TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for Tháng Bảy, 2010

Ý nghĩa ngữ pháp của từ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 23, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Cấu tạo hình thái của từ và ý nghĩa ngữ pháp

Như chúng ta đã biết, từ không chỉ có ý nghĩa từ vựng mà còn có cả ý nghĩa ngữ pháp. Khác với ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp không phải là ý nghĩa riêng cho từng từ mà bao trùm lên một loạt từ (hoặc câu), bởi vì ý nghĩa ngữ pháp chính là một cách thức phân loại các sự vật, hiện tượng hay khái niệm vì những mục đích riêng của ngôn ngữ: kết hợp các từ với nhau thành các đơn vị thông báo. Do đó, ý nghĩa ngữ pháp là loại ý nghĩa liên quan trước hết đến nội bộ hệ thống ngôn ngữ. Chẳng hạn, ý nghĩa: ‘gà là một danh từ’ tuy có liên quan đến hiện thực khách quan theo một cách thức nào đấy (ví dụ: vì nó là sự vật nên mới có thể là danh từ), song cái ý nghĩa ‘danh từ’ của từ ‘gà’ lại phục vụ trước hết cho việc kết hợp nó với những từ khác. Chẳng hạn, vì ‘gà’ là danh từ nên nó có thể là chủ ngữ hay vị ngữ danh từ trong câu, nhưng không thể đảm đương chức năng của vị ngữ động từ, ví dụ:

Gà là một loại gia cầm.
Đó là một con gà.

Việc xác định ý nghĩa ngữ pháp của từ trong các ngôn ngữ có thể không giống nhau. Trong các thứ tiếng không biến hình, như tiếng Việt chẳng hạn, việc xác định ý nghĩa ngữ pháp thường phải dựa vào những đơn vị lớn hơn từ, tức là dựa vào khả năng kết hợp của từ với những từ khác. Ví dụ, từ ‘bàn’ trong tiếng Việt có thể là danh từ nếu nó nằm trong kết cấu ‘cái bàn’, song cũng có thể là động từ, nếu nó nằm trong ‘sẽ bàn’. Trong khi đó thì ở các ngôn ngữ biến hình, việc xác định ý nghĩa ngữ pháp của từ có vẻ dễ dàng hơn nhiều, vì người ta chỉ cần căn cứ vào cấu tạo của bản thân một từ nào đó mà thôi. Ví dụ: Trong tiếng Nga, xét một từ như ‘kraxivưi’ (đẹp) chẳng hạn, ta có thể khẳng định ngay rằng nó là một tính từ giống đực và là tính từ ở số ít… Sở dĩ ta có thể làm được điều đó là vì trong cấu tạo của từ này, có một dấu hiệu hình thức biểu thị những ý nghĩa ngữ pháp của từ: đó chính là biến tố [-ưi].

Những từ có chứa đựng dấu hiệu hình thức biểu thị các loại ý nghĩa ngữ pháp như vậy gọi là từ có cấu tạo hình thái. Đương nhiên, không phải tất cả các từ trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có cấu tạo hình thái. Chẳng hạn, các từ trong tiếng Việt không có cấu tạo hình thái, nhưng phần lớn các từ của các thứ tiếng biến hình, như Nga, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, đều có cấu tạo hình thái. Tuy nhiên, hệ thống cấu tạo hình thái của các từ trong các ngôn ngữ biến hình cũng không giống nhau. Có những ngôn ngữ hệ thống cấu tạo hình thái của từ rất phong phú (ví dụ như các ngôn ngữ Xlavơ), nhưng cũng có những ngôn ngữ, trong đó hệ thống cấu tạo hình thái lại khá nghèo nàn. Ví dụ như trong tiếng Anh, với một dạng thức từ như ‘love’, chúng ta khó có thể nói ngay là nó có ý nghĩa ngữ pháp gì, vì dạng thức này có thể là động từ, danh từ, hoặc tính từ, tuỳ thuộc vào sự kết hợp của nó với các từ khác. Tuy nhiên, dạng thức ‘loved’ của nó lại có thể cho ta biết ngay đây là thời quá khứ của động từ, hoặc đây là một tính động từ.

Như vậy, ngoài việc phân tích cấu tạo của từ để tìm hiểu các phương thức tạo từ mới trong các ngôn ngữ, ta còn có thể phân tích cấu tạo từ để tìm ra các dấu hiệu hình thức biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp. Việc phân tích từ như vậy gọi là phân tích cấu tạo hình thái của từ. Nhờ kết quả phân tích cấu tạo hình thái của từ, ta có thể biết được trong một ngôn ngữ cụ thể, các loại ý nghĩa ngữ pháp được thể hịên như thế nào. Thông thường, để nhận biết các dấu hiệu hình thức biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp của từ, người ta có thể đối lập các từ với nhau hoặc đối lập các dạng thức khác nhau của cùng một từ. Chẳng hạn, trong tiếng Nga, đối lập các từ ‘ozero’ (cái hồ) với ‘reka’ (sông), ta nhận biết được [-o] là dấu hiệu hình thức biểu thị “giống trung” của từ ‘ozero’, còn [-a] là dấu hiệu hình thức biểu thị giống cái của từ ‘reka’; song đối lập dạng thức ‘reka’ với dạng thức ‘reki’ (các dạng thức khác nhau của cùng một từ), ta nhận biết được [-a] là dấu hiệu hình thức biểu thị số ít, còn [-i] là dấu hiệu hình thức biểu thị số nhiều của từ ‘reka’. Những dấu hiệu hình thức dùng để biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp gọi là ‘hình vị ngữ pháp’.

2. Các loại ý nghĩa ngữ pháp

Cũng giống như ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp là một phạm trù ý nghĩa, trong đó bao gồm một số thành phần ý nghĩa cụ thể hơn. Tuy nhiên, khác với trường hợp ý nghĩa từ vựng, vốn là phạm trù ý nghĩa bao gồm các thành phần ý nghĩa bộ phận giống nhau trong các ngôn ngữ (ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa ngữ dụng), trong phạm trù ý nghĩa ngữ pháp, số lượng các thành phần ý nghĩa bộ phận có thể rất khác nhau giữa các ngôn ngữ: có ngôn ngữ, hệ thống ý nghĩa ngữ pháp của từ rất nghèo nàn, như tiếng Việt chẳng hạn, nhưng có những ngôn ngữ, hệ thống ý nghĩa ngữ pháp lại rất phong phú, ví dụ như tiếng Nga. Số lượng ý nghĩa ngữ pháp nhiều hay ít phụ thuộc vào từng ngôn ngữ hoặc từng loại hình ngôn ngữ.

Kết quả phân tích cấu tạo hình thái của các từ và/hoặc khả năng kết hợp của các từ trong một ngôn ngữ sẽ cho ta biết tổng số ý nghĩa ngữ pháp của ngôn ngữ đó.

Tổng hợp tất cả các loại ý nghĩa ngữ pháp trong các ngôn ngữ cho phép ta phân biệt những loại ý nghĩa ngữ pháp sau đây:

2.1 Ý nghĩa từ pháp hay ý nghĩa hình thái

Đó là ý nghĩa được phản ánh qua kiểu cấu tạo hình thái của từ và hệ biến đổi hình thái (gọi tắt là hệ biến thái) của nó, nếu có. Chẳng hạn, từ ‘reader’ (độc giả) trong tiếng Anh chỉ cho ta biết những thông tin ngữ pháp sau:

– Nó là một danh từ,
– Nó là một danh từ số ít,

Song, một danh từ tiếng Nga còn có thể cho ta biết về hệ biến đổi hình thái của nó. Ví dụ: Từ ‘xtudentka’ (nữ sinh viên) với vĩ tố [-a] cho ta biết các ý nghĩa ngữ pháp sau:

– Nó là một danh từ giống cái,
– Nó là một danh từ số ít,
– Nó là một danh từ ở nguyên cách (chủ cách),

và danh từ này sẽ biến đổi theo hệ biến đổi hình thái đặc trưng cho những danh từ giống cái có vĩ tố [-a] (ví dụ, ở sở hữu cách số ít: [-i]; ở tặng cách số ít:[-e]; ở đối cách số ít: [-u], v.v…).

2.2 Ý nghĩa chức năng hay ý nghĩa quan hệ

Đó là ý nghĩa phản ánh chức năng ngữ pháp mà từ đảm nhiệm trong cụm từ hay câu. Như vậy, đây là loại ý nghĩa mà từ có được khi nó nằm trong mối quan hệ với những từ khác trên dòng lời nói. Ví dụ: Dạng thức ‘kniga’ (quyển sách) của tiếng Nga cho ta biết rằng danh từ này đang đảm đương chức năng chủ ngữ trong câu, còn dạng ‘knigu’ thì cho biết nó đang đảm đương chức năng bổ ngữ trực tiếp của động từ, tức là đối tượng trực tiếp của hành động hay hoạt động. Trong các ngôn ngữ không biến hình, ý nghĩa chức năng chỉ có thể được nhận biết trên cơ sở vị trí của từ; chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ ‘sinh viên’ đảm đương chức năng chủ ngữ, nếu nó nằm trong kết hợp từ: « Sinh viên đang học bài. », song nó sẽ là định ngữ, nếu nằm trong câu: « Đây là bàn học của sinh viên. ». Loại ý nghĩa này có liên quan đến tính chất từ loại của từ.

2.3 Ý nghĩa từ loại

Đó là ý nghĩa vừa phản ánh cách thức chia cắt hiện thực khách quan bên ngoài ngôn ngữ vừa phản ánh khả năng đảm đương các chức năng ngữ pháp của từ trong nội bộ hệ thống ngôn ngữ. Như vậy, có thể thấy rằng nghĩa này liên quan chặt chẽ với ý nghĩa chức năng đó nói ở trên. Chẳng hạn, ý nghĩa ‘hành động’ hoặc ý nghĩa ‘tính chất’ của các từ cho chúng ta biết chúng có khả năng đảm đương những chức năng ngữ pháp nào. Trong nhiều ngôn ngữ, nếu một từ có ý nghĩa ‘phẩm chất’ (và do đó là một tính từ) thì nó không thể kết hợp với một động từ trong chức năng trạng ngữ hoặc bổ ngữ (ví dụ, trong tiếng Nga: không thể nói “govorit’ khorosi” vì ‘govorit’’ là động từ và ‘khorosi’ là một tính từ) mà chỉ có thể kết hợp với các danh từ trong chức năng định ngữ hoặc vị ngữ mà thôi. Tuy nhiên, điều đó sẽ không đúng với thực tiễn tiếng Việt, vì trong ngôn ngữ này, các tính từ có thể kết hợp với động từ trong chức năng trạng ngữ. Ví dụ, so sánh:

Con công xòe rộng cái đuôi.
Khúc sông chỗ này rất rộng.

Ý nghĩa từ loại của từ có thể được biểu thị bằng các hình vị ngữ pháp (ví dụ: [-er] trong tiếng Pháp hay [-at’] trong tiếng Nga biểu thị ý nghĩa ‘động từ’), nhưng cũng có thể không được thể hiện qua hình thức của từ, và do đó chỉ có thể nhận biết được ý nghĩa này của từ bằng cách phân tích những đơn vị lớn hơn từ, như trong tiếng Việt chẳng hạn.

(còn nữa)

_______________________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , | Leave a Comment »

Sự biến đổi ý nghĩa của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 12, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

3. Các phương thức biến đổi ý nghĩa của từ

Phương thức biến đổi ý nghĩa của từ là cách thức bổ sung nghĩa mới cho từ không kèm theo sự biến đổi về từ ngữ âm, làm cho từ trở thành từ nhiều nghĩa.

Trong ngôn ngữ học, người ta đã tổng kết được ba phương thức chủ yếu mà các ngôn ngữ thường dùng để biến đổi ý nghĩa của từ. Đó là:

3.1. Giữ tên gọi cũ để chỉ những sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới hoặc đã thay đổi

Về nguyên tắc, khi xuất hiện một sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới, hoặc khi sự vật, hiện tượng trước đây đã thay đổi thì xã hội phải tạo ra một vỏ âm thanh mới để biểu thị nó. Song không phải bao giờ người ta cũng làm như vậy. Trong nhiều trường hợp, các ngôn ngữ vẫn lấy tên gọi cũ để biểu thị sự vật hay hiện tượng mới nhờ vào những nét tương đồng giữa cá sự vật. Chỉ khi nào cần thiết, người ta mới bổ sung thêm một yếu tố khu biệt nào đó, ví dụ như yếu tố mô tả một đặc trưng hay chức năng nào đó của sự vật. Điều đó dẫn tới kết quả là một tên gọi được dùng chung cho nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau, khiến cho việc xác định ý nghĩa thực của từ nhiều khi không thể thực hiện được, nếu không có ngữ cảnh của từ. Ví dụ: Nếu không theo dõi từ đầu quá trình giao tiếp, người nghe có thể không hiểu được ý nghĩa thực của từ ‘xe’ trong câu “Chị đã mua xe chưa?”, vì rằng trong trường hợp này, ‘xe’ có thể là ‘xe máy’, ‘xe đạp’ hoặc ‘xe hơi’… Một loạt các từ như ‘bút’, ‘đàn’, ‘bánh”,… trong tiếng Việt đều nằm trong số những từ được biến đổi nghĩa theo phương thức này và nhờ đó chúng trở thành những hình vị cấu tạo từ mới theo phương thức ghép chính phụ.

Đây là phương thức phát triển ý nghĩa của từ rất phổ biến trong các ngôn ngữ. Có thể nêu một vài ví dụ: Trong tiếng Anh, từ ‘boat’ vừa có nghĩa là “thuyền” vừa có nghĩa là “tàu thuỷ” (loại nhỏ); trong tiếng Ba Lan, từ ‘pióro’ vừa có nghĩa là “cái lông” (ví dụ: ‘lông ngỗng’) vừa có nghĩa là “cái bút”; trong tiếng Pháp, từ ‘bureau’ vừa có nghĩa là “cái bàn làm việc” vừa có nghĩa là “phòng làm việc” hay “cơ quan”…

Điều đáng chú ý là trong phương thức này, thường chỉ có ý nghĩa biểu vật là thay đổi cơ bản, còn ý nghĩa biểu niệm chỉ thay đổi phần nào, trong đó nét nghĩa chính thường được bảo tồn. Thực vậy, trong từ ‘xe’ của tiếng Việt chẳng hạn, ý nghĩa biểu vật đã thay đổi rất nhiều: nó biểu thị không phải một mà nhiều loại xe khác nhau. Trong khi đó, nét nghĩa chính trong ý nghĩa biểu niệm của từ này là ‘phương tiện chuyên chở đường bộ, thường có bánh’ vẫn không thay đổi. Do đó, có thể nói rằng đây là những từ nhiều nghĩa biểu vật.

3.2. Hoán dụ

Hoán dụ là phương thức làm biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ một sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở mối quan hệ tất yếu giữa các sự vật, hiện tượng ấy.
Chúng ta hiểu quan hệ tất yếu là mối quan hệ hiển nhiên, có thể thấy được một cách trực tiếp và ai cũng thấy như nhau mà không cần phải có những thao tác tìm hiểu đặc biệt như đối chiếu hay so sánh chẳng hạn.

Thường thì các ngôn ngữ dựa vào một số loại quan hệ tất yếu để tạo ra hoán dụ. Số lượng những mối quan hệ đó có thể không giống nhau trong các ngôn ngữ. Tuy nhiên, xét trên góc độ phổ niệm, có thể nêu lên ba loại quan hệ chủ yếu sau đây:

– Quan hệ bộ phận và toàn thể, nghĩa là lấy tên gọi của bộ phận để chỉ toàn thể hoặc ngược lại. Tuy nhiên, nói chung, người ta thường lấy tên gọi của bộ phận để chỉ toàn thể mà ít khi lấy toàn thể để chỉ bộ phận. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, ‘má hồng’ thường được dùng để chỉ ‘cô gái’, hay ‘mày râu’ chỉ ‘đàn ông’, hoặc ‘tay chơi’ dùng để chỉ ‘người ăn chơi’; ‘miệng ăn’ chỉ ‘người ăn’, song ‘con ngươi’ (con người) được dùng để chỉ ‘đồng tử’; ‘nhà’ dùng để chỉ ‘chồng’ hoặc ‘vợ’; ‘mùi’ dùng để chỉ ‘mùi hôi’…

– Quan hệ giữa nguyên liệu và thành phẩm, nghĩa là lấy tên gọi của nguyên liệu để chỉ sản phẩm hay thành phẩm làm từ nguyên liệu đó. Ví dụ: ‘glass’ trong tiếng Anh có thể là “thuỷ tinh” (nguyên liệu), song cũng có thể là “cái cốc”, “cái kính”, “ống nhòm” (thành phẩm); ‘thau’ trong tiếng Việt vừa là tên gọi nguyên liệu (đồng thau) vừa là tên gọi của thành phẩm: cái chậu làm bằng đồng thau (ví dụ: ‘thau rửa mặt’).

– Quan hệ giữa vật chứa và vật được chứa, tức là lấy vật chứa để chỉ vật được chứa trong đó. Ví dụ: trong câu “Cả nhà đi nghỉ mát.” thì ‘nhà’ có nghĩa là ‘những người sống trong nhà’ đó; trong “Cả làng vào hội.” thì ‘làng’ là vật chứa tất cả những người đang sống trong đó.

Ngoài ba loại quan hệ chủ yếu trên đây, người ta còn nói tới một số quan hệ khác nữa. Song nói chung, đó chỉ là những sự cụ thể hóa các loại quan hệ đã nêu ở trên, và trong các ngôn ngữ có thể có sự khác biệt về những biểu hiện cụ thể đó. Chẳng hạn, trong tiếng Việt có cách nói lấy tên gọi của tính chất sự vật để chỉ bản thân sự vật (ví dụ: ‘chất xám’ được dùng để chỉ ‘trí thức’) mà đó chính là loại hoán dụ dựa trên quan hệ bộ phận/ toàn thể nhưng chỉ đặc trưng cho một hay một số ngôn ngữ nào đó mà thôi.

Qua các ví dụ nêu trên, ta cũng có thể nhận thấy rằng, trong trường hợp hoán dụ, cả ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của từ đều bị biến đổi.

3.3. Ẩn dụ

Ẩn dụ cũng là phương thức biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở của sự giống nhau về một khía cạnh nào đấy giữa hai sự vật hay hiện tượng ấy.

Tuy nhiên, khác với trường hợp hoán dụ, quan hệ giữa hai sự vật hay hiện tượng trong ẩn dụ không phải là mối quan hệ hiển nhiên và có thể thấy một cách trực tiếp, do đó để nhận ra mối quan hệ này, ta phải thực hiện thao tác đối chiếu, so sánh ngầm các sự vật/ hiện tượng với nhau. Chính vì đây không phải là mối quan hệ có thể thấy được một cách trực tiếp, nên nhiều khi, sự liên tưởng ở mọi người không giống nhau, dẫn đến việc tiếp thu ý nghĩa của cùng một đơn vị ngôn ngữ theo những cách khác nhau. Đây chính là lí do vì sao ẩn dụ rất được ưa dùng để tạo ra những hiệu quả giao tiếp đặc biệt trong ngôn ngữ văn học.

Khi nói đến ẩn dụ với tư cách là phương thức biến đổi ý nghĩa của từ, người ta thường nghĩ đến những loại ẩn dụ nào có tính bền vững tương đối, nghĩa là đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Đó là những ẩn dụ trong giao tiếp thông thường, chứ không phải là ẩn dụ trong giao tiếp nghệ thuật.

Để tạo ra ẩn dụ, người ta cũng thường dựa trên một số mối quan hệ giữa các sự vật hay hiện tượng. Thường thì người ta tạo ra ẩn dụ trên cơ sở của ba loại quan hệ chủ yếu sau đây:

– Quan hệ giữa nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng, nghĩa là lấy từ vốn trước đây chỉ dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động hay đặc trưng, tính chất cụ thể để chỉ một khái niệm trừu tượng. Ví dụ: Các từ ‘chín’ trong “chuối chín” và “nghĩ chín” của tiếng Việt, ‘vưxoki’ (cao) trong ‘‘vưxoki gost’’ (‘khách quý’) của tiếng Nga, hay ‘soft’ (‘nhẹ, dẻo, mềm’) trong ‘‘soft winter’’ (‘mùa đông ôn hoà, dễ chịu’) của tiếng Anh, là những ẩn dụ loại này.

– Quan hệ giữa người và vật: lấy tên gọi của bộ phận cơ thể, hành vi, tính chất hay đồ dùng của người để biểu thị các bộ phận, tính chất hay hành động của vật. Ví dụ: ‘mũi’ trong “mũi dao”, “mũi thuyền”; ‘quất’ trong “mưa quất”, ‘mũ’ trong “mũ đinh” của tiếng Việt.

– Quan hệ giữa vật và người, tức là lấy tên gọi của vật, hoặc bộ phận, hành vi, tính chất của vật để chỉ người hay bộ phận, hành vi, tính chất của người. Ví dụ: Trong tiếng Việt, ‘cò mồi’ được dùng để chỉ ‘người làm trung gian để kiếm lời’, ‘cò hương’ được dùng để chỉ ‘người cao hay gầy’, ‘lá’ của cây được dùng để chỉ ‘lá phổi’ của người, ‘quả’ được dùng để chỉ ‘quả tim’ của người, và người cũng có thể ‘hót’ hay; trong tiếng Anh, ‘fish’ là “cá” nhưng cũng có thể là ‘người bị mồi chài’; trong tiếng Nga, ‘mesok’ là “cái bao tải” nhưng cũng có thể là ‘người vụng về’.

Qua các ví dụ trên, ta có thể thấy rằng trong phép biến đổi ý nghĩa từ bằng ẩn dụ, ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của từ đều bị thay đổi, song giữa các ý nghĩa khác nhau của từ vẫn có một hoặc một vài nét nghĩa chung (ví dụ: hình dáng, chức năng, cách thức) – đó là nét nghĩa chi phối của từ.

Tất cả các phương thức biến đổi ý nghĩa của từ trên đây đều là những phương thức làm cho ý nghĩa của từ được mở rộng để biểu thị được nhiều sự vật, hiện tượng hơn, tức là làm cho từ trở thành từ nhiều nghĩa. Ngoài phương hướng mở rộng ý nghĩa nêu trên, người ta còn nói tới sự biến đổi nghĩa theo hướng thu hẹp ý nghĩa của từ, làm cho từ biểu thị được ít sự vật, hiện tượng hơn. Tuy nhiên, xét về bản chất, trong ngôn ngữ không có hiện tượng thu hẹp nghĩa mà chỉ có hiện tượng mở rộng nghĩa, bởi vì cái gọi là hiện tượng thu hẹp nghĩa thực chất cũng là phương thức mở rộng ý nghĩa của từ theo hướng bổ sung một hay một vài ý nghĩa/ nét nghĩa cụ thể nào đó cho từ.
Thực vậy, từ ‘nước’ trong tiếng Việt chẳng hạn, trước đây nó vốn được dùng để chỉ ‘chất lỏng’ nói chung, rồi sau đó được bổ sung thêm ý nghĩa “chất lỏng không màu, không mùi, không vị”. ý nghĩa này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực khoa học. Đó chính là sự thu hẹp nghĩa. Như vậy, sự thu hẹp nghĩa của từ ‘nước’ để nó có thể làm một thuật ngữ khoa học đã làm cho nó có thêm một nghĩa mới (nghĩa thuật ngữ), bên cạnh nghĩa thường dùng trong giao tiếp hàng ngày. Nhưng đó lại chính là sự mở rộng nghĩa của từ. Vả lại, suy cho cùng thì sự biến đổi ý nghĩa của từ chính là sự thay đổi trong cấu trúc ý nghĩa biểu niệm của từ theo hướng thay thế hoặc bổ sung các nét nghĩa: các nét nghĩa khái quát của từ được thay thế/bổ sung bằng những nét nghĩa cụ thể hơn, hoặc ngược lại: các nét nghĩa cụ thể được thay thế/ bổ sung bằng những nét khái quát hơn (so sánh: ‘chất lỏng’ và ‘chất lỏng, không màu, không mùi, không vị’). Cả hai đường hướng đó rốt cuộc đều dẫn đến kết quả là làm cho từ biểu đạt được nhiều sự vật, hiện tượng hay khái niệm hơn.

________________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa từ vựng học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , | 1 Comment »

Một “thảm hoạ dịch thuật”

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 6, 2010

Võ Xuân Quế

Chưa tìm được diễn đạt nào thích hợp hơn, tôi mượn cụm từ trên của Trần Tiễn Cao Đăng[1] để nói về một cuốn sách bằng tiếng Việt có tên Văn phạm Phần-Lan bằng tiếng Việt được Nhà xuất bản Đại học Helsinki xuất bản năm 1995, do Laurent Tran-Nguyen dịch từ bản tiếng Phần Lan Suomen peruskielioppi (1982) và bản tiếng Anh Finnish Grammar (1983) của giáo sư ngôn ngữ học Fred Karlsson. Cuốn sách xuất bản đã lâu và có thể không cần được nói đến nữa, nhưng vì đây là một tác phẩm ngôn ngữ học cần cho người Việt muốn học và nghiên cứu tiếng Phần Lan hiện vẫn đang được lưu hành tại một số thư viện ở Phần Lan, và đáng nói hơn là từ tác phẩm dịch ”thành công” này mà Nhà xuất bản nói trên đã xuất bản tiếp hai cuốn ”tự điển” khác của người dịch[2] nên nhiều người Việt ở Phần Lan cũng như tôi thấy phải lên tiếng.

Phải công nhận rằng việc xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Việt là việc làm rất đáng trân trọng của Nhà xuất bản Đại học Helsinki nhằm cung cấp cho người Việt, trước hết là những người ở Phần Lan có một tài liệu trong việc học tập và nghiên cứu tiếng Phần Lan, như mong muốn của tác giả cuốn sách, GS Fred Karlsson, trong lời tựa viết cho bản in tiếng Việt “Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ tăng thêm ham muốn học tiếng Phần Lan của người Việt Nam, đồng thời nâng cao sự hiểu biết giữa hai dân tộc” (tr.4). Nhưng, thật đáng buồn là bản dịch tiếng Việt (BD) không đáp ứng được mong muốn đó của tác giả và trái ngược hoàn toàn với khẳng định của người dịch viết trong Lời người soạn dịch rằng cuốn sách được chuyển dịch “một cách hoàn hảo” (tr. 5).

BD có rất nhiều lỗi sai, lại được diễn dịch bằng một thứ tiếng Việt rất thiếu trong sáng khiến người đọc nó thấy như rơi vào một mớ chữ quốc ngữ rối mù dở tây dở ta, nhiều chỗ không thể nào hiểu nổi. Không phải bất cứ trang nào mà bất cứ đoạn nào của cuốn sách gồm 248 trang in, khổ 17,5x25cm cũng có chỗ sai, đến nỗi nếu liệt kê hết thì chắc phải đến hàng trăm trang với khổ tương tự của BD và thật khó có đủ kiên nhẫn để liệt kê hết được. Chỉ cần đọc qua 5 trang mục lục (tr.6-10), người đọc đã có thể thấy được sự ”hoàn hảo” của BD. Dưới đây tôi chỉ nêu ra một vài nhận xét khái quát qua một số ví dụ đối chiếu với bản tiếng Anh, mặc dù tôi cũng đối chiếu với cả bản tiếng Phần Lan và tiếng Anh mà ND nói đã dùng làm bản nguồn để dịch.

1. Trước hết, cần phải nói rằng Văn phạm Phần-Lan bằng tiếng Việt là một cuốn sách ngôn ngữ học nên có rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Nhưng người dịch (ND) hầu như không có chút hiểu biết gì về vốn thuật ngữ này dẫn đến hàng loạt thuật ngữ bị dùng bát nháo trong BD. Chẳng hạn: ”Endings” (hậu tố hay yếu tố kết thúc) được dịch ra tới 11 từ, cụm từ không chính xác là: Chữ, Chữ ghép sau cùng, Chữ ghép nối sau cùng, Chữ sau cùng, Chữ nối sau cùng, Chữ nối, Chữ ghép cuối, Chữ kép, Chữ ghép sau, Chữ ghép, Ngữ cách cuối.

“Stem” (Thân từ) bị dùng tới 10 từ, cụm từ khác nhau là: Nốt, Đuôi, Ngữ căn, Mẫu chữ chính, Chữ chính, Chữ nguyên mẫu, Thể nguyên lý sau cùng, Đuôi chữ, Thể hình nguyên dạng, Thể nguyên lý sau cùng. “Personal ending” (Hậu tố chỉ ngôi) bị dịch ra thành 6 cụm từ khác nhau là: Dạng chữ đi cùng với một chữ ghép sau cùng, Chữ ghép cuối thể nhân xưng (tr. 27, 57), Chữ cuối thể nhân xưng (tr. 37), Chữ ghép cuối nhân xưng (tr. 37), Nhân xưng của chữ ghép cuối sau cùng (tr. 26), Dạng chữ ghép chữ nhân xưng (tr. 27). Đến thuật ngữ thông dụng mà hầu như người học ngoại ngữ nào cũng biết là Cách (case) cũng được dịch ra tới 5 cụm từ khác nhau: Ngữ cách (tr.25), Ngữ căn (tr.57), Tên từ (tr.25, 26), Mẫu ghép (tr.14), Trường hợp (tr.15). Thức Bị động (Passive) cũng bị dịch ra 4 cụm từ khác nhau là: Thụ bị động (tr.26, 28), Thụ thể (tr.26), Thụ động (tr.136) và Phụ động (tr.166). Rõ ràng là nhiều từ, cụm từ trên đây do ND bịa ra chứ không có trong tiếng Việt.

Đáng nói nhất là ND đã không nhận ra sự khác nhau giữa các khái niệm rất cơ bản và thông dụng, như: Từ (words), Chữ cái hay chữ viết (letters), Âm hay Âm thanh (sounds) nên dùng lẫn lộn và dịch thành từ, cụm từ khác khiến cho các khái niệm bị rối tung. Phần lớn thuật ngữ: Từ (words) đều bị dịch thành chữ. Chẳng hạn: “Word classes” dịch thành “Những loại chữ”, “Word formation” dịch thành “Cấu tạo của chữ”…. Trong khi đó Chữ cái dịch thành Lối viết; Âm dịch thành Lối phiên âm, giọng. Thuật ngữ “Indo-European family/languages” (Họ ngôn ngữ Ấn-Âu) bị dịch thành “Những ngôn ngữ khác ở Châu Âu” (tr.11, 15) hay “Họ chữ của Châu-Âu” (tr.15). Còn các thuật ngữ ít phổ biến hơn như “hình vị” (phonemes), “quán từ” (articles) không được biết đến. Vì thế mà câu: “The writing system is regular in that a given phoneme is always written with the same letter. The converse is also true: a given letter always corresponds to the same phonem” (Hệ thống chữ viết theo quy tắc một âm vị luôn được viết bằng một chữ cái. Ngược lại một chữ cái luôn tương ứng với một âm vị) bị dịch thành một câu sai hoàn toàn “Lối viết thì luôn theo hệ thống đơn âm luôn viết theo lối chữ riêng. Trái lại một chữ cho lại luôn tương xứng với đơn âm đã được cho”.

Rất, rất nhiều khái niệm, thuật ngữ sai khác nữa mà tôi không thể kể ra hết ở đây.

2. Kiến thức về ngôn ngữ nguồn (tiếng Phần Lan, mà chủ yếu là tiếng Anh) của ND rất kém. Không chỉ nhiều từ bị hiểu sai mà một số cấu trúc câu cũng không hiểu đúng nên dịch sai sang tiếng Việt. Chẳng hạn: “Infinitive” (bất định, vô định) và “Inflectional” (biến tố) đều được dịch thành “vô-định”. “Finite” (có ngôi) dịch thành “Định cách”, “Infinite” (không ngôi) dịch thành “Không định cách”, nhất là “Indefinite pronouns” (Đại từ không xác định) bị dịch thành “Những đại danh từ không bất định”. Câu “ A survey of word structure” (Nhận xét về cấu trúc từ) dịch thành “Sự quan sát về cấu trúc của chữ” (tr. 24). “Independent words” (Những từ độc lập) dịch thành “Chữ riêng biệt” (tr.14). “Postposition” (hậu giới từ) dịch thành “Phụ ngữ”; nhưng ngay trước đó “Preposition” (Tiền giới từ) cũng được dịch là “Phụ ngữ” và “Tiến trí từ”. Câu đơn giản là “ A survey of word structure” (Nhận xét về cấu trúc từ) mà cũng bị dịch thành “Sự quan sát về cấu trúc của chữ” (tr. 24). Hay, trong câu này: “Finnish verb forms are built up in the same way” (Các dạng động từ tiếng Phần Lan được cấu tạo bằng cách tương tự) từ “same” bị hiểu sai nên dịch thành một câu khác hẳn về nghĩa và sai nội dung “Các động từ của tiếng Phần-Lan đều được cấu tạo như nhau” (tr.14). Còn câu sau đây gồm 10 từ mà có tới 3 từ bị hiểu sai và dịch sai: “The 15 most frequent words in Finnish are the following” (15 từ thường xuất hiện nhất trong tiếng Phần Lan là những từ sau) bị dịch thành Trong tiếng Phần Lan có 20 chữ thường xuất hiện như sau đây (tr.15).

Sự kém hiểu biết ngôn ngữ nguồn của ND dễ nhận thấy nhất là hiểu sai những từ có nhiều nghĩa của ngôn ngữ này nên dịch sai trong tiếng Việt. Ví dụ: Từ “Since” trong câu “Since the endings are often piled up one behind the other rather mechanically, finnish word forms are usually easy to analyse if one knows the endings”, đáng lẽ phải dịch bằng từ “Vì” thì lại dùng “Kể từ khi” và dịch thành câu rất ngô nghê là “Kể từ khi những chữ ghép được chồng chất lên nhau theo cách cấu tạo những mẫu chữ tiếng Phần-Lan thường khá dễ dàng phân tích nếu như có hiểu biết về những chữ ghép sau cùng này” (tr.14). Hay, từ “article” (quán từ) được hiểu là “điều khoản”, “semantic function” (Chức năng ngữ nghĩa) là “cấu trúc về văn học” trong câu: “Finnish does not have article either. The semantic function of articles is often expressed by word order in Finnish” (Tiếng Phần Lan không có quán từ. Chức năng ngữ nghĩa của quán từ thường được diễn đạt bằng trật tự từ trong tiếng Phần Lan) và dịch thành “Tiếng Phần Lan không có điều khoản nhất định. Các cấu trúc về văn học thường được diễn tả bằng chữ trong tiếng Phần Lan” (tr. 15). Câu đơn giản như: ” Finland is one of the northernmost countries in the world” mà cũng bị dich sai thành (Nước Phần-Lan là một trong những nước thuộc về vùng bắc-âu nhất trên thế giới (tr.201)

Rất nhiều từ thông dụng khác của tiếng Anh (gạch dưới trong ví dụ) đã bị hiểu và dịch sai: “The basic characteristics of Finnish” (Những đặc trưng cơ bản của tiếng Phần Lan) dịch thành “Các phần cơ bản trong tiếng Phần Lan” (tr.6, 13). Câu “The adding of endings to a stem is a morphologial feature of many European languages, but Finnish is nevertheless different from the most others in two respects” (Việc thêm các hậu tố vào một thân từ là một đặc trưng hình thái học của nhiều ngôn ngữ châu Âu, song tiếng Phần Lan khác với hầu hết các ngôn ngữ khác ở hai phương diện) bị dịch sai thành: “Cách thêm những chữ sau cùng vào một chữ chính là một đặc tính theo ngôn ngữ hình thái học của nhiều ngôn ngữ ở tây phương, tuy thế tiếng Phần Lan hoàn toàn khác biệt so với những ngôn ngữ khác” (tr.14). Câu tiếng Anh đơn giản “Finnish verb forms are built up in the same way” (Các dạng động từ tiếng Phần Lan được cấu tạo bằng cách tương tự) bị dịch thành một câu khác hẳn về nghĩa và sai nội dung “Các động từ của tiếng Phần-Lan đều được cấu tạo như nhau” (tr.14). Đọc hai câu này “Đặc tính khó nhất trong lối phiên âm của tiếng Phần-Lan là sự kéo dài của âm nói. Những âm dài khác nhau giúp cho ta có thể phân biệt được các ý nghĩa của các chữ riêng biệt” (tr.17) chắc không ai có thể tin là nó được “xuyên tạc” từ một câu tiếng Anh: “The most difficult feature of the pronounciation of Finnish is the length (duration) of the sounds: differences of length serve very frequently to distinguish seperate words (Điều khó nhất trong sự phát âm của tiếng Phần Lan là độ dài của các âm: sự khu biệt về độ dài rất hay dùng để phân biệt các từ khác biệt)”.

Đáng chê trách hơn là, do không có kiến thức ngôn ngữ học và hiểu biết tiếng Anh kém nên ND đã hành người đọc bằng những câu sai và vô nghĩa như sau:
– “Closed round back vowel /u/” (Nguyên âm sau, tròn môi, khép /u/ ) dịch thành Khá gần tròn sau nguyên âm /u/ (tr.18)
– “Half-closed round back vowel /o/” (Nguyên âm sau, tròn môi, hơi khép /o/ ) dịch thành Chỉ có một phần tròn sau nguyên âm /o/ (tr.18)
– “Closed round front vowel /y/” (Nguyên âm trước tròn môi, khép /y/) dịch thành Khá tròn như trước một nguyên âm / y / (tr.18)
– “Half-closed rounded front vowel /ö/” (Nguyên âm trước tròn môi, hơi khép /ö/) dịch thành Hơi tròn một nưả trước một nguyên âm /ö/ (tr.18)

Đặc biệt, tất cả 20 ví dụ ở phần nói về dạng phủ định của thể quá khứ bị động và quá khứ hoàn thành bị động (tr. 169) đều bị dịch sai. Lý do là các ví dụ này được dịch từ tiếng Anh (vì trong bản tiếng Phần Lan, các ví dụ không hề có chủ thể), nhưng ND đã không hiểu đúng nghĩa của từ “One” trong các ví dụ. Đáng lẽ không cần dịch nghĩa của từ “One” sang tiếng Việt (hoặc nếu dịch thì phải dùng “người ta/ai đó”), nhưng lại dịch sai là “một người”, như: “một người chưa từng nhận được” (one has not got), “một người đã chưa từng nhận được” (one did not say) … Các ví dụ này trong tiếng Phần Lan là: “ei ole saatu” (chưa nhận được), “ei sanottu” (chưa được nói ra)…

Xin dẫn thêm một ví dụ nữa để thấy được trình độ ngôn ngữ nguồn của ND kém như thế nào. Câu tiếng Anh là: “When adjective occur as attributes they agree in number and case with the headword, i.e. they take the same endings”. (Khi tính từ xuất hiện như những thuộc ngữ chúng phù hợp về số và cách với từ chính, tức là chúng có hậu tố giống nhau) bị dịch một cách sai lạch và tối nghĩa là: “Khi xuất hiện một tỉnh từ như những đặc tính theo số lượng và theo trường hợp với những chữ đứng đầu, chúng sẽ dùng chung những chữ ghép” (tr.15)

3. BD thể hiện trình độ tiếng Việt của người dịch cũng rất có vấn đề: không chỉ nghèo nàn ở vốn từ mà yếu kém cả về ngữ pháp. Câu văn được diễn đạt hết sức lủng củng và rối rắm, rất nhiều đoạn ngô nghê, thiếu tường minh. Hình như ND không biết các khái niệm: “Số từ” (Numerals) nên mới dịch thành “Những chữ số”, “Số từ số lượng” (Cardinal numbers) dịch thành “Những số cốt yếu”; “Số từ thứ tự” (Ordinal numbers) thành “Số thứ tự”. Từ đó mà các câu ở chương 12 hầu hết đều dịch sai và thành những câu tối nghĩa. Chẳng hạn: “All cardinal numbers decline like nouns, adjectives and pronouns: they inflect for number and case” (Tất cả số từ số lượng biến đổi như danh từ, tính từ và đại từ: chúng biến đổi về số và cách) được dịch thành: “Tất cả những số cốt yếu biến hóa như những danh từ, tính từ và đại danh từ: chúng biến hóa dành cho chữ số và ngữ cách” (tr.126). Nhiều thuật ngữ ngữ pháp quen thuộc trong tiếng Việt đã không được ND biết đến nên tự đặt ra những thuật ngữ rất lạ tai: “Perfect (tense)” (Hoàn thành) = “Dĩ quá”, “Plusperfect tense” (Quá khứ hoàn thành) = “Đại quá khứ”, “Moods” (Thức) = “Những văn cách”, “Surperlative” (So sánh cấp cao nhất) = “Tối cao hơn hết”…

Khó tưởng tượng hơn là hầu hết những ví dụ trong phần viết về “Perfect tense” và “Plusperfect tense” (tr.150, 151) đều bị dịch thành những câu mà người Việt nghe rất chối tai. Đây là một số trong những câu dịch đó:
– “Ông giám-đốc từng đi ăn trưa chưa?” (Has the manager gone to lunch?)
– “Bạn có từng ăn rồi chưa?” (Have you already eaten?)
– “Bạn có từng đọc xong cuốn sách mới nhất của Salama chưa?” (Have you read Salama’s latest book?)
– “Tôi sẽ từng vui vẻ nếu như anh đã từng đến.”(I would have been pleased if you had come).
– “Tôi đã từng vừa về tới nhà là anh đã gọi điện thoại.” (I had just come home when you rang)
– “Khi tôi đã đến thì Kalle đã từng đợi mười phút.” (Kalle had been waited ten minutes when I came).
Còn đây là một số ví dụ về “thể bị động” của hai thời trên ở trang 168:
– “Từng có được nói rằng nước Phần-Lan là một quốc gia của hàng ngàn cái hồ” (It has been said that Finland is the land of a thousand lakes)
– “Từng có được xác-nhận rằng anh/cô ta sẽ không bao giờ từ chức” (It has been stated that he will never resign).
– “Từng có được cho một ví dụ như thế mà…” (There had been given such advice that…).
– “Đã được ăn xong khi những người khách đã đến” (One/we had already eaten when the guests came).
Đọc những câu dịch từ các ví dụ dẫn dưới đây chắc nhiều người nghĩ chỉ những người nước ngoài bắt đầu học tiếng Việt mới có thể viết ra:

– Helsinki has developed into Finland’s bigest city (Helsinki đang từng tiến triển thành thành phố lớn nhất của nước Phần-Lan (tr.201)
– It was nice that you came too ( Đã là niềm vui rằng bạn đã cũng đã đến, tr.212).
– These flowers cost five markkaa (Những bông hoa này tốn giá năm đồng markka.)

Tôi tin là không một người Việt nào có chút ít tiếng Anh lại dịch “The colloquial spoken language” thành “Ngôn ngữ nói chuyện phong-tục hàng ngày”, “ngôn ngữ nói phong tục” và “ngôn ngữ được nói theo phong tục” như trong BD này!
Có lẽ chỉ cần câu tiếng Việt dưới đây trong BD cũng đủ để khẳng định trình độ tiếng Việt của người dịch:
– Mỗi một người Phần-Lan thứ bảy có một đoạn đường đến chỗ làm việc quá xa xôi (tr.131) < Every seventh Finn has too long a journey to work.

4. Do trình độ ngôn ngữ nguồn kém, lại không có hiểu biết về lịch sử và văn hóa Phần Lan nên ND đã dịch sai nhiều câu nói về vấn đề này ở trang 12 :
– “According to traditional theory, Finnish inhabitants have come from three directions. The Finn themselves came over from the south across the Gulf of Finland and from the east across the Karelian Isthmus and the Scandinavian came from the west (Theo lý thuyết truyền thống người Phần Lan đến từ ba hướng. Người Phần Lan đến từ phía nam qua Vịnh Phần Lan và từ phía đông qua Karelian Isthmus, và Những người Bắc Âu đến từ phiá tây) đã bị dịch sai thành “ Theo thuyết trình truyền thống thì nước Phần Lan được thành lập bởi ba nhóm người khác nhau. Nhóm người Phần Lan đầu tiên đến từ miền nam cuả vịnh Phần Lan, nhóm thứ nhì xuyên qua miền tây cuả người Karelian Isthmus và nhóm thứ ba thì từ miền tây của vùng Bắc Âu”

– “Politically, Finland was part of Sweden until 1809” (Về chính trị, Phần Lan là một phần của Thụy Điển cho đến năm 1809) bị dịch thành “Về chính trị, nước Phần-Lan đã là thuộc địa của nước Thụy Điển cho đến năm 1809”
– “During the Swedish period Finnish was very much a secondary language in official comtexts.” (Trong thời kỳ thuộc Thụy Điển, tiếng Phần Lan chỉ là ngôn ngữ thứ hai trong các bối cảnh chính thức) bị dịch thành “Tiếng Phần Lan chỉ là ngôn ngữ thứ nhì trong thời gian còn là thuộc địa của Thụy Điển”
– “The language of the administration and the intelligentsia was Swedish” (Ngôn ngữ của chính quyền và tầng lớp trí thức là tiếng Thụy Điển) bị dịch thành “Vì sự cai trị về ngôn ngữ nên trong các giới trí thức đều dùng tiếng Thụy Điển”.

– “The first major wave of immigration was that of the Häme Finns, who came over the Gulf of Finland and occupied parts of South-West Finland” (Làn sóng di dân lớn đầu tiên là những người Phần Lan vùng Häme vượt qua vịnh Phần Lan và chiếm các phần đất phiá Tây-Nam Phần Lan) bị dịch thành “Nhóm người đầu tiên được gọi là người ở vùng Häme, tức những người đến từ miền nam cuả vịnh Phần Lan và chiếm những vùng đất phiá đông–nam cuả Phần Lan”

– “The original population thus formed then absorbed the Baltic Finns from across the Gulf of Finland about 2000 years ago (Cư dân chính gốc được hình thành như vậy, sau đó hoà lẫn với người Phần Lan vùng Baltic ở bên kia vịnh Phần Lan cách đây khoảng 2000 năm) bị dịch thành “Riêng nhóm người chính gốc được chuyển hình và hấp thụ thành người Phần Lan gốc Bắc Âu và vượt qua vịnh Phần Lan chừng 2,000 năm về trước”
– “Since Turku was the capital city until 1827…” (Từ khi Turku là thủ đô cho đến năm 1827 …) bị dich thành “Kể từ khi Turku trở thành thủ đô năm 1827…”
– “In the 19th century there was increasing influence from Eastern Finland,…” (Vào thế kỷ 19, ảnh hưởng từ phiá đông Phần Lan tăng lên , …) bị dịch thành “Vào thế kỷ thứ 19, khi có sự thúc đẩy từ miền tây Phần Lan”

– “Many language scholars wanted to’finnicize’ Finnish by getting rid of Swedish loanwords and a number of grammatical structures borrowed directly from Swedish” (Nhiều nhà ngôn ngữ muốn ‘Phân Lan hoá’ tiếng Phần Lan bằng việc bỏ đi các từ mượn từ tiếng Thuỵ Điển và một số cấu trúc ngữ pháp mượn trực tiếp từ tiếng Thuỵ Điển.) đã bị dịch thành “Nhiều nhà thông thái đã muốn ‘hoá chữ Phần Lan’ bằng cách dùng những chữ mượn từ tiếng Thuỵ Điển hay cấu trúc văn phạm của tiếng Thuỵ Điển”.

Ngoài ra ở trang 12 còn một số lỗi dịch sai và câu văn rối rắm mà thiết nghĩ không cần dẫn thêm nữa.

Cuốn Ngữ pháp tiếng Phần Lan là một tác phẩm nổi tiếng của giáo sư Fred Karlsson được viết bằng tiếng Thụy Điển năm 1978, sau đó đã được dịch sang tiếng Phần Lan, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc. Hẳn ông đã rất vui khi tác phẩm của ông lại được dịch sang tiếng Việt. Nhưng nếu biết được bản dịch tiếng Việt có nhiều sai sót nghiêm trọng, xuyên tạc và làm hỏng tác phẩm của ông như vậy thì không biết ông sẽ nghĩ gì? Trong các trường phổ thông ở Phần Lan, có nhiều giáo viên người Việt dạy tiếng Việt cho học sinh người Việt, đồng thời cũng có nhiều người dịch tiếng Phần Lan và tiếng Việt. Nhưng, đáng tiếc Nhà xuất bản Đại học Helsinki đã không tham khảo ý kiến của họ trước khi xuất bản BD có một không hai này! Chắc chắn rằng nếu có một cuộc bình chọn, thì cuốn sách này không chỉ lập kỷ lục Việt Nam mà có lẽ cả kỷ lục thế giới về cuốn sách dịch kém nhất.

Sau khi viết xong bài này tôi ngỡ ngàng khi được biết tác giả của BD này được gọi là một "nhà ngôn ngữ học" trong một trang mạng tiếng Việt (http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/Laurent_Tran-Nguyen) và là “nhà lãnh đạo Công nghệ thông tin xuất sắc của người Việt ở Phần Lan” trong một trang mạng khác (http://www.xahoithongtin.com.vn/6183p197c114/tro-chuyen-cung-laurent-tran-nguyen-nha-lanh-dao-cntt-xuat-sac-nguoi-viet-tai-phan-lan.htm). Hy vọng rằng bài viết này không chỉ nhằm bảo vệ sự chính xác và trong sáng của tiếng Việt mà còn cho thấy một thực trạng là không phải tất cả những thông tin trên mạng internet đều đáng tin cậy và đòi hỏi việc đăng tải cũng như sử dụng thông tin cần phải có kiểm chứng!

________________________________________
[1] Trần Tiễn Cao Đăng, Bản dịch Mật mã Da Vinci: Một thảm hoạ dịch thuật (http://lypham.net/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=41&Itemid=2)
[2] Tự-điển Phần Lan¬-Việt (1997, 2008) và Tự điển thường thức Việt Nam-Phần Lan (2002)

_______________________________________________

Posted in Dịch thuật và ngôn ngữ học, Tiếng Việt và Dịch thuật | Thẻ: , , , , , | 1 Comment »

Sự biến đổi ý nghĩa của từ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 5, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Biến đổi ý nghĩa của từ là gì?

Trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ của xã hội, thường xuyên xuất hiện những nhu cầu về từ và cách diễn đạt để biểu thị những sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới, cũng như để tạo ra những hiệu quả giao tiếp mới. Song, nếu chỉ đáp ứng các nhu cầu đó bằng cách tạo ra ngày càng nhiều từ mới thì đến một lúc nào đó, hệ thống ngôn ngữ sẽ bao gồm một số lượng rất lớn các đơn vị từ vựng. Điều đó có thể làm cản trở quá trình giao tiếp, do người ta phải ghi nhớ quá nhiều đơn vị. Mặt khác, trong quá trình phát triển của xã hội, một số sự vật hiện tượng hay khái niệm bị mất đi hoặc thay đổi đi. Do đó, những đơn vị từ vựng biểu thị chúng có thể bị loại bỏ. Để khắc phục tình trạng này, ngôn ngữ một mặt cho phép sử dụng khả năng kết hợp những yếu tố hữu hạn trong hệ thống với nhau để diễn đạt cái vô hạn trong lời nói và tạo ra một số lượng nhất định các yếu tố mới, song mặt khác, cũng cho phép sử dụng những đơn vị từ vựng có sẵn nhưng thay đổi nghĩa cũ đi hoặc bổ sung thêm nghĩa mới. Khả năng thứ hai này dẫn đến sự biến đổi ý nghĩa của từ. Sự biến đổi ý nghĩa của từ là một trong những hình thức hoạt động cơ bản của hệ thống từ vựng để đáp ứng nhu cầu về các phương tiện biểu đạt. Do sự biến đổi ý nghĩa của từ mà trong các ngôn ngữ, một số từ trở thành từ nhiều nghĩa (hoặc cũng được gọi là từ đa nghĩa).

Sự biến đổi ý nghĩa của từ thực chất là lấy một từ để biểu đạt một số loại sự vật có quan hệ gần gũi với nhau về một phương diện nào đấy, cho nên giữa các nghĩa của từ nhiều nghĩa vẫn có những mối liên quan nhất định. Sự khác nhau giữa các nghĩa của từ nhiều nghĩa không phải là sự khác nhau hoàn toàn: sự biến đổi ý nghĩa ở đây thường đi theo xu hướng làm thay đổi một thành phần ý nghĩa nào đấy của từ. Do đó, nói đến hiện tượng nhiều nghĩa, ta có thể phân biệt các trường hợp:

Nhiều nghĩa do sự biến đổi về ý nghĩa biểu vật. Đây là trường hợp thay đổi mối quan hệ giữa từ ngữ âm với sự vật hay hiện tượng (gọi là cái biểu vật). Chẳng hạn, từ ‘mũ’ trong tiếng Việt có thể có hai ý nghĩa biểu vật (ví dụ: ‘mũ đội đầu’ và ‘mũ van’), nhưng thực ra ý nghĩa biểu niệm chỉ là một (cái dùng để chụp lên đầu người hay vật).

Nhiều nghĩa do sự biến đổi ý nghĩa biểu niệm. Đó là trường hợp làm thay đổi mối quan hệ giữa vỏ âm thanh của từ với nội dung khái niệm mà từ biểu thị (cái biểu niệm). Ví dụ: Trong từ ‘che’ của tiếng Việt, ta có thể phân biệt hai ý nghĩa biểu niệm khác nhau: 1) Dùng một vật để phủ hoặc bịt nhằm ngăn không cho nhìn thấy một vật khác, ví dụ như ‘che miệng’, ‘che mắt’; 2) Dùng một vật phủ hoặc bịt nhằm ngăn cản tác động từ bên ngoài đối với một vật khác, ví dụ như ‘che nắng’, ‘che mưa’. Trong cả hai trường hợp này, thành phần ý nghĩa biểu vật có thể chỉ là một.

Nhiều nghĩa do sự biến đổi ý nghĩa ngữ dụng. Đó là khi có sự thay đổi về sắc thái biểu cảm của từ. Thường thì sự thay đổi này đi theo hai hướng: 1) Bổ sung sắc thái biểu cảm cho một từ vốn có nghĩa trung hoà về mặt biểu cảm, chẳng hạn như từ ‘tếch’ của tiếng Việt được bổ sung thêm ý phê phán (ví dụ: “Thế là hắn tếch thẳng”); 2) Thay đổi giá trị biểu cảm của từ (xấu đi hay tốt lên), ví dụ như từ ‘tệ’ trong tiếng Việt vốn có nghĩa tiêu cực (như trong: ‘đối xứ tệ’), nhưng có thể được dùng với nghĩa tích cực (ví dụ như trong: “Con bé ấy có duyên tệ”).

– Hiện tượng từ nhiều nghĩa là hiện tượng phổ biến trong tất cả các ngôn ngữ. Trong tiếng Nga chẳng hạn, từ ‘golova’ có thể dùng để chỉ ‘cái đầu’, ‘đầu óc’ (ví dụ: ‘sv’etnaja golova’ = đầu óc sáng suốt), nhưng cũng có thể dùng để chỉ ‘người đứng đầu’ (ví dụ: ‘gorodskoj golova’ = thị trưởng) hoặc “hàng đầu” (ví dụ: ‘idti v golove’ = đi hàng đầu), v.v…, hay trong tiếng Anh: từ ‘hand’ có thể chỉ ‘bàn tay’, ‘phía’ (ví dụ: ‘on all hands’ = từ mọi phía), ‘công nhân’ (ví dụ: ‘hands wanted’ = tuyển mộ công nhân), kim đồng hồ, v.v…

– Cần phải lưu lý một điều là không nên lẫn lộn ý nghĩa của từ với cách dùng từ. Cách dùng từ là sự lựa chọn và sử dụng từ theo một nghĩa cụ thể nào đó trong lời nói. Nó mang tính chất cá nhân và nhất thời. Trong khi đó thì ý nghĩa của từ là cái nội dung chứa đựng trong từ đã được xã hội chấp nhận và có tính bền vững tương đối. Chẳng hạn, nghĩa của từ ‘cắn’ trong ‘nước cắn da’ thuộc về cách dùng từ. Tất nhiên, khi dùng một từ, người ta phải dựa vào ý nghĩa của nó và trên cơ sở ý nghĩa đó mà phát triển thêm. Có những trường hợp, cách dùng từ được xã hội chấp nhận và sau một thời gian, nó trở thành ý nghĩa chung của từ. Ví dụ: Từ ‘tồn tại’ trong tiếng Việt nguyên được dùng để biểu thị khái niệm triết học chỉ ‘giới tự nhiên vật chất, thế giới bên ngoài có một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý kiến, tư duy, cảm giác của chúng ta’. Nhưng sau đó, trong khẩu ngữ, người ta dùng nó với ý nghĩa ‘thiếu sót, nhược điểm’ hay ‘cái còn phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết’ (ví dụ: “Trong hoạt động công đoàn, còn có nhiều tồn tại”), và nghĩa này đã trở nên phổ biến, được xã hội sử dụng rộng rãi.

2. Các loại nghĩa trong từ nhiều nghĩa

– Từ có nhiều nghĩa, do đó muốn hiểu đúng ý nghĩa của từ, ta phải xem xét nó trong những tình huống hoặc ngữ cảnh cụ thể (sau đây ta sẽ gọi chung là ngữ cảnh). Ngữ cảnh, nói một cách đơn giản, là tình huống, bối cảnh ngôn ngữ, trong đó từ xuất hiện với một ý nghĩa cụ thể của nó. Thông qua ngữ cảnh, ta có thể xác định được những yếu tố hạn chế phạm vi ý nghĩa của từ, làm cho nghĩa được sử dụng nổi rõ lên. Đó là các yếu tố liên quan đến người nói, người nghe, địa điểm giao tiếp, thời gian giao tiếp, môi trường ngôn ngữ của từ, v.v… Trong một ngữ cảnh cụ thể, ta sẽ hiểu đúng ý nghĩa đang được sử dụng của từ (trừ những trường hợp người ta cố ý tạo ra cách hiểu nước đôi của từ). Ví dụ: ý nghĩa của từ ‘dầu’ trong tiếng việt chỉ có thể xác định được nhờ vào ngữ cảnh, bởi vì đó có thể là ‘dầu ăn’, ‘dầu bôi trơn’, ‘dầu đun bếp’, v.v…

– Mỗi một từ nhiều nghĩa thường có nghĩa cơ bản, hay nghĩa chính, và nghĩa mở rộng hay nghĩa phụ. Nghĩa cơ bản thường là nghĩa gốc của từ, tức là cái nội dung khái niệm nguyên thuỷ mà từ được dùng để biểu thị. Trái lại, nghĩa mở rộng thường được hiểu là nghĩa được bổ sung thêm vào từ bằng cách mở rộng nghĩa cơ bản. Thông thường, nghĩa mở rộng được hình thành do sự liên tưởng với nghĩa cơ bản theo một cách thức nào đấy (ví dụ: theo sự giống nhau về hình dáng, kích thước, màu sắc, công dụng, v.v…). Chẳng hạn, từ ‘head’ của tiếng Anh có nghĩa chính là ‘cái đầu’. Căn cứ vào hình dáng, vị trí, chức năng của “cái đầu” mà người ta đã mở rộng thêm ý nghĩa của từ này và do đó, nó còn có nghĩa là ‘bắp’ (bắp cải), ‘người đứng đầu’, ‘con’ (vật), ‘thủ trưởng’, ‘hàng đầu’, v.v… hay trong tiếng Nga, từ ‘lëgki’ có nghĩa là ‘nhẹ, thưa, mỏng manh’; dựa vào nghĩa chính này, người ta đã bổ sung thêm cho nó nhiều nghĩa phụ, chẳng hạn: ‘nhanh nhẹn’, ‘dễ dàng’, ‘nhẹ dạ’, ‘hời hợt’, v.v…

– Tuy nhiên, việc xác định nghĩa chính và nghĩa mở rộng của từ nhiều khi gặp nhiều khó khăn, vì rằng trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa chúng không thật rõ rệt. Sau một thời gian sử dụng, nghĩa mở rộng có thể dần dần trở thành một nghĩa chính khác của từ. Chẳng hạn, những ý nghĩa “trông đẹp ra”, “bán chạy”, “hút” của từ ‘ăn’ (ví dụ: ‘ăn ảnh’, ‘ăn khách’, ‘ăn thuốc’) là những nghĩa mở rộng được hình thành trên cơ sở của nghĩa chính là “nhai và nuốt thức ăn”, nhưng hiện nay các nghĩa đó đã trở thành những nghĩa chính khác của từ ‘ăn’. Nói chung, ta có thể căn cứ vào mức độ phụ thuộc vào ngữ cảnh để phân biệt hai loại nghĩa trên của từ: thường thì nghĩa chính là nghĩa mà người sử dụng ngôn ngữ có thể nói ra ngay mà không cần phải có ngữ cảnh, còn nghĩa mở rộng là những nghĩa cần phải có ngữ cảnh mới có thể xác định được. Thực vậy, khi nghe thấy từ ‘đứng’ chẳng hạn, người Việt trước tiên liên tưởng đến cái nghĩa chính của nó là “trạng thái cố định tương đối (không di chuyển), lưng giữ thẳng, chân duỗi, bàn chân giẫm đất” mà không cần một ngữ cảnh nào cả. Còn nghĩa ”được xếp hạng” của nó thì cần phải có ngữ cảnh đi kèm mới có thể nhận thấy được (ví dụ như trong: “đứng nhất lớp”). Như vậy, mức độ phụ thuộc vào ngữ cảnh của ý nghĩa từ ở đây cần được hiểu là khả năng nhận biết một ý nghĩa của từ khi từ bị tách ra khỏi ngữ cảnh, chứ không nên hiểu là sự phụ thuộc của nghĩa từ vào ngữ cảnh nói chung, bởi vì như trên đã nói, đối với một từ nhiều nghĩa thì việc xác định một nghĩa cụ thể của nó luôn luôn phụ thuộc vào ngữ cảnh.

– Ngoài việc phân biệt hai loại nghĩa như trên, người ta còn có thể phân biệt nghĩa đennghĩa bóng của từ. Song thực ra, đây chỉ là cách gọi khác của nghĩa cơ bản và nghĩa mở rộng, chỉ có điều khái niệm nghĩa bóng theo cách hiểu thông thường có nội hàm hẹp hơn nghĩa mở rộng, và do đó, người ta thường nói tới nghĩa bóng trong những trường hợp nghĩa mở rộng gợi ra sự liên tưởng nước đôi hay hiệu quả văn học. Đó là những trường hợp sử dụng từ mang tính cá nhân nhiều hơn.

– Cuối cùng, cần phải nói thêm rằng: Cũng giống như ở mặt cấu tạo của từ, mối quan hệ giữa các loại ý nghĩa trong từ nhiều nghĩa có khi mang tính chất tầng bậc và do đó, người ta cũng có thể nói tới nghĩa gốc và các nghĩa phái sinh thuộc những cấp bậc khác nhau. Chẳng hạn, từ một nghĩa cơ bản ban đầu (nghĩa gốc), người ta mở rộng thêm một nghĩa nào đấy, rồi sau đó lại bổ sung thêm một ý nghĩa khác trên cơ sở của nghĩa mở rộng đó… Ví dụ: từ ‘thẻ’ trong tiếng Việt có nghĩa gốc là ‘mảnh tre hay gỗ được dùng để viết khi chưa có giấy’; trên cơ sở nghĩa này, người ta bổ sung thêm nghĩa ‘mảnh tre, hay gỗ… có ghi một nội dung bói toán’, rồi sau đó trên cơ sở nghĩa mở rộng này, người ta lại bổ sung thêm nghĩa ‘mảnh xương hay ngà có ghi chức tước của quan lại để họ đeo ở trước ngực’ và cuối cùng từ này lại được dùng để chỉ chung tất cả các loại ‘giấy chứng nhận tư cách thành viên của một tổ chức nào đấy’ (ví dụ: ‘thẻ hội viên’, ‘thẻ đảng’, ‘thẻ khác hàng’).

(còn nữa)

__________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa từ vựng học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »