khó lòng phiên dịch được, sở dĩ người ta phiên dịch sai “Việt Nhân Ca” là vì không khắc phục điểm nầy.

Tôi không cho rằng bài phiên dịch “Việt Nhân Ca” của tôi là hoàn toàn chính xác, nhưng ít nhất cũng là “cơ bản” chính xác vì đã theo yêu cầu cần phải có khi muốn phiên dịch “Việt Nhân Ca”, và muốn càng chính xác thì càng phải theo những điều “Xin chú ý” nêu trên. Nếu có người khác phân tích được cái sai của bài tôi phiên dịch thì tôi sẽ hoàn toàn vui vẻ mà chấp nhận sự thật.

– Việt nhân Ca có tất cả chữ viết phiên âm được thể hiện bằng 33 chữ : xin trình bày lại và sắp theo số cho rõ.

滥兮抃草滥予,昌枑泽予昌州州,饣飠甚州焉乎秦胥胥,缦予乎昭,澶秦踰渗,惿随河湖。

_01 滥 02兮 03抃 04 草 05滥 06予 07昌 08枑 09泽 10予 11昌 12州 13州 14飠 15甚 16州 17焉 18乎 19秦 20胥 21胥 22缦 23予 24乎 25昭 26澶 27秦 28踰 29渗 30惿 31随 32河 33湖。

– xin được sắp xếp lại theo ý của tôi :

-滥 兮 抃 草 滥 予

-昌 枑 泽 予 昌 州 州 飠

-甚 州 焉 乎 秦 胥 胥

-缦 予 乎 昭 澶 秦 踰 渗 惿 随

…河 湖。-

-Xin sắp xếp lại một lần nữa, vì rất quan trọng, cho đúng thơ lục bát (6-8):

滥 兮 抃 – 草 滥 予

昌 枑 泽 – 予 昌 州 州 飠

甚 州 焉 乎-秦 胥 胥

缦 予 乎-昭 澶 秦 踰 渗 惿-随

…河 湖。-

Chú ý: 2 chữ có gạch nối là “đa-âm” của một chữ, và nghĩa là :

Lạm hề Biện-Thảo lạm Dư

Xương Hoàng Trạch-Dư xương Châu Châu Thực

Thẩm Châu yên Hô-Tần Tư Tư

Mạn Dư hô-Chiêu thìn tần Du sâm Đề-Tùy.

…Hà Hồ.

-Xin viết lại bằng cách có sửa chữa đa âm thành đơn âm và điều chỉnh ký âm (xưa) không chính xác trở thành chính xác khi theo tiếng Việt ngày nay (là đã có biến âm khác xưa chút đỉnh là điều chắc chắn), nghĩa là…

Năm nầy **Bảo ** năm xưa

Thương Hoàng **Tử** thương Chiều chiều Xưa

Sớm chiều em **Hận** Tương Tư

Mà ai **hiểu** đặng tình yêu Sâu đầy.

….Hò Hớ.

Kết quả khảo cứu của tôi là “Việt Nhân Ca-Bản gốc” là thơ lục bát của Tiếng Việt, phù hợp với câu hò của Dân Ca Việt. Mà lại phù hợp với “cổ Sở Ngữ” và chính là tiếng Sở, cho nên đối với tôi thì “Sách Thuyết Uyễn” của Lưu-Hướng thời Hán để lại … đã có vấn đề, hoặc là tam sao thất bổn !!! Nhưng dù thế nào đi nữa thì tôi đã chứng minh được 滥兮抃草滥予,昌枑泽予昌州州,饣飠甚州焉乎秦胥胥,缦予乎昭,澶秦踰渗,惿随河湖 là điệu dân ca hát trên sông hồ theo thể thơ Lục-Bát.

Nếu thể hiện Việt Nhân Ca với những chữ có đánh dấu (**) trở thành đa-âm là vừa đúng bằng thể thơ” lục bát”, và cách thể hiện ngày nay là chữ đa âm rút gọn thành đơn âm thì nên thêm vào chữ thay thế cho đúng thơ 6-8 sẽ là:

HÒ……Hớ…

Năm nầy bảo với năm xưa

Thương chàng hoàng tử thương chiều chiều xưa

Sớm chiều em hận tương tư

Mà ai hiểu đặng tình yêu sâu đầy.

Điều phát giác thú vị nhất của tôi khi khảo cứu Việt Nhân Ca (Lời “tâm sự”) : Khi khảo cứu và giải mã bí mật của “VIỆT NHÂN CA” đối với tôi … rất là dễ !!! Bởi vì đối với tôi thì chữ “tượng hình” là chữ Việt, và tôi thường đọc “chữ tượng hình” theo nhiều phương ngôn khác nhau là Bắc Kinh, Quảng Đông, Triều Châu, Hán Việt… khi nghiên cứu cổ sử, cho nên có thể nói là nhìn vào Việt Nhân Ca là “thấy được bài thơ lục bát Việt liền !”,… thích thú với chi tiết 2800 năm về trước tiếng Việt đã dùng “Biện-Thảo” là “bảo” , “Nầy” Kia, “Nầy” Xưa, “thương Chiều Chiều xưa”, “em Hận tương tư” v v,… Nhưng điều thích thú nhất là tôi chưa bao giờ biết “Hò…hớ” là nghĩa gì ? … và cũng chưa bao giờ nghĩ đến sẽ tìm hiểu “Hò… Hớ” là gì !!! Vậy mà nhờ Việt Nhân Ca bản gốc của 2800 năm về trước… đã làm tôi kinh ngạc và “ngộ” ra rằng “Hò… Hớ” chính là Dân Ca của Người Việt khi gắn bó với sông hồ, với ghe, thuyền…:

– Hò… Hớ : là Dân ca của người Việt với SÔNG HỒ

– Hò… Hớ nghĩa là “Hà 河” …”Hồ 湖”… nếu không nhờ có Việt Nhân Ca thì tôi không thể nào biết được ý nghĩa nầy.

***Giải thích: những ký âm của “Việt Nhân Ca” là giống như các phương ngôn Việt…

滥 -“Lạm” là “Lam” hay “nam” tức là “Năm”, “L” và “N” thường là biến âm, ngày nay màu “Lam” bên tiếng Triều Châu là “Nam”, và rất nhiều nơi ở Quảng,Triều, Việt đều lẫn lộn âm “L” và “N”.

兮 – Hề… hầy, nầy, nè , đây… nhiều biến âm.

抃草 – Biện -thảo ”là đa âm của “Bảo”,

予 – “Dư” còn có âm “ia” (Triều Châu, Bắc kinh): Năm “dư” có thể như ngày nay là “năm kia”, “năm xưa”

昌 – ký âm “xương” là “thương”, ngày nay tiếng Quảng Đông-Thuần Việt là “Sẹc”, Triều Châu-thuần Mân Việt là “Siaiê”

枑 – “Hằng” hay “Hoàng”

泽予 – “Trạch-Dư” hay “Trạch-Dử” là “Trử’ hay “Tử”,

飠- Thực , tiếng Quảng Đông =>sực, Bắc kinh => Sữa, phát âm như là “Xưa”

甚 – Thẩm, hay Thậm => là Sẩm, sửm, sơm bên tiếng tiếng Quảng Đông, và Bắc Kinh “Sum” phát âm như “Sởm”

州 – Châu => phát âm mân Việt -Triều châu thì chữ nầy đọc là “Chiêu” , “Chiệu” như “Chiều”

焉 -̣(zen) phát âm tiếng bắc kinh như em.
乎秦 – “Hô-tần” đa âm ,là “Hận” cuả Đơn âm ,
乎昭 – “Hô-chiêu” đa âm là “Hiểu” đơn âm.

澶 – “Thẳn” hay “Đặng” hay “được”, …nếu tra tự điển và phiên dịch là “Thìn” hay “chiền” là không đúng ! Bên trái là bộ chữ “Thủy”, và bên phải là chữ “Đàn”, đọc là “Thẳn” hay “đặng” và nghĩa là “nước xối… thẳn, thông, đặng”, tiếng Quảng Đông : “Thànn” , Tiếng Triều Châu : “thànn” hay “thạnn”

胥胥 – “tư Tư” là Tương Tư ,

秦 踰 – Tần Du, là ký âm “Tình duyên” hay “tình Yêu”, 秦 là Tsình của tiếng Tiều Châu ngày nay, 踰, du, Duyè (Quảng Đông), Dua (Triều Châu)

渗- “Sâm” là Sâu, Tiếng Quảng Đông ngày nay “sâu” vẫn là “Sâm”

惿随 – “Đề-Tuỳ” đa âm là “đuỳ” đơn âm, là “đầy”

河- Hà

湖- Hồ

Trước khi kết thúc bài nầy … Xin copy font chữ Nôm viết Việt Nhân Ca theo một cách khác cho vui, xin ghi lại Việt Nhân Ca bằng chữ Nôm :

越人歌

河湖

𢆥尼報貝𢆥𠸗

昌乴王子昌州州食

甚朝㛪恨相思

麻埃曉特情𢞅滲低

Hò… Hớ

Năm nầy bảo với năm xưa

Thương chàng hoàng tử… thương chiều chiều xưa…

Sớm chiều em hận tương tư

Mà ai hiểu được… tình yêu sâu đầy…

Và cũng phiên dịch ra “Hoa” văn cho vui, quý vị nào dịch ra Hoa Văn hay hơn tôi nhiều thì nên viết bài để chia sẻ cùng mọi người, bài phiên dịch qua Hoa văn của tôi như sau :

越人歌

今年與去年嘲

愛了王子愛朝朝歹

朝歹我恨相思

但没人知我心深低

Nhạn Nam Phi / Đỗ N. Thành.

-Tôi không cho rằng bài viết nầy hoàn toàn đúng, mà phải chờ đọc giả chỉ ra những khuyết điểm hay ủng hộ và công nhận của nhiều người ! Nếu có gì sai xót thì xin quý vị đọc giả góp ý kiến và viết bài phê bình ! Tinh thần “vô tư” và “khoa học” là luôn cần thiết nhất cho tất cả sự việc.

Xin chân thành cảm tạ quý đọc giả đã đọc đến đây, và cầu chúc quý vị bước qua năm mới 2010 vui vẻ và An Lành.

*Ghi Chú: Tham Khảo, Đọc thêm các trang :

Việt Nhân Ca – Bài ca Việt nữ cổ:Th.s Nguyễn Ngọc Thơ (Trường ĐH khoa học xã hội và Nhân Văn TP. HCM).

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=220916&ChannelID=119

Thảo luận Việt Nhân ca: Viện Việt Học

http://www.viethoc.org/phorum/read.php?10,34172,page=3

http://www.viethoc.org/phorum/read.php?13,28483

-Nhà nghiên cứu: Phùng Minh Tường- 冯明洋:Việt Nhân Ca- 越人歌 có liên hệ Tráng Ngữ? -Dân tộc Choang-: không chính xác, vì không phù hợp thể điệu dân ca Tráng Ngữ

http://www.ce.cn/kjwh/ylmb/ylzl/200907/11/t20090711_19510768.shtml

Yue-Rin-Ge : http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/clao_0153-3320_1991_num_20_2_1345

Thảo luận và phân tích Việt Nhân Ca bên tiếng Hoa …rất hay, nhưng rất tiếc…chưa đúng:

http://forum.bomoo.net/showthread.php?t=1851

-Dùng Từ “越人歌” search trên Google: 69,900 trang:

http://www.google.com/search?sourceid=navclient&ie=UTF-8&rlz=1T4ADBF_enUS330US331&q=%e8%b6%8a%e4%ba%ba%e6%ad%8c

-Dùng từ “越人歌” tìm trên Baidu.com: 196,003 trang:

-Đây là Nguyên Văn câu chuyện 《襄成君始封之日-Tương Thành Quân thủy phong chi nhật 》rất dễ tìm được trên web site mà nhiều người đăng lại để̉ thảo luận trên blog , trên diễn đàn…, Trích Sách “Thuyết Uyễn” của Lưu Hướng mà trong đó nói đến 《越人歌-Việt nhân Ca》:

“襄成君始封之日,衣翠衣,带玉剑,履缟舄(舄:xi4,古代一种双层底加有木垫的鞋;缟舄:白色细生绢做的鞋),立于游水之上,大夫拥钟锤(钟锤:敲击 乐鼓的锤子),县令执桴(桴:鼓槌)号令,呼:“谁能渡王者于是也?”楚大夫庄辛,过而说之,遂造托(造托:上前求见)而拜谒,起立曰: “臣愿把君之手,其可乎?”襄成君忿然作色而不言。庄辛迁延(迁延:退却貌)沓手(沓:盥之误字,盥手即洗手)而称曰:“君独不闻夫鄂君子皙之泛舟于新波 之中也?乘青翰之舟(青翰:舟名,刻成鸟形的黑色的船),极(:man2,上艹下两;芘:bi4。芘:不详为何物,疑为船上帐幔之类),张翠盖而检 (检:插上)犀尾,班(班,同“斑”)丽袿(袿:gui1,衣服后襟,指上衣)衽(衽:ren4,下裳),会钟鼓之音,毕榜枻(榜:船;枻,yi4,桨。 榜枻:这里指代船工)越人拥楫而歌,歌辞曰:‘滥兮抃草滥予,昌枑泽予昌州州,饣甚州州焉乎秦胥胥,缦予乎昭,澶秦踰渗,惿随河湖。’鄂君子皙曰:‘吾不 知越歌,子试为我楚说之。’于是乃召越译,乃楚说之曰:‘今夕何夕兮,搴中洲流。今日何日兮,得与王子同舟。蒙羞被好兮,不訾诟耻。心几顽而不绝兮,知得 王子。山有木兮木有枝,心说君兮君不知。’于是鄂君子皙乃揄修袂,行而拥之,举绣被而覆之。鄂君子皙,亲楚王母弟也。官为令尹,爵为执圭,一榜枻越人犹得 交欢尽意焉。今君何以踰于鄂君子皙,臣何以独不若榜枻之人,愿把君之手,其不可何也?”襄成君乃奉手而进之,曰:“吾少之时,亦尝以色称于长者矣。未尝过 僇(僇:lu4,羞辱)如此之卒也。自今以后,愿以壮少之礼谨受命。”

______________________________________________

Posted in Văn bản học | Thẻ: | Leave a Comment »

Địa danh học và việc nghiên cứu địa danh các tỉnh Trung Trung Bộ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 25, 2010

HOÀNG TẤT THẮNG

1. Khái quát về địa danh học.

1.1. Địa danh là tên gọi của địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ nào đó. Do đó, địa danh là đối tượng quan tâm của nhiều lĩnh vực khoa học như lịch sử, địa lý, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học…

Song, địa danh, xét về bản chất cấu tạo, là một đơn vị từ ngữ, có chức năng định danh sự vật, do đó, địa danh là một bộ phận của từ vựng và vì vậy, trước hết, là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học. Nếu xem xét địa danh trong mối quan hệ với các bộ môn của ngôn ngữ học, ta thấy, địa danh không chỉ là đối tượng của từ vựng học mà còn là tài liệu nghiên cứu của ngữ âm học. Bởi vì địa danh được cấu tạo bởi những đơn vị ngữ âm, chịu sự tác động của các quy luật ngữ âm. Nhiều địa danh tiếng Việt ngày nay là kết quả của quá trình biến đổi cách phát âm các địa danh trước đây như: xóm Chỉ (trước đây là xóm Trĩ), Bà Môn (trước đây là Bàu Môn) ở thành phố. Hồ Chí Minh; Nam Ô (trước đây là Năm Ổ) ở Đà Nẵng… Địa danh còn là tài liệu nghiên cứu của ngữ pháp học, vì địa danh là những danh từ, danh ngữ tuân theo những phương thức cấu tạo từ, ngữ của tiếng Việt… Chẳng hạn, những địa danh được cấu tạo theo các mô hình (động từ + tính từ: cầu Đúc Nho, danh từ + số từ: khu Ngã Bảy, Ngã Sáu, danh từ + tính từ: cầu Mũi Lớn, rạch Cầu Đen, danh từ + danh ngữ: cầu Giồng Ông Tố, rạch Tắt Mương Lớn, danh ngữ + tính từ: khu Cây Da Còm, rạch Cầu Chông Nhỏ…)

Địa danh cũng là đối tượng nghiên cứu của phương ngữ học. Bởi vì nó là sản phẩm do người bản địa tạo ra, gắn chặt với lời ăn tiếng nói của từng vùng, từng địa phương. Trong các địa danh tiếng Việt, ta có thể gặp các từ địa phương như: Cù Lao Chuông, hồ Ba Kiểng, động Sai, sông Chắt Chắt (ở Quảng Trị), rõng Nước Ngọt, ngoẹo Giằng Xay, Bùng binh Trường Tiền (ở Huế), đồng Cây Hợp, rậy Ông Cáp, rào Ba Đa, bàu Chẹp, rú Cấm, đồng Troọt, đồng Trữa (ở Đồng Hới)…

Đặc biệt, địa danh còn là tư liệu đáng quan tâm của ngôn ngữ học lịch sử. Bởi vì một địa danh ra đời trong một thời điểm lịch sử nhất định. Địa danh đã trở thành “ vật hóa thạch”, một “ đài kỷ niệm” và là “ tấm bia” bằng ngôn ngữ học độc đáo về thời đại mà nó ra đời. Chẳng hạn, tên gọi “ Chợ Lớn” ra đời vào đầu thế kỷ 19 gắn liền với sự phát triển về thương mại của một khu phố thị sầm uất nhất vùng Nam Bộ lúc bấy giờ, tên gọi “ Lũy Thầy” ở Đồng Hới (Quảng Bình) ra đời trong thời điểm lịch sử diễn ra cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn, “ huynh đệ tương tàn” thế kỷ 17, 18 và gắn liền với tên tuổi của vị quan của Chúa Nguyễn là Đào Duy Từ, người đã thiết kế nên thành lũy này.

1.2. Vì lẽ đó, địa danh học thực sự là một ngành của ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu ý nghĩa, nguồn gốc, và những biến đổi của địa danh. Ngoài ra, địa danh học còn nghiên cứu cấu tạo của địa danh, đặc điểm của địa danh, các phương thức đặt địa danh. Địa danh học còn được phân loại thành các phần nhỏ như thủy danh học (chuyên nghiên cứu tên sông suối rạch…), sơn danh học (chuyên nghiên cứu các tên đồi, núi, đèo, dốc…), phương danh học (chuyên nghiên cứu các tên làng, vùng, xóm, bản…) phố danh học (chuyên nghiên cứu các tên đường, phố, quảng trường…)

Với đối tượng và nội dung nghiên cứu như trên, rõ ràng, địa danh học là một lĩnh vực nghiên cứu khá phức tạp, đòi hỏi người nghiên cứu địa danh cần phải xác định điểm xuất phát một cách nhất quán và những tri thức cần thiết của các lĩnh vực nghiên cứu khác phục vụ cho việc nghiên cứu địa danh.

2. Sơ lược tình hình nghiên cứu địa danh ở các tỉnh Trung Trung Bộ:

2.1. Nếu kể cả những công trình nghiên cứu văn hóa, địa lý, lịch sử có đề cập đến các địa danh ở các tỉnh Trung Trung Bộ thì xưa nhất phải kể đến “ Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đời Mạc chép về sông núi, thành trì, phong tục của xứ Thuận Quảng, từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Kế đến là “ Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn tập hợp những tài liệu về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa trong thời gian làm đô đốc xứ Thuận Hóa cuối thế kỷ 18.

Ngoài ra, các công trình về địa lý, lịch sử như “ Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, “ Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên… cũng rải rác có đề cập đến các địa danh ở Trung Trung Bộ.

Đầu thế kỷ 20, đặc biệt từ sau 1945 đến nay, đã có nhiều công trình, bài báo liên quan đến các địa danh Trung Trung Bộ. Các công trình “ Quảng Nam, địa lý, nhân vật, lịch sử” của Lâm Quang Thự, “ Quảng Nam, đất nước và nhân vật”, “ Biến đổi địa danh ở vùng Quảng Nam- Đà Nẵng” của Võ Hoàng… có đề cập đến các địa danh ở Quảng Nam- Đà Nẳng. Các bài báo “ Tìm hiểu về tên đất thành phố Huế” của Thanh Tâm, “ Việc đặt tên đường ở Huế” của Trương Thị Cúc và Nguyễn Xuân Hoa, “ Địa danh thành phố Huế” của Trần Thanh Tâm… đã đề cập đến các địa danh ở Thừa Thiên- Huế. Các công trình “ Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị”, “ Địa chí Quảng Trị”, “ Ngày xuân đi tìm gốc tích những ngôi làng” của Anh Thi… đã đề cập đến các địa danh ở Quảng Trị. Các công trình, bài báo “ Đồng Hới những sự kiện lịch sử” của Nguyễn Tú, “ Non nước Quảng Bình”, “ Tản mạn qua thị xã Đồng Hới” của Lại Văn Ly và Phan Xuân Thiết… đã đề cập đến một số địa danh ở Quảng Bình.

Đặc biệt, các chuyên khảo “ Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh, “ Đi thăm đất nước” của Hoàng Đạo Thúy, “ Đất nước ta”… cũng đã rải rác có đề cập đến một số địa danh thuộc các tỉnh Trung Trung bộ. Gần đây nhất, công trình “ Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung bộ” do tập thể các tác giả ở Huế biên soạn để giới thiệu trên 70 địa danh từ Quảng Bình đến Quảng .

2.2. Nếu xem xét nội dung trình bày các địa danh trong các tài liệu nêu trên, ta có thể thấy (ngoại trừ những trường hợp chỉ nhắc đến địa danh) có hai hướng nghiên cứu trình bày các địa danh.

– Hướng thứ nhất: Thiên về lịch sử, trình bày lịch sử hình thành, biến đổi của một vùng đất (địa danh hành chính chẳng hạn), những biến cố lịch sử diễn ra tại một vùng đất.

– Hướng thứ hai: thiên về giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, chỉ chọn lựa, giới thiệu một sự kiện lịch sử điển hình, một nét địa hình đặc trưng, hoặc một chi tiết có giá trị văn hóa của địa danh.

Hướng thứ nhất ta thường thấy trong khi trình bày các địa danh hành chính. Hướng thứ hai ta thường gặp đối với các loại địa danh chỉ địa hình thiên nhiên hoặc địa danh chỉ công trình xây dựng.

Rõ ràng việc giới thiệu địa danh trong các tài liệu từ trước đến nay chưa xuất phát từ mục đích địa danh học. Các địa danh được nêu ra chỉ là phương tiện cho việc nghiên cứu địa lý, lịch sử, văn hóa của một vùng đất.

Với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu của ngôn ngữ học, địa danh học phải nghiên cứu địa danh theo quan điểm của ngôn ngữ học, nghĩa là phải nghiên cứu cả đặc điểm cấu tạo của địa danh, các phương thức đặt địa danh lẫn ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh. Có nghiên cứu một cách toàn diện như thế, địa danh học mới thực sự là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hấp dẫn, thú vị, đem lại nhiều lợi ích thiết thực đối với nhiều ngành khoa học khác

2.3. Để việc nghiên cứu địa danh đạt kết quả chính xác, tránh được những nhầm lẫn, chủ quan, khi nghiên cứu nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh, cần quan tâm đến các điều kiện sau:

a) Các biến cố lịch sử- nhất là các biến cố quan trọng- đã để lại dấu ấn khá rõ trong địa danh. Chẳng hạn, sau 1975, ở các thành phố, thị xã thuộc các tỉnh phía Nam, nhiều tên đường phố, tên các địa danh hành chính được thay đổi, như tên đường 30-4, đường Giải phóng, đường Lê Duẩn… Do vậy người nghiên cứu địa danh phải am hiểu lịch sử của địa bàn nghiên cứu. Popov đã lưu ý các nhà nghiên cứu địa danh rằng bất cứ sự giải thích theo định kiến nào, không căn cứ vào các sự kiện thường rơi vào sai lầm.

b) Nhà nghiên cứu Murzaev đã nói rằng trong những điều kiện như nhau hoặc gần giống nhau về địa hình, thường lặp lại những địa danh như nhau, kiểu như Xóm Đá, Cầu Dài, Cồn Mồ… ta thường thấy ở nhiều vùng đất khác nhau. Do đó khi nghiên cứu địa danh cũng cần phải nắm vững địa bàn nơi mình nghiên cứu để có thể giải thích tại sao ở chỗ này có nhiều địa danh mang các từ chỉ địa hình này, chỗ kia có nhiều địa danh mang các từ chỉ địa hình kia. Chẳng hạn, ở Đồng Hới thường có các địa danh: đồng Bàu Ốc, đồng Bàu Đĩa, đồng Bàu Đưng, đồng Bàu Nậy, đồng Bàu Rèng… Ở Đông Hà ta cũng gặp các địa danh: đồng Bàu Son, đồng Bàu họ Lê, đồng Bàu Kẻng… và các địa danh xóm Bàu Đưng, xóm Bàu Bưng, xóm Bàu Đôi…

c) Nghiên cứu các địa danh, ta thấy nhiều địa danh được tạo ra từ chất liệu các phương ngữ. Do vậy cần nắm hiểu các đặc điểm về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của phương ngữ tại địa bàn. Chẳng hạn, địa bàn Đồng Hới có các yếu tố địa phương: bàu, hói, rào, chẹp, nậy… Địa danh ở Đồng Hà có các yếu tố địa phương như: léc, lộng, rớ, truông, sại, rạc, trẹc…

d) Để nghiên cứu, giải thích ý nghĩa của địa danh, cũng không nên chỉ căn cứ vào hình thức ngữ âm và chính tả hiện hành mà cần phải cố gắng để tìm hiểu các hình thức cổ của địa danh. Bởi vì, địa danh cũng là một từ ngữ như các từ ngữ khác cũng chịu sự tác động của các quy luật ngữ âm. Do đó một số địa danh ra đời từ xa xưa, đã biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm khác nhau.

Chẳng hạn, địa danh “ Đồng Hới” được giải thích bắt nguồn từ cách phát âm cổ là “ Động Hải” hoặc “ Đồng Hời”, địa danh “ Đà Nẵng” bắt nguồn từ “ YaNan”, địa danh “ Lăng Cô” bắt nguồn từ “ Lăn Co” hoặc “ An Cư”…

Tóm lại, việc nghiên cứu, giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh cần phải được khảo sát một cách toàn diện và thận trọng. Đây là công việc tuy hấp dẫn, thú vị nhưng vô cùng phức tạp, vì địa danh học tuy là một bộ phận của ngôn ngữ học nhưng lại gắn chặt với những tri thức về lịch sử và văn hóa học, vì địa danh là “ tấm bia” bằng ngôn ngữ độc đáo về thời đại mà nó chào đời.

H.T.T
(03-99)

——————
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Đào Duy Anh – “ Đất nước Việt qua các đời” Nxb.KHXH Hà Nội.1964.
2. Lê Trung Hoa – “ Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh” Nxb. KHXH Hà Nội. 1991.
3. Thái Nhân Hòa – “ Quảng Đà Nẵng, xưa và nay” Nxb Đà Nẵng 1996.
4. Nhiều tác giả “ Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung Trung bộ” Nxb Giáo dục 1997.
5. Thanh Tâm – “ Tìm hiểu địa danh thành phố Huế”. Sông Hương, 6-1996.
6. Dương Thị The, Phạm Thị Thoa (dịch và biên soạn) – “ Tên làng xã Việt đầu thế kỷ XIX” Nxb KHXH, Hà Nội 1981.
7. Lâm Quang Thự – “ Quảng Nam- địa lý, nhân vật, lịch sử” Nxb Thuận Hóa 1995.
8. Nguyễn Tú – “ Non nước Quảng Bình”. Nhật Lệ, 6-1991.

__________________________________________________________

Posted in Từ vựng học | Thẻ: | Leave a Comment »

Cần luật hóa ngôn ngữ ở Việt Nam

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 24, 2010

Hoàng Minh Nguyệt

Ngày 26-11, Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học và những người quan tâm đến ngôn ngữ trên cả nước.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra 123 bài nghiên cứu, tập trung vào 5 vấn đề chủ yếu gồm: mối quan hệ giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong sự phát triển toàn diện của đất nước; vị thế của tiếng Việt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vấn đề bảo vệ, phát triển và hiện đại hóa tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia; vai trò và chức năng của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; toàn cầu hóa và vấn đề sử dụng, dạy – học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay.

Là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, ngôn ngữ không chỉ có chức năng phản ánh xã hội mà còn có chức năng tác động đến xã hội. Vì thế, sự thay đổi của đất nước và những biến động của thế giới trong suốt 20 năm qua đã và đang tác động mạnh mẽ tới hệ thống cấu trúc cũng như chức năng của tiếng Việt, tới các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và các ngôn ngữ khác đang được sử dụng và học tập ở Việt Nam với tư cách là ngoại ngữ. Đồng thời, tiếng Việt và các ngôn ngữ này cũng tác động mạnh mẽ trở lại đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong 20 năm qua, lý thuyết về ngôn ngữ học nói chung, về chính sách ngôn ngữ nói riêng đã có sự thay đổi, phát triển. Theo cách nhìn truyền thống, chính sách ngôn ngữ chỉ được nhìn nhận là một bộ phận của chính sách dân tộc. Ngày nay, chính sách ngôn ngữ có quan hệ đến hàng loạt các vấn đề như dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng… và trở thành một nội dung mang tầm chiến lược khi đề cập đến chính sách của quốc gia với các vấn đề này. Vấn đề lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam cho đến nay mới chỉ dừng lại ở 2 đầu nút là Hiến pháp thể hiện tại các điều khoản về dân tộc, văn hóa, giáo dục… và cơ quan hành pháp thể hiện ở các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, quy định của một số bộ hoặc cơ quan ngang bộ. Có thể vì thế mà các nội dung về lập pháp ngôn ngữ chưa được giải quyết thống nhất.

GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, chính sách ngôn ngữ của Việt Nam hiện nay cũng như trong 10 năm tới (2011-2020) cần phải là chính sách ngôn ngữ thực tế, hài hòa, phù hợp với cảnh huống ngôn ngữ và những khả năng biến đổi thực tế của nó, tránh rơi vào 2 kiểu chính sách ngôn ngữ cực đoan – hoặc là theo hướng nhất thể hóa hoặc theo hướng biệt lập hóa. Chính sách ngôn ngữ Việt Nam phải theo loại hình đa ngữ với các hình thức song ngữ khác nhau. Đã đến lúc Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng ngay bộ luật về ngôn ngữ, trong đó quy định rõ vị thế của mỗi ngôn ngữ trong hệ thống giao tiếp của cộng đồng người Việt Nam theo các cấp bậc chức năng xã hội của từng ngôn ngữ./.

__________________________________________

Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: | Leave a Comment »

Loài người biết nói là do đột biến gene FOXP2

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 24, 2010

(LĐĐT) – Các nhà khoa học Mỹ đã xác định đột biến gene FOXP2 là nguyên nhân giúp loài người biết nói. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature cho biết đột biến gene này đã giúp loài người phát triển được khả năng ngôn ngữ và nói, mặc dù đây không phải là lý do duy nhất giúp con người biết nói.

Các nhà khoa học đã phát hiện con người có hơn 100 gene khác biệt so với loài vượn, họ hàng gần gũi nhất của loài người, đặc biệt gien FOXP2 có cấu trúc và hoạt động hoàn toàn khác nhau ở loài vượn và loài người. Qua thời gian, gene này đã biến đổi để giúp loài người phát triển khả năng nói.

Giáo sư Daniel Geschwind, một chuyên gia về thần kinh học, tâm thần học và di truyền học tại trường Đại học California (Mỹ), cho biết đột biến gene FOXP2 đóng vai trò rất lớn tạo sự khác biệt giữa loài người và loài vượn.

Theo các nhà khoa học, trong quá trình tiến hóa từ vượn, gene FOXP2 ở người đã trải qua hai quá trình đột biến quan trọng. Có lẽ nhờ đó mà loài người dần phát triển được một hệ thống phát âm phức tạp, cho phép diễn đạt sự vật và hiện tượng. Những phân tích về xương hàm, khoang miệng và răng của người tiền sử cho thấy con người có thể đã biết nói từ cách đây trên 130.000 năm. Tuy nhiên, đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định được thời điểm hình thành ngôn ngữ.

Đây không phải là lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện vai trò của gene FOXP2 đối với khả năng nói ở con người. Trước đây, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) cũng đã nhận thấy gene này có liên quan đến quá trình hình thành ngôn ngữ ở người và một số loài vật. Các nhà nghiên cứu tìm thấy gien này trong rất nhiều loài chim biết học tiếng, trong đó có chim sẻ, chim yến và chim ruồi…

T.B (Theo TTXVN)
_________________________________________

Posted in Nguồn gốc ngôn ngữ | Thẻ: | Leave a Comment »

Sự phát triển của thanh điệu tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 22, 2010

Lê Đình Tư

1. Sự ra đời của thanh điệu tiếng Việt

Theo A. Haudricourt (trong: Nguồn gốc thanh điệu của tiếng Việt. 1954), cho đến khoảng đầu Công nguyên, các ngôn ngữ thuộc dòng Môn-Khơme đều không có thanh điệu. Tác giả đã chứng minh rằng khi đó, tiếng Việt (nói đúng ra là tiếng Việt Mường chung), cũng giống như các ngôn ngữ Môn-Khơme khác còn chưa có thanh điệu, trong từ còn có phụ tố và các nhóm phụ âm đầu, có các âm cuối họng, hầu, và xát.

Do sự tiếp xúc với tiếng Tày-Thái cổ, vốn là một ngôn ngữ đơn tiết, có cấu trúc âm tiết khép kín, không có phụ tố và có thanh điệu, rồi chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ này, tiếng Việt dần dần đi vào con đường đơn tiết hóa và giản hóa âm tiết, khiến cho âm tiết dần dần có độ dài cố định. Các âm tiết dần dần dần được khép kín và trở thành một khối chặt chẽ, các âm cấu tạo nên âm tiết dần dần mất tính độc lập và mất chức năng cấu tạo từ mới, tức là không còn được dùng làm phụ tố nữa.

Trong quá trình biến đổi này, các âm cuối [r], [l], [h], [s], [?] là những âm cản trở cho việc khép kín âm tiết nên dần dần bị rụng đi hoặc bị thay thế. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành 3 tuyến thanh điệu trong tiếng Việt Mường chung. Đó là:

• Sự biến mất của âm cuối [?] làm nảy sinh thanh điệu sắc- nặng (tuyến điệu 2) còn lẫn vào nhau.

• Sự biến mất của âm cuối [h], [s] làm hình thành tuyến điệu hỏi-ngã (tuyến điệu 3) còn lẫn vào nhau. Ví dụ: muh – mũi.

• Các âm tiết mở (không có âm cuối) được bổ sung tuyến điệu ngang-huyền (tuyến điệu 1) còn lẫn và nhau.

2. Quá trình hoàn thiện hệ thống thanh điệu tiếng Việt

– Vào giai đoạn cuối của tiếng Việt Mường chung và đầu giai đoạn tiếng Việt và tiếng Mường tách khỏi nhau, sự tiếp xúc và vay mượn từ tiếng Hán đời Đường đã làm thay đổi hệ thống âm đầu của tiếng tiếng Việt Mường chung. Trong thời kì này, đại bộ phận các âm đầu tiếng Việt Mường chung đều là âm vô thanh, trong khi đó rất nhiều âm đầu tiếng Hán là âm hữu thanh. Khi được vay mượn vào tiếng Việt Mường, nhiều âm đầu hữu thanh của tiếng Hán phải vô thanh hóa cho phù hợp với hệ thống Việt Mường.

Từ đây nảy sinh một nhu cầu phải phân biệt các âm đầu vô thanh tiếng Hán với các âm hữu thanh đã được vô thanh hóa trong tiếng Việt Mường. Tiếng Việt Mường đã lựa chọn biện pháp bổ sung thêm thanh điệu để phân biệt các âm đầu của từ vay mượn tiếng Hán. Nguyên tắc chung của quá trình biến đổi này như sau:

• Các âm đầu vô thanh tiếng Hán khi chuyển sang âm đầu vô thanh Việt Mường phải mang thanh điệu ngang, sắc, hỏi (gọi là thanh điệu bổng)

• Các âm đầu hữu thanh tiếng Hán khi chuyển sang âm đầu vô thanh trong tiếng Việt Mường đều mang thanh điệu huyền, nặng, ngã (gọi là thanh điệu trầm).

Như vậy, lúc này tiếng Việt Mường chung đã nhân đôi hệ thống thanh điệu của mình: từ 3 tuyến thanh điệu trước kia, lúc này nó có tới sáu thanh điệu. Quá trình tách đôi 3 tuyến thanh điệu này có thể biểu thị bằng sơ đồ như sau:

Tuyến điệu ngang-huyền chung: vô thanh > vô thanh = thanh ngang
hữu thanh > vô thanh = thanh huyền

Tuyến điệu sắc-nặng chung: vô thanh > vô thanh = thanh sắc
hữu thanh > vô thanh = thanh nặng

Tuyến điệu hỏi-ngã chung: vô thanh > vô thanh = thanh hỏi
hữu thanh > vô thanh = thanh ngã

– Quá trình này kéo dài khoảng 6 thế kỉ: từ thế kỉ VI đến thế kỉ XII. Đó là giai đoạn cuối của tiếng Việt Mường chung và giai đoạn đầu của quá trình tiếng Việt tách khỏi tiếng Mường.

– Khi đã xác lập được hệ thống thanh điệu hoàn chỉnh, cấu trúc âm tiết tiếng Việt trở nên chặt chẽ, có độ dài ổn định và có trường độ lớn hơn do cần phải có đủ thời gian để thể hiện thanh điệu.

_______________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: | 1 Comment »