TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Posts Tagged ‘phó từ’

Phương tiện biểu thị nghĩa ngữ pháp (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 18, 2011

9. Các phương tiện biểu thị ý nghĩa cầu khiến/mệnh lệnh

Các từ dùng để biểu thị ý nghĩa cầu khiến/mệnh lệnh được chia thành hai nhóm: 1) phó từ và 2) từ tình thái.

– Những phó từ dùng để tạo câu mệnh lệnh là: hãy, đi, đừng, chớ. (xem lại phần Phụ từ)

– Những từ tình thái dùng để biểu thị ý nghĩa cầu khiến/động viên/thúc giục là: nào, vào, thôi, nhé.

+ Bình thường, chỉ cần sử dụng những từ nói trên cũng đủ thể hiện ý nghĩa cầu khiến/động viên/thúc giục. Ví dụ:
1) Mọi người vào đây cả nào!
2) Hết giờ rồi, về thôi!
3) Anh mua nhiều nhiều vào!
4) Đi cẩn thận nhé!

+ Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ta có thể kết hợp các từ tình thái này với các phó từ ‘hãy’, ‘đi’ đã nêu ở trên để tăng thêm ý nghĩa cầu khiến/mệnh lệnh. Ví dụ:
1) Mọi người hãy vào đây cả nào!/ Mọi người hãy vào đây cả đi nào!
2) Anh hãy mua nhiều nhiều vào!
3) Hết giờ rồi, hãy về thôi!/ Hết giờ rồi, hãy về đi thôi!
4) Hãy đi cẩn thận nhé!/ Hãy ăn no đi nhé!

+ Ngoài ra, từ ‘nhé’, ‘nào’ còn có thể kết hợp với các từ ‘thôi’, ‘vào’ thành cặp để tăng thêm ý nghĩa động viên/thúc giục và tính biểu cảm. Ví dụ:
1) Hết giờ rồi, về thôi nào!/ Hết giờ rồi, về thôi nhé!
2) Con đi đứng cẩn thận vào nào!/ Con đi đứng cẩn thận vào nhé!

– Ngoài các từ nêu trên, với một số trường hợp, ta còn có thể sử dụng phó từ ‘lên’, và cũng có thể kết hợp nó các từ ‘nào’, ‘nhé’ nói trên để thể hiện ý nghĩa cầu khiến/ động viên/ thúc giục. Tuy nhiên, từ ‘lên’ có thể dùng với các tính từ. Ví dụ:
1) Cười lên!</Cười lên nào!/ Cười lên đi!/ Hãy cười lên đi!
2) Tươi lên!/ Tươi lên nhé!/ Hãy tươi lên nào!

10. Các phương tiện biểu thị ý nghĩa dạng

Để biểu thị ý nghĩa ‘dạng bị động’, tiếng Việt dùng hai nhóm từ: 1) các phụ từ: ‘được’, ‘bị’, và 2) các giới từ: ‘do’, ‘bởi’.

– Các phụ từ ‘được’ và ‘bị’ vốn là những động từ (xem lại phần Từ loại tiếng Việt) đã được ngữ pháp hóa, do đó khi sử dụng cần phân biệt hai chức năng của chúng: chức năng biểu thị sự may/rủi và chức năng biểu thị ‘dạng bị động’ của động từ. Ví dụ, so sánh:
1) Người kia được cơm rượu lại được ba quan tiền. (‘được’ là động từ)
2) Ra đường, phụ nữ thường được nhìn kĩ hơn. (‘được’biểu thị dạng bị động)

– Từ ‘được’ dùng để biểu thị ‘dạng bị động’ nhưng có kèm theo nghĩa ‘tích cực’, vì vậy, về nguyên tắc, ta chỉ có thể kết hợp nó với những động từ có nghĩa ‘tích cực’ như: khen, tặng, thưởng, yêu, thương, xây dựng, …mà không thể kết hợp nó với những động từ có nghĩa ‘tiêu cực’ như: ghét, đánh, mắng, bỏ tù, từ chối,… Ví dụ:
1) Chị Hà được thưởng Tết 10 triệu đồng. (+)
2) Một cô gái được giết trong khách sạn. (-)

– Trái lại, từ ‘bị’ dùng để biểu thị ‘dạng bị động’ nhưng có kèm theo nghĩa ‘tiêu cực’, vì vậy, về nguyên tắc, ta chỉ có thể kết hợp nó với những động từ có nghĩa ‘tiêu cực’,… mà không thể kết hợp nó với những động từ có nghĩa ‘tiêu cực’. Ví dụ:
1) Vì anh mà em bị mắng. (+)
2) Cuốn tiểu thuyết đã bị tặng thưởng giải nhất của Hội Nhà văn. (-)

– Trên đây là những ví dụ về câu dạng bị động chỉ có chủ ngữ (ngữ pháp) mà không có ‘chủ thể’ của hành động/hoạt động. Nguyên tắc chung khi sử dụng ‘được’ và ‘bị’ trong trường hợp này là: đặt các phụ từ này trực tiếp trước các động từ. Đối với những câu bị động có cả chủ ngữ (ngữ pháp) và ‘chủ thể’ của hành động/hoạt động, cần phải tuân theo mô hình kết cấu chung như sau:

S + (được/bị) + A + V

Ví dụ:
1) Bài ca của ông được nhiều người mến mộ.
3) Nó vừa bị cô ấy tát cho hai cái.

– Các giới từ ‘do’, ‘bởi’ có ý nghĩa trung hòa và thường được dùng theo mô hình kết cấu sau:

N + (do) + A + V (‘do’ thay cho ‘được’/ ‘bị’)
N + (được/bị) + V + (bởi) + A

Ví dụ:
1) Đây là loại ôtô do công ti Toyota sản xuất.
2) Bộ bàn ghế được làm ra bởi những người thợ tài hoa.

Ghi chú:

* Trong thực tế có thể bắt gặp những trường hợp, trong đó ‘được/bị’ được dùng không theo nguyên tắc đã nêu ở trên. Đó là cách sử dụng mang tính chất tu từ và do đó ý nghĩa của các từ này có thể thay đổi. Ví dụ:
1) Chẳng ai muốn bị cô ấy yêu.
2) Được thủ trưởng nhắc nhở là một vinh dự.

* Cũng có thể bắt gặp những trường hợp, trong đó ‘được’ và ‘bị’ được sử dụng cùng với nhau. Đó cũng là những trường hợp sử dụng mang tính chất tu từ và ý nghĩa chung sẽ phụ thuộc vào ‘được’ (nghĩa ‘tích cực’). Ví dụ:

Bà vẫn ao ước được … bị hiếp dâm nữa mà không bao giờ cái dịp hiếm có ấy lại tái hiện. (Vũ Trọng Phụng)

* Ngoài ra, có những trường hợp, trong đó việc sử dụng cả ‘được’và ‘bị’ đều có thể được chấp nhận. Khi ấy sự khác nhau về nghĩa (tốt hay xấu) sẽ phụ thuộc vào thái độ của người nói đối với hiện thực. Ví dụ:
1) Nội dung tờ quảng cáo đã bị thay đổi.
2) Nội dung tờ quảng cáo đã được thay đổi.

_______________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

Phụ từ tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 25, 2011

Lê Đình Tư

1. Định từ

– Định từ là loại phụ từ chuyên đi kèm với danh từ để bổ sung ý nghĩa số lượng cho danh từ. Đó là các từ: những, các, mọi, mỗi, từng, một.

– Các định từ những, các được kết hợp với danh từ để tạo ra số nhiều. Sự khác biệt giữa các định từ này thể hiện ở chỗ: những dùng để tạo ra số nhiều hạn chế, còn các dùng để tạo ra số nhiều nói chung, ví dụ:
Tôi nhớ những đêm Hà Nội thơm nồng mùi hoa sữa.
Các nơi trên thế giới đang chuẩn bị đón năm mới.

Vì lý do đó, từ ‘những’ có thể kết hợp với các đại từ nghi vấn, còn từ ‘các’ thì không có khả năng đó. Ví dụ: Có thể nói những gì, những ai, nhưng không thể nói các gì, các ai.

– Định từ mọi cũng đi với danh từ để tạo ra số nhiều nhưng nó còn bao hàm nghĩa “tất cả”. Tuy nhiên, khác với đại từ tất cả, định từ ‘mọi’ kết hợp với danh từ ở cùng một vị trí giống như ‘những’ và ‘các’, còn vị trí của ‘tất cả’ là ở trước các định từ đó. Ví dụ: Có thể nói “Tất cả các người” hoặc “Tất cả những ngày”, nhưng không thể nói “Mọi các người” hay “Mọi những ngày”. Hơn nữa, từ ‘mọ’i luôn luôn chỉ số nhiều còn ‘tất cả’ có thể chỉ số ít. So sánh:
tất cả ngày/mọi ngày;
tất cả gia đình/mọi gia đình

Ngoài ra, từ ‘mọi’ còn có thể dùng để chỉ thời gian đã qua, ví dụ:
Tháng bảy năm nay trời không mưa nhiều như mọi năm
.
– Các từ mỗi, một, từng dùng để biểu thị số ít. ‘mỗi’ và ‘một’ có thể thay thế nhau trong một số trường hợp, do đó có thể đi với nhau thành cặp. Ví dụ, câu:
“Bà cụ có biết đâu rằng các cô gái non bây giờ mỗi năm mỗi mốt”
có thể viết thành: “Bà cụ có biết đâu rằng các cô gái non bây giờ mỗi năm một mốt”.

Sự khác nhau cơ bản giữa chúng là: ‘một’ chỉ biểu thị số ít tương đương với số từ “một” trong khi ‘mỗi’ còn dùng để biểu thị tính đơn lẻ hay cá thể của một sự vật trong tập hợp. So sánh:
Mỗi người phải chạy hai vòng quanh sân vận động.
Một người phải chạy hai vòng quanh sân vận động còn những người khác chỉ chạy một vòng.
– Từ từng có nét nghĩa giống với mỗi và một vì nó cũng dùng để biểu thị số ít nhưng nó còn bao hàm thêm nét nghĩa ‘diễn ra lần lượt’. Ví dụ:
Ông đến từng bàn, bắt tay từng người.

Cũng giống như ‘mỗi’, định từ ‘từng’ có thể đi với ‘một’ thành cặp từ ‘từng … một’ nhưng không bao giờ có thể thay thế nó bằng ‘một’. Ví dụ:
Từng ngày, mẹ thầm hỏi con đã đi những đâu.
Hãy kiểm tra từng nhà một!

2. Phó từ

– Phó từ là những phụ từ đi kèm với động từ và tính từ để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp, cách thức, mức độ hay kết quả của hành động, hoạt động.

– Phó từ chỉ thời gian là những phụ từ dùng để thể hiện ý nghĩa thời: đã, đang, sẽ, vừa, mới, sắp, từng. Điểm đặc biệt của các phó từ nhóm này là chúng không chỉ được dùng để thể hiện thời tuyệt đối mà còn có thể dùng để thể hiện thời tương đối. Vì vậy, khi sử dụng, cần phải có điểm quy chiếu để phân biệt rõ thời gian của các sự kiện hay đặc trưng tính chất. Ví dụ: Trong câu:
Ngày mai anh đã lên đường rồi à? Tôi nghĩ là 5 ngày nữa chứ!
thì đã biểu thị thời quá khứ tương đối (ngày mai) so với thời điểm quy chiếu trong tương lai: ‘5 ngày nữa’.

– Phó từ phủ định: không, chưa, chẳng(chả). Các phó từ không và chẳng thường đi với các động từ và tính từ để biểu thị ý nghĩa phủ định, nhưng chúng cũng có thể đi với các danh từ, đại từ để phủ định sự tồn tại của sự vật hay hiện tượng. Ví dụ:
– Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
Không chăn, không nệm ấm, không màn.” (Tố Hữu)
Không gì có thể so sánh với vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long.
Không ai ở đây không biết nó.

– Phó từ tạo câu mệnh lệnh: hãy, đi, đừng, chớ. Trong khẩu ngữ, hãy thường được thay thế bằng hẵng. Ví dụ:
Chúng ta hẵng (hãy) nghỉ một chút đã!
Các phó từ đừngchớ dùng để bày tỏ lời yêu cầu hay khuyên bảo người nghe không thực hiện hoặc ngừng thực hiện một hành động nào đó. Ví dụ:
– Chị đừng đi chuyến tàu này!
Chớ đi ngày bảy chớ về ngày ba!
Khi cần làm rõ yêu cầu người nghe ngừng tiến hành một hành động, có thể kết hợp chúng với nữa. Ví dụ:
Đừng chơi với nó nữa!
Nói chung, đừngchớ có nghĩa giống nhau, tuy nhiên chớ thường có ý nghĩa răn đe nhiều hơn.

– Phó từ chỉ sự đồng nhất hay lặp đi lặp lại: cũng, đều, vẫn, còn, mải, lại, cứ, mãi, nữa.
+ cũng, đều, vẫn, còn, mải, lại, cứ là những phó từ đứng trước vị từ.
+ mãi, nữa là những phó từ đứng sau vị từ.
+ Riêng phó từ lại có thể đứng trước hoặc sau động từ.
+ Từ cũng có thể được thay thế bằng từ vẫn trong trường hợp nó được dùng để biểu thị sự mâu thuẫn hay trái ngược của sự kiện. Khi ấy chúng thường được kết hợp với các từ tình thái như: phải, bị, hoặc phó từ phủ định không. Ví dụ:
– Ốm gần chết cũng phải đi/ Ốm gần chết vẫn phải đi.
– Rẻ thế chứ rẻ nữa cũng không mua.
+ Từ cứ ngoài việc biểu thị sự không thay đổi của hành động, hoạt động hay trạng thái còn được dùng để biểu thị ý nghĩa cầu khiến. Ví dụ:
– Anh cứ nói với nó là tôi không cho vay!
+ Từ lại có thể được kết hợp với nữa khi đứng trước động từ để biểu thị sự tiếp tục của hành động, nhưng khi đi sau động từ để biểu thị sự lặp lại của hành động thì không thể kết hợp trực tiếp với nữa. Ví dụ: Có thể nói:
Họ lại uống nữa.
nhưng không thể nói: “Chị ấy đọc lại cuốn sách ấy nữa.” mà phải nói: “Chị ấy đọc lại cuốn sách ấy một lần nữa.”.
– Phó từ chỉ mức độ: rất, quá, lắm, khá, khí, hơi.
+ Các từ rất, khá, khí, hơi đều đứng trước các tính từ và động từ, còn quá, lắm thì đi sau.
+ Khi quá đứng trước tính từ hoặc động từ thì nó dùng để chỉ mức độ nhưng khi đi sau tính từ hoặc động từ, nó còn có nghĩa như một thán từ. Ví dụ:
Cái áo này quá chật.
Cảnh ở đây đẹp quá!
+ Trong một số trường hợp, các từ rất, quá, lắm có thể đi với danh từ, ví dụ:
rất sinh viên
quá lời
quá chén
lắm tiền
+ Hai phó từ khá khí thường có nghĩa giống nhau, nhưng ‘khí’ có phạm vi sử dụng hẹp hơn ‘khá’ và có thể có nghĩa tiêu cực (chê bai, mỉa mai), vì thế thường chỉ đi với những từ biểu thị ý nghĩa tiêu cực. Ví dụ: Có thể nói:
Thức ăn ở đây khá rẻ.
nhưng không nói: Thức ăn ở đây khí rẻ.
hoặc có thể nói:
Chị ấy khá đảm đang.
nhưng không thể nói: Chị ấy khí đảm đang.

– Phó từ chỉ kết quả: mất, được, ra.
Các phó từ này đều đứng sau vị từ để chỉ kết quả của hoạt động hay hành động. Ví dụ:
Xuýt nữa tôi quên mất.
Nó không đậy, nên chuột ăn mất hai cái bánh.
Tôi nghĩ ra một cách để đuổi khéo nó.
Phải mất hai năm trời công an mới tìm được thủ phạm vụ giết người cướp của.
– Phó từ chỉ hướng diễn biến: ra, lên, đi, lại.
Tất cả các phó từ này cũng đều đứng sau vị từ để chỉ hướng diễn biến của quá trình.
+ Các phó từ ra, lên dùng để chỉ hướng diễn biến tích cực hoặc được coi là tích cực. Ví dụ:
– Dạo này trông anh có vẻ béo lên một chút.
– Đi tắm biển về, ai cũng thấy khỏe ra.
+ Các phó từ đi, lại dùng để chỉ hướng diễn biến tíêu cực hoặc được coi là tiêu cực. Ví dụ:
– Khí hậu trái đất càng ngày càng xấu đi.
– Bị ốm hơn một tháng, người nó quắt lại.
– Phó từ biểu thị sự đánh giá bất lợi: cho, phải.
Các phó từ này đều đứng sau vị từ để biểu thị sự đánh giá tiêu cực đối với hàng động hay hoạt động. Ví dụ:
– Anh không nên làm thế, người ta cười cho.
– Ai cũng thương chị Lan lấy phải người chồng nghiện hút.

– Phó từ chỉ tần số: thường, hay, năng, thường xuyên, luôn, luôn luôn.
+ Các phó từ thường, hay, năng chỉ đứng trước vị từ. Riêng các phó từ thường và hay còn có thể kết hợp với nhau. Ví dụ:
Anh năng đi lại, mẹ thày em thương.
Về mùa này, Sa Pa hay có sương mù.
Những người hiền lành thường hay yếu đuối.
+ Phó từ luôn thường đứng trước vị từ để biểu thị tần số của hành động hay hoạt động. Khi đi sau vị từ, nó còn có thể biểu thị cách thức của hành động hay hoạt động. Ví dụ:
Ở châu Âu, tôi luôn cảm thấy khô miệng.
Tôi gặp nó luôn.
Không thấy ai, nó lấy luôn hai quả cam cho vào túi.
+ Các phó từ thường xuyênluôn luôn có thể đứng trước hoặc sau vị từ mà ý nghĩa không thay đổi. Ví dụ:
Họ thường xuyên vắng nhà./ Họ vắng nhà thường xuyên.
Người già luôn luôn mất ngủ./ Người già mất ngủ luôn luôn.
___________________________________________________________________
Câu hỏi và bài tập

1/ Hãy phân biệt định từ và phó từ. Từ từng có ý nghĩa gì khi đi với danh từ và động từ?
2/ Hãy phân biệt ý nghĩa của các cặp từ mỗi/một, mỗi/từng, tất cả/mọi và cho ví dụ minh họa.
3/ Các phó từ chỉ thời gian trong tiếng Việt có đặc điểm gì? Hãy tìm ví dụ để chứng minh rằng các từ đã, đang, sẽ, sắp vừa chỉ thời tuyệt đối vừa chỉ thời tương đối.
4/ Hãy phân biệt ý nghĩa của hai phó từ đừngchớ và cho ví dụ minh họa.
5/ Hãy chỉ ra những câu sai trong các câu dưới đây:
– Tình hình chuyển biến mau lẹ, từng ngày mỗi khác.
– Hôm qua, vào giờ này, anh Hải còn đang ngồi trên máy bay.
– Người em cứ đi mải đi mải cho đến khi gặp một con sông lớn.
– Chúng tôi nài nỉ quá, chị Vân đành hát lại nữa bài hát.
– Chị An là một người biết điều, không bao giờ nói quá lời.
– Cái xe này khí tốt mà rẻ, anh nên mua đi.
– Chị ấy thường xuyên đi chợ thế mà cũng mua phải của ôi.
– Ra viện, anh ấy hết sức tẩm bổ nhưng còn không béo lại chút nào.
6/ Hãy đặt câu với các phó từ sau đây:
– mất
– ra (chỉ hướng diễn biến)
– cho
– khí
– năng
– luôn
– phải
– ra (chỉ kết quả)

_____________________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Nội dung NP tiếng Việt (ngày 8/04/2010)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 27, 2010

Ghi chú:

* Trong thực tế có thể bắt gặp những trường hợp, trong đó ‘được/bị’ được dùng không theo nguyên tắc đã nêu ở trên. Đó là cách sử dụng mang tính chất tu từ và do đó ý nghĩa của các từ này có thể thay đổi. Ví dụ:

1) Chẳng ai muốn bị cô ấy yêu.
2) Được thủ trưởng nhắc nhở là một vinh dự.

* Cũng có thể bắt gặp những trường hợp, trong đó ‘được’ và ‘bị’ được sử dụng cùng với nhau. Đó cũng là những trường hợp sử dụng mang tính chất tu từ và ý nghĩa chung sẽ phụ thuộc vào ‘được’ (nghĩa ‘tích cực’). Ví dụ:

1) Bà vẫn ao ước được … bị hiếp dâm nữa mà không bao giờ cái dịp hiếm có ấy lại tái hiện.
(Vũ Trọng Phụng)

* Ngoài ra, có những trường hợp, trong đó việc sử dụng cả ‘được’và ‘bị’ đều có thể được chấp nhận. Khi ấy sự khác nhau về nghĩa (tốt hay xấu) sẽ phụ thuộc vào thái độ của người nói đối với hiện thực. Ví dụ:

1) Nội dung tờ quảng cáo đã bị thay đổi.
2) Nội dung tờ quảng cáo đã được thay đổi.

11. Phó từ chỉ sự đồng nhất hoặc lặp lại

– Để chỉ sự đồng nhất/giống nhau hoặc sự lặp lại của các hành động/hoạt động/trạng thái, tiếng Việt chủ yếu sử dụng các phó từ: ‘cũng, đều, vẫn, còn, mải, cứ, mãi, nữa, lại’.

+ ‘cũng, đều, vẫn, còn, mải (mải miết), cứ’ là những phó từ thường được dùng để chỉ sự đồng nhất/giống nhau của hành động/hoạt động/ trạng thái và được đặt trước vị từ (động, tính từ, đại từ). Đáng chú ý là các phó từ này có thể kết hợp với nhau để nhấn mạnh thêm sự đồng nhất/giống nhau của hành động/hoạt động. Ví dụ:

1) Anh ấy cũng vẫn chưa viết xong khóa luận.
2) Chúng tôi cũng đều ăn cơm cả rồi..
3) Đã hai giờ sáng mà Hân vẫn còn thức
4) Họ đều còn đang ngủ.
5) Đêm đã xuống, nhưng họ vẫn cứ làm việc.
6) Họ vẫn mải nói chuyển riêng.

+ ‘mãi’ là phó từ thường được sử dụng sau động từ. Tuy nhiên, khi đi với động từ ‘là’ (‘być’) nó thường đứng trước, còn khi đi với các tính từ thì, nói chung, vị trí có thể linh hoạt. Ví dụ:

1) Người em cứ đi mãi, đi mãi.
2) Chúng tôi nguyện mãi là bạn tốt của nhau.
3) Chúc em mãi tươi trẻ!/Chúc em tươi trẻ mãi!

– Để chỉ sự lặp lại của hành động/hoạt động, tiếng Việt dùng các phó từ: ‘lại’, ‘nữa’. Cả hai phó từ này đều có thể kết hợp với các phó từ đã nêu ở trên để vừa chỉ sự giống nhau vừa chỉ sự lặp lại của hành động/hoạt động.

+ Phó từ ‘nữa’ đứng sau vị từ. Ví dụ:

1) Họ vẫn muốn hát nữa.
2) Tôi cũng không muốn đến đấy nữa.

+ Phó từ ‘lại’ có thể đứng trước hoặc sau vị từ và có ý nghĩa khác nhau. Khi đứng trước vị từ, nó biểu thị ‘sự tiếp tục’ của hành động, nhưng khi đi sau vị từ thì nó biểu thị ‘sự lặp lại’ của hành động. Ví dụ, so sánh:

Họ lại uống./ Họ đề nghị anh hát lại.

+ Từ ‘lại’ có thể kết hợp với ‘nữa’, tuy nhiên, khi đứng sau động từ thì nó không thể kết hợp trực tiếp với ‘nữa’ mà phải có nhóm từ ‘một lần’, ‘hai lần’… đi theo sau. Ví dụ:
1) Họ lại hát nữa. (+)
2) Họ hát lại nữa. (-)
3) Họ hát lại (bài hát ấy) một lần nữa. (+)

* Tuy nhiên, khi động từ được dùng ở dạng phủ định thì ‘lại’ có thể kết hợp trực tiếp với ‘nữa’. Ví dụ:

Họ không hát lại nữa. (+)

____________________________________________

Posted in 1, Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

5. Hư từ chỉ phương tiện và cách thức (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 4, 2010

5.2. Các giới từ: với, cùng

– Các giới từ ‘với’ và ‘cùng’ là những giới từ dùng để biểu thị đối tượng cùng tham gia vào một hành động hay hoạt động nên có chức năng tương đương nhau. Do vậy, chúng có thể được dùng để thay thế cho nhau, hoặc kết hợp với nhau thành một cặp. Ví dụ, hãy so sánh:

Câu 1: Tôi sẽ đi với anh lên thành phố.
Câu 2: Tôi sẽ đi cùng anh lên thành phố.
Câu 3: Tôi sẽ đi cùng với anh lên thành phố.

– Các giới từ này còn có thể biểu thị quan hệ giữa sự vật hoặc hiện tượng và đặc điểm hay thuộc tính đi kèm của chúng, tuy nhiên ‘với’ hoặc ‘cùng với’ thường được sử dụng nhiều hơn ‘cùng’. Ví dụ:

Đến Nha Trang, họ thuê một căn phòng với đầy đủ tiện nghi để ở.

Tiếng Việt ít dùng ‘cùng’ trong những trường hợp như thế này.

– Tuy nhiên, giữa hai giới từ này có sự khác biệt nhất định: với có thể dùng để chỉ cách thức hay điều kiện của hành động/hoạt động nhưng ‘cùng’ không có khả năng này. So sánh:

Câu 1: Họ đang làm việc với quyết tâm cao để hoàn thành dự án. (+)
Câu 2: Họ đang làm việc cùng quyết tâm cao để hoàn thành dự án. (-)

6. Các hư từ chỉ địa điểm, hoàn cảnh

Để chỉ quan hệ giữa hành động/hoạt động và địa điểm, hoàn cảnh diễn ra của chúng, tiếng Việt dùng nhóm giới từ: ở, tại, trong, ngoài, trên, dưới, giữa.

– Hai giới từ ‘ở’ và ‘tại’ có chức năng gần giống nhau (biểu thị nghĩa địa điểm nói chung), do đó có thể thay thế nhau trong hầu hết các trường hợp và có thể kết hợp với nhau thành giới từ ghép: ‘ở tại’. Ví dụ:

1/ Anh Phan làm việc ở nhà.
2/ Anh Phan làm việc tại nhà.
3/ Anh Phan làm việc ở tại nhà.

– Các giới từ: ‘trong, ngoài, trên, dưới, giữa’ biều thị nghĩa địa điểm/ hoàn cảnh kèm theo hướng quan sát. Do đó chúng còn có thể đi với các động từ để chỉ phương hướng. Ví dụ:

1/ Tàu hỏa đang chạy vào trong đường hầm.
2/ Mọi người không nên đi ra ngoài nhà khi trời bão.
3/ Tôi vừa thấy họ đi lên trên tầng hai.

– Cần lưu ý:

+ Khi sử dụng các giới từ ‘trong, ngoài, trên, dưới’, cần phải căn cứ vào vị trí quan sát (vị trí tương đối của người nói/người nghe) hoặc thói quen tâm lí của người Việt, Ví dụ, so sánh:

1/ Con mèo đang ngủ ngoài sân./ Con mèo đang ngủ trong sân.
2/ Thuyền đậu kín trên sông. / Thuyền đậu kín dưới sông.
3/ Ngoài chợ có nhiều tin đồn rất lạ./ Trong chợ có có thể mua hàng rẻ hơn.

+ Tuy ‘ở’ và ‘tại’ có chức năng giống nhau nhưng ‘ở’ có thể kết hợp với các giới từ ‘trong, ngoài, trên, dưới, giữa’ còn tại thường không có khả năng này. Cũng chính vì vậy, chỉ có thể có kết hợp ‘ở tại’ mà không có kết hợp ‘tại ở’. Ví dụ:

Bình thường nói: Anh Phan đang làm việc ở trong phòng.
nhưng không nên nói: Anh Phan làm việc tại trong phòng.

hoặc có thể nói: Đám cưới được tổ chức ở tại đình làng.
Nhưng không nói: Đám cưới được tổ chức tại ở đình làng.

+ Giới từ ‘ở’ còn có thể biểu thị đối tượng của hành động/hoạt động trong khi ‘tại’ không có chức năng này. Ví dụ:
Có thể nói: Chúng tôi tin tưởng ở ban lãnh đạo.
nhưng không thể nói: Chúng tôi tin tưởng tại ban lãnh đạo.

7. Các phương tiện thể hiện ý nghĩa ‘thời’

Các hư từ dùng để thể hiện ý nghĩa ‘thời’ trong tiếng Việt gọi là phó từ chỉ thời gian.

– Phó từ chỉ thời gian là các từ: đã, chưa, đang, sẽ, vừa, mới, sắp, từng.

Điểm đặc biệt của các phó từ nhóm này là chúng không chỉ được dùng để thể hiện thời tuyệt đối mà còn có thể dùng để thể hiện thời tương đối. Vì vậy, khi sử dụng, cần phải có điểm quy chiếu để phân biệt rõ thời gian của các sự kiện hay đặc trưng tính chất. Ví dụ, trong câu:

Ngày mai anh đã đi rồi à? Tôi nghĩ là 5 ngày nữa chứ!

thì ‘đã’ biểu thị thời quá khứ tương đối (ngày mai) so với thời điểm quy chiếu trong tương lai: 5 ngày nữa.

Hoặc trong các ví dụ sau:
1/ Tôi nghe nói anh ấy mới được tăng lương tháng trước.
2/ Tôi nghe nói tháng sau anh ấy mới được tăng lương.
thì ‘mới’ dùng để chỉ quá khứ hay tương lai là dựa vào các từ quy chiếu: tháng trước/tháng sau.

______________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , | Leave a Comment »