TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for the ‘Nhập môn ngôn ngữ học’ Category

Các phương thức ngữ pháp (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 11, 2010

6. Phương thức hư từ

Các ý nghĩa ngữ pháp, mà đặc biệt là các mối quan hệ ngữ pháp giữa các từ, cũng có thể được thể hiện bằng các hư từ. Đó chính là phương thức hư từ. Tuy nhiên có khi việc xác định phương thức hư từ không hoàn toàn đơn giản, bởi vì hư từ có thể được sử dụng kèm theo một phương thức ngữ pháp khác. Thường thì người ta chỉ nói đến phương thức hư từ khi đó là phương thức duy nhất để thể hiện một loại ý nghĩa ngữ pháp nào đấy. Ví dụ: trong tiếng Nga để biểu thị ý nghĩa cách, người ta có thể vừa sử dụng phương thức phụ gia (biến đổi danh từ theo cách tương ứng), vừa dùng các hư từ, chẳng hạn: dl’a studenta (cho sinh viên). Trong những trường hợp như vậy, người ta coi việc sử dụng hư từ là phương thức phụ, còn phương thức phụ gia mới là phương thức ngữ pháp đặc trưng. Tình hình này khác hẳn với các ngôn ngữ không biến hình, nơi mà hư từ là phương tiện duy nhất để thể hiện một loại ý nghĩa ngữ pháp. Chẳng hạn trong trường hợp tương tự như ở ví dụ trên thì đối với tiếng Việt, hư từ cho là phương tiện duy nhất để thể hiện mối quan hệ phụ thuộc giữa một danh từ này và một danh từ khác. Ví dụ:

Sách cho sinh viên

Như vậy có thể nói, phương thức hư từ là phương thức được sử dụng là phương thức ngữ pháp chủ yếu trong các ngôn ngữ không biến hình. Ví dụ trong tiếng Việt, để thể hiện ý nghĩa thời chúng ta sử dụng những hư từ như đã, đang, sẽ; để thể hiện thức mệnh lệnh, chúng ta sử dụng những hư từ như hãy, đừng, chớ, nào, thôi; để thể hiện ý nghĩa dạng chúng ta dùng các từ bị, được; hoặc để thể hiện các mối quan hệ khác nhau giữa các từ, chúng ta sử dụng các từ của, cho, bằng, đến, v.v… .

Tuy nhiên cần phải nhớ rằng, hư từ là những nhóm từ loại có mặt ở tất cả các ngôn ngữ, song việc sử dụng chúng để thể hiện một loại ý nghĩa ngữ pháp nào đó có thể sẽ rất khác nhau trong ngôn ngữ này hay ngôn ngữ kia. Chính vì vậy, có những hư từ tồn tại trong ngôn ngữ này nhưng lại không có trong ngôn ngữ khác.

7. Phương thức trật tự từ

Việc sắp xếp các từ theo những trật tự khác nhau có thể làm thay đổi ý nghĩa ngữ pháp của chúng. Đó chính là cơ sở của phương thức trật tự từ. Cũng giống như đối với phương thức hư từ, trật tự từ cũng là phương thức được sử dụng phổ biến trong các ngôn ngữ. Nhưng không phải trong ngôn ngữ nào trật tự từ cũng luôn luôn là phương thức mang tính bắt buộc. Như một số trường hợp trong tiếng Nga, ví dụ: câu Mat’ l’ubit dotx’ (mẹ yêu con gái) đã dẫn ở trên, từ giữ một vị trí nhất định trong câu và nếu ta thay đổi vị trí đó thì ý nghĩa của câu sẽ thay đổi, do chức năng ngữ pháp của các từ thay đổi. So sánh: dotx’ l’ubit mat’ (con gái yêu mẹ). Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cục thì vị trí của các từ trong câu tiếng Nga tương đối tự do. So sánh:

On id’ot v skolu (nó đi đến trường)
Id’ot on v skolu (nó đi đến trường)
V skolu on id’ot (nó đi đến trường).

Trong khi đó thì ở các ngôn ngữ không biến hình, như tiếng Việt hay tiếng Hán chẳng hạn, trật tự của các từ thường rất ổn định và mang tính bắt buộc. Sự thay đổi vị trí của các từ sẽ kéo theo sự thay đổi về nghĩa của câu nói hay của một đơn vị ngôn ngữ, vì chức năng ngữ pháp của các từ thay đổi. So sánh:

Nó đi đến trường
Đi đến trường nó
Đến trường nó đi

Phương thức trật tự từ có thể được dùng để thể hiện nhiều loại ý nghĩa ngữ pháp khác nhau, như thức mệnh lệnh, dạng, thời, từ loại và nổi lên trên hết là chức năng ngữ pháp khác nhau của các từ. Xét như vậy ta có thể thấy rằng, phương thức trật tự từ là phương thức đặc trưng cho các ngôn ngữ không biến hình, bởi vì các ngôn ngữ biến hình, đa số các loại ý nghĩa ngữ pháp thường được thể hiện bằng các dạng thức khác nhau của từ.

8. Phương thức láy

Phương thức láy (cũng còn gọi là phương thức lặp) là phương thức lặp lại một bộ phận hoặc toàn bộ từ căn (có thể 1 hoặc 2 lần) để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp. Trên thực tế phương thức này chỉ được sử dụng hạn chế về ý nghĩa số như chuyển số ít thành số nhiều. Chẳng hạn, trong tiếng Việt: ngày ngày, người người, đêm đêm, tầng tầng, lớp lớp; hay trong tiếng Mã Lai: orang orang (người người). Ở đây cần phải phân biệt phương thức láy dùng để cấu tạo từ mới và phương thức láy dùng để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp. Với phương thức láy dùng để cấu tạo từ mới, người ta cũng lặp lại một bộ phận hay toàn bộ một căn tố, nhưng không phải để thay đổi ý nghĩa ngữ pháp của từ mà để tạo ra một đơn vị từ vựng khác có ý nghĩa khác với đơn vị cho trước, còn với phương thức láy dùng để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp thì không có một đơn vị từ vựng mới nào được tạo ra mà chỉ có ý nghĩa ngữ pháp (ý nghĩa số) thay đổi. So sánh:

Từ mới:

xanh xanh (hơi xanh)
no no (hơi no)
nhè nhẹ (hơi nhẹ)

ý nghĩa ngữ pháp mới:

nhà nhà (nhiều nhà)
người người (nhiều người)
xóm xóm (nhiều xóm)
________________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

Các phương thức ngữ pháp

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 1, 2010

Lê Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

Để thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp, mỗi ngôn ngữ có thể sử dụng những phương tiện và cách thức khác nhau, tùy thuộc vào loại hình của ngôn ngữ đó. Cách thức và phương tiện mà ngôn ngữ dùng để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp gọi là phương thức ngữ pháp.

Có thể nêu lên những phương thức ngữ pháp chủ yếu sau đây:

1. Phương thức phụ gia (hay phụ tố)

Khi phân tích các từ có cấu tạo hình thái, ta thu được các loại hình vị khác nhau. Chẳng hạn phân tích từ ‘workers’ (các công nhân) của tiếng Anh ta thu được 2 loại hình vị: căn tố [work-], phụ tố [-er] và vĩ tố [-s]. Căn tố ‘work-‘ là hình vị mang ý nghĩa từ vựng, phụ tố ‘-er’ vừa có ý nghĩa từ vựng vừa có ý nghĩa ngữ pháp và được sử dụng để cấu tạo từ mới, còn vĩ tố ‘-s’ chỉ được dùng để thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp của từ này. Hình vị ‘-s’ cũng là một loại phụ tố, song không có tác dụng tạo ra từ mới như các phụ tố cấu tạo từ, mà là loại hình vị thuần túy ngữ pháp. Nếu tách vĩ tố ra khỏi từ thì phần còn lại của từ là một phức thể gồm căn tố và một phụ tố cấu tạo từ. Phức thể hình vị này gọi là gốc từ hay từ căn. Dĩ nhiên, từ căn có thể có cấu tạo khác nhau: nó có thể chỉ bao gồm một căn tố như trong ‘(to) work’, nhưng cũng có thể là một phức thể căn tố (ví dụ như trong từ ‘workshop’), hay một phức thể căn tố và phụ tố như ví dụ nêu trên. Phương thức dùng hình vị ngữ pháp ghép với từ căn để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp khác nhau gọi là phương thức phụ gia (hay phụ tố). Phương thức này được sử dụng chủ yếu trong các ngôn ngữ biến hình Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Ví dụ:

ý nghĩa số:

teacher (giáo viên) – teachers [các giáo viên – tiếng Anh]
kniga (quyển sách) – knigi [các quyển sách – tiếng Nga]
livre (quyển sách) – livres [các quyển sách – tiếng Pháp]

– ý nghĩa thời:

work (làm việc) – worked (đã làm việc) (tiếng Anh)
govorit’ (nói) – govoril (nó đã nói) (tiếng Nga)
parler (nói) – parlai (tôi đã nói) (tiếng Pháp)

– ý nghĩa giống:

xtud’ent (nam sinh viên) – xtud’entka (nữ sinh viên) (tiếng Nga)
étudiant (nam sinh viên) – étudiante (nữ sinh viên) (tiếng Pháp)
Schulfreund (bạn học nam) – Schulfreundin (bạn học nữ) (tiếng Đức)

2. Phương thức biến hình bên trong từ căn

Đây là phương thức dùng sự thay đổi cấu tạo bên trong từ căn (thường là nguyên âm gốc của từ) để thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp khác nhau. Phương thức này hiện còn được sử dụng hạn chế trong các ngôn ngữ Ấn-Âu như tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga. Ví dụ:

Trong tiếng Anh:

take (lấy) – took (đã lấy)
goose (con ngỗng) – geese (các con ngỗng)
foot (bàn chân) – feet (các bàn chân)

Trong tiếng Đức:

Vater (bố) – Vọter (các ông bố)
Nacht (đêm) – Nọcht (các đêm)
Ofen (lò sưởi) – ệfen (các lò sưởi)

Tuy nhiên trong tiếng Ả rập, đây là phương thức ngữ pháp khá điển hình.

3. Phương thức trọng âm

ý nghĩa ngữ pháp có thể được thực hiện bằng cách di chuyển trọng âm. Đó chính là phương thức trọng âm. Ví dụ: trong tiếng Anh, từ ‘survey’ nếu được phát âm với trọng âm ở âm tiết thứ nhất thì đó là danh từ (cuộc điều tra), song khi được phát âm với trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai thì đó lại là một động từ (điều tra).

Vậy phương thức trọng âm là phương thức dùng sự thay đổi vị trí của trọng âm để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp khác nhau. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, phương thức này không thể áp dụng cho những ngôn ngữ có trọng âm cố định như tiếng Pháp hay tiếng Séc. Song ở những ngôn ngữ có trọng âm di động như tiếng Nga hay tiếng Anh, phương thức này có thể được sử dụng khá rộng rãi, không những để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp mà còn để tạo nên các từ mới, ví dụ:

Tiếng Anh:

record [‘rekɔ:d] – bản ghi chép (danh từ)
record [ri’kɔ:d] – ghi chép (động từ)

Tiếng Nga:

rúki – những cánh tay (chủ cách/số nhiều)
rukí – của cánh tay (sở hữu cách/số ít)

4. Phương thức ngữ điệu

Ngữ điệu cũng là một yếu tố có thể dùng để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp, mà đặc biệt là nghĩa thức. Như đã nói ở chương I, ngữ điệu là yếu tố được dùng để thay đổi ý nghĩa, mục đích của câu nói. Sự thay đổi các đường ngữ điệu cơ bản có thể thể hiện được thái độ khác nhau của người nói đối với nội dung được nói ra; ngữ điệu kết hợp thăng-giáng thể hiện thái độ khách quan (câu tường thuật), còn thái độ chủ quan được thể hiện hoặc là bằng ngữ điệu thăng (câu nghi vấn) hoặc là bằng ngữ điệu giáng (câu mệnh lệnh hay cảm thán). Do vậy, khi không sử dụng phương thức phụ tố (biến đổi động từ) hay một phương thức ngữ pháp khác để tạo thức mệnh lệnh hay cầu khiến chẳng hạn, người ta có thể sử dụng ngữ điệu giáng, hoặc một đường ngữ điệu đặc trưng nào đó, để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp ấy. Phương thức sử dụng sự thay đổi các đường ngữ điệu cơ bản để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp như vậy gọi là phương thức ngữ điệu. Ví dụ:

– Tiếng Anh: Give it to me! (Hãy đưa nó cho tôi!)
– Tiếng Việt: Xung phong!

5 Phương thức thay từ căn

Trong một số trường hợp, người ta có thể dùng một từ căn khác hẳn với từ căn ban đầu để thay thế nó nhằm thay đổi ý nghĩa ngữ pháp của nó. Đó chính là phương thức thay từ căn để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp. Ví dụ:

– Tiếng Anh:

go (đi) – went (đã đi)
be (là) – will (sẽ)
good (tốt) – better (tốt hơn)

– Tiếng Pháp:

bon (tốt) – meilleur (tốt hơn)
aller (đi) – je vais (tôi đi)
être (là) – je suis (tôi là)

Nói chung, phương thức này thường được sử dụng cho một số lượng đơn vị hạn chế và những đơn vị như vậy thường được coi là những trường hợp ngoại lệ trong một hệ biến thái nào đó.

(còn nữa)
____________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

Từ loại

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Chín 18, 2010

Lê Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

Từ đảm đương đồng thời hai chức năng: 1) Biểu thị những sự vật hay hiện tượng trong thực tế khách quan bên ngoài ngôn ngữ và 2) Xác định mối quan hệ của chúng với các thành phần khác trong câu.

Các từ đảm đương hai chức năng này theo những cách thức khác nhau, và khả năng đảm đương các chức năng khác nhau đó có thể là cơ sở để phân loại từ vựng thành các nhóm từ, trong đó các từ có thể thay thế nhau về mặt chức năng. Đó là sự phân chia từ vựng thành từ loại. Chẳng hạn, cơ sở để ta quy từ ‘sinh viên’ vào nhóm các danh từ là do từ này biểu thị sự vật trong thực tế khách quan và có khả năng đảm nhận chức năng là ‘chủ ngữ’, ‘vị ngữ danh từ’ hay ‘bổ ngữ’ trong câu. Đối với ngôn ngữ, khả năng đảm đương các chức năng ngữ pháp của từ là điều quan trọng nhất, bởi vì khả năng đó cho ta biết có thể kết hợp các từ với nhau như thế nào, và nhờ đó, có thể sử dụng các từ theo đúng quy tắc của ngôn ngữ. Như vậy, từ loại là những lớp khái niệm khái quát nhất của các từ có liên quan trước hết đến các chức năng cú pháp nhất định của chúng.

Thông thường, ta có thể phân chia vốn từ vựng thành từ loại theo hai tiêu chí: Tiêu chí ngữ nghĩa và tiêu chí cú pháp.

(Cần lưu ý rằng từ định danh không đồng nghĩa với danh từ. Định danh là chức năng gọi tên sự vật, hiện tượng, hành vi, tính chất, v.v… của một loạt từ, chứ không phải là chức năng của riêng danh từ.

1. Theo tiêu chí ngữ nghĩa

Theo tiêu chí này, người ta phân biệt hai loại từ lớn là thực từ và hư từ. Thực từ là những từ có ý nghĩa từ vựng. Giữa các nhóm từ loại này có sự khác nhau về cách thức biểu đạt hiện thực khách quan: định danh, chỉ định hoặc liệt kê xếp dãy.

– Nhóm từ định danh biểu đạt các lớp sự vật, hiện tượng hay khái niệm, ví dụ như: bàn, ghế, lợn, gà, ngủ, ăn, chăm chỉ, lười biếng. Cần lưu ý rằng từ định danh không đồng nghĩa với danh từ. Định danh là chức năng gọi tên sự vật, hiện tượng, hành vi, tính chất, v.v… của một loạt từ, chứ không phải là chức năng của riêng danh từ.

– Nhóm từ chỉ định (đại từ) có giá trị biểu thị hướng chỉ định trong khuôn khổ của một tình huống hay ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ: Trong tiếng Anh, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất I (tôi) luôn luôn chỉ định vào người nói, đại từ nhân xưng You (mày) chỉ định vào người nghe, còn He/She (nó) hay this (này) hoặc that (kia) chỉ định vào một đối tượng không phải là người nói cũng không phải là người nghe’

– Nhóm từ liệt kê, xếp dãy (số từ) có giá trị xác định dãy các sự vật hay hiện tượng, ví dụ: Khi ta nói ‘mười con gà’ là ta xác định một dãy gồm 10 con gà.

Hư từ là những từ không có ý nghĩa từ vựng mà chỉ có ý nghĩa ngữ pháp, hay nói chính xác hơn là chúng chỉ có chức năng ngữ pháp. Những từ này được dùng để biểu thị các mối quan hệ giữa các thực từ trong ngôn ngữ. Tùy vào chức năng, ngữ pháp của chúng, ta có thể phân biệt các loại hư từ như giới từ, liên từ, quán từ.

2. Theo tiêu chí cú pháp

Theo tiêu chí này, ta phân biệt các từ trên cơ sở những khác biệt về khả năng kết hợp của chúng với những từ khác trong các phát ngôn. Do vậy, biết được từ loại của từ, ta có thể biết được từ có thể đảm đương những chức năng ngữ pháp nào trong các phát ngôn. Thực ra, tiêu chí này cũng có phần trùng hợp với tiêu chí ngữ nghĩa ở trên, bởi vì theo tiêu chí này ta cũng phân biệt đại từ và số từ. Tuy nhiên, sự khác nhau cơ bản giữa hai tiêu chí này thể hiện trong sự phân chia nhóm từ có chức năng định danh. Theo tiêu chí cú pháp, trong nhóm từ định danh, ta phân biệt các từ loại như: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ. Còn các nhóm từ khác như giới từ, liên từ, quán từ, tình thái từ được coi là những hình vị ngữ pháp hay từ công cụ.

Nhìn chung, từ loại trong các ngôn ngữ có thể không giống nhau, nhất là đối với mảng hư từ. Vì vậy, mặc dù từ loại là một trong những lĩnh vực được nghiên cứu sớm nhất của ngôn ngữ học, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

___________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa ngữ pháp của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 29, 2010

3.2.6. Phạm trù thức

Khi tiến hành các hoạt động nói năng, chúng ta bao giờ cũng đưa vào trong các phát ngôn những mối quan hệ của mình đối với người nghe, hoặc đối với nội dung của phát ngôn hay với hiện thực khách quan. Các mối quan hệ đó có thể là chủ quan, nghĩa là chúng ta muốn thông qua nội dung câu nói để nêu lên những thắc mắc, nguyện vọng, yêu cầu hay sự đánh giá của mình, hoặc là khách quan, khi chúng ta đơn thuần chỉ muốn nêu lên, miêu tả lại, hay tường thuật lại sự vật, sự việc tồn tại trong thực tế khách quan. Để thể hiện hai loại quan hệ đó, các ngôn ngữ có thể sử dụng những phương thức khác nhau, trong đó có một phương thức khá phổ biến là biến đổi dạng thức của động từ. Khi ấy, căn cứ vào dạng thức của động từ ta có thể biết được quan hệ của người nói với nội dung câu nói. Sự thay đổi dạng thức của động từ để thể hiện mối quan hệ giữa người nói và nội dung câu nói như vậy chính là ý nghĩa thức và việc khái quát hóa loại ý nghĩa này sẽ cho ta phạm trù thức. Đây cũng là phạm trù ngữ pháp của động từ.

Thông thường, những ngôn ngữ có phạm trù thức thường phân biệt 3 thức:

– Thức trần thuật

Đó là thức biểu thị mối quan hệ khách quan, trung hoà của người nói với nội dung câu nói. Thức này của động từ không có dạng thức biểu thị riêng, nó trùng với dạng thức biểu thị ngôi và thời của động từ.

-Thức mệnh lệnh

Đây là thức biểu thị mối quan hệ chủ quan của người nói với nội dung câu nói: nêu lên yêu cầu hay mệnh lệnh thực hiện hành động của người nói đối với người nghe. Thức này được thể hiện bằng những dạng thức riêng của động từ. Chẳng hạn, trong tiếng Nga, thức mệnh lệnh của động từ ‘txitat’’ (đọc) là ‘txitaj’ (số ít) và ‘txitajt’e’ (số nhiều).

-Thức điều kiện hay giả định

Đây cũng là thức biểu thị mối quan hệ chủ quan của người nói đối với nội dung câu nói, nhằm nêu lên sự đánh giá chủ quan của người nói đối với khả năng xảy ra hành động hay sự kiện được đề cập tới trong câu nói (không chắc chắn xảy ra hoặc có thể xảy ra với một điều kiện nào đó). Thức này cũng được thể hiện bằng cấu tạo hình thái của động từ. Chẳng hạn, trong tiếng Pháp, thức giả định của động từ được phân thành hai thức bộ phận, đó là: 1/ thức giả định hiện tại, ví dụ: thức giả định hiện tại của động từ ‘aller’ (đi) là ‘que j’aille’, ‘que tu ailles’, và 2/ thức giả định quá khứ, chẳng hạn thức giả định quá khứ của động từ ‘aller’ đã dẫn ra ở trên là : ‘que j’allasse’, ‘que tu allasses’, v.v…, hay như trong tiếng Anh, thức điều kiện của động từ ‘can’(có thể) là ‘could’ của ‘be’ là ‘would’.

Tuy nhiên, số lượng thức trong ngôn ngữ có thể nhiều hơn. Chẳng hạn, ở một số ngôn ngữ, người ta phân biệt thức cầu khiến và thức mệnh lệnh. Do đó, số lượng thức không phải là ba mà là bốn (ví dụ như tiếng Hy Lạp).

3.2.7. Phạm trù thể

Khi trong một ngôn ngữ, các dạng thức khác nhau của động từ được dùng để biểu thị sự đối lập về tính hoàn thành hay không hoàn thành (đã cho biết hay chưa cho biết kết quả) của hành động hay hoạt động thì ta có phạm trù thể. Như vậy, phạm trù thể cũng là phạm trù ngữ pháp của động từ.

Đây là phạm trù dùng để biểu thị tính chất hay quá trình của hành động hoặc hoạt động.

Những ngôn ngữ có phạm trù thể thường phân biệt 2 thể:

– Thể không hoàn thành

Đó là thể dùng để biểu thị những hành động, hoạt động hay trạng thái đang diễn ra trong thời gian (có thể ở thời hiện tại, quá khứ hoặc tương lai). Ví dụ: trong tiếng Nga, động từ ‘pixat’’ (viết) là động từ không hoàn thành, do vậy nó luôn luôn biểu thị hành động hay hoạt động đang được khai triển, bất luận hành động hay hoạt động đó diễn ra trong quá khứ, hiện tại hay trong tương lai, so sánh:’ ja pisu’ (tôi đang viết), ‘ja pixal’ (tôi đã viết, nhưng chưa xong), ‘ja budu pixat’’ (tôi sẽ viết, nhưng không biết kết quả).

– Thể hoàn thành

Đây là thể dùng để biểu thị những hành động hay hoạt động được hiểu là đã kết thúc hay đã cho ta biết kết quả (có thể trong quá khứ, ở hiện tại hoặc trong tương lai). Chẳng hạn, động từ ‘napixat’’ (viết) của tiếng Nga là động từ thể hoàn thành, do đó nó luôn luôn biểu thị hành động đã được thực hiện xong, cho dù hành động này diễn ra trong quá khứ hay tương lai, so sánh: ‘ja napixal’ (tôi đã viết xong), ‘ja napisu’ (tôi sẽ viết xong). Như vậy, phạm trù thể gắn bó chặt chẽ với phạm trù thời, song giữa hai phạm trù này vẫn có sự khác nhau cơ bản: các thời được phân biệt trên cơ sở quan hệ với một thời điểm mốc (thời điểm quy chiếu), còn các thể lại được định hướng vào thời điểm kết thúc hay kết quả của hành động.

Trong thực tế, phạm trù thể có quan hệ chặt chẽ với phạm trù thời. Nói chung, có nhiều ngôn ngữ biến hình thường lồng ý nghĩa thể vào phạm trù thời. Do đó, người ta nhận thấy rằng, những ngôn ngữ có phạm trù thời nghèo nàn hơn, tức là có số lượng thời ít hơn (như các ngôn ngữ Xlavơ chẳng hạn), thường sử dụng phạm trù thể một cách tường minh, và ngược lại, ở những ngôn ngữ không có phạm trù thể, phạm trù thời thường phong phú hơn, nghĩa là có nhiều thời hơn (như tiếng Anh và tiếng Pháp).

Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa có những kết luận dứt khoát.

3.2.8. Phạm trù dạng

Trong một phát ngôn, ta thường phân biệt hai yếu tố liên quan đến động từ: chủ ngữ ngữ pháp và đối tượng của hành động. Chủ ngữ ngữ pháp có thể là chủ thể của hành động nhưng cũng có thể là đối tượng của hành động. Mối quan hệ giữa hành động, chủ thể hành động và đối tượng của hành động có thể được biểu thị bằng những dạng thức khác nhau của động từ và khi ấy, căn cứ vào dạng thức của động từ, ta có thể biết được chủ ngữ ngữ pháp là tác nhân gây ra hành động hay là đối tượng chịu sự tác động của chính hành động ấy. Sự biểu thị mối quan hệ giữa chủ thể và hành động thông qua các dạng thức khác nhau của động từ chính là bằng chứng về sự tồn tại của phạm trù dạng.

Thông thường, các ngôn ngữ phân biệt hai dạng của động từ:

Dạng chủ động của động từ được sử dụng khi chủ ngữ ngữ pháp đồng thời cũng là chủ thể hay tác nhân của hành động, còn bổ ngữ là điểm hướng tới của hành động. Dạng chủ động thường không có dạng thức biểu thị riêng mà thường trùng với dạng thức của thời và ngôi. Ví dụ, trong câu sau của tiếng Anh: “The teacher called Nam” (Thầy giáo đã gọi Nam), thì “the teacher” (thầy giáo) vừa là chủ ngữ ngữ pháp vừa là tác nhân của hành động, nên động từ ‘call’ (gọi) có dạng chủ động (called).

Dạng bị động của động từ được sử dụng khi chủ ngữ ngữ pháp và chủ thể của hành động không trùng nhau: chủ ngữ ngữ pháp là đối tượng chịu tác động của hành động do một chủ thể khác gây ra. Ví dụ: Trong ví dụ đã dẫn ở trên, nếu ta muốn thể hiện chủ ngữ ngữ pháp (Nam) là đối tượng chịu sự tác động của hành động do chủ thể (teacher) gây ra thì ta có thể biến đổi động từ ‘call’ sang dạng bị động và khi ấy ta có câu sau: “Nam was called by the teacher” (Nam đã được thầy giáo gọi).

Ngoài hai ‘dạng’ trên, người ta còn nói tới dạng phản thân của động từ. Dạng phản thân được sử dụng trong những tình huống, khi chủ thể gây ra hành động đồng thời cũng là chủ thể chịu sự tác động của chính hành động đó. Chẳng hạn, trong tiếng Nga, các động từ như ‘mưt’xia’ (rửa), ‘otdavat’xia’ (hiến mình), ‘otdaliat’xia’ (rời xa) là dạng phản thân của các động từ ‘mưt’’, ‘otdavat’’, ‘otdaliat’’.

Trong các ngôn ngữ không biến hình, ý nghĩa dạng thường được thể hiện bằng các từ công cụ (thường được gọi là hư từ). Như trong tiếng Việt chẳng hạn, dạng bị động thường được thể hiện bằng hai từ là ‘bị’; và ‘được’, kèm theo sự đánh giá tiêu cực hoặc tích cực đối với sự việc đang được đề cập tới, so sánh:

Cảnh sát bắt nó/Nó bị cảnh sát bắt.
Họ tặng hoa cho cô ấy/Cô ấy được họ tặng hoa.

_________________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa ngữ pháp của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 21, 2010

3.2.4. Phạm trù ngôi

Trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, ta thường phân biệt 3 ‘ngôi’ hay ‘vai giao tiếp’:

Ngôi thứ nhất: người nói
Ngôi thứ hai: người nghe
Ngôi thứ ba: đối tượng được đề cập tới

Một trong ba ngôi đó có thể là chủ thể của hành động, hoạt động hay trạng thái được biểu thị bằng những động từ tương ứng. Để thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể của hành động và hành động, các ngôn ngữ có thể kết hợp đại từ nhân xưng với động từ theo một trật tự nhất định (ví dụ trong tiếng Việt: “Anh ấy học tiếng Anh”), hoặc sự biến đổi dạng thức của động từ. Ví dụ trong tiếng Nga: động từ ‘idti’ (đi) được biến đổi tương ứng theo các ngôi sau:

(Ja) idu (tôi đi) (mư) id’iom
(tư) id’ios’ (anh đi) (vư) id’iot’e
(on) id’iot (nó đi) (oni) idut

Sự biến đổi dạng thức của động từ theo ngôi của chủ thể hành động hay hoạt động chính là ý nghĩa ngôi và sự khái quát hoá ý nghĩa ngôi đó gọi là phạm trù ngôi. Như vậy, phạm trù ngôi là phạm trù dùng để thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể hành động và hành động: chủ thể ở ngôi nào thì động từ biểu thị hành động cũng được biến đổi theo ngôi đó. Tuy nhiên cấu trúc của phạm trù ngôi trong các ngôn ngữ có thể rất khác nhau. Ở một số ngôn ngữ, như tiếng Nga hay tiếng Ba Lan, khi biểu thị hành động hay hoạt động đang diễn ra ở thời điểm nói năng, người ta phân biệt ít nhất 6 dạng thức khác nhau (tương ứng với 3 ngôi và 2 số) của động từ. Trong khi đó thì ở một số ngôn ngữ khác, số lượng các dạng thức của động từ có thể ít hơn, ví dụ: Trong tiếng Anh, động từ ‘read’ (đọc) chỉ có 2 dạng thức ngôi khác nhau: ‘read’ (chung cho các ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba số nhiều và ‘reads’ (dùng cho ngôi thứ ba số ít). Trong tiếng Pháp, động từ ‘parler’ (nói) xét về mặt chữ viết thì có 5 dạng thức khác nhau, nhưng xét về mặt âm thanh thì chỉ phân biệt được 3 dạng thức mà thôi, so sánh:
je parle nous parlons
tu parles vous parlez
il parle ils parlent

Như vậy, một số dạng thức của động từ thể hiện không phải chỉ một ngôi mà có thể hai hay nhiều ngôi khác nhau. Hiện tượng này có thể còn có một lý do khác: chuyển ngôi để biểu thị thái độ, tình cảm của người nói. Chẳng hạn trong tiếng Nga, dạng thức ngôi thứ hai số nhiều của động từ có thể được dùng để thể hiện ngôi thứ hai số ít, khi người ta muốn bầy tỏ sự tôn trọng đối với người nghe; hay ở một số ngôn ngữ khác, dạng thức ngôi thứ ba của động từ có thể được dùng thay cho ngôi thứ hai (ví dụ trong tiếng Ba Lan, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp), với mục đích biểu thị sự kính trọng hoặc quan hệ xã hội giữa người nói và người nghe.

3.2.5. Phạm trù thời

Thông thường, các sự kiện đều diễn ra trên dòng thời gian. Để định vị các sự kiện trên dòng thời gian ấy, các ngôn ngữ thường lấy một thời điểm nào đó làm chuẩn và các sự kiện được xác định trên cơ sở của thời điểm chuẩn đó. Ta gọi đó là thời của hành động, hoạt động hay trạng thái. Nói chung, các ngôn ngữ thường lấy thời điểm nói làm chuẩn và do đó, thường phân biệt ba thời cơ bản. Đó là:

Thời hiện tại, dùng để biểu thị những sự kiện diễn ra cùng với thời điểm nói;
Thời quá khứ, dùng để biểu thị những sự kiện diễn ra trước thời điểm nói;
Thời tương lai, dùng để biểu thị những sự kiện diễn ra sau thời điểm nói.

Sự phân biệt thời như vậy gọi là thời tuyệt đối. Để biểu thị các thời tuyệt đối, các ngôn ngữ có thể sử dụng những phương thức khác nhau. Trong tiếng Việt, ta thường dùng từ “đang” để biểu thị thời hiện tại, từ “đã” để biểu thị thời quá khứ và từ “sẽ” để biểu thị thời tương lai. Song trong nhiều ngôn ngữ, người ta lại thể hiện các mối quan hệ này bằng cách biến đổi dạng thức của động từ: động từ biểu thị hành động, hoạt động hay trạng thái diễn ra ở thời điểm nào thì nó sẽ được biến đổi theo những hệ biến thái đặc trưng cho thời đó. Ví dụ: Động từ ‘pixat’ (viết) trong tiếng Nga được biến đổi qua các thời tuyệt đối như sau:

thời hiện tại thời quá khứ thời tương lai

ja pisu ja pixal ja budu pixat’
tư pises’ tư pixal tư bud’es’ pixat’
on piset on pixal on bud’et pixat’, v.v…

Sự biến đổi dạng thức của động từ để thể hiện mối quan hệ giữa thời gian xảy ra hành động và thời điểm nói như trên được gọi là ý nghĩa thời hoặc phạm trù thời. Như vậy, phạm trù thời là phạm trù ngữ pháp của động từ. Do đó, trong những ngôn ngữ như tiếng Việt, động từ không biến đổi dạng thức để thể hiện ý nghĩa thời cho nên không có phạm trù thời theo đúng nghĩa của nó.

Trong thực tế, ngoài thời tuyệt đối, các ngôn ngữ còn phân biệt các thời tương đối. Thời tương đối được xác định không phải trên cơ sở của mối quan hệ giữa thời gian của sự kiện đang được đề cập tới trong phát ngôn và thời điểm nói mà là trên cơ sở mối quan hệ với một thời tuyệt đối nào đấy đang được sử dụng trong phát ngôn (tức là thời hiện tại, thời quá khứ hoặc thời tương lai). Khi ấy, thời hiện tại biểu thị hành động hay hoạt động diễn ra đồng thời với một hành động hay hoạt động khác, thời quá khứ biểu thị hành động hay hoạt động diễn ra trước một hành động khác, còn thời tương lai thì biểu thị hành động hay hoạt động diễn ra sau một hành động hay hoạt động khác. Chẳng hạn, trong câu tiếng Anh: “He said he would come” thì ‘would come’ là thời tương lai tương đối vì nó biểu thị hành động xảy ra sau hành động ‘said’ (đã nói), tức là thể hiện mối quan hệ giữa hai hành động trong phát ngôn, chứ không phải là mối quan hệ giữa thời gian xảy ra hành động và thời điểm nói. Sự phân biệt các thời tương đối bằng những dạng thức khác nhau của động từ làm cho số lượng các thời trong các ngôn ngữ không giống nhau. Chẳng hạn các thứ tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Anh có nhiều thời hơn so với những thứ tiếng như Nga, Séc hay Ba Lan. Ngược lại, cũng có những ngôn ngữ lại không khai thác hết khả năng lý thuyết của phạm trù thời, và chỉ phân biệt hai thời mà thôi (ví dụ: tiếng Gốt hay tiếng Ả Rập).

(còn nữa)
________________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa ngữ pháp của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 13, 2010

3. Ý nghĩa ngữ pháp và phạm trù ngữ pháp

3.1. khái niệm

Ý nghĩa ngữ pháp là ý nghĩa chung cho nhiều từ và do đó ta có thể khái quát hoá các loại ý nghĩa ngữ pháp thành các phạm trù và gọi là phạm trù ngữ pháp. Tuy nhiên, không phải ở tất cả các ngôn ngữ, các loại ý nghĩa ngữ pháp nêu trên đều có thể được khái quát hoá thành phạm trù ngữ pháp, nghĩa là không phải trong tất cả các ngôn ngữ đều có đầy đủ các phạm trù ngữ pháp hoặc có các phạm trù ngữ pháp giống nhau. Thông thường, ta có thể khẳng định sự tồn tại của một phạm trù ngữ pháp trong một ngôn ngữ nào đó trên cơ sở của 3 thông số: 1/ Loại ý nghĩa ngữ pháp đó phải bao gồm ít nhất hai ý nghĩa ngữ pháp bộ phận đối lập nhau, ví dụ như sự đối lập giữa số ít và số nhiều trong phạm trù số; 2/ Loại ý nghĩa ngữ pháp đó phải được biểu thị bằng những hình vị ngữ pháp chung cho một loạt từ có cùng ý nghĩa ngữ pháp, ví dụ như vĩ tố [-a] trong các danh từ giống cái tiếng Nga chẳng hạn; 3/ Ý nghĩa ngữ pháp đó phải có giá trị trong việc kết hợp từ, tức là có ảnh hưởng tới và/hoặc chịu ảnh hưởng của những từ khác trên dòng lời nói, xét về mặt biến đổi hình thái, ví dụ: trong tiếng Nga, giống của một danh từ có ảnh hưởng tới sự lựa chọn các dạng thức của những từ được kết hợp với nó, như tính từ hoặc động từ chẳng hạn [so sánh: ‘kraxivưi dom’ (ngôi nhà đẹp)/’kraxivaja d’evuska’ (cô gái đẹp)]. Tuy nhiên, tiêu chí thứ ba thường không được nhắc đến nhiều trong các công trình nghiên cứu ngữ pháp gần đây, vì rằng ở các ngôn ngữ không biến hình, không có ý nghĩa ngữ pháp nào có ảnh hưởng thực sự đến việc kết hợp từ, do đó nếu áp dụng tiêu chí này thì hầu như xác định được ý nghĩa ngữ pháp trong những ngôn ngữ đó. Chính vì lí do này nên có một số nhà ngôn ngữ học cho rằng trong các ngôn ngữ đơn lập không có các phạm trù ngữ pháp theo đúng nghĩa. Đây là vấn đề còn đang tranh cãi và cần phải được nghiên cứu sâu thêm.

Cũng cần phải nói thêm rằng, một hình vị ngữ pháp có thể biểu thị nhiều ngữ pháp khác nhau, ví dụ: hình vị [-a] nêu trên trong tiếng Nga cùng một lúc có thể biểu thị bốn ý nghĩa ngữ pháp: ý nghĩa từ loại (danh từ), ý nghĩa giống (giống cái), ý nghĩa số (số ít) và ý nghĩa cách (chủ cách hay nguyên cách), song hình vị [-s] của từ ‘books’ trong tiếng Anh lại chỉ thể hiện hai ý nghĩa ngữ pháp: ý nghĩa ‘danh từ’ và ý nghĩa ‘số nhiều’.

Như vậy, phạm trù ngữ pháp là sự khái quát hoá của một loại ý nghĩa ngữ pháp bao gồm ít nhất hai yếu tố đối lập nhau, được thể hiện ra bằng những dấu hiệu hình thức mà nhờ đó ta có thể nhận biết được ý nghĩa ngữ pháp, và có giá trị đối với việc kết hợp từ. Có thể hiểu ý nghĩa ngữ pháp là cái cụ thể mà ta tìm ra được nhờ việc đối lập các từ hoặc các dạng thức khác nhau của cùng một từ cụ thể, còn phạm trù ngữ pháp là cái chung, được khái quát hoá lên từ nhiều ý nghĩa ngữ pháp cụ thể giống nhau của các từ. Bởi vậy, nói chung, trong một ngôn ngữ có bao nhiêu loại ý nghĩa ngữ pháp thì ta có thể khái quát hoá được bấy nhiêu phạm trù ngữ pháp.

3.2. Các phạm trù ngữ pháp chủ yếu

Thông thường, khi nói đến các phạm trù ngữ pháp, người ta thường nghĩ trước hết đến những phạm trù sau đây:

3.2.1. Phạm trù giống

Sự khái quát hoá ý nghĩa giống của các từ cho ta phạm trù giống. Tuy nhiên, khi nói đến phạm trù giống, ta phải hiểu đây là giống ngữ pháp chứ không phải, hoặc không nhất thiết phải là giống tự nhiên của sự vật/ hiện tượng. Việc phân biệt giống của một số sự vật theo giới tính tự nhiên là hiện tượng mang tính phổ quát, nghĩa là trong tất cả các ngôn ngữ đều có thể có sự phân biệt đó. Song, không phải trong bất cứ ngôn ngữ nào sự phân biệt này cũng có ảnh hưởng đến việc kết hợp từ. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, mặc dù ta có thể tìm thấy một số từ biểu thị giống đực và giống cái của động vật hoặc người (ví dụ: gà trống/ gà mái/ đàn ông/ đàn bà) nhưng đó chỉ là sự phân biệt theo giới tính tự nhiên và sự phân biệt này không có ảnh hưởng gì đến sự kết hợp các từ; chẳng hạn, so sánh: gà trống đẹp/ gà mái đẹp. Mặt khác, do áp dụng quy tắc sử dụng ‘giống’ trong việc kết hợp từ nên ở những ngôn ngữ có phạm trù giống, người ta buộc phải quy định giống cho tất cả các danh từ. Đối với nhiều từ, sự quy định này không có cơ sở trong thực tế khách quan mà chỉ mang tính quy ước, áp đặt, do đó có thể khác nhau trong các ngôn ngữ. Chẳng hạn, xét về số lượng, tiếng Nga, tiếng Đức phân biệt ba giống: giống đực, giống cái và giống trung, song tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha lại chỉ phân biệt hai giống là giống đực và giống cái. Chính vì vậy, một từ trong trong tiếng Nga là giống trung thì dĩ nhiên từ tương đương với nó trong tiếng Pháp phải là giống đực hay giống cái. Ví dụ: trong tiếng Nga, từ ‘moloko’ (sữa) là giống trung, nhưng từ tương đương với nó trong tiếng Pháp là ‘lait; lại là giống đực, còn trong tiếng Tây Ban Nha thì từ ‘leche’ (sữa) lại là giống cái. Vả lại, ngay cả khi hai ngôn ngữ có cùng một phạm trù giống thì sự quy ước giống đó cho các từ cũng có thể không trùng nhau. Chẳng hạn, từ ‘vesna’ (mùa xuân) trong tiếng Nga được quy định là giống cái, nhưng từ tương đương với nó trong tiếng Pháp ‘le printemps’ lại là giống đực. Đó là do sự quy định ‘giống’ cho các từ trong những trường hợp này chỉ mang tính áp đặt.

Như vậy, phạm trù giống là phạm trù dùng để phân loại tên gọi của các sự vật, hiện tượng vì các mục đích kết hợp từ (hay còn gọi là mục đích cú pháp). Đương nhiên, một ngôn ngữ có phạm trù giống của danh từ thì cũng có thể có phạm trù giống của tính từ, động từ, đại từ hoặc số từ, tức là những từ chịu sự chi phối của danh từ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả những từ loại nêu trên đều phải có phạm trù giống. Chẳng hạn, tiếng Nga có phạm trù giống của danh từ, tính từ, động từ, đại từ, số từ, nhưng tiếng Pháp lại chỉ có phạm trù giống của danh từ, tính từ, số từ và đại từ mà không có phạm trù giống của động từ.

3.2.2. Phạm trù số

Sự khái quát hoá ý nghĩa số của các từ cho ta phạm trù số. Cũng giống như ở phạm trù giống, khi nói đến phạm trù số, ta phải hiểu đây là phạm trù dùng để phân biệt số lượng khác nhau của sự vật hay hiện tượng nhằm các mục đích kết hợp từ. Trong thực tế khách quan, các sự vật hay hiện tượng có thể tồn tại đơn lẻ hoặc ở trong một tập hợp gồm nhiều sự vật, hiện tượng cùng loại. Để biểu thị tính chất đơn lẻ hay tính chất tập hợp đó, các ngôn ngữ có thể sử dụng những phương tiện khác nhau. Chẳng hạn, tiếng Việt dùng các từ như ‘những’, ‘các’, ‘mọi’ để biểu thị tính chất tập hợp, còn ‘một’, ‘mỗi’, ‘từng’ để biểu thị tính chất đơn lẻ, trong khi đó thì ở tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp hay tiếng Đức, người ta dùng sự biến đổi hình thái của từ, ví dụ như thêm hình vị vào sau danh từ (chẳng hạn, trong tiếng Anh, người ta thường thêm hình vị [-s ]vào sau phần lớn các danh từ) và/hoặc biến đổi hình vị theo hệ biến thái đặc trưng cho một loại từ nhất định (ví dụ như biến đổi [-a[ thành [-i], hay [-o] thành [-a] trong các danh từ tiếng Nga chẳng hạn). Tuy nhiên, sự khác nhau cơ bản giữa tiếng Việt và các thứ tiếng nêu trên là ở chỗ: Tính chất đơn lẻ hay tính chất tập hợp của các từ trong tiếng Việt không chi phối các từ khác trên dòng lời nói. Chẳng hạn, danh từ trong tiếng Việt không có ảnh hưởng gì đến các tính từ hoặc động từ đi theo chúng, trong khi đó thì ở các ngôn ngữ kia, động từ hoặc tính từ đi theo danh từ buộc phải biến đổi hình thái cho phù hợp với đặc điểm về số lượng của các danh từ, ví dụ trong tiếng Anh:

The book is there on the table (quyển sách ở trên bàn)
The book are there on the table (các quyển sách ở trên bàn),

hoặc trong tiếng Pháp:
la maison (một cái nhà)
les maisons (những cái nhà).

Sự biểu thị tính chất đơn lẻ hoặc tính chất tập hợp của các từ bằng cách biến đổi hình thái của từ như đã trình bày ở trên chính là ý nghĩa số và phạm trù ngữ pháp được khái quát hóa từ các ý nghĩa số đó gọi là phạm trù số.

Thông thường, người ta phân biệt hai số:

1) Số ít – dùng để biểu thị những sự vật đơn lẻ;
2) Số nhiều – dùng để biểu thị những tập hợp sự vật hiện tượng gồm từ hai đơn vị trở lên. Ví dụ, trong tiếng Anh:
Số ít Số nhiều

street (đường phố) streets
city (thành phố) cities
student (sinh viên) students

Tuỳ theo từng ngôn ngữ, phạm trù số có thể là phạm trù của danh từ, động từ, tính từ, đại từ và số từ. Trong một số ngôn ngữ (như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha), phạm trù số còn được thể hiện ở quán từ (ví dụ: le/les, une/des tiếng Pháp), nhưng ngược lại, cũng có nhiều ngôn ngữ (như tiếng Việt, tiếng Khơme), ý nghĩa số không được thể hiện qua dạng thức của các từ mà được thể hiện bằng các phương tiện từ vựng (ví dụ như ‘một’, ‘những’, ‘các’ trong tiếng Việt), do đó ở những ngôn ngữ này, ý nghĩa số không phải là ý nghĩa ngữ pháp gắn liền với từ và ta không thể nói đến phạm trù số của các từ.

Ngoài số ít và số nhiều, trong một số ngôn ngữ (ví dụ như tiếng Hy Lạp hay một số thứ tiếng Xlavơ), người ta còn phân biệt số đôi. Đó là loại ý nghĩa dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng luôn ‘đi đôi’ với nhau, ví dụ như tai, mắt, tay v.v… . Đối với những danh từ này, người ta dùng một loại hình vị khác với hình vị số nhiều để biểu thị ý nghĩa số đôi. Ví dụ: Trong tiếng Ba Lan, từ ‘oko’ (con mắt) đáng lẽ có dạng thức là ‘oka’ ở số nhiều nhưng vì trong ngôn ngữ này người ta còn dùng số đôi nên dạng số nhiều của nó được thay đổi thành ‘oczy’. Tuy nhiên, ở hầu hết các ngôn ngữ hiện có sử dụng số đôi, thường thì đó chỉ là những mảnh vụn còn lại của một hệ thống số đôi phong phú trước đây.

3.2.3. Phạm trù cách

Khi kết hợp các từ với nhau, mỗi từ có một chức năng ngữ pháp riêng, được quy định bởi mối quan hệ của nó với các từ khác. Chẳng hạn, trong câu tiếng Việt: “Sinh viên đọc sách.”, thì ‘sinh viên’ giữ vai trò là chủ thể của hoạt động (do đó nó là chủ ngữ), còn ‘sách’ là đối tượng của hoạt động (do đó nó là bổ ngữ). Để thể hiện những mối quan hệ khác nhau này, tiếng Việt sử dụng trật tự của các từ, song trong nhiều ngôn ngữ (như tiếng Nga, tiếng Séc, tiếng Ba Lan), người ta lại sử dụng sự biến đổi hình thái của các từ, và do vậy, trật tự của các từ ở những ngôn ngữ này không nhất thiết phải nói lên chức năng ngữ pháp của chúng. Chẳng hạn, trong tiếng Nga, câu “xtud’ent txitajet knigu” (sinh viên đọc sách), có thể đổi thành “knigu txitajet xtud’ent” mà ý nghĩa cơ bản của nó vẫn không thay đổi. Đó là vì dạng thức của từ ‘xtudent’ (dạng từ điển) luôn luôn cho ta biết rằng nó giữ vai trò chủ thể của hoạt động (và do đó nó là chủ ngữ), cho dù nó đứng ở đầu, ở giữa hay ở cuối câu cũng vậy; tương tự, dạng thức ‘knigu’ (được biến đổi từ dạng từ điển của nó là ‘kniga’) luôn luôn cho ta biết nó là đối tượng của hoạt động (và do đó nó luôn luôn là bổ ngữ). Sự biến đổi dạng thức của từ để thể hiện các mối quan hệ khác nhau giữa các từ trên dòng lời nói như trên gọi là ‘ý nghĩa cách’, và sự khái quát hoá ‘ý nghĩa cách’ của các từ gọi là phạm trù cách.

Tuy nhiên, trong thực tế, để thể hiện các chức năng ngữ pháp khác nhau, nhiều khi người ta không chỉ sử dụng các dấu hiệu hình thái biểu thị ‘cách’ mà còn sử dụng cả trật tự từ hoặc hư từ. Đó là những trường hợp, khi trong hệ biến cách của một từ có hai hay nhiều dạng thức trùng nhau, tuy chức năng ngữ pháp của nó khác nhau. Chẳng hạn: các danh từ chỉ bất động vật, các danh từ giống trung hoặc một số danh từ giống cái ở một số ngôn ngữ có thể có dạng thức giống nhau khi được dùng trong chức năng chủ ngữ và bổ ngữ. Trong tiếng Nga, dạng thức của danh từ chủ ngữ còn có thể trùng với dạng thức của danh từ vị ngữ. Trong những trường hợp này, vị trí của các từ và/hoặc sự có mặt của các hư từ cũng như ngữ cảnh của từ trở thành yếu tố quan trọng trong việc xác định chức năng ngữ pháp cụ thể của chúng. Chẳng hạn, hãy so sánh: “Mat’ liubit’ dotx’ (Mẹ yêu con gái) và “Dotx’ liubit’ mat’” (Con gái yêu mẹ) trong tiếng Nga.

Trong một ngôn ngữ, dạng thức trùng nhau trong hệ biến cách của danh từ càng nhiều thì vị trí của từ cũng như sự có mặt của các hư từ càng trở nên quan trọng và khó thay đổi. Chính vì vậy, ở những ngôn ngữ có phạm trù cách phong phú (tức là có nhiều ý nghĩa cách bộ phận), như các ngôn ngữ Xlavơ chẳng hạn, vai trò của vị trí từ cũng như của các hư từ khá mờ nhạt. Ngược lại, những ngôn ngữ có phạm trù cách nghèo nàn hoặc không có phạm trù cách, như tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Hán, thì vai trò của vị trí từ cũng như của hư từ trở nên rất quan trọng.

Cũng giống như ở các phạm trù ngữ pháp khác của danh từ, cấu trúc phạm trù cách trong các ngôn ngữ không giống nhau: danh từ tiếng Anh có hai cách, tiếng Đức có 4 cách, tiếng Latinh có 5 cách, tiếng Nga có 6 cách, tiếng Séc và tiếng Ba Lan có 7 cách, còn tiếng Hungari có tới 24 cách.

(còn nữa)
______________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa ngữ pháp của từ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 23, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Cấu tạo hình thái của từ và ý nghĩa ngữ pháp

Như chúng ta đã biết, từ không chỉ có ý nghĩa từ vựng mà còn có cả ý nghĩa ngữ pháp. Khác với ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp không phải là ý nghĩa riêng cho từng từ mà bao trùm lên một loạt từ (hoặc câu), bởi vì ý nghĩa ngữ pháp chính là một cách thức phân loại các sự vật, hiện tượng hay khái niệm vì những mục đích riêng của ngôn ngữ: kết hợp các từ với nhau thành các đơn vị thông báo. Do đó, ý nghĩa ngữ pháp là loại ý nghĩa liên quan trước hết đến nội bộ hệ thống ngôn ngữ. Chẳng hạn, ý nghĩa: ‘gà là một danh từ’ tuy có liên quan đến hiện thực khách quan theo một cách thức nào đấy (ví dụ: vì nó là sự vật nên mới có thể là danh từ), song cái ý nghĩa ‘danh từ’ của từ ‘gà’ lại phục vụ trước hết cho việc kết hợp nó với những từ khác. Chẳng hạn, vì ‘gà’ là danh từ nên nó có thể là chủ ngữ hay vị ngữ danh từ trong câu, nhưng không thể đảm đương chức năng của vị ngữ động từ, ví dụ:

Gà là một loại gia cầm.
Đó là một con gà.

Việc xác định ý nghĩa ngữ pháp của từ trong các ngôn ngữ có thể không giống nhau. Trong các thứ tiếng không biến hình, như tiếng Việt chẳng hạn, việc xác định ý nghĩa ngữ pháp thường phải dựa vào những đơn vị lớn hơn từ, tức là dựa vào khả năng kết hợp của từ với những từ khác. Ví dụ, từ ‘bàn’ trong tiếng Việt có thể là danh từ nếu nó nằm trong kết cấu ‘cái bàn’, song cũng có thể là động từ, nếu nó nằm trong ‘sẽ bàn’. Trong khi đó thì ở các ngôn ngữ biến hình, việc xác định ý nghĩa ngữ pháp của từ có vẻ dễ dàng hơn nhiều, vì người ta chỉ cần căn cứ vào cấu tạo của bản thân một từ nào đó mà thôi. Ví dụ: Trong tiếng Nga, xét một từ như ‘kraxivưi’ (đẹp) chẳng hạn, ta có thể khẳng định ngay rằng nó là một tính từ giống đực và là tính từ ở số ít… Sở dĩ ta có thể làm được điều đó là vì trong cấu tạo của từ này, có một dấu hiệu hình thức biểu thị những ý nghĩa ngữ pháp của từ: đó chính là biến tố [-ưi].

Những từ có chứa đựng dấu hiệu hình thức biểu thị các loại ý nghĩa ngữ pháp như vậy gọi là từ có cấu tạo hình thái. Đương nhiên, không phải tất cả các từ trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có cấu tạo hình thái. Chẳng hạn, các từ trong tiếng Việt không có cấu tạo hình thái, nhưng phần lớn các từ của các thứ tiếng biến hình, như Nga, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, đều có cấu tạo hình thái. Tuy nhiên, hệ thống cấu tạo hình thái của các từ trong các ngôn ngữ biến hình cũng không giống nhau. Có những ngôn ngữ hệ thống cấu tạo hình thái của từ rất phong phú (ví dụ như các ngôn ngữ Xlavơ), nhưng cũng có những ngôn ngữ, trong đó hệ thống cấu tạo hình thái lại khá nghèo nàn. Ví dụ như trong tiếng Anh, với một dạng thức từ như ‘love’, chúng ta khó có thể nói ngay là nó có ý nghĩa ngữ pháp gì, vì dạng thức này có thể là động từ, danh từ, hoặc tính từ, tuỳ thuộc vào sự kết hợp của nó với các từ khác. Tuy nhiên, dạng thức ‘loved’ của nó lại có thể cho ta biết ngay đây là thời quá khứ của động từ, hoặc đây là một tính động từ.

Như vậy, ngoài việc phân tích cấu tạo của từ để tìm hiểu các phương thức tạo từ mới trong các ngôn ngữ, ta còn có thể phân tích cấu tạo từ để tìm ra các dấu hiệu hình thức biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp. Việc phân tích từ như vậy gọi là phân tích cấu tạo hình thái của từ. Nhờ kết quả phân tích cấu tạo hình thái của từ, ta có thể biết được trong một ngôn ngữ cụ thể, các loại ý nghĩa ngữ pháp được thể hịên như thế nào. Thông thường, để nhận biết các dấu hiệu hình thức biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp của từ, người ta có thể đối lập các từ với nhau hoặc đối lập các dạng thức khác nhau của cùng một từ. Chẳng hạn, trong tiếng Nga, đối lập các từ ‘ozero’ (cái hồ) với ‘reka’ (sông), ta nhận biết được [-o] là dấu hiệu hình thức biểu thị “giống trung” của từ ‘ozero’, còn [-a] là dấu hiệu hình thức biểu thị giống cái của từ ‘reka’; song đối lập dạng thức ‘reka’ với dạng thức ‘reki’ (các dạng thức khác nhau của cùng một từ), ta nhận biết được [-a] là dấu hiệu hình thức biểu thị số ít, còn [-i] là dấu hiệu hình thức biểu thị số nhiều của từ ‘reka’. Những dấu hiệu hình thức dùng để biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp gọi là ‘hình vị ngữ pháp’.

2. Các loại ý nghĩa ngữ pháp

Cũng giống như ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp là một phạm trù ý nghĩa, trong đó bao gồm một số thành phần ý nghĩa cụ thể hơn. Tuy nhiên, khác với trường hợp ý nghĩa từ vựng, vốn là phạm trù ý nghĩa bao gồm các thành phần ý nghĩa bộ phận giống nhau trong các ngôn ngữ (ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa ngữ dụng), trong phạm trù ý nghĩa ngữ pháp, số lượng các thành phần ý nghĩa bộ phận có thể rất khác nhau giữa các ngôn ngữ: có ngôn ngữ, hệ thống ý nghĩa ngữ pháp của từ rất nghèo nàn, như tiếng Việt chẳng hạn, nhưng có những ngôn ngữ, hệ thống ý nghĩa ngữ pháp lại rất phong phú, ví dụ như tiếng Nga. Số lượng ý nghĩa ngữ pháp nhiều hay ít phụ thuộc vào từng ngôn ngữ hoặc từng loại hình ngôn ngữ.

Kết quả phân tích cấu tạo hình thái của các từ và/hoặc khả năng kết hợp của các từ trong một ngôn ngữ sẽ cho ta biết tổng số ý nghĩa ngữ pháp của ngôn ngữ đó.

Tổng hợp tất cả các loại ý nghĩa ngữ pháp trong các ngôn ngữ cho phép ta phân biệt những loại ý nghĩa ngữ pháp sau đây:

2.1 Ý nghĩa từ pháp hay ý nghĩa hình thái

Đó là ý nghĩa được phản ánh qua kiểu cấu tạo hình thái của từ và hệ biến đổi hình thái (gọi tắt là hệ biến thái) của nó, nếu có. Chẳng hạn, từ ‘reader’ (độc giả) trong tiếng Anh chỉ cho ta biết những thông tin ngữ pháp sau:

– Nó là một danh từ,
– Nó là một danh từ số ít,

Song, một danh từ tiếng Nga còn có thể cho ta biết về hệ biến đổi hình thái của nó. Ví dụ: Từ ‘xtudentka’ (nữ sinh viên) với vĩ tố [-a] cho ta biết các ý nghĩa ngữ pháp sau:

– Nó là một danh từ giống cái,
– Nó là một danh từ số ít,
– Nó là một danh từ ở nguyên cách (chủ cách),

và danh từ này sẽ biến đổi theo hệ biến đổi hình thái đặc trưng cho những danh từ giống cái có vĩ tố [-a] (ví dụ, ở sở hữu cách số ít: [-i]; ở tặng cách số ít:[-e]; ở đối cách số ít: [-u], v.v…).

2.2 Ý nghĩa chức năng hay ý nghĩa quan hệ

Đó là ý nghĩa phản ánh chức năng ngữ pháp mà từ đảm nhiệm trong cụm từ hay câu. Như vậy, đây là loại ý nghĩa mà từ có được khi nó nằm trong mối quan hệ với những từ khác trên dòng lời nói. Ví dụ: Dạng thức ‘kniga’ (quyển sách) của tiếng Nga cho ta biết rằng danh từ này đang đảm đương chức năng chủ ngữ trong câu, còn dạng ‘knigu’ thì cho biết nó đang đảm đương chức năng bổ ngữ trực tiếp của động từ, tức là đối tượng trực tiếp của hành động hay hoạt động. Trong các ngôn ngữ không biến hình, ý nghĩa chức năng chỉ có thể được nhận biết trên cơ sở vị trí của từ; chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ ‘sinh viên’ đảm đương chức năng chủ ngữ, nếu nó nằm trong kết hợp từ: « Sinh viên đang học bài. », song nó sẽ là định ngữ, nếu nằm trong câu: « Đây là bàn học của sinh viên. ». Loại ý nghĩa này có liên quan đến tính chất từ loại của từ.

2.3 Ý nghĩa từ loại

Đó là ý nghĩa vừa phản ánh cách thức chia cắt hiện thực khách quan bên ngoài ngôn ngữ vừa phản ánh khả năng đảm đương các chức năng ngữ pháp của từ trong nội bộ hệ thống ngôn ngữ. Như vậy, có thể thấy rằng nghĩa này liên quan chặt chẽ với ý nghĩa chức năng đó nói ở trên. Chẳng hạn, ý nghĩa ‘hành động’ hoặc ý nghĩa ‘tính chất’ của các từ cho chúng ta biết chúng có khả năng đảm đương những chức năng ngữ pháp nào. Trong nhiều ngôn ngữ, nếu một từ có ý nghĩa ‘phẩm chất’ (và do đó là một tính từ) thì nó không thể kết hợp với một động từ trong chức năng trạng ngữ hoặc bổ ngữ (ví dụ, trong tiếng Nga: không thể nói “govorit’ khorosi” vì ‘govorit’’ là động từ và ‘khorosi’ là một tính từ) mà chỉ có thể kết hợp với các danh từ trong chức năng định ngữ hoặc vị ngữ mà thôi. Tuy nhiên, điều đó sẽ không đúng với thực tiễn tiếng Việt, vì trong ngôn ngữ này, các tính từ có thể kết hợp với động từ trong chức năng trạng ngữ. Ví dụ, so sánh:

Con công xòe rộng cái đuôi.
Khúc sông chỗ này rất rộng.

Ý nghĩa từ loại của từ có thể được biểu thị bằng các hình vị ngữ pháp (ví dụ: [-er] trong tiếng Pháp hay [-at’] trong tiếng Nga biểu thị ý nghĩa ‘động từ’), nhưng cũng có thể không được thể hiện qua hình thức của từ, và do đó chỉ có thể nhận biết được ý nghĩa này của từ bằng cách phân tích những đơn vị lớn hơn từ, như trong tiếng Việt chẳng hạn.

(còn nữa)

_______________________________________________________

Posted in Ngữ pháp học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , | Leave a Comment »

Sự biến đổi ý nghĩa của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 12, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

3. Các phương thức biến đổi ý nghĩa của từ

Phương thức biến đổi ý nghĩa của từ là cách thức bổ sung nghĩa mới cho từ không kèm theo sự biến đổi về từ ngữ âm, làm cho từ trở thành từ nhiều nghĩa.

Trong ngôn ngữ học, người ta đã tổng kết được ba phương thức chủ yếu mà các ngôn ngữ thường dùng để biến đổi ý nghĩa của từ. Đó là:

3.1. Giữ tên gọi cũ để chỉ những sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới hoặc đã thay đổi

Về nguyên tắc, khi xuất hiện một sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới, hoặc khi sự vật, hiện tượng trước đây đã thay đổi thì xã hội phải tạo ra một vỏ âm thanh mới để biểu thị nó. Song không phải bao giờ người ta cũng làm như vậy. Trong nhiều trường hợp, các ngôn ngữ vẫn lấy tên gọi cũ để biểu thị sự vật hay hiện tượng mới nhờ vào những nét tương đồng giữa cá sự vật. Chỉ khi nào cần thiết, người ta mới bổ sung thêm một yếu tố khu biệt nào đó, ví dụ như yếu tố mô tả một đặc trưng hay chức năng nào đó của sự vật. Điều đó dẫn tới kết quả là một tên gọi được dùng chung cho nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau, khiến cho việc xác định ý nghĩa thực của từ nhiều khi không thể thực hiện được, nếu không có ngữ cảnh của từ. Ví dụ: Nếu không theo dõi từ đầu quá trình giao tiếp, người nghe có thể không hiểu được ý nghĩa thực của từ ‘xe’ trong câu “Chị đã mua xe chưa?”, vì rằng trong trường hợp này, ‘xe’ có thể là ‘xe máy’, ‘xe đạp’ hoặc ‘xe hơi’… Một loạt các từ như ‘bút’, ‘đàn’, ‘bánh”,… trong tiếng Việt đều nằm trong số những từ được biến đổi nghĩa theo phương thức này và nhờ đó chúng trở thành những hình vị cấu tạo từ mới theo phương thức ghép chính phụ.

Đây là phương thức phát triển ý nghĩa của từ rất phổ biến trong các ngôn ngữ. Có thể nêu một vài ví dụ: Trong tiếng Anh, từ ‘boat’ vừa có nghĩa là “thuyền” vừa có nghĩa là “tàu thuỷ” (loại nhỏ); trong tiếng Ba Lan, từ ‘pióro’ vừa có nghĩa là “cái lông” (ví dụ: ‘lông ngỗng’) vừa có nghĩa là “cái bút”; trong tiếng Pháp, từ ‘bureau’ vừa có nghĩa là “cái bàn làm việc” vừa có nghĩa là “phòng làm việc” hay “cơ quan”…

Điều đáng chú ý là trong phương thức này, thường chỉ có ý nghĩa biểu vật là thay đổi cơ bản, còn ý nghĩa biểu niệm chỉ thay đổi phần nào, trong đó nét nghĩa chính thường được bảo tồn. Thực vậy, trong từ ‘xe’ của tiếng Việt chẳng hạn, ý nghĩa biểu vật đã thay đổi rất nhiều: nó biểu thị không phải một mà nhiều loại xe khác nhau. Trong khi đó, nét nghĩa chính trong ý nghĩa biểu niệm của từ này là ‘phương tiện chuyên chở đường bộ, thường có bánh’ vẫn không thay đổi. Do đó, có thể nói rằng đây là những từ nhiều nghĩa biểu vật.

3.2. Hoán dụ

Hoán dụ là phương thức làm biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ một sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở mối quan hệ tất yếu giữa các sự vật, hiện tượng ấy.
Chúng ta hiểu quan hệ tất yếu là mối quan hệ hiển nhiên, có thể thấy được một cách trực tiếp và ai cũng thấy như nhau mà không cần phải có những thao tác tìm hiểu đặc biệt như đối chiếu hay so sánh chẳng hạn.

Thường thì các ngôn ngữ dựa vào một số loại quan hệ tất yếu để tạo ra hoán dụ. Số lượng những mối quan hệ đó có thể không giống nhau trong các ngôn ngữ. Tuy nhiên, xét trên góc độ phổ niệm, có thể nêu lên ba loại quan hệ chủ yếu sau đây:

– Quan hệ bộ phận và toàn thể, nghĩa là lấy tên gọi của bộ phận để chỉ toàn thể hoặc ngược lại. Tuy nhiên, nói chung, người ta thường lấy tên gọi của bộ phận để chỉ toàn thể mà ít khi lấy toàn thể để chỉ bộ phận. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, ‘má hồng’ thường được dùng để chỉ ‘cô gái’, hay ‘mày râu’ chỉ ‘đàn ông’, hoặc ‘tay chơi’ dùng để chỉ ‘người ăn chơi’; ‘miệng ăn’ chỉ ‘người ăn’, song ‘con ngươi’ (con người) được dùng để chỉ ‘đồng tử’; ‘nhà’ dùng để chỉ ‘chồng’ hoặc ‘vợ’; ‘mùi’ dùng để chỉ ‘mùi hôi’…

– Quan hệ giữa nguyên liệu và thành phẩm, nghĩa là lấy tên gọi của nguyên liệu để chỉ sản phẩm hay thành phẩm làm từ nguyên liệu đó. Ví dụ: ‘glass’ trong tiếng Anh có thể là “thuỷ tinh” (nguyên liệu), song cũng có thể là “cái cốc”, “cái kính”, “ống nhòm” (thành phẩm); ‘thau’ trong tiếng Việt vừa là tên gọi nguyên liệu (đồng thau) vừa là tên gọi của thành phẩm: cái chậu làm bằng đồng thau (ví dụ: ‘thau rửa mặt’).

– Quan hệ giữa vật chứa và vật được chứa, tức là lấy vật chứa để chỉ vật được chứa trong đó. Ví dụ: trong câu “Cả nhà đi nghỉ mát.” thì ‘nhà’ có nghĩa là ‘những người sống trong nhà’ đó; trong “Cả làng vào hội.” thì ‘làng’ là vật chứa tất cả những người đang sống trong đó.

Ngoài ba loại quan hệ chủ yếu trên đây, người ta còn nói tới một số quan hệ khác nữa. Song nói chung, đó chỉ là những sự cụ thể hóa các loại quan hệ đã nêu ở trên, và trong các ngôn ngữ có thể có sự khác biệt về những biểu hiện cụ thể đó. Chẳng hạn, trong tiếng Việt có cách nói lấy tên gọi của tính chất sự vật để chỉ bản thân sự vật (ví dụ: ‘chất xám’ được dùng để chỉ ‘trí thức’) mà đó chính là loại hoán dụ dựa trên quan hệ bộ phận/ toàn thể nhưng chỉ đặc trưng cho một hay một số ngôn ngữ nào đó mà thôi.

Qua các ví dụ nêu trên, ta cũng có thể nhận thấy rằng, trong trường hợp hoán dụ, cả ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của từ đều bị biến đổi.

3.3. Ẩn dụ

Ẩn dụ cũng là phương thức biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở của sự giống nhau về một khía cạnh nào đấy giữa hai sự vật hay hiện tượng ấy.

Tuy nhiên, khác với trường hợp hoán dụ, quan hệ giữa hai sự vật hay hiện tượng trong ẩn dụ không phải là mối quan hệ hiển nhiên và có thể thấy một cách trực tiếp, do đó để nhận ra mối quan hệ này, ta phải thực hiện thao tác đối chiếu, so sánh ngầm các sự vật/ hiện tượng với nhau. Chính vì đây không phải là mối quan hệ có thể thấy được một cách trực tiếp, nên nhiều khi, sự liên tưởng ở mọi người không giống nhau, dẫn đến việc tiếp thu ý nghĩa của cùng một đơn vị ngôn ngữ theo những cách khác nhau. Đây chính là lí do vì sao ẩn dụ rất được ưa dùng để tạo ra những hiệu quả giao tiếp đặc biệt trong ngôn ngữ văn học.

Khi nói đến ẩn dụ với tư cách là phương thức biến đổi ý nghĩa của từ, người ta thường nghĩ đến những loại ẩn dụ nào có tính bền vững tương đối, nghĩa là đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Đó là những ẩn dụ trong giao tiếp thông thường, chứ không phải là ẩn dụ trong giao tiếp nghệ thuật.

Để tạo ra ẩn dụ, người ta cũng thường dựa trên một số mối quan hệ giữa các sự vật hay hiện tượng. Thường thì người ta tạo ra ẩn dụ trên cơ sở của ba loại quan hệ chủ yếu sau đây:

– Quan hệ giữa nghĩa cụ thể và nghĩa trừu tượng, nghĩa là lấy từ vốn trước đây chỉ dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động hay đặc trưng, tính chất cụ thể để chỉ một khái niệm trừu tượng. Ví dụ: Các từ ‘chín’ trong “chuối chín” và “nghĩ chín” của tiếng Việt, ‘vưxoki’ (cao) trong ‘‘vưxoki gost’’ (‘khách quý’) của tiếng Nga, hay ‘soft’ (‘nhẹ, dẻo, mềm’) trong ‘‘soft winter’’ (‘mùa đông ôn hoà, dễ chịu’) của tiếng Anh, là những ẩn dụ loại này.

– Quan hệ giữa người và vật: lấy tên gọi của bộ phận cơ thể, hành vi, tính chất hay đồ dùng của người để biểu thị các bộ phận, tính chất hay hành động của vật. Ví dụ: ‘mũi’ trong “mũi dao”, “mũi thuyền”; ‘quất’ trong “mưa quất”, ‘mũ’ trong “mũ đinh” của tiếng Việt.

– Quan hệ giữa vật và người, tức là lấy tên gọi của vật, hoặc bộ phận, hành vi, tính chất của vật để chỉ người hay bộ phận, hành vi, tính chất của người. Ví dụ: Trong tiếng Việt, ‘cò mồi’ được dùng để chỉ ‘người làm trung gian để kiếm lời’, ‘cò hương’ được dùng để chỉ ‘người cao hay gầy’, ‘lá’ của cây được dùng để chỉ ‘lá phổi’ của người, ‘quả’ được dùng để chỉ ‘quả tim’ của người, và người cũng có thể ‘hót’ hay; trong tiếng Anh, ‘fish’ là “cá” nhưng cũng có thể là ‘người bị mồi chài’; trong tiếng Nga, ‘mesok’ là “cái bao tải” nhưng cũng có thể là ‘người vụng về’.

Qua các ví dụ trên, ta có thể thấy rằng trong phép biến đổi ý nghĩa từ bằng ẩn dụ, ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của từ đều bị thay đổi, song giữa các ý nghĩa khác nhau của từ vẫn có một hoặc một vài nét nghĩa chung (ví dụ: hình dáng, chức năng, cách thức) – đó là nét nghĩa chi phối của từ.

Tất cả các phương thức biến đổi ý nghĩa của từ trên đây đều là những phương thức làm cho ý nghĩa của từ được mở rộng để biểu thị được nhiều sự vật, hiện tượng hơn, tức là làm cho từ trở thành từ nhiều nghĩa. Ngoài phương hướng mở rộng ý nghĩa nêu trên, người ta còn nói tới sự biến đổi nghĩa theo hướng thu hẹp ý nghĩa của từ, làm cho từ biểu thị được ít sự vật, hiện tượng hơn. Tuy nhiên, xét về bản chất, trong ngôn ngữ không có hiện tượng thu hẹp nghĩa mà chỉ có hiện tượng mở rộng nghĩa, bởi vì cái gọi là hiện tượng thu hẹp nghĩa thực chất cũng là phương thức mở rộng ý nghĩa của từ theo hướng bổ sung một hay một vài ý nghĩa/ nét nghĩa cụ thể nào đó cho từ.
Thực vậy, từ ‘nước’ trong tiếng Việt chẳng hạn, trước đây nó vốn được dùng để chỉ ‘chất lỏng’ nói chung, rồi sau đó được bổ sung thêm ý nghĩa “chất lỏng không màu, không mùi, không vị”. ý nghĩa này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực khoa học. Đó chính là sự thu hẹp nghĩa. Như vậy, sự thu hẹp nghĩa của từ ‘nước’ để nó có thể làm một thuật ngữ khoa học đã làm cho nó có thêm một nghĩa mới (nghĩa thuật ngữ), bên cạnh nghĩa thường dùng trong giao tiếp hàng ngày. Nhưng đó lại chính là sự mở rộng nghĩa của từ. Vả lại, suy cho cùng thì sự biến đổi ý nghĩa của từ chính là sự thay đổi trong cấu trúc ý nghĩa biểu niệm của từ theo hướng thay thế hoặc bổ sung các nét nghĩa: các nét nghĩa khái quát của từ được thay thế/bổ sung bằng những nét nghĩa cụ thể hơn, hoặc ngược lại: các nét nghĩa cụ thể được thay thế/ bổ sung bằng những nét khái quát hơn (so sánh: ‘chất lỏng’ và ‘chất lỏng, không màu, không mùi, không vị’). Cả hai đường hướng đó rốt cuộc đều dẫn đến kết quả là làm cho từ biểu đạt được nhiều sự vật, hiện tượng hay khái niệm hơn.

________________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa từ vựng học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , | 1 Comment »

Sự biến đổi ý nghĩa của từ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Bảy 5, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Biến đổi ý nghĩa của từ là gì?

Trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ của xã hội, thường xuyên xuất hiện những nhu cầu về từ và cách diễn đạt để biểu thị những sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới, cũng như để tạo ra những hiệu quả giao tiếp mới. Song, nếu chỉ đáp ứng các nhu cầu đó bằng cách tạo ra ngày càng nhiều từ mới thì đến một lúc nào đó, hệ thống ngôn ngữ sẽ bao gồm một số lượng rất lớn các đơn vị từ vựng. Điều đó có thể làm cản trở quá trình giao tiếp, do người ta phải ghi nhớ quá nhiều đơn vị. Mặt khác, trong quá trình phát triển của xã hội, một số sự vật hiện tượng hay khái niệm bị mất đi hoặc thay đổi đi. Do đó, những đơn vị từ vựng biểu thị chúng có thể bị loại bỏ. Để khắc phục tình trạng này, ngôn ngữ một mặt cho phép sử dụng khả năng kết hợp những yếu tố hữu hạn trong hệ thống với nhau để diễn đạt cái vô hạn trong lời nói và tạo ra một số lượng nhất định các yếu tố mới, song mặt khác, cũng cho phép sử dụng những đơn vị từ vựng có sẵn nhưng thay đổi nghĩa cũ đi hoặc bổ sung thêm nghĩa mới. Khả năng thứ hai này dẫn đến sự biến đổi ý nghĩa của từ. Sự biến đổi ý nghĩa của từ là một trong những hình thức hoạt động cơ bản của hệ thống từ vựng để đáp ứng nhu cầu về các phương tiện biểu đạt. Do sự biến đổi ý nghĩa của từ mà trong các ngôn ngữ, một số từ trở thành từ nhiều nghĩa (hoặc cũng được gọi là từ đa nghĩa).

Sự biến đổi ý nghĩa của từ thực chất là lấy một từ để biểu đạt một số loại sự vật có quan hệ gần gũi với nhau về một phương diện nào đấy, cho nên giữa các nghĩa của từ nhiều nghĩa vẫn có những mối liên quan nhất định. Sự khác nhau giữa các nghĩa của từ nhiều nghĩa không phải là sự khác nhau hoàn toàn: sự biến đổi ý nghĩa ở đây thường đi theo xu hướng làm thay đổi một thành phần ý nghĩa nào đấy của từ. Do đó, nói đến hiện tượng nhiều nghĩa, ta có thể phân biệt các trường hợp:

Nhiều nghĩa do sự biến đổi về ý nghĩa biểu vật. Đây là trường hợp thay đổi mối quan hệ giữa từ ngữ âm với sự vật hay hiện tượng (gọi là cái biểu vật). Chẳng hạn, từ ‘mũ’ trong tiếng Việt có thể có hai ý nghĩa biểu vật (ví dụ: ‘mũ đội đầu’ và ‘mũ van’), nhưng thực ra ý nghĩa biểu niệm chỉ là một (cái dùng để chụp lên đầu người hay vật).

Nhiều nghĩa do sự biến đổi ý nghĩa biểu niệm. Đó là trường hợp làm thay đổi mối quan hệ giữa vỏ âm thanh của từ với nội dung khái niệm mà từ biểu thị (cái biểu niệm). Ví dụ: Trong từ ‘che’ của tiếng Việt, ta có thể phân biệt hai ý nghĩa biểu niệm khác nhau: 1) Dùng một vật để phủ hoặc bịt nhằm ngăn không cho nhìn thấy một vật khác, ví dụ như ‘che miệng’, ‘che mắt’; 2) Dùng một vật phủ hoặc bịt nhằm ngăn cản tác động từ bên ngoài đối với một vật khác, ví dụ như ‘che nắng’, ‘che mưa’. Trong cả hai trường hợp này, thành phần ý nghĩa biểu vật có thể chỉ là một.

Nhiều nghĩa do sự biến đổi ý nghĩa ngữ dụng. Đó là khi có sự thay đổi về sắc thái biểu cảm của từ. Thường thì sự thay đổi này đi theo hai hướng: 1) Bổ sung sắc thái biểu cảm cho một từ vốn có nghĩa trung hoà về mặt biểu cảm, chẳng hạn như từ ‘tếch’ của tiếng Việt được bổ sung thêm ý phê phán (ví dụ: “Thế là hắn tếch thẳng”); 2) Thay đổi giá trị biểu cảm của từ (xấu đi hay tốt lên), ví dụ như từ ‘tệ’ trong tiếng Việt vốn có nghĩa tiêu cực (như trong: ‘đối xứ tệ’), nhưng có thể được dùng với nghĩa tích cực (ví dụ như trong: “Con bé ấy có duyên tệ”).

– Hiện tượng từ nhiều nghĩa là hiện tượng phổ biến trong tất cả các ngôn ngữ. Trong tiếng Nga chẳng hạn, từ ‘golova’ có thể dùng để chỉ ‘cái đầu’, ‘đầu óc’ (ví dụ: ‘sv’etnaja golova’ = đầu óc sáng suốt), nhưng cũng có thể dùng để chỉ ‘người đứng đầu’ (ví dụ: ‘gorodskoj golova’ = thị trưởng) hoặc “hàng đầu” (ví dụ: ‘idti v golove’ = đi hàng đầu), v.v…, hay trong tiếng Anh: từ ‘hand’ có thể chỉ ‘bàn tay’, ‘phía’ (ví dụ: ‘on all hands’ = từ mọi phía), ‘công nhân’ (ví dụ: ‘hands wanted’ = tuyển mộ công nhân), kim đồng hồ, v.v…

– Cần phải lưu lý một điều là không nên lẫn lộn ý nghĩa của từ với cách dùng từ. Cách dùng từ là sự lựa chọn và sử dụng từ theo một nghĩa cụ thể nào đó trong lời nói. Nó mang tính chất cá nhân và nhất thời. Trong khi đó thì ý nghĩa của từ là cái nội dung chứa đựng trong từ đã được xã hội chấp nhận và có tính bền vững tương đối. Chẳng hạn, nghĩa của từ ‘cắn’ trong ‘nước cắn da’ thuộc về cách dùng từ. Tất nhiên, khi dùng một từ, người ta phải dựa vào ý nghĩa của nó và trên cơ sở ý nghĩa đó mà phát triển thêm. Có những trường hợp, cách dùng từ được xã hội chấp nhận và sau một thời gian, nó trở thành ý nghĩa chung của từ. Ví dụ: Từ ‘tồn tại’ trong tiếng Việt nguyên được dùng để biểu thị khái niệm triết học chỉ ‘giới tự nhiên vật chất, thế giới bên ngoài có một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý kiến, tư duy, cảm giác của chúng ta’. Nhưng sau đó, trong khẩu ngữ, người ta dùng nó với ý nghĩa ‘thiếu sót, nhược điểm’ hay ‘cái còn phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết’ (ví dụ: “Trong hoạt động công đoàn, còn có nhiều tồn tại”), và nghĩa này đã trở nên phổ biến, được xã hội sử dụng rộng rãi.

2. Các loại nghĩa trong từ nhiều nghĩa

– Từ có nhiều nghĩa, do đó muốn hiểu đúng ý nghĩa của từ, ta phải xem xét nó trong những tình huống hoặc ngữ cảnh cụ thể (sau đây ta sẽ gọi chung là ngữ cảnh). Ngữ cảnh, nói một cách đơn giản, là tình huống, bối cảnh ngôn ngữ, trong đó từ xuất hiện với một ý nghĩa cụ thể của nó. Thông qua ngữ cảnh, ta có thể xác định được những yếu tố hạn chế phạm vi ý nghĩa của từ, làm cho nghĩa được sử dụng nổi rõ lên. Đó là các yếu tố liên quan đến người nói, người nghe, địa điểm giao tiếp, thời gian giao tiếp, môi trường ngôn ngữ của từ, v.v… Trong một ngữ cảnh cụ thể, ta sẽ hiểu đúng ý nghĩa đang được sử dụng của từ (trừ những trường hợp người ta cố ý tạo ra cách hiểu nước đôi của từ). Ví dụ: ý nghĩa của từ ‘dầu’ trong tiếng việt chỉ có thể xác định được nhờ vào ngữ cảnh, bởi vì đó có thể là ‘dầu ăn’, ‘dầu bôi trơn’, ‘dầu đun bếp’, v.v…

– Mỗi một từ nhiều nghĩa thường có nghĩa cơ bản, hay nghĩa chính, và nghĩa mở rộng hay nghĩa phụ. Nghĩa cơ bản thường là nghĩa gốc của từ, tức là cái nội dung khái niệm nguyên thuỷ mà từ được dùng để biểu thị. Trái lại, nghĩa mở rộng thường được hiểu là nghĩa được bổ sung thêm vào từ bằng cách mở rộng nghĩa cơ bản. Thông thường, nghĩa mở rộng được hình thành do sự liên tưởng với nghĩa cơ bản theo một cách thức nào đấy (ví dụ: theo sự giống nhau về hình dáng, kích thước, màu sắc, công dụng, v.v…). Chẳng hạn, từ ‘head’ của tiếng Anh có nghĩa chính là ‘cái đầu’. Căn cứ vào hình dáng, vị trí, chức năng của “cái đầu” mà người ta đã mở rộng thêm ý nghĩa của từ này và do đó, nó còn có nghĩa là ‘bắp’ (bắp cải), ‘người đứng đầu’, ‘con’ (vật), ‘thủ trưởng’, ‘hàng đầu’, v.v… hay trong tiếng Nga, từ ‘lëgki’ có nghĩa là ‘nhẹ, thưa, mỏng manh’; dựa vào nghĩa chính này, người ta đã bổ sung thêm cho nó nhiều nghĩa phụ, chẳng hạn: ‘nhanh nhẹn’, ‘dễ dàng’, ‘nhẹ dạ’, ‘hời hợt’, v.v…

– Tuy nhiên, việc xác định nghĩa chính và nghĩa mở rộng của từ nhiều khi gặp nhiều khó khăn, vì rằng trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa chúng không thật rõ rệt. Sau một thời gian sử dụng, nghĩa mở rộng có thể dần dần trở thành một nghĩa chính khác của từ. Chẳng hạn, những ý nghĩa “trông đẹp ra”, “bán chạy”, “hút” của từ ‘ăn’ (ví dụ: ‘ăn ảnh’, ‘ăn khách’, ‘ăn thuốc’) là những nghĩa mở rộng được hình thành trên cơ sở của nghĩa chính là “nhai và nuốt thức ăn”, nhưng hiện nay các nghĩa đó đã trở thành những nghĩa chính khác của từ ‘ăn’. Nói chung, ta có thể căn cứ vào mức độ phụ thuộc vào ngữ cảnh để phân biệt hai loại nghĩa trên của từ: thường thì nghĩa chính là nghĩa mà người sử dụng ngôn ngữ có thể nói ra ngay mà không cần phải có ngữ cảnh, còn nghĩa mở rộng là những nghĩa cần phải có ngữ cảnh mới có thể xác định được. Thực vậy, khi nghe thấy từ ‘đứng’ chẳng hạn, người Việt trước tiên liên tưởng đến cái nghĩa chính của nó là “trạng thái cố định tương đối (không di chuyển), lưng giữ thẳng, chân duỗi, bàn chân giẫm đất” mà không cần một ngữ cảnh nào cả. Còn nghĩa ”được xếp hạng” của nó thì cần phải có ngữ cảnh đi kèm mới có thể nhận thấy được (ví dụ như trong: “đứng nhất lớp”). Như vậy, mức độ phụ thuộc vào ngữ cảnh của ý nghĩa từ ở đây cần được hiểu là khả năng nhận biết một ý nghĩa của từ khi từ bị tách ra khỏi ngữ cảnh, chứ không nên hiểu là sự phụ thuộc của nghĩa từ vào ngữ cảnh nói chung, bởi vì như trên đã nói, đối với một từ nhiều nghĩa thì việc xác định một nghĩa cụ thể của nó luôn luôn phụ thuộc vào ngữ cảnh.

– Ngoài việc phân biệt hai loại nghĩa như trên, người ta còn có thể phân biệt nghĩa đennghĩa bóng của từ. Song thực ra, đây chỉ là cách gọi khác của nghĩa cơ bản và nghĩa mở rộng, chỉ có điều khái niệm nghĩa bóng theo cách hiểu thông thường có nội hàm hẹp hơn nghĩa mở rộng, và do đó, người ta thường nói tới nghĩa bóng trong những trường hợp nghĩa mở rộng gợi ra sự liên tưởng nước đôi hay hiệu quả văn học. Đó là những trường hợp sử dụng từ mang tính cá nhân nhiều hơn.

– Cuối cùng, cần phải nói thêm rằng: Cũng giống như ở mặt cấu tạo của từ, mối quan hệ giữa các loại ý nghĩa trong từ nhiều nghĩa có khi mang tính chất tầng bậc và do đó, người ta cũng có thể nói tới nghĩa gốc và các nghĩa phái sinh thuộc những cấp bậc khác nhau. Chẳng hạn, từ một nghĩa cơ bản ban đầu (nghĩa gốc), người ta mở rộng thêm một nghĩa nào đấy, rồi sau đó lại bổ sung thêm một ý nghĩa khác trên cơ sở của nghĩa mở rộng đó… Ví dụ: từ ‘thẻ’ trong tiếng Việt có nghĩa gốc là ‘mảnh tre hay gỗ được dùng để viết khi chưa có giấy’; trên cơ sở nghĩa này, người ta bổ sung thêm nghĩa ‘mảnh tre, hay gỗ… có ghi một nội dung bói toán’, rồi sau đó trên cơ sở nghĩa mở rộng này, người ta lại bổ sung thêm nghĩa ‘mảnh xương hay ngà có ghi chức tước của quan lại để họ đeo ở trước ngực’ và cuối cùng từ này lại được dùng để chỉ chung tất cả các loại ‘giấy chứng nhận tư cách thành viên của một tổ chức nào đấy’ (ví dụ: ‘thẻ hội viên’, ‘thẻ đảng’, ‘thẻ khác hàng’).

(còn nữa)

__________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa từ vựng học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 26, 2010

4. Ý nghĩa ngữ dụng

Đây là thành phần ý nghĩa liên quan đến việc sử dụng từ trong các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ.

Trong các hoạt động giao tiếp cụ thể, ý nghĩa của từ phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài ngôn ngữ, ví dụ như: mối quan hệ giữa người nói và người nghe, hoàn cảnh giao tiếp, các quy định của xã hội về ứng xử ngôn ngữ, các quan niệm về giá trị văn hóa …Vì vậy, ý nghĩa ngữ dụng của từ là ý nghĩa được bổ sung vào các thành phần ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của từ trong các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cụ thể và nói chung rất khó xác định một cách chắc chắn. Chính vì lí do này mà khi nói đến ý nghĩa của từ, người ta thường chỉ tập trung vào hai thành phần ý nghĩa là ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm. Tuy nhiên, theo một cách hiểu hẹp hơn thì ý nghĩa ngữ dụng là thành phần ý nghĩa mà nhờ đó từ có thể biểu thị được thái độ, tình cảm của người nói và tác động đến thái độ, tình cảm của người nghe. Ví dụ: Các từ ‘thâm sì’, ‘trắng dã’ của tiếng Việt không chỉ biểu thị sắc thái ‘đen’ hay ‘trắng’ mà còn biểu thị thái độ khinh bỉ, chê bai (khi nói về môi: ‘môi thâm sì’ hay về mắt: ‘mắt trắng dã’). Theo cách hiểu này thì ý nghĩa ngữ dụng của từ là thái độ, tình cảm mà một từ có thể gợi ra.

Nói chung, ý nghĩa ngữ dụng của từ thường xuất hiện trong lời nói. Hoàn cảnh giao tiếp cụ thể sẽ làm nổi rõ thành phần ý nghĩa này của từ. Vì vậy, muốn xác định ý nghĩa ngữ dụng của từ phải căn cứ vào các tình huống giao tiếp ngôn ngữ cụ thể, tức là dựa vào ngữ cảnh hoặc/và chu cảnh vật lí, trong đó từ được sử dụng.

5. ý nghĩa ngữ pháp

Đây là những thông tin đã được mã hoá trong từ mà dựa vào đó ta có thể tạo lập hoặc nhận biết các mối quan hệ giữa các từ.

Chẳng hạn, trong từ ‘worker’ của tiếng Anh, ngoài hai thành phần ý nghĩa biểu vật và biểu niệm nêu trên, còn có các thông tin sau đây:

– là một danh từ
– là một danh từ số ít.
– là một từ phái sinh (căn tố động từ + phụ tố).

Do đó, trước nó thường phải có quán từ (‘the’ hoặc ‘a’) và khi kết hợp nó với động từ thì động từ phải được biến đổi ở ngôi số ít. Hoặc như từ ‘nhà’ trong tiếng Việt: Nó có ý nghĩa sự vật, do đó nó là danh từ; nó là danh từ có biệt loại, do đó có thể kết hợp với loại từ ‘ngôi’; nó là danh từ đếm được, nên có thể trực tiếp kết hợp với các từ chỉ số lượng. Chẳng hạn, có thể nói: ‘cái nhà này’, ‘một ngôi nhà’, ‘một nhà’… nhưng không thể kết hợp nó với ‘sẽ’ hay ‘rất’ vốn là những từ đi kèm với động từ hoặc tính từ.

Bốn thành phần ý nghĩa này được quy thành hai phạm trù ý nghĩa: ý nghĩa từ vựng, và ý nghĩa ngữ pháp

Ý nghĩa từ vựng của từ bao gồm các thành phần ý nghĩa sau đây: ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa ngữ dụng.

Ýnghĩa ngữ pháp của từ cũng bao gồm những thành phần ý nghĩa nhỏ hơn là: ý nghĩa từ pháp, ý nghĩa từ loại và ý nghĩa quan hệ (sẽ nói rõ hơn ở phần sau).

Cần phải nói thêm rằng, không phải tất cả các từ của ngôn ngữ đều có đầy đủ các thành phần ý nghĩa như đó nêu ở trên. Có những từ vừa có ý nghĩa từ vựng vừa có ý nghĩa ngữ pháp (các từ chỉ những sự vật, hiện tượng tồn tại thực hoặc được coi như có thực trong thực tế khách quan, ví dụ: bàn, tủ, lúa, gạo) – đó gọi là thực từ. Song lại có những từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp (các từ công cụ, ví dụ như và, với, của) – đó là những hư từ. Có những từ không có, hoặc về nguyên tắc không có thành phần ý nghĩa ngữ dụng (như trường hợp các thuật ngữ khoa học-kĩ thuật). Các từ biểu thị khái niệm trừu tượng là những từ có ý nghĩa biểu niệm mà không có ý nghĩa biểu vật, ví dụ như ‘tinh thần’, ‘thiện chí’, trong khi đó thì danh từ riêng lại chỉ có ý nghĩa biểu vật mà không có ý nghĩa biểu niệm.

_________________________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa từ vựng học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »