TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for the ‘Đối chiếu cấp độ ngữ pháp’ Category

Đối chiếu cấp độ ngữ pháp (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 14, 2010

Lê Đình Tư

2.2. Cấp độ cú pháp

2.2.1. Cụm từ (ngữ đoạn)

– Khi các từ được kết hợp với nhau theo những quan hệ khác nhau ta sẽ thu được các đơn vị cú pháp. Đơn vị cú pháp nhỏ nhất là cụm từ.

Trong ngôn ngữ, có hai loại cụm từ : cụm từ tự docụm từ cố định. Cụm từ cố định (thành ngữ và quán ngữ) là đơn vị từ vựng, còn cụm từ tự do là đơn vị ngữ pháp. Cả hai loại cụm từ này đều có thể là đối tượng quan tâm của ngôn ngữ học đối chiếu, nhưng việc đối chiếu chúng lại tuân theo những nguyên tắc khác nhau và nhằm những mục đích khác nhau. Do vậy, khi đối chiếu cụm từ với tư cách là đơn vị cú pháp, người ta chỉ quan tâm đến cụm từ tự do mà thôi. Nói cách khác, trong ngữ pháp, thuật ngữ ‘cụm từ’ đồng nghĩa với ‘cụm từ tự do’.

– Cũng cần phân biệt cụm từ với ‘giới ngữ’ : Giới ngữ luôn nằm trong cụm từ, là một bộ phận của cụm từ. Một cụm từ không bao giờ bắt đầu bằng giới từ. So sánh :

với hàng xóm (giới ngữ)
nói chuyện với hàng xóm (cụm từ)

Do vậy, khi đối chiếu cụm từ không nên nhầm lẫn hai khái niệm này, bởi vì điều đó có thể dẫn đến việc xác định sai đối tượng đối chiếu.

– Trong các nghiên cứu ngữ pháp, người ta phân biệt ba loại cụm từ : cụm liên hợp, cụm chính phụcụm chủ-vị.

Các cụm từ đều có vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo câu vì chúng đảm đương chức năng của các thành phần câu. Khi thiết lập câu thì cụm từ là đơn vị cơ sở, vì mỗi cụm từ trong câu đảm đương một chức năng ngữ pháp nhất định. Khi có hai cụm từ trở lên đảm đương vai trò của một thành phần câu thì đó phải là những cụm từ cùng loại. Ví dụ:

« Nằm trên giường bệnh, đầu óc vẫn chao đảo, vẫn lo nghĩ

– Thực tế nghiên cứu cho thấy, người học ngoại ngữ ít khi phạm lỗi khi các thành phần câu có cấu trúc tối giản, nghĩa là chỉ bao gồm một từ, mà thường phạm lỗi khi các thành phần câu được mở rộng thành các cụm từ. Đó là do mỗi ngôn ngữ có những cách thức khác nhau để thiết lập các cụm từ, nhất là đối với loại cụm từ chính phụ. Chính vì vậy, khi miêu tả cũng như khi đối chiếu các cụm từ, người ta thường tập trung vào cụm từ chính phụ.

Cụm chính phụ được chia thành: cụm danh từ, cụm động từ, và cụm tính từ.

– Cụm từ trong các ngôn ngữ có thể được thiết lập không giống nhau về các mặt sau đây:

+ Trật tự các thành phần trong cụm từ

Đối với các ngôn ngữ khác loại hình, trật tự từ trong các cụm từ là vấn đề rất đáng chú ý vì đây có thể là nguồn gốc phát sinh lỗi khi học ngoại ngữ. Chẳng hạn, trật tự của các ‘định tố’ hoặc ‘bổ tố’ trong các loại ‘cụm chính phụ’ tiếng Việt mang tính ổn định rất cao và do đó có thể khác với nhiều ngôn ngữ khác, cho nên khi đối chiếu các kiểu cấu trúc cụm từ chính phụ tiếng Việt và các ngôn ngữ khác, cần xác định được những điểm khác biệt về nguyên tắc định vị các định tố/bổ tố trong cụm từ giữa các ngôn ngữ. Ví dụ: so sánh:

t. Anh: that man’s hat
t. Việt: chiếc mũ của người đàn ông ấy

Đương nhiên, ngay cả ở những ngôn ngữ cùng loại hình hoặc gần gũi nhau về loại hình, trật tự của các từ trong cụm từ cũng có thể khác nhau.

+ Các phương tiện dùng để biểu thị tường minh quan hệ cú pháp giữa các thành phần cấu tạo của cụm từ. Đó là các ‘từ công cụ’ hay ‘từ ngữ pháp’, vốn vẫn được gọi chung là ‘hư từ’: giới từ và liên từ. Các ngôn ngữ có thể khác nhau về sự hiện diện/không hiện diện của các loại từ công cụ, hoặc về chủng loại của các từ công cụ. Ví dụ, so sánh:

t. Việt: 1) quan tâm đến âm nhạc
t. Anh: 1/ (to be) interested in music

+ Các phương tiện dùng để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp trong cụm từ và các quy tắc kết hợp các thành phần cấu tạo với nhau. Về phương diện này, giữa các ngôn ngữ có nhiều điểm khác biệt. Trong các ngôn ngữ đơn lập không biến hình, ý nghĩa ngữ pháp chủ yếu được thể hiện bằng các hư từ, trật tự từ hoặc dạng láy của từ, do đó quy tắc kết hợp chủ yếu là quy tắc ‘trật tự từ’ và’ hư từ’. Điều này khiến cho các cụm từ của những ngôn ngữ không biến hình thường bao gồm nhiều phương tiện từ vựng hơn so với những ngôn ngữ thuộc loại biến hình. Ngược lại, ở các ngôn ngữ biến hình, phương thức thể hiện ý nghĩa ngữ pháp chủ yếu là biến đổi hình thái của các từ (phụ gia, biến hình trong từ căn, …), trong đó các dấu hiệu hình thái (hình vị ngữ pháp) thường thể hiện cùng một lúc vài ba ý nghĩa ngữ pháp nên số lượng các phương tiện từ vựng phải ít hơn. Mặt khác, quy tắc kết hợp từ trong những ngôn ngữ này thường là quy tắc ‘hợp nghĩa ngữ pháp’ (ví dụ: hợp giống, số, cách, ngôi…) do đó có thể xảy ra hiện tượng dư thừa phương tiện ngữ pháp. Do vậy, đối chiếu các cụm từ về phương diện này có thể phát hiện ra những điều bất hợp lí hoặc phi lôgich trong các ngôn ngữ.

___________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu cấp độ ngữ pháp | Thẻ: , , , , , , , | Leave a Comment »

ĐỐI CHIẾU CẤP ĐỘ NGỮ PHÁP

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 10, 2010

Lê Đình Tư

1. Hệ thống ngữ pháp dưới góc độ ngôn ngữ học đối chiếu

– Hệ thống ngữ pháp là hệ thống bao trùm lên tất cả các cấp độ ngôn ngữ nên việc đối chiếu các hệ thống ngữ pháp có thể thực hiện trên nhiều cấp độ khác nhau. Thực tế có nhiều nhà nghiên cứu đã từ bỏ khái niệm ngữ pháp mà sử dụng khái niệm ngữ kết, lĩnh vực nghiên cứu về tất cả các mối quan hệ của mọi đơn vị ngôn ngữ, từ ngữ âm-âm vị đến văn bản.

– Theo khái niệm truyền thống thì ngữ pháp bao gồm hai bộ phận chính là: Hình thái họcCú pháp học. Tuy nhiên, khái niệm Hình thái học không phù hợp lắm với những ngôn ngữ không biến hình nên thường được thay thế bằng tên gọi Cấu tạo từ hay Từ pháp học, những khái niệm liên quan nhiều hơn đến cấp độ từ vựng.

– Do vậy, khi đối chiếu các hệ thống ngữ pháp, cần xác định rõ các đối tượng đối chiếu cụ thể, xem đó là những yếu tố của cấp độ nào, tránh lẫn lộn các cấp độ ngôn ngữ. Cấp độ ngữ pháp không phải bao giờ cũng cao hơn cấp độ từ vựng mà chủ yếu là cấp độ liên quan đến việc kết hợp các đơn vị ngôn ngữ.

2. Các cấp độ trong đối chiếu ngữ pháp

2.1. Cấp độ hình thái học

Hình vị ngữ pháp

Hình vị ngữ pháp được coi là đơn vị nhỏ nhất của ngữ pháp. Đây là các phương tiện để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp cũng như các mối quan hệ cú pháp. Hình vị ngữ pháp trong các ngôn ngữ không biến hình có thể hoạt động với tư cách là những từ độc lập và có thể có nhiều chức năng nên khi đối chiếu các hình vị ngữ pháp, cần nêu được chức năng ngữ pháp của chúng. Ví dụ: những trong tiếng Việt chỉ có chức năng ngữ pháp khi dùng để biểu thị số nhiều (ví dụ: những hoạt động), nhưng sẽ là hình vị từ vựng khi dùng để nhấn mạnh (ví dụ: ăn hết những một con gà). Đặc biệt, trong các ngôn ngữ không biến hình, ranh giới giữa từ và hình vị nhiều khi không rõ ràng nên người ta thường dùng khái niệm từ hư (hoặc hư từ) khi nói đến hình vị ngữ pháp.

Đối chiếu các hình vị ngữ pháp có thể phát hiện được những khác biệt về thuộc tính của các hình vị ngữ pháp như: quan hệ giữa hình vị ngữ pháp và âm tiết (có hình vị nhỏ hơn âm tiết hay không), quan hệ giữa hình vị ngữ pháp và từ, khả năng biến đổi hình thái, khả năng biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp như từ loại, giống, số, ngôi, thời…, mức độ hòa kết chức năng biểu thị ý nghĩa ngữ pháp trong hình vị, vị trí của hình vị ngữ pháp trong từ hoặc ngoài từ…

– Các ý nghĩa ngữ pháp và phạm trù ngữ pháp

+ Có ba loại ý nghĩa ngữ pháp: ý nghĩa hình thái, ý nghĩa chức năngý nghĩa từ loại. Ý nghĩa hình thái cho ta biết kiểu cấu tạo và hệ biến đổi hình thái của từ. Ý nghĩa chức năng cho ta biết chức năng ngữ pháp của từ trong cụm từ và câu. Ý nghĩa từ loại cho ta biết khả năng đảm nhận các chức năng ngữ pháp của từ. Trong các ngôn ngữ có thể có sự khác nhau tương đối lớn về cách thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp này. Chẳng hạn, tiếng Việt không có sự biến đổi hình thái của các hình vị hoặc từ để thể hiện các ý nghĩa như cách, số, thời, ngôi, thức, do đó các ý nghĩa này phải được thể hiện bằng các từ/hình vị được ngữ pháp hóa, ví dụ: của vốn là danh từ nhưng được ngữ pháp hóa thành giới từ để thể hiện ý nghĩa cách (sở hữu cách).

+ Các ý nghĩa ngữ pháp có thể được khái quát hóa thành các phạm trù ngữ pháp. Số lượng và chất lượng các phạm trù ngữ pháp trong các ngôn ngữ có thể không giống nhau. Ví dụ: Tiếng Việt không có phạm trù giống, trong tiếng Pháp có phạm trù giống nhưng không có giống trung như tiếng Nga. Nhiều ngôn ngữ có phạm trù số nhưng không có số đôi. Ngay cả những ý nghĩa ngữ pháp có tính phổ quát như ý nghĩa từ loại các ngôn ngữ cũng rất khác nhau. Chẳng hạn, so sánh từ loại của tiếng Việt và tiếng Anh, ta có thể phát hiện ra những sự khác biệt về số lượng từ loại (trong tiếng Anh có trạng từ nhưng tiếng Việt không có), về thuộc tính của từ loại (ví dụ: trong tiếng Nga, từ loại biến đổi theo giống, số, cách, còn tiếng Việt danh từ biến đổi hình thức để thể hiện thái độ, tình cảm). Cách thể hiện từ loại cũng không giống nhau. Các ngôn ngữ biến hình thể hiện ý nghĩa từ loại thông qua hình vị ngữ pháp nhưng các ngôn ngữ không biến hình chỉ có thể xác định từ loại của từ thông qua khả năng kết hợp của từ với các từ khác. Giữa các ngôn ngữ còn có sự khác biệt về khả năng chuyển đổi từ loại của các từ. Ví dụ: Danh từ tiếng Việt có thể chuyển thành tính từ hay động từ có thể biến thành danh từ (ví dụ: mưa, thay đổi), trong khi ở một ngôn ngữ khác từ có thể không có khả năng này.

– Các phương thức ngữ pháp

+ Sự khác biệt về cách thể hiện ý nghĩa ngữ pháp (tức là phương thức ngữ pháp) là cơ sở quan trọng nhất để phân biệt loại hình ngôn ngữ. Loại hình ngôn ngữ được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ khó khăn trong việc học một ngoại ngữ: người học ngoại ngữ cùng loại hình với tiếng mẹ đẻ sẽ dễ hơn so với ngoại ngữ khác loại hình.

+ Đối chiếu các phương thức ngữ pháp là đối chiếu xem hai ngôn ngữ khác nhau như thế nào về các phương thức: phụ gia, biến hình trong từ căn, trọng âm, ngữ điệu, thay từ căn, trật tự từ, hư từ, láy, chắp dính.

____________________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu cấp độ ngữ pháp | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »