TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for Tháng Mười Một, 2010

Ngữ âm tiếng Việt (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 27, 2010

Lê Đình Tư
______________________________

V. Thanh điệu

1. Khái quát

Thanh điệu là một loại âm vị siêu đoạn tính, có tác dụng làm thay đổi ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ. Thanh điệu được thể hiện cùng với toàn bộ âm tiết, hay đúng hơn là toàn bộ phần thanh tính của âm tiết. Tiếng Việt là một thứ tiếng có khá nhiều thanh điệu: 6 thanh điệu, trong khi có một số ngôn ngữ chỉ có 3 hoặc 4 thanh điệu.

2. Phân loại thanh điệu

Có thể có 4 cách phân loại thanh điệu: xét về cao độ, xét về đường nét âm điệu, xét về sự biến thiên của thanh điệu và xét về động tác nghẽn thanh hầu.
Tuy nhiên, đối với việc phân biệt ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, ta chỉ cần ghi nhớ hai tiêu chí đầu. Đó là:

Tiêu chí cao độ:

Thanh điệu tiếng Việt đối lập nhau ở hai cao độ cơ bản: cao độ cao và cao độ thấp. Đó là sự đối lập về âm vực. Theo tiêu chí này ta phân biệt:

+ thanh điệu cao, tức là những thanh điệu được phát âm ở âm vực cao. Loại này bao gồm các thanh: thanh ngang, thanh sắc, thanh ngã.

+ thanh điệu thấp, tức là những thanh điệu được phát âm ở âm vực thấp. Đó là các thanh: thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng.

Tiêu chí âm điệu:

Trên mỗi âm vực, các thanh điệu còn khác nhau về quá trình diễn biến của cao độ theo thời gian. Đó là sự khác nhau về đường nét âm điệu. Theo tiêu chí này, ta phân biệt:

+ thanh điệu bằng phẳng (còn gọi là thanh bằng). Đây là những thanh điệu mà khi thể hiện, đường nét âm điệu diễn biến bằng phẳng, đồng đều từ đầu đến cuối, không có sự lên xuống bất thường. Đó là các thanh: thanh huyền và thanh ngang.

+ thanh điệu không bằng phẳng (cũng còn gọi là thanh trắc). Đây là những thanh điệu có âm điệu diễn biến phức tạp, khi lên khi xuống, thể hiện ra bằng một đường nét không bằng phẳng: thanh sắc, thanh ngã, thanh hỏi, thanh nặng.

3. Sự thể hiện và sự phân bố của thanh điệu

Thanh 1: thanh ngang (không được ghi trên chữ viết nên cũng gọi là thanh không dấu), xuất hiện trong tất cả các âm tiết, trừ âm tiết khép. Ví dụ: cây cam, mưa xuân, công ti. Nhưng không thể có các âm tiết như: lach, bat, lac

Thanh 2: thanh huyền [ghi bằng dấu huyền ( )], thấp hơn thanh ngang một bậc. Giống như thanh 1, thanh này có thể xuất hiện trong các âm tiết không phải là âm tiết khép, ví dụ: cà, sàn, bằng, đàm.

Thanh 3: thanh ngã [ghi bằng dấu ngã ( )] là thanh điệu thuộc âm vực cao (bắt đầu thấp hơn và kết thúc cao hơn), có thêm động tác nghẽn thanh hầu.
Thanh ngã cũng không thể xuất hiện trong các âm tiết khép. Ví dụ: xã, mãn nhãn, sững sờ.

Thanh 4: thanh hỏi [ghi bằng dấu hỏi ( )] là thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, điểm bắt đầu và kết thúc thanh điệu đều ở âm vực thấp.
Thanh này xuất hiện trong tất cả các âm tiết không phải là âm tiết khép. Ví dụ: vả lại, hỏi han, cảm cúm, cảng biển, cảnh đẹp.

Thanh 5: thanh sắc [ghi bằng dấu sắc ( )] là thanh điệu thuộc âm vực cao. Khi phát âm, điểm xuất phát thấp hơn thanh ngang một chút và điểm kết thúc ở âm vực cao. Ngoài ra, khi kết thúc còn phải có thêm động tác nghẽn thanh hầu.
Thanh này có thể xuất hiện trong tất cả các kiểu âm tiết. Ví dụ: khá lớn, bí quyết, chính thức, sáng sớm.

Thanh 6: thanh nặng [ghi bằng dấu nặng ( )], là thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, điểm xuất phát gần với độ cao xuất phát của thanh huyền nhưng kết thúc đột ngột ở độ cao thấp hơn.
Thanh nặng xuất hiện ở tất cả các kiểu âm tiết. Ví dụ: lạ đời, chợ xuân, lợi ích, lạm dụng, trục trặc, bẹp ruột.

____________________________________________

Bài tập cho phần Ngữ âm

Phiên âm âm vị học các âm tiết trong những từ sau đây: cưu mang, xoắn xuýt, qua quýt, thỉnh cầu, nghễnh ngãng, thi thoảng, thuần thục, phĩnh phờ, tươi tắn, khỏe khoắn, huyên thiên, đoan trang, tuềnh toàng, loằng ngoằng.

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ âm tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

Sông nước trong tiếng miền Nam

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 11, 2010

Trần Thị Ngọc Lang

Nam bộ là vùng đất sông nước, ruộng vườn. Sông rạch chằng chịt gắn bó bao đời với sinh hoạt, chi phối đời sống kinh tế cũng như đời sống tinh thần của con người. Bài viết này muốn nhấn mạnh tác động của thiên nhiên đến môi trường sống, đến tính cách, tâm lý của con người và tính cách, tâm lý đó sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn từ đặc trưng của mỗi vùng, miền.

Nam bộ là miền đất nhiều sông lắm rạch. Số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng liên quan đến sông nước vì vậy vô cùng phong phú, là nguồn đóng góp của phương ngữ Nam bộ vào ngôn ngữ toàn dân (NNTD): rạch, xẻo, con lươn, bùng binh, tắt, rỏng, vàm, lung, láng, bưng, bàu, cù lao, cồn, giồng…; nước lớn, nước ròng, nước rong, nước nổi, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương…; ghe, tam bản, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng… Những từ ngữ này không chỉ đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân vùng đất này, là yếu tố cấu tạo của nhiều địa danh mà còn phản ánh bối cảnh sáng tác của những câu hò, điệu hát dân gian và là mảnh đất tốt để nhà văn, nhà thơ khai thác.

Ngoài những ý nghĩa chung phản ánh những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên, nhiều từ ngữ sông nước còn được dùng theo nghĩa phái sinh để gọi tên những sự vật, hiện tượng khác theo cách mở rộng nghĩa. Năm 1895, Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quốc âm tự vị đã định nghĩa từ bùng binh: “khúc sông rộng phình tròn ra”. Đến năm 1970, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nghĩa từ bùng binh là “khu đất rộng nối các trục đường trong thành phố”: bùng binh Ngã Sáu, bùng binh Ngã Bảy… Như vậy một từ chỉ sông nước đã được dùng để gọi tên giao lộ của các con đường trong thành phố.

Nếu phương ngữ Bắc bộ gọi loại ôtô lớn chở hành khách trên các tuyến đường dài, thường là các đường liên tỉnh là ôtô ca (hay xe ca, xe khách) thì phương ngữ Nam bộ gọi là xe đò theo nghĩa đò là “thuyền chở khách trên sông nước theo một tuyến nhất định”.

Trong Từ điển tiếng Việt (viện Ngôn ngữ học), quá giang là “đi đò ngang qua sông”. Ngoài nghĩa đó, phương ngữ Nam bộ còn có thêm cách dùng phổ biến “đi nhờ một phương tiện vận tải nào đó” (vẫy xe xin đi quá giang một đoạn).

Khi thuyền chở đầy và nặng, không thể chở hơn được nữa, người ta nói là thuyền khẳm: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm…” (Nguyễn Đình Chiểu). Phương ngữ Nam bộ còn mở rộng nghĩa của khẳm là “quá nhiều, quá sức chứa”. Ví dụ: tiền vô khẳm, lời khẳm, thêm một ly nữa là khẳm… Chìm xuồng cũng thường được dùng ở nghĩa bóng: “cố ý bỏ qua, không đề cập tới nữa”: vụ đó kể như xử chìm xuồng rồi.

Phần lớn làng xã ở Nam bộ đều nằm hai bên bờ sông rạch. Từ đây dẫn đến một đặc điểm là đặt địa danh gắn liền với sông nước. Nhiều địa danh ở các tỉnh Nam bộ và TP.HCM mang tên nhóm từ sông nước này: Bàu Mây, Cồn Phụng, Cù Lao Dài, Giồng Trôm, Giồng Quéo, Láng Cò, Rạch Cá Trê, Rạch Cá Lóc, Rạch Bà Mụ… (Bến Tre); Vàm Cỏ (Long An); Vàm Cống (An Giang); Tắt Thủ (Cà Mau); Bàu Nai, Bàu Cát, Giồng Ông Tố, Bưng Sáu Xã, Rạch Chiếc, Rạch Miễu, Láng Le, Láng Thé, Rỏng Tràm, Rỏng Bàng, Vàm Sác… (TP.HCM).

Nếu so sánh địa danh ở các tỉnh Nam bộ với địa danh ở các tỉnh Bắc và Trung bộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy tính bình dị, dân dã của địa danh Nam bộ, trong đó các địa danh có từ ngữ sông nước kết hợp với danh từ chỉ động vật, thực vật, tên người nổi tiếng trong vùng… chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Những hình thức văn học dân gian như ca dao, hò, lý, cải lương… cũng đã khai thác và phản ánh những hình tượng thiên nhiên, tâm tư, tình cảm con người… qua những từ ngữ sông nước này. Trong ca dao Nam bộ, hình ảnh ghe xuồng, sông rạch xuất hiện với tần số cao.

Trong số các nhà văn Nam bộ, nhà văn lão thành Sơn Nam đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác và khảo cứu về vùng đất và con người Nam bộ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về Sơn Nam: “Là nhà văn, đi đâu anh cũng quá giang theo xuồng ghe của thương hồ. Anh đi sông lớn, sông nhỏ, theo kinh theo rạch, anh đi khắp cả sông nước miền Tây” (tạp chí Sông Hương, số 235, 9.2008). Bởi thế không lạ gì khi những từ ngữ sông nước xuất hiện nhiều trong các truyện và ký của Sơn Nam:

– Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa, nối liền qua những lung, bàu, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách… (Hương rừng, tập Hương rừng Cà Mau).

– Dưới sông, từng dề lục bình trôi theo ngọn nước ròng (Giấc mơ ngoài bãi tha ma, tập Hương rừng Cà Mau).

– Bấy lâu nay, ở vùng sông nước chằng chịt với chợ làng, chợ nổi ven sông, đêm thanh vắng nghe những câu hò, câu lý xen nhau dài theo con rạch, con kinh dường như vô tận, qua khúc loi, khúc vịnh, về đêm, trên nhánh bần gie có đóm đậu sáng ngời. (Từ U Minh đến Cần Thơ, Hồi ký).

Một nhà văn khác – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – sớm thành công và nổi tiếng với những sáng tác đậm chất Nam bộ, cũng viết về vùng đất và con người Nam bộ với ngôn ngữ vừa bình dị vừa tinh tế. Trong các tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, những từ ngữ sông nước cũng được sử dụng khá nhiều và giàu giá trị biểu cảm.

(Theo SGTT)

Posted in Danh học, Ngôn ngữ nghệ thuật, Ngôn ngữ và văn hóa, Tiếng địa phương | Thẻ: , , , , | 1 Comment »

Để lâu câu sai hoá… đúng

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 11, 2010

Nguyễn Đức Dân

Nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thuỵ Sĩ Charles Bally viết: “Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay”. Điều này có nghĩa là những cách nói sai hiện nay nếu không phê phán, quyết liệt ngăn cấm kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai!

Sai từ thừa chữ…

Ví dụ: cách nói “chiếc đồng hồ mới cứng” hiện nay được coi là đúng. Ấy thế nhưng cách đây 40 năm nó bị coi là sai, vì lúc đó “mới cứng” chỉ dùng cho tiền giấy bạc mới in, còn cứng. Một ví dụ khác: cách nói “Hỗ trợ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn” hiện nay được coi là bình thường. Trước đây, đó là cách nói sai. Vì hỗ là lẫn nhau, là từ hai phía, hỗ trợ là sự giúp đỡ nhau từ hai phía. Lẽ ra phải nói “trợ giúp/giúp đỡ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn”.

Ngay từ đầu những cách nói sai mới cứng, hỗ trợ không bị phê phán, uốn nắn nên dần dần được nhiều người dùng, kết cục thành cách nói được xã hội chấp nhận.

Những từ ngữ sai bắt nguồn từ quy định của cơ quan công quyền thì hết cách sửa, vì nó đã thành thuật ngữ của một khái niệm pháp lý. Ví dụ: xe môtô có dung tích xilanh trên 50cm3 thì ngành công an gọi là “xe phân khối lớn”. Mọi người phải chấp nhận thuật ngữ này, dù học trò tiểu học cũng biết rằng không có khái niệm phân khối lớn và phân khối nhỏ. Bây giờ không ai sửa được cái từ ngữ “xe phân khối lớn” vô nghĩa về khái niệm này nữa!

Dùng từ ngữ dư thừa cũng là sai. Chúng ta nêu ở đây một kiểu dư thừa rất hay gặp trong cấu tạo từ ghép có một yếu tố Hán – Việt và nay đã thành “đúng”: cây đại thụ, đường quốc lộ, người nông dân…

Từ Hán – Việt thụ là cây. Thế nên cách nói “Ông là một cây đại thụ trong giới sử học” là dư, nhưng cách nói này hiện nay được coi là đúng. Và đúng tới mức không thể bỏ từ cây. Còn câu “Ông là một đại thụ trong giới sử học” lại bị coi là không bình thường (!). Từ Hán – Việt nông dân là “người lao động sống bằng nghề làm ruộng” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Vậy thì “người nông dân” cũng là dư. Những cách nói dư này đã trở thành bình thường đến nỗi đã đi vào cả thơ văn. Trong bài Viếng bạn, Hoàng Lộc viết: “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ”.

Vậy là câu dư để lâu cũng thành đúng!

… đến sai cả cụm, cả câu

Có những kiểu câu sai ngữ pháp nay cũng thành đúng. Năm 1975, trong mục Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo Nhân Dân, nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Thản với bút danh Vương Thịnh đã viết về một loại lỗi ngữ pháp “Qua thực tế, cho thấy…” Kiểu lỗi này được nhiều nhà ngôn ngữ học tiếp tục thảo luận với tên gọi “sai về trạng ngữ”, nhưng không được xã hội và nhất là các cơ quan truyền thông và công quyền lên án mạnh mẽ nên nó tiếp tục được “duy trì” và nay thành căn bệnh khó chữa. Trên các trang báo, trong các bài viết, xuất hiện không hiếm những câu như “Theo khảo sát mới đây của các nhà nghiên cứu, cho thấy nạn tự tử ở Nhật Bản ngày càng…” (Chào buổi sáng, VTV1, 14.9.2010)

Thành ngữ “Chân đăm đá chân chiêu” nói về dáng đi của người say rượu chân phải đá chân trái. Ngày nay không mấy người biết tiếng Việt cổ: đăm là phải, chiêu là trái như trong tục ngữ “tay chiêu đập niêu không vỡ”. Nhưng từ “chiêu” gần âm với từ “xiêu”, người ta liên tưởng tới hình ảnh người say thì đi xiêu vẹo, lảo đảo. Thế là thành ngữ trên được nhiều người nói thành “chân nam đá chân xiêu”.

Khi một lỗi sai, một lỗi dư thừa nào đó trở nên phổ biến thì chúng ta hãy dè chừng: chúng dễ trở thành những từ đúng trong tương lai. Một kiểu nói sai, nếu để lâu từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà càng về sau thì những người rõ cội nguồn (etymology) của nó càng ít đi nên họ dễ lầm tưởng là đúng.

Phải phát hiện “tế bào lạ”

Những từ ngữ sai nào dễ được chấp nhận? Đó là những từ ngữ sai có điểm tựa là “cơ sở lôgic về nghĩa”, là “từ nguyên dân gian” có vẻ hợp lý.

Chiều 9.7.1995, một nhân viên toà soạn báo nọ hỏi tôi, viết xán lạng hay sáng lạn mới đúng? Tôi cười: “Cả hai, mỗi cách viết đều sai một nửa, đúng một nửa”. Một mặt, do không biết gốc của xán lạn nên nhiều người liên tưởng tới ánh sáng, tới sáng sủa, sáng rực rỡ trên những ngọn núi cao, cuối cùng đã viết xán lạn thành sáng lạn. Mặt khác, ngoại trừ xán lạn, trong tiếng Việt không còn từ nào mà tiếng thứ hai là lạn, trong khi đó từ lạng là một đơn vị trọng lượng thì gặp hàng ngày. Ấy thế là xán lạn thành xán lạng!

Chiều 16.5.1999, trên đài truyền hình Trung ương, nhạc sĩ HK giới thiệu về chèo giảng giải: nếu hát chèo có dở nhưng có tiếng trống đệm hay, thì sẽ cứu vãn được cho ca sĩ, đó là vụng chèo khéo… trống (!). Người Nam bộ có hát chèo đâu mà thành ngữ này vẫn dùng rất phổ biến? Thực ra trong “vụng chèo khéo chống”, hai từ chèo, chống liên quan đến mái chèo và cây sào, nghĩa đen của thành ngữ này nói về chuyện đi lại trên sông nước, còn nghĩa bóng lại là “làm thì dở, kém nhưng lại khéo biện bạch, chống chế”.

Tiếng Việt có cách nói đơn giản “xe cộ đi lại”, “những phương tiện đi lại trên đường”. Nhưng trong chương trình Chào buổi sáng của VTV1 và báo chí nói chung, cách nói này bị thay bằng một cụm từ Hán – Việt dài gấp đôi: “xe cộ tham gia giao thông”, “những phương tiện tham gia giao thông trên đường”. Trong hầu hết các trường hợp, có thể thay “tham gia giao thông” bằng “đi lại”. Cơ quan truyền thông đừng làm tiếng Việt dở đi!

Con đường của một câu sai thành đúng như sau: Một cách nói A lúc đầu bị coi là sai. Do không sửa ngay, dần dần A trở thành cách nói tranh chấp với cách nói B vốn được coi là đúng. Tế bào lạ A này dần dần chiếm ưu thế và đẩy B trở thành cách nói “cổ” ít dùng. Cuối cùng, A hoàn toàn thắng thế và trở thành chuẩn mới.

Một khi những cách dùng sai đã trở thành đúng thì các nhà ngôn ngữ học không thể áp đặt kiểu “nói đúng phải là…”, bởi lúc đó người ta không theo nữa. Dạy con từ thuở còn thơ. Lỗi sai cũng phải được nghiêm khắc phê phán ngay từ lúc chúng mới bơ vơ vào tiếng Việt!

(theo SGTT)
________________________________________

Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: , , , , , , | 3 Comments »

Ẩn dụ trong địa danh

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 3, 2010

LÊ TRUNG HOA

Ẩn dụ là dùng tên của sự vật này để gọi sự vật khác căn cứ vào sự giống nhau của chúng. Trong địa danh Việt Nam có hàng trăm đơn vị được ra đời từ phương thức trên. Trong bài viết này, chúng tôi lần lượt trình bày các địa danh có quan hệ đến con người, động vật và sự vật.

NHỮNG ĐỊA DANH CÓ QUAN HỆ TỚI CON NGƯỜI

– Mẹ Bồng Con là dốc ở gần ngã ba Dầu Giây, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Mẹ Bồng Con vì có hai dốc liên tiếp, dốc lớn tượng trưng cho mẹ, dốc nhỏ tượng trưng cho con.
– Ông Trạng là núi ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cũng gọi núi Trạng Nguyên. Ông Trạng vì dáng núi giống như hình người đội mũ cánh chuồn.
– Phụ Tử là đảo có hình hai cột đá, một cao một thấp, ở gần bờ biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Giữa năm 2006, hòn phụ đã bị bào mòn, ngã đổ. Phụ Tử là “cha và con”, vì hai cột đá giống như hai cha con.
– Tiến Sĩ là núi nổi lên trên núi Xuân Đài, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tiến Sĩ vì dáng núi giống hình “ông tiến sĩ”.
– Vọng Phu là núi đá nằm ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Đắc Lắc và tỉnh Bình Định. Gọi là Vọng Phu (trông chồng) vì dáng núi giống người mẹ bồng con. Tương truyền, vì mong mỏi chồng ra trận lâu về, người vợ bồng con lên núi ngóng trông, lâu ngày hóa đá.
Một số gọi theo hình dáng của đấng linh thiêng hoặc hành động của con người.
– Bụt Mọc là hang ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Bụt Mọc vì trong hang có nhiều tảng đá lô nhô như tượng Phật.
– Lập Cập là đèo (thường gọi eo) ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, dài gần 10km, có hơn 1 kilômét có độ dốc cới mặt đường 50-60°. Lập Cập vì qua được đèo, tay chân run lập cập vì sợ sệt.
– Oa Oa là suối ở vùng Ái Tử, tỉnh Quảng Trị. Oa Oa vì tiếng nước chảy nghe như tiếng khóc của trẻ con.
– Hòn Chồng là núi đá nhỏ trên bờ biển ở hướng đông bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được nhân hóa. Còn Hòn Vợ nằm dưới biển. Hòn Chồng là núi có tảng đá chồng lên trên.

Một số sông của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng được nhân hóa.
– Krông Ana là tên sông (và tên huyện) của tỉnh Đắc Lắc. Krông Nô là tên sông (và tên huyện) của tỉnh Đắc Nông, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên. Krông: sông; Ana: cái, vợ; Krông Ana, sông vợ. Krông Nô (dạng gốc là Krông Knô, sông chồng).

NHỮNG ĐỊA DANH CÓ QUAN HỆ ĐẾN ĐỘNG VẬT

– Con Rắn là đèo ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Con Rắn vì đường đèo ngoằn ngoèo như con rắn.
– Con Voi là dãy núi kéo dài gần 100 kilômét từ tỉnh Lào Cai đến tỉnh Yên Bái, có đỉnh cao 1.450 mét. Con Voi có lẽ do hình dáng to lớn của núi.
– Gà Mái là đảo nhỏ trong vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Gà Mái vì đảo giống hình con gà mái.
– Lươn là rỏng (rãnh khuyết sâu) ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng gọi là Con lươn. Lươn là dòng nước nhỏ và dài như hình con lươn.
– Rùa là gò ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, quê hương bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Tên chữ là Sơn Quy. Rùa cũng là hòn (đảo) ở ngoài khơi tỉnh Kiên Giang. Rùa vì hình dáng gò và đảo giống như con rùa.
– Sam là núi ở xã Vĩnh Tế, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Cũng gọi là núi Vĩnh Tế. Sam vì núi có hình con sam.
– Sư Tử là đảo nhỏ trong vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Thời Pháp thuộc gọi là Sphinx (Quái thần hình sư tử, đầu đàn bà). Sư Tử vì dáng núi giống con sư tử.
– Tằm là hòn (đảo) ở ngoài khơi thành phố Nha Trang. Cũng gọi là hòn Tầm. Tằm, vì hình dáng đảo giống con tằm.

Một số địa danh được gọi theo hành động của các con vật.
– Bò Đái là khe trong núi ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Còn có tên Ồ Ồ, vì tiếng nước chảy, ở xa đến 10 kiômét vẫn nghe. Bò Đái gốc Tày – Nùng Bó Đảy, nghĩa là “nguồn nước có nhiều cây nứa tép”. Đây là hiện tượng mượn âm.
– Gà Chọi là các đảo nhỏ trong vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Gà Chọi vì hai hòn đảo giống hình hai con gà trống đang đá nhau.
– Hí Mã là núi ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hí Mã là “ngựa hí” vì núi giống như trường đua ngựa (Đại Nam nhất thống chí).
– Long Ẩn là núi ở huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Trên núi xưa có Văn miếu được xây dựng năm 1715. Long Ẩn là “rồng ẩn mình”, chỉ thế đất tốt ở đây.
– Mèo Cào là núi ở tỉnh Ninh Bình. Mèo Cào vì núi có các vách dựng đứng, nhiều vết lồi lõm kéo dài từ trên xuống như vết mèo cào.
– Trâu Ó là thác trên sông Cái, tỉnh Khánh Hòa. Trâu Ó là “trâu kêu lên”, vì nơi đây tai nạn thường xảy ra, tiếng kêu trời không ngớt.
– Trâu Quỳ là xã của huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội từ sau năm 1965. Trâu Quỳ vì tại xã có một núi đất có dáng con trâu nằm quỳ.

NHỮNG ĐỊA DANH CÓ QUAN HỆ VỚI CÁC SỰ VẬT

Đa số địa danh được đặt theo hình dáng của các sự vật.
– Âm Phủ là dốc chạy qua trường liên xã Đắc Pring – Đắc Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Âm Phủ vì dốc ở chỗ vắng vẻ và lặng lẽ.
– Ba Trái Đào là bãi tắm trong vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Vì ở đây có ba bãi cát hình cánh cung ôm chân hòn đảo nhỏ, đảo này có ba đỉnh, nhìn từ xa giống như ba quả đào tiên.
– Bảng là non ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Bảng vì dáng núi bằng phẳng như một tấm bảng.
– Bát Quái là thành xây năm 1790 tại làng Tân Khai, nay thuộc quận 1, TP. HCM. Cũng gọi là thành Gia Định, thành Quy – vì hình bát giác giống con rùa. Bát Quái vì thành có tám cửa như hình bát quái.
– Bông Lan là đảo ở đông nam Côn Đảo, trong quần đảo Côn Sơn, diện tích 0,200km2. Bông Lan vì hình dáng đảo giống bánh bông lan cắt đôi.
– Chiếc Đũa là núi ở ngoài cửa Thần Phù, tỉnh Ninh Bình. Chiếc Đũa vì núi cao lởm chởm, đứng một mình như hình chiếc đũa.
– Chữ Y là cầu bắc qua kinh Tàu Hủ và kinh Đôi, nối quận 5 với quận 8, TP. HCM. Cầu có 3 nhánh, tổng chiều dài 502,3 mét, được xây dựng trong các năm 1938-1941, được sửa chữa lớn năm 1992. Nâng cao một nhánh khi mở đường xuyên thành phố (2007-2009). Chữ Y vì cầu có hình chữ Y. Nhà thơ Đặng Hấn đã làm bài thơ Cầu chữ Y, có câu sau: Ôi, người đi trên chữ/ Chữ nâng người lên cao.
– Đá Dĩa là gành ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, chiều rộng 50m, dài hơn 2.000 mét. Được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng thắng cảnh quốc gia. Đá Dĩa vì tại đây có độ 30.000 phiến đá hình lục/ngũ giác, mỏng như cái dĩa, chồng lên nhau như chồng dĩa.
– Đòn Gánh là núi ở tỉnh Ninh Thuận. Đòn Gánh vì hình dáng núi dài, hai đầu gồ lên như hai mấu đòn gánh.
– Hang Ngoài là cầu nằm cuối đường Nguyễn Văn Nghi và Hang Trong là cầu nằm cuối đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, bắc qua trên đường xe lửa Bắc – Nam. Hang Ngoài vì xe lửa chui qua cầu như chui vào hang và để phân biệt với cầu Hang Trong.
– Hòn Chảo là đảo ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cao 1.564 mét. Hòn Chảo vì đỉnh núi lõm xuống giống như cái chảo.
– Hòn Chông là núi ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cao 221mét. Tên chữ là Kích Sơn. Hòn Chông vì đỉnh núi nhọn như cây chông.
– Hòn Chuông là núi ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, cao 892m. Cũng gọi là Hòn Chung. Hòn Chuông còn là tên đảo ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Hòn Chuông vì núi và đảo giống như cái chuông úp.
– Hòn Ấn và Hòn Kiếm là núi ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Hòn Ấn và Hòn Kiếm vì núi giống cái ấn và cái kiếm, nơi ba anh em Nguyễn Huệ khởi nghiệp. Hòn Ấn cùng với Hòn Kiếm cho thấy nhà Tây Sơn sẽ làm vua.
– Hòn Núc là núi ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tên dịch là Táo Sơn. Hòn Núc là “núi táo”, do hình dáng giống ông táo.
– Hồ Lô là núi đá vôi ở bờ biển huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cách thị xã Hà Tiên 25 kilômét. Tại đây có nhiều phong cảnh và hang động đẹp. Hồ Lô là “bầu rượu”, do dáng núi giống bầu rượu.
– Lò Xo là đèo trên đường Hồ Chí Minh, nằm ở chỗ giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Lò Xo gốc Pháp ressort, vì đèo ngoằn ngoèo như cái lò xo.
– Máng là sông đào nối liền sông Cầu ở tỉnh Thái Nguyên với sông Thương ở tỉnh Bắc Giang, dài 52 kilômét, qua đập nước Thác Huông, giúp vận chuyển hàng hóa và than, quặng từ Thái Nguyên đến Hải Phòng. Máng do lòng sông giống lòng máng.
– Mê Cung là hang trong vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có di chỉ khảo cổ học được phát hiện năm 1997, thuộc văn hóa Hòa Bình. Có lẽ hang có nhiều ngõ ngách như mê cung.
– Mống là cầu ở đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, bắc qua rạch Bến Nghé, dài 128m, rộng 5,2m, lề 0,5m. Đây là cây cầu cổ nhất ở Sài Gòn, xây năm 1893-1894, nay vẫn còn. Mống vì cầu có dáng cong lên như cái mống.
– Tam Đảo là dãy núi nằm ở ranh giới các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Ngọn cao nhất là 1.591 mét và là huyện của tỉnh Vĩnh Phúc, thành lập năm 1977. Tam Đảo nghĩa là “ba hòn đảo”. Vì dãy núi có ba ngọn nhô cao như ba hòn đảo nổi trên biển mây là Phù Nghĩa (1.400 mét), Thạch Bàn (1.388 mét) và Thiên Thị (1.375 mét) nên mang tên gọi trên.
– Thành là dãy núi thấp ở xã Tam Nghĩa, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Thành vì dãy núi chạy dài như một bức thành.
– Thiên Ấn và Thiên Bút là hai hòn núi ở tỉnh Quảng Ngãi. Thiên Ấn là “ấn trời” vì hình dáng núi giống như cái ấn. Còn Thiên Bút là “bút trời” vì đỉnh núi nhọn như ngòi bút.
– Vung là hòn (núi) ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cao 326m. Vung vì dáng núi giống như cái vung.

Một số địa danh dựa theo hành động của sự vật.
– Bay là thác ở núi Sáng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, cao độ 20 mét. Bay vì thác đổ xuống, gặp tảng đá nhô ra, nước dội ngược bay vào không trung. Bay còn là suối ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng gọi là khe Tung. Bay vì suối từ trong khe chảy ra, vượt qua một tảng đá lớn, rồi bổ nhào xuống vực Bà sâu thẳm, thành dòng thác, bọt nước tung bay như khói.

Một số hình thành theo màu sắc của đối tượng.
– Bạc là ba thác ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên – Huế. Bạc vì thác đổ từ trên cao hàng trăm mét xuống, trắng xóa như màu của bạc nên được gọi như thế.
– Mun là hòn (đảo) ở ngoài khơi biển TP. Nha Trang. Cũng gọi là hòn Yến (chim én). Mun vì đảo có nhiều vách đá dựng đứng màu đen tuyền.

Một số hình thành theo âm thanh của sự vật.
– Bầm Buông là cấm (rừng cấm) ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bầm Buông là từ tượng thanh, mô phỏng tiếng trống, tiếng chuông, vì ở đây có những tảng đá lớn, khi gõ vào nghe như tiếng vang của trống, chiêng.
– Thậm Thình là xã xưa ở gần đền Hùng, thuộc huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây, sau thuộc xã Vân Phụ, huyện Phù Ninh, từ 1977 thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Thậm Thình là từ tượng thanh, tương truyền do dân giã gạo làm bánh cho vua Hùng. Có lẽ đây là cách gọi tên theo tiếng vang của hang, rồi gán vào thời đại Hùng Vương.

Đa số các địa danh thuần Việt ra đời thông qua giác quan của cư dân bản địa. Ẩn dụ là cách tạo được hình ảnh một cách kín đáo. Đây là những địa danh phản ảnh trung thực nhất tâm lý, cách suy tư của dân tộc Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

____________________________________________________

Posted in Danh học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , , , , , , | Leave a Comment »