TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for Tháng Chín, 2010

Từ loại

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 18, 2010

Lê Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

Từ đảm đương đồng thời hai chức năng: 1) Biểu thị những sự vật hay hiện tượng trong thực tế khách quan bên ngoài ngôn ngữ và 2) Xác định mối quan hệ của chúng với các thành phần khác trong câu.

Các từ đảm đương hai chức năng này theo những cách thức khác nhau, và khả năng đảm đương các chức năng khác nhau đó có thể là cơ sở để phân loại từ vựng thành các nhóm từ, trong đó các từ có thể thay thế nhau về mặt chức năng. Đó là sự phân chia từ vựng thành từ loại. Chẳng hạn, cơ sở để ta quy từ ‘sinh viên’ vào nhóm các danh từ là do từ này biểu thị sự vật trong thực tế khách quan và có khả năng đảm nhận chức năng là ‘chủ ngữ’, ‘vị ngữ danh từ’ hay ‘bổ ngữ’ trong câu. Đối với ngôn ngữ, khả năng đảm đương các chức năng ngữ pháp của từ là điều quan trọng nhất, bởi vì khả năng đó cho ta biết có thể kết hợp các từ với nhau như thế nào, và nhờ đó, có thể sử dụng các từ theo đúng quy tắc của ngôn ngữ. Như vậy, từ loại là những lớp khái niệm khái quát nhất của các từ có liên quan trước hết đến các chức năng cú pháp nhất định của chúng.

Thông thường, ta có thể phân chia vốn từ vựng thành từ loại theo hai tiêu chí: Tiêu chí ngữ nghĩa và tiêu chí cú pháp.

(Cần lưu ý rằng từ định danh không đồng nghĩa với danh từ. Định danh là chức năng gọi tên sự vật, hiện tượng, hành vi, tính chất, v.v… của một loạt từ, chứ không phải là chức năng của riêng danh từ.

1. Theo tiêu chí ngữ nghĩa

Theo tiêu chí này, người ta phân biệt hai loại từ lớn là thực từ và hư từ. Thực từ là những từ có ý nghĩa từ vựng. Giữa các nhóm từ loại này có sự khác nhau về cách thức biểu đạt hiện thực khách quan: định danh, chỉ định hoặc liệt kê xếp dãy.

– Nhóm từ định danh biểu đạt các lớp sự vật, hiện tượng hay khái niệm, ví dụ như: bàn, ghế, lợn, gà, ngủ, ăn, chăm chỉ, lười biếng. Cần lưu ý rằng từ định danh không đồng nghĩa với danh từ. Định danh là chức năng gọi tên sự vật, hiện tượng, hành vi, tính chất, v.v… của một loạt từ, chứ không phải là chức năng của riêng danh từ.

– Nhóm từ chỉ định (đại từ) có giá trị biểu thị hướng chỉ định trong khuôn khổ của một tình huống hay ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ: Trong tiếng Anh, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất I (tôi) luôn luôn chỉ định vào người nói, đại từ nhân xưng You (mày) chỉ định vào người nghe, còn He/She (nó) hay this (này) hoặc that (kia) chỉ định vào một đối tượng không phải là người nói cũng không phải là người nghe’

– Nhóm từ liệt kê, xếp dãy (số từ) có giá trị xác định dãy các sự vật hay hiện tượng, ví dụ: Khi ta nói ‘mười con gà’ là ta xác định một dãy gồm 10 con gà.

Hư từ là những từ không có ý nghĩa từ vựng mà chỉ có ý nghĩa ngữ pháp, hay nói chính xác hơn là chúng chỉ có chức năng ngữ pháp. Những từ này được dùng để biểu thị các mối quan hệ giữa các thực từ trong ngôn ngữ. Tùy vào chức năng, ngữ pháp của chúng, ta có thể phân biệt các loại hư từ như giới từ, liên từ, quán từ.

2. Theo tiêu chí cú pháp

Theo tiêu chí này, ta phân biệt các từ trên cơ sở những khác biệt về khả năng kết hợp của chúng với những từ khác trong các phát ngôn. Do vậy, biết được từ loại của từ, ta có thể biết được từ có thể đảm đương những chức năng ngữ pháp nào trong các phát ngôn. Thực ra, tiêu chí này cũng có phần trùng hợp với tiêu chí ngữ nghĩa ở trên, bởi vì theo tiêu chí này ta cũng phân biệt đại từ và số từ. Tuy nhiên, sự khác nhau cơ bản giữa hai tiêu chí này thể hiện trong sự phân chia nhóm từ có chức năng định danh. Theo tiêu chí cú pháp, trong nhóm từ định danh, ta phân biệt các từ loại như: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ. Còn các nhóm từ khác như giới từ, liên từ, quán từ, tình thái từ được coi là những hình vị ngữ pháp hay từ công cụ.

Nhìn chung, từ loại trong các ngôn ngữ có thể không giống nhau, nhất là đối với mảng hư từ. Vì vậy, mặc dù từ loại là một trong những lĩnh vực được nghiên cứu sớm nhất của ngôn ngữ học, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

___________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , , | Leave a Comment »