TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for Tháng Mười Hai, 2010

Ảnh hưởng của các ngôn ngữ Ấn-Âu đối với từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 19, 2010

1. Lịch sử vay mượn từ ngữ Ấn-Âu

Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp vào nửa cuối thể kỉ XIX và thời kì cai trị của thực dân Pháp kéo dài trên 80 năm. Trong thời kì đó, tiếng Pháp đã được đưa vào giảng dạy và sử dụng trong các trường học và là ngôn ngữ chính thức của nhà nước thuộc địa. Do vậy, các từ ngữ tiếng Pháp đã xâm nhập vào tiếng Việt khá nhiều, và thông qua tiếng Pháp, một số từ ngữ của những ngôn ngữ Ấn-Âu khác như tiếng Anh hay tiếng Nga cũng đi vào tiếng Việt.

Tuy nhiên, sự tiếp xúc của tiếng Việt với các ngôn ngữ Ấn-Âu diễn ra muộn hơn nhiều so với tiếng Hán và một số ngôn ngữ châu Á khác. Lúc này, tiếng Việt đã tiếp nhận một cách có hệ thống những từ ngữ tiếng Hán cần thiết để bổ sung cho vốn từ vựng của mình, do đó các từ ngữ Ấn-Âu chỉ được tiếp nhận một cách lẻ tẻ và thường tập trung vào các lĩnh vực khoa học-kĩ thuật.

Thời kì đầu, tiếng Việt thường không tiếp nhận các từ ngữ Ấn-Âu một cách trực tiếp mà tiếp nhận gián tiếp qua tiếng Hán, do đó các âm Ấn-Âu đều có dáng dấp của âm Hán-Việt, ví dụ: câu lạc bộ; Nã Phá Luân; Ba Lê; Anh Cát Lợi, Ba Lan

Về sau, cách tiếp nhận này đã được thay thế bằng cách tiếp nhận trực tiếp hoặc thông qua tiếng Pháp. Thời gian gần đây, xu hướng tiếp nhận trực tiếp không qua tiếng Pháp ngày càng trở nên phổ biến. Ví dụ: makéttinh (t. Anh: marketing); cátxê (t. Anh: cash); (t. Anh: show), Vácsava

Ngoài việc tiếp nhận hình thức và ý nghĩa của các từ ngữ Ấn-Âu, tiếng Việt còn mô phỏng cấu trúc của một số từ ngữ Ấn-Âu, khiến cho trong tiếng Việt có những từ ngữ và cách nói có cấu trúc nghĩa giống như trong các tiếng Ấn-Âu. Ví dụ: chiến tranh lạnh; giết thời gian (t.Pháp); vũ trang tận răng, đĩa cứng, đĩa mềm (t. Anh); vườn trẻ, nhà văn hóa (t.Nga).

2. Các lớp từ ngữ Ấn-Âu trong tiếng Việt

– Tiếng Việt vay mượn từ ngữ Ấn-Âu trước hết là để bổ sung những từ ngữ còn thiếu mà chủ yếu là những từ ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học-kĩ thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các từ ngữ Ấn-Âu được mượn vào tiếng Việt còn nhằm mục đích bổ sung một lớp từ có nghĩa chính xác hơn từ thuần Việt hoặc Hán-Việt (ví dụ: xúp lơ, mù tạt), nhất là trong lĩnh vực thuật ngữ. Trong một số trường hợp đặc biệt, nguyên nhân vay mượn từ ngữ Ấn-Âu vào tiếng Việt chỉ là ý thích mang tính thời thượng (ví dụ: nhạc dance, cátxê).

– Tuy đều là từ ngữ gốc Ấn-Âu nhưng giữa các từ ngữ này có sự khác biệt về mức độ Việt hóa. Nhìn chung, có thể phân biệt những lớp từ ngữ Ấn-Âu sau đây:

+ Từ được Việt hóa cao độ. Đó là những từ ngữ Ấn-Âu mà xét về hình thức và cách thức hoạt động không khác gì với một từ thuần Việt. Nói chung, đây thường là những từ ngữ thông dụng, mức độ Việt hóa phải đủ cao để người Việt có thể sử dụng giống như những từ của tiếng Việt. Có thể nêu ra đây một vài cách Việt hóa từ ngữ Ấn-Âu như sau:

* Thêm thanh điệu cho các âm tiết, ví dụ: cà phê, vét tông, cà rốt.
* Bỏ bớt phụ âm trong các nhóm phụ âm, ví dụ: phanh (frein), gam (gramme), kem (crème), van (valse).
* Thay đổi một số âm cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, ví dụ: bốc (box), ba tê (paté), búp bê (poupée), pê đan (pédall).
* Rút gọn từ, ví dụ: xăng (essence) ; lốp (enveloppe); săm (chambre à air)

+ Từ chỉ được Việt hóa một phần. Thường thì đây là những từ ngữ khoa học – kĩ thuật thông dụng. Xét trên chữ viết, những từ ngữ này thường được viết các âm tiết liền nhau hoặc giữa các âm tiết có dấu gạch nối, Ví dụ: xêmina (xê-mi-na), côngtơ (công-tơ), ampe (am-pe), đôping (đô-ping), tuốcbin (tuốc-bin), complê (com-plê), phécmơtuya (phéc-mơ-tuya),

+ Những từ không được Việt hóa hoặc chỉ được Việt hóa rất ít. Đây thường là những thuật ngữ khoa học-kĩ thuật, cần phải giữ được tính chính xác và tính quốc tế, đồng thời cũng là những từ có phạm vi sử dụng hẹp. Ví dụ: electron, miliampe, microphon, automat.

Đương nhiên, trong những trường hợp cần thiết, người ta còn phải chuyển tự các từ vay mượn của các ngôn ngữ Ấn-Âu, ví dụ: dicdac (zigzag), xêmina (seminar).
___________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt, Từ vựng học, Từ vựng ngoại lai | Thẻ: , , , , , , | 2 Comments »

Danh từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 18, 2010

2. Danh từ chung

2.1. Xét về ý nghĩa, danh từ chung tiếng Việt có thể được phân thành những nhóm sau đây:

Danh từ chỉ sự vật: Là những danh từ chỉ người, động vật, vật, hiện tượng, khái niệm, ví dụ: sinh viên, mèo, bánh, giảng đường, mưa, xã hội, văn hóa.
Loại danh từ này có thể được chia thành nhiều nhóm nhỏ, ví dụ: danh tử chỉ vật thể, danh từ chỉ chất thể, danh từ trừu tượng, danh từ chỉ sự vật tưởng tượng, v.v.

– Danh từ chỉ vị trí: Là những danh từ biểu thị địa điểm và hướng trong không gian. Ví dụ: phía, phương, bên, miền, vùng, trên, dưới, nam, bắc, đông, tây. Trong tiếng Việt, những từ này thường được kết hợp với nhau để biểu thị rõ vị trí, địa điểm hay phương hướng. Ví dụ: phía nam, phương tây, bên trên.

– Danh từ chỉ đơn vị: Là những từ biểu thị đơn vị đo lường. Đó có thể là từ chỉ đơn vị đo lường chính xác hoặc áng chừng.

+ Danh từ chỉ đơn vị đo lường chính xác là những đơn vị do các nhà khoa học quy ước đặt ra. Những đơn vị này mang tính quốc tế. Ví dụ: hécta, mét, lít, kilôgam, vôn.
+ Danh từ chỉ đơn vị đo lường áng chừng là những danh từ chỉ đơn vị đo lường của dân gian, do nhân dân quy ước đặt ra. Ví dụ: nắm, miếng, nải, chùm, bơ, thúng, thìa, bước, sải, gang, mớ, bó.

-Danh từ chỉ loại thể (còn gọi là loại từ): Là những danh từ dùng để chỉ đơn vị rời khi được kết hợp với các danh từ có ý nghĩa tổng loại. Ví dụ: cái, con, quả, củ, tấm, bức, sợi, quyển, cơn, trận, viên, hòn, bộ, vị, ngài, cây, người, đàn, làn. Những từ này được sử dụng cùng với các danh từ có ý nghĩa tổng loại để thể hiện tính chất cụ thể của danh từ đó. Ví dụ: So sánh: Việt Nam có nhiều bão/ Trận bão này có thể đổ bộ vào miền Trung.

2.2. Xét về cấu tạo, danh từ tiếng Việt có thể được phân thành những nhóm sau đây:

– Danh từ đơn

Đây là những danh từ được cấu tạo bằng một hình vị cấu tạo từ duy nhất. Tuy nhiên, hình vị cấu tạo từ trong tiếng Việt có thể trùng với một hay nhiều âm tiết, do đó danh từ đơn có thể là từ đơn tiết hoặc đa tiết. Ví dụ:

+ Từ đơn tiết: nhà, sân, vườn, cá, cơm, hành, tỏi.
+ Từ đơn đa tiết: châu chấu, cao su, sầu riêng, chôm chôm.

Danh từ ghép

Đó là những danh từ được cấu tạo bằng hai hay nhiều hình vị cấu tạo từ. Các hình vị cấu tạo nên danh từ ghép được kết hợp với nhau theo một số loại quan hệ, do đó có thể căn cứ vào tính chất của quan hệ giữa các hình vị để phân biệt các loại danh từ ghép. Ví dụ:

+ danh từ ghép đẳng lập: trâu bò, nhà cửa, ruộng vườn, đường sá, chó má.

+ danh từ ghép chính phụ: xe lửa, dưa chuột, máy bay, tàu thủy.

+ danh từ ghép láy: (con) loăng quăng, (cái) bình bịch, bong bóng, thung lũng, đom đóm.

2.3. Danh từ tổng hợp và danh từ không tổng hợp

Danh từ tiếng Việt còn có thể phân thành những nhóm căn cứ vào ý nghĩa cấu trúc của từ. Xét về mặt ngữ pháp, việc phân loại này hết sức quan trọng, vì nó giúp ta hiểu đúng và sử dụng đúng các danh từ trong tiếng Việt.

– Danh từ có nghĩa tổng hợp (hay danh từ tổng hợp)là loại danh từ biểu thị khái niệm khái quát về những sự vật, hiện tượng cùng loại hoặc có quan hệ với nhau. Đây là những danh từ ghép đẳng lập đã nói ở trên. Có ba cách để tạo ra danh từ loại này:

+ Ghép hai danh từ có nghĩa khác nhau để tạo ra một danh từ có ý nghĩa tổng hợp hay khái quát, ví dụ: xăng dầu, tàu xe, điện nước, quần áo, bàn ghế.
+ Ghép hai danh từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau để tạo ra danh từ có ý nghĩa tổng hợp hay khái quát, ví dụ: binh lính, phố phường, sông suối, núi non, ruộng đồng.
+ Ghép một danh từ rõ nghĩa với một danh từ mờ nghĩa hoặc không có nghĩa đế tạo ra danh từ có nghĩa tổng hợp hay khái quát, ví dụ: chim chóc, chợ búa, đường sá, xe cộ, báo chí.

Cần ghi nhớ rằng, loại danh từ này không có khả năng kết hợp với các từ chỉ đơn vị rời (danh từ loại thể). Ví dụ: Không thể nói: con trâu bò; anh bạn bè; cái xe cộ.

– Danh từ khôngcó nghĩa tổng hợp (hay danh từ không tổng hợp) là những từ biểu thị toàn bộ tập hợp các sự vật, hiện tượng cùng loại (có ý nghĩa tổng loại). Đó có thể là những từ đơn hoặc là từ ghép chính phụ đã nói bên trên.
Các danh từ ghép loại này được tạo ra bằng cách:

+ kết hợp danh từ với danh từ (thường có một danh từ mờ nghĩa), ví dụ: xe lửa (tàu hỏa), nhà máy, nhà chính trị, nhà kinh tế, ca sĩ, nhạc sĩ.
+ kết hợp danh từ với động từ, ví dụ: máy bay, máy hút bụi, máy chém, học viên, giáo viên, cứu hỏa, đánh ghen.

Những danh từ này thường được kết hợp với các danh từ chỉ đơn vị rời để biểu thị tính chất đơn lẻ. Ví dụ: cá → con cá; giáo sư → ông giáo sư; dưa chuột → quả dưa chuột; máy bay → cái máy bay.

2.4. Danh động từ/danh tính từ

Đây là những danh từ dùng để chỉ khái niệm trừu tượng có nguồn gốc động từ hoặc tính từ. Điểm đặc biệt của loại danh từ này là tính chất lỏng lẻo của quan hệ giữa các bộ phận cấu tạo từ. Loại danh từ này được tạo ra bằng cách kết hợp các hình vị có ý nghĩa ngữ pháp với động từ hoặc tính từ để chuyển từ loại của từ. Ví dụ:
cuộc vui, cuộc sống, cuộc đấu tranh, sự giải phóng, sự trong trắng, niềm vui, niềm tin, nỗi nhớ, nỗi buồn, cái đẹp, cái ăn, lòng nhân đạo, lòng yêu nước, tính sáng tạo, tính cần cù.

_______________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , , , | 4 Comments »

Ảnh hưởng của một số ngôn ngữ châu Á khác đối với từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 11, 2010

Lê Đình Tư

Ngoài những ảnh hưởng của tiếng Hán, tiếng Việt còn chịu ảnh hưởng của một số ngôn ngữ châu Á khác, đặc biệt là các ngôn ngữ Khơme (Khmer), ngôn ngữ Tày-Thái, ngôn ngữ Ấn Độ (tiếng Phạn, tiếng Pali).

1. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Khơme

Có ảnh hưởng lớn nhất trong số các ngôn ngữ kể trên là tiếng Khơme. Do sự tiếp xúc khá thường xuyên với tiếng Khơme, một số lượng khá lớn từ tiếng Khơme đã đi vào tiếng Việt và giữ vai trò quan trọng trong lớp từ cơ bản của tiếng Việt. Tuy nhiên, sự vay mượn các từ ngữ gốc Môn-khơme đã diễn ra ngay từ thời kì xa xưa cho nên có nhiều từ cho đến nay rất khó xác định rõ nguồn gốc. Vì vậy, nói đến những từ ngữ gốc Môn-Khơme, người ta thường chú ý tới những từ ngữ được vay mượn trong thời gian gần đây hơn. Có thể nói, trong thời gian gần đây (từ khoảng thế kỉ XIX), giữa tiếng Khơme và tiếng Việt đã có những mối quan hệ trực tiếp mà chủ yếu là qua phương ngữ Nam Bộ. Các mối quan hệ này đã để lại một số từ chỉ các loại cây cỏ đặc trưng cho vùng Nam Bộ như: xoài, thốt nốt, sầu riêng, hay từ biểu thị hoạt động, cách thức hoạt động của người và động vật như: nhậu (= ăn và uống), tùm lum (= lung tung), xài (ăn, dùng), cà lăm, cà nhắc, ba lăng nhăng.
Nói chung, các từ ngữ gốc Khơme được Việt hóa cao độ trong tiếng Việt nên nhiều người Việt vẫn coi đây là những từ thuần Việt.

2. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Tày-Thái

Ngoài tiếng Khơme, các tiếng Tày-Thái cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến tiếng Việt. Nhưng những ảnh hưởng của tiếng Tày-Thái đối với tiếng Việt thường liên quan đến giai đoạn phát triển sớm hơn của tiếng Việt, tức là giai đoạn Việt-Mường. Trong giai đoạn sớm đó, giữa các ngôn ngữ trong vùng đã có sự tiếp xúc thường xuyên và chúng đã ảnh hưởng lẫn nhau theo nhiều chiều, khá phức tạp. Chính vì vậy, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định một cách chắc chắn những ảnh hưởng cụ thể của tiếng Tày-Thái đối với tiếng Việt hoặc ngược lại. Có nhiều khả năng tiếng Việt đã ảnh hưởng đến các ngôn ngữ Tày- Thái về mặt từ vựng chuyên môn (chính trị, khoa học, kỹ thuật), còn các tiếng Tày-Thái thì ảnh hưởng tới tiếng Việt về từ vựng sản xuất nông nghiệp. Có một điều chắc chắn là trong tiếng Việt hiện đại có nhiều từ mà hình thức ngữ âm và ý nghĩa giống hoặc gần giống với các từ tương đương trong các tiếng Tày-Thái. Ví dụ, so sánh:

Tiếng Việt: bún, hái, chóc (chim), dứa, ớt, quế.

Tiếng Tày-Thái: pún, hải, chộc, dửa, ớt, quẻ.

Hơn nữa, trong tiếng Việt ngày nay có một số từ ghép được tạo ra bằng cách kết hợp một từ thuần Việt và một từ gốc Tày-Thái. Ví dụ: chó má (má = chó, gốc Tày-Thái), mặt nạ (nạ=mặt, gốc Tày-Thái), súng ống (ống=súng, gốc Tày-Thái), chim chóc (chóc=chim, gốc Tày Thái).

Chính vì vậy, biết được nguồn gốc Tày-Thái (và cả nguồn gốc Môn-Khơme) của một số từ tiếng Việt, ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của các từ ghép trong tiếng Việt.

3. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Ấn Độ

Ấn Độ ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam về mặt văn hóa, tôn giáo. Việc tiếp thu các tôn giáo và các phép tu luyện Ấn Độ (như Yoga) đã khiến cho một số lượng lớn từ ngữ Ấn Độ được du nhập vào tiếng Việt. Tuy nhiên, do các sách kinh được truyền vào Việt Nam qua tiếng Hán nên nhiều từ ngữ Ấn Độ đã được phiên âm qua tiếng Hán và vì thế không còn giữ được cấu trúc âm thanh tiếng Phạn hay Pali. Ví dụ: Phật/Bụt (buddha), Tiểu thừa (hīnayāna), /Đại thừa (mahāyāna), Niết bàn (nirvāṇa), luân hồi (saṃsāra), Bồ Tát (bodhisattva). Riêng ở miền Trung Việt Nam, người Chăm đã tiếp thu đạo Bà la môn của Ấn Độ không qua tiếng Hán nên các từ ngữ vay mượn của Ấn Độ (tiếng Phạn, tiếng Pali hoặc tiếng Hinđu) vẫn giữ được âm gốc. Ví dụ: Shiva, Linga.

4. Ảnh hưởng của tiếng Nhật

Tiếng Nhật, nói chung, không có ảnh hưởng nhiều đến tiếng Việt ở giai đoạn phát triển sớm. Mãi đến thế kỉ XIX, tiếng Nhật mới có một ít ảnh hưởng đối với tiếng Việt, nhưng đó không phải là ảnh hưởng trực tiếp mà là ảnh hưởng gián tiếp thông qua tiếng Hán. Vào thời gian này, người Nhật đã tiếp xúc với châu Âu và làm quen với những khái niệm mới như: dân chủ, cộng hòa, kinh tế chính trị, xã hội…Họ đã dùng chữ Hán để dịch các khái niệm này. Về sau người Hán đọc các từ này theo âm Hán rồi người Việt lại mượn vào tiếng Việt và đọc theo âm Hán-Việt. Đây là lí do vì sao có những từ mượn của tiếng Hán nhưng người Việt không hiểu được cách cấu tạo, ví dụ: trường hợp, xã hội, kinh tế. Gần đây, một số từ ngữ tiếng Nhật đã được mượn thẳng vào tiếng Việt, ví dụ: kimônô, giuđô, karate, karaôkê.

_____________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

Danh từ tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 11, 2010

Lê Đình Tư

1. Danh từ riêng

1.1. Khái niệm Danh từ riêng

– Danh từ riêng trong tiếng Việt là từ chỉ tên người, tên đất, tên cơ quan, tổ chức, tôn giáo, phong trào, tên gọi các thời đại, tên các loại sách báo và tên gọi những ngày lễ, tết trong năm.

– Danh từ riêng có thể là từ thuần Việt, như: Bông, Cám, Tèo, Bột…, nhưng cũng có thể là tên Hán-Việt, như: Nguyệt, Trường, Dũng, Đông Kinh, Kinh Bắc…, hoặc là tên phiên âm từ các thứ tiếng Ấn-Âu, như: Hêlêna, Giôn, Ađam, Pari, Béclin.

– Trước đây, các danh từ riêng Ấn-Âu thường được phiên âm qua tiếng Hán nhưng ngày nay, tiếng Việt áp dụng cách phiên âm trực tiếp từ nguyên ngữ hoặc từ một ngôn ngữ Ấn-Âu khác được sử dụng rộng rãi trên thế giới (ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp).

1.2 Cách viết danh từ riêng

– Cách viết tên người:
+ Tên người Việt Nam, Trung Quốc (đọc theo âm Hán-Việt) hoặc tên người nước khác được phiên âm qua tiếng Hán: Viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết và không dùng dấu nối, Ví dụ: Trần Văn Tạo; Đinh Tiên Hoàng; Lý Bạch; Lỗ Tấn; Thành Cát Tư Hãn.
+ Tên người nước ngoài được phiên âm trực tiếp hoặc thông qua một ngôn ngữ Ấn-Âu khác:
Hiện vẫn được viết theo hai cách:
1) Viết hoa chữ cái đầu của tên gọi, các âm tiết viết liền nhau và không có gạch nối, ví dụ: Frăngxoa; Ivan; Napôlêông, Ađam;
2) Viết hoa chữ cái đầu của tên gọi, các âm tiết viết cách nhau và giữa các âm tiết có gạch nối, ví dụ: Na-pô-lê-ông, Frăng-xoa, Oa-sinh-tơn, Huy-gô.

Tuy nhiên, để có thể đạt được sự thống nhất trong việc dạy viết trong các trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định tạm thời về việc viết tên riêng trong sách giáo khoa, theo đó cách viết thứ hai được chọn sử dụng (tạm thời) làm cách viết chuẩn.

– Cách viết tên địa lí:
+ Tên địa lí Việt Nam, Trung Quốc (đọc theo âm Hán-Việt) và tên địa lí của các nước khác phiên âm qua tiếng Hán: Viết hoa các chữ đầu của âm tiết và không dùng dấu nối. ví dụ: Sầm Sơn, Hạ Long, Bắc Kinh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Phần Lan.
+ Tên địa lí đọc theo âm Việt hoặc âm Hán-Việt có kèm theo từ chỉ phương hướng hay vị trí đã trở thành một bộ phận của tên gọi: Viết hoa tất cả các chữ cái đầu âm tiết, ví dụ: Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Triều Tiên, Đông Âu.
+ Tên các nước hoặc các vùng lãnh thổ và tên địa lí của các nước khác được phiên âm trực tiếp hoặc phiên âm qua một thứ tiếng Ấn-Âu khác:
Hiện vẫn tồn tại hai cách viết:
1) Viết hoa chữ cái đầu và viết liền các âm tiết, giữa các âm tiết không có dấu gạch nối, ví dụ: Chilê, Braxin, Oasinhtơn, Mátxcơva, Tôkyô (Tokyo), và
2) Viết hoa chữ cái đầu và viết cách các âm tiết, giữa các âm tiết có dùng dấu gạch nối, ví dụ: Béc-lin, Pa-ri, Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô.

Cách viết thứ hai phù hợp với quy định tạm thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Cách viết quốc hiệu, tên cơ quan, tổ chức, phong trào:
Hiện vẫn tồn tại hai cách viết:
+ Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu. Nếu trong quốc hiệu hoặc tên tổ chức hay cơ quan bao gồm tên riêng khác thì viết hoa tên riêng đó theo nguyên tắc đã nêu trên. Ví dụ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Việt Nam; Quốc hội Hoa Kỳ; Đại học bách khoa.
+ Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các từ tạo nên tên gọi, ví dụ: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Bộ Giao thông Vận tải.

Cách viết thứ hai phù hợp với quy định tạm thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Cách viết tên các sách báo:
Viết hoa chữ đầu của âm tiết thứ nhất, nếu có tên riêng thì viết hoa theo những nguyên tắc nêu trên, ví dụ: Việt sử học, báo Nhân dân, tạp chí Khảo cổ học, Hồ Chí Minh toàn tập.

– Cách viết tên các ngày lễ, tết trong năm:
Hiện vẫn được viết theo nguyên tắc sau: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất, ví dụ: tết Nguyên đán, tết Trung thu, tiết Đại hàn, tiết Lập xuân. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có nhiều người viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

[Xem thêm: QUY TẮC VIẾT TÊN RIÊNG TIẾNG VIỆT
của BỘ Giáo dục và Đào tạo]

_________________________________________________

Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , | 1 Comment »

Ảnh hưởng của tiếng Hán đối với sự phát triển của từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 5, 2010

Lê Đình Tư

1. Từ tiếng Hán và từ Hán-Việt

Quá trình tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán đã để lại trong tiếng Việt một tỉ lệ lớn các từ vay mượn của tiếng Hán, gọi là từ gốc Hán hay từ Hán-Việt. Theo các nhà nghiên cứu thì khoảng hơn 60% số từ của tiếng Việt là từ vay mượn của tiếng Hán. Tuy nhiên, các từ tiếng Hán khi đi vào tiếng Việt đã được Việt hóa về cách đọc cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt. Đó gọi là cách đọc Hán-Việt. Cách đọc này đã được hoàn thiện từ khoảng thế kỉ X- XI và được sử dụng ổn định cho đến nay. Điều đó có nghĩa là các từ vay mượn của tiếng Hán được người Việt đọc theo âm cổ – âm tiếng Hán đời Đường – có sự Việt hóa ít nhiều cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Trong khi đó tại Trung Quốc, trải qua các thời kì khác nhau, cách phát âm của các từ đã thay đổi nhiều. Điều này giải thích tại sao từ tiếng Trung hiện đạitừ Hán-Việt có cách đọc không giống nhau. Ví dụ: từ dìfēng của tiếng Trung được người Việt đọc là địa phương. Mặt khác, các từ gốc Hán trong tiếng Việt cũng có sự khác biệt về nghĩa và cách sử dụng so với từ tương đương trong tiếng Trung hiện nay. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ ngoại ô được dùng để biểu thị ý nghĩa ‘lãnh vực bên ngoài thành phố’ nhưng tiếng Trung lại dùng thị giao, thành giao để biểu thị ý nghĩa này. Không những thế, tiếng Việt còn dùng các yếu tố gốc Hán để tạo ra từ mới chỉ dùng trong tiếng Việt, ví dụ: tiểu đoàn, đại đội, hoặc kết hợp một yếu tố gốc Hán với một yếu tố thuần Việt để tạo ra từ mới, ví dụ: binh lính, tàu hỏa, đói khổ. Ngoài ra, trong tiếng Việt còn có một số từ gốc Hán nhưng không đọc theo âm Hán-Việt, ví dụ: rồng – long; sức – lực, xin – thỉnh, hoặc các từ gốc Hán mượn qua khẩu ngữ, ví dụ: mì chính, xì dầu…

2. Mục đích vay mượn từ tiếng Hán

Nhìn chung, tiếng Việt vay mượn các từ ngữ tiếng Hán để phục vụ cho hai mục
đích
:

1) Bổ sung những từ còn thiếu

Tiếng Việt thời kì đầu còn thiếu rất nhiều từ, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, văn học – nghệ thuật, luật pháp, chính trị, kinh tế, quốc phòng, giáo dục. Để bổ sung những từ còn thiếu, người Việt một mặt đã tạo ra một số từ mới trên cơ sở các nguyên tắc cấu tạo từ tiếng Việt, song mặt khác cũng đã vay mượn một số lượng lớn từ ngữ tiếng Hán. Việc vay mượn các từ ngữ tiếng Hán đã diễn ra trong một thời gian rất dài, ngay từ khi tiếng Việt còn chưa trở thành ngôn ngữ độc lập. Tuy nhiên, những từ ngữ vay mượn từ xa xưa của tiếng Hán đã bị thay đổi nhiều trong tiếng Việt và chúng hoạt động giống như từ thuần Việt nên nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là từ thuần Việt, ví dụ: buồng (phòng), buồn, mây, chè… Vì vậy, khi nói đến từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt, thường người ta nghĩ đến những từ được vay mượn trong thời kì tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ độc lập và được đọc theo một nguyên tắc chung giống nhau: đọc theo âm Hán-Việt. Ví dụ:

– Các từ trong lĩnh vực văn hóa: lễ nghi, lễ hội, tôn giáo, giáo phái, văn minh.
– Các từ trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật: tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc, trữ tình.
– Các từ trong lĩnh vực luật pháp: hiến pháp, luật sư, tòa án, quy định, hình sự.
– Các từ trong lĩnh vực chính trị: chính phủ, độc lập, phụ thuộc, dân chủ, liên minh.
– Các từ trong lĩnh vực kinh tế: công nghiệp, tư bản, tỷ giá, chứng khoán.

Có thể thấy rằng, đây chủ yếu là những thuật ngữ khoa học-chuyên môn.

2) Tạo ra một lớp từ có sắc thái nghĩa khác với từ đã có trong tiếng Việt

Do được sử dụng nhiều nên từ ngữ tiếng Việt thường có đặc điểm của từ ngữ giao tiếp hàng ngày. Điều đó làm cho chúng không thể dùng để biểu thị các sắc thái nghĩa trang trọng hay khái quát. Để khắc phục tình trạng này, tiếng Việt vay mượn một số từ ngữ tiếng Hán có nghĩa cơ bản giống với từ tiếng Việt nhưng được bổ sung thêm một sắc thái nghĩa khác. Điều này làm xuất hiện những cặp từ đồng nghĩa, trong đó từ thuần Việt và từ Hán-Việt chỉ có sắc thái nghĩa khác nhau. Ví dụ:

– Từ thuần Việt gây cảm giác thô tục, ghê sợ hoặc đau đớn còn từ Hán-Việt tạo cảm giác lịch sự, trung hòa. Ví dụ:

Từ thuần Việt: chảy máu, chết, nôn

Từ Hán-Việt: xuất huyết, từ trần, thổ

– Từ Hán-Việt tạo ra cảm giác trang trọng hơn từ thuần Việt. Ví du:

Từ thuần Việt: cưới nhau, đàn bà, người già

Từ Hán-Việt: hôn nhân, phụ nữ, phụ lão
___________________________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »