TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for Tháng Hai, 2011

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và những cống hiến trong nghiên cứu chữ Nôm (nén tâm hương tưởng nhớ Thầy)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 27, 2011

Nguyễn Tuấn Cường

Điều đáng tiếc cho một kẻ “hậu học” trong ngành ngữ văn học như tôi là không có cái may mắn được trực tiếp học với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (2/5/1926 – 25/2/2011), nhưng qua việc đọc các công trình nghiên cứu của GS và tiếp thu tư tưởng khoa học của GS thông qua các thế hệ học trò của GS, tôi vẫn là học trò (của học trò (của học trò)) của GS theo tất cả các nghĩa của cách trình bày văn tự này.

Vì vậy, dù vẫn biết tình trạng sức khỏe của GS gần đây không được tốt, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng trước tin GS đã ra đi mãi mãi vào ngày 25/2/2011 tại Moskva. Muốn thắp nén tâm hương tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn, nhưng bởi cái lí do không được trực tiếp học với GS và vì thế ít có kỉ niệm với GS (dù tôi cũng có vinh hạnh gặp GS 4 lần), tôi đành tưởng nhớ đến anh hồn GS bằng con đường khoa học, con đường đã khiến GS được mãi ghi danh với đời.

Đứng trước di sản khoa học đồ sộ của GS Nguyễn Tài Cẩn, người ta thường dễ đồng điệu với cái cảm giác “ngưỡng chi di cao” (càng ngửa trông càng thấy cao) của Nhan Hồi đối với bậc sư biểu Khổng tử. GS đặt dấu ấn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực: ngữ pháp, ngữ âm, Hán Nôm, từ vựng, từ nguyên, Việt ngữ học, ngôn ngữ thơ, văn học, văn hóa… Kẻ hậu học này, vốn rất khiêm tốn về tuổi đời và càng khiêm tốn hơn về tuổi nghề, chỉ xin ngửa trông một góc nhỏ trong sự nghiệp khoa học của GS, đó là việc nghiên cứu chữ Nôm. Mặc dù chữ Nôm đã có lịch sử tồn tại trên 800 năm, nhưng việc nghiên cứu về chữ Nôm hầu như chỉ được đặt ra từ thế kỉ XX đến nay. Trong giai đoạn này, những công trình nghiên cứu về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn có vị trí nổi bật. Công việc mô tả lại những công trình đó là không cần thiết và, quan trọng hơn, không thể đầy đủ trong một bài viết ngắn, nên ở đây tôi chỉ xin lược điểm những cống hiến nổi bật của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực nghiên cứu hẹp này.

1. Xác lập những công cụ và phương pháp nghiên cứu chữ Nôm

Đối với ngành “Nôm học” (nếu có thể dùng thuật ngữ này), GS Nguyễn Tài Cẩn có công tích lớn trong việc xác lập những công cụ và phương pháp nghiên cứu, những tiền đề căn bản cho nghiên cứu chữ Nôm.
Từ rất sớm, GS đã dày công nghiên cứu về cách đọc Hán Việt (1971, 1972, 1979) với tư cách một khái niệm công cụ để nghiên cứu chữ Nôm, đặc biệt là vấn xác định thời điểm xuất hiện của loại văn tự này: “có thể là chữ Nôm đã hình thành đồng thời với âm Hán – Việt, nhưng cũng rất có thể là âm Hán – Việt hình thành trước, rồi một thời gian sau đó cha ông chúng ta mới dựa vào các chữ Hán đọc theo âm Hán – Việt để sáng tạo ra chữ Nôm” (1971). Phương pháp xác định niên đại hình thành chữ Nôm dựa vào thời điểm xuất hiện của hệ thống âm Hán Việt mà GS đưa ra vào thời điểm đầu thập niên 1970 như vậy là một quan điểm mới mẻ, khác với các quan niệm trước đó vốn phần nhiều căn cứ trên các bằng chứng (huyền) sử học và xã hội học có thiên hướng đẩy thời điểm xuất hiện của chữ Nôm lên sớm hơn thời điểm thực tế.

Bên cạnh dấu ấn trong nghiên cứu về âm Hán Việt, GS còn có nhiều cống hiến ở địa hạt nghiên cứu về âm đọc Cổ Hán Việt (còn gọi là Tiền Hán Việt) và âm đọc Hán Việt Việt Hóa (còn gọi là Hậu Hán Việt) để hình thành bức tranh ảnh hưởng ngôn ngữ (ngữ âm) giữa tiếng Hán với tiếng Việt trong lịch sử (1987). Điều này góp phần cải chính nhiều quan niệm về âm đọc và cách phân loại chữ Nôm ghi âm Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt Hóa của các bậc tiền bối như Vương Lực (1948), Đào Duy Anh (1975).

Ngoài ra, GS Nguyễn Tài Cẩn đã sớm tiến hành nghiên cứu về sự xuất hiện của từng cá thể chữ Nôm trong hệ thống chữ Nôm. Trong danh tác khoa học Một số vấn đề về chữ Nôm in năm 1985, GS đã dành 20 trang cuối ở mục Phụ lục (tr. 252-272) để trình bày bảng tra Một số chữ Nôm cổ đã gặp trong các văn bản có niên đại chính xác (từ thế kỉ XII đến thế kỉ XVII), trong đó liệt kê những ngữ tố (hình vị) tiếng Việt xuất hiện sớm nhất được ghi nhận trong các tư liệu khả tín bằng chữ Nôm. Ngày nay, với những điều kiện mới mẻ hơn về mặt tư liệu văn bản chữ Nôm, chúng ta vẫn đang chờ đợi một cuốn từ điển (hoặc khiêm tốn hơn: bảng tra) dày dặn hơn, cụ thể hơn về nội dung tương tự.

Bên cạnh đó, đường hướng trong nghiên cứu chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự cũng đã sớm được GS Nguyễn Tài Cẩn phác thảo (1981): cần đi từ văn tự học đại cương, sang văn tự học khu vực để hình dung về bức tranh văn tự trên thế giới và khu vực, rồi mới đi sâu vào nghiên cứu chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự ghi tiếng Việt. Hướng đi này đến những năm đầu thế kỉ XXI đã được sâu sắc hóa bằng công trình của Nguyễn Quang Hồng (2008).

2. Nghiên cứu vĩ mô: xác lập mô hình cấu trúc chữ Nôm

Xét từ góc độ cấu trúc văn tự học, việc nghiên cứu về cấu trúc chữ Nôm trong thế kỉ XX có thể phân chia thành hai giai đoạn khác nhau một cách tương đối rõ rệt. Trước năm 1975, các nghiên cứu văn tự học về chữ Nôm mang tính chất “khai sơn phá thạch”, chủ yếu dựa theo mô hình văn tự học Trung Quốc, lấy “Lục thư” (sáu phép cấu tạo chữ Hán: tượng hình, chỉ sự, hội ý, giả tá, chuyển chú) làm trung tâm để “lắp ráp” các phương thức cấu trúc chữ Nôm vào khuôn khổ phân chia ấy. Chúng ta có thể gặp ở đây những nhà nghiên cứu nổi tiếng đi theo đường hướng này: Văn Hựu (1933), Dương Quảng Hàm (1943), Trần Kinh Hoà (1949), Đào Duy Anh (1975)… Đặc biệt, công trình nổi tiếng Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến của GS Đào Duy Anh (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975) là “tập đại thành” cho đường hướng nghiên cứu này. Sau năm 1975, con đường ấy vẫn được tiếp tục triển khai, phần lớn từ phía các học giả nước ngoài như Lí Lạc Nghị (1986), Mã Khắc Thừa (1996) ở Trung Quốc, Wm. C. Hannas (1997) ở Mĩ – những người chủ yếu tiếp cận chữ Nôm qua cuốn sách của GS Đào Duy Anh, hoặc qua một vài bài viết có tính chất lược giới về chữ Nôm viết bằng tiếng Anh, chứ không cập nhật được tình hình nghiên cứu trong nước.

Bước sang năm 1976, việc nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm đã bước sang một thời kì mới với sự tiên phong của vị chủ tướng Nguyễn Tài Cẩn viết cùng Phu nhân là GS N.V Stankevitch qua bài viết Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm. Bài viết này đã thoát khỏi tư duy “Lục thư” truyền thống để chuyển sang sử dụng phương pháp khoa học hiện đại, nhìn nhận chữ Nôm như một đối tượng nghiên cứu văn tự học trong mối quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt, đặc biệt là ngữ âm học. Căn cứ theo các tiêu chí tự hình, tự âm, tự nghĩa, GS Nguyễn Tài Cẩn đã phân loại chữ Nôm lần lượt theo nhiều bước lưỡng phân liên tiếp để khái quát nên một mô hình cấu trúc chữ Nôm gồm 10 loại. Ở thời điểm năm 1976, đây là một mô hình phân loại khoa học nhất, toàn diện nhất (bởi hầu hết các cá thể chữ Nôm đều có thể quy vào đó). Phương pháp làm việc khoa học này đã ngay lập tức tạo ảnh hưởng tích cực đến các nghiên cứu sau này của Lê Văn Quán (1981), Nguyễn Ngọc San (1987), Nguyễn Khuê (1987-1988), Lê Anh Tuấn (2003)… Sang thế kỉ XXI, mô hình ấy được sửa đổi và tái thiết trong các công trình của Nguyễn Quang Hồng (2006, 2008).

Điểm đáng lưu ý về sự chuyển đổi hệ hình trên là việc GS Đào Duy Anh ngay từ năm 1975 đã thừa nhận sự khác biệt về phương pháp phân loại giữa ông và GS Nguyễn Tài Cẩn. GS Đào viết:
“Ông Nguyễn Tài Cẩn nói với tôi rằng nhà ngôn ngữ học có thể theo những cách phân loại chữ Nôm khác với cách của tôi, nhưng cuối cùng kết quả vẫn là hoàn toàn phù hợp với kết quả của tôi, như thế tỏ rằng cách phân loại của tôi vẫn đúng. Tôi xin nói thêm rằng tôi không theo cách phân loại của nhà ngôn ngữ học vì tôi thấy đối với người độc giả thông thường cách phân loại theo ngôn ngữ học hơi lạ và khó hiểu. Theo tôi cách phân loại này giản dị và dễ hiểu hơn, tôi cho rằng nó phù hợp với con đường suy nghĩ và những nguyên tắc người xưa đã dựa vào trong khi xây dựng chữ Nôm” (sđd, tr. 63, chú thích số 1).

Tất nhiên, ở đây mỗi học giả đã tùy theo quan điểm của mình để xác định cách tiếp cận nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm. Hơn nữa, cũng cần chú ý rằng cuốn sách trên của GS Đào in năm 1975, sau khi ông được nghe trao đổi với GS Nguyễn, chứ hẳn là ông chưa được đọc bài nghiên cứu công phu của GS Nguyễn sẽ được in vào 1 năm sau đó (1976) để có thể biết rằng cách phân loại của GS Nguyễn có sự khác biệt khá xa với ông, đặc biệt là về vấn đề tính khoa học trong phương pháp phân loại cấu trúc văn tự. Từ góc độ kế thừa khoa học, việc phản biện nhau và chấp nhận nhau giữa hai nhà nghiên cứu chữ Nôm thời danh ấy là rất đáng quý và đáng học hỏi.

3. Nghiên cứu vi mô: từ nan đề “song viết” đến trilogy Truyện Kiều

Ngoài thành công trên phương diện nghiên cứu chữ Nôm từ tầm vĩ mô, GS Nguyễn Tài Cẩn còn đặt dấu ấn của mình trong việc nghiên cứu vi mô đối với những chữ Nôm cá biệt vốn là “nan đề” trong nghiên cứu chữ Nôm xưa nay. Bài viết này chỉ xin đề cập đến hai trường hợp: hai chữ “song viết” trong thơ Nôm cổ thế kỉ XV-XVI và những chữ Nôm trong Truyện Kiều vốn rất phức tạp, từng gây nhiều tranh cãi.

Cách đọc và hiểu hai chữ “song viết” (双曰) xuất hiện nhiều lần trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập và Nguyễn Bỉnh Khiêm chắc chắn là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trong việc nghiên cứu các cá thể chữ Nôm suốt từ giữa thế kỉ XX đến nay, nó thu hút sự tham gia của không dưới 10 nhà nghiên cứu. Không yên tâm với cách hiểu thiên về phân tích tự hình chữ Nôm của các nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm (1956), Đào Duy Anh (1962), Đỗ Văn Hỉ (1967), GS Nguyễn Tài Cẩn trong các năm 1974 và 1975 đã đề xuất và tiến hành một cách tiếp cận mới toàn diện hơn, xuất phát từ tự hình để đi sâu vào phân tích ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp, liệt kê tất cả các khả năng có thể đọc và hiểu hai chữ đó, tham bác nhiều đối chứng từ các ngôn ngữ lân cận, kiểm tra trong các từ điển tiếng Việt trước thế kỉ XX, sàng lọc và thận trọng loại bỏ những khả năng phi thực hữu, từ đó gút lại một cách đọc rất mới mẻ là “rông vát” cho hai chữ Nôm đặc dị này, rồi lại kiểm tra tất cả các khía cạnh nghĩa của hai chữ ấy (7 khía cạnh nghĩa) trong các văn cảnh xuất hiện của chúng, và rồi với tất cả sự cẩn trọng cần thiết của một nhà khoa học, ông vẫn đề nghị để tồn nghi giải pháp trên, chờ nghiên cứu thêm. Dù cho sau này có thêm nhiều nhà nghiên cứu (Ngô Đức Thọ, An Chi, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thế…) tham gia tranh luận với các quan điểm ít nhiều khác nhau và khác với thuyết “rông vát”, nhưng phương pháp nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và thận trọng mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã áp dụng để đi đến kết quả ấy mãi là một tấm gương cho các nhà nghiên cứu sau này học hỏi.

Xét trên bình diện văn bản tác phẩm Nôm thì xưa nay không có hệ thống văn bản nào phức tạp bằng hệ thống văn bản Truyện Kiều. GS Nguyễn Tài Cẩn trong khoảng 10 năm đầu thế kỉ XXI đã liên tục cho vấn thế những công trình nghiên cứu có uy tín về văn bản và từ ngữ văn Nôm hệ thống văn bản phồn tạp ấy, tập trung nhất là 3 cuốn sách mà nhan đề đều mở đầu bằng “Tư liệu Truyện Kiều…” (2002, 2004, 2008).
Khởi đi từ những gợi ý về mặt nghiên cứu văn bản và từ ngữ của học giả Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Tài Cẩn từ những năm cuối thế kỉ XX đã đi sâu nghiên cứu vấn đề văn bản và ngôn ngữ Truyện Kiều theo hướng “tầm nguyên”, đi tìm “nguyên lời Nguyễn Du”, để đến năm 2002, cuốn chuyên khảo đầu tiên về bản Duy Minh Thị 1872 được ra mắt bạn đọc. Việc khảo cứu cụ thể một văn bản Truyện Kiều trong mối tương quan so sánh với những văn bản khác trong hệ thống văn bản Truyện Kiều không hẳn là một vấn đề quá mới (từ năm 1999, Thế Anh đã in cuốn sách phiên âm và khảo dị bản Kiều Oánh Mậu 1902: Đoạn trường tân thanh: Truyện Kiều đối chiếu Nôm – Quốc ngữ, NXB Văn học, 1999), nhưng cuốn sách trên của GS Nguyễn Tài Cẩn đã tự “biệt thành nhất gia” bởi tính chất khoa học và mới mẻ của nó.

Cuốn sách bàn đến bản Duy Minh Thị 1872 từ 3 khía cạnh (tương ứng với 3 phần nội dung sách): nghiên cứu văn bản, phiên Nôm, biện giải từ ngữ; cả 3 khía cạnh này đều được trình bày với nhiều ý tưởng mới lạ. Trong nghiên cứu văn bản, GS đặc biệt chú ý đến hiện tượng kiêng húy (hướng đi mà sau này ông tiếp tục đi sâu hơn) để tìm mối liên hệ giữa bản Duy Minh Thị 1872 với nguyên tác của Nguyễn Du. Về phiên âm, với những nghiên cứu sâu sắc về văn tự học chữ Nôm trước đó, GS đã công bố một bản phiên âm với nhiều giả thiết từ ngữ khá lạ lẫm và thú vị đối với giới “Kiều học”. Về biện giải từ ngữ, GS đã phát huy được sở trường ngữ âm học lịch sử, từ vựng học lịch sử và phương ngữ học của mình để tiến hành sàng lọc và lập luận về cách đọc, cách hiểu với từng trường hợp từ ngữ trong bản Duy Minh Thị 1872; phần này chính là điểm then chốt của cuốn sách, để cho nó có thể “biệt thành nhất gia”. Cách thức nghiên cứu trong cuốn sách này có giá trị gợi hướng cho các nhà nghiên cứu khác bắt tay thực hiện công việc ít nhiều tương tự đối với các văn bản khác nằm trong danh sách những bảnTruyện Kiều chữ Nôm có niên đại sớm nhất hiện biết: Liễu Văn đường 1871, Nguyễn Hữu Lập 1870, Liễu Văn đường 1866, Thịnh Mĩ đường 1879. Dù cho sau này có những nghiên cứu khác với GS về quan điểm văn bảnTruyện Kiều (Đào Thái Tôn, Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều: bản Liễu Văn đường 1871, NXB Khoa học Xã hội, 2006), nhưng chính ý kiến khác biệt ấy, như tác giả của nó thừa nhận, đã được gợi ý từ phương pháp nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn và công trình nghiên cứu về bản Duy Minh Thị 1872 của GS Nguyễn Tài Cẩn. Lại một lần nữa chúng ta được thấy tính năng sản về mặt phương pháp nghiên cứu của các công trình khoa học mà GS để lại cho đời. Phương pháp nghiên cứu nghiêm cẩn và khoa học ấy vẫn tiếp tục được thực hiện nhất quán trong hai cuốn sách mà GS in sau này (2004, 2008), tạo thành một “trilogy” (bộ ba) công trình nghiên cứu văn bản và từ ngữ Truyện Kiều mà người ta có thể dễ dàng nhận ra kể cả khi chúng không được dán nhãn “made by Nguyễn Tài Cẩn”. Đây chính là một xu hướng nghiên cứu quan trọng cần triển khai trong ngành “Kiều học” thế kỉ XXI mà người đặt những viên gạch nền tảng, không ai khác, chính là GS Nguyễn Tài Cẩn.

___________________________________________________

Danh mục công trình nghiên cứu chủ yếu về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn

1. Nguyễn Tài Cẩn (1971), Cứ liệu ngữ âm lịch sử với vấn đề thời kì xuất hiện của chữ Nôm, in trong: Tạp chí Ngôn ngữ, số 1; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 86-118.
2. Nguyễn Tài Cẩn (1972), Bổ sung thêm một số cứ liệu ngữ âm lịch sử có liên quan đến vấn đề thời kì xuất hiện chữ Nôm, in trong: Thông báo khoa học Trường Đại học Tổng hợp (Văn học – Ngôn ngữ), tập V, Hà Nội, 1972; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 119-137.
3. Nguyễn Tài Cẩn (1974), Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ “song viết”, in trong Tạp chí Văn học, số 2/1974; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 181-209.
4. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Bàn thêm về “song viết? song biết? song kiết?”, in trong: Tạp chí Văn học, số 6/1975; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 210-227.
5. Nguyễn Tài Cẩn,N.V. Stankevitch (1976), Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm, in trong: Tạp chí Ngôn ngữ, số 2: tr. 15-25; số 3: tr. 14-24. [Bài viết này được in lại nhiều lần trong một số cuốn sách về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn].
6. Nguyễn Tài Cẩn (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội; tái bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
7. Nguyễn Tài Cẩn,N.V. Stankevitch (1981), Chữ Nôm, một thành tựu văn hóa của thời đại Lí – Trần, in trong: Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lí – Trần, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 476-516.
8. Nguyễn Tài Cẩn (1985), Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985. [Cuốn sách này bao gồm 10 bài nghiên cứu, chủ yếu đã công bố rải rác từ năm 1971 đến năm 1981. Đây cũng là danh tác khoa học quan trọng nhất của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực nghiên cứu chữ Nôm].
9. Nguyễn Tài Cẩn (1987), Văn hóa chữ Hán và ngôn ngữ Việt Nam: vai trò của các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt hiện đại, in lần đầu bằng tiếng Nhật trong cuốn Hán tự dân tộc quyết đoán, Tokyo, 1987; in lại bằng tiếng Việt trong: Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 424-439.
10.Nguyễn Tài Cẩn (2001), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
11.Nguyễn Tài Cẩn (2002), Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
12.Nguyễn Tài Cẩn (2004),Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & NXB Văn học.
13.Nguyễn Tài Cẩn (2008), Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh, NXB Giáo dục.

______________________________________________________________

Posted in Chân dung các nhà ngôn ngữ học, Lịch sử tiếng Việt, Ngôn ngữ và văn hóa | Thẻ: , , | 1 Comment »

Đại từ chỉ ngôi tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 24, 2011

Lê Đình Tư

Đại từ chỉ ngôi (hay đại từ nhân xưng) trong tiếng Việt khá phức tạp, do chúng không chỉ được dùng để chỉ ngôi mà còn được dùng để biểu thị những thái độ, tình cảm khác nhau của người nói. Đại từ chỉ ngôi tiếng Việt thường có tính bắt buộc; khi không dùng chúng, quan hệ giữa các vai giao tiếp có thể thay đổi theo hướng xấu hoặc theo hướng suồng sã, thân mật. Ví dụ: Câu “Chị ngồi xuống!” là câu nói lịch sự hơn câu “Ngồi xuống!”. Tùy theo hoàn cảnh, câu thứ hai có thể được tiếp nhận một cách tiêu cực (thiếu lễ độ) hoặc tích cực (thân mật).
Đại từ chỉ ngôi tiếng Việt được chia làm hai loại:

1. Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng: Là những đại từ chỉ được sử dụng để chỉ ngôi, không dùng trong chức năng của từ loại khác. Hệ thống đại từ chỉ ngôi chuyên dùng có thể trình bày như sau:

Ngôi I Số ít: tôi/tao/tớ/ta
Ngôi I Số nhiều: chúng tôi/chúng tao/chúng tớ

Ngôi II Số ít: mày/mi/ngươi
Ngôi II Số nhiều: chúng mày/ bay/chúng bay/chúng mi

Ngôi gộp (ngôi I + II): Chúng ta/ta

Ngôi III Số ít: nó/hắn/y/va
Ngôi III Số nhiều: chúng nó/chúng hắn/họ/chúng

Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng trong tiếng Việt không có ý nghĩa trung hòa, nghĩa là không chỉ dùng để chỉ ngôi mà còn dùng để bày tỏ quan hệ (xấu hay tốt, chính thức hay không chính thức, thân mật hay xa lạ) của các vai giao tiếp, do đó khi sử dụng cần phải cân nhắc để lựa chọn cho thích hợp. Ví dụ: Bạn bè với nhau, thường dùng tao, tớ để chỉ ngôi I số ít, chứ ít khi dùng tôi.

2. Đại từ chỉ ngôi lâm thời: Là những từ thuộc các nhóm từ loại khác nhưng được sử dụng như đại từ chỉ ngôi. Đó có thể là:
* Các danh từ chỉ quan hệ thân thuộc: cụ, ông, bà, bố, mẹ, chú, bác, thím, cô, cậu, mợ, dì, anh, chị, em, con, cháu, chắt.
Nguyên tắc chung để sử dụng các danh-đại từ này là căn cứ vào vai giao tiếp (vị thế của các vai giao tiếp): Người đóng vai giao tiếp có quan hệ với nhau như thế nào thì sử dụng danh từ chỉ ngôi như thế. Ví dụ: Nếu vai giao tiếp là ôngcháu (hiểu theo nghĩa chính xác), hoặc có thể là ôngcháu xét về mặt tuổi tác (hiểu theo nghĩa mở rộng), thì ta sử dụng ‘ông’ và ‘cháu’ làm đại từ thay cho ‘tôi’, ‘mày’ ở ngôi thứ nhất và thứ hai. Như vậy, các danh-đại từ chỉ ngôi có thể được sử dụng để xưng hô trong gia đình, gia tộc nhưng cũng có thể sử dụng để xưng hô trong xã hội. Trong giao tiếp xã hội, tùy theo vị thế xã hội và mức độ thân mật giữa các vai giao tiếp mà lựa chọn những từ thich hợp. Chẳng hạn, một cô gái có thể xưng hô với một người ở tuổi bố mình là ‘ông-cháu’ để biểu thị sự kính trọng hoặc khiêm nhường; bạn bè thân với nhau có thể dùng cặp đại từ ‘bác-tôi’ hay ‘ông-tôi’ để thể hiện sự thân mật…
* Danh từ mình: Đây vốn là từ dùng để chỉ cơ thể người hoặc động vật nhưng thường được dùng làm đại từ chỉ ngôi trong trường hợp người nói muốn thể hiện mối quan hệ thân mật, hữu nghị với người nghe. Đại từ mình có thể dùng để chỉ cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai (số ít hoặc số nhiều). Khi sử dụng ở ngôi thứ nhất số nhiều, ta có thể thêm chúng vào trước thành chúng mình. Ví dụ:
1) Mình đi ăn đi.
2) Cậu quên mình rồi à?
3) Mình đi đâu đấy mình?
4) Chúng mình cứ vào xem thế nào rồi quyết định sau!
* Một số danh từ dùng để xưng hô một cách chính thức, như bạn, đồng chí, ngài, vị, và những danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp, học hàm, học vị, như giám đốc, thủ trưởng, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống, thày giáo, cô giáo, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, cũng được dùng làm đại từ chỉ ngôi (ngôi II).
* Trong khẩu ngữ, có thể kết hợp một danh từ chỉ quan hệ thân thuộc hàng trên (ví dụ: ông, bà, bố, mẹ, chú, cô, bác…) với một danh từ chỉ quan hệ thân thuộc hàng dưới (ví dụ: cháu, chị, anh, em) để tạo ra đại từ nhân xưng ngôi II, ví dụ:
1) Ông cháu đi đâu đấy?
2) Xin chào bà chị!
3) Chú em hôm nay diện quá nhỉ!
4) Ông anh đòi cao thế thì em biết trả thế nào!
5) Sao cô em nóng tính thế?

Ngoài ra, cũng có thể kết hợp các từ chỉ quan hệ thân thuộc với các đại từ mày, nómình để tạo đại từ chỉ ngôi II. Ví dụ:
1) Chú mày định chuồn à?
2) Bố nó hôm nay bị ốm à?
3) Cô mình có đi với bọn anh không?
4) Mẹ nó vào ăn cơm.

* Đại từ chỉ ngôi III số ít có thể được tạo ra bằng cách kết hợp từ ‘ta’ hoặc ‘ấy’ với các từ chỉ quan hệ thân thuộc. Ví dụ: ông ta/ông ấy, bà ta/bà ấy, chị ta/chị ấy. Đại từ hắn cũng có thể kết hợp với ta để tạo thêm đại từ hắn ta chỉ ngôi III. Nói chung, từ ta thường cho ý nghĩa tiêu cực hơn, trong khi từ ấy thường cho ý nghĩa trung hòa hơn. So sánh:
1) Anh ta chẳng thích ai ở cơ quan mình.
2) Anh ấy chẳng thích ai ở cơ quan mình.

Cần nhớ rằng, từ ta chỉ có thể kết hợp với những từ chỉ người lớn tuổi hơn (anh, chị, chú, cô, ông, bà…), chứ không thể kết hợp với những từ chỉ người ít tuổi hơn (em, cháu, con…), ví dụ: Không thể nói ‘em ta’ hay ‘cháu ta’ với ý nghĩa là ‘nó’ mà chỉ dùng với ý nghĩa: ‘em của chúng ta’ hay ‘cháu của chúng ta’.

* Ngoài ra, từ ‘ta’ và ‘ấy’ còn có thể được kết hợp với một số danh từ chỉ người theo độ tuổi và giới tính (lão, mụ) để chỉ ngôi III. Thường thì dạng thức này mang thêm ý nghĩa tiêu cực hoặc thân mật, tuỳ theo ngữ cảnh. Ví dụ:
1) Lão ta về vườn rồi.
2) Mụ ấy có tới năm cái nhà cho thuê.

Cuối cùng, trong tiếng Việt còn có một số đại từ nhân xưng đặc biệt dùng để thể hiện những tình cảm, thái độ đặc biệt kính trọng hoặc suồng sã: Người; ông cụ/bà cụ (= mẹ/bố, ví dụ: bà cụ tôi = mẹ tôi).

Câu hỏi và bài tập

1/ Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng là gì? Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng tiếng Việt có gì đặc biệt? Hãy cho một vài ví dụ với các đại từ chỉ ngôi chuyên dùng nhằm làm rõ sự khác biệt về quan hệ khi thay đổi đại từ chỉ ngôi.
2/ Đại từ chỉ ngôi lâm thời là gì? Những từ nào có thể được sử dụng làm đại từ chỉ ngôi lâm thời?
3/ Hãy mô tả các đại từ chỉ ngôi II số ít và số nhiều và cho ví dụ minh họa.
4/ Hãy mô tả các đại từ chỉ ngôi III số ít và số nhiều và cho ví dụ minh họa.
5/ Nêu sự khác biệt giữa các đại từ chỉ ngôi trong các ví dụ sau:
Anh đi đâu đấy?/ Ông anh đi đâu đấy?
– Chị cho em hỏi, xe này có đi Mai Động không?/ Bà chị cho em hỏi, xe này có đi Mai Động không?
– Bố nó ăn cơm đi!/ Bố nó đi ăn cơm.
– Bà ấy luôn luôn làm việc thiện./ Bà ta luôn luôn làm việc thiện!
– Hôm nay ông ấy không tiếp ai cả./ Hôm nay lão ta không tiếp ai cả
.

_______________________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , | 8 Comments »

Tính từ tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 17, 2011

Lê Đình Tư

1. Xác định tính từ trong tiếng Việt

Việc phân biệt tính từ trong tiếng Việt có phần hơi phức tạp, vì nhiều khi tính từ có dạng như động từ hoặc danh từ. Chẳng hạn, khi nói “cuộc sống thành thị” thì thành thị vừa có thể coi là danh từ vừa có thể coi là tính từ, hoặc trong “hành động ăn cướp” thì ăn cướp vừa có thể coi là động từ vừa có thể coi là tính từ. Chính vì vậy, người ta thường phân biệt trong tiếng Việt hai loại tính từ:

1.1 Tính từ tự thân: Là những tính từ chỉ có chức năng biểu thị phẩm chất, màu sắc, kích thước, hình dáng, âm thanh, hương vị, mức độ, dung lượng… của sự vật hay hiện tượng, ví dụ:
– Tính từ chỉ phẩm chất: tốt, xấu, sạch, bẩn, đúng, sai, hèn nhát.
– Tính từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng, xám, đen, trắng, nâu.
– Tính từ chỉ kích thước: cao, thấp, rộng, hẹp, dài, ngắn, to, nhỏ, bé, khổng lồ, tí hon, mỏng, dầy.
– Tính từ chỉ hình dáng: vuông, tròn, cong, thẳng, quanh co.
– Tính từ chỉ âm thanh: ồn, ồn ào, trầm, bổng, vang.
– Tính từ chỉ hương vị: thơm, thối, hôi, cay, nồng, ngọt, đắng, chua, tanh.
– Tính từ chỉ cách thức, mức độ: xa, gần, đủ, nhanh, chậm, lề mề.
– Tính từ chỉ lượng/dung lượng: nặng, nhẹ, đầy, vơi, nông, sâu, vắng, đông.

Việc phân loại tính từ như trên chỉ mang tính tương đối vì trong tiếng Việt tính từ có thể được sử dụng trong chức năng của trạng từ và khi ấy ý nghĩa của tính từ có thể thay đổi. Ví dụ, so sánh:
Anh ấy cao 1m75/ Tôi đánh giá cao khả năng của anh ấy.
Cái vali này rất nhẹ/ Chiếc thuyền lướt nhẹ trên sông.

1.2 Tính từ không tự thân: Là những từ vốn không phải là tính từ mà là những từ thuộc các nhóm từ loại khác (ví dụ: danh từ, động từ) nhưng được sử dụng như là tính từ. Tính từ loại này chỉ có thể xác định được trên cơ sở quan hệ của chúng với các từ khác trong cụm từ hay câu. Bình thường, nếu không có quan hệ với các từ khác, chúng không được coi là tính từ. Như vậy, đây là loại tính từ lâm thời. Tuy nhiên, khi được sử dụng làm tính từ, các danh từ hoặc động từ sẽ có ý nghĩa hơi khác với ý nghĩa vốn có của chúng, thường thì đó là ý nghĩa khái quát hơn. Chẳng hạn, khi nói “hành động ăn cướp” thì ăn cướp thường có ý nghĩa “giống như ăn cướp” hay “có tính chất giống như ăn cướp” chứ không phải là ăn cướp thật. Vì vậy, việc nhận biết tính từ loại này sẽ giúp ta hiểu đúng ý nghĩa của từ được sử dụng. Trong tiếng Việt có các loại tính từ không tự thân sau đây:
* Tính từ do danh từ chuyển loại. Ví dụ: công nhân (trong: vải xanh công nhân); nhà quê (trong: cách sống nhà quê); cửa quyền (trong: thái độ cửa quyền); sắt đá (trong: trái tim sắt đá); côn đồ (trong: hành động côn đồ).
* Tính từ do động từ chuyển loại. Ví dụ: chạy làng (trong: thái độ chạy làng); đả kích (trong: tranh đả kích); phản đối (trong: thư phản đối); buông thả (trong: lối sống buông thả).

2. Cách tạo tính từ ghép trong tiếng Việt

Tính từ ghép trong tiếng Việt có thể được tạo ra bằng những cách sau đây:
– Ghép một tính từ với một tính từ, ví dụ: xinh đẹp, cao lớn, to béo, đắng cay, ngay thẳng, mau chóng, khôn ngoan, ngu đần.
– Ghép một tính từ với một danh từ, ví dụ: méo miệng, to gan, cứng đầu, cứng cổ, ngắn ngày, vàng chanh
– Ghép một tính từ với một động từ, ví dụ: khó hiểu, dễ chịu, chậm hiểu, dễ coi, khó nói.
– Láy tính từ gốc, nghĩa là lặp lại toàn bộ hoặc một bộ phận của tính từ gốc để tạo ra tính từ mới. Ví dụ: đen đen, trăng trắng, đo đỏ, vàng vàng, nâu nâu; sạch sẽ, may mắn, chậm chạp, nhanh nhẹn, đắt đỏ.
___________________________________

Câu hỏi và bài tập

1/ Tính từ trong tiếng Việt có gì đặc biệt? Hãy nêu các loại tính từ trong tiếng Việt.
2/ Hãy cho biết các từ in nghiêng dưới đây có phải là tính từ không:
sinh viên đại học; cuộc sống thành thị; nghề tay trái; bạn vàng; chính quyền của nhân dân; thái độ phân biệt đối xử; thư khen; sự phê phán.
3/ Hãy phân biệt sự khác nhau của các cặp từ/cụm từ sau đây bằng ví dụ:
Cụt chân/chân cụt; đẹp người/người đẹp; ngon mắt/mắt ngon; ế vở/vở ế.
4/ Hãy phân biệt sự khác nhau về ý nghĩa của các tính từ/không phải tính từ trong các cặp ví dụ sau đây:
– Rau này rất tươi./ Gặp lại anh, chị Thuận cười tươi roi rói.
– Anh ta là người rất khó gần./ Ai cũng thấy rất khó đến gần chỗ đám cháy.
– Giá vàng gần đây lên xuống thất thường./ Đây là anh bạn vàng của tôi.
– Con đường chạy quanh co qua mấy quả núi./ Chị ấy nói quanh co mãi mà chẳng ai hiểu được nên đành phải nói thẳng.
– Giá dầu mỏ tăng chóng mặt./ Tôi cảm thấy bị chóng mặt.

________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học miêu tả, Ngữ pháp học, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt, Từ loại | Thẻ: , , , , , | 15 Comments »

TIẾNG TÂY LÀM RỐI RẮM TIẾNG TA

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 8, 2011

Lê Đình Tư
(Bài đã đăng trong Tạp chí Tri thức trẻ)

Có thể nói không ngoa rằng, hiện nay có nhiều người Việt Nam bỗng nhiên trở nên mù chữ vì không đọc được và hiểu được hết những gì người ta viết trên báo chí của Việt Nam. Đó là do sự du nhập ồ ạt các từ ngữ nước ngoài vào tiếng Việt mà không có sự kiểm soát của ý thức xã hội.

Sự vay mượn từ ngữ tiếng nước ngoài luôn luôn xảy ra đối với mọi ngôn ngữ. Tuy nhiên, đối với nhiều ngôn ngữ, sự vay mượn đó được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ý thức xã hội mà đại diện là những cơ quan hay tổ chức có đủ quyền lực để quyết định về những trường hợp vay mượn cụ thể. Mục đích của sự kiểm soát này trước mắt là nhằm bảo vệ sự trong sáng của tiếng nói của dân tộc, nhưng về lâu dài là bảo vệ ngôn ngữ dân tộc khỏi sự diệt vong. Hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới đang mất đi với nhịp độ rất nhanh trước sự truyền bá rộng rãi của một vài ngôn ngữ lớn.

Báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng nói chung được coi là công cụ vừa để phổ biến tiếng chuẩn của ngôn ngữ dân tộc vừa để bảo vệ tiếng mẹ đẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố ngoại lai. Ấy thế nhưng ở ta, nhiều người đang nắm giữ các phương tiện thông tin đại chúng lại không thấy được vai trò xã hội của mình. Không những thế, chính các phương tiện thông tin đại chúng lại đang góp phần đáng kể, nếu không muốn nói là chủ yếu, vào việc làm cho tiếng mẹ đẻ bị méo mó đi, thông qua việc tiếp nhận và sử dụng thiếu nguyên tắc các từ ngữ nước ngoài. Nhờ vào sức mạnh tác động của mình, các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang góp phần phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, và hơn thế nữa, đang làm cho nhiều người Việt Nam trở nên mù chữ từng phần.

Thật là khó tưởng tượng nổi khi mà chỉ trên một trang của một tờ báo nọ (xin miễn nêu tên), chúng tôi đã nhặt ra được cả chục câu viết lai căng, lổn nhổn những từ nước ngoài – đó là những câu viết hoặc câu nói đặc trưng cho các biệt ngữ mà dạng gây ác cảm nhất đối với xã hội là tiếng lóng. Quả thực, đọc những ví dụ sau đây, nhiều người không khỏi nghĩ đến một thứ tiếng lóng:

– “Cô bé hát dân ca hay, là “giọng ca trẻ” của tỉnh Nghệ An, thường xuyên tham dự những program ca nhạc đài truyền hình tỉnh tổ chức.”.

– “Trả lời câu hỏi, các teen muốn bước chân vào nghề MC cẩn có những yếu tố gì, chị trả lời hồn nhiên: “Với lứa tuổi bọn em, để làm MC tốt thì phải tự tin, bản lĩnh, có kiến thức chuyên môn, có duyên, đặc biệt phải lỳ và liều.”

– “Nét “lỳ và liều” ở cô MC trẻ trung này chính là việc không có năng khiếu dẫn vẫn giới thiệu rất “oai” trong profile như thế.”

– “…dẫu sao trở thành một MC có hiểu biết thì vẫn hơn là một MC diễn theo kịch bản.”

– “Tại sao mình không được như những bạn gái khác, đi chơi, đi shopping.”

– “Thời gian vừa qua, Diễn đàn tuổi teen đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ 8x, 9x.”

– “Trong số đầu tiên, mời các bạn hãy cùng tìm hiểu về công việc MC – một người được đa số các teen đang tham gia và đạt được một số thành công bước đầu.”

– “Một trong số đó là Diệp Chi – MC của gamesshow truyền hình dành cho sinh viên…”

Tôi không biết có bao nhiêu độc giả Việt Nam đọc được và hiểu được hết ý nghĩa của những câu nói lai căng mang màu sắc tiếng lóng như thế, bởi vì trong bài, người ta không hướng dẫn cách đọc cũng không giải thích ý nghĩa của những từ ngữ vay mượn của tiếng nước ngoài. Nhưng tôi dám chắc rằng, khi đọc cái thứ tiếng Việt này, nhiều độc giả cảm thấy mình bị coi thường, bị hạ thấp vì đó là những câu viết rất cẩu thả, vi phạm rất nhiếu nguyên tắc của chuẩn mực tiếng Việt. Các từ ngữ nước ngoài được bê nguyên xi vào trong tiếng Việt mà hoàn toàn không có một chút Việt hóa nào. Điều này chắc chắn sẽ làm cho nhiều độc giả không đọc được hết tiếng Việt, và như vậy, họ trở nên mù chữ từng phần. Có lẽ ngày nay, nhiều người nghĩ rằng, khi nói hay viết mà có đệm tiếng Tây thì câu nói hay câu viết của mình sẽ sang trọng hơn, bản thân họ sẽ được đánh giá cao hơn. Và vì cái “sự sang” này mà người ta cứ cố chêm cho bằng được một từ tiếng Tây vào những câu nói hay câu viết mà chẳng cần biết cái từ tiếng Tây đó có làm cho tiếng Việt trở nên trong sáng hơn không, rõ nghĩa hơn không. Chẳng hạn, trong một tờ báo khác, người ta cho chạy một hàng chữ lớn: “Những ngành “hot” ở các trường đại học trong năm 2007”. Độc giả bình thường có thể đặt câu hỏi: Tại sao người ta phải cố chêm cái từ ‘hot’ (nóng) của tiếng Anh (vốn là từ biệt ngữ trong tiếng Việt) vào nhan đề của một bài báo viết về một vấn đề hết sức nghiêm túc như vậy? Cái từ ‘hot’ của tiếng Anh đó liệu có làm cho tên bài báo trở nên rõ nghĩa hơn hay diễn cảm hơn không? Và, Không biết nên đọc cái từ tiếng Anh đó là “hót” hay “hốt”? Ở một tờ báo khác, khi viết về một vấn đề văn hóa, người ta đã chêm xen từ ngữ nước ngoài để tạo ra cách viết nửa Tây nửa ta rất khó hiểu như sau: “Nhạt liveshow, đậm phòng trà”, trong đó ‘liveshow’ được hiểu là ‘biểu diễn ca nhạc sân khấu lớn’ còn’ phòng trà’ ở đây là ‘phòng trà ca nhạc, sân khấu ca nhạc mini, ở đó biểu diễn ca nhạc mà các ca sĩ hát trực tiếp. Hay: “Sau mùa liveshow và ào ạt ra mắt album mới vào cuối năm, phần lớn các ca sĩ tên tuổi dành khoảng thời gian sau tết để nghỉ ngơi, du lịch…”

Đó thực sự chỉ là thói sính dùng từ nước ngoài, một cách làm sang nhờ vào tiếng Tây. Cách nói chêm nguyên xi từ nước ngoài vào các câu văn như vậy hoàn toàn chỉ là sở thích của các cá nhân chứ không phải là việc làm xuất phát từ nhu cầu của ngôn ngữ hay trách nhiệm xã hội của nhà báo đối với ngôn ngữ dân tộc.

Hiện tượng sính dùng từ nước ngoài còn tạo ra những cách nói hay cách viết hết sức phi lí. Phi lí là do người ta sử dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa của các từ vay mượn. Chẳng hạn, trong một tờ báo, người ta đưa tin như sau:

“Đồng Nai: “Nhóm côn đồ tuổi teen tấn công trưởng công an xã” Lúc 1 giờ sáng ngày 21/2, một nhóm côn đồ tuổi từ 19 đến 22 đã dùng gạch, đá, gậy tấn công trung tá Hoàng Đình Sấm..”

Quả thật, nếu dịch đoạn văn này cho người Anh nghe thì có lẽ họ sẽ vô cùng kinh ngạc vì ‘tuổi teen’ ở Việt Nam lại bao gồm cả ‘tuổi ty’ (tuổi hai mươi trở lên). Và họ sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa, khi mà ở một tờ báo khác, ‘tuổi teen’ được quan niệm là độ tuổi từ hai mươi trở lên, vì tác giả một bài báo viết về các cặp nam nữ ‘tuổi teen’ đi Nhà nghỉ như sau: “Đặc điểm chung của những cặp này là đều rất trẻ, thậm chí dưới 20 tuổi.”.

Có thể thấy rằng, việc du nhập vô nguyên tắc các từ ngữ nước ngoài đang làm cho tiếng Việt trở nên rối rắm, khó hiểu và kì lạ. Đã đến lúc cần phải có một chính sách ngôn ngữ hợp lí để dọn dẹp những rác rưởi mà các cá nhân đã tạo ra do thái độ vô trách nhiệm đối với ngôn ngữ dân tộc, để không đến nỗi người Việt Nam ta trong thế kỉ hai mốt này lại không thể đọc trôi chảy một trang báo viết bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình.

________________________________________________________________________

Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: , , , , , | 1 Comment »

Pari là xứ mô?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 8, 2011

Lê Đình Tư
(Bài đã đăng trong Tạp chí Tri thức trẻ)

Người Việt tứ xứ gặp nhau thường có thói quen nhại tiếng nhau hay trêu chọc nhau về cách sử dụng địa phương của các từ ngữ tiếng Việt. Ấy là do mỗi vùng, miền có những cách phát âm khác nhau, có những từ ngữ khác nhau và đặc biệt là có cách sử dụng khác nhau những từ ngữ phổ thông. Một ví dụ điển hình là trường hợp ‘cào cào’ và ‘châu chấu’. Con châu chấu trong tiếng phổ thông là “Bọ cánh thẳng đầu tròn, thân mập, màu nâu và vàng, nhảy giỏi, ăn hại lúa” nhưng đối với các địa phương từ Bắc Trung Bộ trở vào thì đó lại là con cào cào. Còn châu chấu ở những địa phương đó phải là loại “Bọ cánh thẳng đầu nhọn, mình dài, nhảy giỏi, ăn hại lá lúa, lá ngô…” mà trong tiếng phổ thông thì lại là con cào cào. Do đó, khi người Bắc nói nạn châu chấu thì trong Nam phải nói là nạn cào cào và ngược lại. Thế mới có chuyện, khi trên vô tuyến truyền hình Trung uơng nói về nạn cào cào ở Đồng bằng Cửu Long thì người Bắc cứ nghĩ về những con bọ cánh thẳng nhọn đầu mà mỗi khi đi gặt hay đi làm cỏ lúa các bà mẹ thường bắt về cho trẻ con nướng lên, ăn vừa bùi vừa thơm. Giá ở miền Bắc mà có nạn cào cào thì hay biết mấy, có lẽ sẽ có nhiều nhà hàng đặc sản mọc lên. Ấy thế nhưng, người các địa phương từ khu Bốn cũ trở vào mà nghe nói đến việc ăn cào cào thì có lẽ họ sẽ bị lộn mửa. Ở đó, người ta chỉ biết ăn châu chấu thôi. Châu chấu ăn được nên hiếm lắm, thỉnh thoảng mới bắt được vài con. Hay như trường hợp con tép, con tôm cũng vậy. ‘Con tép’ có nơi thì dùng để chỉ ‘con cá nhỏ’, có nơi lại dùng để chỉ ‘con tôm nhỏ’. Thế là nảy sinh những cuộc cãi cọ nhau, và “Chửi cha không bằng pha tiếng”, những cuộc tranh cãi tưởng chừng vô thưởng vô phạt về ‘con tôm con tép’ ấy đôi khi lại dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng, vượt lên trên khuôn khổ của những cuộc tranh luận thuần túy ngôn ngữ và có thể mang lại những hậu quả khôn lường.

Mấy năm trước, tôi có dịp làm quen với một tiến sĩ y tế cộng đồng người miền Trung. Trong một văn bản tập huấn về KHHGĐ, dịch giả người miền Bắc đã dùng từ ‘bánh rau’ thay vì ‘bánh nhau’ (nhau bà đẻ). Mặc dù dịch giả đã “chua” thêm từ ‘bánh nhau’ trong dấu ngoặc đơn, nhưng vị tiến sĩ nọ vẫn không chịu, và dứt khoát đòi chỉ được dùng từ ‘bánh nhau’ và bỏ hoàn toàn từ ‘bánh rau’, với lí lẽ rằng người miền Trung sẽ không ai nhịn được cười nếu vẫn để từ đó trong văn bản. Là một người hiệu đính, tôi thấy cách làm như dịch giả nọ là rất ổn, vì cứ tùy theo từng địa phương mà sử dụng dạng này hay dạng kia của từ, chẳng chết ai cả. Thế nhưng, cái từ nhỏ nhoi đó lại trở thành lí do để vị tiến sĩ đó bật lên một nhận xét động trời: “Đó là sự bá quyền của tiếng Bắc.” Một nhận xét có thể nói là rất chính trị, bật lên từ một cái góc tâm linh sâu thẳm nào đó trong con người của vị tiến sĩ. Song, nếu vị tiến sĩ đó biết được rằng, “nhau” hay “rau” thì cũng rứa cả, cùng sinh ra từ một gốc, thì chắc cũng chẳng có chuyện to tát như vậy. Ở thời kì cách đây khoảng trên một nghìn năm, người Việt chưa có cách phát âm khác nhau của những từ như dức, diếc, dăn deo, dăn dúm. Về sau, cái âm ‘d’ đó mới được tách ra làm hai là ‘d’ và ‘nh’, thành thử, bên cạnh dức đầu có thêm nhức đầu, diếc móccó thêm nhiếc móc, dăn deo có thêm nhăn nheo, dăn dúm có thêm nhăn nhúm. Một số địa phương lại có cách phát âm ‘d’ thành ‘r’, cho nên hiện nay mới tồn tại đến ba cách phát âm của cùng một từ, ví dụ: dức đầu/rức đầu/nhức đầu; dổ mạ/rổ mạ/nhổ mạ; dăn deo/răn reo/nhăn nheo; dòm ngó/ròm ngó/nhòm ngó. Một vài năm trước, đi trên đường phố Hà Nội, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những biển quảng cáo: ”Ruộm hấp” mà có nhiều người ngoại tỉnh thắc mắc: ‘Ruộm’ nghĩa là gì? Đó chẳng qua là ‘nhuộm’ mà thôi. Vậy nên, nói là “nơi chôn rau cắt rốn” hay “nơi chôn nhau cắt rốn” thì cũng đều là nói về nơi chôn cái rau (cái nhau) và cắt cái cuống rốn của con người ta sau khi cất tiếng chào đời, tức là nơi quê cha đất tổ, chứ không ai nghĩ rau ở đây là rau ăn cả. Đó chẳng qua chỉ là sự biến đổi ngữ âm rất bình thường trong ngôn ngữ, hoàn toàn chẳng có sự áp đặt của ai, chẳng có sự “bá quyền” của một phương ngữ nào cả.

Như vậy, các cuộc cãi cọ xuất phát từ những khác biệt phương ngữ ở ta có liên quan đến một vấn đề rất nghiêm túc: vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt. Nếu có sự chuẩn hóa để toàn xã hội chấp nhận một hình thức từ chung cho mọi miền đất nước thì vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Tuy nhiên, nếu như những sự biến đổi ngữ âm hay biến đổi ngữ nghĩa, như trong một vài ví dụ đã nêu ở trên, là hiện tượng khách quan, có vẻ “vô thưởng vô phạt”, thì thời gian gần đây, chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi rất chủ quan của tiếng Việt, và nếu không có biện pháp khắc phục thì hậu quả sẽ rất tai hại.

Một lần, trong một buổi tiếp chuyện các bậc cao niên trong làng đến chơi, có bác đột nhiên hỏi tôi:
– Này anh giáo, chứ cái xứ Peơruýtxơ là xứ mô, hầy?
– Thưa bác, bác có thể nhắc lại cho rõ được không ạ? Tôi tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại.
– Cái xứ Pe – ơ – ruýt – xơ là xứ mô? Bác nông dân nhắc lại một cách rành rẽ từng âm tiết.
Thế là rõ. Bác nông dân không thể nhầm được. Nhưng tôi thì tôi chịu. Tôi không thể nhớ ra đó là xứ nào. Tôi đành chữa ngượng:
– Bác tính, đời sống đắt đỏ, ai cũng phải bươn trải kiếm thêm nên có ít thời gian theo dõi những thay đổi tên vùng, tên đất trên thế giới. Cháu sẽ về tra cứu và trả lời cho bác sau.

Nhưng tôi cảm thấy đó là sự nhục nhã. Sau này, tìm hiểu mãi, tôi mới biết cái xứ Peơruýtxơ té ra là cách phát âm tiếng Anh của từ ‘Paris’, thủ đô của nước Pháp, mà các cụ ngày xưa vẫn gọi là Ba Lê còn ngày nay được gọi chính thức là Pari. Thế là tôi được giải thoát khỏi sự đau khổ.

Nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về cái cách phát âm hết sức chủ quan của cá nhân các phát thanh viên nước ta. Dường như họ không cần biết là một tên gọi đã được định hình từ bao nhiêu năm nay, đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong tiếng phổ thông thì phải phát âm cho đúng với chuẩn mực chung, chứ không phải là người biết tiếng Anh thì phát âm theo kiểu tiếng Anh, người biết tiếng Pháp thì phát âm theo kiểu tiếng Pháp… Nhưng điều đó đang diễn ra rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta. Quả vậy, nếu chịu khó để ý đến các địa danh đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, tên gọi nước ngoài được người ta đọc hết sức tùy tiện. Thủ đô Luân Đôn của nước Ạnh cứ được phát âm là Lân Đần, thủ đô của nước Nga lúc thì phát âm là Mátxcơva, lúc thì phát âm là Mốtxcâu, lúc lại phát âm là Mốtxcơva; nước Ítxraen có người cứ đọc thành Ítx roa-oeo. Ngay như thủ đô của nước Lào, người này thì đọc là Viên Chăn, người khác lại đọc là Viêng Chăn. Hay như nước Xinhgapo cạnh ta, có lúc được đọc là Xinhgapua, có lúc lại đọc thành Xanhgapo. Rồi WTO, người thì đọc là ‘vê kép tê ô’, người thì lại đọc là ‘vê đúp tê ô’, người khác lại đọc là ‘đáp liu ti ô’, ‘đáp bờ liu ti âu‘, ‘vê tê ô’ … Và sự tùy tiện đó dường như cũng chẳng có ai thấy cần phái chỉnh sửa, phê phán. Có lẽ sẽ có người lí sự: Chấp gì mấy ông nhà quê tối tăm đó. Dân có học, chắc chẳng ai có khó khăn gì trong việc này. Song, sự thật thì không phải như vậy. Chỉ xin nêu một ví dụ: Hiện nay, phần lớn các nhà trí thức của ta không biết viết tên nước Xinhgapo thế nào cho đúng. Điều đó có lẽ cũng chẳng có gì là lạ vì trên báo chí, người ta cũng viết rất lung tung: lúc thì viết là Xingapo, lúc thì viết là Singapo, lúc khác thì lại là Singapore hoặc Xinhgapo. Nhưng vấn đề là viết như thế nào là đúng? Viết theo âm của tiếng nào? Chưa ai có đủ thẩm quyền để trả lời được câu hỏi này. Như vậy là, chẳng cứ gì các bác nhà quê ít học mà ngay cả các nhà trí thức của ta cũng không biết viết và đọc thế nào cho chuẩn. Đó thực sự là một điều kinh khủng đối với một ngôn ngữ. Và tình hình này đang làm cho thế hệ trẻ hiện nay không biết dựa vào đâu để viết/đọc cho đúng,. Hậu quả tất nhiên sẽ là: họ cũng lại nhiễm phải cái thói tùy tiện của các thế hệ đi trước.

Nhưng đâu chỉ có chuyện đọc và viết. Sự tùy tiện còn biểu hiện trong cách sử dụng từ ngữ. Một ví dụ: Từ ‘quốc tế’ đang được lạm dụng quá đáng. Vốn là một tính từ dùng để chỉ những gì thuộc về quan hệ giữa các nước trên thế giới (tiếng Anh: ‘international’ có nghĩa là có tính chất liên quốc gia/dân tộc hay có tính chất toàn thế giới), từ này đang được sử dụng với nghĩa tương đương với từ ‘thế giới’. Vì vậy, thay vì nói “Tin thế giới” người ta hay dùng “Tin quốc tế”, một cách nói khá tối nghĩa, vì nếu giải thích theo một cách khác thì ‘tin quốc tế‘ là tin tức về quan hệ giữa các nước, hoặc là tin tức toàn thế giới, nhưng phải hiểu là quốc tế/thế giới đó không bao gồm Việt Nam, vì luôn luôn có sự đối lập giữa “Tin quốc tế” và “Tin trong nước”. Như vậy, “Tin quốc tế” đúng ra phải nói là “Tin nước ngoài” vì nó không bao gồm “tin trong nước”, và không có lí gì chúng ta lại tự coi mình không phải là một phần của “quốc tế”. Sự lộn xộn về khái niệm đó được lặp đi lặp lại ở rất nhiều trường hợp khác.Ví dụ: Đáng lẽ phải nói “cầu thủ nước ngoài” thì người ta lại nói “cầu thủ quốc tế”, khiến cho ý nghĩa trở nên rất mơ hồ, vì làm gì có cầu thủ nào gọi là cầu thủ quốc tế! Chỉ có cầu thủ của nước này hay nước kia, hoặc cầu thủ nước ngoài chơi cho một đội của một nước nào đó mà thôi. Đương nhiên, sẽ có người lí luận rằng: Viết thế nào cũng được, miễn là hiểu đúng là được rồi. Chẳng hạn, khi nói “một cầu thủ tầm cỡ quốc tế” mà hiểu là “cầu thủ tầm cỡ thế giới” thì cũng chẳng chết ai. Nhưng nếu vậy thì “cầu thủ tầm cỡ khu vực” sẽ phải hiểu là “cầu thủ không có tính chất quốc tế”. Cho nên, những khái niệm như “đẳng cấp quốc tế”, “bằng cấp quốc tế” “tiêu chuẩn quốc tế”, “quốc tế công nhận”… mà chúng ta đang dùng nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong giao tiếp hàng ngày, thực ra là những khái niệm rất mơ hồ, có khi tạo ra những cách nói vô nghĩa. Do vậy, các từ ngữ đó cần phải được cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng. Bởi vì sự mơ hồ trong cách hiểu ý nghĩa của các từ sẽ tạo ra những cái vòng luẩn quẩn và bế tắc.

Khái niệm (hay ý nghĩa) gắn với từ là một cái gì đó rất khó nắm bắt. Nó liên quan đến toàn bộ hệ thống ngôn ngữ. Do đó, cần phải có kiến thức rất sâu và rộng về ngôn ngữ mới có thể xác định nó một cách chính xác. Việc hiểu chính xác ý nghĩa của các từ đã khó, nhưng việc cải tiến nó hay cách tân nó càng khó hơn. Một từ, nếu bị sử dụng sai lệch, sẽ làm cho hệ thống ngôn ngữ bị xáo trộn, dẫn đến những cách nói, cách hiểu không rõ ràng, mang tính đại khái và rất chủ quan, chẳng giống ai. Gần đây, chẳng hạn, người ta đã phát triển khá nhiều loại bệnh viện trên cơ sở hiểu biết mơ hồ về khái niệm (ý nghĩa) mà từ bệnh viện biểu thị. Ở Thành phố HCM, người ta đã mở ‘bệnh viện máy vi tính’, còn ở Hà Nội thì có ‘bệnh viện xe máy’. Thoạt nghe thì dường như không có gì đáng nói cả, vì ai cũng hiểu là người ta muốn nói tới ‘xưởng sửa chữa máy vi tính’, hay ‘xưởng sửa chữa xe máy’. Nhưng đó chỉ là sự liên tưởng có tính chủ quan, sự “đoán mò” kiểu như khi ta nghe một từ tiếng lóng, hay thậm chí một câu thơ có nghĩa nước đôi chẳng hạn, chứ không phải là căn cứ vào ý nghĩa thực sự của từ. Nếu nói về ý nghĩa thực sự của từ thì đương nhiên, ta không thể phát triển một loại bệnh viện gọi là ‘bệnh viện chó’. Nhưng điều đó vẫn cứ đang xảy ra. Dường như người ta quên mất (hay không biết) rằng bệnh viện chỉ là ‘nơi khám và chữa bệnh cho người’. Khi cần xác định thêm tính chất chuyên môn của bệnh viện, người ta thêm các từ đi kèm như: bệnh viện phụ sản, bệnh viên lao, bệnh viện K, bệnh viện nhi…. Xét trong hệ thống đó, ‘bệnh viện chó’ không biết nên hiểu là ‘bệnh viện chữa một loại bệnh có tên gọi là chó’, hay đây là ‘bệnh viện chữa bệnh không tốt mà người ta chửi là bệnh viện chó’. Hơn nữa, bệnh viện là một cơ sở y tế, chứ không phải là cơ sở cơ khí, điện tử hay thú y. Không chỉ có tiếng ta mà các thứ tiếng khác cũng đều như vậy. Chỉ có điều, ở các nước khác, người ta nắm rất rõ cái khái niệm mà từ bệnh viện biểu thị, nên người ta không cho phép khai triển những “sáng kiến” ngôn ngữ kiểu này như ở ta. Cho nên, người ta không có các bệnh viện máy vi tính, bệnh viện xe máy, hay bệnh viện chó. Vậy, tại sao chúng ta không nói xưởng sửa chữa máy vi tính, xuởng sửa chữa xe máy, hay trạm thú y như từ trước tới nay vẫn dùng? Các tên gọi mới “bắt mắt” hơn, hay “hoành tráng” hơn chăng? Điều chắc chắn là: những tên gọi đó không rõ ràng. Mà tên gọi đã không trong sáng thì chất lượng cũng rất đáng ngờ. Còn nếu các tác giả của những tên gọi đó muốn làm một cuộc cách mạng trong tiếng Việt thì có lẽ cũng nên kiểm tra lại xem mình hiểu hệ thống tiếng Việt tới mức nào. Bởi vì, với những sáng kiến tùy tiện kiểu như trên, rồi đây con cháu chúng ta có thể sẽ có sáng kiến ngược lại: gọi bệnh viện là ‘xưởng chữa bệnh cho người’. Và khi ấy, các bệnh nhân thay vì ‘xuất viện’, sẽ ‘xuất xưởng’, để cho các máy móc và thú vật xuất viện. Và trong xu thế hội nhập hiện nay, người nước ngoài đến Việt Nam sẽ vô cùng ngơ ngác, vì ở thế kỉ 21 này, người Việt vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa người, vật và động vật, giữa y tế, cơ khí, điện tử và thú y. Hơn thế nữa, rồi đây các trường học ở nước ta sẽ phải xây dựng lại mục tiêu đào tạo: trường đại học bách khoa sẽ đào tạo các bác sĩ cho máy vi tính, ô tô, xe máy, tủ lạnh … còn trường đại học y khoa sẽ đào tạo kĩ sư chữa bệnh cho người.

Sự mơ hồ trong việc sử dụng các khái niệm (tức là ý nghĩa của từ) không chỉ liên quan đến hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ. Nó có thể đưa đến những sai lầm tai hại trong những hoạt động khác. Một ví dụ điển hình là từ ‘khuyến học’. Ở thời kì mà phần lớn dân số nước ta mù chữ thì khuyến học là một phong trào hết sức cần thiết và đã được phát động đúng lúc. Khái niệm ‘khuyến học’ khi ấy đã được hiểu chính xác, và vì thế, việc khuyến học đã góp phần tích cực cho công cuộc chấn hưng dân tộc: xóa nạn mù chữ và nâng cao trình độ dân trí cho xã hội ta. Song, ở giai đọan hiện nay, khi mà xã hội chúng ta đang đấu tranh quyết liệt với nạn dạy thêm, học thêm tràn lan thì việc khuyến học trở thành một việc làm đi ngược với chủ trương đó. Chưa “khuyến” mà con cháu chúng ta đang phải học ngày 3-4 ca, vậy nếu “khuyến” nữa thì không biết các cháu còn phải học thêm những ca nào nữa đây? Cho nên, vì hiểu không đúng khái niệm, các hội khuyến học hiện nay ở ta chỉ làm mỗi một việc, đó là tặng thưởng tiền hoặc hiện vật cho các cháu học giỏi, còn việc các cháu có vì những phần thưởng đó mà học chăm chỉ hơn không thì chẳng ai dám chắc. Chẳng có cháu nào lại nghĩ là mình phải học cho giỏi để được nhận phần thưởng của các ‘hội khuyến học’. Các cháu học ngày học đêm là vì muốn lọt được vào cái cổng đại học bé tí của các trường đại học, chứ không phải là do khuyến học. Cho nên, nhiều khi, hội khuyến học chỉ được mở ra để khuếch trương thành tích học tập của con cháu nhằm làm vẻ vang cho các gia đình, dòng họ hay làng xã… Không có nước nào mà nhà nhà khuyến học, làng làng khuyến học, xã xã khuyến học như ở ta. Thế thì làm sao mà chống được nạn học thêm và dạy thêm!

Thật quả đúng là “Cái sảy nảy cái ung”. Cứ cái đà này thì không biết tiếng Việt của chúng ta sẽ đi về đâu. Liệu vài chục năm nữa nó có trở thành một thứ ngôn ngữ pha tạp, hổ lốn, lộn xộn như nhiều người đang lo ngại hay không? Ở nhiều nước, người ta thiết lập những cơ quan chuyên trách để kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của tiếng mẹ đẻ. Một cơ quan như vậy, thiết nghĩ, cũng rất cần thiết ở nước ta, để làm sao cho dân ta không đến nỗi phải hỏi nhau: Pari là xứ nào?

_________________________________________________________

Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »