TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for the ‘Ngôn ngữ học đại cương’ Category

Ngôn ngữ học đại cương và ngôn ngữ học cụ thể

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 16, 2010

Lê Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)
___________________________________________________

Ngôn ngữ loài người là một tập hợp các ngôn ngữ cụ thể vô cùng đa dạng. Theo thống kê thì trên thế giới hiện có khoảng trên dưới 5000 ngôn ngữ còn đang được sử dụng (sinh ngữ). Con số này có thể xê dịch ít nhiều, tùy thuộc vào tiêu chí xác định một ngôn ngữ để đưa vào bảng thống kê. Nhưng dù sao thì số lượng ngôn ngữ trên thế giới nói chung là rất lớn. Mỗi một ngôn ngữ trên thế giới đều có những nét đặc trưng riêng, thể hiện không chỉ ở cách gọi tên sự vật hay hiện tượng trong thực tế khách quan mà còn ở cách khai thác, kết hợp, sắp xếp các âm thành từ, các từ thành câu, v.v… Chẳng hạn, trong tiếng Việt, âm [p] không được sử dụng làm âm đầu của âm tiết (trừ những từ nhập của tiếng nước ngoài, như “pêđan” hay “pin”), trong khi đó thì nhiều ngôn ngữ khác lại sử dụng nó làm phụ âm đầu [ví dụ: papa (bố), pero (cái bút, ngòi bút) trong tiếng Nga; pen (cái bút), pity (lòng thương hại) trong tiếng Anh; pomme (táo), partie (đảng) trong tiếng Pháp]. Về phương diện ngữ pháp, trong tiếng Việt, khi kết hợp các từ thành câu, dạng thức của từ không thay đổi và nghĩa của câu phụ thuộc vào trật tự của các từ, trong khi đó thì ở các ngôn ngữ biến hình, như tiếng Nga chẳng hạn, trật tự của các từ tương đối tự do, bởi vì ý nghĩa của câu nói không phụ thuộc nhiều vào vị trí của các từ mà do hình thức của từ quyết định: hình thức của từ nói rõ chức năng ngữ pháp của chúng trong câu và căn cứ vào đó người ta xác định ý nghĩa của câu. Chẳng hạn, trong câu sau của tiếng Việt: “Mẹ yêu con” thì “mẹ” là chủ thể của hoạt động “yêu”, còn “con” là khách thể (đối tượng) của hoạt động ấy. Nếu ta đảo trật tự của các từ của câu đó thành “Con yêu mẹ” thì ý nghĩa của câu nói sẽ khác hẳn: “con” bây giờ trở thành chủ thể của hoạt động “yêu”, còn “mẹ” lại trở thành khách thể của hoạt động đó. Trong khi đó câu tiếng Nga: “Ja chitaju knigu” (tôi đọc sách) có thể có những cách cấu tạo khác nhau mà ý nghĩa cơ bản của nó không thay đổi. Đó là do trật tự của các từ cấu tạo nên câu tiếng Nga tương đối tự do. Với cùng ý nghĩa ấy, ta có thể nói: “Ja chitaju knigu” hay “Knigu chitaju ja”. Vấn đề là ở chỗ: dù nói theo cách nào thì chủ thể của hoạt động “đọc” vẫn là “tôi”, còn đối tượng của hoạt động bao giờ cũng là “quyển sách”. Đó là vì dạng thức của các từ “ja”, “chitaju” và “knigu” đã nói rõ chức năng ngữ pháp của chúng trong câu (“ja” là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít ở nguyên cách chỉ có thể là chủ ngữ, “chitaju” là động từ ở ngôi thứ nhất số ít thời hiện tại chỉ cú thể phụ thuộc vào “ja”, còn “knigu” là danh từ giống cái số ít ở đối cách phải là đối tượng của hành động).

Tuy nhiên, trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, người ta đều có thể rút ra những cái chung gọi là những phổ niệm ngôn ngữ. Thực vậy, chẳng hạn, chúng ta thấy rằng trong tất cả các ngôn ngữ thế giới đều có các phụ âm và nguyên âm, không có ngôn ngữ nào chỉ sử dụng toàn phụ âm hay toàn nguyên âm, hoặc trong tất cả các ngôn ngữ đều có từ loại (danh từ, động từ, tính từ…), hoặc trong tất cả các ngôn ngữ đều có hiện tượng nhiều nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa,v. v…

Chính vì vậy, ngôn ngữ học có thể lấy làm đối tượng nghiên cứu của mình hoặc là hiện thực ngôn ngữ của một ngôn ngữ cụ thể hoặc là tập hợp các tri thức về các ngôn ngữ khác nhau của loài người. Ngôn ngữ học nghiên cứu về một ngôn ngữ nào đó để xác định hệ thống của chính ngôn ngữ đó, gọi là ngôn ngữ học cụ thể. Trái lại, ngôn ngữ học nghiên cứu tập hợp các tri thức về ngôn ngữ loài người nói chung, nhằm xác định các phổ niệm ngôn ngữ và trên cơ sở đó xây dựng lý thuyết nghiên cứu ngôn ngữ, gọi là ngôn ngữ học đại cương.

Với tư cách là ngành khoa học về ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ học đại cương khai thác các kết quả nghiên cứu của ngôn ngữ học cụ thể, qua một khâu trung gian là khâu so sánh các ngôn ngữ với nhau. Việc so sánh các ngôn ngữ do ngôn ngữ học so sánh đảm nhiệm. Qua các công trình nghiên cứu so sánh các ngôn ngữ cụ thể với nhau, ngôn ngữ học đại cương sẽ rút ra những phổ niệm ngôn ngữ và có thể đề ra lý thuyết nghiên cứu ngôn ngữ, phục vụ cho việc nghiên cứu các ngôn ngữ cụ thể một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, ngôn ngữ học đại cương còn có nhiệm vụ giải đáp một số vấn đề gọi là triết học ngôn ngữ, chẳng hạn như vấn đề bản chất của ngôn ngữ là gì, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và các hệ thống tín hiệu khác như thế nào, quan hệ giữa ngôn ngữ và các hiện tượng xã hội, quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy ra sao, .v.v…

_____________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đại cương, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »