TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Posts Tagged ‘phép nối’

4. Sự liên kết nội dung trong văn bản tiếng Việt (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 6, 2012

4.2 Liên kết lô gích

4.2.1 Dùng các phương tiện nối kết

Để duy trì tính mạch lạc của văn bản, các phát ngôn còn phải được liên kết với nhau theo những quan hệ gọi là quan hệ lô gích. Đó là những kiểu quan hệ khác nhau giữa các sự kiện, ví dụ như: quan hệ liên hợp, quan hệ phủ định, quan hệ lựa chọn, quan hệ loại trừ, quan hệ bao hàm, quan hệ nhân-quả, quan hệ thời gian, v.v.

Đối với sự liên kết lô gích giữa các phát ngôn của văn bản thì các phương tiện nối kết như các kết từ (ví dụ: và, còn, nhưng, song, mặc dù, dù, dẫu, thì,…), phụ từ (ví dụ: cũng, lại, cứ, luôn,…) hay những từ ngữ chuyên dùng để nối kết (ví dụ: như vậy, quả vậy, quả thật, ấy thế nhưng, cuối cùng, rốt cuộc, không những thế,…) được sử dụng nhiều nhất để nối các phát ngôn hoặc các phần nội dung (ví dụ: các đoạn văn) của văn bản theo các quan hệ lô gích. Trong tiếng Việt, biện pháp này được gọi chung là ‘phép nối’, tức là sử dụng các phương tiện nối kết (xem chẳng hạn: Trần Ngọc Thêm 2006) .

Các phương tiện nối kết có tác dụng bộc lộ rõ ràng nhất sự liên kết giữa các phát ngôn, vì vậy đây là phương thức được sử dụng phổ biến trong những loại văn bản đòi hỏi sự liên kết lô gích rõ ràng: văn bản khoa học, văn bản chính luận và văn bản hành. Trong khẩu ngữ, các phương tiện nối kết cũng được sử dụng nhiều để bảo đảm cho thông tin được truyền đạt chính xác.
Ví dụ:

(i)                Dùng kết từ:

Căn hộ được thuê với giá thỏa thuận là 500 USD/tháng (năm trăm đôla/tháng). Thời gian hợp đồng là 02 (hai) năm kể từ ngày kí. Nhưng ngày 15 tháng 5 năm 1996, bà Trần Thị Bích đã đưa ra đề nghị với chúng tôi là muốn rút ngắn thời gian hợp đồng đến hết tháng 10 năm 1996.  (công văn)

hoặc:

Nói riêng về doanh nhân Á châu, phần lớn người Trung Quốc và Việt Nam gặp phải một vấn đề là sĩ diện. Có lẽ vì mặc cảm thôi. (PL TP HCM)

(ii)             Dùng phụ từ:

Trước đó, bố của Phú là ông La Phúc Thông đang bình thường khoẻ mạnh bỗng muốn chết vì lúc nào cũng tưởng tượng cảnh bị người khác đuổi giết. Rồi một ngày, ông Thông kết liễu đời mình bằng chính cây lá ngón có trong vườn nhà. (Kienthuc.net.vn)

(iii)           Dùng từ ngữ chuyên dùng:

Xưa nay, không ai chết đến lần thứ hai để được bài học kinh nghiệm về cách chết. Bởi vậy, vẫn có nhiều người chết một cách ngờ nghệch.”  (Nguyễn Công Hoan)

4.2.2. Sắp xếp các phát ngôn theo một trật tự lô gích

Các quan hệ lô gích giữa các phát ngôn không chỉ được thể hiện bằng các phương tiện nối kết mà còn có thể bằng sự sắp xếp các phát ngôn theo một trật tự phù hợp với quan hệ lô gích giữa các sự kiện mà các phát ngôn đó biểu đạt. Cách sắp xếp các phát ngôn theo một trật tự nhất định để tạo ra sự liên kết được gọi là phép tuyến tính.  Biện pháp này hay được sử dụng trong các tác phẩm văn học chứ ít được dùng trong các văn bản khoa học, chính luận hay hành chính, bởi nó có thể gây nên những cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, trong ví dụ sau: “Nó khuỵu cẳng. Một củ khoai ở mẹt biến mất.”, ta có thể giải thích mối quan hệ ở đây là quan hệ nhân-quả (‘Vì nó khuỵu cẳng nên củ khoai ở mẹt biến mất’) nhưng cũng có thể hiểu đó là quan hệ thời gian (‘Sau khi nó khuỵu cẳng thì củ khoai ở mẹt biến mất’), hay quan hệ liên hợp (‘Nó khuỵu cẳng và một củ khoai ở mẹt biến mất’). Thông thường, ta chỉ nhận ra biện pháp này khi không có các biện pháp liên kết khác được sử dụng. Sau đây là một số trường hợp sử dụng điển hình:

(i)                Sắp xếp theo quan hệ thời gian–nhân quả:

Sau bữa tối, không một ai muốn chơi đùa vui vẻ nữa. Chẳng mấy chốc tiểu thư Rita và Terestka ra về. (CH)

(ii)             Sắp xếp theo quan hệ thời gian thuần túy:

Đến lúc tối trời Phan mới về đến nhà. Anh treo bức tranh con mèo lên cái đinh nằm một góc phòng khách rồi bật đèn ngủ. (BTCM)

(iii)           Sắp xếp theo quan hệ nhân-quả thuần túy:

Cổng ra vào đã khóa. Tôi tìm đến nơi có một cái cây mọc sát tường, leo lên cây rồi đu qua tường, xong nhảy ra ngoài. (QLCTC)

(iv)           Sắp xếp theo quan hệ bao hàm:

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nước Việt Nam độc lập.” (HCM).

  ______________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , | 1 Comment »