TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for Tháng Tư, 2010

Các đơn vị cú pháp tiếng Việt (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 26, 2010

– Phần phụ trước (B1) có thể là :

+ các phó từ có chức năng bổ sung các ý nghĩa về thời gian, yêu cầu/ mệnh lệnh, sự đồng nhất, ý nghĩa khẳng định/phủ định, ý nghĩa về mức độ, … của hành động/hoạt động. Ví dụ:

1) No rồi nhưng nó vẫn chưa muốn thôi.
2) Chẳng có ai nghe nhưng ông ấy vẫn cứ nói.
3) Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu.

+ các tính từ chỉ cách thức, mức độ. Ví dụ :

Chị nên nhẹ nhàng khuyên bảo anh ấy.

+ các kết cấu : ngày một, ngày càng, càng ngày càng. Ví dụ :
1) Đời sống ngày càng đi xuống.
1) Chiếc xe ô tô càng ngày càng ăn nhiều xăng.

– Phần phụ sau (B2) có thể là :

+ các phó từ có chức năng biểu thị sự hoàn thành. Ví dụ :
1) Quyển sách ấy tôi đọc đã xong.
2) Vấn đề này tôi đã tìm hiểu rồi.

+ các phó từ có chức năng chỉ phương hướng hoặc kết quả. Ví dụ :
1) Ông ấy đã đi xuống Hải Phòng.
2) Tôi nghĩ mãi mà không tìm ra câu trả lời.

+ các từ tình thái có chức năng tạo câu theo mục đích thông báo. Ví dụ:
1) Chúng ta đi nào!
2) Sống ở đây thích thật!

+ các thực từ (danh từ, động từ, tính từ…) có chức năng biểu thị đối tượng, cách thức, mức độ, địa điểm, thời gian. Ví dụ :
1) Người Việt có thói quen ngủ ngày.
2) Đêm nay chúng tôi nghe hát.

+ các kết cấu đặc trưng. Ví dụ:

Ở đây cấm không được hút thuốc lá.
Anh ta quyết định lấy cái Tuyết làm vợ.

1.4. Cụm tính từ
– Cụm tính từ (còn gọi là tính ngữ) là loại cụm chính phụ có tính từ làm thành tố trung tâm và một hoặc một số thành tố phụ.

– Nói chung, xét về cấu tạo, cụm tính từ khá giống với cụm động từ và cũng gồm ba phần được sắp xếp theo thứ tự:

phần phụ trước + trung tâm + phần phụ sau
(B1 + T + B2)

– Phần phụ trước (B1) thường là các phó từ giống như ở cụm động từ. Ví dụ :

1) Cô ấy già rồi nhưng vẫn đẹp.
2) Bài phát biểu này sẽ rất độc đáo.

– Phần phụ sau (B2) có thể là:

+ các phó từ chỉ mức độ, hướng diễn biến, ví dụ:

1) Anh ấy dũng cảm lắm.
2) Trời đang ấm dần lên.

+ các thực từ (danh từ, động từ, tính từ) có chức năng làm rõ hơn đặc trưng, tính chất do tính từ trung tâm biểu thị. Ví dụ :

1) Làm như thế là sai phương pháp.
2) Con người ấy rất khó thuyết phục.

+ một số kết cấu giới ngữ. Ví dụ :

1) Việc ấy rõ ràng như ban ngày.
2) Chị ấy thật khổ về đường chồng con.

_________________________________________________

Posted in Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Các đơn vị cú pháp tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 17, 2010

1. Cụm từ
1.1. Khái niệm chung

– Khi các từ được kết hợp với nhau theo những quan hệ khác nhau ta sẽ thu được các đơn vị cú pháp. Đơn vị cú pháp nhỏ nhất là cụm từ. Đó là những tổ hợp từ gồm từ hai từ trở lên, trong đó có ít nhất là một thực từ. Ví dụ :
tôi và anh
đẹp nhưng lười
thành phố bên sông

– Trong ngôn ngữ, có hai loại cụm từ : cụm từ tự do và cụm từ cố định. Cụm từ cố định (thành ngữ và quán ngữ) là đơn vị từ vựng, còn cụm từ tự do là đơn vị ngữ pháp. Do vậy, ở đây chúng ta chỉ nói về cụm từ tự do mà thôi.

– Cụm từ tự do có vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo câu vì các cụm từ tự do đảm đương chức năng của các thành phần câu. Ví dụ, trong câu :
« Gió to đã làm đổ những cây cổ thụ. »,
có ba cụm từ :
gió to/ đã làm đổ/ những cây cổ thụ.
‘Gió to’ là chủ ngữ; ‘đã làm đổ’ là vị ngữ, và ‘những cây cổ thụ’ là bổ ngữ.

– Mỗi ngôn ngữ có những cách thức khác nhau để cấu tạo các cụm từ, vì vậy không nắm vững các nguyên tắc cấu tạo cụm từ trong tiếng Việt sẽ dẫn đến việc tạo ra những câu không đúng ngữ pháp.

– Cần phân biệt cụm từ với giới ngữ : Cụm từ không bao giờ bắt đầu bằng giới từ. So sánh :
về việc này (giới ngữ)
tin mới về việc này (cụm từ)

– Trong các nghiên cứu ngữ pháp, người ta phân biệt ba loại cụm từ : cụm liên hợp, cụm chính phụcụm chủ-vị. Ví dụ :
đắt nhưng bền (cụm liên hợp)
thời buổi khó khăn (cụm chính phụ)
cái bảng treo (cụm chủ-vị)

– Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ đề cập đến các cụm từ chính phụ là loại cụm từ mang nhiều đặc trưng cú pháp của tiếng Việt.
Cụm chính phụ được chia thành: cụm danh từ, cụm động từ, và cụm tính từ.

1.2. Cụm danh từ

– Cụm danh từ là loại cụm từ, trong đó thành tố trung tâm là danh từ còn các thành tố phụ là những từ có chức năng bổ sung ý nghĩa cho danh từ trung tâm đó.

– Cụm danh từ gồm ba phần, được kết hợp ổn định với nhau theo thứ tự:

phần phụ trước + danh từ trung tâm + phần phụ sau

Phần phụ trước có cấu trúc tối đa gồm ba định tố: Đ1 + Đ2 + Đ3

+ Đ3 là định tố đứng ngay trước danh từ trung tâm. Đó có thể là:

* danh từ loại thể : cái, con, chiếc, quả, tấm, bức, ngài, vị… Ví dụ :

con voi; cái vườn; bức tường.

Thành phần này có thể mở rộng bằng cách kết hợp danh từ loại thể cái với các danh từ loại thể khác (trừ danh từ chiếc) để nhấn mạnh hoặc thể hiện những thái độ khác nhau của người nói. Ví dụ :
1) Cái con mèo này chỉ hay ăn vụng.
2) Cái tấm rèm kia hợp hơn với màu cửa sổ;
3) Ai cũng kêu cái vị lãnh đạo bất tài đó.

* danh từ chỉ đơn vị đo lường, ví dụ : thước, lít, cân, ngụm, nắm… Ví dụ :
1) Cho tôi mua ba thước vải!
2) Mỗi ngày nó uống hết một lít sữa.
3) Ngày nào ông ấy cũng phải uống vài ngụm rượu.

+ Đ2 là định tố có chức năng biểu thị ý nghĩa số lượng. Đó có thể là :

* định từ chỉ số lượng như: những, các, mọi, mỗi, một, từng. Ví dụ :

1) Những con lạc đà này giúp người dân Sahara đi qua sa mạc.
2) Cảnh sát kiểm tra từng ngôi nhà.

* số từ chỉ số lượng như: năm, vài, dăm, mươi… Ví dụ :

1) Nhà tôi nuôi năm con mèo.
2) Dưới chân núi chỉ có vài nóc nhà.

+ Đ1 là các đại từ chỉ tổng lượng: tất cả, tất thảy, hết thảy, cả… Ví dụ :

1) Mùa đông, tất cả những con thiên nga này sẽ bay xuống miền nam.
2) Đói quá, nó ăn hết cả một ổ bánh mì.

– Trên đây là cấu trúc tối đa của thành phần phụ trước danh từ trung tâm. Trong thực tế, cụm danh từ có thể thiếu một hoặc hai định tố. Ví dụ : tất cả những đêm sáng trăng (không có Đ3); có những đêm không ngủ (không có Đ1Đ3) ; cái đêm ấy (không có Đ1Đ2).

Phần phụ sau có cấu trúc tối đa gồm ba định tố: Đ4 + Đ5 +Đ6

+ Đ4 là định tố đứng ngay sau danh từ trung tâm để bổ sung ý nghĩa hạn định. Đó có thể là :

* tính từ. Ví dụ :
1) Đó là những sinh viên nghèo.
2) Bốn người đi trên một chiếc thuyền độc mộc.

* danh từ hoặc giới ngữ. Ví dụ :

1) Học sinh đang chơi trên sân trường.
2) Tôi đã đến thăm quê hương của Sôpanh.
3) Đây là loại máy bay do Mỹ sản xuất.

* động từ. Ví dụ :

Phòng làm việc này thiếu ánh sáng.

+ Đ5 cũng là định tố đứng sau danh từ trung tâm để bổ sung thêm ý nghĩa hạn định. Điểm khác nhau giữa Đ4Đ5 là: Đ4 nêu đặc trưng thường xuyên, còn Đ5 biểu thị đặc trưng không thường xuyên. Ví dụ:

Chiếc máy ảnh kĩ thuật số mới mua chụp rất nét.
(Đ4) (Đ5)

+ Đ6 là định tố biểu thị sự chỉ định về không/thời gian đối với danh từ trung tâm, do vậy ở vị trí này luôn là các đại từ chỉ định: này, kia, ấy, nọ, đó… Ví dụ:
Những buổi học lịch sử khô khan đó không mang lại hiệu quả.
Mọi người vẫn nhớ những năm tháng khó khăn đó.

Ghi chú: Nếu đổi chỗ Đ4/Đ5 và Đ6 thì cụm danh từ có thể trở thành câu. Ví dụ, so sánh:

bài hát hay ấy / Bài hát ấy hay.
bài hát hay do Hoàng Vân sáng tác ấy/
Bài hát hay ấy do Hoàng Vân sáng tác.

1.3. Cụm động từ

– Cụm động từ (còn gọi là động ngữ) là loại cụm chính phụ, trong đó thành tố trung tâm là động từ còn các thành tố phụ có chức năng bổ sung ý nghĩa về cách thức, mức độ, thời gian, địa điểm… cho động từ trung tâm đó.

– Giống như cụm danh từ, cụm động từ cũng gồm ba phần, được kết hợp ổn định với nhau theo thứ tự:

phần phụ trước + trung tâm + phần phụ sau
(B1 + T + B2)

Trung tâm (T) của động ngữ có thể là một động từ nhưng cũng có thể là một vài động từ (kể cả động từ không độc lập), ví dụ:

1) Tất cả mọi người đều biết anh ấy.
2) Một số người già thích đi học nhảy.
3) Chị ấy không dám đi một mình.

hoặc là một kết cấu đặc trưng của tiếng Việt (gọi là kết cấu khứ hồi), ví dụ :
1) Họ vừa đi làm về.
2) Cậu ấy vừa đi nước ngoài về

Cũng có khi, thành phần trung tâm là một phó từ lâm thời chuyển thành động từ. Ví dụ :
Thứ đã xong.
bị rồi.

Posted in Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , | Leave a Comment »

Sự phát triển của chữ viết tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 16, 2010

Lê Đình Tư

1. Chữ Hán

– Theo quan điểm chính thức thì trước kia, người Việt (đúng ra là người Việt Mường) chưa có chữ viết. Tuy cũng có ý kiến cho rằng thời cổ người Việt đã từng có chữ viết riêng nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được bằng chứng. Như vậy, người Việt cổ sử dụng chữ Hán làm văn tự để ghi chép và giao dịch. Căn cứ vào những dấu vết còn giữ được trên các hiện vật khảo cổ- lịch sử thì chữ Hán đã đi vào tiếng Việt từ Thiên niên kỉ thứ nhất trước Công Nguyên. Đến những thế kỉ đầu sau Công Nguyên thì chữ Hán đã trở thành phương tiện giao tiếp phổ biến trong bộ phận trí thức, quý tộc và quan lại người Việt.

– Từ thế kỉ X, sau khi giành được độc lập từ phong kiến Phương Bắc, nhà nước phong kiến Việt Nam đã chủ trương dùng chữ Hán (hay còn gọi là chữ Nho) làm chữ viết chính thức. Với chủ trương này, chữ Hán đã được sử dụng làm phương tiện truyền đạt kiến thức trong giáo dục, trong thi cử và trong các hoạt động giao tiếp chính thức, kể cả trong việc soạn thảo và lưu giữ các văn bản. Trong thực tế, chữ Hán không được truyền bá rộng rãi trong dân chúng mà chỉ được giảng dạy cho một số ít người muốn học hành để làm quan. Đa số nhân dân đều mù chữ.
Chữ Hán được người Việt sử dụng cho đến khoảng thế kỉ XVIII.

2. Chữ Nôm

– Tuy nhiên, ngay từ những thế kỉ trước , một loại chữ của Việt Nam đã bắt đầu được xây dựng và hoàn thiện – đó là chữ Nôm. Theo kết quả nghiên cứu tiếng Việt lịch sử thì Nôm có nghĩa là Nam được đọc chệch đi. Sự hình thành chữ Nôm là biểu hiện của ý chí độc lập dân tộc nhưng đồng thời cũng thể hiện sự mong muốn có được một loại chữ viết phù hợp với đặc điểm của tiếng Việt.

– Theo nhiều nhà nghiên cứu thì có thể chữ Nôm đã được bắt đầu sáng tạo vào khoảng thế kỉ VIII – IX nhưng phải đến thế kỉ X – XII mới được hoàn thiện. Chữ Nôm được xây dựng dựa trên chữ Hán, và quá trình xây dựng đó trải qua một số giai đoạn: Lúc đầu mượn thẳng chữ Hán để phiên âm các từ tiếng Việt và được dùng lẫn với các từ tiếng Hán, về sau người ta mượn các yếu tố của chữ Hán nhưng lắp ghép theo cách thức riêng để tạo ra một chữ Nôm, sau nữa là mượn một chữ Hán rồi thêm một kí hiệu phụ ở bên phải để lưu ý cách đọc theo âm Việt. Trong suốt thời gian từ thế kỷ thứ XI (thời Lý) đến thế kỷ XIV (thời Trần), nhờ sự nỗ lực của nhiều thế hệ người Việt, hệ thống chữ Nôm dần dần được hoàn thiện và trở thành văn tự chính thức bên cạnh chữ Hán. Trong các thế kỉ tiếp theo, chữ Nôm phát triển rất mạnh mẽ, và vào các thể kỉ XVII-XIX đã góp phần tạo ra một nền văn hóa chữ Nôm khá phong phú, gắn liền với những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…

3. Chữ Quốc ngữ

– Từ giữa thế kỉ XVI, các giáo sĩ phương Tây đã đến Việt Nam truyền đạo. Trong khi truyền đạo, các giáo sĩ Phương Tây đã mượn mẫu chữ Latinh để ghi âm địa danh, danh xưng tôn giáo, tên người, hoặc từ ngữ trong giao tiếp. Dần dần, họ càng ngày càng chú ý đến việc ghi âm tiếng Việt theo chữ cái tiếng Latinh, gọi là tiếng An Nam. Các giáo sĩ không chỉ ghi âm tiếng Việt Đàng Ngoài mà còn cả tiếng Việt Đàng Trong, vì vậy một trong những cái nôi của chữ Việt gốc Latinh là Hội An thế kỉ XVII. Hội An vào thời kì này là cảng thị lớn nhất của Đằng Trong.

– Năm 1651 ở Rôma xuất hiện 3 công trình: Từ điển 3 thứ tiếng Việt Nam- Bồ Đào Nha – Latinh (dày 450 trang). Ngữ pháp tiếng An Nam bằng chữ Latinh (được in chung trong từ điển) ; Phép giảng tám ngày (cuốn giáo lí đạo Thiên Chúa) bằng hai thứ tiếng (song ngữ) Latinh-Việt; Nhờ những tài liệu này mà người châu Âu đã tiếp xúc được với tiếng Việt và có thể học tiếng Việt, trong khi người Việt vẫn đang dùng chữ Hán và chữ Nôm.
Chữ Quốc ngữ là hệ thống văn tự dùng để ghi âm dựa vào hệ thống chữ cái tiếng Latinh, có thêm các dấu phụ để ghi các âm đặc trưng của tiếng Việt, như các dấu ghi thanh điệu, dấu ghi nguyên âm ngắn, nguyên âm hơi hẹp.

– Quá trình hình thành chữ Quốc ngữ có sự đóng góp của nhiều người, ví dụ: Francesco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và cả một số người Việt, song Alecxandre de Rhodes – một giáo sĩ người Pháp – được coi là người đã có công tổng kết và hoàn thiện một bước việc xây dựng hệ thống chữ viết hiện nay của tiếng Việt – đó là chữ Quốc ngữ. Song việc hoàn thiện chữ Quốc ngữ đã diễn ra trong khoảng 3 thế kỉ. Người được coi là có công trong việc hoàn thiện cơ bản chữ Quốc ngữ là Pigneau de Behaine, người mà vào năm 1772 đã đưa ra những cải tiến quan trọng trong cuốn từ điển Việt – Bồ – La, nhờ đó chữ Quốc ngữ có diện mạo gần giống với chữ Quốc ngữ đang dùng hiện nay. Tuy nhiên, phải đến khoảng giữa thế kỉ XIX thì hệ thống chữ Quốc ngữ mới thực sự giống như chữ Quốc ngữ ngày nay.

– A. de Rhodes được đánh giá rất cao về vai trò phát minh ra chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, ông không có công trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ cho người Việt. Vì vậy, từ năm 1651 đến 1866 (hơn 2 thế kỉ) chữ Quốc ngữ chỉ được phổ biến giữa các giáo sĩ và một ít giáo dân mà thôi.

Việc truyền bá chữ Quốc ngữ trước đây gặp nhiều khó khăn vì chính người Việt không muốn tiếp nhận nó. Họ cho rằng chữ Quốc ngữ là công cụ thống trị của người Pháp nên việc sử dụng chữ Quốc ngữ bị coi là đi ngược lại tinh thần chống Pháp của nhân dân. Đến năm 1882, chính quyền Pháp ở Nam Bộ ban hành Nghị định buộc các viên chức hành chính khắp Nam Kì phải thông hiểu chữ Quốc ngữ, đánh dấu thời điểm chữ Quốc ngữ được sử dụng chính thức tại Nam Bộ.

Nhờ sự tuyên truyền và tích cực sử dụng chữ Quốc ngữ của các trí thức Việt Nam, trong đó phải kể đến những người sáng lập ra phong trào văn chương ái quốc “Đông Kinh Nghĩa Thục”, dần dần nhiều người Việt Nam chấp nhận sử dụng loại chữ viết này vì họ thấy đây là loại chữ viết tiện lợi và rất dễ phổ biến.

Từ năm 1945 đến nay, Nhà nước Việt Nam quyết định lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức và thống nhất.

4. Một số từ ngữ viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên:

Dà dèn lut (đã đến lụt)
Da ăn nua, da an het (đã ăn nửa, đã ăn hết)
Tuij chiam biet (Tôi chẳng biết)
doij (đói)

___________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: , , , , | 1 Comment »

ĐỐI CHIẾU CẤP ĐỘ NGỮ PHÁP

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 10, 2010

Lê Đình Tư

1. Hệ thống ngữ pháp dưới góc độ ngôn ngữ học đối chiếu

– Hệ thống ngữ pháp là hệ thống bao trùm lên tất cả các cấp độ ngôn ngữ nên việc đối chiếu các hệ thống ngữ pháp có thể thực hiện trên nhiều cấp độ khác nhau. Thực tế có nhiều nhà nghiên cứu đã từ bỏ khái niệm ngữ pháp mà sử dụng khái niệm ngữ kết, lĩnh vực nghiên cứu về tất cả các mối quan hệ của mọi đơn vị ngôn ngữ, từ ngữ âm-âm vị đến văn bản.

– Theo khái niệm truyền thống thì ngữ pháp bao gồm hai bộ phận chính là: Hình thái họcCú pháp học. Tuy nhiên, khái niệm Hình thái học không phù hợp lắm với những ngôn ngữ không biến hình nên thường được thay thế bằng tên gọi Cấu tạo từ hay Từ pháp học, những khái niệm liên quan nhiều hơn đến cấp độ từ vựng.

– Do vậy, khi đối chiếu các hệ thống ngữ pháp, cần xác định rõ các đối tượng đối chiếu cụ thể, xem đó là những yếu tố của cấp độ nào, tránh lẫn lộn các cấp độ ngôn ngữ. Cấp độ ngữ pháp không phải bao giờ cũng cao hơn cấp độ từ vựng mà chủ yếu là cấp độ liên quan đến việc kết hợp các đơn vị ngôn ngữ.

2. Các cấp độ trong đối chiếu ngữ pháp

2.1. Cấp độ hình thái học

Hình vị ngữ pháp

Hình vị ngữ pháp được coi là đơn vị nhỏ nhất của ngữ pháp. Đây là các phương tiện để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp cũng như các mối quan hệ cú pháp. Hình vị ngữ pháp trong các ngôn ngữ không biến hình có thể hoạt động với tư cách là những từ độc lập và có thể có nhiều chức năng nên khi đối chiếu các hình vị ngữ pháp, cần nêu được chức năng ngữ pháp của chúng. Ví dụ: những trong tiếng Việt chỉ có chức năng ngữ pháp khi dùng để biểu thị số nhiều (ví dụ: những hoạt động), nhưng sẽ là hình vị từ vựng khi dùng để nhấn mạnh (ví dụ: ăn hết những một con gà). Đặc biệt, trong các ngôn ngữ không biến hình, ranh giới giữa từ và hình vị nhiều khi không rõ ràng nên người ta thường dùng khái niệm từ hư (hoặc hư từ) khi nói đến hình vị ngữ pháp.

Đối chiếu các hình vị ngữ pháp có thể phát hiện được những khác biệt về thuộc tính của các hình vị ngữ pháp như: quan hệ giữa hình vị ngữ pháp và âm tiết (có hình vị nhỏ hơn âm tiết hay không), quan hệ giữa hình vị ngữ pháp và từ, khả năng biến đổi hình thái, khả năng biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp như từ loại, giống, số, ngôi, thời…, mức độ hòa kết chức năng biểu thị ý nghĩa ngữ pháp trong hình vị, vị trí của hình vị ngữ pháp trong từ hoặc ngoài từ…

– Các ý nghĩa ngữ pháp và phạm trù ngữ pháp

+ Có ba loại ý nghĩa ngữ pháp: ý nghĩa hình thái, ý nghĩa chức năngý nghĩa từ loại. Ý nghĩa hình thái cho ta biết kiểu cấu tạo và hệ biến đổi hình thái của từ. Ý nghĩa chức năng cho ta biết chức năng ngữ pháp của từ trong cụm từ và câu. Ý nghĩa từ loại cho ta biết khả năng đảm nhận các chức năng ngữ pháp của từ. Trong các ngôn ngữ có thể có sự khác nhau tương đối lớn về cách thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp này. Chẳng hạn, tiếng Việt không có sự biến đổi hình thái của các hình vị hoặc từ để thể hiện các ý nghĩa như cách, số, thời, ngôi, thức, do đó các ý nghĩa này phải được thể hiện bằng các từ/hình vị được ngữ pháp hóa, ví dụ: của vốn là danh từ nhưng được ngữ pháp hóa thành giới từ để thể hiện ý nghĩa cách (sở hữu cách).

+ Các ý nghĩa ngữ pháp có thể được khái quát hóa thành các phạm trù ngữ pháp. Số lượng và chất lượng các phạm trù ngữ pháp trong các ngôn ngữ có thể không giống nhau. Ví dụ: Tiếng Việt không có phạm trù giống, trong tiếng Pháp có phạm trù giống nhưng không có giống trung như tiếng Nga. Nhiều ngôn ngữ có phạm trù số nhưng không có số đôi. Ngay cả những ý nghĩa ngữ pháp có tính phổ quát như ý nghĩa từ loại các ngôn ngữ cũng rất khác nhau. Chẳng hạn, so sánh từ loại của tiếng Việt và tiếng Anh, ta có thể phát hiện ra những sự khác biệt về số lượng từ loại (trong tiếng Anh có trạng từ nhưng tiếng Việt không có), về thuộc tính của từ loại (ví dụ: trong tiếng Nga, từ loại biến đổi theo giống, số, cách, còn tiếng Việt danh từ biến đổi hình thức để thể hiện thái độ, tình cảm). Cách thể hiện từ loại cũng không giống nhau. Các ngôn ngữ biến hình thể hiện ý nghĩa từ loại thông qua hình vị ngữ pháp nhưng các ngôn ngữ không biến hình chỉ có thể xác định từ loại của từ thông qua khả năng kết hợp của từ với các từ khác. Giữa các ngôn ngữ còn có sự khác biệt về khả năng chuyển đổi từ loại của các từ. Ví dụ: Danh từ tiếng Việt có thể chuyển thành tính từ hay động từ có thể biến thành danh từ (ví dụ: mưa, thay đổi), trong khi ở một ngôn ngữ khác từ có thể không có khả năng này.

– Các phương thức ngữ pháp

+ Sự khác biệt về cách thể hiện ý nghĩa ngữ pháp (tức là phương thức ngữ pháp) là cơ sở quan trọng nhất để phân biệt loại hình ngôn ngữ. Loại hình ngôn ngữ được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ khó khăn trong việc học một ngoại ngữ: người học ngoại ngữ cùng loại hình với tiếng mẹ đẻ sẽ dễ hơn so với ngoại ngữ khác loại hình.

+ Đối chiếu các phương thức ngữ pháp là đối chiếu xem hai ngôn ngữ khác nhau như thế nào về các phương thức: phụ gia, biến hình trong từ căn, trọng âm, ngữ điệu, thay từ căn, trật tự từ, hư từ, láy, chắp dính.

____________________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu cấp độ ngữ pháp | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »

ĐỪNG ĐÁNH MẤT CHỦ QUYỀN NGÔN NGỮ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 8, 2010

Lê Đình Tư
(Bài đã đăng trong Tạp chí Tri thức trẻ)

Ngày nay, người Việt Nam trong các thành phố lớn đang bị bao vây tứ phía bởi những tên gọi nước ngoài và những từ ngữ vay mượn không chính thức của các thứ tiếng nước ngoài không được Việt hóa. Đi dọc theo các con phố của các thánh phố lớn, nhiều người có cảm giác như lạc vào thành phố của một nước nào đó, với nhan nhản những từ ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn … được giữ nguyên dạng gốc. Có rất nhiều những biển hiệu và từ ngữ bằng tiếng nước ngoài mà người dân bình thường không đọc được và cũng không hiểu được ý nghĩa của chúng.

Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu biển hiệu hay từ ngữ nước ngoài là tên gọi của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Trong trường hợp này, việc sử dụng các tên gọi nước ngoài được coi là hiển nhiên, không ai cảm thấy khó chịu, cho dù người ta không hiểu được ý nghĩa của các từ ngữ đó. Đấy không chỉ là tên gọi mà còn là thương hiệu của các công ti hay doanh nghiệp đó. Chẳng hạn, chúng ta không cần dịch tên gọi công ti DAEWOO của Hàn Quốc sang tiếng Việt là Đại Vũ hay công ti HYUNDAI là Hiện Đại, vì đó không chỉ là tên gọi của các công ti mà còn là thương hiệu quốc tế của các công ti đó. Trong những trường hợp này, người ta không cần phải biết ý nghĩa của các tên gọi, bởi vì tên gọi của các doanh nghiệp tự nó đã phản ánh phạm vi hoạt động hay sản phẩm của doanh nghiệp đó.

Cũng sẽ chẳng có ai phản đối, nếu tên gọi của các cơ quan hay tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được trương lên bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tên gọi không phải là thương hiệu mà là sự mô tả ngắn gọn lĩnh vực hoạt động của cơ quan hay tổ chức đó. Nói cách khác, tên gọi ở đây phản ánh tính chất hay chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hay tổ chức mang tên gọi. Vì vậy, sẽ là thiếu sót, nếu các tên gọi này không được ghi kèm với tên gọi tương đương trong tiếng Việt, tức là không được dịch sang tiếng Việt. Mọi người Việt Nam đều có quyền được biết các cơ quan hay tổ chức nước ngoài đó làm gì ở Việt Nam, và dịch tên gọi nước ngoài sang tiếng Việt là cách duy nhất để mọi người có thể hiểu được và hiểu đúng các tên gọi đó. Cũng chính vì hiểu được tên gọi mà mọi người biết được lí do tại sao cơ quan hay tổ chức đó có mặt tại Việt Nam. Chẳng hạn, nếu tên gọi của tổ chức SIDA (Cơ quan Hỗ trợ Phát triển của Thụy Điển) không được dịch sang tiếng Việt thì có thể sẽ có nhiều người hiểu lầm đó là cơ quan phòng chống AIDS (bệnh AIDS cũng được gọi là SIDA). Còn nếu có ai đó cho rằng, đối với những người biết tiếng Anh, các tên gọi nước ngoài hoàn toàn không gây khó khăn gì cho việc hiểu ý nghĩa của chúng thì điều đó không phải bao giờ cũng đúng. Nếu không được dịch sang tiếng Việt hoặc không ghi dạng đầy đủ của tên gọi nước ngoài thì ngay cả những người biết ngoại ngữ chưa chắc đã hiểu đúng những tên gọi đó. Chẳng hạn, tổ chức EAST, có thể sẽ được hiểu là Phương Đông (t. Anh: east = phương đông), trong khi nó là tên viết tắt tiếng Pháp của Tổ chức Nước Nông nghiệp và Y tế Vùng Nhiệt đới. Ngay cả những tên gọi viết tắt tiếng Anh của các cơ quan hay tổ chức Việt Nam như TCV, nếu không dịch sang tiếng Việt thì nhiều người Việt cũng không biết đó là Hội Tim học Tôn Thất Tùng –Việt Nam. Đối với những người không biết tiếng Anh (chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội ta), đương nhiên, khó khăn trong việc tìm hiểu ý nghĩa của các tên gọi càng tăng lên gấp bội. Thế nhưng, rất tiếc là có nhiều tên gọi của các cơ quan, tổ chức nước ngoài không có tên gọi tương đương trong tiếng Việt.

Sẽ khá khó chịu, nếu tên gọi của các doanh nghiệp hoặc cơ quan, tổ chức của Việt Nam được ghi bằng tiếng Anh hay một thứ tiếng nước ngoài nào đó, bởi vì không có lí do gì người Việt Nam lại không được biết tên gọi của các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp của nước mình. Người Việt Nam, nói chung, không có nhu cầu phải biết Ngân hàng Quân đội có tên tiếng Anh là Military Bank hay Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có tên là Viet Nam Red Cross. Đối với họ, tên gọi tiếng Việt của các doanh nghiệp, cơ quan hay tổ chức Việt Nam là hoàn toàn đủ để họ có thể tiến hành các hoạt động giao dịch. Cho nên, tên gọi tiếng Anh chỉ có ý nghĩa đối với người nước ngoài hoặc đối với người Việt Nam khi giao dịch với người nước ngoài. Nếu tên gọi của các doanh nghiệp hay cơ quan, tổ chức Việt Nam chỉ được ghi bằng tiếng nước ngoài thì người Việt Nam không biết tiếng nước ngoài sẽ có cảm giác như mình bị chế nhạo, đơn giản là vì họ trở thành những người “vô tri”. Việc trương các tên gọi của các doanh nghiệp hay tổ chức Việt Nam bằng tiếng nước ngoài ở những vị trí cao nhất thường gây cảm giác khó chịu như vậy. Hơn thế nữa, việc làm này còn gây nên cảm giác về sự mất chủ quyền của ngôn ngữ dân tộc, nhất là khi tên gọi bằng tiếng Việt hoàn toàn bị loại bỏ. Song, thực tế này có thể quan sát thấy ở khắp các thành phố lớn trên đất nước Việt Nam.

Tuy nhiên, gây cảm giác khó chịu nhất là sự tạp nham của các từ ngữ và/hoặc biển hiệu nước ngoài được trương lên tùy tiện, không theo một nguyên tắc nào ở các thành phố của ta. Điều đó tạo ra một cảm giác về sự lộn xộn, nhếch nhác của các đường phố của ta. Thay vì cửa hàng hay hiệu, người ta thấy đầy rẫy những shop với những biến tướng như shop men, Shop Fashion, shop Thủy, Baby’ shop. Thay vì Giảm giá, người ta thấy vô số những Sale hay Sale off. Rồi nào là Shoes (giầy), Veston (áo vét tông), Complet (com lê), leather (đồ da)… được dùng để thay cho các từ ngữ hay biển hiệu tiếng Việt, ngay cả ở những nơi mà, có lẽ, cả năm không có người nước ngoài nào đến thăm. Hơn thế nữa, có nhiều biển hiệu hay từ ngữ tiếng nước ngoài còn bị viết sai lỗi chính tả, nghĩa là ngay cả chủ nhân của những biển hiệu đó cũng không phải là người thạo ngoại ngữ. Đó chẳng qua chỉ là thói sùng bái từ nước ngoài chứ tuyệt nhiên không phải là biểu hiện của sự cố gắng để tạo ra thương hiệu Việt Nam, bởi vì trong các cửa hàng đó, chủ yếu người ta bán hàng hóa nước ngoài, có khi chỉ là hàng lỗi mốt của nước ngoài. Vì vậy, kết quả là tiếng nước ngoài không làm cho đường phố của chúng ta trở nên sang trọng hơn mà chỉ làm tăng cảm giác về sự nhếch nhác của các cửa hàng và vì thế, làm tăng cảm giác nhếch nhác của các đường phố.

Vài năm trước, có một nhà sử học người Nhật Bản đã nói với tôi, đại ý: Việt Nam đang phải đối mặt với một cuộc xâm lăng tệ hại nhất trong lịch sử của mình. Đó không phải là một cuộc xâm lăng bằng gươm đao hay súng đạn. Đó cũng không phải là một cuộc xâm lăng để giành chiếm đất đai hay lãnh thổ. Cuộc xâm lăng đó cũng không có kẻ thù. Đó là một cuộc xâm lăng của một lực lượng hùng hậu các doanh nghiệp nước ngoài được người Việt Nam mời đến để góp phần phát triển đất nước. Cuộc xâm lăng này có sức tàn phá rất ghê gớm về lâu dài. Đó là sự tàn phá về văn hóa, xã hội, về ý thức hệ và về môi trường. Chỉ có sự khôn ngoan và ý thức dân tộc sâu sắc mới có thể chống lại cuộc xâm lăng đó.

Đi trên các đường phố Việt Nam, với đầy rẫy những biển hiệu và từ ngữ nước ngoài được trương lên ở vị trí trang trọng nhất, lấn át hay thậm chí thay thế các biển hiệu và từ ngữ tiếng Việt, chúng ta không khỏi nghĩ đến chủ quyền của dân tộc mà biểu hiện ở đây là chủ quyền ngôn ngữ. Chúng ta đang đánh mất chủ quyền ngôn ngữ. Không phải do một thế lực thù địch nào đó, mà là do chính chúng ta, do sự vô ý thức, sự thiếu hiểu biết về hậu quả lâu dài của việc đánh mất chủ quyền ngôn ngữ.

___________________________________________

Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: , , , | Leave a Comment »