TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Posts Tagged ‘ý nghĩa thời’

Phương tiện biểu thị nghĩa ngữ pháp (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 11, 2011

7. Các phương tiện thể hiện ý nghĩa thời

Các từ dùng để thể hiện ý nghĩa thời trong tiếng Việt gọi là phó từ chỉ thời gian.

– Phó từ chỉ thời gian là các từ: đã, chưa, đang, sẽ, vừa, mới, sắp, từng. (xem lại phần Phụ từ).

Trong tiếng Việt, vấn đề ‘thời’ hiện chưa được giải quyết một cách thống nhất. Có quan điểm cho rằng tiếng Việt không có phạm trù ‘thời’ mà chỉ có phạm trù ‘thể’ (ví dụ: Cao Xuân Hạo và một số người khác). Thực ra, vấn đề này không đơn giản như vậy. Có thể quan niệm rằng trong tiếng Việt có thời tuyệt đốithời tương đối, nên các phó từ nêu trên có thể được sử dụng để biểu thị ‘thời tuyệt đối’ hoặc ‘thời tương đối’. Vì vậy, khi sử dụng, cần phải xác định điểm quy chiếu để phân biệt rõ thời gian của các sự kiện hay quá trình. Ví dụ:

(i) Thời tuyệt đối:
+ Tôi học tiếng Việt.
+ Tôi đã học tiếng Việt sáu tháng.
+ Tôi sẽ học tiếng Việt một năm.

(ii) Thời tương đối:

* Hiện tại tương đối:
+ Tôi đang học tiếng Việt thì nó gọi.
+ Ngày mai, vào giờ này, tôi còn đang học tiếng Việt.
+ Hồi ấy, tôi đang học tiếng Việt ở Hà Nội.

* Quá khứ tương đối:
+ Bởi vì tôi đã bắt đầu đi học sớm hơn, cho nên khi anh Cán còn đang học đại học thì tôi đã đương làm ở Viện rồi.
+ Ngày mai, vào giờ này thì anh ấy đã đến Nội Bài rồi.
+ Trong nhà đã ngủ yên cả rồi.

* Tương lai tương đối:
+ Lúc ấy, nó nói với tôi: nếu có điều kiện nó sẽ trở về thăm quê hương.
+ Khi không còn ai trong phòng, nó mới nói sẽ không học tiếp nữa.

8. Các hư từ biểu thị ý nghĩa kết quả của hành động/hoạt động

– Để chỉ kết quả của hành động/hoạt động (hoàn thành hay chưa hoàn thành), tiếng Việt chủ yếu dùng các phó từ: xong, rồi, chưa.

+ Từ ‘xong’ và ‘rồi’ vừa biểu thị ý nghĩa ‘kết quả’ vừa biểu thị ý nghĩa ‘thời’, do đó chúng có thể được sử dụng một mình hoặc dùng cùng với các từ chỉ ‘thời’ hay được kết hợp với nhau thành cặp. Ví dụ:
1/ Giáo sư đã đến./ Giáo sư đến rồi./ Giáo sư đã đến rồi.
2/ Chiều nay tôi dịch xong./ Chiều nay tôi sẽ dịch xong./ Chiều nay tôi sẽ phải dịch xong rồi.
3/ Tôi từng ăn thử món này./ Tôi ăn thử món này rồi./ Tôi đã từng ăn thử món này rồi.
4/ Tôi chưa làm./ Tôi chưa làm xong./Tôi sắp làm xong. (Trong các ví dụ này, ý nghĩa các câu khác nhau).

+ Cũng có khi từ ‘xong’, ‘rồi’, ‘chưa’ chỉ biểu thị ý nghĩa kết quả (hoàn thành) mà không biểu thị ý nghĩ thời. Trong những trường hợp này, chúng thường biểu thị trạng thái của sự vật hoặc hiện tượng. Ví dụ:
1/ Công việc chưa làm xong./Công việc làm xong rồi.
2/ Cơm chưa chín./ Cơm chín rồi.
3/ Nó chưa ngủ./ Nó ngủ rồi.

– Ngoài ra, trong tiếng Việt, các phó từ: mất, được, ra, cũng được sử dụng để biểu thị kết quả của hành động/hoạt động. Các phó từ này cũng có thể được sử dụng kết hợp với phó từ ‘rồi’ đã nói ở trên. Ví dụ:
1/ Anh Lực quên mất em rồi.
2/ Tôi hiểu được câu này rồi.
3/ Em tìm ra câu trả lời rồi.

+ Từ ‘mất’, ngoài ý nghĩa ‘kết quả’ còn thể hiện sự đánh giá/thái độ đối với ‘kết quả’ đó, thường thì đó là sự đánh giá tiêu cực. Ví dụ, so sánh:
1/ Tôi quên anh ấy rồi./ Xuýt nữa tôi quên mất anh ấy.
2/ Mèo ăn đĩa cá rồi. 2/ Sao không đậy, để mèo ăn mất đĩa cá, hả?

+ Phó từ ‘ra’ và ‘được’ tuy có thể thay thế nhau nhưng ‘ra’ chủ yếu dùng để biểu thị kết quả của những hoạt động trí óc (nhận thức) nên thường dùng với những động từ biểu thị hoạt động tâm lí như: nghĩ, tìm (ví dụ: Tìm ra câu trả lời), hiểu, phát hiện…, còn ‘được’ dùng để biểu thị kết quả của các hoạt động nói chung kèm theo nghĩa ‘khả năng’ nên có thể sử dụng với tất cả các động từ bao hàm nghĩa „khả năng” Ví dụ:
1/ Tôi nghĩ ra một cách để đuổi khéo nó.
2/ Phải mất hai năm công an mới bắt được thủ phạm vụ giết người cướp của.

Ghi chú:

* Cần nhớ lại rằng, phó từ ‘rồi’ khi được dùng với một số động từ chỉ hoạt động tâm lí/quá trình sẽ thay đổi ý nghĩa và biểu thị nghĩa ‘bắt đầu’ chứ không phải là nghĩa ‘kết quả’. Ví dụ:

Từ nay tôi tin anh rồi.

* Ngoài các phó từ chỉ kết quả trên đây, tiếng Việt còn có từ ‘thấy’ cũng dùng để chỉ kết quả. Tuy nhiên, ‘thấy’ không phải là hư từ theo đúng nghĩa. Từ này ngoài ý nghĩa ‘kết quả’ còn bao hàm nét nghĩa ‘nhận biết bằng giác quan, vì vậy có thể coi đây là yếu tố cấu tạo từ mới. Ví dụ:
1/ Nói to lên chút nữa, tôi không nghe thấy gì cả.
2/ Theo cánh tay anh ấy chỉ tôi mới nhìn thấy chiếc thuyền.

____________________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

Các phương thức ngữ pháp

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 1, 2010

Lê Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

Để thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp, mỗi ngôn ngữ có thể sử dụng những phương tiện và cách thức khác nhau, tùy thuộc vào loại hình của ngôn ngữ đó. Cách thức và phương tiện mà ngôn ngữ dùng để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp gọi là phương thức ngữ pháp.

Có thể nêu lên những phương thức ngữ pháp chủ yếu sau đây:

1. Phương thức phụ gia (hay phụ tố)

Khi phân tích các từ có cấu tạo hình thái, ta thu được các loại hình vị khác nhau. Chẳng hạn phân tích từ ‘workers’ (các công nhân) của tiếng Anh ta thu được 2 loại hình vị: căn tố [work-], phụ tố [-er] và vĩ tố [-s]. Căn tố ‘work-‘ là hình vị mang ý nghĩa từ vựng, phụ tố ‘-er’ vừa có ý nghĩa từ vựng vừa có ý nghĩa ngữ pháp và được sử dụng để cấu tạo từ mới, còn vĩ tố ‘-s’ chỉ được dùng để thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp của từ này. Hình vị ‘-s’ cũng là một loại phụ tố, song không có tác dụng tạo ra từ mới như các phụ tố cấu tạo từ, mà là loại hình vị thuần túy ngữ pháp. Nếu tách vĩ tố ra khỏi từ thì phần còn lại của từ là một phức thể gồm căn tố và một phụ tố cấu tạo từ. Phức thể hình vị này gọi là gốc từ hay từ căn. Dĩ nhiên, từ căn có thể có cấu tạo khác nhau: nó có thể chỉ bao gồm một căn tố như trong ‘(to) work’, nhưng cũng có thể là một phức thể căn tố (ví dụ như trong từ ‘workshop’), hay một phức thể căn tố và phụ tố như ví dụ nêu trên. Phương thức dùng hình vị ngữ pháp ghép với từ căn để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp khác nhau gọi là phương thức phụ gia (hay phụ tố). Phương thức này được sử dụng chủ yếu trong các ngôn ngữ biến hình Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Ví dụ:

ý nghĩa số:

teacher (giáo viên) – teachers [các giáo viên – tiếng Anh]
kniga (quyển sách) – knigi [các quyển sách – tiếng Nga]
livre (quyển sách) – livres [các quyển sách – tiếng Pháp]

– ý nghĩa thời:

work (làm việc) – worked (đã làm việc) (tiếng Anh)
govorit’ (nói) – govoril (nó đã nói) (tiếng Nga)
parler (nói) – parlai (tôi đã nói) (tiếng Pháp)

– ý nghĩa giống:

xtud’ent (nam sinh viên) – xtud’entka (nữ sinh viên) (tiếng Nga)
étudiant (nam sinh viên) – étudiante (nữ sinh viên) (tiếng Pháp)
Schulfreund (bạn học nam) – Schulfreundin (bạn học nữ) (tiếng Đức)

2. Phương thức biến hình bên trong từ căn

Đây là phương thức dùng sự thay đổi cấu tạo bên trong từ căn (thường là nguyên âm gốc của từ) để thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp khác nhau. Phương thức này hiện còn được sử dụng hạn chế trong các ngôn ngữ Ấn-Âu như tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga. Ví dụ:

Trong tiếng Anh:

take (lấy) – took (đã lấy)
goose (con ngỗng) – geese (các con ngỗng)
foot (bàn chân) – feet (các bàn chân)

Trong tiếng Đức:

Vater (bố) – Vọter (các ông bố)
Nacht (đêm) – Nọcht (các đêm)
Ofen (lò sưởi) – ệfen (các lò sưởi)

Tuy nhiên trong tiếng Ả rập, đây là phương thức ngữ pháp khá điển hình.

3. Phương thức trọng âm

ý nghĩa ngữ pháp có thể được thực hiện bằng cách di chuyển trọng âm. Đó chính là phương thức trọng âm. Ví dụ: trong tiếng Anh, từ ‘survey’ nếu được phát âm với trọng âm ở âm tiết thứ nhất thì đó là danh từ (cuộc điều tra), song khi được phát âm với trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai thì đó lại là một động từ (điều tra).

Vậy phương thức trọng âm là phương thức dùng sự thay đổi vị trí của trọng âm để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp khác nhau. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, phương thức này không thể áp dụng cho những ngôn ngữ có trọng âm cố định như tiếng Pháp hay tiếng Séc. Song ở những ngôn ngữ có trọng âm di động như tiếng Nga hay tiếng Anh, phương thức này có thể được sử dụng khá rộng rãi, không những để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp mà còn để tạo nên các từ mới, ví dụ:

Tiếng Anh:

record [‘rekɔ:d] – bản ghi chép (danh từ)
record [ri’kɔ:d] – ghi chép (động từ)

Tiếng Nga:

rúki – những cánh tay (chủ cách/số nhiều)
rukí – của cánh tay (sở hữu cách/số ít)

4. Phương thức ngữ điệu

Ngữ điệu cũng là một yếu tố có thể dùng để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp, mà đặc biệt là nghĩa thức. Như đã nói ở chương I, ngữ điệu là yếu tố được dùng để thay đổi ý nghĩa, mục đích của câu nói. Sự thay đổi các đường ngữ điệu cơ bản có thể thể hiện được thái độ khác nhau của người nói đối với nội dung được nói ra; ngữ điệu kết hợp thăng-giáng thể hiện thái độ khách quan (câu tường thuật), còn thái độ chủ quan được thể hiện hoặc là bằng ngữ điệu thăng (câu nghi vấn) hoặc là bằng ngữ điệu giáng (câu mệnh lệnh hay cảm thán). Do vậy, khi không sử dụng phương thức phụ tố (biến đổi động từ) hay một phương thức ngữ pháp khác để tạo thức mệnh lệnh hay cầu khiến chẳng hạn, người ta có thể sử dụng ngữ điệu giáng, hoặc một đường ngữ điệu đặc trưng nào đó, để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp ấy. Phương thức sử dụng sự thay đổi các đường ngữ điệu cơ bản để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp như vậy gọi là phương thức ngữ điệu. Ví dụ:

– Tiếng Anh: Give it to me! (Hãy đưa nó cho tôi!)
– Tiếng Việt: Xung phong!

5 Phương thức thay từ căn

Trong một số trường hợp, người ta có thể dùng một từ căn khác hẳn với từ căn ban đầu để thay thế nó nhằm thay đổi ý nghĩa ngữ pháp của nó. Đó chính là phương thức thay từ căn để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp. Ví dụ:

– Tiếng Anh:

go (đi) – went (đã đi)
be (là) – will (sẽ)
good (tốt) – better (tốt hơn)

– Tiếng Pháp:

bon (tốt) – meilleur (tốt hơn)
aller (đi) – je vais (tôi đi)
être (là) – je suis (tôi là)

Nói chung, phương thức này thường được sử dụng cho một số lượng đơn vị hạn chế và những đơn vị như vậy thường được coi là những trường hợp ngoại lệ trong một hệ biến thái nào đó.

(còn nữa)
____________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »