TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for the ‘Ngôn ngữ học đối chiếu’ Category

Các cấp độ đối chiếu ngữ nghĩa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 17, 2012

(lược trích và bổ sung bài: Lê Đình Tư. Những vấn đề ngữ nghĩa học âm vị. Tạp chí khoa học ngoại ngữ 3, 2005)

Như trên đã nói, ngôn ngữ học phân biệt hai bình diện của ngôn ngữ: bình diện biểu hiện và bình diện nôi dung hay bình diện ngữ nghĩa. Nói về bình diện biểu hiện của ngôn ngữ là nói về cấu trúc hình thức của các đơn vị ngôn ngữ, còn nói về bình diện nội dung là nói về ý nghĩa của các đơn vị đó. Với quan niệm đó, người ta cũng đã vạch ra một đường ranh giới cho các lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ: Mô tả mặt biểu hiện của ngôn ngữ, chúng ta đi từ cấp độ âm vị, còn khi mô tả mặt nội dung của nó thì bắt đầu từ cấp độ hình vị. Âm vị được coi là những đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để cấu tạo nên mặt ngữ âm của ngôn ngữ và không có nghĩa, còn hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ. Kết quả là, khi đề cập đến bình diện ngữ nghĩa của ngôn ngữ, cấp độ âm vị thường bị bỏ qua. Nói cách khác, ngữ nghĩa học thường được coi là lĩnh vực ngôn ngữ học nghiên cứu những cấp độ ngôn ngữ lớn hơn âm vị. Trong thực tế, khi đối chiếu những vấn đề ngữ nghĩa giữa các ngôn ngữ, người ta cũng thường tập trung chủ yếu vào cấp độ từ vựng, bởi vì các đơn vị từ vựng như từ, thành ngữ được coi là những đơn vị có nghĩa hoàn chỉnh và có thể xác định được những đơn vị tương đương trong ngôn ngữ khác để đối chiếu.

Tuy nhiên, từ lâu người ta đã để ý đến các hiện tượng tượng thanh hay tượng hình, tức là những trường hợp mà âm thanh của ngôn ngữ có quan hệ khá chặt chẽ với những gì chúng biểu đạt trong thực tế khách quan. Chẳng hạn, H. Schreuder (1970) đã  nhận ra rằng, tổ hợp âm ‘ash’ trong tiếng Anh rất hay được dùng để biểu đạt những động tác nhanh hoặc đột ngột, ví dụ: flash (lóe sáng), dash (lao tới, ném mạnh), crash  (đâm sầm xuống), hay tổ hợp âm vị /bl/ (cũng trong tiếng Anh) thường xuất hiện trong các từ biểu thị sự khó chịu, ghê tởm hay chán ngấy, ví du: bland smile (nụ cười nhạt nhẽo), blare (làm om sòm), blast (nguyền rủa)… Thậm chí, tác giả còn thấy rằng, trong một số trường hợp, mối quan hệ giữa âm thanh ngôn ngữ (không chỉ là từ tượng thanh) và ý nghĩa chặt chẽ tới mức chúng có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi ý nghĩa của từ trong quá khứ, khiến hiện nay một số tổ hợp âm trong tiếng Anh biểu thị những ý nghĩa tiêu cực thay vì ý nghĩa trung hòa như trước đây. Chẳng hạn, âm vị /u/ khi kết hợp với một số âm vị khác (ví dụ như với /l/, /ʃ/ hay /p/) thường biểu đạt những sự vật, sự việc được đánh giá tiêu cực, ví dụ: allure (cám dỗ, quyến rũ), shrew (người dàn bà đanh đá, độc ác), putrid (thối tha, đồi bại). Những hiên tượng tương tự trong tiếng Pháp cũng đã được P. Guiraud (1971) đề cập đến trong tác phẩm “La semantique”. Trên địa bàn tiếng Việt, Nguyễn Hữu Quỳnh (1994) cũng đã nêu nhận xét rằng, một số vần và nguyên âm “có khả năng biểu thị một nét nghĩa nào đó về trạng thái, họat động, tính chất.”.  Ví dụ: vần ‘it’ trong tiếng Việt biểu thị một nét nghĩa chung là ‘làm kín, làm chặt thêm’ của các từ ‘bịt’,’khít’,‘thít’…, trong khi vần ‘óp’ mang nét nghĩa ‘giảm thể tích, thu nhỏ khối lượng’ như trong các từ ‘bóp’, hay‘tọp’. Nghiêm túc hơn, các nhà phong cách học cũng đã bàn khá nhiều về giá trị tu từ học của các yếu tố ngữ âm trong các ngôn ngữ. Xa hơn nữa, W. Humboldt cũng đã nhìn nhận ý nghĩa biểu trưng của các đơn vị ngữ âm trong các ngôn ngữ.

Nhìn một cách tổng thể, các nhà ngôn ngữ học này, ở những mức độ và góc độ khác nhau, đều thừa nhận tính có lí do nhất định của âm thanh ngôn ngữ. Họ cho rằng không phải lúc nào mối quan hệ giữa mặt âm và mặt nghĩa trong ngôn ngữ cũng đều mang tính võ đoán, rằng các ngôn ngữ có những lí do và cách thức khác nhau để lựa chọn các phương tiện ngữ âm nhằm biểu đạt những sự vật, hiện tượng, đặc trưng, hay tính chất trong thực tế khách quan. Sự lựa chọn này có liên quan đến bản thân các âm thanh ngôn ngữ và các mối quan hệ đối lập giữa chúng với nhau. Nói cách khác, trong một số trường hợp, người ta thừa nhận có sự hài hòa nhất định giữa mặt âm thanh và mặt nghĩa của các tín hiệu ngôn ngữ.

Như vậy, âm vị có thể được sử dụng theo hai mục đích khác nhau: 1/tạo ra các từ, và 2/ tạo nghĩa mới cho các từ. Trong mục đích thứ nhất, các âm vị tạo ra các từ khác nhau nhờ những thế đối lập về các nét khu biệt của chúng, còn trong mục đích thứ hai, từ được bổ sung một ý nghĩa mới nào đấy nhờ việc khai thác các giá trị ngữ nghĩa mà các âm vị có thể mang lại. Sự tồn tại các giá trị ngữ nghĩa của âm vị khiến cho sự phân biệt hai bình diện của ngôn ngữ, tức bình diện biểu hiện và bình diện ngữ nghĩa theo cách xưa nay, trở nên không rõ ràng hoặc/và không triệt để. Ngữ nghĩa học truyền thống không quan tâm đến hoặc không thừa nhận những giá trị ngữ nghĩa của những đơn vị ngôn ngữ nhỏ hơn hình vị. Đó là cái phần dư ngữ nghĩa trong ngôn ngữ mà ngôn ngữ học chưa có cách giải quyết dứt khoát. Thông thường,  khi nhận thấy một hiện tượng ngôn ngữ nào đấy mang giá trị ngữ nghĩa, người ta cứ nghĩ trước hết đến sự hiện diện của hình vị hay từ.

Sự thừa nhận giá trị ngữ nghĩa của các âm vị, hoặc phức thể âm vị, tạo tiền đề cho việc hình thành một bộ môn nghiên cứu mới: Ngữ nghĩa học âm vị (semantyka fonemów lub fonosemantyka), bộ môn nghiên cứu giá trị ngữ nghĩa của cấp độ âm vị.

Ngữ nghĩa học âm vị có vẻ liên quan nhiều hơn đến ngữ dụng học, bởi vì loại ý nghĩa này phụ thuộc nhiều vào các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cụ thể. Tuy nhiên, ý nghĩa của các âm vị không chỉ liên quan đến sự vận dụng ngôn ngữ mà còn liên quan đến cả lịch sử phát triển của ngôn ngữ, nghĩa là vừa có tính chất đồng đại vừa có tính chất lịch đại. Ngữ nghĩa học âm vị có ý nghĩa thực tiễn to lớn: Nó giúp giải thích nhiều hiện tượng ngữ nghĩa trong các ngôn ngữ, nhờ đó giúp ta hiểu rõ hơn bản chất của những hiện tượng ngôn ngữ như đồng nghĩa, dị nghĩa, các tên riêng, sự hài âm, chơi chữ , hay đặc điểm cấu tạo của các tiếng xã hội trong một cộng đồng ngôn ngữ.

Như vậy, các nghiên cứu ngữ nghĩa học âm vị sẽ bổ sung những thông tin làm cho bức tranh về các bình diện ngữ nghĩa của ngôn ngữ được hoàn chỉnh hơn. Với ngữ nghĩa học âm vị, cấu trúc các bình diện của ngôn ngữ trở nên nhất quán hơn: trên bình diện biểu hiện, chúng ta nghiên cứu toàn bộ mặt cấu tạo hình thức của ngôn ngữ: đi từ âm vị đến văn bản, còn trên bình diện ngữ nghĩa, chúng ta xem xét toàn bộ mặt nội dung của ngôn ngữ, cũng đi từ âm vị đến văn bản. Điều này cũng có nghĩa là ngữ nghĩa học đối chiếu cũng quan tâm đến cả cấp độ âm vị của ngôn ngữ.

__________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, NGỮ NGHĨA HỌC ÂM VỊ, Ngữ nghĩa học, Những vấn đề đại cương | Thẻ: , , , , , , , , | 5 Comments »

Đối chiếu cấp độ ngữ pháp (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 14, 2010

Lê Đình Tư

2.2. Cấp độ cú pháp

2.2.1. Cụm từ (ngữ đoạn)

– Khi các từ được kết hợp với nhau theo những quan hệ khác nhau ta sẽ thu được các đơn vị cú pháp. Đơn vị cú pháp nhỏ nhất là cụm từ.

Trong ngôn ngữ, có hai loại cụm từ : cụm từ tự docụm từ cố định. Cụm từ cố định (thành ngữ và quán ngữ) là đơn vị từ vựng, còn cụm từ tự do là đơn vị ngữ pháp. Cả hai loại cụm từ này đều có thể là đối tượng quan tâm của ngôn ngữ học đối chiếu, nhưng việc đối chiếu chúng lại tuân theo những nguyên tắc khác nhau và nhằm những mục đích khác nhau. Do vậy, khi đối chiếu cụm từ với tư cách là đơn vị cú pháp, người ta chỉ quan tâm đến cụm từ tự do mà thôi. Nói cách khác, trong ngữ pháp, thuật ngữ ‘cụm từ’ đồng nghĩa với ‘cụm từ tự do’.

– Cũng cần phân biệt cụm từ với ‘giới ngữ’ : Giới ngữ luôn nằm trong cụm từ, là một bộ phận của cụm từ. Một cụm từ không bao giờ bắt đầu bằng giới từ. So sánh :

với hàng xóm (giới ngữ)
nói chuyện với hàng xóm (cụm từ)

Do vậy, khi đối chiếu cụm từ không nên nhầm lẫn hai khái niệm này, bởi vì điều đó có thể dẫn đến việc xác định sai đối tượng đối chiếu.

– Trong các nghiên cứu ngữ pháp, người ta phân biệt ba loại cụm từ : cụm liên hợp, cụm chính phụcụm chủ-vị.

Các cụm từ đều có vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo câu vì chúng đảm đương chức năng của các thành phần câu. Khi thiết lập câu thì cụm từ là đơn vị cơ sở, vì mỗi cụm từ trong câu đảm đương một chức năng ngữ pháp nhất định. Khi có hai cụm từ trở lên đảm đương vai trò của một thành phần câu thì đó phải là những cụm từ cùng loại. Ví dụ:

« Nằm trên giường bệnh, đầu óc vẫn chao đảo, vẫn lo nghĩ

– Thực tế nghiên cứu cho thấy, người học ngoại ngữ ít khi phạm lỗi khi các thành phần câu có cấu trúc tối giản, nghĩa là chỉ bao gồm một từ, mà thường phạm lỗi khi các thành phần câu được mở rộng thành các cụm từ. Đó là do mỗi ngôn ngữ có những cách thức khác nhau để thiết lập các cụm từ, nhất là đối với loại cụm từ chính phụ. Chính vì vậy, khi miêu tả cũng như khi đối chiếu các cụm từ, người ta thường tập trung vào cụm từ chính phụ.

Cụm chính phụ được chia thành: cụm danh từ, cụm động từ, và cụm tính từ.

– Cụm từ trong các ngôn ngữ có thể được thiết lập không giống nhau về các mặt sau đây:

+ Trật tự các thành phần trong cụm từ

Đối với các ngôn ngữ khác loại hình, trật tự từ trong các cụm từ là vấn đề rất đáng chú ý vì đây có thể là nguồn gốc phát sinh lỗi khi học ngoại ngữ. Chẳng hạn, trật tự của các ‘định tố’ hoặc ‘bổ tố’ trong các loại ‘cụm chính phụ’ tiếng Việt mang tính ổn định rất cao và do đó có thể khác với nhiều ngôn ngữ khác, cho nên khi đối chiếu các kiểu cấu trúc cụm từ chính phụ tiếng Việt và các ngôn ngữ khác, cần xác định được những điểm khác biệt về nguyên tắc định vị các định tố/bổ tố trong cụm từ giữa các ngôn ngữ. Ví dụ: so sánh:

t. Anh: that man’s hat
t. Việt: chiếc mũ của người đàn ông ấy

Đương nhiên, ngay cả ở những ngôn ngữ cùng loại hình hoặc gần gũi nhau về loại hình, trật tự của các từ trong cụm từ cũng có thể khác nhau.

+ Các phương tiện dùng để biểu thị tường minh quan hệ cú pháp giữa các thành phần cấu tạo của cụm từ. Đó là các ‘từ công cụ’ hay ‘từ ngữ pháp’, vốn vẫn được gọi chung là ‘hư từ’: giới từ và liên từ. Các ngôn ngữ có thể khác nhau về sự hiện diện/không hiện diện của các loại từ công cụ, hoặc về chủng loại của các từ công cụ. Ví dụ, so sánh:

t. Việt: 1) quan tâm đến âm nhạc
t. Anh: 1/ (to be) interested in music

+ Các phương tiện dùng để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp trong cụm từ và các quy tắc kết hợp các thành phần cấu tạo với nhau. Về phương diện này, giữa các ngôn ngữ có nhiều điểm khác biệt. Trong các ngôn ngữ đơn lập không biến hình, ý nghĩa ngữ pháp chủ yếu được thể hiện bằng các hư từ, trật tự từ hoặc dạng láy của từ, do đó quy tắc kết hợp chủ yếu là quy tắc ‘trật tự từ’ và’ hư từ’. Điều này khiến cho các cụm từ của những ngôn ngữ không biến hình thường bao gồm nhiều phương tiện từ vựng hơn so với những ngôn ngữ thuộc loại biến hình. Ngược lại, ở các ngôn ngữ biến hình, phương thức thể hiện ý nghĩa ngữ pháp chủ yếu là biến đổi hình thái của các từ (phụ gia, biến hình trong từ căn, …), trong đó các dấu hiệu hình thái (hình vị ngữ pháp) thường thể hiện cùng một lúc vài ba ý nghĩa ngữ pháp nên số lượng các phương tiện từ vựng phải ít hơn. Mặt khác, quy tắc kết hợp từ trong những ngôn ngữ này thường là quy tắc ‘hợp nghĩa ngữ pháp’ (ví dụ: hợp giống, số, cách, ngôi…) do đó có thể xảy ra hiện tượng dư thừa phương tiện ngữ pháp. Do vậy, đối chiếu các cụm từ về phương diện này có thể phát hiện ra những điều bất hợp lí hoặc phi lôgich trong các ngôn ngữ.

___________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu cấp độ ngữ pháp | Thẻ: , , , , , , , | Leave a Comment »

ĐỐI CHIẾU CẤP ĐỘ NGỮ PHÁP

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 10, 2010

Lê Đình Tư

1. Hệ thống ngữ pháp dưới góc độ ngôn ngữ học đối chiếu

– Hệ thống ngữ pháp là hệ thống bao trùm lên tất cả các cấp độ ngôn ngữ nên việc đối chiếu các hệ thống ngữ pháp có thể thực hiện trên nhiều cấp độ khác nhau. Thực tế có nhiều nhà nghiên cứu đã từ bỏ khái niệm ngữ pháp mà sử dụng khái niệm ngữ kết, lĩnh vực nghiên cứu về tất cả các mối quan hệ của mọi đơn vị ngôn ngữ, từ ngữ âm-âm vị đến văn bản.

– Theo khái niệm truyền thống thì ngữ pháp bao gồm hai bộ phận chính là: Hình thái họcCú pháp học. Tuy nhiên, khái niệm Hình thái học không phù hợp lắm với những ngôn ngữ không biến hình nên thường được thay thế bằng tên gọi Cấu tạo từ hay Từ pháp học, những khái niệm liên quan nhiều hơn đến cấp độ từ vựng.

– Do vậy, khi đối chiếu các hệ thống ngữ pháp, cần xác định rõ các đối tượng đối chiếu cụ thể, xem đó là những yếu tố của cấp độ nào, tránh lẫn lộn các cấp độ ngôn ngữ. Cấp độ ngữ pháp không phải bao giờ cũng cao hơn cấp độ từ vựng mà chủ yếu là cấp độ liên quan đến việc kết hợp các đơn vị ngôn ngữ.

2. Các cấp độ trong đối chiếu ngữ pháp

2.1. Cấp độ hình thái học

Hình vị ngữ pháp

Hình vị ngữ pháp được coi là đơn vị nhỏ nhất của ngữ pháp. Đây là các phương tiện để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp cũng như các mối quan hệ cú pháp. Hình vị ngữ pháp trong các ngôn ngữ không biến hình có thể hoạt động với tư cách là những từ độc lập và có thể có nhiều chức năng nên khi đối chiếu các hình vị ngữ pháp, cần nêu được chức năng ngữ pháp của chúng. Ví dụ: những trong tiếng Việt chỉ có chức năng ngữ pháp khi dùng để biểu thị số nhiều (ví dụ: những hoạt động), nhưng sẽ là hình vị từ vựng khi dùng để nhấn mạnh (ví dụ: ăn hết những một con gà). Đặc biệt, trong các ngôn ngữ không biến hình, ranh giới giữa từ và hình vị nhiều khi không rõ ràng nên người ta thường dùng khái niệm từ hư (hoặc hư từ) khi nói đến hình vị ngữ pháp.

Đối chiếu các hình vị ngữ pháp có thể phát hiện được những khác biệt về thuộc tính của các hình vị ngữ pháp như: quan hệ giữa hình vị ngữ pháp và âm tiết (có hình vị nhỏ hơn âm tiết hay không), quan hệ giữa hình vị ngữ pháp và từ, khả năng biến đổi hình thái, khả năng biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp như từ loại, giống, số, ngôi, thời…, mức độ hòa kết chức năng biểu thị ý nghĩa ngữ pháp trong hình vị, vị trí của hình vị ngữ pháp trong từ hoặc ngoài từ…

– Các ý nghĩa ngữ pháp và phạm trù ngữ pháp

+ Có ba loại ý nghĩa ngữ pháp: ý nghĩa hình thái, ý nghĩa chức năngý nghĩa từ loại. Ý nghĩa hình thái cho ta biết kiểu cấu tạo và hệ biến đổi hình thái của từ. Ý nghĩa chức năng cho ta biết chức năng ngữ pháp của từ trong cụm từ và câu. Ý nghĩa từ loại cho ta biết khả năng đảm nhận các chức năng ngữ pháp của từ. Trong các ngôn ngữ có thể có sự khác nhau tương đối lớn về cách thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp này. Chẳng hạn, tiếng Việt không có sự biến đổi hình thái của các hình vị hoặc từ để thể hiện các ý nghĩa như cách, số, thời, ngôi, thức, do đó các ý nghĩa này phải được thể hiện bằng các từ/hình vị được ngữ pháp hóa, ví dụ: của vốn là danh từ nhưng được ngữ pháp hóa thành giới từ để thể hiện ý nghĩa cách (sở hữu cách).

+ Các ý nghĩa ngữ pháp có thể được khái quát hóa thành các phạm trù ngữ pháp. Số lượng và chất lượng các phạm trù ngữ pháp trong các ngôn ngữ có thể không giống nhau. Ví dụ: Tiếng Việt không có phạm trù giống, trong tiếng Pháp có phạm trù giống nhưng không có giống trung như tiếng Nga. Nhiều ngôn ngữ có phạm trù số nhưng không có số đôi. Ngay cả những ý nghĩa ngữ pháp có tính phổ quát như ý nghĩa từ loại các ngôn ngữ cũng rất khác nhau. Chẳng hạn, so sánh từ loại của tiếng Việt và tiếng Anh, ta có thể phát hiện ra những sự khác biệt về số lượng từ loại (trong tiếng Anh có trạng từ nhưng tiếng Việt không có), về thuộc tính của từ loại (ví dụ: trong tiếng Nga, từ loại biến đổi theo giống, số, cách, còn tiếng Việt danh từ biến đổi hình thức để thể hiện thái độ, tình cảm). Cách thể hiện từ loại cũng không giống nhau. Các ngôn ngữ biến hình thể hiện ý nghĩa từ loại thông qua hình vị ngữ pháp nhưng các ngôn ngữ không biến hình chỉ có thể xác định từ loại của từ thông qua khả năng kết hợp của từ với các từ khác. Giữa các ngôn ngữ còn có sự khác biệt về khả năng chuyển đổi từ loại của các từ. Ví dụ: Danh từ tiếng Việt có thể chuyển thành tính từ hay động từ có thể biến thành danh từ (ví dụ: mưa, thay đổi), trong khi ở một ngôn ngữ khác từ có thể không có khả năng này.

– Các phương thức ngữ pháp

+ Sự khác biệt về cách thể hiện ý nghĩa ngữ pháp (tức là phương thức ngữ pháp) là cơ sở quan trọng nhất để phân biệt loại hình ngôn ngữ. Loại hình ngôn ngữ được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ khó khăn trong việc học một ngoại ngữ: người học ngoại ngữ cùng loại hình với tiếng mẹ đẻ sẽ dễ hơn so với ngoại ngữ khác loại hình.

+ Đối chiếu các phương thức ngữ pháp là đối chiếu xem hai ngôn ngữ khác nhau như thế nào về các phương thức: phụ gia, biến hình trong từ căn, trọng âm, ngữ điệu, thay từ căn, trật tự từ, hư từ, láy, chắp dính.

____________________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu cấp độ ngữ pháp | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »

Đối chiếu cấp độ từ vựng – Bình diện ngữ nghĩa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 24, 2010

Lê Đình Tư

1. Ý nghĩa và cấu trúc ý nghĩa của từ

– Bình diện ngữ nghĩa của từ gọi chung là ý nghĩa của từ. Tuy nhiên, có nhiều cách hiểu về ý nghĩa của từ. Cách hiểu phổ biến hiện nay là: Ý nghĩa của từ là một cấu trúc gồm một số thành phần nhỏ hơn, mỗi thành phần trong cấu trúc ý nghĩa đó tương ứng với một chức năng của từ. Chẳng hạn, từ có chức năng gọi tên sự vật, hiện tượng và tương ứng với chức năng đó là thành phần ý nghĩa biểu vật của từ, còn tương ứng với chức năng biểu thị quan hệ của từ với các từ khác là thành phần ý nghĩa ngữ pháp của từ.

– Có hai phạm trù ý nghĩa của từ: Ý nghĩa từ vựngý nghĩa ngữ pháp. Mỗi phạm trù ý nghĩa lại bao gồm một số thành phần ý nghĩa nhỏ hơn. Xét về phạm trù ý nghĩa từ vựng, người ta phân biệt các thành phần ý nghĩa sau:

* Ý nghĩa biểu vật: Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan. Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh chung chung (khái quát) về sự vật hay hiện tượng chứ không phải là bản thân một sự vật hay hiện tượng cụ thể trong thực tế khách quan. Ví dụ: Ý nghĩa biểu vật của từ (con) gà trong tiếng Việt là hình ảnh về con gà chung chung, bị loại bỏ những đặc điểm cụ thể như màu lông, giới tính, cân nặng, độ tuổi…

* Ý nghĩa biểu niệm: Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến ý niệm hay khái niệm về sự vật, hiện tượng. Chỉ có điều thành phần ý nghĩa này không trùng với khái niệm trong lô gích học vì đó là ý niệm hay khái niệm gắn liền với đặc điểm của ngôn ngữ. Ví dụ: Khái niệm “nước” trong tiếng Việt không trùng với khái niệm “nước” trong tư duy lôgích. Chính vì vậy, người ta nói đến khái niệm dân gian và khái niệm khoa học. Khái niệm dân gian là ý nghĩa biểu niệm của từ còn khái niệm khoa học là khái niệm của tư duy lôgích. Liên quan đến sự phân biệt này là hai khái niệm trong ngôn ngữ học tri nhận: bức tranh dân gian về thế giới, và bức tranh khoa học về thế giới.
Một điều hết sức quan trọng trong đối chiếu ý nghĩa từ vựng của các từ là cấu trúc của ý nghĩa biểu niệm: ý nghĩa biểu niệm bao gồm một số thành phần ý nghĩa nhỏ hơn gọi là nét nghĩa hay nghĩa vị. Các ngôn ngữ có thể khác nhau về cách tổ chức các nét nghĩa.

* Ý nghĩa ngữ dụng: Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến hoạt động của từ trong các tình huống giao tiếp, do vậy, thường chỉ có thể dựa vào ngữ cảnh để xác định thành phần ý nghĩa này. Ví dụ: Từ vịt giời trong tiếng Việt, ngoài ý nghĩa “loài chim sống hoang dã trong tự nhiên, cùng họ với vịt nhà”, còn có ý nghĩa ‘con gái’.
Ý nghĩa này mang đặc điểm văn hóa của mỗi dân tộc.

2. Những điểm cần lưu ý trong quá trình đối chiếu bình diện ngữ nghĩa

– Các từ có thể giống nhau (hoặc tương đồng) về hình thức và ý nghĩa. Thường thì đó là trường hợp của các ngôn ngữ cùng họ hay cùng nhóm. Ví dụ: Từ stolica của tiếng Ba Lan so với tiếng Nga.

– Các từ có thể giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về ý nghĩa. Đó có thể là sự khác nhau một phần hoặc là sự khác nhau hoàn toàn. Ví dụ: Từ ‘bác sĩ’, ‘tiến sĩ’ trong tiếng Việt và tiếng Trung.

– Các từ giống nhau về ý nghĩa nhưng khác nhau về hình thức. Đây là những trường hợp thường thấy nhất khi đối chiếu từ vựng giữa hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, thường không có sự giống nhau hoàn toàn về ý nghĩa giữa hai ngôn ngữ mà sẽ có sự khác biệt về cấu trúc ý nghĩa của các từ: các từ có thể khác nhau về một thành phần ý nghĩa hoặc một nét nghĩa nào đó. Ví dụ: so sánh cấu trúc nét nghĩa của từ ‘nước’ tiếng Việt và ‘water’ tiếng Anh; từ ‘nhà’ của tiếng Việt và từ tương đương của nó trong nhiều ngôn ngữ chỉ giống nhau một phần, vì ‘nhà’ trong tiếng Việt còn có ý nghĩa “chồng” hoặc “vợ”.

– Các từ khác nhau về cả hình thức lẫn ý nghĩa. Đối với những trường hợp này chỉ cần chú ý đến những từ có thể gây nhầm lẫn hoặc làm cho người học ngoại ngữ phạm lỗi.

– Các từ giống nhau về nghĩa gốc, nhưng khác nhau về nghĩa mở rộng (hay nghĩa phái sinh). Ví dụ: từ ăn trong tiếng Việt có nghĩa mở rộng là “mua” (ví dụ: Ăn con xe (máy) này đi!) mà nhiều ngôn ngữ khác không có.

3. Đối chiếu trường từ vựng-ngữ nghĩa

– Trước hết, cần phân biệt hai loại trường: Trường liên tưởngtrường tuyến tính.

– Đối chiếu trường liên tưởng là đối chiếu các nhóm từ có chung một nét nghĩa nào đó. Các trường từ vựng thường được chọn để nghiên cứu đối chiếu là: Từ chỉ một loại hoạt động (ví dụ: các động từ chuyển động, hoạt động nói năng), Từ chỉ phương tiện hoạt động (ví dụ: công cụ sản xuất), Từ chỉ quan hệ giữa người với người (ví dụ: quan hệ thân tộc), Từ chỉ màu sắc, Từ chỉ các bộ phận cơ thể (người và động vật), Từ chỉ động vật (ví dụ: động vật nuôi), Từ chỉ cây cối, Từ chỉ cảm xúc, Từ chỉ các món ăn…

– Đối chiếu trường tuyến tính là đối chiếu về khả năng kết hợp của từ. Khả năng kết hợp của từ liên quan đến cả cấp độ ngữ pháp, vì đó là khả năng thay thế nhau về chức năng ngữ pháp của các từ trong trường.

– Trong đối chiếu trường từ vựng-ngữ nghĩa, có thể phân tích những khác biệt giữa hai ngôn ngữ về:
+ danh sách các đơn vị thuộc trường: những từ có mặt trong trường của ngôn ngữ này nhưng không có mặt trong trường của ngôn ngữ kia;
+ cấu trúc ngữ nghĩa của trường nói chung và của từng đơn vị nói riêng;
+ tần số sử dụng, đặc biệt là sử dụng trong các thành ngữ, quán ngữ;
+ giá trị tu từ. Ví dụ: sự khác biệt về ý nghĩa biểu cảm, khả năng sử dụng trong các phong cách ngôn ngữ.

___________________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »

Đối chiếu từ vựng – Bình diện cấu tạo hình thức

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 13, 2010

Lê Đình Tư

1. Đối chiếu cấu tạo hình vị của từ

– Các loại hình vị cấu tạo từ. Hình vị cấu tạo từ được chia thành hai loại: căn tố và phụ tố.

– Căn tố: là hình vị cơ bản, là yếu tố cấu trúc chính của từ. Căn tố là bộ phận có thể tách khỏi từ để hoạt động độc lập, vì đây thường là những từ gốc. Ví dụ: time-less.

– Phụ tố: là những hình vị được ghép với căn tố để tạo ra từ mới hoặc để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp.

Trong các ngôn ngữ biến hình, người ta phân biệt hình vị từ vựng- ngữ pháp (hoặc hình vị từ vựng) và hình vị ngữ pháp, nhưng trong các ngôn ngữ không biến hình, chỉ có hình vị từ vựng-ngữ pháp mà không có ý nghĩa ngữ pháp theo cách hiểu của ngôn ngữ học châu Âu.

Các phụ tố trong các ngôn ngữ thường được chia thành:

*Tiền tố: là phụ tố hình vị đứng trước căn tố. Ví dụ: in-famous (t. Anh).
* Hậu tố: là hình vị đứng sau căn tố. Ví dụ: happi-ness (t. Anh).
* Trung tố: là hình vị được đặt xem vào giữa căn tố. Ví dụ: l-b-eun (= tốc độ)) được tạo ra từ leun (= nhanh) (t. Khơme).
* Liên tố : là hình vị dùng để nối các căn tố với nhau, ví dụ: speed-o-meter trong tiếng Anh hay zieml-e-kop (t. Nga).
* Bao tố: còn gọi là hình vị không liên tục. Đây là những hình vị bao quanh căn tố cả về phía đầu lẫn phía cuối. Loại hình vị này xuất hiện chủ yếu ở một số ngôn ngữ của thổ dân châu Mĩ, nhưng thời gian gần đây có một số nhà nghiên cứu cho rằng bao tố được sử dụng rộng rãi hơn ở nhiều ngôn ngữ khác. Ví dụ: roz-płakać-się (= khóc òa) (t. Ba Lan).
* biến tố: là những hình vị thường đứng sau căn tố và phụ tố để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp như: giống, số, cách, ngôi… Ví dụ: rek-a (t. Nga).

2. Những sự khác biệt về cấu tạo hình vị của từ trong các ngôn ngữ

– Các ngôn ngữ có sự khác biệt về cách sử dụng các phụ tố cấu tạo từ. Ví dụ: Các ngôn ngữ biến hình dùng các phụ tố để tạo từ mới nhưng tiếng Việt thường dùng cách ghép từ để tạo từ mới.

– Các ngôn ngữ biến hình có hiện tượng biến đổi ngữ âm của các hình vị cấu tạo từ, và do đó có khái niệm tha hình vị (alomorfem). Trong các ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, khái niệm tha hình vị chỉ dùng cho những hình vị có cùng hình thức ngữ âm, có ý nghĩa khác nhau nhưng liên quan với nhau. Ví dụ: hình vị nhà trong: nhà máy và nhà chính trị; đánh trong: đánh bạn và đánh ghen.

– Vị trí của các phụ tố trong các ngôn ngữ có thể rất khác nhau. Ví dụ: t. Việt: tính ích kỉ/ t. Anh: selfishness

– Trong các ngôn ngữ, các hình vị có thể khác nhau về mức độ sản sinh: tính sản sinh của các hình vị ở ngôn ngữ này cao nhưng ở ngôn ngữ kia lại thấp. Ví dụ: Hình vị ‘máy’ để tạo các danh từ trong tiếng Việt có tính sản sinh rất cao: máy nổ, máy gặt, máy tiện…, nhưng trong nhiều ngôn ngữ hình vị tương đương đều có khả năng sản sinh ít hơn tiếng Việt.

– Các ngôn ngữ còn khác nhau về các phương thức cấu tạo từ. Sự khác nhau thường thể hiện ở hai mặt:
* Số lượng các phương thức, ví dụ: Trong tiếng Việt có phương thức láy để tạo từ mới nhưng một số ngôn ngữ không dùng phương thức này;
* Mức độ ưa chuộng các phương thức cấu tạo từ, ví dụ: tiếng Việt ưa chuộng phương thức ghép và phương thức láy, còn các ngôn ngữ Ấn-Âu thì ưa chuộng phương thức phụ gia và phương thức ghép.

_____________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu cấp độ từ vựng | Thẻ: , , , , , | 1 Comment »

ĐỐI CHIẾU CẤP ĐỘ TỪ VỰNG

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 11, 2010

Lê Đình Tư

– Khác với hệ thống ngữ âm-âm vị, vốn là một hệ thống đóng kín, hệ thống từ vựng là một hệ thống tương đối mở, bao gồm rất nhiều đơn vị. Do vậy, khi đối chiếu từ vựng của hai ngôn ngữ, trước hết cần phải giới hạn phạm vi nghiên cứu đối chiếu: đối chiếu bộ phận nào của từ vựng, ví dụ: từ chỉ quan hệ thân thuộc; từ chỉ chỉ chức vụ-nghề nghiệp; từ chỉ động vật nuôi; từ chỉ các món ăn (văn hóa ẩm thực)|; từ chỉ các loại cây cỏ thông thường; từ chỉ các công cụ sản xuất thông thường; từ chỉ tên riêng; từ chỉ hoạt động thông thường; từ chỉ tính chất thông thường; từ ngoại lai…

– Mỗi đơn vị từ vựng là một loại tín hiệu gồm ít nhất hai mặt: mặt cấu tạo hình thức và mặt ngữ nghĩa. Điều đó có nghĩa là trước khi thực hiện công việc đối chiếu các bộ phận từ vựng, cần phải xác định rõ bình diện của các đơn vị từ vựng được lấy làm đối tượng đối chiếu: đối chiếu về phương thức (cách thức) cấu tạo hay đối chiếu về ý nghĩa.

– Từ là đơn vị từ vựng có nhiều chức năng: chức năng biểu hiện/tác động, chức năng thông báo, chức năng thi ca, chức năng siêu ngôn ngữ. Do đó có thể đối chiếu ý nghĩa của các đơn vị từ vựng trong hệ thống ngôn ngữ hoặc trong sự hành chức của chúng.

Nói cách khác, có thể đối chiếu các đơn vị từ vựng về mặt ngữ nghĩa hoặc về mặt ngữ dụng.

Như vậy, có thể đối chiếu các đơn vị từ vựng trên ba bình diện : bính diện cấu tạo hình thức, bình diện ngữ nghĩa và bình diện ngữ dụng.

(còn nữa)
_______________________________________________

Posted in 1, Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu cấp độ từ vựng | Thẻ: , , , | 3 Comments »

Đối chiếu các phụ âm

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 9, 2010

Lê Đình Tư

Quy trình đối chiếu các phụ âm của hai ngôn ngữ cũng gồm ba bước:

1/ Xác định hệ thống phụ âm của hai ngôn ngữ trên cơ sở một phương pháp miêu tả nhất quán và trên cơ sở đó các định những phụ âm tương đương và những âm vị không tương đương trong hai ngôn ngữ;

2/ Xác định các biến thể của các phụ âm và tìm những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai ngôn ngữ;

3/Đối chiếu khả năng phân bố của các phụ âm và sự biến đổi của chúng trong bối cảnh ngữ âm.

Để thực hiện những bước này, cần nắm vững những vấn đề sau đây:

1. Cách miêu tả phụ âm theo đặc điểm cấu âm

Xét về đặc điểm cấu âm, các phụ âm được miêu tả theo ba tiêu chí cơ bản:

– Tiêu chí 1: Theo phương thức cấu âm.
Theo tiêu chí này, ta phân biệt:
* phụ âm tắc , ví dụ: [t], [d], [k], [b]
* phụ âm xát, ví dụ: [f], [v], [s], [z], [l]
* phụ âm tắc-xát, ví dụ: [ts], [dz], [t∫] , và
* phụ âm rung: [r] hoặc [R].

– Tiêu chí 2: Theo vị trí cấu âm
Theo vị trí cấu âm, ta phân biệt những phụ âm cơ bản sau:
* phụ âm môi, trong đó lại phân biệt phụ âm hai môi (ví dụ: [b], [p], [m]), và phụ âm môi-răng (ví dụ: [v], [f]).
* phụ âm đầu lưỡi-răng trên: [t], [n]
* phụ âm đầu lưỡi-răng dưới: [s], [z].
* phụ âm đầu lưỡi-lợi: [l] [d] (ở tiếng Việt)
* phụ âm đầu lưỡi-ngạc cứng: [ş], [ʐ]
* phụ âm mặt lưỡi-ngạc: [c], [ɲ], mặt lưỡi quặt: [ţ] (tiếng Việt)
* phụ âm gốc lưỡi-ngạc mềm: [k], [g], [ŋ]
* phụ âm họng: [h], [x]

– Tiêu chí 3: Theo tính thanh.
Theo tiêu chí này, ta phân biệt:
* Phụ âm hữu thanh, ví dụ: [b], [d], [g]…
* Phụ âm vô thanh, ví dụ: [p], [t], [k]…

2. Những điểm cần lưu ý khi đối chiếu các phụ âm

– Phụ âm bật hơi : Có ngôn ngữ có phụ âm bật hơi nhưng có những ngôn ngữ không có phụ âm này. Mặt khác, đặc điểm của các phụ âm bật hơi giữa các ngôn ngữ cũng có thể khác nhau. Ví dụ: Tiếng Việt có phụ âm bật hơi [ť] nhưng cách thể hiện của nó không giống với phụ âm bật hơi tương ứng trong tiếng Anh. Đây là những phụ âm có thể gây nên các lỗi giao thoa.

– Phụ âm mạc hóa: Cũng là những phụ âm có thể gây khó khăn cho việc học ngoại ngữ. Đối với nhiều người, các phụ âm mạc hóa thường không được nhận biết một cách chính xác, do đó thường được phát âm gần với một phụ âm nào đó của tiếng mẹ đẻ. Ví dụ: Phụ âm [ł] trong tiếng Anh thường được người Việt nhận biết là [u] và do đó thường phát âm sai.

– Phụ âm gần đúng: Là những phụ âm có cách phát âm vừa có những điểm tương đồng vừa có những điểm hơi khác biệt với những phụ âm đúng tương ứng. Đây là những phụ âm rất dễ bị người học ngoại ngữ đồng nhất với các phụ âm đúng. Ví dụ: [r] trong tiếng Anh hay phụ âm [ɤ] của tiếng Việt là những phụ âm gần đúng.

3. Sự phân bố của phụ âm

– Sự phân bố các phụ âm liên quan đến những đơn vị lớn hơn, tức là âm tiết. Do vậy, trước khi đối chiếu về sự phân bố các phụ âm trong hai ngôn ngữ, cần phải đối chiếu cấu trúc âm tiết của chúng. Các bản miêu tả cấu trúc âm tiết cần phải chỉ ra được hệ thống phụ âm đầu và phụ âm cuối của các âm tiết trong ngôn ngữ. Ví dụ: Trong tiếng Việt, có những phụ âm xuất hiện trong hệ thống phụ âm đầu nhưng không xuất hiện trong hệ thống các phụ âm cuối, như: /s/; / z/; /f/, hoặc ngược lại, như /p/.

– Vị trí phân bố của phụ âm trong thường kéo theo sự biến đổi ngữ âm do có các hiện tượng đồng hóa hay thích nghi ngữ âm của các âm tố. Các Hiện tượng đồng hóa hay thích nghi ngữ âm có thể không giống nhau trong các ngôn ngữ do đó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc phạm lỗi khi học ngoại ngữ. Ví dụ: Hiện tượng vô thanh hóa các phụ âm hữu thanh ở vị trí âm cuối của từ hoặc sau phụ âm vô thanh trong tiếng Nga hoặc Ba Lan, hay hiện tượng môi hóa các phụ âm cuối của âm tiết tiếng Việt như ‘học’, ‘chung’, ‘ông’ rất dễ bị người học thể hiện sai.

– Khi đối chiếu các phụ âm về mặt phân bố, cần phải phân biệt những biến thể âm vị mang tính bắt buộc và những biến thể mang tính tự do. Trong việc học ngoại ngữ, các biến thể bắt buộc (gọi là biến thể kết hợp) có giá trị trong việc rèn luyện kỹ năng nói và nghe còn các biến thể tự do có giá trị trong việc rèn luyện kĩ năng nghe. Ví dụ: Biến thể “ngậm” của âm vị /t/ ở vị trí cuối âm tiết (ví dụ: tất) hay biến thể môi hóa (ví dụ: tôi) trong tiếng Việt đều phải được thể hiện chính xác, trong khi đó biến thể bật hơi [t’] ở vị trí đầu âm tiết chỉ là biến thể do một số cá nhân thể hiện (có thể do ảnh hưởng của tiếng Anh hoặc theo thói quen cá nhân).

– Các phụ âm nói riêng và âm vị nói chung còn chịu ảnh hưởng của các hiện tượng ngôn điệu là trọng âm, thanh điệu, ngữ điệu, nên việc đối chiếu các hiện tượng ngôn điệu trong hai ngôn ngữ cũng cần được đặt ra, nhất là đối với những ngôn ngữ có cùng những hiện tượng ngôn điệu.

___________________________________________________________

Posted in 1, Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu ngữ âm-âm vị | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

Đối chiếu các nguyên âm

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 7, 2010

Lê Đình Tư

1. Hình thang nguyên âm quốc tế

Hình thang nguyên âm quốc tế cho ta biết các tiêu chí để phân biệt các nguyên âm:

– Tiêu chí 1: Theo độ mở của miệng.
Theo tiêu chí này, ta phân biệt các nguyên âm: rộng – hơi rộng – hơi hẹp – hẹp. Các ngôn ngữ có thể phân biệt chi tiết hơn.

– Tiêu chí 2: Theo chiều hướng của lưỡi.
Theo tiêu chí này, ta phân biệt các nguyên âm: hàng trước – hàng giữa – hàng sau. Có thể có sự phân biệt cụ thể hơn như giữa-trước, giữa-sau hay gần trước, gần sau.

– Tiêu chí 3: Theo hình dáng môi.
Theo tiêu chí này, ta phân biệt các nguyên âm: tròn – không tròn.

Ngoài ra, các nguyên âm còn phân biệt với nhau theo trường độ: nguyên âm dài – nguyên âm ngắn, và tính mũi: nguyên âm mũi – nguyên âm không mũi.

Nguyên âm trong các ngôn ngữ khác nhau hay giống nhau là căn cứ vào những đặc điểm mô tả nói trên.

2. Nguyên âm cố định âm sắc và biến đổi âm sắc

– Các nguyên âm cố định âm sắc gọi là nguyên âm đơn. Các nguyên âm như [a], [i] là những nguyên âm đơn.

– Các nguyên âm biến đổi âm sắc gọi là nguyên âm đôi và nguyên âm ba. Các nguyên âm [ie], [uo] trong tiếng Việt là những nguyên âm đôi, các nguyên âm [eiə] (ví dụ: layer, player), [auə] (ví dụ: power, hour) của tiếng Anh là những nguyên âm ba.

Việc phân biệt các nguyên âm đôi/nguyên ba thường gặp khó khăn nên các bản miêu tả ngữ âm – âm vị của các ngôn ngữ có thể không giống nhau, phụ thuộc vào quan điểm của từng nhà nghiên cứu.

Do vậy, khi đối chiếu loại nguyên âm này, người đối chiếu cần lí giải về việc lựa chọn phương pháp miêu tả làm cơ sở cho việc đối chiếu.

3. Nguyên âm và chữ viết

Khi đối chiếu các nguyên âm của hai ngôn ngữ, ta có thể đối chiếu sự thể hiện của nguyên âm trên chữ viết. Tuy các ngôn ngữ có thể cùng dùng một loại văn tự để ghi âm nhưng do lịch sử ra đời và lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ học của các ngôn ngữ có khác nhau nên việc dùng chữ viết để thể hiện các nguyên âm có thể khác nhau. Đối chiếu âm và chữ viết có thể tìm ra những chỗ bất hợp lí và những khó khăn của người học khi học phát âm và học viết bằng ngoại ngữ. Ví dụ: Tiếng Việt ghi nguyên âm [Ɛ] bằng hai con chữ là e và a (ví dụ: em/ anh).

Trên đây chỉ nói về việc đối chiếu các nguyên âm theo đặc trưng cấu âm-âm học. Đây là kiểu đối chiếu truyền thống. Ngày nay, nhờ những thiết bị ghi âm, phổ kí hiện đại, người ta còn có thể đối chiếu các nguyên âm theo những đặc trưng âm học được ghi lại bằng nhiều phương pháp khác nhau, gọi chung là đối chiếu ngữ âm thực nghiệm. Tuy nhiên, xét dưới góc độ học tập và giảng dạy ngoại ngữ trong những điều kiện hiện nay, kiểu đối chiếu này chưa mang lại nhiều lợi ích thực tiễn.

_______________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu ngữ âm-âm vị | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

ĐỐI CHIẾU CẤP ĐỘ NGỮ ÂM – ÂM VỊ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 6, 2010

LÊ ĐÌNH TƯ

I. Cơ sở đối chiếu ngữ âm-âm vị

1. Bộ máy cấu âm

– Các âm tố do bộ máy phát âm của con người cấu tạo nên. Bộ máy phát âm của con người đều giống nhau ở tất cả những người bình thường trên thế giới. Các âm tố được phát ra nhờ vào sự hoạt động và phối hợp của các cơ quan cấu âm. Những cơ quan cấu âm chủ yếu là:
môi, răng, lợi, mũi, lưỡi, lưỡi con, ngạc cứng, ngạc mềm, họng, dây thanh (thanh quản).

– Việc cấu tạo các âm tố trong các ngôn ngữ đều do các cơ quan cấu âm nói trên thực hiện theo những cách thức giống nhau hoặc khác nhau và đó chính là cơ sở cho việc đối chiếu các âm tố trong các ngôn ngữ.

2. Âm tố, âm vị và biến thể âm vị

– Âm tố là đơn vị nhỏ nhất của âm thanh lời nói. Âm tố chỉ là một đơn vị phát âm tự nhiên của con người. Nếu được hướng dẫn và với bộ máy cấu âm bình thường, con người có thể phát âm được tất cả các âm tố có thể có trong các ngôn ngữ.

– Tuy nhiên, mỗi ngôn ngữ chỉ sử dụng một số loại âm tố nhất định để tạo ra các đơn vị ngôn ngữ lớn hơn (từ, câu..). Đó chính là các âm vị. Âm vị là đơn vị ngữ nhỏ nhất của ngôn ngữ. Số lượng các âm vị trong các ngôn ngữ có thể giống nhau hoặc khác nhau. Ví dụ: Tiếng Việt không có âm vị [ð], tiếng Anh không có âm vị [ǎ].

– Âm vị là đơn vị trừu tượng nên luôn luôn được thể hiện ra bằng những âm tố cụ thể. Khi thể hiện âm vị bằng các âm tố, âm vị có thể được bổ sung thêm những đặc điểm của cá nhân người nói hoặc do vị trí của âm vị trong ngữ cảnh mang lại. Khi ấy, từ một âm vị ta có thể có rất nhiều âm tố với những đặc trưng không quan trọng khác. Ví dụ: khi phát âm từ ‘tô’ thì âm [t] đã được phát âm với đặc điểm tròn môi. Ta gọi những âm khác nhau nhưng thể hiện cùng một âm vị như vậy là những biến thể âm vị.

3. Âm vị đoạn tính và âm vị siêu đoạn tính

– Âm vị đoạn tính là những âm vị được thể hiện riêng rẽ hoặc kế tiếp nhau theo thời gian. Nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm/bán phụ âm là những âm vị đoạn tính.

– Âm vị siêu đoạn tính là những âm vị không được thể hiện riêng rẽ hoặc kế tiếp nhau theo thời gian mà luôn luôn được thể hiện đồng thời với âm tố hoặc toàn bộ âm tiết. Trọng âm và thanh điệu là những âm vị siêu đoạn tính.
(còn nữa)
_________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu ngữ âm-âm vị | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »

Các nguyên tắc và quy trình đối chiếu ngôn ngữ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 1, 2010

Lê Đình Tư

1. Cơ sở đối chiếu ngôn ngữ

1.1 Đối chiếu và các kiểu đối chiếu

– Việc so sánh nói chung thường được thực hiện khi các sự vật hay hiện tượng được lấy làm đối tượng so sánh nằm trong cùng một phạm trù, nghĩa là thuộc cùng một loại. Chẳng hạn, ta có thể so sánh hai cái bàn vì chúng thuộc cùng một loại sự vật. Chính vì chúng thuộc cùng một loại sự vật nên giữa chúng có những điểm chung để so sánh, ví dụ: kích thước, chất liệu, hình dáng… Loại so sánh này nhằm mục đích tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật hay hiện tượng.

– Tuy nhiên, người ta cũng có thể so sánh các sự vật hay hiện tượng nhằm mục đích chứng minh hay làm nổi rõ một đặc điểm nào đó của sự vật hay hiện tượng. Trong trường hợp này, các sự vật hay hiện tượng được đem ra so sánh có thể thuộc về những loại, những phạm trù khác nhau. Ví dụ: F. de Saussure so sánh cơ chế ngôn ngữ với bàn cờ, hay giá trị ước lệ của một tín hiệu ngôn ngữ với một quân cờ. Loại so sánh này chủ yếu chú ý đến điểm tương đồng giữa các đối tượng so sánh mà ít chú ý đến sự khác biệt giữa chúng.

Kiểu so sánh thứ nhất mang tính khách quan nên được dùng làm phương pháp nghiên cứu chủ đạo trong ngôn ngữ học đối chiếu nói riêng, cũng như trong ngôn ngữ học so sánh nói chung. Nói cách khác, trong ngôn ngữ học đối chiếu, những yếu tố được đem so sánh bao giờ cũng đồng loại với nhau. Đồng loại là điều kiện tiên quyết của sự so sánh/đối chiếu.

1.2 Tiêu chí đối chiếu

– Điểm chung hay cơ sở để đối chiếu các hiện tượng ngôn ngữ gọi là tiêu chí đối chiếu. Tiêu chí đối chiếu sẽ quyết định đến kết quả đối chiếu. Chẳng hạn, khi đối chiếu phụ âm /s/ và phụ âm /t/, nếu xét theo phương thức cấu âm thì hai phụ âm này khác nhau hoàn toàn, nhưng khi xét về vị trí cấu âm thì hai phụ âm này đều là phụ âm đầu lưỡi. Tiêu chí đối chiếu được coi như một thứ siêu ngôn ngữ, không thuộc riêng một ngôn ngữ nào trong số những ngôn ngữ được đối chiếu.

– Trong đối chiếu ngôn ngữ, chỉ những đối tượng tương đương với nhau mới có thể so sánh với nhau. Qua so sánh, đối chiếu, ta xác định được những điểm giống nhau và khác nhau giữa các đơn vị hay cấu trúc ngôn ngữ tương đương. Ví dụ: Cám ơn! và Dziękuję! là hai cách nói tương đương nhưng trong tiếng Việt, cách nói này không phải lúc nào cũng được sử dụng. Khi cám ơn người già, người có chức vụ cao hoặc trong những tình huống giao tiếp thân mật, người Việt thường phải dùng những cách nói khác, ví dụ: “Cháu xin bà!”; “Anh chu đáo quá!”… Hay phạm trù giống trong tiếng Nga và tiếng Pháp là những phạm trù tương đương, nhưng người Nga phân biệt 3 giống còn người Pháp chỉ phân biệt hai giống. Trong khi đó việc đối chiếu phạm trù giống tiếng Nga và tiếng Việt sẽ không thực hiện được vì trong tiếng Việt không có phạm trù giống tương đương.

– Mỗi cấp độ hay mỗi bình diện ngôn ngữ đều có những tiêu chí đối chiếu riêng. Trên cấp độ ngữ âm thì đó là sự giống nhau của bộ máy phát âm của tất cả mọi người trên thế giới; trên cấp độ từ vựng-ngữ nghĩa thì đó có thể là sự giống nhau về hiện thực khách quan hay về nội dung tư duy; trên cấp độ câu thì sự giống nhau về quan hệ: chủ thể-hành động-khách thể sẽ là tiêu chí đối chiếu… Chính nhờ những tiêu chí (tertium comparationis) này mà chúng ta mới có thể học được ngôn ngữ của nhau và dịch được các văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

1.3 Các kiểu đối chiếu

– Đối chiếu định lượng: Là kiểu đối chiếu nhằm xác định những khác biệt về số lượng các yếu tố ngôn ngữ xét theo một tiêu chí đối chiếu nào đó. Ví dụ: Đối chiếu số lượng các nguyên âm hay số lượng các từ chỉ màu sắc trong tiếng Việt và tiếng Anh. Kiểu đối chiếu này giúp xác định những “lỗ hổng” trong cấu trúc của ngôn ngữ này so với ngôn ngữ khác.

– Đối chiếu định tính: Là kiểu đối chiếu nhằm tìm ra những đặc điểm (những điểm giống nhau và khác nhau) giữa các yếu tố ngôn ngữ tương đương của hai ngôn ngữ. Ví dụ: Đối chiếu trọng âm của tiếng Việt và tiếng Anh. Kiểu đối chiếu này có quan hệ chặt chẽ với kiểu đối chiếu thứ nhất.

2. Các nguyên tắc đối chiếu

– Các yếu tố ngôn ngữ phải được miêu tả đầy đủ. Việc đối chiếu được thực hiện trên cơ sở các bản miêu tả đó.
– Khi đối chiếu các yếu tố ngôn ngữ, phải đặt chúng trong hệ thống, không chỉ chú ý đến bản thân chúng.
– Không chỉ xem xét các yếu tố ngôn ngữ trong hệ thống mà còn phải xem xét chúng trong hoạt động giao tiếp.
– Phải mô tả các yếu tố của hai ngôn ngữ với cùng một phương pháp.
– Phải tính/ chú ý đến loại hình của hai ngôn ngữ được đối chiếu.

3. Quy trình đối chiếu

Từ các nguyên tắc đối chiếu trên đây, một quy trình đối chiếu đã được xác lập:

Bước 1: Miêu tả hoặc tìm bản miêu tả ngôn ngữ thích hợp nhất với mục đích đối chiếu. Đối với việc đối chiếu bản dịch, cần tìm được bản dịch tương đương, hoặc dùng bản dịch của các dịch giả có uy tín.

Bước 2: Xác định những cái có thể đối chiếu với nhau được, tức là xác định các yếu tố tương đương.

Bước 3: Thực hiện công việc đối chiếu, tìm ra những điểm đồng nhất và khác biệt của những cái tương đương trong hai ngôn ngữ.

_______________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu | Thẻ: | Leave a Comment »