TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for the ‘Ngôn ngữ và văn hóa’ Category

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và những cống hiến trong nghiên cứu chữ Nôm (nén tâm hương tưởng nhớ Thầy)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 27, 2011

Nguyễn Tuấn Cường

Điều đáng tiếc cho một kẻ “hậu học” trong ngành ngữ văn học như tôi là không có cái may mắn được trực tiếp học với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (2/5/1926 – 25/2/2011), nhưng qua việc đọc các công trình nghiên cứu của GS và tiếp thu tư tưởng khoa học của GS thông qua các thế hệ học trò của GS, tôi vẫn là học trò (của học trò (của học trò)) của GS theo tất cả các nghĩa của cách trình bày văn tự này.

Vì vậy, dù vẫn biết tình trạng sức khỏe của GS gần đây không được tốt, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng trước tin GS đã ra đi mãi mãi vào ngày 25/2/2011 tại Moskva. Muốn thắp nén tâm hương tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn, nhưng bởi cái lí do không được trực tiếp học với GS và vì thế ít có kỉ niệm với GS (dù tôi cũng có vinh hạnh gặp GS 4 lần), tôi đành tưởng nhớ đến anh hồn GS bằng con đường khoa học, con đường đã khiến GS được mãi ghi danh với đời.

Đứng trước di sản khoa học đồ sộ của GS Nguyễn Tài Cẩn, người ta thường dễ đồng điệu với cái cảm giác “ngưỡng chi di cao” (càng ngửa trông càng thấy cao) của Nhan Hồi đối với bậc sư biểu Khổng tử. GS đặt dấu ấn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực: ngữ pháp, ngữ âm, Hán Nôm, từ vựng, từ nguyên, Việt ngữ học, ngôn ngữ thơ, văn học, văn hóa… Kẻ hậu học này, vốn rất khiêm tốn về tuổi đời và càng khiêm tốn hơn về tuổi nghề, chỉ xin ngửa trông một góc nhỏ trong sự nghiệp khoa học của GS, đó là việc nghiên cứu chữ Nôm. Mặc dù chữ Nôm đã có lịch sử tồn tại trên 800 năm, nhưng việc nghiên cứu về chữ Nôm hầu như chỉ được đặt ra từ thế kỉ XX đến nay. Trong giai đoạn này, những công trình nghiên cứu về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn có vị trí nổi bật. Công việc mô tả lại những công trình đó là không cần thiết và, quan trọng hơn, không thể đầy đủ trong một bài viết ngắn, nên ở đây tôi chỉ xin lược điểm những cống hiến nổi bật của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực nghiên cứu hẹp này.

1. Xác lập những công cụ và phương pháp nghiên cứu chữ Nôm

Đối với ngành “Nôm học” (nếu có thể dùng thuật ngữ này), GS Nguyễn Tài Cẩn có công tích lớn trong việc xác lập những công cụ và phương pháp nghiên cứu, những tiền đề căn bản cho nghiên cứu chữ Nôm.
Từ rất sớm, GS đã dày công nghiên cứu về cách đọc Hán Việt (1971, 1972, 1979) với tư cách một khái niệm công cụ để nghiên cứu chữ Nôm, đặc biệt là vấn xác định thời điểm xuất hiện của loại văn tự này: “có thể là chữ Nôm đã hình thành đồng thời với âm Hán – Việt, nhưng cũng rất có thể là âm Hán – Việt hình thành trước, rồi một thời gian sau đó cha ông chúng ta mới dựa vào các chữ Hán đọc theo âm Hán – Việt để sáng tạo ra chữ Nôm” (1971). Phương pháp xác định niên đại hình thành chữ Nôm dựa vào thời điểm xuất hiện của hệ thống âm Hán Việt mà GS đưa ra vào thời điểm đầu thập niên 1970 như vậy là một quan điểm mới mẻ, khác với các quan niệm trước đó vốn phần nhiều căn cứ trên các bằng chứng (huyền) sử học và xã hội học có thiên hướng đẩy thời điểm xuất hiện của chữ Nôm lên sớm hơn thời điểm thực tế.

Bên cạnh dấu ấn trong nghiên cứu về âm Hán Việt, GS còn có nhiều cống hiến ở địa hạt nghiên cứu về âm đọc Cổ Hán Việt (còn gọi là Tiền Hán Việt) và âm đọc Hán Việt Việt Hóa (còn gọi là Hậu Hán Việt) để hình thành bức tranh ảnh hưởng ngôn ngữ (ngữ âm) giữa tiếng Hán với tiếng Việt trong lịch sử (1987). Điều này góp phần cải chính nhiều quan niệm về âm đọc và cách phân loại chữ Nôm ghi âm Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt Hóa của các bậc tiền bối như Vương Lực (1948), Đào Duy Anh (1975).

Ngoài ra, GS Nguyễn Tài Cẩn đã sớm tiến hành nghiên cứu về sự xuất hiện của từng cá thể chữ Nôm trong hệ thống chữ Nôm. Trong danh tác khoa học Một số vấn đề về chữ Nôm in năm 1985, GS đã dành 20 trang cuối ở mục Phụ lục (tr. 252-272) để trình bày bảng tra Một số chữ Nôm cổ đã gặp trong các văn bản có niên đại chính xác (từ thế kỉ XII đến thế kỉ XVII), trong đó liệt kê những ngữ tố (hình vị) tiếng Việt xuất hiện sớm nhất được ghi nhận trong các tư liệu khả tín bằng chữ Nôm. Ngày nay, với những điều kiện mới mẻ hơn về mặt tư liệu văn bản chữ Nôm, chúng ta vẫn đang chờ đợi một cuốn từ điển (hoặc khiêm tốn hơn: bảng tra) dày dặn hơn, cụ thể hơn về nội dung tương tự.

Bên cạnh đó, đường hướng trong nghiên cứu chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự cũng đã sớm được GS Nguyễn Tài Cẩn phác thảo (1981): cần đi từ văn tự học đại cương, sang văn tự học khu vực để hình dung về bức tranh văn tự trên thế giới và khu vực, rồi mới đi sâu vào nghiên cứu chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự ghi tiếng Việt. Hướng đi này đến những năm đầu thế kỉ XXI đã được sâu sắc hóa bằng công trình của Nguyễn Quang Hồng (2008).

2. Nghiên cứu vĩ mô: xác lập mô hình cấu trúc chữ Nôm

Xét từ góc độ cấu trúc văn tự học, việc nghiên cứu về cấu trúc chữ Nôm trong thế kỉ XX có thể phân chia thành hai giai đoạn khác nhau một cách tương đối rõ rệt. Trước năm 1975, các nghiên cứu văn tự học về chữ Nôm mang tính chất “khai sơn phá thạch”, chủ yếu dựa theo mô hình văn tự học Trung Quốc, lấy “Lục thư” (sáu phép cấu tạo chữ Hán: tượng hình, chỉ sự, hội ý, giả tá, chuyển chú) làm trung tâm để “lắp ráp” các phương thức cấu trúc chữ Nôm vào khuôn khổ phân chia ấy. Chúng ta có thể gặp ở đây những nhà nghiên cứu nổi tiếng đi theo đường hướng này: Văn Hựu (1933), Dương Quảng Hàm (1943), Trần Kinh Hoà (1949), Đào Duy Anh (1975)… Đặc biệt, công trình nổi tiếng Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến của GS Đào Duy Anh (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975) là “tập đại thành” cho đường hướng nghiên cứu này. Sau năm 1975, con đường ấy vẫn được tiếp tục triển khai, phần lớn từ phía các học giả nước ngoài như Lí Lạc Nghị (1986), Mã Khắc Thừa (1996) ở Trung Quốc, Wm. C. Hannas (1997) ở Mĩ – những người chủ yếu tiếp cận chữ Nôm qua cuốn sách của GS Đào Duy Anh, hoặc qua một vài bài viết có tính chất lược giới về chữ Nôm viết bằng tiếng Anh, chứ không cập nhật được tình hình nghiên cứu trong nước.

Bước sang năm 1976, việc nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm đã bước sang một thời kì mới với sự tiên phong của vị chủ tướng Nguyễn Tài Cẩn viết cùng Phu nhân là GS N.V Stankevitch qua bài viết Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm. Bài viết này đã thoát khỏi tư duy “Lục thư” truyền thống để chuyển sang sử dụng phương pháp khoa học hiện đại, nhìn nhận chữ Nôm như một đối tượng nghiên cứu văn tự học trong mối quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt, đặc biệt là ngữ âm học. Căn cứ theo các tiêu chí tự hình, tự âm, tự nghĩa, GS Nguyễn Tài Cẩn đã phân loại chữ Nôm lần lượt theo nhiều bước lưỡng phân liên tiếp để khái quát nên một mô hình cấu trúc chữ Nôm gồm 10 loại. Ở thời điểm năm 1976, đây là một mô hình phân loại khoa học nhất, toàn diện nhất (bởi hầu hết các cá thể chữ Nôm đều có thể quy vào đó). Phương pháp làm việc khoa học này đã ngay lập tức tạo ảnh hưởng tích cực đến các nghiên cứu sau này của Lê Văn Quán (1981), Nguyễn Ngọc San (1987), Nguyễn Khuê (1987-1988), Lê Anh Tuấn (2003)… Sang thế kỉ XXI, mô hình ấy được sửa đổi và tái thiết trong các công trình của Nguyễn Quang Hồng (2006, 2008).

Điểm đáng lưu ý về sự chuyển đổi hệ hình trên là việc GS Đào Duy Anh ngay từ năm 1975 đã thừa nhận sự khác biệt về phương pháp phân loại giữa ông và GS Nguyễn Tài Cẩn. GS Đào viết:
“Ông Nguyễn Tài Cẩn nói với tôi rằng nhà ngôn ngữ học có thể theo những cách phân loại chữ Nôm khác với cách của tôi, nhưng cuối cùng kết quả vẫn là hoàn toàn phù hợp với kết quả của tôi, như thế tỏ rằng cách phân loại của tôi vẫn đúng. Tôi xin nói thêm rằng tôi không theo cách phân loại của nhà ngôn ngữ học vì tôi thấy đối với người độc giả thông thường cách phân loại theo ngôn ngữ học hơi lạ và khó hiểu. Theo tôi cách phân loại này giản dị và dễ hiểu hơn, tôi cho rằng nó phù hợp với con đường suy nghĩ và những nguyên tắc người xưa đã dựa vào trong khi xây dựng chữ Nôm” (sđd, tr. 63, chú thích số 1).

Tất nhiên, ở đây mỗi học giả đã tùy theo quan điểm của mình để xác định cách tiếp cận nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm. Hơn nữa, cũng cần chú ý rằng cuốn sách trên của GS Đào in năm 1975, sau khi ông được nghe trao đổi với GS Nguyễn, chứ hẳn là ông chưa được đọc bài nghiên cứu công phu của GS Nguyễn sẽ được in vào 1 năm sau đó (1976) để có thể biết rằng cách phân loại của GS Nguyễn có sự khác biệt khá xa với ông, đặc biệt là về vấn đề tính khoa học trong phương pháp phân loại cấu trúc văn tự. Từ góc độ kế thừa khoa học, việc phản biện nhau và chấp nhận nhau giữa hai nhà nghiên cứu chữ Nôm thời danh ấy là rất đáng quý và đáng học hỏi.

3. Nghiên cứu vi mô: từ nan đề “song viết” đến trilogy Truyện Kiều

Ngoài thành công trên phương diện nghiên cứu chữ Nôm từ tầm vĩ mô, GS Nguyễn Tài Cẩn còn đặt dấu ấn của mình trong việc nghiên cứu vi mô đối với những chữ Nôm cá biệt vốn là “nan đề” trong nghiên cứu chữ Nôm xưa nay. Bài viết này chỉ xin đề cập đến hai trường hợp: hai chữ “song viết” trong thơ Nôm cổ thế kỉ XV-XVI và những chữ Nôm trong Truyện Kiều vốn rất phức tạp, từng gây nhiều tranh cãi.

Cách đọc và hiểu hai chữ “song viết” (双曰) xuất hiện nhiều lần trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập và Nguyễn Bỉnh Khiêm chắc chắn là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trong việc nghiên cứu các cá thể chữ Nôm suốt từ giữa thế kỉ XX đến nay, nó thu hút sự tham gia của không dưới 10 nhà nghiên cứu. Không yên tâm với cách hiểu thiên về phân tích tự hình chữ Nôm của các nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm (1956), Đào Duy Anh (1962), Đỗ Văn Hỉ (1967), GS Nguyễn Tài Cẩn trong các năm 1974 và 1975 đã đề xuất và tiến hành một cách tiếp cận mới toàn diện hơn, xuất phát từ tự hình để đi sâu vào phân tích ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp, liệt kê tất cả các khả năng có thể đọc và hiểu hai chữ đó, tham bác nhiều đối chứng từ các ngôn ngữ lân cận, kiểm tra trong các từ điển tiếng Việt trước thế kỉ XX, sàng lọc và thận trọng loại bỏ những khả năng phi thực hữu, từ đó gút lại một cách đọc rất mới mẻ là “rông vát” cho hai chữ Nôm đặc dị này, rồi lại kiểm tra tất cả các khía cạnh nghĩa của hai chữ ấy (7 khía cạnh nghĩa) trong các văn cảnh xuất hiện của chúng, và rồi với tất cả sự cẩn trọng cần thiết của một nhà khoa học, ông vẫn đề nghị để tồn nghi giải pháp trên, chờ nghiên cứu thêm. Dù cho sau này có thêm nhiều nhà nghiên cứu (Ngô Đức Thọ, An Chi, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thế…) tham gia tranh luận với các quan điểm ít nhiều khác nhau và khác với thuyết “rông vát”, nhưng phương pháp nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và thận trọng mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã áp dụng để đi đến kết quả ấy mãi là một tấm gương cho các nhà nghiên cứu sau này học hỏi.

Xét trên bình diện văn bản tác phẩm Nôm thì xưa nay không có hệ thống văn bản nào phức tạp bằng hệ thống văn bản Truyện Kiều. GS Nguyễn Tài Cẩn trong khoảng 10 năm đầu thế kỉ XXI đã liên tục cho vấn thế những công trình nghiên cứu có uy tín về văn bản và từ ngữ văn Nôm hệ thống văn bản phồn tạp ấy, tập trung nhất là 3 cuốn sách mà nhan đề đều mở đầu bằng “Tư liệu Truyện Kiều…” (2002, 2004, 2008).
Khởi đi từ những gợi ý về mặt nghiên cứu văn bản và từ ngữ của học giả Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Tài Cẩn từ những năm cuối thế kỉ XX đã đi sâu nghiên cứu vấn đề văn bản và ngôn ngữ Truyện Kiều theo hướng “tầm nguyên”, đi tìm “nguyên lời Nguyễn Du”, để đến năm 2002, cuốn chuyên khảo đầu tiên về bản Duy Minh Thị 1872 được ra mắt bạn đọc. Việc khảo cứu cụ thể một văn bản Truyện Kiều trong mối tương quan so sánh với những văn bản khác trong hệ thống văn bản Truyện Kiều không hẳn là một vấn đề quá mới (từ năm 1999, Thế Anh đã in cuốn sách phiên âm và khảo dị bản Kiều Oánh Mậu 1902: Đoạn trường tân thanh: Truyện Kiều đối chiếu Nôm – Quốc ngữ, NXB Văn học, 1999), nhưng cuốn sách trên của GS Nguyễn Tài Cẩn đã tự “biệt thành nhất gia” bởi tính chất khoa học và mới mẻ của nó.

Cuốn sách bàn đến bản Duy Minh Thị 1872 từ 3 khía cạnh (tương ứng với 3 phần nội dung sách): nghiên cứu văn bản, phiên Nôm, biện giải từ ngữ; cả 3 khía cạnh này đều được trình bày với nhiều ý tưởng mới lạ. Trong nghiên cứu văn bản, GS đặc biệt chú ý đến hiện tượng kiêng húy (hướng đi mà sau này ông tiếp tục đi sâu hơn) để tìm mối liên hệ giữa bản Duy Minh Thị 1872 với nguyên tác của Nguyễn Du. Về phiên âm, với những nghiên cứu sâu sắc về văn tự học chữ Nôm trước đó, GS đã công bố một bản phiên âm với nhiều giả thiết từ ngữ khá lạ lẫm và thú vị đối với giới “Kiều học”. Về biện giải từ ngữ, GS đã phát huy được sở trường ngữ âm học lịch sử, từ vựng học lịch sử và phương ngữ học của mình để tiến hành sàng lọc và lập luận về cách đọc, cách hiểu với từng trường hợp từ ngữ trong bản Duy Minh Thị 1872; phần này chính là điểm then chốt của cuốn sách, để cho nó có thể “biệt thành nhất gia”. Cách thức nghiên cứu trong cuốn sách này có giá trị gợi hướng cho các nhà nghiên cứu khác bắt tay thực hiện công việc ít nhiều tương tự đối với các văn bản khác nằm trong danh sách những bảnTruyện Kiều chữ Nôm có niên đại sớm nhất hiện biết: Liễu Văn đường 1871, Nguyễn Hữu Lập 1870, Liễu Văn đường 1866, Thịnh Mĩ đường 1879. Dù cho sau này có những nghiên cứu khác với GS về quan điểm văn bảnTruyện Kiều (Đào Thái Tôn, Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều: bản Liễu Văn đường 1871, NXB Khoa học Xã hội, 2006), nhưng chính ý kiến khác biệt ấy, như tác giả của nó thừa nhận, đã được gợi ý từ phương pháp nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn và công trình nghiên cứu về bản Duy Minh Thị 1872 của GS Nguyễn Tài Cẩn. Lại một lần nữa chúng ta được thấy tính năng sản về mặt phương pháp nghiên cứu của các công trình khoa học mà GS để lại cho đời. Phương pháp nghiên cứu nghiêm cẩn và khoa học ấy vẫn tiếp tục được thực hiện nhất quán trong hai cuốn sách mà GS in sau này (2004, 2008), tạo thành một “trilogy” (bộ ba) công trình nghiên cứu văn bản và từ ngữ Truyện Kiều mà người ta có thể dễ dàng nhận ra kể cả khi chúng không được dán nhãn “made by Nguyễn Tài Cẩn”. Đây chính là một xu hướng nghiên cứu quan trọng cần triển khai trong ngành “Kiều học” thế kỉ XXI mà người đặt những viên gạch nền tảng, không ai khác, chính là GS Nguyễn Tài Cẩn.

___________________________________________________

Danh mục công trình nghiên cứu chủ yếu về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn

1. Nguyễn Tài Cẩn (1971), Cứ liệu ngữ âm lịch sử với vấn đề thời kì xuất hiện của chữ Nôm, in trong: Tạp chí Ngôn ngữ, số 1; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 86-118.
2. Nguyễn Tài Cẩn (1972), Bổ sung thêm một số cứ liệu ngữ âm lịch sử có liên quan đến vấn đề thời kì xuất hiện chữ Nôm, in trong: Thông báo khoa học Trường Đại học Tổng hợp (Văn học – Ngôn ngữ), tập V, Hà Nội, 1972; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 119-137.
3. Nguyễn Tài Cẩn (1974), Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ “song viết”, in trong Tạp chí Văn học, số 2/1974; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 181-209.
4. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Bàn thêm về “song viết? song biết? song kiết?”, in trong: Tạp chí Văn học, số 6/1975; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 210-227.
5. Nguyễn Tài Cẩn,N.V. Stankevitch (1976), Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm, in trong: Tạp chí Ngôn ngữ, số 2: tr. 15-25; số 3: tr. 14-24. [Bài viết này được in lại nhiều lần trong một số cuốn sách về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn].
6. Nguyễn Tài Cẩn (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội; tái bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
7. Nguyễn Tài Cẩn,N.V. Stankevitch (1981), Chữ Nôm, một thành tựu văn hóa của thời đại Lí – Trần, in trong: Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lí – Trần, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 476-516.
8. Nguyễn Tài Cẩn (1985), Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985. [Cuốn sách này bao gồm 10 bài nghiên cứu, chủ yếu đã công bố rải rác từ năm 1971 đến năm 1981. Đây cũng là danh tác khoa học quan trọng nhất của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực nghiên cứu chữ Nôm].
9. Nguyễn Tài Cẩn (1987), Văn hóa chữ Hán và ngôn ngữ Việt Nam: vai trò của các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt hiện đại, in lần đầu bằng tiếng Nhật trong cuốn Hán tự dân tộc quyết đoán, Tokyo, 1987; in lại bằng tiếng Việt trong: Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 424-439.
10.Nguyễn Tài Cẩn (2001), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
11.Nguyễn Tài Cẩn (2002), Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
12.Nguyễn Tài Cẩn (2004),Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & NXB Văn học.
13.Nguyễn Tài Cẩn (2008), Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh, NXB Giáo dục.

______________________________________________________________

Posted in Chân dung các nhà ngôn ngữ học, Lịch sử tiếng Việt, Ngôn ngữ và văn hóa | Thẻ: , , | 1 Comment »

Sông nước trong tiếng miền Nam

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 11, 2010

Trần Thị Ngọc Lang

Nam bộ là vùng đất sông nước, ruộng vườn. Sông rạch chằng chịt gắn bó bao đời với sinh hoạt, chi phối đời sống kinh tế cũng như đời sống tinh thần của con người. Bài viết này muốn nhấn mạnh tác động của thiên nhiên đến môi trường sống, đến tính cách, tâm lý của con người và tính cách, tâm lý đó sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn từ đặc trưng của mỗi vùng, miền.

Nam bộ là miền đất nhiều sông lắm rạch. Số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng liên quan đến sông nước vì vậy vô cùng phong phú, là nguồn đóng góp của phương ngữ Nam bộ vào ngôn ngữ toàn dân (NNTD): rạch, xẻo, con lươn, bùng binh, tắt, rỏng, vàm, lung, láng, bưng, bàu, cù lao, cồn, giồng…; nước lớn, nước ròng, nước rong, nước nổi, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương…; ghe, tam bản, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng… Những từ ngữ này không chỉ đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân vùng đất này, là yếu tố cấu tạo của nhiều địa danh mà còn phản ánh bối cảnh sáng tác của những câu hò, điệu hát dân gian và là mảnh đất tốt để nhà văn, nhà thơ khai thác.

Ngoài những ý nghĩa chung phản ánh những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên, nhiều từ ngữ sông nước còn được dùng theo nghĩa phái sinh để gọi tên những sự vật, hiện tượng khác theo cách mở rộng nghĩa. Năm 1895, Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quốc âm tự vị đã định nghĩa từ bùng binh: “khúc sông rộng phình tròn ra”. Đến năm 1970, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nghĩa từ bùng binh là “khu đất rộng nối các trục đường trong thành phố”: bùng binh Ngã Sáu, bùng binh Ngã Bảy… Như vậy một từ chỉ sông nước đã được dùng để gọi tên giao lộ của các con đường trong thành phố.

Nếu phương ngữ Bắc bộ gọi loại ôtô lớn chở hành khách trên các tuyến đường dài, thường là các đường liên tỉnh là ôtô ca (hay xe ca, xe khách) thì phương ngữ Nam bộ gọi là xe đò theo nghĩa đò là “thuyền chở khách trên sông nước theo một tuyến nhất định”.

Trong Từ điển tiếng Việt (viện Ngôn ngữ học), quá giang là “đi đò ngang qua sông”. Ngoài nghĩa đó, phương ngữ Nam bộ còn có thêm cách dùng phổ biến “đi nhờ một phương tiện vận tải nào đó” (vẫy xe xin đi quá giang một đoạn).

Khi thuyền chở đầy và nặng, không thể chở hơn được nữa, người ta nói là thuyền khẳm: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm…” (Nguyễn Đình Chiểu). Phương ngữ Nam bộ còn mở rộng nghĩa của khẳm là “quá nhiều, quá sức chứa”. Ví dụ: tiền vô khẳm, lời khẳm, thêm một ly nữa là khẳm… Chìm xuồng cũng thường được dùng ở nghĩa bóng: “cố ý bỏ qua, không đề cập tới nữa”: vụ đó kể như xử chìm xuồng rồi.

Phần lớn làng xã ở Nam bộ đều nằm hai bên bờ sông rạch. Từ đây dẫn đến một đặc điểm là đặt địa danh gắn liền với sông nước. Nhiều địa danh ở các tỉnh Nam bộ và TP.HCM mang tên nhóm từ sông nước này: Bàu Mây, Cồn Phụng, Cù Lao Dài, Giồng Trôm, Giồng Quéo, Láng Cò, Rạch Cá Trê, Rạch Cá Lóc, Rạch Bà Mụ… (Bến Tre); Vàm Cỏ (Long An); Vàm Cống (An Giang); Tắt Thủ (Cà Mau); Bàu Nai, Bàu Cát, Giồng Ông Tố, Bưng Sáu Xã, Rạch Chiếc, Rạch Miễu, Láng Le, Láng Thé, Rỏng Tràm, Rỏng Bàng, Vàm Sác… (TP.HCM).

Nếu so sánh địa danh ở các tỉnh Nam bộ với địa danh ở các tỉnh Bắc và Trung bộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy tính bình dị, dân dã của địa danh Nam bộ, trong đó các địa danh có từ ngữ sông nước kết hợp với danh từ chỉ động vật, thực vật, tên người nổi tiếng trong vùng… chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Những hình thức văn học dân gian như ca dao, hò, lý, cải lương… cũng đã khai thác và phản ánh những hình tượng thiên nhiên, tâm tư, tình cảm con người… qua những từ ngữ sông nước này. Trong ca dao Nam bộ, hình ảnh ghe xuồng, sông rạch xuất hiện với tần số cao.

Trong số các nhà văn Nam bộ, nhà văn lão thành Sơn Nam đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác và khảo cứu về vùng đất và con người Nam bộ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về Sơn Nam: “Là nhà văn, đi đâu anh cũng quá giang theo xuồng ghe của thương hồ. Anh đi sông lớn, sông nhỏ, theo kinh theo rạch, anh đi khắp cả sông nước miền Tây” (tạp chí Sông Hương, số 235, 9.2008). Bởi thế không lạ gì khi những từ ngữ sông nước xuất hiện nhiều trong các truyện và ký của Sơn Nam:

– Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa, nối liền qua những lung, bàu, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách… (Hương rừng, tập Hương rừng Cà Mau).

– Dưới sông, từng dề lục bình trôi theo ngọn nước ròng (Giấc mơ ngoài bãi tha ma, tập Hương rừng Cà Mau).

– Bấy lâu nay, ở vùng sông nước chằng chịt với chợ làng, chợ nổi ven sông, đêm thanh vắng nghe những câu hò, câu lý xen nhau dài theo con rạch, con kinh dường như vô tận, qua khúc loi, khúc vịnh, về đêm, trên nhánh bần gie có đóm đậu sáng ngời. (Từ U Minh đến Cần Thơ, Hồi ký).

Một nhà văn khác – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – sớm thành công và nổi tiếng với những sáng tác đậm chất Nam bộ, cũng viết về vùng đất và con người Nam bộ với ngôn ngữ vừa bình dị vừa tinh tế. Trong các tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, những từ ngữ sông nước cũng được sử dụng khá nhiều và giàu giá trị biểu cảm.

(Theo SGTT)

Posted in Danh học, Ngôn ngữ nghệ thuật, Ngôn ngữ và văn hóa, Tiếng địa phương | Thẻ: , , , , | 1 Comment »

HỖN NHẬP NGÔN NGỮ – MỘT GIẢI PHÁP HIỆN ĐẠI HÓA TIẾNG VIỆT THEO QUAN ĐIỂM PHẠM QUỲNH

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 1, 2010

Đặng Hoàng Oanh

Giai đoạn đầu thế kỉ XX đánh dấu những biến đổi sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các nhà văn học sử thường gọi đó là “giai đoạn giao thời”. Đây cũng là thời kì Việt Nam ở giữa “giao điểm của các nền văn minh” [4, tr.116]. Sự gặp gỡ giữa sức mạnh khoa học kĩ thuật phương Tây và minh triết thâm trầm phương Đông, cùng hai đối cực động – tĩnh đã phá vỡ hoàn toàn sự cân bằng vốn có của xã hội cũ đã tồn tại hàng ngàn năm. Điều đó đã tạo nên “trạng thái bất ổn về tinh thần có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển đầy điện tích dông bão” [4, tr.340]. Phạm Quỳnh đã nhận ra tình trạng bất ổn ấy, và ông xem đó là những dấu hiệu khủng hoảng của văn hóa dân tộc trên con đường hòa nhập với phương Tây. Ông nhận thức một cách rõ ràng: nền văn hóa dân tộc đang cần một cuộc cải cách lớn. Trong hàng loạt những công việc phải tiến hành, có một việc hết sức cấp thiết: hiện đại hóa tiếng Việt. Điều này xuất phát từ mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và ngôn ngữ. Phạm Quỳnh tâm niệm: “muốn có một nền văn hóa dân tộc thì phải tồn tại một ngôn ngữ dân tộc hoàn thiện xứng đáng là ngôn ngữ văn hóa” [4, tr.457].

Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, thuộc về văn hóa. Nếu như “lịch sử mọi nền văn hóa không chỉ là sự phát triển tự thân nó mà còn là lịch sử của mối quan hệ giữa nó với các nền văn minh khác” [2], thì ngôn ngữ cũng không “đơn độc” trên con đường tự hoàn thiện. Bởi vậy, khái niệm “hỗn nhập ngôn ngữ” không còn là điều quá mới mẻ. Lịch sử cho thấy, ngôn ngữ của mỗi một dân tộc đều phải trải qua thời kì vay mượn và biến đổi. Vì thế, theo Phạm Quỳnh, hỗn nhập ngôn ngữ là quy luật không thể tránh khỏi đối với bất kì ngôn ngữ nào. Ông thấy rõ quá trình này ở những ngôn ngữ đã đạt đến độ hoàn thiện và chuẩn mực như tiếng Pháp – thứ ngôn ngữ có cả một lịch sử hỗn nhập tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Tiếng Việt không thể là một ngoại lệ.

Có một thực tế, công cuộc hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc diễn ra những năm đầu thế kỉ XX ở Việt Nam không khởi đầu từ một “vùng đất trắng”. Tiếng Việt văn hóa trước đó đã có cả một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Đó là một thứ tiếng có bản sắc riêng, có sức sống mạnh mẽ. Trải qua hai cuộc tiếp xúc bằng con đường cưỡng chế, văn hóa Việt Nam đã cho thấy một khả năng thích nghi, hòa nhập như một điều kiện sống còn. Cuộc “cấy ghép” những yếu tố văn hóa ngoại lai đầu tiên thể hiện ở việc du nhập Nho giáo và văn tự Hán vào đời sống của người Việt. Chữ Hán ở nước Nam “có vai trò gần giống như chữ Latinh ở các nước Âu châu thời trung cổ trước khi hình thành các ngôn ngữ dân tộc khác nhau” [4, tr.436]. Tiếng Hán và văn tự của nó là phương tiện chính thống, là công cụ đắc lực trong bộ máy hành chính, trong hoạt động thi cử và sáng tác văn chương. Tất cả, từ các loại sách vở cho đến thư từ cá nhân… đều được viết bằng chữ Hán. Chữ Hán gắn với một nền học thuật kinh viện và nền văn học viết suốt cả chục thế kỉ. Sự xuất hiện của chữ Nôm sau đó cũng không phá vỡ được thế độc tôn của chữ Hán trên các phương diện của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.

Chữ Nôm ra đời đã cho thấy một nỗ lực tìm kiếm bản sắc riêng cho ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, vốn là “tên gọi của cách viết biểu ý trong thời cổ đại và trung đại của tiếng Việt dựa trên những thành tố của chữ Hán” [5], chữ Nôm vẫn không thể thoát thai khỏi những đường nét của văn tự Hán. Do vậy, nền văn học chữ Nôm dù có những tác phẩm đạt đến độ chuẩn mực của tiếng Việt, vẫn không thể có được vị trí của nền Hán văn kinh viện. Phạm Quỳnh hiểu ra rằng: “Chỉ có một ngoại lệ vào hồi đầu thế kỉ XIX: một nhà nho là Nguyễn Du đã viết Nôm cả một cuốn Kim Vân Kiều truyện, cuốn tiểu thuyết bằng thơ đó thực sự là một kiệt tác, nó cho thấy những khả năng của tiếng Nam và một khi nhà văn có tài sử dụng nó thì có lợi đến đâu” [4, tr.437].

Bên cạnh nền văn học viết Hán Nôm, trong dân gian vẫn tồn tại một dòng chảy đầy thi vị: một kho tàng nghệ thuật độc đáo của tác giả dân gian. Trong con mắt Phạm Quỳnh, những sáng tác đó “là một trong những nền văn học phong phú nhất thế giới, một cái mỏ không vơi cạn những điều chỉ dẫn quý báu cả cho những người nghiên cứu ngữ học và những nhà văn hóa dân gian” [4, tr.437]. Ông hình dung: “Trong khi các nhà nho khép mình trong tháp ngà vui thú viết những bài thơ chữ Hán giống như các bài thơ chữ Latinh vậy hoặc là bình chú sách cổ, thì dân chúng làm hình thành tiếng nói và sản sinh ra một nền văn học phong phú bao gồm các câu phương ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ nói về những chuyện xa xưa hay các tập tục từng vùng quê, các bài ca dao dài ngắn kể chuyện những người tài, những danh nhân lịch sử của nước Nam, của Trung Hoa, những anh hùng truyền thuyết hay có thật, các bài dân ca huê tình dịu dàng, mượt mà ngân lên trong những đêm hè dưới mái nhà tranh nhỏ bé hay giữa ruộng đồng ao hồ bao la và như dội lại trong không gian vắt vẻo lên tới đỉnh ngọn tre xào xạc” [4, tr.437]. “Trong khi các nhà nho say sưa vịnh cảnh và người Trung Hoa thì các ca sĩ dân gian đã tìm được chất giọng như thế để thổ lộ tình yêu trắc trở, để gợi nhắc kỉ niệm bùi ngùi” [4, tr.438]. Song nền văn học dân gian thấm đẫm chất huê tình và đầy mộc mạc quê mùa ấy vẫn có một sự cách biệt quá xa so với cái mẫu mực văn học của nho gia.

Vì thế, cơn gió phương Tây đầu thế kỉ thổi vào Việt Nam không khác gì giọt nước làm tràn ly. Yếu tố có thể làm thay đổi cơ bản bộ mặt văn hóa Việt Nam là chữ quốc ngữ – một trong những thành quả đầu tiên của sự tiếp xúc Đông Tây. Bởi “khi mà hệ thống nhà trường truyền thống chỉ dạy tiếng Hán vẫn còn sống vật vờ”, “tiếng Nam không phát triển lên được và bị liệt vào hàng nôm na mách qué bị tầng lớp nhà nho coi thường” [4, tr.439], thì sự xuất hiện của chữ quốc ngữ dường như đã đem triển vọng mới cho sự phát triển của tiếng Việt văn hóa. Phạm Quỳnh đã đặt vào đó tất cả mọi hi vọng lớn lao mà theo ông là “công cụ tuyệt diệu để giải phóng trí tuệ” [4, tr.439]. Trong một lần diễn thuyết trước người Pháp, ông khẳng định: “thứ chữ này nhờ sử dụng bảng chữ cái Latinh và hệ thống ghi âm vô cùng thích hợp với các ngữ điệu của tiếng nước tôi, đã xích chúng tôi lại gần hơn nữa với các chữ viết châu Âu và đã cho chúng tôi một ưu thế vô giá đối với các chữ viết Trung Hoa và Nhật Bản” [4, tr.439].

Tuy nhiên, chữ quốc ngữ với tuổi đời còn non trẻ, vẫn là một hiện tượng mới mẻ và xa lạ với các sĩ phu nho sĩ nước Nam. Phạm Quỳnh biết rất rõ rằng: “Thực tế là mãi gần đây chữ quốc ngữ vẫn không vượt qua được bậc cửa của các giáo đoàn và chủng viện và những người Nam đầu tiên biết dùng thông thạo thứ chữ đó là các giáo sĩ cơ đốc” [4, tr.440]. Trong khi đó, chữ Hán và nền giáo dục lỗi thời kiểu Tàu vẫn giữ một vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Văn xuôi chữ Hán vẫn đầy rẫy những lối viết biền ngẫu đăng đối đầy bóng bẩy, du dương. “Chữ Hán đã tiêm nhiễm vào trong trí não người nước Nam sâu lắm rồi, đã thành cái biểu hiện tự nhiên cho tư tưởng cảm giác của người mình trong mấy mươi thế kỉ nay” [3, tr.51]. Chính thực trạng bộn bề đó đã đặt ra một yêu cầu cấp thiết, đó là hiện đại hóa tiếng Việt bằng con đường hỗn nhập ngôn ngữ. Chỉ có hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc và thống nhất ngôn ngữ trên toàn lãnh thổ thì mới thực thi được những nhiệm vụ tiếp theo trên tiến trình cải cách văn hóa nước nhà.

Phạm Quỳnh hiểu một cách sâu sắc mối quan hệ máu thịt giữa ngôn ngữ và văn hóa, giữa ngôn ngữ với đời sống tâm hồn dân tộc. Trong nhận thức ấy, khi hình dung về một chiến lược cần thiết cho sự phát triển tiếng Việt theo hướng hiện đại hóa, ông phải tính đến vị thế và tương quan của từng thành phần ngôn ngữ trong bức tranh chung tiếng nói dân tộc. Chẳng hạn, trong lịch sử tiếng nói nước Nam, có sự cách biệt khá lớn giữa ngôn ngữ nhà nho và ngôn ngữ dân chúng. Ngôn ngữ nhà nho luôn được xem là ngôn ngữ chính thống, trái ngược hoàn toàn với khẩu ngữ trong sinh hoạt. Phạm Quỳnh đã nhận ra sự hạn chế trong nội bộ của mỗi bộ phận ngôn ngữ ấy. “Ngôn ngữ nhà nho dù sao vẫn chỉ là thứ ngôn ngữ nhân tạo đầy rẫy những kiểu cách vay mượn từ tiếng Hán, đồ theo văn phong Hán” [4, tr.475], còn “tiếng nói dân gian thú vị và phong phú, sinh ra từ chốn thôn quê đồng ruộng nhưng còn thô phác, còn quá cụ thể chưa vươn lên được cao hơn những cảm quan, chưa diễn tả được những tư tưởng có phần cao siêu, tóm lại là một thứ tiếng nói có thể nói là còn hỗn loạn, ngoài khuôn phép” [4, tr.448]. Để khắc phục những điểm yếu có tính truyền thống ấy, theo ông, bộ phận ngôn ngữ này có thể rút tỉa từ bộ phận ngôn ngữ kia những ưu điểm mà mình không có để tự hoàn thiện. Chẳng phải ngôn ngữ nhà nho rất cần một chút mộc mạc, thô phác của khẩu ngữ, còn ngôn ngữ dân chúng lại cần một chút khuôn mẫu, sâu sắc? Thực chất, đây cũng là một kiểu hỗn nhập.

Phạm Quỳnh đã vạch ra một cách thức có “bài bản”, có “lộ trình” hẳn hoi cho việc cải tạo tiếng nước Nam. Bước đi thứ nhất là thông tục hóa ngôn ngữ nhà nho bằng cách “nhúng” nó vào nguồn mạch sâu xa của khẩu ngữ; nâng cao ngôn ngữ dân chúng bằng cách thêm vào nó một số ngữ điệu văn chương và bồi đắp cho nó tất cả những từ Hán Việt đã được công nhận sử dụng. Công việc này đòi hỏi phải khéo léo và có mức độ. Đó là một sự cải biến kiên trì, chỉ có thể làm được khi có sự hiểu biết sâu sắc cả hai bộ phận ngôn ngữ. Khi đã hạn chế được sự thô thiển của khẩu ngữ cũng như sự khoa trương của văn chương bác học, tiếng Việt sẽ “vừa có cái thanh lịch của nhà nho vừa có cái mạnh mẽ của dân chúng” [4, tr.476]. Những công việc cụ thể ấy không hề là lý thuyết suông, trái lại, có thể thực thi được. Sau này, khi chúng ta kêu gọi các trí thức, các nhà văn phải học tập ngôn ngữ đời sống, thì quan điểm đó chẳng phải đã được khởi xướng từ ông chủ Nam Phong tạp chí từ những năm 20 – 30 của thế kỉ XX đó sao? Với lòng yêu thiết tha thứ khẩu ngữ giản dị, mộc mạc, trong sáng của những kẻ mà ông gọi là bình dân du ca, thái độ tôn trọng ngôn ngữ bác học đã theo suốt con đường học thuật của nho sĩ, phần nào tạo nên nhân cách nhà nho trong ông, Phạm Quỳnh đã đưa ra ý tưởng dung hòa rất kịp thời nhằm bước đầu tháo gỡ những bế tắc. Trên con đường đổi mới tiếng Việt lâu dài và khó khăn, Phạm Quỳnh đã đưa ra một “dự án” dẫu có phần “lãng mạn”, nhưng ở thời điểm đó, ít ai nghĩ được như ông.

Nhưng đó mới chỉ là những “viên gạch” đầu tiên của một công trình kiên cố về sau. Phạm Quỳnh hiểu rằng: “thứ ngôn ngữ sinh ra từ sự hợp nhất hai yếu tố dân gian và bác học nếu trong quá trình tự hoàn thiện mà có thể trở thành một ngôn ngữ văn học thực sự thì như vậy vẫn chưa đủ để nó làm nhiệm vụ của một ngôn ngữ văn hóa. Nó vẫn thiếu vốn từ kĩ thuật và triết học để dịch và diễn tả các tư tưởng và quan niệm hiện đại” [4, tr.476]. Làm thế nào lấp được chỗ trống? Câu trả lời chính là vay mượn ngôn ngữ.

Trước hết là vay mượn từ tiếng Hán.

Không ít lần trong những bài viết của mình, Phạm Quỳnh khẳng định tính tất yếu của sợi dây ràng buộc giữa Việt Nam và Trung Hoa ở nhiều phương diện. “Nước Nam bao giờ cũng chỉ là một học trò của Trung Hoa. Trong nghệ thuật, văn học, triết học, nó luôn sống dựa vào kho tàng quan niệm chính truyền từ Trung Hoa” [4, tr.445]. Ngôn ngữ cũng vậy. Rời bỏ chữ Hán, theo Phạm Quỳnh chỉ là sự “bội bạc với tiền nhân”. Hơn nữa sự vay mượn ấy hoàn toàn không làm mất đi bản sắc riêng của tiếng Việt, mà còn làm giàu tiếng Việt một cách vô điều kiện: “Các từ Hán là từ biểu ý chỉ cần chữ ghi lại không cần đến phát âm; khi chuyển qua tiếng Nam chúng được phát âm theo kiểu tiếng Nam, phục tùng mọi yêu cầu ngữ âm của tiếng Nam và do đó trở thành những từ của tiếng Nam” [4, tr.476]. Đó chính là hiện tượng “nhập tịch ngôn ngữ” đặc biệt. Nó đi theo hai nguyên tắc bất di bất dịch. Thứ nhất, “không vay mượn thô thiển từ ngữ tiếng Hán nằm trong khẩu ngữ, bạch thoại…mà vay mượn ở một cái kho chung là tiếng Hán, một thứ tử ngữ chung cho tất cả các dân tộc vùng Viễn Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa” [4, tr.447].Thứ hai, chỉ vay mượn trong trường hợp thật sự cần thiết, khi tiếng Việt chưa thể biểu đạt hết mọi ý nghĩa, bởi theo ông, “viết câu tiếng Nam đầy những từ Hán khó hiểu cũng lố bịch như là bài trừ tất cả các từ Hán để chỉ dùng từ Nam không thôi” [4, tr.478].
Vậy, sự vay mượn diễn ra như thế nào?

Theo Phạm Quỳnh, thoạt tiên, sự vay mượn đó diễn ra ở cấp độ từ ngữ. Chữ Hán là “chữ biểu ý đặc biệt thích hợp để thể hiện các tư tưởng”, cho nên “lớp từ vựng trừu tượng, từ vựng chỉ các tư tưởng, khoa học, luân lý, chính trị, triết học” khi gia nhập vào kho từ vựng của tiếng Việt sẽ làm phong phú thêm vốn từ và tăng khả năng biểu đạt. Phạm Quỳnh cũng nhận ra ưu thế tuyệt đối của chữ Hán chính là “khả năng kết hợp vô tận”, thậm chí “đạt tới trình độ đủ để dịch tất cả các thuật ngữ chuyên môn của triết học hiện đại giống như hơn nghìn năm trước nó đã được dùng để dịch tất cả hệ thuật ngữ triết học Phật giáo còn trừu tượng và phức tạp hơn nhiều” [4, tr.450]. Dầu vậy, hiện tượng “nhập tịch” ngôn ngữ đó cũng phải được nhìn từ hai chiều. Ngoài việc phải chọn từ sao cho thích hợp, đích đáng để thể hiện hết mọi vẻ đẹp của nó trong văn phong Việt, còn phải tùy vào “tính cách và trình độ của bài văn” [3, tr.64]. Không phải kiểu văn bản nào cũng thích hợp cho việc vay mượn từ mà còn phải phù hợp với cái gọi là “tính cách văn”. Những kiểu bài như nhật báo mà yếu tố tin tức đặt lên đầu thì việc dùng chữ Nho là không cần thiết. Những văn bản mà Phạm Quỳnh gọi là “văn kĩ thuật” tức là văn sử, văn nghị luận, văn thuyết lý thì chữ Nho mới là đắc dụng.

Chữ Nho còn có thế mạnh thể hiện vai trò là ngôn ngữ trung gian trong việc phiên âm một số danh từ riêng từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. “Chúng tôi đã phiên âm tên Napoleon thành ba từ Hán Nam: Nã-phá-luân đọc lên nghe rất vang và có âm sắc thực sự của một chiến binh tuyệt vời. Theo cách đó, tên Washington (Hoa-thịnh-đốn) nghe cũng rất dễ chịu. Và tên Paris được phiên thành Pha lê thành (thành phố thủy tinh) thì thật không lựa chọn nào tốt hơn” [4, tr.452].

Thực tế cho thấy, từ Hán Việt chiếm một số lượng lớn và là một phần không thể thiếu trong kho từ vựng của tiếng Việt. Phạm Quỳnh nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần tính chất cần thiết của vay mượn từ vựng giống như tiếng Pháp và tiếng Latinh.
Tiếp đó, tiếng Việt không thể không vay mượn tiếng Pháp.

Vốn từ tiếng Pháp du nhập vào kho từ vựng tiếng Việt không nhiều. Nhưng tiếng Việt lại rất cần ở tiếng Pháp cái cấu trúc khoa học, đầy lí tính của nó. Nghĩa là, tiếng Việt cần vay mượn tiếng Pháp cả từ vựng lẫn cú pháp.

Tiếng Pháp đã đưa lại cho tiếng Việt tinh thần hoàn toàn mới với lớp từ mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. “Những vay mượn này gồm có những từ ngữ Pháp dịch sang những từ ngữ Nam tương đương, có khi là phiên âm những từ Pháp sang âm tiếng Nam hay có khi là phiên âm những từ Pháp vào tiếng Nam hay có khi đưa nguyên xi các từ Pháp vào tiếng Nam, mặc dù bản chất hai thứ tiếng khác nhau: một tiếng đa âm tiết còn một tiếng đơn âm tiết. Nhưng quy luật cuộc sống thực bắt buộc những vay mượn đó ngày càng nhiều lên và ngày càng làm giàu cho tiếng nước tôi ở mức độ đáng kể” [4, tr.449]. Phạm Quỳnh khuyến khích sự vay mượn “những lớp từ vựng của các khoa học cụ thể như vật lý, hóa học và các môn tự nhiên, đối với tên riêng lịch sử và địa lý” [4, tr.450]. Điều này cũng dễ hiểu, bởi tiếng Pháp biểu hiện một kiểu tư duy thiên về tính xác thực, rõ ràng và logic. Sự vay mượn này càng có ý nghĩa khi nhìn ở một góc độ nào đó là sự hài hòa Đông Tây.
Thực tế, tiếng Việt đã vay mượn kĩ thuật sắp xếp và diễn đạt theo kiểu cú pháp, phong cách văn xuôi hiện đại Pháp. Phạm Quỳnh viết: “Có một điều tôi muốn nhấn mạnh: đó là văn xuôi mới của nước Nam – vì sự sáng tạo một thứ văn xuôi của nước Nam là mối quan tâm chính của tôi, còn thơ thì đã đạt đến đỉnh cao trong những tác phẩm như Kiều rồi – rõ ràng là văn xuôi mới đang đi theo mẫu của văn xuôi Pháp và đang tìm cách vay mượn ở đó một số phẩm chất: sáng sủa, chính xác, lôgic, thanh nhã, dí dỏm và hài hước. Nó thận trọng tránh những thứ của văn phong Hán: biền ngẫu, đăng đối, rờm rà, suông nhạt, trịnh trọng. Nó sẽ ít mang tính tổng hợp hơn khi bỏ qua những sự ám chỉ và khuôn sáo mà mang tính phân tích nhiều hơn khi đi vào miêu tả chi tiết các hoàn cảnh và con người, các phương diện bên ngoài và trạng thái tâm lí bên trong. Nếu nó kiên trì con đường này, nó sẽ hợp nhất thành công tinh thần Pháp với tinh thần Nam: cái chất Pháp mang lại cho cái chất Nam sự sáng sủa, tính duy lí, còn cái chất Nam trong cuộc tiếp xúc này chỉ mất đi sự mơ hồ và thiếu chính xác, mất đi sự thiếu duy lí và lôgic, mà vẫn giữ lại được tất cả những ưu điểm vốn có: lương tri, hài hước, cân bằng, chừng mực, một cái gì sắc nhọn đối với mọi sự ngu ngốc và kiêu căng của con người” [4, tr.479].

Như vậy, tại thời điểm những năm 20 – 30 của thế kỉ trước, đối diện với một thực tế còn khá mịt mờ về tương lai ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, Phạm Quỳnh đã cố gắng nhìn và vạch ra một con đường cho quá trình hiện đại hóa. Dĩ nhiên, không phải mọi vấn đề trong “dự án” của ông đều mang tính khả thi. Nhưng từ góc nhìn hôm nay, khi vấn đề hội nhập, vấn đề toàn cầu hóa đang đặt ra, khi tiếng Việt đang không ngừng biến đổi (nhất là phương diện từ vựng), ta mới thấy một số luận điểm của Phạm Quỳnh chưa phải đã hết tính thời sự.

Hỗn nhập ngôn ngữ không đơn thuần là lý thuyết Phạm Quỳnh đặt ra để vạch con đường cho ngôn ngữ dân tộc. Đó còn là cả một chiến lược – điều mà ông đã trực tiếp thực thi trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình. Những bài viết của Phạm Quỳnh là bằng chứng thuyết phục nhất cho sự thể nghiệm quyết liệt của một cây bút thiết tha với tiếng mẹ đẻ. Có thể thấy điều đó qua tất cả sản phẩm tinh thần của ông ở tất cả các thể loại, từ dịch thuật, khảo luận đến du kí. Những bài viết đó, với sự chỉn chu trong việc sử dụng từ ngữ, cú pháp điển hình cho một lối viết độc đáo, kiểu văn phong đặc trưng của tiếng Việt văn hóa đầu thế kỉ XX.

Những bài viết của Phạm Quỳnh có phạm vi hiện thực đa tầng, các vấn đề sâu rộng. Điều đó đòi hỏi vốn từ ngữ giàu có để có thể biểu đạt hết mọi ý nghĩa. Đọc Phạm Quỳnh mới thấy được vốn từ phong phú và đầy biến hóa của ông. Đặc biệt, vốn từ Hán Việt và từ vay mượn từ tiếng Pháp đã được Phạm Quỳnh sử dụng đầy linh hoạt, trở thành một công cụ đắc lực để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc.

Phạm Quỳnh sử dụng từ Hán Việt với mật độ cao, nhưng không hề lạm dụng chúng. Bên cạnh những từ đã quen thuộc và dễ hiểu với số đông độc giả đương thời còn có những từ rất lạ tai. Đó phần lớn là những tử ngữ thuộc dạng đặc chủng khó thay thế. Đoạn văn ông miêu tả lễ tế đàn Nam Giao trong bài du kí Mười ngày ở Huế là một trong những ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng từ Hán Việt:

“Hoàng thượng đội mũ miện, mặc áo cổn, tay cầm ngọc trấn khuê (tức là cái hốt bằng ngọc), có hai ông quan võ cầm quạt lông che , bốn ông cầm đèn lồng, cầm nến, rồi mấy ông đi theo sau nữa. Ngài ngự vào nhà đại thứ làm lễ quán tẩy (rửa tay). Bấy giờ quan cung đạo (tức quan Lễ bộ) quỳ tâu rước ngài lên hoàng ốc”.

Có thể thấy, những từ ngữ Hán Việt mang tính chuyên biệt đó lại rất có lợi thế khi tái hiện lại không khí thiêng liêng của một nghi thức hoàng gia. Hơn nữa, với những từ khó hiểu và ít phổ cập như thế, Phạm Quỳnh có sự chú giải rõ ràng khiến cho sự tiếp nhận của độc giả dễ dàng hơn.

Nhìn chung, những đoạn văn như thế không nhiều trong bài viết Phạm Quỳnh. Nhưng, trong những trường hợp cần thiết, Phạm Quỳnh vẫn sử dụng nó như một sự lựa chọn tối ưu, phát huy khả năng biểu đạt miễn là phù hợp với giọng văn của bài viết. Từ Hán Việt là một bộ phận không thể thiếu trong văn Phạm Quỳnh, bởi trên thực tế, nó chiếm một số lượng không nhỏ trong vốn từ tiếng Việt. Mặt khác, Phạm Quỳnh cũng thể hiện quan điểm rất rõ ràng, khoa học, đó là “có sự vay mượn tiện lợi cần thiết và hữu ích” bên cạnh việc “lạm dụng vay mượn bừa bãi”.

Bên cạnh từ Hán Việt, văn Phạm Quỳnh xuất hiện không ít những từ tiếng Pháp. Lớp từ này được dùng với mật độ cao khi gọi tên những địa danh xa lạ trên thế giới. Ví dụ như Mesditerranée (bể Địa Trung Hải), Mer Rouge (Hồng Hải), Hotel Continental (Đại lục khách sạn, Ile de la Table (Bãi Cháy), Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), la perle de l’Extrême Orient (hạt báu của Á Đông), Hotel de Ville (thị sảnh Sài Gòn), La Tribune indigène (Nam Kì tân báo)… Ngoài ra, không thể không kể đến một bộ phận những thuật ngữ văn học, triết học của phương Tây chỉ mới du nhập vào Việt Nam thời gian này. Chẳng hạn thuật ngữ trong kịch có những từ như: actes (hồi), scènes (kịch), noeud dramatique (thắt nút), dé novement (mở nút)…

Đã thành qui luật, hễ nhà văn sử dụng một thứ tiếng làm phương tiện sáng tác văn chương, anh ta không thể nào thoát khỏi dấu ấn của thời đại thể hiện qua ngôn ngữ ấy. Điều này hiển nhiên, bởi ngôn ngữ là sản phẩm của cộng đồng xã hội, nhà văn, dù là thiên tài, cũng không thể tự đặt ra những phép tắc riêng. Đọc bài viết của Phạm Quỳnh, dễ thấy rằng văn ông cũng đầy rẫy những kiểu câu văn biền ngẫu với các vế câu đăng đối, nhạc điệu du dương. Tuy nhiên, ông đã biết kết hợp giữa lối viết truyền thống (chất Nam) và lối viết hiện đại (chất Pháp), phá vỡ thế đăng đối quá chỉnh của những câu văn đó, tạo nên những sản phẩm vừa chưa mất đi tính biền ngẫu, vừa mang dấu ấn của cú pháp hiện đại. Đặc biệt, trong văn Phạm Quỳnh đã bắt đầu xuất hiện những câu văn rất dài, các vế câu được sắp xếp hợp lí và logic, với những kí hiệu cú pháp hiện đại. Điều này cho thấy tư duy phân tích của phương Tây đã bắt đầu hiện diện trong trang viết của Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh không phải là người đầu tiên thể nghiệm chữ quốc ngữ trong văn xuôi. Công đầu trong lĩnh vực này phải kể đến một số nhà văn Nam Bộ đi tiên phong như Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản… Phạm Quỳnh cũng không phải là người duy nhất trăn trở với vận mệnh của tiếng mẹ đẻ, cũng như nỗ lực hoàn thiện văn tự dân tộc. Nhưng có thể nói, ông là một trong những người đầu tiên đã xây dựng một hệ thống luận điểm rất cơ bản, đầy tính khoa học cho lý thuyết “hỗn nhập ngôn ngữ” và thực hiện nó bằng tất cả tâm huyết của mình. Với chức danh chủ bút Nam Phong tạp chí – một tờ báo có ảnh hưởng sâu rộng tới tầng lớp trí thức đương thời -, Phạm Quỳnh đã lôi kéo được những người cùng chí hướng vào công cuộc xây dựng một tiếng Việt văn hóa hiện đại, giàu sức biểu hiện. Phạm Thế Ngũ rất có cơ sở khi cho rằng “trước đó, chưa hề ai đem tiếng Việt viết ra văn xuôi đủ vẻ như thế” [1, tr.193].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Thế Ngũ, (1997), Phạm Quỳnh – Nam Phong tạp chí, in trong sách Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Nxb Đồng Tháp.
[2] Vương Trí Nhàn, (2005), Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 (401).
[3] Phạm Quỳnh – Luận giải văn học và triết học, (2003) Nxb Văn hóa thông tin – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
[4] Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Nxb Tri Thức, 2007.
[5] Wikipedia tiếng Việt

_____________________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt, Ngôn ngữ và văn hóa | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

Tặng phẩm của ngôn ngữ: Thói “ăn” nếp “ở” của người Việt qua cách nói

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 30, 2010

Ngô Nguyên Dũng

Không biết có phải do hoàn cảnh thiếu ăn thiếu mặc từ xa xưa, mà người Á đông nói chung, người Việt nói riêng, đặc biệt quan tâm tới miếng ăn. Ăn không phải chỉ để sinh tồn, mà còn để hưởng thụ: Ăn đứng đầu tứ khoái. Ăn cho sướng miệng cái đã, mấy chuyện khác tính sau.

Ở đâu lúc nào, một mình hay nhiều mình, cũng thấy ăn. Thui thủi, trơ trọi ở nhà, lục lọi coi có cái gì ăn cho đỡ buồn. Ra đường, đi chơi hay lo việc, trước hay sau gì cũng phải kiếm cái gì dằn bụng. Ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, ăn khuya. Vì vậy, trong tiếng Việt có vô số động từ đôi đi chung với “ăn”. Điểm này không thấy có trong ngôn ngữ của các dân tộc khác.

Nhưng “ăn” nhiều khi lại không có nghĩa là “ăn”, mới lạ!

Tụ họp đình đám, lễ lạt giỗ tết, người mình nói “ăn cưới”, “ăn tết”, “ăn giỗ”, “ăn cúng”, “ăn đám ma”, … Từ “ăn” trong những nhóm chữ này rõ ràng là hành động đưa thực phẩm vào miệng, nhai rồi nuốt, không thoát đi đâu được. Giống như “ăn” trong “ăn khín”, “ăn chực”, cũng là “ăn”, nhưng hàm ý không mấy tốt, tới ăn không ai mời, hoặc có mời nhưng sau đó lại nhiếc móc sau lưng: “Cái thằng đó ưa tới nhà mình nhằm giờ cơm để ăn khín mà không biết mắc cỡ!” Nhưng “ăn chực” trong thành ngữ “ăn chực nằm chờ” lại ngụ ý: kiên nhẫn chờ được giải quyết một vấn đề gì đó. Có lẽ bắt nguồn từ xưa: mỗi khi dân chúng từ những nơi xa xôi có việc tới nhà quan ở chợ, ở tỉnh, ở kinh thành, thường đem theo đồ ăn thức uống để lót bụng, vì biết chắc thế nào cũng phải chờ đợi lâu lắc, lắm khi dăm ba ngày liên tiếp; ăn để chực chờ tới lượt được vô hầu quan lớn.
Phong cách ăn uống, nói năng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong truyền thống phong tục, lễ giáo của người Việt. Con cái, đặc biệt là con gái (vì thời xưa không được tới trường), được cha mẹ dạy cho “học ăn, học nói, học gói, học mở”, coi như những chuẩn mực để xử thế và giao tiếp trong gia đình, họ hàng và ngoài xã hội. Nghĩ rộng, thấy bốn món “công, dung, ngôn, hạnh” được gói ghém gần như trọn vẹn trong đó. (Tới đây, người viết xin được mở dấu ngoặc, đặt dấu hỏi lớn về nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ “học gói, học mở” trong thành ngữ này. Tự điển Việt ngữ có vài cách giải thích khác nhau, không biết thực hư ra sao?). Vậy, “ăn” khi đi chung với “nói” được hiểu là đối đãi, cư xử. Nhưng khi cặp kè với “nhậu”, tuỳ theo cách nói, lại có nghĩa hoàn toàn khác: “Chuyện vợ chồng người ta không ăn nhậu gì tới mình, mình xía vô đâm ra mất lòng.” Ở đây, không biết vì nỗi niềm trắc trở gì mà “ăn nhậu” cương quyết chia tay, không còn luyến tiếc chút dư vị nào của “ăn uống, nhậu nhẹt” nữa, để cải trang, đổi lớp thành “dính líu, dính dáng”. Lạ, nhưng không lớn!

Chuyện lớn chỉ thực sự xảy ra, khi “ăn”… lỡ chung chạ với “nằm”. Mẹ quát con gái: “Hả, cái gì? Bộ đui hay sao mà mày ăn nằm với cái thằng trời đánh thánh đâm, lưu manh láu cá đó? Trời ơi là trời, con ơi là con!” Nhất định là phải có “ăn” vô đây thì “nằm” mới trọn nghĩa “tằng tịu” của nó, và được dùng để ám chỉ những trường hợp chung đụng xác thịt không chính thức. Vợ chồng với nhau, không ai (hoặc không nên) nói “ăn nằm”, mà nói “ăn ở”. Khi người vợ rưng rưng nước mắt trách cứ: “Vợ chồng mình ăn ở với nhau bảy mặt con, không còn tình cũng còn nghĩa, mình nỡ lòng nào ăn nằm với con ở. Bây giờ, nó chang bang một bụng, em biết ăn nói sao đây với con cái?” Nghe thương xót biết mấy! Và, “ăn nói” trong tình huống này, có thêm nghĩa “giải thích, làm sáng tỏ”, ở đây là lý do tại sao cái bụng chị ở không dưng càng ngày càng phình 1ớn một cách vô cùng khó hiểu.

Chuyển qua “ăn vụng”. Nghĩa đen ý nói “giải quyết cái đói một cách lén lút”: “Nhà tôi có tật ăn vụng ban đêm, khuya nào cũng thức dậy, xuống bếp lục cơm nguội.” Chuyện không sao cả. Nhưng tới lúc nàng nghiến răng trèo trẹo cảnh cáo: “Tôi nói cho anh biết, anh mà lén tôi đi ăn vụng, tôi biết được, đừng có trách tôi ác!” Và, tới khi bạn gái trề môi nhún mỏ rỉ tai nhau: “Ai kêu, ăn vụng không biết chùi mép, bị vợ đuổi ra khỏi nhà, đáng đời!”, thì chuyện đã… mọc trăng sao, đang tối thành sáng trưng; hành động “ăn vụng” trở mặt, chỉ còn độc nhất một nghĩa bóng: “Đã có gia đình, còn đi ngoại tình.”

Trực tiếp hay gián tiếp cùng nghĩa với “ăn”, trong tiếng Việt có “ăn xin”, “ăn mày”: “Xin” người khác để có miếng ăn, để sinh sống (chữ “mày” trong “ăn mày” ngụ ý gì, có dính dáng gì tới “mày ốc”, “mày ghẻ” hay không, người viết không rõ.) Không riêng gì ở Việt nam, mà khắp nơi trên thế giới, đều có người ăn mày. Thậm chí, như ở Việt nam, có cả làng sống bằng nghề ăn mày, từ đời cha tới đời con. “Ăn mày”, vì vậy, nghiễm nhiên trở thành cái nghề. Để rồi, từ “nghề” chuyển ra “nghiệp”, đâu mấy hồi. Sinh ra, vướng nghiệp “ăn mày”, cuộc đời hẳn nhiên rách, rách lắm. Đâu mấy ai nhờ đó mà “ăn nên làm ra”?

Ở Pháp, tin mạng có trang “Ăn mày văn chương”, nghe rất “ấn tượng”. Nhưng cá nhân tôi không thấu đáo hai chữ “ăn mày” ở đây hàm ý gì. Văn chương chữ nghĩa là tặng phẩm của ngôn ngữ dành cho tất cả chúng ta, nào phải sở hữu riêng ai để mình xin xỏ hay đem bố thí cho người khác!

Qua tới các động từ “ăn cắp”, “ăn trộm”, “ăn cướp” thì đột nhiên “ăn” không còn ý nghĩa là hành động giải quyết cái đói nữa (hay có, nhưng rất gián tiếp), mà: lấy của người khác làm của riêng.
Ca dao có câu:

Con ơi học lấy nghề cha,
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.

Thì ra, không phải chỉ có nghề “ăn mày”, có cả nghề “ăn trộm” nữa kia. Và, cái nghề này hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn nhiều. “Ăn trộm” trúng mẻ, trời ạ, “thu nhập” ngang ngửa tới ba năm làm. Nghe bắt ham!
Dĩ nhiên, đã là nghề thì phải có trường ốc đào tạo, để học viên rành rẽ bài bản sáu câu mùi mẫn sau khi tốt nghiệp học đường “ăn xin”, và có chiến thuật tiến thoái gọn gàng, êm thắm, không để lại dấu vết khi thành tài “ăn trộm”. Theo học trường ốc ở đây, học viên không cần ghi danh, đóng lệ phí, cũng không nên hy vọng sẽ có ngày được… bảng vàng ghi tên. Tất cả mánh mung được “sư phụ” chỉ giáo cho “đệ tử”, và hẳn là… lén lút theo truyền thống dân gian truyền khẩu, cha truyền con nối. Vì vậy, không thấy lưu lại sách vở, tài liệu gì, để hậu bối đưa lên tin mạng cho người viết… tiện việc tra cứu.

Trong văn chương, nữ sĩ Trúc Giang tự thú trong hồi ký “Tình yêu nuôi tôi lớn”, đã “ăn cắp thì giờ của con, của chồng để viết truyện, để làm thơ”. Động từ “ăn cắp” được chị biểu tượng hoá, sử dụng ẩn dụ rất khéo, đọc nghe ái ngại, không biết rồi chị có… bị sao không, có bị chồng con thưa ra toà phạt vạ hay tù tội gì không?

Trong khi “ăn cắp” và “ăn trộm” mang nghĩa lén lút, lặng lẽ, lấm lét lấy “cắp” và lấy “trộm” của người khác làm của riêng, thì “ăn cướp” là dùng võ lực lấy công khai, nhiều khi sử dụng cả dao găm, súng đạn để tước đoạt cho bằng được.

Con ơi nhớ lấy câu này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
.

Khổ cho dân mình quá! Nhưng không phải chỉ có khổ không đâu, cũng có trường hợp dân chúng nhờ cướp mà sướng. Thời xưa, ở Tây có anh hùng Robin Hood, ở Tàu có “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”. Rủi thay, chỉ sướng… ảo, vì các vị anh hùng thảo khấu nêu trên toàn là những nhân vật huyền thoại. Thời nay, tin mạng loan tin, ở Mỹ có anh quản lý ngân hàng “vừa bị tuyên án 41 tháng tù giam vì tội đã lấy tiền ở một số tài khoản của ‘người giàu’ bù vào tài khoản của ‘người nghèo’ tại ngân hàng nơi anh ta làm việc.” Khi bị phát giác, anh được các nhà tâm lý học chẩn bệnh, rằng anh mắc phải “hội chứng Robin Hood”. Dù vậy luật sư vẫn không cứu vãn cho anh được trắng án. Ấy, ngoài “hội chứng ăn cắp”, còn có thêm “hội chứng ăn cướp” nữa kia! Biết đâu chừng, dám có cả “hội chứng ăn chực, ăn khín” nữa, mà khoa tâm lý học chưa tìm ra!
Đàn bà, con gái khi không có gì ăn, tối tối ra đường ăn… sương, riết thành chuyên nghiệp: mang danh “gái ăn sương”, không được ai thương hại, mà còn bêu rếu. Thời đại bây giờ, đàn bà, con gái không còn độc quyền hành nghề này nữa, cả nam giới và, buồn thay, ngay cả thiếu niên nam nữ cũng nhảy vô cạnh tranh. Còn động từ “ăn đêm”, tôi nghĩ, không hẳn đồng nghĩa với “ăn sương”, mà gần với “ăn khuya” hơn. Ngoài ra, còn được dùng để chỉ “hành động đi kiếm mồi trong đêm tối” của muông thú, như trong bài đồng dao ru con:

Con cò mày đi ăn đêm,
đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao…

Ỷ mạnh hoặc vai vế lớn, người miền Bắc nói “bắt nạt”, người miền Nam dùng động từ “ăn hiếp”, thường nghe trẻ con hài tội lẫn nhau: “Thưa cô, trò A ăn hiếp con, mượn con cục gôm, con đòi không chịu trả, còn kí đầu con nữa!”

Khi có kẻ thừa cơ “chôm” của, hoặc đợi anh hùng hảo hán ra tay trước, rồi hùa theo lấy, người Việt mình nói “ăn hôi”. “Ăn tàn” trong thành ngữ “theo đóm, ăn tàn” cũng có nghĩa tương tự như vậy: “Cái thằng đó là hạng người ‘theo đóm ăn tàn’, không hiểu sao mầy ăn ở với nó tới sáu mặt con!” Nghe hèn lắm. Còn “ăn mót” nghe lại thấy tội: “Vợ chồng nó chuyên môn ăn mót lúa của người ta mà sống”, và chẳng có gì đáng hãnh diện, vậy mà tục ngữ có câu:

Muốn ăn cơm ngon, lấy con nhà đi mót.
Muốn ăn canh ngọt, lấy con nhà bắt cua.

Câu đầu, tôi không biết phải hiểu sao cho đúng. Có lẽ ở đây không hẳn chỉ nói chuyện đi mót lúa đem về nấu cơm? Và cả hai câu hàm ý bóng gió, khuyên người đời nên biết chọn ý trung nhân cho đúng… tâm nguyện “ăn uống” chăng?

Còn “ăn” trong “ăn quịt” nguyên thuỷ hẳn có nguồn gốc “ăn xong, lỉnh mất, không trả tiền”. Về sau được dùng chung cho mọi trường hợp, khi tiền bạc không được thanh toán sòng phẳng. Hai bà chủ nợ khuyên nhủ nhau: “Chị coi chừng cái thằng cha X, bản mặt nó bảnh bao vậy chớ chuyên môn mượn tiền rồi ăn quịt.” Nhưng khi “ăn” cặp kè với “vạ”, ngộ nghĩnh thay, “ăn” bay mất nghĩa gốc. “Ăn vạ” là tiểu xảo thường thấy ở tâm lý lì lợm của trẻ con và… cầu thủ đá banh. Nhiều bà mẹ thường than phiền: “Thằng út nhà tôi, mỗi lần đòi gì không được là lăn ra ăn vạ, khóc lóc thảm thiết, thấy ghê lắm!” Hoặc: “Cầu thủ Y cố tình ăn vạ, thay vì được quả phạt đền, lại bị trọng tài phạt vạ thẻ vàng.” “Ăn” trong trường hợp này, có lẽ gián tiếp ngụ ý “cầu thắng, để đạt được mục đích” chăng?

Tương tự như trong chuyện bài bạc. Vợ chồng Năm Chuột sống bằng nghề “bài ba lá”. Ngày nào đi làm về, anh Năm cũng bị vợ vặn hỏi: “Bữa nay ăn thua sao rồi?” Không chạy đi đâu, “ăn” ở đây đồng nghĩa với “thắng”. Giống như trong thành ngữ “ăn thua đủ”, có nghĩa “so tài đọ sức cho tới lúc thắng thua minh bạch mới thôi”: “Tư Lùn là tay anh chị thuộc hạng dế ốc tiêu, vậy mà gan cùng mình, dám ăn thua đủ với dế cơm Hai Búa, không sợ sứt càng gãy gọng sao ta!” Hoặc trong “ăn gian”: Gian lận để thắng. Nhưng nhiều khi còn được sử dụng thay cho “gian dối”: “Cô hoa hậu ăn gian chiều cao, cao có 1 thước 55 thôi mà dám nói cao tới 1 thước 72. Thiệt, xạo hết ý!” Chuyện nhỏ. Còn có người “ăn gian” trí thức nữa kia! Hãy nghe chị em bạn gái tâm sự với nhau: “Chị lấy nó về làm chồng, mới biết nó là đứa ăn gian bằng cấp, đi du học Liên-xô chỉ được bằng phó tiến sĩ thôi, mà dám khoe mình là tiến sĩ, nghe có tức không?”

Có ai muốn dằn mặt, cảnh cáo kẻ khác, chỉ cần đeo vũ khí, đạn dược cho “ăn” là đủ: “Nói cho mầy biết, chớ có đụng vô con nhỏ đó, chồng nó cho mầy ăn dao tức thì!” Hoặc khi đi chung với những hành động không mấy nhẹ nhàng như “tát”, “đấm”, “đá”, v.v… thì “ăn” có nghĩa “nhận lãnh, lãnh lấy hậu quả” không mấy êm đẹp. “Con bé coi vậy mà dữ, tao chỉ mới khều mông một cái nhẹ hều, đã bị nó cho ăn tát.” Đối với trẻ con, ăn gì cũng thích, chỉ không hảo mấy món “ăn đòn”, “ăn roi”, “ăn chổi lông gà”, v.v… mà thôi.

Gặp trường hợp bà mai đưa ảnh cho anh chàng kiếm vợ coi mặt, thòng theo câu nói: “Tại con nhỏ chụp hình không ăn ảnh, chớ ngoài đời cổ ngó coi đẹp gái lắm, chú à!”; hoặc có ai đó chặc lưỡi xuýt xoa: “Cô đào X lúc nhỏ té thùng đinh, mặt rỗ như tổ ong, vậy mà phấn son lên sân khấu, ăn đèn dễ sợ!”; từ “ăn” mất bén nghĩa gốc, mà có nghĩa “thích hợp, hoà hợp” với kỹ thuật chụp ảnh, trong “ăn ảnh”, cũng như với ánh đèn sân khấu, trong “ăn đèn”.

Nghĩa cũng gần như vậy, người Việt nói “ăn nhịp”, thường được sử dụng khi đàn ca hát xướng, và “ăn khớp” để chỉ trường hợp nói năng, hành động sao cho hợp lý, không mâu thuẫn nhau. Anh dẫn em đi quán bia ôm, trước khi về nhà, dặn dò thằng em: “Má hỏi, mày nhớ nói là mình đi ăn sinh nhật cho ăn khớp, không thôi bả đánh cho nát đít!”… Cùng nghĩa như vậy, nhưng đi đôi với tiếng… nước ngoài, Việt ngữ có động từ “ăn rơ”, với “rơ” được phiên âm từ jeu (trò chơi, cuộc chơi) của tiếng Pháp mà ra. “Trời ơi, chị em nhà Williams chơi quần vợt đôi ăn rơ với nhau hết sức.” Lẽ đương nhiên, cách nói này chỉ bắt đầu thông dụng từ khi có mặt người Pháp, ở thành thị, cũng như trong giới có… ăn học.

Phần trên có nhắc tới động từ kép “ăn ở”, ngoài ý nghĩa “đời sống vợ chồng” còn hàm ý chỉ “cách xử thế, đối đãi” với nhau, như trong trường hợp vợ Năm Chuột than thở cùng chồng: “Lúc nào vợ chồng mình cũng ăn ở hiền lành, phước đức, mà sao nghèo hoài hổng biết!”, nhưng khi người mẹ xẳng giọng với anh con trai đã ngoài năm mươi mà vẫn còn độc thân: “Mầy cứ ăn ở keo kiết như vậy, có chó nó lấy mầy làm chồng.” Hoặc khi cô con gái lắc đầu nguây nguẩy: “Con không ưng anh ấy đâu, người gì mà ăn ở dơ dáy như heo!”, nghĩ kỹ, thấy ra “ăn ở” đổi nghĩa hoá thành “thói ăn nếp ở” hoàn toàn có tính cách cá nhân, không đụng chạm gì tới người khác.

Thành ngữ Việt nam có vô số câu liên quan tới “ăn”. “Ăn không”, tiếng miền Nam, cùng nghĩa với “ăn vã”, tiếng miền Bắc, ý nói, chỉ ăn món chính, không kèm theo cơm, cháo, v.v… Khi đi chung với “ngồi rồi”, thành “ăn không ngồi rồi”, có nghĩa “rỗi việc”, nhưng không mấy tốt, gần như “vô tích sự”: “Từ khi anh ấy bị muỗi voi chích tới giờ, suốt ngày ảnh ăn không ngồi rồi, bí rị một chỗ, thấy chán lắm!”

“Ăn xổi”, với trạng từ “xổi” (“qua loa, tàm tạm”, thí dụ: cà pháo muối xổi), thuần tiếng Bắc, đi chung với “ở thì” (“ở ngắn hạn, nhất thời, có giai đoạn”), thành “ăn xổi ở thì”: nghĩa đen ý nói kẻ nào ăn ở với ai đó một thời gian ngắn để trục lợi, nghĩa bóng ám chỉ hạng người chỉ biết lợi dụng, bạc tình bạc nghĩa. Truyện Kiều có đoạn, khi chàng Kim lơi lả buông lời ong bướm (ngôn ngữ hiện đại nói là “thả dê”) đòi… ăn nằm, nàng Kiều bèn thỏ thẻ xổ… Nho và thành ngữ cảnh giác:

Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày!

Rõ là nàng Kiều được Vương ông Vương bà dạy cho “học ăn, học nói, học gói, học mở” khéo thì thôi!
Khi đứng trơ trọi một mình, “ở” có nhiều nghĩa, và không phải chỉ giữ vai trò động từ: “Anh ở lại đây với em tối nay nghe! Ở một mình, em sợ ma quá hà!”, mà cũng có thể là giới từ chỉ định xuất xứ, vị trí: “Cô ấy ở quê mới lên, nên ưa đi chân không ở trong nhà.”

Khi “ở” kết bạn với “đậu”, có nghĩa “sống nhờ, sống cậy” vào người khác. Với “đợ”, hoặc với “người” thành “người ở”: “tới sống chung để giúp việc nhà có lãnh lương”. “Con nhỏ đó ở dưới quê lên Sài gòn ở đậu nhà bà con, chờ kiếm ra chỗ ở đợ.” Với “vậy”, theo tôi, có hai nghĩa: “ở vá”: độc thân, không lập gia đình” (có tự điển ghi thêm, “vá” cũng còn có nghĩa như “goá”). Hoặc, “ở goá: sau khi vợ hoặc chồng chết, không lấy người nào khác.” V.v… và v.v… Tựu trung, trong tất cả những trường hợp nêu trên, “ở” có nghĩa “hoàn cảnh gia đình”.

Ở trên có nhắc tới “ăn không”, với “ở” ta có “ở không”: rảnh rỗi, không làm gì cả. “Nhân lúc vợ ở cữ, thi sĩ ở không, bèn lấy giấy viết tí toáy làm thơ tình gởi đăng nhật trình.” Tới đây, ta có thêm “ở cữ”: hoàn cảnh, thời gian sau khi sinh nở, cần kiêng cữ.

Thời trước, thi sĩ trào phúng Tú Mỡ có làm bài thơ tựa đề: “Sư cô ở cữ”.

… Nhưng rồi một sáng mùa thu,
Người ta thấy vị ni cô sượng sùng.
Bụng đeo cái trống cà rùng,
Đến nhà thương để tìm phòng khai hoa …

“Ăn” với “ở”, tóm lại, thường đi đôi với nhau như hình với bóng, như đũa có đôi, như môi răng, miệng lưỡi đặc thù hương vị ngôn ngữ của người Việt. Người viết xin được kết thúc bài tiểu luận ở đây với câu ca dao “hậu hiện đại” tự biên tự chế:

Ăn có đũa, ở có đôi.
Bậu ơi, khéo giữ trọn đời có nhau.

______________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ và văn hóa, Ngữ nghĩa từ vựng học | Thẻ: , , , , | 2 Comments »

Language and culture (NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 2, 2010

By Kamil Wiśniewski, Aug. 12th, 2007

Linguists are concerned with many important issues such as various aspects of speech, turn-taking, models of analysis of discourse and how human brain makes such examinations. Moreover, scholars are interested not only in the differences between languages, but also in the influence of language on culture and culture on language in different communities throughout the world. As the first language acquisition process is unconscious similarly the acquisition of culture (which might begin even before acquiring a language) is what people are unaware of. Culture in linguistics is described as socially acquired knowledge of the world, as well as attitudes towards it.

With the acquisition of a mother tongue people acquire a system of categorizing the entities in the surrounding world and terms used for describing personal experiences. A category is a set with some common properties, and it is said that when new vocabulary is learnt it is in fact inheriting sets of category labels. Therefore, depending on the culture in which a speaker was brought up the amount of words available in language for describing certain phenomena might vary. For example in Norwegian there is a distinction between ‘male parents mother; – farmor; and ‘female parent’s mother’ – mormor, while both of those terms are expressed by one English word – grandmother.

The examination and classification of culture-dependant words can be made thanks to the grammatical markers called classifiers which show the type or class of the words. In Swahili there are different prefixes for nouns denoting humans, non-humans and artifacts. In Australian language Dyirbal men and women belong to different conceptual categories, just as countable and uncountable nouns in the English language.

The analysis of numerous similar instances of differences in many languages led to the development of the linguistic relativity theory known as the Sapir-Whorf hypothesis with its two versions. According to the linguistic relativity theory language used in a given community with its predetermined categories influences the perception of the world to some extent. There is also a strong version of this theory called linguistic determinism which states that people can only think in the categories provided by language.

Also language change is culturally dependant what can be clearly seen on the example of the American and British Englishes. Although in the history they derive from common origins the changes that take place in their development set them apart. In American English there has been a culturally led tendency to substitute words such as policeman and fireman with more ‘acceptable’ terms such as police officer and firefighter, while the former forms are still in use in British English.

Yule G. 1996. The study of language. Cambridge: CUP.

___________________________________________________

Posted in 1, Ngôn ngữ và văn hóa | Thẻ: | Leave a Comment »