TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for the ‘Những vấn đề đại cương’ Category

Các cấp độ đối chiếu ngữ nghĩa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 17, 2012

(lược trích và bổ sung bài: Lê Đình Tư. Những vấn đề ngữ nghĩa học âm vị. Tạp chí khoa học ngoại ngữ 3, 2005)

Như trên đã nói, ngôn ngữ học phân biệt hai bình diện của ngôn ngữ: bình diện biểu hiện và bình diện nôi dung hay bình diện ngữ nghĩa. Nói về bình diện biểu hiện của ngôn ngữ là nói về cấu trúc hình thức của các đơn vị ngôn ngữ, còn nói về bình diện nội dung là nói về ý nghĩa của các đơn vị đó. Với quan niệm đó, người ta cũng đã vạch ra một đường ranh giới cho các lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ: Mô tả mặt biểu hiện của ngôn ngữ, chúng ta đi từ cấp độ âm vị, còn khi mô tả mặt nội dung của nó thì bắt đầu từ cấp độ hình vị. Âm vị được coi là những đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để cấu tạo nên mặt ngữ âm của ngôn ngữ và không có nghĩa, còn hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ. Kết quả là, khi đề cập đến bình diện ngữ nghĩa của ngôn ngữ, cấp độ âm vị thường bị bỏ qua. Nói cách khác, ngữ nghĩa học thường được coi là lĩnh vực ngôn ngữ học nghiên cứu những cấp độ ngôn ngữ lớn hơn âm vị. Trong thực tế, khi đối chiếu những vấn đề ngữ nghĩa giữa các ngôn ngữ, người ta cũng thường tập trung chủ yếu vào cấp độ từ vựng, bởi vì các đơn vị từ vựng như từ, thành ngữ được coi là những đơn vị có nghĩa hoàn chỉnh và có thể xác định được những đơn vị tương đương trong ngôn ngữ khác để đối chiếu.

Tuy nhiên, từ lâu người ta đã để ý đến các hiện tượng tượng thanh hay tượng hình, tức là những trường hợp mà âm thanh của ngôn ngữ có quan hệ khá chặt chẽ với những gì chúng biểu đạt trong thực tế khách quan. Chẳng hạn, H. Schreuder (1970) đã  nhận ra rằng, tổ hợp âm ‘ash’ trong tiếng Anh rất hay được dùng để biểu đạt những động tác nhanh hoặc đột ngột, ví dụ: flash (lóe sáng), dash (lao tới, ném mạnh), crash  (đâm sầm xuống), hay tổ hợp âm vị /bl/ (cũng trong tiếng Anh) thường xuất hiện trong các từ biểu thị sự khó chịu, ghê tởm hay chán ngấy, ví du: bland smile (nụ cười nhạt nhẽo), blare (làm om sòm), blast (nguyền rủa)… Thậm chí, tác giả còn thấy rằng, trong một số trường hợp, mối quan hệ giữa âm thanh ngôn ngữ (không chỉ là từ tượng thanh) và ý nghĩa chặt chẽ tới mức chúng có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi ý nghĩa của từ trong quá khứ, khiến hiện nay một số tổ hợp âm trong tiếng Anh biểu thị những ý nghĩa tiêu cực thay vì ý nghĩa trung hòa như trước đây. Chẳng hạn, âm vị /u/ khi kết hợp với một số âm vị khác (ví dụ như với /l/, /ʃ/ hay /p/) thường biểu đạt những sự vật, sự việc được đánh giá tiêu cực, ví dụ: allure (cám dỗ, quyến rũ), shrew (người dàn bà đanh đá, độc ác), putrid (thối tha, đồi bại). Những hiên tượng tương tự trong tiếng Pháp cũng đã được P. Guiraud (1971) đề cập đến trong tác phẩm “La semantique”. Trên địa bàn tiếng Việt, Nguyễn Hữu Quỳnh (1994) cũng đã nêu nhận xét rằng, một số vần và nguyên âm “có khả năng biểu thị một nét nghĩa nào đó về trạng thái, họat động, tính chất.”.  Ví dụ: vần ‘it’ trong tiếng Việt biểu thị một nét nghĩa chung là ‘làm kín, làm chặt thêm’ của các từ ‘bịt’,’khít’,‘thít’…, trong khi vần ‘óp’ mang nét nghĩa ‘giảm thể tích, thu nhỏ khối lượng’ như trong các từ ‘bóp’, hay‘tọp’. Nghiêm túc hơn, các nhà phong cách học cũng đã bàn khá nhiều về giá trị tu từ học của các yếu tố ngữ âm trong các ngôn ngữ. Xa hơn nữa, W. Humboldt cũng đã nhìn nhận ý nghĩa biểu trưng của các đơn vị ngữ âm trong các ngôn ngữ.

Nhìn một cách tổng thể, các nhà ngôn ngữ học này, ở những mức độ và góc độ khác nhau, đều thừa nhận tính có lí do nhất định của âm thanh ngôn ngữ. Họ cho rằng không phải lúc nào mối quan hệ giữa mặt âm và mặt nghĩa trong ngôn ngữ cũng đều mang tính võ đoán, rằng các ngôn ngữ có những lí do và cách thức khác nhau để lựa chọn các phương tiện ngữ âm nhằm biểu đạt những sự vật, hiện tượng, đặc trưng, hay tính chất trong thực tế khách quan. Sự lựa chọn này có liên quan đến bản thân các âm thanh ngôn ngữ và các mối quan hệ đối lập giữa chúng với nhau. Nói cách khác, trong một số trường hợp, người ta thừa nhận có sự hài hòa nhất định giữa mặt âm thanh và mặt nghĩa của các tín hiệu ngôn ngữ.

Như vậy, âm vị có thể được sử dụng theo hai mục đích khác nhau: 1/tạo ra các từ, và 2/ tạo nghĩa mới cho các từ. Trong mục đích thứ nhất, các âm vị tạo ra các từ khác nhau nhờ những thế đối lập về các nét khu biệt của chúng, còn trong mục đích thứ hai, từ được bổ sung một ý nghĩa mới nào đấy nhờ việc khai thác các giá trị ngữ nghĩa mà các âm vị có thể mang lại. Sự tồn tại các giá trị ngữ nghĩa của âm vị khiến cho sự phân biệt hai bình diện của ngôn ngữ, tức bình diện biểu hiện và bình diện ngữ nghĩa theo cách xưa nay, trở nên không rõ ràng hoặc/và không triệt để. Ngữ nghĩa học truyền thống không quan tâm đến hoặc không thừa nhận những giá trị ngữ nghĩa của những đơn vị ngôn ngữ nhỏ hơn hình vị. Đó là cái phần dư ngữ nghĩa trong ngôn ngữ mà ngôn ngữ học chưa có cách giải quyết dứt khoát. Thông thường,  khi nhận thấy một hiện tượng ngôn ngữ nào đấy mang giá trị ngữ nghĩa, người ta cứ nghĩ trước hết đến sự hiện diện của hình vị hay từ.

Sự thừa nhận giá trị ngữ nghĩa của các âm vị, hoặc phức thể âm vị, tạo tiền đề cho việc hình thành một bộ môn nghiên cứu mới: Ngữ nghĩa học âm vị (semantyka fonemów lub fonosemantyka), bộ môn nghiên cứu giá trị ngữ nghĩa của cấp độ âm vị.

Ngữ nghĩa học âm vị có vẻ liên quan nhiều hơn đến ngữ dụng học, bởi vì loại ý nghĩa này phụ thuộc nhiều vào các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cụ thể. Tuy nhiên, ý nghĩa của các âm vị không chỉ liên quan đến sự vận dụng ngôn ngữ mà còn liên quan đến cả lịch sử phát triển của ngôn ngữ, nghĩa là vừa có tính chất đồng đại vừa có tính chất lịch đại. Ngữ nghĩa học âm vị có ý nghĩa thực tiễn to lớn: Nó giúp giải thích nhiều hiện tượng ngữ nghĩa trong các ngôn ngữ, nhờ đó giúp ta hiểu rõ hơn bản chất của những hiện tượng ngôn ngữ như đồng nghĩa, dị nghĩa, các tên riêng, sự hài âm, chơi chữ , hay đặc điểm cấu tạo của các tiếng xã hội trong một cộng đồng ngôn ngữ.

Như vậy, các nghiên cứu ngữ nghĩa học âm vị sẽ bổ sung những thông tin làm cho bức tranh về các bình diện ngữ nghĩa của ngôn ngữ được hoàn chỉnh hơn. Với ngữ nghĩa học âm vị, cấu trúc các bình diện của ngôn ngữ trở nên nhất quán hơn: trên bình diện biểu hiện, chúng ta nghiên cứu toàn bộ mặt cấu tạo hình thức của ngôn ngữ: đi từ âm vị đến văn bản, còn trên bình diện ngữ nghĩa, chúng ta xem xét toàn bộ mặt nội dung của ngôn ngữ, cũng đi từ âm vị đến văn bản. Điều này cũng có nghĩa là ngữ nghĩa học đối chiếu cũng quan tâm đến cả cấp độ âm vị của ngôn ngữ.

__________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, NGỮ NGHĨA HỌC ÂM VỊ, Ngữ nghĩa học, Những vấn đề đại cương | Thẻ: , , , , , , , , | 5 Comments »

Ngữ nghĩa học – khái niệm và phạm vi nghiên cứu (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 10, 2012

Lê Đình Tư

 

2. Ý nghĩa – đối tượng nghiên cứu của ngữ nghĩa học

Như vậy, có thể thấy rằng nghĩa học ngôn ngữ học (từ đây trở đi sẽ được gọi là ngữ nghĩa học) là một ngành khoa học nghiên cứu về ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ. Tuy nhiên, như có thể thấy bên trên, cái được gọi là ‘ý nghĩa’ là một đối tượng không dễ nắm bắt, bởi tính trừu tượng, đa diện và đa cấp của nó. Trong ‘ý nghĩa’,  ta cũng có thể nhận thấy sự có mặt của những mối quan hệ phức tạp giữa cái trừu tượng và cái cụ thể, cái xã hội và cái cá nhân, cái phổ niệm và cái dân tộc. Ý nghĩa là sự tổng hòa của nhiều loại quan hệ: quan hệ giữa sự vật/hiện tương và một chuối âm thanh/chữ viết nào đó; quan hệ giữa người nói và người nghe; quan hệ giữa con người và xã hội, quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa…, và cả quan hệ giữa ngôn ngữ với ngôn ngữ (hay quan hệ liên ngôn ngữ). Mạng lưới các quan hệ này làm cho mặt ý nghĩa của ngôn ngữ trở nên rất khó định nghĩa một cách chắc chắn và nhất quán. Ý nghĩa sẽ được định nghĩa (nếu có thể nêu được định nghĩa) theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào góc độ quan sát: là sự vật, nếu được xem xét trong quan hệ giữa từ và sự vật, là khái niệm, nếu được xem xét trong quan hệ với quá trình nhận thức hiện thực, là thái độ/ tình cảm, nếu được xem xét trong quan hệ giữa các vai giao tiếp, v.v. (xem thêm bên dưới). Đây chính là nguyên nhân khiến cho ‘ý nghĩa’, mặc dù đã được các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà triết học, nghiền ngẫm và tìm hiểu từ thời Cổ đại đến nay, vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng và trọn vẹn.

Với bản chất phức tạp và đa diện của nó, ‘ý nghĩa’ được quan tâm nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, nhưng nhiều khi rất khó vạch được ranh giới rõ ràng giữa những ‘’ý nghĩa’ được lấy làm đối tượng nghiên cứu ở những lĩnh vực khoa học khác nhau đó.

Như trong triết học chẳng hạn, ý nghĩa ở đây từng được coi là cái tương ứng nằm ngoài ngôn ngữ của một đơn vị ngôn ngữ, hay nói cách khác, ý nghĩa chính là mối quan hệ giữa mặt biểu hiện của ngôn ngữ và hiện tượng bên ngoài nó. Đây được gọi là ‘quan niệm dựa vào vật quy chiếu’ (ví dụ: Arystoteles). Quan niệm coi ý nghĩa là sự vật hoặc các đặc trưng của sự vật chính là quan niệm sơ đẳng nhất về ý nghĩa của từ. Theo quan niệm này thì từ gợi ra sự vật, thay thế cho sự vật. Điều đó có nghĩa là ý nghĩa của từ chính là bản thân sự vật hoặc sự quy chiếu vào sự vật. Quan điểm như vậy cũng được J.S. Mill (1843) nêu ra, khi ông khẳng định rằng đối tượng biểu đạt của các phát ngôn là bản thân hiện thực. Trên cơ sở đó, ông quan tâm nghiên cứu về mối quan hệ giữa các tên gọi của các sự vật và sự biểu đạt các sự vật. Tuy nhiên, ông có phân biệt các kiểu tên gọi xét về cách thức chúng liên hệ với sự vật được gọi tên, mà phải kể trước tiên là kiểu tên gọi không chỉ biểu đạt sự vật mà còn hàm chỉ (connotate) những đặc điểm nhất định của đối tượng được biểu đạt. Ví dụ, những từ như: ‘người’, ‘chó’, ‘bàn’, ‘sông’, v.v. không chỉ biểu đạt các đối tượng được gọi tên ở đây mà còn hàm chỉ cả một số thuộc tính của chúng, tức là những đặc điểm quyết định về bản chất của người, chó hay bàn, sông, v.v. Quan niệm của Mill được các nhà triết học sau này kế tục và phát triển, nhờ đó mà nó giữ một vị trí ổn định trong nghĩa học lô gích và ngữ nghĩa học. Người ta tiếp tục chính xác hóa thêm các khái niệm: ‘sự quy chiếu’ (referencja/odniesienie) được hiểu là những thuộc tính của một tên gọi được sử dụng, còn ‘vật quy chiếu’ (referent) là sự vật/đối tượng mà tên gọi được quy chiếu vào; ‘sự biểu vật’ (denotacja) và ‘cái biểu vật’(denotat) được dùng để chỉ mối quan hệ giữa tên gọi và lớp sự vật hoặc là sự vật đại diện cho lớp sự vật mà tên gọi có thể được quy chiếu vào. Chẳng hạn, từ ‘chó’ có nội dung (ý nghĩa) là tập hợp những nét đặc trưng của các con chó (gọi chung là ‘cẩu tính’), có ‘cái biểu vật’ là toàn bộ lớp sự vật ‘các con chó’ (hoặc một đại diện điển hình của chúng), ví dụ như trong câu: „Chó là con vật trung thành”, và có ‘vật quy chiếu’ là một con chó cụ thể nào đó, ví dụ như trong câu: „Con chó của cậu dễ thương quá!”. (Những thuật ngữ này hiện nay trong tiếng Việt đang được dịch khác nhau).

Cũng có một quan điểm triết học khác, mang tính ngôn ngữ học nhiều hơn, cho rằng ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ là mối quan hệ giữa nó với các đơn vị ngôn ngữ khác. Đó là quan điểm đồng nhất ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ với cách sử dụng nó. Dòng quan điểm này được gọi là ‘quan niệm không dựa vào vật quy chiếu’ (ví dụ: trường phái triết học phân tích Oxford). Những người theo dòng quan điểm này thường lấy việc miêu tả ý nghĩa của câu, thậm chí toàn bộ lời phát biểu làm cơ sở để từ đó xác định ý nghĩa của các từ như là loại ý nghĩa thứ phát.

Dẫu vậy, xu hướng hiểu ý nghĩa theo góc độ tâm lý học trong triết học vẫn chiếm ưu thế vượt trội, bởi vì ý nghĩa của các tín hiệu ngôn ngữ ở đây thường được hiểu như là những ý niệm nằm trong đầu người nói hay những hình ảnh (tưởng tượng) hoặc những ấn tượng về sự vật được gọi tên.  Chẳng hạn, vào thời Trung cổ, ý nghĩa thường được hiểu là ’khái niệm’(và do đó có tên gọi chủ nghĩa khái niệm- konceptualizm), và chính trên cái nền của những cuộc tranh cãi xoay quanh ‘khái niệm’ đã hình thành nên những triết thuyết khác nhau: sớm hơn thì có thuyết duy thực (realizm), thuyết duy danh (nominalizm), còn muộn hơn thì có thuyết liên tưởng (asocjacjonizm). Nhưng, có thể nói, cái dấu ấn tâm lý học đó biểu hiện rõ ràng nhất trong một sơ đồ biểu thị mối quan hệ giữa từ (kí hiệu) và ý nghĩa, thường được gọi là ‘tam giác ngữ nghĩa’, do Ogden và Richards (1923) đưa ra, và được trích dẫn cũng như diễn giải trong nhiều công trình nghiên cứu ngữ nghĩa học. Trong sơ đồ này, ý nghĩa được hiểu là khái niệm và được phân biệt với đối tượng được biểu đạt (tức ‘vật quy chiếu’).

Trong một cách quan niệm hẹp hơn, ý nghĩa của một tín hiệu ngôn ngữ chỉ còn là ‘sự ứng xử của con người’ khi phản ứng trước tín hiệu nghe được đó, bởi vì sự  ứng xử của con người được coi là chỉ báo khách quan duy nhất để hiểu các phát ngôn  (xem: Bloomfield 1935, Morris 1938 và Osgood 1957). Một ví dụ cổ điển: phát ngôn „Tôi đang đói.” gây ra ở người tiếp nhận (người nghe) phản ứng: ‘mang thức ăn đến’. Đây chính là quan niệm trong hành vi luận (behawioryzm), vốn đã có những ảnh hưởng rộng lớn không chỉ trong nghiên cứu ngữ nghĩa học mà còn cả trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác, mặc dầu bị nhiều ý kiến phê phán.

Những quan niệm triết-tâm lí học về ý nghĩa như nêu trên đã được áp dụng vào ngôn ngữ học nói chung và ngữ nghĩa học nói riêng. Điều đáng nói là lập trường của nhiều nhà ngôn ngữ học trong vấn đề bản chất của ý nghĩa rất gần với quan điểm của thuyết liên tưởng tâm lí học. Chẳng hạn, trong “Giáo trình…”  của mình, Saussure đã nêu lên tính chất hai mặt của tín hiệu ngôn ngữ, trong đó mặt nội dung (tức ý nghĩa) của nó được ông quan niệm là ‘khái niệm’. Cách quan niệm này của Sausure sau này đã trở thành nền tảng lí luận cho những công trình nghiên cứu ngữ nghĩa học theo đường hướng cấu trúc luận. Còn trong những đường hướng nghiên cứu mới hơn, được gọi chung là ngôn ngữ học học tri nhận, quan niệm tâm lí học thậm chí đã trở thành tư tưởng chủ đạo, khi ngôn ngữ được coi là một bộ phận của cơ chế tâm lí con người và tính chất tâm lí của ý nghĩa luôn luôn được nhấn mạnh . Theo cách hiểu của các nhà tri nhận luận (ví dụ: G. Lakoff, Ch. Fillmore, R. Langacker) thì ý nghĩa là „cách thức mọi người hiểu các phát ngôn”. Với cách hiểu như vậy, thật khó có thể nêu lên một định nghĩa mang tính ngôn ngữ học thuần túy về ý nghĩa (xem thêm bên dưới).

Cho nên, có thể xem quan niệm ”ý nghĩa là mối quan hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ” trong ngôn ngữ học không chỉ đánh dấu một trào lưu nghiên cứu ngữ nghĩa học muốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của cách tiếp cận triết-tâm lí học, mà còn biểu hiện một xu hướng muốn từ bỏ ý định tìm hiểu về bản chất của ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa được xác định chỉ nhờ vào việc nghiên cứu hai loại quan hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ: quan hệ tương đương (hay còn gọi là quan hệ kéo theo) và quan hệ mâu thuẫn, có nghĩa là muốn xác định ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ thì cần phải xác định được những đơn vị tương đương và/ hoặc mâu thuẫn với nó. Hai đơn vị ngôn ngữ tương đương về nghĩa với nhau nếu chúng đưa tới những hệ luận (kết luận) giống hệt nhau. Ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ chính là cái thuộc tính chung cho tất cả những đơn vị tương đương nghĩa trong một ngôn ngữ. Cách định nghĩa ý nghĩa nhờ vào thuộc tính chung của các đơn vị ngôn ngữ đã được nhiều nhà ngôn ngữ học tiếp nhận (xem chẳng hạn: Jakobson 1959) và rõ ràng đây là quan niệm đặc trưng cho đường hướng nghiên cứu ngữ nghĩa học không quan tâm đến khía cạnh bản thể luận của ‘ý nghĩa’, tức là đến việc xem xét xem bản chất của ‘ý nghĩa’là gì.

Phải đến cuối những năm 80 và trong những năm 90 của thế kỷ XX, vấn đề bản chất của ý nghĩa mới  được hâm nóng trở lại nhờ ngôn ngữ học tri nhận. Theo cách hiểu của các nhà tri nhận luận (ví dụ: Lakoff và Langacker), ý nghĩa  là „sự hình dung về thế giới” trong óc người nói, tức là tất cả những gì mà người nói liên hệ với các sự vật hay hiện tượng của thế giới khách quan khi sử dụng các từ. Chỉ có điều đó thường không phải là những đặc trưng quan yếu mà là những đặc trưng điển hình, thường xuyên được liên tưởng với sự vật/ hiện tượng. Nói cách khác, trong óc người nói tồn tại một bức tranh lược đồ về sự vật/ hiện tượng: đó là bức tranh ngôn ngữ về thế giới. Bức tranh ngôn ngữ về thế giới là một bức tranh được hình thành trong ý thức của người nói nhờ những kinh nghiệm nhận thức và văn hóa. Bức tranh này được gắn kết trong ý thức của người nói với một biểu thức ngôn ngữ (một chuỗi âm thanh) và đó chính là ý nghĩa của biểu thức ngôn ngữ đó.

Với cách hiểu này, khái niệm ‘ý nghĩa’ được mở rộng thêm rất nhiều và càng trở nên mơ hồ, vì bản thân các khái niệm ‘bức tranh ngôn ngữ’và ‘biểu thức ngôn ngữ’ đều có nội hàm rất rộng và chưa bao giờ được xác định một cách rõ ràng.

_____________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa học, Những vấn đề đại cương | Thẻ: , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Ngữ nghĩa học – khái niệm và phạm vi nghiên cứu

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 13, 2011

Lê Đình Tư

1. Ngữ nghĩa học – những cách hiểu khác nhau

Cho đến nay, khái niệm ‘ngữ nghĩa học’ vẫn không được hiểu một cách thống nhất. Thuật ngữ này vốn bắt nguồn từ chữ ‘sēmantiká’ trong tiếng Hy Lạp và được dùng chủ yếu để chỉ lĩnh vực khoa học nghiên cứu về ý nghĩa của các từ, mệnh đề, câu, kí hiệu hoặc các biểu tượng. Trong hệ thống thuật ngữ khoa học quốc tế, ‘ngữ nghĩa học’có những tên gọi khác nhau, ví dụ: trong tiếng Anh: semantics (semantyka), semiology (semiologia), semiotics (semiotyka), semasiology (semazjologia). Xét về nội hàm của thuật ngữ, trong tiếng Việt có thể cần phải phân biệt hai khái niệm: ‘nghĩa học’ và ‘ngữ nghĩa học’.

Có thể nêu một cách khái quát những cách hiểu chủ yếu sau đây về ‘nghĩa học’:

Nghĩa học có thể được hiểu như là một thuật ngữ của lí thuyết chung về tín hiệu (thường được gọi là nghĩa học lô gích – semantyka logiczna lub semiotyka logiczna), tức là đồng nghĩa với ‘tín hiệu học’ (semiologia hoặc semiotyka), một trong ba bộ môn của lô gích học nghiên cứu về các tín hiệu (từ và các thành ngữ), các thuộc tính và chức năng của chúng. Đó là: nghĩa học, dụng học và kết học (semantyka, pragmatyka i syntaktyka) (theo Charles W. Morris). Đây là một lĩnh vực nghiên cứu nằm ở ranh giới của các ngành khoa học: triết học, ngôn ngữ học, lô gích học, lí thuyết thông tin và nhân học.Theo cách hiểu này, nghĩa học nghiên cứu mối quan hệ giữa các tín hiệu và hiện thực mà chúng biểu đạt. Khác với tín hiệu học lô gích, vốn bắt nguồn từ Ch.S. Peirce, L. Wittgenstein và R. Carnap, tín hiệu học không phải là một lĩnh vực khoa học được xác định rõ ràng. Các nghiên cứu tín hiệu học đã được khai triển tương đối muộn và cho đến tận ngày nay phạm vi của chúng vẫn chưa được xác định một cách chính xác.

Thuật ngữ tín hiệu học được sử dụng lần đầu trong tác phẩm ‘Giáo trình ngôn ngữ học đại cương’ của F. De Sausure. Trong tác phẩm này, Sausure đã đề xuất thành lập một ngành khoa học mới là tín hiệu học với đối tượng quan tâm chủ yếu là tín hiệu. Tuy nhiên, ý tưởng của Sausure là trong ngành khoa học này, tín hiệu sẽ được xem xét trước hết ở sự hoạt động xã hội của nó, và ngành khoa học mới này sẽ trở thành cơ sở của ngôn ngữ học theo cách hiểu mới, tức là khoa học nghiên cứu về một loại tín hiệu – tín hiệu ngôn ngữ. Như vậy, ngôn ngữ học sẽ trở thành một bộ phận của tín hiệu học – khoa học chung về tất cả các tín hiệu. Một số nhà tín hiệu học, như Pierre Guiraud chẳng hạn, thì định nghĩa tín hiệu học hẹp hơn, coi đây là ngành khoa học nghiên cứu về tất cả những hệ thống tín hiệu nào không phải là tín hiệu ngôn ngữ.

Nghĩa học theo cách hiểu của triết học ngôn ngữ (gọi là nghĩa học tổng quát – semantyka ogólna) – một quan niệm xã hội học-triết học về ngôn ngữ, phát triển ở Mỹ từ những năm hai mươi của thế kỷ XX. Thực ra, thuật ngữ này không có mấy điểm chung với nghĩa học lô gíchnghĩa học ngôn ngữ học, vì nó chủ yếu nghiên cứu việc cải thiện các quan hệ giữa con người với con người thông qua việc cải thiện ngôn ngữ, còn những vấn đề quan tâm khác của nó lại liên quan chủ yếu đến lĩnh vực xã hội học, tâm lí học và tâm lí trị liệu (psychoterapia). Người khởi xướng cho nghĩa học tổng quát là Alfred Korzybski, một triết gia và nhà lô gích học người Mỹ gốc Ba Lan. Chính Koszybski vẫn thường nhấn mạnh rằng không nên lẫn lộn nghĩa học tổng quát của ông với nghĩa học ngôn ngữ học. Trong hai tác phẩm của mình (‘Manhood of Humanity’ – Sự trưởng thành của nhân tính, và ‘Science and Sanity’ – Khoa học và sự tỉnh táo), ông đã nêu ra và giải thích những vấn đề chủ yếu của nghĩa học tổng quát, trong đó quan trọng nhất là quan điểm của ông về kiến thức và sự truyền đạt kiến thức. Theo ông, kiến thức của con người cũng như việc chuyển giao kiến thức đó bị giới hạn bởi cấu trúc của hệ thần kinh con người và cấu trúc của ngôn ngữ. Con người không thể tiếp thu thế giới khách quan một cách trực tiếp mà chỉ có thể tiếp nhận nó thông qua những mối liên tưởng trừu tượng, những hình ảnh tiếp nhận được thông qua hệ thần kinh và được truyền tải nhờ ngôn ngữ. Quá trình này bị tác động bởi những cảm nhận phức tạp của con người và sự thiếu chính xác của ngôn ngữ khiến bức tranh của hiện thực bị biến dạng.

Quan điểm của Koszybski sau đó tiếp tục được các học trò của ông tiếp thu và phát triển.

Nghĩa học được hiểu là một bộ môn của ngôn ngữ học (gọi là ‘nghĩa học ngôn ngữ học‘ hoặc ngắn gọn hơn: ‘ngữ nghĩa học‘– semantyka językoznawcza) nghiên cứu về ý nghĩa của các từ nói riêng và các đơn vị ngôn ngữ nói chung (thành ngữ, câu, văn bản). Thuật ngữ ‘ngữ nghĩa học’ theo cách hiểu này đã được nhà ngôn ngữ học Pháp Michel J. A.Bréal đưa ra lần đầu trong tác phẩm Essai de sémantique xuất bản năm 1897. Ngữ nghĩa học nghiên cứu trước hết ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, nhưng cũng nghiên cứu cả mối quan hệ giữa hình thức và nội dung của tín hiệu ngôn ngữ theo nghĩa đồng đại và lịch đại. Ngoài ra, ngữ nghĩa học còn nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nghĩa của từ, tức là giữa nghĩa cơ bản (hoặc nghĩa gốc) của nó với các nghĩa phái sinh hoặc nghĩa cụ thể được sử dụng trong phát ngôn. (Sẽ nói rõ thêm ở phần sau).

(còn nữa)

______________________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa học, Những vấn đề đại cương | Thẻ: , , , , , , , | Leave a Comment »