TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for the ‘Lịch sử tiếng Việt’ Category

GS Nguyễn Tài Cẩn – Người soi rọi ngọn nguồn tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 3, 2011

Hàm Châu

Kỳ cuối: Chúng ta sẽ rất thiếu những nhà Việt Nam học

(Dân trí) – Là người nhận diện họ hàng xa gần của tiếng Việt từ mấy nghìn năm trước cho đến tận hôm nay, ông cũng cảnh báo một ngày không xa, chúng ta sẽ rất thiếu những nhà Việt Nam học có tầm cỡ.

Nghìn năm trước, tiếng Việt phát âm ra sao?

Lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo) của Nguyễn Tài Cẩn, xuất bản năm 1995, là một cuốn sách trong “cụm công trình” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Qua 350 trang sách, tác giả đã bước đầu trả lời câu hỏi nói trên.
GS Cẩn và các học trò của ông đã vận dụng có phê phán phương pháp Swadesh, tức phương pháp ngữ thời học (grottochronology). Đó là phương pháp xuất phát từ quan niệm cho rằng, qua thời gian, việc thay thế từ vựng cơ bản cổ bằng từ vựng mới là một việc xẩy ra theo quy luật chung cho mọi ngôn ngữ. Nếu hai ngôn ngữ hay hai phương ngữ A, B cùng gốc tách nhau khoảng 1.000 năm, thì trong bảng từ vựng chúng chỉ còn giữ lại 74% là chung; nếu tách nhau 2.000 năm, thì số từ vựng chung còn lại chiếm khoảng 54%; tách nhau 4.000 năm, thì số từ vựng chung còn lại chỉ chiếm khoảng 30%.
Ông khiêm tốn gọi cuốn giáo trình nói trên là “sơ thảo”. Nhưng thật ra, đó là một công trình lớn, có tính chất mở đường. Để viết giáo trình ấy, ông đã phải tham khảo hàng trăm công trình nghiên cứu tiếng Việt, tiếng Mường và các ngôn ngữ bà con gần xa như các thứ tiếng: Nguồn, Pọng, Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, A-rem, Thà Vựng, Pakatan, Phon Soung, Khạ Phong…

Nhận diện họ hàng gần xa của tiếng Việt

Nếu hai ngôn ngữ hay hai phương ngữ A, B cùng gốc tách nhau khoảng 1.000 năm, thì trong bảng từ vựng chúng chỉ còn giữ lại 74% là chung; nếu tách nhau 2.000 năm, thì số từ vựng chung còn lại chiếm khoảng 54%; tách nhau 4.000 năm, thì số từ vựng chung còn lại chỉ chiếm khoảng 30%.
Ngày nay, các nhà ngôn ngữ học quốc tế gần như nhất trí: Tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc họ Nam á, ngành Môn-Khmer, trong tiểu chi Việt-Chứt; quan hệ với tiếng Thái-Kadai dù khá xa xưa, quan hệ với tiếng Hán dù khá sâu đậm, nhưng đó vẫn chỉ là quan hệ tiếp xúc, chứ không phải họ hàng gần. Để có thể hình dung một “ngành” như ngành Môn-Khmer trong ngôn ngữ học phức tạp đến mức nào, ta có thể xem Từ điển Bách khoa Britannica III. Thì ra, trong “ngành” ấy, có hơn… 100 ngôn ngữ! GS G. Diffloth đã lập “bản đồ” về 100 ngôn ngữ đó.
Tiểu chi Việt-Chứt là tiểu chi có đông người nói nhất trong ngành Môn-Khmer, chỉ tính riêng ở Việt Nam, vào thời điểm cuốn sách của Nguyễn Tài Cẩn được in, đã có hơn 60 triệu người. Trong khi ở tiểu chi Khmer chỉ có 7 triệu người; còn ở các tiểu chi khác, mỗi tiểu chi chưa đến 1 triệu người.
Về ngữ âm tiếng Việt thế kỷ 17, cứ liệu Nguyễn Tài Cẩn sử dụng trước hết là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum- Latinum) của Alexandre de Rhodes in năm 1651 ở Rome, Italy.
Đi ngược lên thế kỷ 15-16, Nguyễn Tài Cẩn tham khảo tài liệu An Nam dịch ngữ, một danh sách hơn 700 mục từ tiếng Việt được người Trung Quốc dịch nghĩa và phiên âm qua chữ Hán để dùng trong ngoại giao.
Ngược dòng thời gian xa hơn nữa, thì cứ liệu quan trọng nhất là hệ thống ngữ âm ở các vùng thổ ngữ Mường. Cách đây khoảng 1.200 năm, Việt và Mường cùng dùng chung một tiếng.
Về tiếng Mường, TS Nguyễn Văn Tài, một cộng sự gần gũi của GS Nguyễn Tài Cẩn, đã dày công điều tra 29 thổ ngữ Mường và công bố trong luận án tiến sĩ năm 1983. 29 thổ ngữ đó được xếp vào 9 nhóm nằm rải rác tại các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, từ Mường Phong, Mường Thái, Mường Bi đến Giai Xuân, Tân Hợp, Sông Con, v.v. Cũng là tiếng Mường, nhưng người Mường vùng này gọi là con trâu con, thì vùng kia gọi là con nghé; vùng này gọi là chiêng, thì vùng kia gọi là cồng; vùng này gọi là chân, vùng kia gọi là giò… Cũng để chỉ một con vật như nhau, nhưng người Mường nhóm 6 gọi là con dải, trong khi người Mường nhóm 7 lại gọi là con ba ba. Cũng là một hành động như nhau, nhưng người Mường nhóm 8 gọi là chửi, trong khi người Mường nhóm 9 lại gọi là bới, v.v.
Những nghiên cứu của GS Nguyễn Tài Cẩn và các học trò của ông như TS Nguyễn Văn Tài giúp cho những ai yêu tiếng Việt – trước hết là các nhà văn, nhà báo – hiểu tiếng Việt sâu xa hơn và, nhờ vậy, dùng tiếng Việt cẩn trọng hơn, chính xác hơn. Đọc cuốn sách ấy rồi, ít ai còn dám tự mãn nghĩ rằng mình đã hiểu đến tận ngọn nguồn tiếng mẹ đẻ!

Kiếm tìm trong lịch sử xa xăm

Ngược lên quá khứ xa xăm hơn nữa, khoảng 3.000 năm trước, chỗ dựa chủ yếu để nghiên cứu là các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở vùng núi khu Bốn như tiếng Sách, tiếng Rục, tiếng Mày, tiếng Mã Liềng, tiếng A-rem, và ở vùng bên kia biên giới Việt-Lào như tiếng Thà Vựng, tiếng Ahơ…
So sánh tiếng Việt với tiếng A-rem hay tiếng Maleng, tức là những ngôn ngữ đã tách khỏi tiếng Việt cách đây 2.300-2.500 năm, ta sẽ biết trạng thái khi hai bên còn chung một ngôn ngữ: trạng thái từ 2.500 năm trở về trước.
Căn cứ số liệu tính toán đã được công bố theo phương pháp ngữ thời học, thì tiểu chi Việt-Chứt tách khỏi Việt-Katu cách đây khoảng 4.000 năm. ở sơ kỳ của nó, tiểu chi Việt-Chứt chưa cách xa khỏi khối Katu bao nhiêu. Để nghiên cứu giai đoạn này, ta sẽ tìm cứ liệu ở các tiểu chi khác trong ngành Môn-Khmer.
Rất nhiều tộc người thiểu số, sống ở đông và tây Trường Sơn, nói các thứ thổ ngữ “líu lo như chim hót”, nghe rất lạ tai, hoá ra trong quá khứ xa xăm, họ đã từng nói cùng một thứ tiếng với người Việt!
Còn về ảnh hưởng sâu xa của tiếng Hán đối với tiếng Việt thì, như ta đã biết, GS Cẩn đã có một cuốn sách chuyên khảo riêng.
GS Cẩn cũng cẩn thận tìm lai nguyên của hệ thống phụ âm đầu (âm mũi, âm tắc, âm xát…), lai nguyên của các nguyên âm dòng trước (e, ê, i, iê), các nguyên âm dòng giữa (a, ă, ư, ơ, â, ươ), của hệ thống âm cuối (m/p, n/t, ng/c, u/o (w), i/y (j), và lai nguyên của âm đệm w. Rồi tìm lai nguyên của hệ thống thanh điệu (ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng).
Ông phân tích, tổng hợp các kết quả thu thập được của các đồng nghiệp trong nước và nước ngoài để rút ra kết luận.
Chẳng hạn, M. Ferlus không những nghiên cứu sâu về ngôn ngữ Tiền Việt-Mường (Vietnamien et Proto-Vietmuong, 1975), mà còn khảo sát cả phương ngữ Vinh (La dialecte vietnamien de Vinh, 1991)… M. E. Barker nghiên cứu các âm vị Mường (The Phonemes of Muong, 1968), các phụ âm cuối và nguyên âm Tiền Việt-Mường (Proto-Vietnamuong Final Consonants and Vowels, 1970)…

Bao nhiêu bạn trẻ biết chữ Nôm?

GS Mỹ Keith W. Taylor, nhà Việt Nam học nổi tiếng của Đại học Cornell (Mỹ), sang Hà Nội, nhờ GS Nguyễn Tài Cẩn dạy chữ Nôm cho. Chị Y. S. Wang viết luận án tiến sĩ về chữ Nôm. Còn chị Olga Dror thì lại viết luận án tiến sĩ về bà chúa Liễu Hạnh…
Kỳ trước, tôi đã nhắc đến chị Barbara Niedeer viết luận án tiến sĩ về tiếng Hmông-Dao, rồi dịch cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt của Nguyễn Tài Cẩn ra tiếng Pháp.
Mới đây nhất, trong hai ngày 11 và 12/4/2008, tại Đại học Temple (Mỹ), đã diễn ra Hội nghị Nôm học quốc tế để thông báo về những kết quả mới nhất trong việc nghiên cứu chữ Nôm. Đã 82 tuổi, GS Cẩn không sang dự được, mà chỉ gửi đi bản báo cáo: Một số vấn đề về ngành Nôm học. Ông cho biết, hiện nay, chúng ta có hai loại văn bản Nôm: loại đã được khắc in mộc bản và loại ở dạng chép tay. Ông muốn nói về loại thứ nhất, vì những cuộc tranh luận gần đây (như về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Hoa tiên, v.v) đều liên quan đến loại này. Trong báo cáo đó, GS Cẩn thông báo về việc ông phát hiện một số chữ Nôm cổ còn giữ dấu vết kỵ huý đời Trần.
Tuy nhiên, chúng tôi không định đi sâu hơn vào học thuật mà chỉ muốn lưu ý bạn đọc rằng: Chữ Nôm, văn tự cổ của Việt Nam, hiện đang được nhiều nước biết tới, trong khi ở nước ta thì sao? Đốt đuốc đi tìm cũng khó thấy những bạn trẻ nào còn đọc nổi!
Rồi đây, sẽ có những bạn trẻ nào ở nước ta nuôi chí lớn kế tục sự nghiệp của các học giả lớp trước, dũng cảm bước vào ngành Nôm học hay rộng hơn Việt Nam học, Đông phương học như Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Đức Từ Chi, Phan Huy Lê, Trần Đình Hượu…?
Nếu Nhà nước ta không lo lắng, kịp thời thu hút và đào tạo những tài năng trẻ, thì e rằng không lâu nữa, chúng ta sẽ rất thiếu những nhà Việt Nam học có tầm cỡ!
Tôi nhớ mãi điều nghịch lý mà GS Cẩn nói khi chia tay tôi, trở về với vợ con ông hiện đang sống ở Matxcơva.

_______________________________________________________________________

Posted in Chân dung các nhà ngôn ngữ học, Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

GS Nguyễn Tài Cẩn – Người soi rọi ngọn nguồn tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 2, 2011

Hàm Châu

Kỳ II: Lội ngược dòng hơn mười thế kỷ

(Dân trí) – Tìm rõ cách đọc chữ Hán ở kinh đô Trường An (Trung Quốc) đời Đường, so sánh với hệ thống ngữ âm tiếng Việt thời ấy, để xác định cội rễ của cách đọc Hán-Việt và những biến đổi qua các thế kỷ sau của cách đọc ấy.

Cách đọc Hán – Việt bắt nguồn từ đâu?

Không chỉ các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và Trung Quốc, mà cả giới Đông phương học quốc tế cũng chú ý đến cách đọc Hán-Việt. Bởi vì, muốn nghiên cứu tiếng Hán trung đại, nghiên cứu cách đọc tiếng Hán ở Nhật Bản theo Go-On (Ngô âm) hay theo Kan-On (Hán âm), hoặc cách đọc tiếng Hán ở Triều Tiên theo cách đọc Hán-Triều, đều rất cần sự so sánh, viện dẫn cách đọc Hán-Việt, để rút ra những kiến giải.

Cứ liệu lịch sử cho biết, ngay từ đời nhà Hán, một số Thái thú Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp đã bắt đầu truyền bá văn hóa Hán ở vùng Giao Chỉ, Cửu Chân. Sĩ Nhiếp (187-236 sau CN), Thái thú Giao Châu, mở trường dạy học tại Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh hiện nay), thu hút rất đông sĩ tử, được các sử gia người Việt thời sau suy tôn làm “Nam giao học tổ” (ông tổ việc học đất phương Nam).

Gần đây, đền thờ và lăng mộ Sĩ Nhiếp ở Luy Lâu được Nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.

Nhưng phải đến đời Tùy-Đường thì trình độ Hán học ở Giao Châu mới có thể sánh với Trung Nguyên. Khương Công Phụ, người làng Cổ Hiểm, huyện Cửu Chân, Ái Châu (nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đến Trường An (nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây), kinh đô nhà Đường, dự thi Hội, đỗ Tiến sĩ. Ông được Hoàng đế nhà Đường mời lưu lại Trường An, về sau, làm đến chức Tể tướng Trung Hoa, hiện vẫn còn lưu truyền bài phú Bạch vân chiếu xuân hải. Em trai ông là Khương Công Phục làm đến chức Lang trung Bộ Lễ, cũng ở Trường An.

Các nhà Đông phương học hầu như nhất trí cho rằng cách đọc Hán-Việt hiện nay chính là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời Đường (618-907 sau CN) tại kinh đô Trường An, từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán được dạy lần cuối cùng tại Giao Châu trước khi Việt Nam giành được độc lập vào thế kỷ thứ 10.

Từ thế kỷ thứ 10 đến nay, cách đọc Hán-Việt tuân theo quỹ đạo phát triển của tiếng Việt, không còn lệ thuộc vào những gì biến đổi trong ngữ âm tiếng Hán ở bên kia biên giới. Nhiều thế kỷ trôi qua, hai cách đọc chữ Hán của người Hán và của người Việt ngày càng khác xa nhau, đến mức một người uyên thâm Hán ngữ như Phan Bội Châu khi gặp Lương Khải Siêu ở Trung Quốc, chỉ có thể… bút đàm!

Lớp từ Hán-Việt ngày càng lọt sâu vào kho từ vựng tiếng Việt, những nét xa lạ về mặt ngữ âm mất dần và rồi trở thành một bộ phận khăng khít – chứ không phải được “cấy ghép” – của hệ thống Việt ngữ.

Kiến giải riêng từ hàng vạn trang sách

Trên đây, để cho dễ lĩnh hội, tôi đã tóm lược những kết luận cuối cùng. Tất nhiên, trước khi đi đến những kết luận như thế, Nguyễn Tài Cẩn phải bỏ ra biết bao công sức! Chẳng hạn, nói rằng cách đọc Hán-Việt hiện nay là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời nhà Đường ở Trường An, vậy thì, vào đời ấy, người Trung Hoa ở kinh đô của họ đọc chữ Hán ra sao? Tiếng Hán đời ấy có những phụ âm, những vần và những thanh điệu nào? Nếu sử dụng cách phiên âm quốc tế hiện nay để ghi lại, thì phải dùng những ký hiệu nào? Nhà khoa học không thể “phán” nếu thiếu luận cứ.

Và nữa, cách đọc chữ Hán của người Việt hồi thế kỷ thứ 8-9 là như thế nào? Gồm những phụ âm, những vần và những thanh điệu nào? Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 20, cách đọc Hán-Việt đã biến đổi ra sao?

Để trả lời những câu hỏi ấy, phải sử dụng những phương pháp hiện đại của ngữ âm học lịch sử mà, nếu trình bày trong bài báo này, thì sẽ đi quá sâu vào học thuật, sẽ phải sử dụng nhiều biểu bảng, nhiều chữ Hán, chữ Nôm, chữ Anh, chữ Pháp, chữ Nga, nhiều ký hiệu phiên âm quốc tế, rất khó in trên báo chí phổ thông và gây “đau đầu nhức óc” cho bạn đọc không chuyên.

H. Maspéro đã viết bằng tiếng Pháp cuốn Tiếng địa phương Trường An đời Đường (Le dialecte de Tchang-an sous les Tang). B. Karlgren cũng viết bằng tiếng Pháp cuốn Khảo sát âm vị học tiếng Hán (études sur la phonologie chinoise). Đặc biệt, cuốn Thiết vận của nhóm Lục Pháp Ngôn ở Trường An đầu thế kỷ thứ 7 là tài liệu tham khảo quan trọng đối với Nguyễn Tài Cẩn.

Đọc hàng vạn trang sách bằng các thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật… về vấn đề liên quan, đưa ra thêm những luận cứ mới, những kiến giải riêng, Nguyễn Tài Cẩn đã soi rọi đến tận ngọn nguồn cách đọc Hán-Việt, một cách đọc đã giúp người Việt Nam dễ dàng tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa Hán – một trong hai nền văn hóa lớn nhất phương Đông – mà không bị “Hán hóa”.

“Chao ôi, thầy kỹ tính quá!”

Chiều hôm ấy, trời lâm thâm mưa. Ông Trần Trí Dõi, Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQG Hà Nội) đưa chị Barbara Niedeer đến nhà GS Cẩn ở một ngõ nhỏ bên đường Hoàng Quốc Việt. Dép bê bết bùn, chị Barbara vừa bước vào nhà vừa vội vã nói:

– Em sắp trở lại Paris. Em đã dịch xong cuốn sách của thầy ra tiếng Pháp. Mong thầy cho phép em đưa in bản dịch.

– Cuốn nào thế nhỉ? GS Cẩn hỏi.

– Cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán – Việt ạ! Trước kia, em chẳng chú ý mấy đến cuốn sách ấy. Nhưng thầy A. G. Haudricourt “bắt” em đọc! Đọc rồi, em mới cảm thấy hay. Và em quyết định phải dịch. Em nghĩ cuốn sách của thầy sẽ giúp ích nhiều cho các nhà Đông phương học trên thế giới, nếu họ có trong tay bản dịch tiếng Pháp…

Barbara Niedeer viết luận án tiến sĩ về tiếng Hmông-Dao. Chị đã từng sống nửa năm trên bản Hmông cao chót vót. Là người Pháp gốc Thụy Sĩ, chị thông thạo các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, biết cả tiếng Trung Quốc, Việt, Hmông, Dao. Chị hiện làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và là học trò yêu của thầy A. G. Haudricourt, nhà Đông phương học nổi tiếng thế giới.

– Tôi rất cảm ơn cô! Nhưng mong cô thông cảm cho: Gần đây, tôi nghe nói bên Mỹ vừa xuất bản cuốn A Handbook of Old Chinese Phonology (Sách chỉ dẫn về ngữ âm tiếng Hán cổ) của W. H. Baxter, dày tới 900 trang. Tất nhiên, đó là cuốn sách viết về tiếng Hán cổ, nhưng rất có thể có liên quan phần nào đến cách đọc Hán-Việt. Tôi cần tham khảo cuốn sách đó để, nếu cần, thì chỉnh lý đôi chút cuốn sách của mình cho cập nhật. Cô chịu khó chờ một thời gian nhé!

– Chao ôi, thầy kỹ tính quá! – Barbara thất vọng kêu lên.

“Giờ thì mình hết băn khoăn”

Tháng 11/2001, tôi gặp lại GS Nguyễn Tài Cẩn tại Hà Nội sau một thời gian dài ông sống và làm việc cùng vợ tại Matxcơva. Vợ ông, GS N. V. Stankyevich, là một nhà ngôn ngữ học người Nga chuyên nghiên cứu tiếng Việt và tiếng Hán. Trước kia, bà sống và làm việc tại Việt Nam. Sau khi về hưu, do sức khỏe kém, bà trở về Nga. GS Cẩn theo vợ về bên ấy để tiện cho các con chăm sóc.

Thấy tôi đến thăm, GS Cẩn đưa cho xem bản in thử cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt sắp tái bản. Phải nói rằng việc xử lý trên máy tính bản thảo cuốn sách này thật… quá ư phiền toái! Trong một câu văn, thường có cả chữ Quốc ngữ, chữ Hán (phồn thể) và ký hiệu phiên âm quốc tế. Rồi, để cho dễ tra cứu, phải giữ nguyên dạng chữ Pháp, chữ Anh, chữ Đức, chữ Nga… ít ai dám nhận việc sửa bản in thử, ngoài tác giả!

– Chắc bây giờ anh vui lòng để chị Barbara Niedeer đưa in bản dịch tiếng Pháp cuốn sách này rồi chứ? – Tôi hỏi.

– Vừa rồi, mình đã đọc kỹ cuốn Sách chỉ dẫn ngữ âm tiếng Hán cổ của W. H. Baxter. Rồi đọc cả cuốn Phục nguyên hệ thống ngữ âm tiếng Hán cổ của nhà bác học Nga S. A. Starostin. Hai ông đưa ra một số luận điểm về ngữ âm tiếng Hán cổ mà mình rất thích. S. A. Starostin ghi là đã tham khảo sách của mình. W. H. Baxter cũng chủ trương Thiết vận có 8 nguyên âm như trong sách của mình. Giờ thì mình hết băn khoăn…

– Thế anh đã trả lời chị Barbara chưa?

– Mình sẽ gửi email cho cô ấy.

(Còn nữa)
_______________________________________________________________

Posted in Chân dung các nhà ngôn ngữ học, Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

GS Nguyễn Tài Cẩn – Người soi rọi ngọn nguồn tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 2, 2011

Hàm Châu

Kỳ I: Những câu hỏi “muôn năm cũ”

(Dân trí) – Tại sao người Việt đọc tiếng Hán mà cứ y như đọc tiếng Việt? Cách đọc Hán-Việt có từ bao giờ? Nó đã biến đổi ra sao qua bao nhiêu thế kỷ? Nguyễn Tài Cẩn muốn trả lời những câu hỏi “muôn năm cũ” ấy.

Là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ ngôn ngữ học tại Liên Xô (cũ), ông trở thành giáo sư, rồi được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Các công trình của ông nhằm giải quyết những vấn đề về ngữ pháp, ngữ âm tiếng Việt, về nguồn gốc và cách đọc Hán-Việt, về chữ Nôm, văn bản Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Hoa tiên, Thu dạ lữ hoài ngâm… Ông được mời đến giảng dạy tại Nga, Mỹ, Pháp, Nhật…

Chọn hướng nào đây giữa tuổi xuân mơ mộng?

Thuở nhỏ, tôi sống trong nhà bác tôi, cụ Cử nhân Nho học Nguyễn Văn Hạp, cùng ông nội tôi cụ Phó bảng Nguyễn Văn Chấn, tại khu Lục Bộ giữa Đại Nội, Huế. Hai phía tường nhà bác tôi giáp nhà cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, phụ thân BS Nguyễn Khắc Viện, và nhà cụ Phó bảng Phan Võ, phụ thân GS Phan Ngọc.

Tôi vẫn nghe anh Nguyễn Văn Hường, con bác tôi, khen anh Nguyễn Tài Cẩn học giỏi lắm, mà lại đẹp trai, nước da trắng hồng, râu mép cạo nhẵn phớt xanh. Năm đầu, anh Cẩn học Trường trung học Thuận Hóa, một trường tư do ông Tôn Quang Phiệt mở, mời được nhiều thầy giỏi nổi tiếngvề dạy như Đào Duy Anh, Hoài Thanh… Năm sau, anh thi đỗ vào Trường Quốc học Huế, và rồi từ đó, năm nào anh cũng đứng đầu lớp, nhận học bổng toàn phần.

Anh Cẩn học giỏi đều các môn, nhất là môn tiếng Pháp. Anh nuôi kỳ vọng viết văn… Tây! Một lần đến thăm thầy cũ Hoài Thanh, anh bộc bạch với thầy kỳ vọng ấy. Không ngờ thầy bảo:

– Mình là dân An Nam, học tiếng Tây ở xứ “bảo hộ”, làm sao có thể viết văn Tây hay bằng các ông, bà nhà văn Tây như ông Honoré de Balzac hay bà George Sand bên “chính quốc” được ?

Sau lần đó, anh Cẩn chuyên tâm học tiếng Việt hơn. Rồi anh đâm ra mê làm thơ Việt! Hôm ấy, anh mạnh dạn đem một tệp thơ do anh mới “sáng tác” đến nhờ ông Nguyễn Đình Thư nhận xét. Năm 1942, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân từng khen thơ Nguyễn Đình Thư: “Thể hiện một mối buồn âm thầm, lặng lẽ, thấm thía vô cùng, cái buồn không nước mắt, cái buồn của điệu Nam Bình trên sông Hương”.

Đọc tệp thơ của anh Cẩn, “nhà thơ mới” Nguyễn Đình Thư liền vui vẻ động viên: “Có triển vọng đó!”

Mấy hôm sau, tới thăm thầy cũ Đào Duy Anh, anh xin thầy cho biết ý kiến về tệp thơ kia, với hy vọng thầy cũng sẽ khen hay. Nào ngờ thầy chỉ lơ đãng đọc lướt qua, rồi chậm rãi nói:

– Làm thơ, nếu quả có tài năng thiên phú như Hồ Xuân Hương, Tú Xương hay Tản Đà, Xuân Diệu… thì hãy làm! Chứ nếu không, thì chỉ… toi công! Làm cả nghìn bài, chưa chắc đã có một bài “sống sót” qua năm tháng! Lúc trẻ, mộng mơ nhiều, ưa nói những lời to tát, nhưng rồi, nửa đời nhìn lại, bỗng thấy… trắng tay! Còn nếu làm nhà học giả, thì chỉ cần thông minh, bền chí, có phương pháp tốt, có óc tìm tòi, ắt “kiến tha lâu đầy tổ”, sẽ tới ngày có được những khám phá độc đáo với “tuổi thọ” khá cao.

Lời khuyên chí lý của cụ Đào giúp anh Cẩn dứt khoát “hướng nghiệp” đời mình. Anh trở thành nhà Việt ngữ học, chứ không phải nhà thơ.

Thơ Nguyễn Du sai ngữ pháp?

Đầu những năm 1960, nghe nói có vị giáo viên văn trung học say sưa phân tích trước lớp về câu thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”.

– Cái gì đã rụng? – Vị giáo viên kia hỏi.
– Thưa thầy, cái giếng.
– Rụng cái gì?
– Thưa thầy, lá ngô.

– Cái giếng làm sao có lá để mà rụng? Vậy thì, giếng vàng làm sao có thể làm chủ ngữ cho động từ đã rụng? Câu thơ nói trên lẽ ra phải viết: “Một vài chiếc lá ngô đồng đã rụng bên bờ giếng dưới ánh nắng thu vàng”.

Vị giáo viên nhếch mép cười khoan dung, rồi nói tiếp: Nhưng, chúng ta không chê trách Nguyễn Du. Cụ khó tránh khỏi những hạn chế của thời đại Cụ! Cách đây hai thế kỷ, khi Nguyễn Du còn ngồi trên ghế nhà trường chưa có sách ngữ pháp tiếng Việt như các em hôm nay. Cụ đâu có cái cơ may được học ngữ pháp tiếng Việt một cách khoa học!

Phải nói rằng, cho đến những năm 60 thế kỷ 20, vẫn còn không ít người muốn đem bộ khung ngữ pháp nước ngoài “đóng đinh bắt vít” vào tiếng Việt, để “phán” rằng câu nói hồn nhiên của các em học sinh “chiếc lá này xanh” cần phải chữa lại thành “chiếc lá này là xanh” mới đúng với cách viết trong tiếng Pháp “cette feuille est verte” hay cách viết trong tiếng Anh “this leaf is green”!

Mỗi ngôn ngữ có những đặc điểm riêng. Lẽ ra họ phải xuất phát từ câu nói tự nhiên của người Việt để phân tích, khái quát hoá, tìm ra quy luật ngữ pháp, thì lại làm ngược lại, bê nguyên xi ngữ pháp nước ngoài áp đặt vào tiếng Việt!

Thật ra, thơ Nguyễn Du rất đúng ngữ pháp tiếng Việt, nhưng sẽ không khớp với cái khung ngữ pháp tiếng Pháp hay tiếng Anh. Chớ nên làm chuyện ngược đời: Gọt chân người Việt cho vừa giày Tây đóng sẵn!

Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Cao Xuân Hạo, khi còn sống, đã có lần cảnh báo: Những câu kiểu “dự án này được tài trợ bởi UNESCO”, v..v… là tiếng Việt… “bồi”! Bởi lẽ, nếu cứ trượt dài theo cái đà đó, thì sẽ có lúc một chàng ngố xứ ta nói với người yêu: “Anh được yêu… bởi em”!

Bắt chước ngữ pháp nước ngoài, chẳng tốn bao công sức! Khảo sát tỉ mỉ thực tế việc sử dụng muôn hình muôn vẻ tiếng Việt, để rồi từ đó, mày mò năm này qua năm khác, khám phá ra quy luật nội tại của ngôn ngữ đơn lập này, quả là một công việc gay go, vất vả hơn nhiều! Nguyễn Tài Cẩn, ngay từ đầu, đã đi theo hướng ấy.

Về cuốn Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng, từ ghép, đoản ngữ của Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo nhận xét:”

Cách đây 40 năm, bậc đàn anh của Việt ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã đem từ Liên Xô về lý thuyết âm tiết – hình vị, một lý thuyết có thể giúp giải quyết những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, từ đó vạch ra con đường khắc phục “chủ nghĩa dĩ Âu vi trung” (coi châu Âu là trung tâm/europeocentrism). Tiếc rằng hồi đó không ai hiểu ông!”

Cao Xuân Hạo là nhà ngôn ngữ học có uy tín quốc tế. Cho nên, lời đánh giá của ông về vai trò của “bậc đàn anh của Việt ngữ học Nguyễn Tài Cẩn” trong việc xây dựng ngữ pháp tiếng Việt là rất đáng tin.

Sự “tài tình” của cách đọc Hán-Việt

Một công trình khác của Nguyễn Tài Cẩn cũng mang lại cho bạn đọc trí thức nhiều hứng thú là cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt xuất bản năm 1979.

Không ít người Việt Nam – trong đó có tôi – mê thơ Đường. Lớn lên trong gia đình Nho học, ngay từ thuở bé, tôi đã được học thuộc lòng hàng trăm bài thơ Đường như Đề đô thành nam trang của Thôi Hộ:

Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Có thể nói, trong cả bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng tiếng Hán ấy, về mặt ngữ nghĩa, chỉ có hai chữ (tích và thử) là hơi lạ lẫm đối với một người Việt chưa có dịp học qua chữ Hán; còn 26 chữ khác thì đều quen thuộc từ lâu. Hơn nữa, về mặt thanh điệu, đọc bài thơ lên, ta cảm thấy bằng, trắc hài hòa, êm tai, đúng niêm luật. Dường như không có khoảng cách 12 thế kỷ giữa nhà thơ Thôi Hộ và chúng ta!

Nhà thơ Nam Trân, qua bút danh Tương Như, dịch rất sát nghĩa:

Cửa đây, năm ngoái, cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá?
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây!

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mượn ý hai câu thất ngôn cuối bài thơ Thôi Hộ để “sáng tạo lại” thành hai câu lục bát tuyệt hay:

Trước sau nào thấy bóng người!
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông…

Trong tiếng Việt, lớp từ Hán-Việt chiếm một tỷ trọng rất lớn, nhất là ở phong cách nghị luận, khoảng 60-70%. Mức độ phong phú của lớp từ này coi như vô hạn. Những thập niên gần đây, và cả từ nay về sau, khi cần, ta vẫn có thể mượn thêm những từ Hán mới.

Một số nhà khoa học thông thạo chữ Hán, như GS Hoàng Xuân Hãn, đã làm phong phú thêm tiếng Việt bằng vô số từ Hán hiện đại như: định lý, định luật, đẳng thức, phương trình, nguyên tử, phân tử, điện tử… Trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, lớp từ Hán-Việt cũng rất lớn: duy vật, duy tâm, cương lĩnh, chính sách, chiến lược, sách lược, du kích, chính quy, tiến công, phòng ngự, công hàm, hiệp định…

Tại sao cả một lớp từ “đông đúc” như vậy lọt sâu vào tiếng Việt, mà lại không làm thay đổi cấu trúc nội tại của Việt ngữ? Tại sao người Việt đọc tiếng Hán mà cứ y như đọc tiếng Việt? Cách đọc Hán-Việt có từ bao giờ? Nó đã biến đổi ra sao qua bao nhiêu thế kỷ?

Nguyễn Tài Cẩn muốn trả lời những câu hỏi “muôn năm cũ” ấy.

(Còn nữa)
_____________________________________________________

Posted in Chân dung các nhà ngôn ngữ học, Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và những cống hiến trong nghiên cứu chữ Nôm (nén tâm hương tưởng nhớ Thầy)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 27, 2011

Nguyễn Tuấn Cường

Điều đáng tiếc cho một kẻ “hậu học” trong ngành ngữ văn học như tôi là không có cái may mắn được trực tiếp học với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (2/5/1926 – 25/2/2011), nhưng qua việc đọc các công trình nghiên cứu của GS và tiếp thu tư tưởng khoa học của GS thông qua các thế hệ học trò của GS, tôi vẫn là học trò (của học trò (của học trò)) của GS theo tất cả các nghĩa của cách trình bày văn tự này.

Vì vậy, dù vẫn biết tình trạng sức khỏe của GS gần đây không được tốt, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng trước tin GS đã ra đi mãi mãi vào ngày 25/2/2011 tại Moskva. Muốn thắp nén tâm hương tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn, nhưng bởi cái lí do không được trực tiếp học với GS và vì thế ít có kỉ niệm với GS (dù tôi cũng có vinh hạnh gặp GS 4 lần), tôi đành tưởng nhớ đến anh hồn GS bằng con đường khoa học, con đường đã khiến GS được mãi ghi danh với đời.

Đứng trước di sản khoa học đồ sộ của GS Nguyễn Tài Cẩn, người ta thường dễ đồng điệu với cái cảm giác “ngưỡng chi di cao” (càng ngửa trông càng thấy cao) của Nhan Hồi đối với bậc sư biểu Khổng tử. GS đặt dấu ấn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực: ngữ pháp, ngữ âm, Hán Nôm, từ vựng, từ nguyên, Việt ngữ học, ngôn ngữ thơ, văn học, văn hóa… Kẻ hậu học này, vốn rất khiêm tốn về tuổi đời và càng khiêm tốn hơn về tuổi nghề, chỉ xin ngửa trông một góc nhỏ trong sự nghiệp khoa học của GS, đó là việc nghiên cứu chữ Nôm. Mặc dù chữ Nôm đã có lịch sử tồn tại trên 800 năm, nhưng việc nghiên cứu về chữ Nôm hầu như chỉ được đặt ra từ thế kỉ XX đến nay. Trong giai đoạn này, những công trình nghiên cứu về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn có vị trí nổi bật. Công việc mô tả lại những công trình đó là không cần thiết và, quan trọng hơn, không thể đầy đủ trong một bài viết ngắn, nên ở đây tôi chỉ xin lược điểm những cống hiến nổi bật của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực nghiên cứu hẹp này.

1. Xác lập những công cụ và phương pháp nghiên cứu chữ Nôm

Đối với ngành “Nôm học” (nếu có thể dùng thuật ngữ này), GS Nguyễn Tài Cẩn có công tích lớn trong việc xác lập những công cụ và phương pháp nghiên cứu, những tiền đề căn bản cho nghiên cứu chữ Nôm.
Từ rất sớm, GS đã dày công nghiên cứu về cách đọc Hán Việt (1971, 1972, 1979) với tư cách một khái niệm công cụ để nghiên cứu chữ Nôm, đặc biệt là vấn xác định thời điểm xuất hiện của loại văn tự này: “có thể là chữ Nôm đã hình thành đồng thời với âm Hán – Việt, nhưng cũng rất có thể là âm Hán – Việt hình thành trước, rồi một thời gian sau đó cha ông chúng ta mới dựa vào các chữ Hán đọc theo âm Hán – Việt để sáng tạo ra chữ Nôm” (1971). Phương pháp xác định niên đại hình thành chữ Nôm dựa vào thời điểm xuất hiện của hệ thống âm Hán Việt mà GS đưa ra vào thời điểm đầu thập niên 1970 như vậy là một quan điểm mới mẻ, khác với các quan niệm trước đó vốn phần nhiều căn cứ trên các bằng chứng (huyền) sử học và xã hội học có thiên hướng đẩy thời điểm xuất hiện của chữ Nôm lên sớm hơn thời điểm thực tế.

Bên cạnh dấu ấn trong nghiên cứu về âm Hán Việt, GS còn có nhiều cống hiến ở địa hạt nghiên cứu về âm đọc Cổ Hán Việt (còn gọi là Tiền Hán Việt) và âm đọc Hán Việt Việt Hóa (còn gọi là Hậu Hán Việt) để hình thành bức tranh ảnh hưởng ngôn ngữ (ngữ âm) giữa tiếng Hán với tiếng Việt trong lịch sử (1987). Điều này góp phần cải chính nhiều quan niệm về âm đọc và cách phân loại chữ Nôm ghi âm Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt Hóa của các bậc tiền bối như Vương Lực (1948), Đào Duy Anh (1975).

Ngoài ra, GS Nguyễn Tài Cẩn đã sớm tiến hành nghiên cứu về sự xuất hiện của từng cá thể chữ Nôm trong hệ thống chữ Nôm. Trong danh tác khoa học Một số vấn đề về chữ Nôm in năm 1985, GS đã dành 20 trang cuối ở mục Phụ lục (tr. 252-272) để trình bày bảng tra Một số chữ Nôm cổ đã gặp trong các văn bản có niên đại chính xác (từ thế kỉ XII đến thế kỉ XVII), trong đó liệt kê những ngữ tố (hình vị) tiếng Việt xuất hiện sớm nhất được ghi nhận trong các tư liệu khả tín bằng chữ Nôm. Ngày nay, với những điều kiện mới mẻ hơn về mặt tư liệu văn bản chữ Nôm, chúng ta vẫn đang chờ đợi một cuốn từ điển (hoặc khiêm tốn hơn: bảng tra) dày dặn hơn, cụ thể hơn về nội dung tương tự.

Bên cạnh đó, đường hướng trong nghiên cứu chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự cũng đã sớm được GS Nguyễn Tài Cẩn phác thảo (1981): cần đi từ văn tự học đại cương, sang văn tự học khu vực để hình dung về bức tranh văn tự trên thế giới và khu vực, rồi mới đi sâu vào nghiên cứu chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự ghi tiếng Việt. Hướng đi này đến những năm đầu thế kỉ XXI đã được sâu sắc hóa bằng công trình của Nguyễn Quang Hồng (2008).

2. Nghiên cứu vĩ mô: xác lập mô hình cấu trúc chữ Nôm

Xét từ góc độ cấu trúc văn tự học, việc nghiên cứu về cấu trúc chữ Nôm trong thế kỉ XX có thể phân chia thành hai giai đoạn khác nhau một cách tương đối rõ rệt. Trước năm 1975, các nghiên cứu văn tự học về chữ Nôm mang tính chất “khai sơn phá thạch”, chủ yếu dựa theo mô hình văn tự học Trung Quốc, lấy “Lục thư” (sáu phép cấu tạo chữ Hán: tượng hình, chỉ sự, hội ý, giả tá, chuyển chú) làm trung tâm để “lắp ráp” các phương thức cấu trúc chữ Nôm vào khuôn khổ phân chia ấy. Chúng ta có thể gặp ở đây những nhà nghiên cứu nổi tiếng đi theo đường hướng này: Văn Hựu (1933), Dương Quảng Hàm (1943), Trần Kinh Hoà (1949), Đào Duy Anh (1975)… Đặc biệt, công trình nổi tiếng Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến của GS Đào Duy Anh (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975) là “tập đại thành” cho đường hướng nghiên cứu này. Sau năm 1975, con đường ấy vẫn được tiếp tục triển khai, phần lớn từ phía các học giả nước ngoài như Lí Lạc Nghị (1986), Mã Khắc Thừa (1996) ở Trung Quốc, Wm. C. Hannas (1997) ở Mĩ – những người chủ yếu tiếp cận chữ Nôm qua cuốn sách của GS Đào Duy Anh, hoặc qua một vài bài viết có tính chất lược giới về chữ Nôm viết bằng tiếng Anh, chứ không cập nhật được tình hình nghiên cứu trong nước.

Bước sang năm 1976, việc nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm đã bước sang một thời kì mới với sự tiên phong của vị chủ tướng Nguyễn Tài Cẩn viết cùng Phu nhân là GS N.V Stankevitch qua bài viết Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm. Bài viết này đã thoát khỏi tư duy “Lục thư” truyền thống để chuyển sang sử dụng phương pháp khoa học hiện đại, nhìn nhận chữ Nôm như một đối tượng nghiên cứu văn tự học trong mối quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt, đặc biệt là ngữ âm học. Căn cứ theo các tiêu chí tự hình, tự âm, tự nghĩa, GS Nguyễn Tài Cẩn đã phân loại chữ Nôm lần lượt theo nhiều bước lưỡng phân liên tiếp để khái quát nên một mô hình cấu trúc chữ Nôm gồm 10 loại. Ở thời điểm năm 1976, đây là một mô hình phân loại khoa học nhất, toàn diện nhất (bởi hầu hết các cá thể chữ Nôm đều có thể quy vào đó). Phương pháp làm việc khoa học này đã ngay lập tức tạo ảnh hưởng tích cực đến các nghiên cứu sau này của Lê Văn Quán (1981), Nguyễn Ngọc San (1987), Nguyễn Khuê (1987-1988), Lê Anh Tuấn (2003)… Sang thế kỉ XXI, mô hình ấy được sửa đổi và tái thiết trong các công trình của Nguyễn Quang Hồng (2006, 2008).

Điểm đáng lưu ý về sự chuyển đổi hệ hình trên là việc GS Đào Duy Anh ngay từ năm 1975 đã thừa nhận sự khác biệt về phương pháp phân loại giữa ông và GS Nguyễn Tài Cẩn. GS Đào viết:
“Ông Nguyễn Tài Cẩn nói với tôi rằng nhà ngôn ngữ học có thể theo những cách phân loại chữ Nôm khác với cách của tôi, nhưng cuối cùng kết quả vẫn là hoàn toàn phù hợp với kết quả của tôi, như thế tỏ rằng cách phân loại của tôi vẫn đúng. Tôi xin nói thêm rằng tôi không theo cách phân loại của nhà ngôn ngữ học vì tôi thấy đối với người độc giả thông thường cách phân loại theo ngôn ngữ học hơi lạ và khó hiểu. Theo tôi cách phân loại này giản dị và dễ hiểu hơn, tôi cho rằng nó phù hợp với con đường suy nghĩ và những nguyên tắc người xưa đã dựa vào trong khi xây dựng chữ Nôm” (sđd, tr. 63, chú thích số 1).

Tất nhiên, ở đây mỗi học giả đã tùy theo quan điểm của mình để xác định cách tiếp cận nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm. Hơn nữa, cũng cần chú ý rằng cuốn sách trên của GS Đào in năm 1975, sau khi ông được nghe trao đổi với GS Nguyễn, chứ hẳn là ông chưa được đọc bài nghiên cứu công phu của GS Nguyễn sẽ được in vào 1 năm sau đó (1976) để có thể biết rằng cách phân loại của GS Nguyễn có sự khác biệt khá xa với ông, đặc biệt là về vấn đề tính khoa học trong phương pháp phân loại cấu trúc văn tự. Từ góc độ kế thừa khoa học, việc phản biện nhau và chấp nhận nhau giữa hai nhà nghiên cứu chữ Nôm thời danh ấy là rất đáng quý và đáng học hỏi.

3. Nghiên cứu vi mô: từ nan đề “song viết” đến trilogy Truyện Kiều

Ngoài thành công trên phương diện nghiên cứu chữ Nôm từ tầm vĩ mô, GS Nguyễn Tài Cẩn còn đặt dấu ấn của mình trong việc nghiên cứu vi mô đối với những chữ Nôm cá biệt vốn là “nan đề” trong nghiên cứu chữ Nôm xưa nay. Bài viết này chỉ xin đề cập đến hai trường hợp: hai chữ “song viết” trong thơ Nôm cổ thế kỉ XV-XVI và những chữ Nôm trong Truyện Kiều vốn rất phức tạp, từng gây nhiều tranh cãi.

Cách đọc và hiểu hai chữ “song viết” (双曰) xuất hiện nhiều lần trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập và Nguyễn Bỉnh Khiêm chắc chắn là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trong việc nghiên cứu các cá thể chữ Nôm suốt từ giữa thế kỉ XX đến nay, nó thu hút sự tham gia của không dưới 10 nhà nghiên cứu. Không yên tâm với cách hiểu thiên về phân tích tự hình chữ Nôm của các nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm (1956), Đào Duy Anh (1962), Đỗ Văn Hỉ (1967), GS Nguyễn Tài Cẩn trong các năm 1974 và 1975 đã đề xuất và tiến hành một cách tiếp cận mới toàn diện hơn, xuất phát từ tự hình để đi sâu vào phân tích ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp, liệt kê tất cả các khả năng có thể đọc và hiểu hai chữ đó, tham bác nhiều đối chứng từ các ngôn ngữ lân cận, kiểm tra trong các từ điển tiếng Việt trước thế kỉ XX, sàng lọc và thận trọng loại bỏ những khả năng phi thực hữu, từ đó gút lại một cách đọc rất mới mẻ là “rông vát” cho hai chữ Nôm đặc dị này, rồi lại kiểm tra tất cả các khía cạnh nghĩa của hai chữ ấy (7 khía cạnh nghĩa) trong các văn cảnh xuất hiện của chúng, và rồi với tất cả sự cẩn trọng cần thiết của một nhà khoa học, ông vẫn đề nghị để tồn nghi giải pháp trên, chờ nghiên cứu thêm. Dù cho sau này có thêm nhiều nhà nghiên cứu (Ngô Đức Thọ, An Chi, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thế…) tham gia tranh luận với các quan điểm ít nhiều khác nhau và khác với thuyết “rông vát”, nhưng phương pháp nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và thận trọng mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã áp dụng để đi đến kết quả ấy mãi là một tấm gương cho các nhà nghiên cứu sau này học hỏi.

Xét trên bình diện văn bản tác phẩm Nôm thì xưa nay không có hệ thống văn bản nào phức tạp bằng hệ thống văn bản Truyện Kiều. GS Nguyễn Tài Cẩn trong khoảng 10 năm đầu thế kỉ XXI đã liên tục cho vấn thế những công trình nghiên cứu có uy tín về văn bản và từ ngữ văn Nôm hệ thống văn bản phồn tạp ấy, tập trung nhất là 3 cuốn sách mà nhan đề đều mở đầu bằng “Tư liệu Truyện Kiều…” (2002, 2004, 2008).
Khởi đi từ những gợi ý về mặt nghiên cứu văn bản và từ ngữ của học giả Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Tài Cẩn từ những năm cuối thế kỉ XX đã đi sâu nghiên cứu vấn đề văn bản và ngôn ngữ Truyện Kiều theo hướng “tầm nguyên”, đi tìm “nguyên lời Nguyễn Du”, để đến năm 2002, cuốn chuyên khảo đầu tiên về bản Duy Minh Thị 1872 được ra mắt bạn đọc. Việc khảo cứu cụ thể một văn bản Truyện Kiều trong mối tương quan so sánh với những văn bản khác trong hệ thống văn bản Truyện Kiều không hẳn là một vấn đề quá mới (từ năm 1999, Thế Anh đã in cuốn sách phiên âm và khảo dị bản Kiều Oánh Mậu 1902: Đoạn trường tân thanh: Truyện Kiều đối chiếu Nôm – Quốc ngữ, NXB Văn học, 1999), nhưng cuốn sách trên của GS Nguyễn Tài Cẩn đã tự “biệt thành nhất gia” bởi tính chất khoa học và mới mẻ của nó.

Cuốn sách bàn đến bản Duy Minh Thị 1872 từ 3 khía cạnh (tương ứng với 3 phần nội dung sách): nghiên cứu văn bản, phiên Nôm, biện giải từ ngữ; cả 3 khía cạnh này đều được trình bày với nhiều ý tưởng mới lạ. Trong nghiên cứu văn bản, GS đặc biệt chú ý đến hiện tượng kiêng húy (hướng đi mà sau này ông tiếp tục đi sâu hơn) để tìm mối liên hệ giữa bản Duy Minh Thị 1872 với nguyên tác của Nguyễn Du. Về phiên âm, với những nghiên cứu sâu sắc về văn tự học chữ Nôm trước đó, GS đã công bố một bản phiên âm với nhiều giả thiết từ ngữ khá lạ lẫm và thú vị đối với giới “Kiều học”. Về biện giải từ ngữ, GS đã phát huy được sở trường ngữ âm học lịch sử, từ vựng học lịch sử và phương ngữ học của mình để tiến hành sàng lọc và lập luận về cách đọc, cách hiểu với từng trường hợp từ ngữ trong bản Duy Minh Thị 1872; phần này chính là điểm then chốt của cuốn sách, để cho nó có thể “biệt thành nhất gia”. Cách thức nghiên cứu trong cuốn sách này có giá trị gợi hướng cho các nhà nghiên cứu khác bắt tay thực hiện công việc ít nhiều tương tự đối với các văn bản khác nằm trong danh sách những bảnTruyện Kiều chữ Nôm có niên đại sớm nhất hiện biết: Liễu Văn đường 1871, Nguyễn Hữu Lập 1870, Liễu Văn đường 1866, Thịnh Mĩ đường 1879. Dù cho sau này có những nghiên cứu khác với GS về quan điểm văn bảnTruyện Kiều (Đào Thái Tôn, Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều: bản Liễu Văn đường 1871, NXB Khoa học Xã hội, 2006), nhưng chính ý kiến khác biệt ấy, như tác giả của nó thừa nhận, đã được gợi ý từ phương pháp nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn và công trình nghiên cứu về bản Duy Minh Thị 1872 của GS Nguyễn Tài Cẩn. Lại một lần nữa chúng ta được thấy tính năng sản về mặt phương pháp nghiên cứu của các công trình khoa học mà GS để lại cho đời. Phương pháp nghiên cứu nghiêm cẩn và khoa học ấy vẫn tiếp tục được thực hiện nhất quán trong hai cuốn sách mà GS in sau này (2004, 2008), tạo thành một “trilogy” (bộ ba) công trình nghiên cứu văn bản và từ ngữ Truyện Kiều mà người ta có thể dễ dàng nhận ra kể cả khi chúng không được dán nhãn “made by Nguyễn Tài Cẩn”. Đây chính là một xu hướng nghiên cứu quan trọng cần triển khai trong ngành “Kiều học” thế kỉ XXI mà người đặt những viên gạch nền tảng, không ai khác, chính là GS Nguyễn Tài Cẩn.

___________________________________________________

Danh mục công trình nghiên cứu chủ yếu về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn

1. Nguyễn Tài Cẩn (1971), Cứ liệu ngữ âm lịch sử với vấn đề thời kì xuất hiện của chữ Nôm, in trong: Tạp chí Ngôn ngữ, số 1; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 86-118.
2. Nguyễn Tài Cẩn (1972), Bổ sung thêm một số cứ liệu ngữ âm lịch sử có liên quan đến vấn đề thời kì xuất hiện chữ Nôm, in trong: Thông báo khoa học Trường Đại học Tổng hợp (Văn học – Ngôn ngữ), tập V, Hà Nội, 1972; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 119-137.
3. Nguyễn Tài Cẩn (1974), Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ “song viết”, in trong Tạp chí Văn học, số 2/1974; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 181-209.
4. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Bàn thêm về “song viết? song biết? song kiết?”, in trong: Tạp chí Văn học, số 6/1975; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 210-227.
5. Nguyễn Tài Cẩn,N.V. Stankevitch (1976), Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm, in trong: Tạp chí Ngôn ngữ, số 2: tr. 15-25; số 3: tr. 14-24. [Bài viết này được in lại nhiều lần trong một số cuốn sách về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn].
6. Nguyễn Tài Cẩn (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội; tái bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
7. Nguyễn Tài Cẩn,N.V. Stankevitch (1981), Chữ Nôm, một thành tựu văn hóa của thời đại Lí – Trần, in trong: Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lí – Trần, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 476-516.
8. Nguyễn Tài Cẩn (1985), Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985. [Cuốn sách này bao gồm 10 bài nghiên cứu, chủ yếu đã công bố rải rác từ năm 1971 đến năm 1981. Đây cũng là danh tác khoa học quan trọng nhất của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực nghiên cứu chữ Nôm].
9. Nguyễn Tài Cẩn (1987), Văn hóa chữ Hán và ngôn ngữ Việt Nam: vai trò của các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt hiện đại, in lần đầu bằng tiếng Nhật trong cuốn Hán tự dân tộc quyết đoán, Tokyo, 1987; in lại bằng tiếng Việt trong: Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 424-439.
10.Nguyễn Tài Cẩn (2001), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
11.Nguyễn Tài Cẩn (2002), Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
12.Nguyễn Tài Cẩn (2004),Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & NXB Văn học.
13.Nguyễn Tài Cẩn (2008), Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh, NXB Giáo dục.

______________________________________________________________

Posted in Chân dung các nhà ngôn ngữ học, Lịch sử tiếng Việt, Ngôn ngữ và văn hóa | Thẻ: , , | 1 Comment »

Tiếng Việt trên con đường chuẩn hóa

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Một 8, 2011

Lê Đình Tư

1. Sự phát triển của hệ thống ngữ pháp từ Trung đại đến Hiện đại

Song song với sự phát triển của hệ thống ngữ âm và từ vựng, hệ thống ngữ pháp của tiếng Việt cũng đã thay đổi khá nhiều để trở thành công cụ giao tiếp ngày càng hiện đại hơn. Quá trình phát triển hệ thống ngữ pháp của tiếng Việt có thể chia thành hai giai đoạn:

– Giai đoạn Trung đại ước chừng kéo dài từ đầu thế kỉ 16 cho đến đầu thế kỉ 19. Đây là giai đoạn bắt đầu có sự tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ châu Âu, mà trước hết là tiếng Tây Ban Nha, sau đó là tiếng Pháp và đến các ngôn ngữ châu Âu khác. Kết quả của quá trình tiếp xúc này là tiếng Việt đã thay đổi ở cả ba khía cạnh: khía cạnh chữ viết (dùng chữ Latinh thay cho chữ Hán) , khía cạnh từ vựng và đặc biệt là khía cạnh cấu trúc ngữ pháp. Một ví dụ: Trước kia, trong ngôn ngữ văn học người ta rất hay sử dụng cách viết các câu đối xứng từng đôi một (gọi là văn biền ngẫu). Ví dụ:

Một cành hoa trong vườn nhà vua,
Một vầng trăng ở dưới ao tiên
. (Mạc Đĩnh Chi)

Đó là một lối viết rất gò bó, và thường phù hợp với các kiểu câu trong thơ hay văn tế. Trong khi đó, cuộc sống và thế giới hiện đại rất phong phú đòi hỏi phải có những cấu trúc phức tạp hơn và tự do hơn. Hơn nữa, trong quá trình dịch các tác phẩm văn học (truyện ngắn, tiểu thuyết) hoặc khoa học của các tác giả châu Âu sang tiếng Việt, các dịch giả Việt Nam cũng đã bắt đầu tiếp nhận những cách viết của người châu Âu, từ đó bổ sung các cấu trúc mới hoặc cải tiến các cấu trúc cũ của tiếng Việt. Tuy nhiên, giai đoạn này cách viết cũ vẫn còn được sử dụng khá phổ biến.

– Từ giữa thế kỉ 19, tiếng Việt đã phát triển sang giai đoạn tiếng Việt hiện đại. Ở giai đoạn này, tiếng Việt tiếp tục hoàn thiện cấu trúc của mình để đáp ứng những yêu cầu khác nhau cộng đồng người Việt trong việc sử dụng nó làm công cụ giao tiếp và tư duy. Vào thời kì đầu của giai đoạn này, tiếng Việt có sự tiếp xúc sâu đậm với ngôn ngữ văn học và văn hoá Pháp. Trong điều kiện đó, tiếng Việt một mặt cố gắng tránh những ảnh hưởng tiêu cực của tiếng Pháp nhưng mặt khác đã chủ động lựa chọn những cái có lợi về mặt cấu trúc ngữ pháp và sau đó là về mặt từ vựng để hoàn thiện mình. Đáng chú ý là trong giai đoạn này, xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà cách mạng lớn có ảnh hưởng tới việc cải tiến tiếng Việt. Trong quá trình sáng tác của mình, họ đã có ý thức cải tiến cấu trúc câu tiếng Việt. Kết quả là trong tiếng Việt dần dần hình thành những cách viết, những cấu trúc ngữ pháp gần với các cấu trúc của tiếng Pháp hoặc của các ngôn ngữ châu Âu hơn. Câu văn tiếng Việt, vì thế ngày càng trở nên hiện đại hơn, phức tạp hơn nhờ đó có thể dùng để phân tích những diễn biến tâm lý, các trạng thái khác nhau trong quan hệ tình cảm của các nhân vật cũng như để mô tả các khía cạnh phong phú của cuộc sống con người và xã hội.

Quá trình thay đổi này còn có tác dụng thống nhất tiếng Việt, để tiếng Việt trở thành ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ văn học chung cho toàn thể cộng đồng dân tộc.

2. Vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt

Với sự thành công của Cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam độc lập, lần đầu tiên tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ chính thức của quốc gia, được sử dụng trong mọi hoạt động chính trị, xã hội. Tình hình mới này đặt ra cho tiếng Việt yêu cầu phải được chuẩn hóa. Trước hết, hệ thống ngữ âm tiếng Việt đã được chuẩn hoá một bước để có thể được đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường phổ thông. Đó là hệ thống bao gồm các âm được lựa chọn từ các phương ngữ chủ yếu của tiếng Việt với sáu thanh điệu. Hệ thống từ vựng của tiếng Việt cũng trở nên phong phú hơn nhờ được bổ sung một khối lượng đồ sộ từ ngữ mới, đặc biệt là các hệ thống thuật ngữ khoa học-kĩ thuật. Các nguyên tắc chính tả cũng được xây dựng để thống nhất cách viết trong cả nước. Điều đó được thể hiện trong các từ điển mô tả hệ thống từ vựng của tiếng Việt. Đặc biệt, các hệ thống phong cách chức năng của tiếng Việt cũng đã được xây dựng và nhờ đó, có thể đưa ra những yêu cầu về cách viết các loại văn bản.

Nhờ những cố gắng chuẩn hóa tiếng nói dân tộc, sự khác biệt giữa các phương ngữ và đặc biệt là giữa các thổ ngữ có xu hướng giảm dần và tiếng Việt đang hướng tới một sự thống nhất cao hơn.

Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, có thể nêu lên những đặc điểm chủ yếu của tiếng Việt như sau:

– Ngữ pháp tiếng Việt đã có sự biến đổi và hoàn toàn có khả năng diễn đạt tất cả các nội dung thông báo trong giao tiếp thông thường cũng như giao tiếp nghệ thuật.

– Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của toàn thể cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ Việt Nam: Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ văn hoá, ngôn ngữ toàn dân mà còn là ngôn ngữ chính thức trong giáo dục, khoa học và chính trị.

– Mặc dù vậy, tiếng Việt vẫn chưa được chuẩn hóa hoàn toàn, nhất là trong lĩnh vực phát âm, chính tả và các hệ thống thuật ngữ khoa học.

____________________________________________

Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ, Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , | 2 Comments »

Ảnh hưởng của các ngôn ngữ Ấn-Âu đối với từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 19, 2010

1. Lịch sử vay mượn từ ngữ Ấn-Âu

Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp vào nửa cuối thể kỉ XIX và thời kì cai trị của thực dân Pháp kéo dài trên 80 năm. Trong thời kì đó, tiếng Pháp đã được đưa vào giảng dạy và sử dụng trong các trường học và là ngôn ngữ chính thức của nhà nước thuộc địa. Do vậy, các từ ngữ tiếng Pháp đã xâm nhập vào tiếng Việt khá nhiều, và thông qua tiếng Pháp, một số từ ngữ của những ngôn ngữ Ấn-Âu khác như tiếng Anh hay tiếng Nga cũng đi vào tiếng Việt.

Tuy nhiên, sự tiếp xúc của tiếng Việt với các ngôn ngữ Ấn-Âu diễn ra muộn hơn nhiều so với tiếng Hán và một số ngôn ngữ châu Á khác. Lúc này, tiếng Việt đã tiếp nhận một cách có hệ thống những từ ngữ tiếng Hán cần thiết để bổ sung cho vốn từ vựng của mình, do đó các từ ngữ Ấn-Âu chỉ được tiếp nhận một cách lẻ tẻ và thường tập trung vào các lĩnh vực khoa học-kĩ thuật.

Thời kì đầu, tiếng Việt thường không tiếp nhận các từ ngữ Ấn-Âu một cách trực tiếp mà tiếp nhận gián tiếp qua tiếng Hán, do đó các âm Ấn-Âu đều có dáng dấp của âm Hán-Việt, ví dụ: câu lạc bộ; Nã Phá Luân; Ba Lê; Anh Cát Lợi, Ba Lan

Về sau, cách tiếp nhận này đã được thay thế bằng cách tiếp nhận trực tiếp hoặc thông qua tiếng Pháp. Thời gian gần đây, xu hướng tiếp nhận trực tiếp không qua tiếng Pháp ngày càng trở nên phổ biến. Ví dụ: makéttinh (t. Anh: marketing); cátxê (t. Anh: cash); (t. Anh: show), Vácsava

Ngoài việc tiếp nhận hình thức và ý nghĩa của các từ ngữ Ấn-Âu, tiếng Việt còn mô phỏng cấu trúc của một số từ ngữ Ấn-Âu, khiến cho trong tiếng Việt có những từ ngữ và cách nói có cấu trúc nghĩa giống như trong các tiếng Ấn-Âu. Ví dụ: chiến tranh lạnh; giết thời gian (t.Pháp); vũ trang tận răng, đĩa cứng, đĩa mềm (t. Anh); vườn trẻ, nhà văn hóa (t.Nga).

2. Các lớp từ ngữ Ấn-Âu trong tiếng Việt

– Tiếng Việt vay mượn từ ngữ Ấn-Âu trước hết là để bổ sung những từ ngữ còn thiếu mà chủ yếu là những từ ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học-kĩ thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các từ ngữ Ấn-Âu được mượn vào tiếng Việt còn nhằm mục đích bổ sung một lớp từ có nghĩa chính xác hơn từ thuần Việt hoặc Hán-Việt (ví dụ: xúp lơ, mù tạt), nhất là trong lĩnh vực thuật ngữ. Trong một số trường hợp đặc biệt, nguyên nhân vay mượn từ ngữ Ấn-Âu vào tiếng Việt chỉ là ý thích mang tính thời thượng (ví dụ: nhạc dance, cátxê).

– Tuy đều là từ ngữ gốc Ấn-Âu nhưng giữa các từ ngữ này có sự khác biệt về mức độ Việt hóa. Nhìn chung, có thể phân biệt những lớp từ ngữ Ấn-Âu sau đây:

+ Từ được Việt hóa cao độ. Đó là những từ ngữ Ấn-Âu mà xét về hình thức và cách thức hoạt động không khác gì với một từ thuần Việt. Nói chung, đây thường là những từ ngữ thông dụng, mức độ Việt hóa phải đủ cao để người Việt có thể sử dụng giống như những từ của tiếng Việt. Có thể nêu ra đây một vài cách Việt hóa từ ngữ Ấn-Âu như sau:

* Thêm thanh điệu cho các âm tiết, ví dụ: cà phê, vét tông, cà rốt.
* Bỏ bớt phụ âm trong các nhóm phụ âm, ví dụ: phanh (frein), gam (gramme), kem (crème), van (valse).
* Thay đổi một số âm cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, ví dụ: bốc (box), ba tê (paté), búp bê (poupée), pê đan (pédall).
* Rút gọn từ, ví dụ: xăng (essence) ; lốp (enveloppe); săm (chambre à air)

+ Từ chỉ được Việt hóa một phần. Thường thì đây là những từ ngữ khoa học – kĩ thuật thông dụng. Xét trên chữ viết, những từ ngữ này thường được viết các âm tiết liền nhau hoặc giữa các âm tiết có dấu gạch nối, Ví dụ: xêmina (xê-mi-na), côngtơ (công-tơ), ampe (am-pe), đôping (đô-ping), tuốcbin (tuốc-bin), complê (com-plê), phécmơtuya (phéc-mơ-tuya),

+ Những từ không được Việt hóa hoặc chỉ được Việt hóa rất ít. Đây thường là những thuật ngữ khoa học-kĩ thuật, cần phải giữ được tính chính xác và tính quốc tế, đồng thời cũng là những từ có phạm vi sử dụng hẹp. Ví dụ: electron, miliampe, microphon, automat.

Đương nhiên, trong những trường hợp cần thiết, người ta còn phải chuyển tự các từ vay mượn của các ngôn ngữ Ấn-Âu, ví dụ: dicdac (zigzag), xêmina (seminar).
___________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt, Từ vựng học, Từ vựng ngoại lai | Thẻ: , , , , , , | 2 Comments »

Ảnh hưởng của một số ngôn ngữ châu Á khác đối với từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 11, 2010

Lê Đình Tư

Ngoài những ảnh hưởng của tiếng Hán, tiếng Việt còn chịu ảnh hưởng của một số ngôn ngữ châu Á khác, đặc biệt là các ngôn ngữ Khơme (Khmer), ngôn ngữ Tày-Thái, ngôn ngữ Ấn Độ (tiếng Phạn, tiếng Pali).

1. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Khơme

Có ảnh hưởng lớn nhất trong số các ngôn ngữ kể trên là tiếng Khơme. Do sự tiếp xúc khá thường xuyên với tiếng Khơme, một số lượng khá lớn từ tiếng Khơme đã đi vào tiếng Việt và giữ vai trò quan trọng trong lớp từ cơ bản của tiếng Việt. Tuy nhiên, sự vay mượn các từ ngữ gốc Môn-khơme đã diễn ra ngay từ thời kì xa xưa cho nên có nhiều từ cho đến nay rất khó xác định rõ nguồn gốc. Vì vậy, nói đến những từ ngữ gốc Môn-Khơme, người ta thường chú ý tới những từ ngữ được vay mượn trong thời gian gần đây hơn. Có thể nói, trong thời gian gần đây (từ khoảng thế kỉ XIX), giữa tiếng Khơme và tiếng Việt đã có những mối quan hệ trực tiếp mà chủ yếu là qua phương ngữ Nam Bộ. Các mối quan hệ này đã để lại một số từ chỉ các loại cây cỏ đặc trưng cho vùng Nam Bộ như: xoài, thốt nốt, sầu riêng, hay từ biểu thị hoạt động, cách thức hoạt động của người và động vật như: nhậu (= ăn và uống), tùm lum (= lung tung), xài (ăn, dùng), cà lăm, cà nhắc, ba lăng nhăng.
Nói chung, các từ ngữ gốc Khơme được Việt hóa cao độ trong tiếng Việt nên nhiều người Việt vẫn coi đây là những từ thuần Việt.

2. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Tày-Thái

Ngoài tiếng Khơme, các tiếng Tày-Thái cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến tiếng Việt. Nhưng những ảnh hưởng của tiếng Tày-Thái đối với tiếng Việt thường liên quan đến giai đoạn phát triển sớm hơn của tiếng Việt, tức là giai đoạn Việt-Mường. Trong giai đoạn sớm đó, giữa các ngôn ngữ trong vùng đã có sự tiếp xúc thường xuyên và chúng đã ảnh hưởng lẫn nhau theo nhiều chiều, khá phức tạp. Chính vì vậy, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định một cách chắc chắn những ảnh hưởng cụ thể của tiếng Tày-Thái đối với tiếng Việt hoặc ngược lại. Có nhiều khả năng tiếng Việt đã ảnh hưởng đến các ngôn ngữ Tày- Thái về mặt từ vựng chuyên môn (chính trị, khoa học, kỹ thuật), còn các tiếng Tày-Thái thì ảnh hưởng tới tiếng Việt về từ vựng sản xuất nông nghiệp. Có một điều chắc chắn là trong tiếng Việt hiện đại có nhiều từ mà hình thức ngữ âm và ý nghĩa giống hoặc gần giống với các từ tương đương trong các tiếng Tày-Thái. Ví dụ, so sánh:

Tiếng Việt: bún, hái, chóc (chim), dứa, ớt, quế.

Tiếng Tày-Thái: pún, hải, chộc, dửa, ớt, quẻ.

Hơn nữa, trong tiếng Việt ngày nay có một số từ ghép được tạo ra bằng cách kết hợp một từ thuần Việt và một từ gốc Tày-Thái. Ví dụ: chó má (má = chó, gốc Tày-Thái), mặt nạ (nạ=mặt, gốc Tày-Thái), súng ống (ống=súng, gốc Tày-Thái), chim chóc (chóc=chim, gốc Tày Thái).

Chính vì vậy, biết được nguồn gốc Tày-Thái (và cả nguồn gốc Môn-Khơme) của một số từ tiếng Việt, ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của các từ ghép trong tiếng Việt.

3. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Ấn Độ

Ấn Độ ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam về mặt văn hóa, tôn giáo. Việc tiếp thu các tôn giáo và các phép tu luyện Ấn Độ (như Yoga) đã khiến cho một số lượng lớn từ ngữ Ấn Độ được du nhập vào tiếng Việt. Tuy nhiên, do các sách kinh được truyền vào Việt Nam qua tiếng Hán nên nhiều từ ngữ Ấn Độ đã được phiên âm qua tiếng Hán và vì thế không còn giữ được cấu trúc âm thanh tiếng Phạn hay Pali. Ví dụ: Phật/Bụt (buddha), Tiểu thừa (hīnayāna), /Đại thừa (mahāyāna), Niết bàn (nirvāṇa), luân hồi (saṃsāra), Bồ Tát (bodhisattva). Riêng ở miền Trung Việt Nam, người Chăm đã tiếp thu đạo Bà la môn của Ấn Độ không qua tiếng Hán nên các từ ngữ vay mượn của Ấn Độ (tiếng Phạn, tiếng Pali hoặc tiếng Hinđu) vẫn giữ được âm gốc. Ví dụ: Shiva, Linga.

4. Ảnh hưởng của tiếng Nhật

Tiếng Nhật, nói chung, không có ảnh hưởng nhiều đến tiếng Việt ở giai đoạn phát triển sớm. Mãi đến thế kỉ XIX, tiếng Nhật mới có một ít ảnh hưởng đối với tiếng Việt, nhưng đó không phải là ảnh hưởng trực tiếp mà là ảnh hưởng gián tiếp thông qua tiếng Hán. Vào thời gian này, người Nhật đã tiếp xúc với châu Âu và làm quen với những khái niệm mới như: dân chủ, cộng hòa, kinh tế chính trị, xã hội…Họ đã dùng chữ Hán để dịch các khái niệm này. Về sau người Hán đọc các từ này theo âm Hán rồi người Việt lại mượn vào tiếng Việt và đọc theo âm Hán-Việt. Đây là lí do vì sao có những từ mượn của tiếng Hán nhưng người Việt không hiểu được cách cấu tạo, ví dụ: trường hợp, xã hội, kinh tế. Gần đây, một số từ ngữ tiếng Nhật đã được mượn thẳng vào tiếng Việt, ví dụ: kimônô, giuđô, karate, karaôkê.

_____________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

Ảnh hưởng của tiếng Hán đối với sự phát triển của từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 5, 2010

Lê Đình Tư

1. Từ tiếng Hán và từ Hán-Việt

Quá trình tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán đã để lại trong tiếng Việt một tỉ lệ lớn các từ vay mượn của tiếng Hán, gọi là từ gốc Hán hay từ Hán-Việt. Theo các nhà nghiên cứu thì khoảng hơn 60% số từ của tiếng Việt là từ vay mượn của tiếng Hán. Tuy nhiên, các từ tiếng Hán khi đi vào tiếng Việt đã được Việt hóa về cách đọc cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt. Đó gọi là cách đọc Hán-Việt. Cách đọc này đã được hoàn thiện từ khoảng thế kỉ X- XI và được sử dụng ổn định cho đến nay. Điều đó có nghĩa là các từ vay mượn của tiếng Hán được người Việt đọc theo âm cổ – âm tiếng Hán đời Đường – có sự Việt hóa ít nhiều cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Trong khi đó tại Trung Quốc, trải qua các thời kì khác nhau, cách phát âm của các từ đã thay đổi nhiều. Điều này giải thích tại sao từ tiếng Trung hiện đạitừ Hán-Việt có cách đọc không giống nhau. Ví dụ: từ dìfēng của tiếng Trung được người Việt đọc là địa phương. Mặt khác, các từ gốc Hán trong tiếng Việt cũng có sự khác biệt về nghĩa và cách sử dụng so với từ tương đương trong tiếng Trung hiện nay. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ ngoại ô được dùng để biểu thị ý nghĩa ‘lãnh vực bên ngoài thành phố’ nhưng tiếng Trung lại dùng thị giao, thành giao để biểu thị ý nghĩa này. Không những thế, tiếng Việt còn dùng các yếu tố gốc Hán để tạo ra từ mới chỉ dùng trong tiếng Việt, ví dụ: tiểu đoàn, đại đội, hoặc kết hợp một yếu tố gốc Hán với một yếu tố thuần Việt để tạo ra từ mới, ví dụ: binh lính, tàu hỏa, đói khổ. Ngoài ra, trong tiếng Việt còn có một số từ gốc Hán nhưng không đọc theo âm Hán-Việt, ví dụ: rồng – long; sức – lực, xin – thỉnh, hoặc các từ gốc Hán mượn qua khẩu ngữ, ví dụ: mì chính, xì dầu…

2. Mục đích vay mượn từ tiếng Hán

Nhìn chung, tiếng Việt vay mượn các từ ngữ tiếng Hán để phục vụ cho hai mục
đích
:

1) Bổ sung những từ còn thiếu

Tiếng Việt thời kì đầu còn thiếu rất nhiều từ, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, văn học – nghệ thuật, luật pháp, chính trị, kinh tế, quốc phòng, giáo dục. Để bổ sung những từ còn thiếu, người Việt một mặt đã tạo ra một số từ mới trên cơ sở các nguyên tắc cấu tạo từ tiếng Việt, song mặt khác cũng đã vay mượn một số lượng lớn từ ngữ tiếng Hán. Việc vay mượn các từ ngữ tiếng Hán đã diễn ra trong một thời gian rất dài, ngay từ khi tiếng Việt còn chưa trở thành ngôn ngữ độc lập. Tuy nhiên, những từ ngữ vay mượn từ xa xưa của tiếng Hán đã bị thay đổi nhiều trong tiếng Việt và chúng hoạt động giống như từ thuần Việt nên nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là từ thuần Việt, ví dụ: buồng (phòng), buồn, mây, chè… Vì vậy, khi nói đến từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt, thường người ta nghĩ đến những từ được vay mượn trong thời kì tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ độc lập và được đọc theo một nguyên tắc chung giống nhau: đọc theo âm Hán-Việt. Ví dụ:

– Các từ trong lĩnh vực văn hóa: lễ nghi, lễ hội, tôn giáo, giáo phái, văn minh.
– Các từ trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật: tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc, trữ tình.
– Các từ trong lĩnh vực luật pháp: hiến pháp, luật sư, tòa án, quy định, hình sự.
– Các từ trong lĩnh vực chính trị: chính phủ, độc lập, phụ thuộc, dân chủ, liên minh.
– Các từ trong lĩnh vực kinh tế: công nghiệp, tư bản, tỷ giá, chứng khoán.

Có thể thấy rằng, đây chủ yếu là những thuật ngữ khoa học-chuyên môn.

2) Tạo ra một lớp từ có sắc thái nghĩa khác với từ đã có trong tiếng Việt

Do được sử dụng nhiều nên từ ngữ tiếng Việt thường có đặc điểm của từ ngữ giao tiếp hàng ngày. Điều đó làm cho chúng không thể dùng để biểu thị các sắc thái nghĩa trang trọng hay khái quát. Để khắc phục tình trạng này, tiếng Việt vay mượn một số từ ngữ tiếng Hán có nghĩa cơ bản giống với từ tiếng Việt nhưng được bổ sung thêm một sắc thái nghĩa khác. Điều này làm xuất hiện những cặp từ đồng nghĩa, trong đó từ thuần Việt và từ Hán-Việt chỉ có sắc thái nghĩa khác nhau. Ví dụ:

– Từ thuần Việt gây cảm giác thô tục, ghê sợ hoặc đau đớn còn từ Hán-Việt tạo cảm giác lịch sự, trung hòa. Ví dụ:

Từ thuần Việt: chảy máu, chết, nôn

Từ Hán-Việt: xuất huyết, từ trần, thổ

– Từ Hán-Việt tạo ra cảm giác trang trọng hơn từ thuần Việt. Ví du:

Từ thuần Việt: cưới nhau, đàn bà, người già

Từ Hán-Việt: hôn nhân, phụ nữ, phụ lão
___________________________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

HỖN NHẬP NGÔN NGỮ – MỘT GIẢI PHÁP HIỆN ĐẠI HÓA TIẾNG VIỆT THEO QUAN ĐIỂM PHẠM QUỲNH

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười 1, 2010

Đặng Hoàng Oanh

Giai đoạn đầu thế kỉ XX đánh dấu những biến đổi sâu sắc trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các nhà văn học sử thường gọi đó là “giai đoạn giao thời”. Đây cũng là thời kì Việt Nam ở giữa “giao điểm của các nền văn minh” [4, tr.116]. Sự gặp gỡ giữa sức mạnh khoa học kĩ thuật phương Tây và minh triết thâm trầm phương Đông, cùng hai đối cực động – tĩnh đã phá vỡ hoàn toàn sự cân bằng vốn có của xã hội cũ đã tồn tại hàng ngàn năm. Điều đó đã tạo nên “trạng thái bất ổn về tinh thần có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển đầy điện tích dông bão” [4, tr.340]. Phạm Quỳnh đã nhận ra tình trạng bất ổn ấy, và ông xem đó là những dấu hiệu khủng hoảng của văn hóa dân tộc trên con đường hòa nhập với phương Tây. Ông nhận thức một cách rõ ràng: nền văn hóa dân tộc đang cần một cuộc cải cách lớn. Trong hàng loạt những công việc phải tiến hành, có một việc hết sức cấp thiết: hiện đại hóa tiếng Việt. Điều này xuất phát từ mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và ngôn ngữ. Phạm Quỳnh tâm niệm: “muốn có một nền văn hóa dân tộc thì phải tồn tại một ngôn ngữ dân tộc hoàn thiện xứng đáng là ngôn ngữ văn hóa” [4, tr.457].

Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, thuộc về văn hóa. Nếu như “lịch sử mọi nền văn hóa không chỉ là sự phát triển tự thân nó mà còn là lịch sử của mối quan hệ giữa nó với các nền văn minh khác” [2], thì ngôn ngữ cũng không “đơn độc” trên con đường tự hoàn thiện. Bởi vậy, khái niệm “hỗn nhập ngôn ngữ” không còn là điều quá mới mẻ. Lịch sử cho thấy, ngôn ngữ của mỗi một dân tộc đều phải trải qua thời kì vay mượn và biến đổi. Vì thế, theo Phạm Quỳnh, hỗn nhập ngôn ngữ là quy luật không thể tránh khỏi đối với bất kì ngôn ngữ nào. Ông thấy rõ quá trình này ở những ngôn ngữ đã đạt đến độ hoàn thiện và chuẩn mực như tiếng Pháp – thứ ngôn ngữ có cả một lịch sử hỗn nhập tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Tiếng Việt không thể là một ngoại lệ.

Có một thực tế, công cuộc hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc diễn ra những năm đầu thế kỉ XX ở Việt Nam không khởi đầu từ một “vùng đất trắng”. Tiếng Việt văn hóa trước đó đã có cả một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Đó là một thứ tiếng có bản sắc riêng, có sức sống mạnh mẽ. Trải qua hai cuộc tiếp xúc bằng con đường cưỡng chế, văn hóa Việt Nam đã cho thấy một khả năng thích nghi, hòa nhập như một điều kiện sống còn. Cuộc “cấy ghép” những yếu tố văn hóa ngoại lai đầu tiên thể hiện ở việc du nhập Nho giáo và văn tự Hán vào đời sống của người Việt. Chữ Hán ở nước Nam “có vai trò gần giống như chữ Latinh ở các nước Âu châu thời trung cổ trước khi hình thành các ngôn ngữ dân tộc khác nhau” [4, tr.436]. Tiếng Hán và văn tự của nó là phương tiện chính thống, là công cụ đắc lực trong bộ máy hành chính, trong hoạt động thi cử và sáng tác văn chương. Tất cả, từ các loại sách vở cho đến thư từ cá nhân… đều được viết bằng chữ Hán. Chữ Hán gắn với một nền học thuật kinh viện và nền văn học viết suốt cả chục thế kỉ. Sự xuất hiện của chữ Nôm sau đó cũng không phá vỡ được thế độc tôn của chữ Hán trên các phương diện của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.

Chữ Nôm ra đời đã cho thấy một nỗ lực tìm kiếm bản sắc riêng cho ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, vốn là “tên gọi của cách viết biểu ý trong thời cổ đại và trung đại của tiếng Việt dựa trên những thành tố của chữ Hán” [5], chữ Nôm vẫn không thể thoát thai khỏi những đường nét của văn tự Hán. Do vậy, nền văn học chữ Nôm dù có những tác phẩm đạt đến độ chuẩn mực của tiếng Việt, vẫn không thể có được vị trí của nền Hán văn kinh viện. Phạm Quỳnh hiểu ra rằng: “Chỉ có một ngoại lệ vào hồi đầu thế kỉ XIX: một nhà nho là Nguyễn Du đã viết Nôm cả một cuốn Kim Vân Kiều truyện, cuốn tiểu thuyết bằng thơ đó thực sự là một kiệt tác, nó cho thấy những khả năng của tiếng Nam và một khi nhà văn có tài sử dụng nó thì có lợi đến đâu” [4, tr.437].

Bên cạnh nền văn học viết Hán Nôm, trong dân gian vẫn tồn tại một dòng chảy đầy thi vị: một kho tàng nghệ thuật độc đáo của tác giả dân gian. Trong con mắt Phạm Quỳnh, những sáng tác đó “là một trong những nền văn học phong phú nhất thế giới, một cái mỏ không vơi cạn những điều chỉ dẫn quý báu cả cho những người nghiên cứu ngữ học và những nhà văn hóa dân gian” [4, tr.437]. Ông hình dung: “Trong khi các nhà nho khép mình trong tháp ngà vui thú viết những bài thơ chữ Hán giống như các bài thơ chữ Latinh vậy hoặc là bình chú sách cổ, thì dân chúng làm hình thành tiếng nói và sản sinh ra một nền văn học phong phú bao gồm các câu phương ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ nói về những chuyện xa xưa hay các tập tục từng vùng quê, các bài ca dao dài ngắn kể chuyện những người tài, những danh nhân lịch sử của nước Nam, của Trung Hoa, những anh hùng truyền thuyết hay có thật, các bài dân ca huê tình dịu dàng, mượt mà ngân lên trong những đêm hè dưới mái nhà tranh nhỏ bé hay giữa ruộng đồng ao hồ bao la và như dội lại trong không gian vắt vẻo lên tới đỉnh ngọn tre xào xạc” [4, tr.437]. “Trong khi các nhà nho say sưa vịnh cảnh và người Trung Hoa thì các ca sĩ dân gian đã tìm được chất giọng như thế để thổ lộ tình yêu trắc trở, để gợi nhắc kỉ niệm bùi ngùi” [4, tr.438]. Song nền văn học dân gian thấm đẫm chất huê tình và đầy mộc mạc quê mùa ấy vẫn có một sự cách biệt quá xa so với cái mẫu mực văn học của nho gia.

Vì thế, cơn gió phương Tây đầu thế kỉ thổi vào Việt Nam không khác gì giọt nước làm tràn ly. Yếu tố có thể làm thay đổi cơ bản bộ mặt văn hóa Việt Nam là chữ quốc ngữ – một trong những thành quả đầu tiên của sự tiếp xúc Đông Tây. Bởi “khi mà hệ thống nhà trường truyền thống chỉ dạy tiếng Hán vẫn còn sống vật vờ”, “tiếng Nam không phát triển lên được và bị liệt vào hàng nôm na mách qué bị tầng lớp nhà nho coi thường” [4, tr.439], thì sự xuất hiện của chữ quốc ngữ dường như đã đem triển vọng mới cho sự phát triển của tiếng Việt văn hóa. Phạm Quỳnh đã đặt vào đó tất cả mọi hi vọng lớn lao mà theo ông là “công cụ tuyệt diệu để giải phóng trí tuệ” [4, tr.439]. Trong một lần diễn thuyết trước người Pháp, ông khẳng định: “thứ chữ này nhờ sử dụng bảng chữ cái Latinh và hệ thống ghi âm vô cùng thích hợp với các ngữ điệu của tiếng nước tôi, đã xích chúng tôi lại gần hơn nữa với các chữ viết châu Âu và đã cho chúng tôi một ưu thế vô giá đối với các chữ viết Trung Hoa và Nhật Bản” [4, tr.439].

Tuy nhiên, chữ quốc ngữ với tuổi đời còn non trẻ, vẫn là một hiện tượng mới mẻ và xa lạ với các sĩ phu nho sĩ nước Nam. Phạm Quỳnh biết rất rõ rằng: “Thực tế là mãi gần đây chữ quốc ngữ vẫn không vượt qua được bậc cửa của các giáo đoàn và chủng viện và những người Nam đầu tiên biết dùng thông thạo thứ chữ đó là các giáo sĩ cơ đốc” [4, tr.440]. Trong khi đó, chữ Hán và nền giáo dục lỗi thời kiểu Tàu vẫn giữ một vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Văn xuôi chữ Hán vẫn đầy rẫy những lối viết biền ngẫu đăng đối đầy bóng bẩy, du dương. “Chữ Hán đã tiêm nhiễm vào trong trí não người nước Nam sâu lắm rồi, đã thành cái biểu hiện tự nhiên cho tư tưởng cảm giác của người mình trong mấy mươi thế kỉ nay” [3, tr.51]. Chính thực trạng bộn bề đó đã đặt ra một yêu cầu cấp thiết, đó là hiện đại hóa tiếng Việt bằng con đường hỗn nhập ngôn ngữ. Chỉ có hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc và thống nhất ngôn ngữ trên toàn lãnh thổ thì mới thực thi được những nhiệm vụ tiếp theo trên tiến trình cải cách văn hóa nước nhà.

Phạm Quỳnh hiểu một cách sâu sắc mối quan hệ máu thịt giữa ngôn ngữ và văn hóa, giữa ngôn ngữ với đời sống tâm hồn dân tộc. Trong nhận thức ấy, khi hình dung về một chiến lược cần thiết cho sự phát triển tiếng Việt theo hướng hiện đại hóa, ông phải tính đến vị thế và tương quan của từng thành phần ngôn ngữ trong bức tranh chung tiếng nói dân tộc. Chẳng hạn, trong lịch sử tiếng nói nước Nam, có sự cách biệt khá lớn giữa ngôn ngữ nhà nho và ngôn ngữ dân chúng. Ngôn ngữ nhà nho luôn được xem là ngôn ngữ chính thống, trái ngược hoàn toàn với khẩu ngữ trong sinh hoạt. Phạm Quỳnh đã nhận ra sự hạn chế trong nội bộ của mỗi bộ phận ngôn ngữ ấy. “Ngôn ngữ nhà nho dù sao vẫn chỉ là thứ ngôn ngữ nhân tạo đầy rẫy những kiểu cách vay mượn từ tiếng Hán, đồ theo văn phong Hán” [4, tr.475], còn “tiếng nói dân gian thú vị và phong phú, sinh ra từ chốn thôn quê đồng ruộng nhưng còn thô phác, còn quá cụ thể chưa vươn lên được cao hơn những cảm quan, chưa diễn tả được những tư tưởng có phần cao siêu, tóm lại là một thứ tiếng nói có thể nói là còn hỗn loạn, ngoài khuôn phép” [4, tr.448]. Để khắc phục những điểm yếu có tính truyền thống ấy, theo ông, bộ phận ngôn ngữ này có thể rút tỉa từ bộ phận ngôn ngữ kia những ưu điểm mà mình không có để tự hoàn thiện. Chẳng phải ngôn ngữ nhà nho rất cần một chút mộc mạc, thô phác của khẩu ngữ, còn ngôn ngữ dân chúng lại cần một chút khuôn mẫu, sâu sắc? Thực chất, đây cũng là một kiểu hỗn nhập.

Phạm Quỳnh đã vạch ra một cách thức có “bài bản”, có “lộ trình” hẳn hoi cho việc cải tạo tiếng nước Nam. Bước đi thứ nhất là thông tục hóa ngôn ngữ nhà nho bằng cách “nhúng” nó vào nguồn mạch sâu xa của khẩu ngữ; nâng cao ngôn ngữ dân chúng bằng cách thêm vào nó một số ngữ điệu văn chương và bồi đắp cho nó tất cả những từ Hán Việt đã được công nhận sử dụng. Công việc này đòi hỏi phải khéo léo và có mức độ. Đó là một sự cải biến kiên trì, chỉ có thể làm được khi có sự hiểu biết sâu sắc cả hai bộ phận ngôn ngữ. Khi đã hạn chế được sự thô thiển của khẩu ngữ cũng như sự khoa trương của văn chương bác học, tiếng Việt sẽ “vừa có cái thanh lịch của nhà nho vừa có cái mạnh mẽ của dân chúng” [4, tr.476]. Những công việc cụ thể ấy không hề là lý thuyết suông, trái lại, có thể thực thi được. Sau này, khi chúng ta kêu gọi các trí thức, các nhà văn phải học tập ngôn ngữ đời sống, thì quan điểm đó chẳng phải đã được khởi xướng từ ông chủ Nam Phong tạp chí từ những năm 20 – 30 của thế kỉ XX đó sao? Với lòng yêu thiết tha thứ khẩu ngữ giản dị, mộc mạc, trong sáng của những kẻ mà ông gọi là bình dân du ca, thái độ tôn trọng ngôn ngữ bác học đã theo suốt con đường học thuật của nho sĩ, phần nào tạo nên nhân cách nhà nho trong ông, Phạm Quỳnh đã đưa ra ý tưởng dung hòa rất kịp thời nhằm bước đầu tháo gỡ những bế tắc. Trên con đường đổi mới tiếng Việt lâu dài và khó khăn, Phạm Quỳnh đã đưa ra một “dự án” dẫu có phần “lãng mạn”, nhưng ở thời điểm đó, ít ai nghĩ được như ông.

Nhưng đó mới chỉ là những “viên gạch” đầu tiên của một công trình kiên cố về sau. Phạm Quỳnh hiểu rằng: “thứ ngôn ngữ sinh ra từ sự hợp nhất hai yếu tố dân gian và bác học nếu trong quá trình tự hoàn thiện mà có thể trở thành một ngôn ngữ văn học thực sự thì như vậy vẫn chưa đủ để nó làm nhiệm vụ của một ngôn ngữ văn hóa. Nó vẫn thiếu vốn từ kĩ thuật và triết học để dịch và diễn tả các tư tưởng và quan niệm hiện đại” [4, tr.476]. Làm thế nào lấp được chỗ trống? Câu trả lời chính là vay mượn ngôn ngữ.

Trước hết là vay mượn từ tiếng Hán.

Không ít lần trong những bài viết của mình, Phạm Quỳnh khẳng định tính tất yếu của sợi dây ràng buộc giữa Việt Nam và Trung Hoa ở nhiều phương diện. “Nước Nam bao giờ cũng chỉ là một học trò của Trung Hoa. Trong nghệ thuật, văn học, triết học, nó luôn sống dựa vào kho tàng quan niệm chính truyền từ Trung Hoa” [4, tr.445]. Ngôn ngữ cũng vậy. Rời bỏ chữ Hán, theo Phạm Quỳnh chỉ là sự “bội bạc với tiền nhân”. Hơn nữa sự vay mượn ấy hoàn toàn không làm mất đi bản sắc riêng của tiếng Việt, mà còn làm giàu tiếng Việt một cách vô điều kiện: “Các từ Hán là từ biểu ý chỉ cần chữ ghi lại không cần đến phát âm; khi chuyển qua tiếng Nam chúng được phát âm theo kiểu tiếng Nam, phục tùng mọi yêu cầu ngữ âm của tiếng Nam và do đó trở thành những từ của tiếng Nam” [4, tr.476]. Đó chính là hiện tượng “nhập tịch ngôn ngữ” đặc biệt. Nó đi theo hai nguyên tắc bất di bất dịch. Thứ nhất, “không vay mượn thô thiển từ ngữ tiếng Hán nằm trong khẩu ngữ, bạch thoại…mà vay mượn ở một cái kho chung là tiếng Hán, một thứ tử ngữ chung cho tất cả các dân tộc vùng Viễn Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa” [4, tr.447].Thứ hai, chỉ vay mượn trong trường hợp thật sự cần thiết, khi tiếng Việt chưa thể biểu đạt hết mọi ý nghĩa, bởi theo ông, “viết câu tiếng Nam đầy những từ Hán khó hiểu cũng lố bịch như là bài trừ tất cả các từ Hán để chỉ dùng từ Nam không thôi” [4, tr.478].
Vậy, sự vay mượn diễn ra như thế nào?

Theo Phạm Quỳnh, thoạt tiên, sự vay mượn đó diễn ra ở cấp độ từ ngữ. Chữ Hán là “chữ biểu ý đặc biệt thích hợp để thể hiện các tư tưởng”, cho nên “lớp từ vựng trừu tượng, từ vựng chỉ các tư tưởng, khoa học, luân lý, chính trị, triết học” khi gia nhập vào kho từ vựng của tiếng Việt sẽ làm phong phú thêm vốn từ và tăng khả năng biểu đạt. Phạm Quỳnh cũng nhận ra ưu thế tuyệt đối của chữ Hán chính là “khả năng kết hợp vô tận”, thậm chí “đạt tới trình độ đủ để dịch tất cả các thuật ngữ chuyên môn của triết học hiện đại giống như hơn nghìn năm trước nó đã được dùng để dịch tất cả hệ thuật ngữ triết học Phật giáo còn trừu tượng và phức tạp hơn nhiều” [4, tr.450]. Dầu vậy, hiện tượng “nhập tịch” ngôn ngữ đó cũng phải được nhìn từ hai chiều. Ngoài việc phải chọn từ sao cho thích hợp, đích đáng để thể hiện hết mọi vẻ đẹp của nó trong văn phong Việt, còn phải tùy vào “tính cách và trình độ của bài văn” [3, tr.64]. Không phải kiểu văn bản nào cũng thích hợp cho việc vay mượn từ mà còn phải phù hợp với cái gọi là “tính cách văn”. Những kiểu bài như nhật báo mà yếu tố tin tức đặt lên đầu thì việc dùng chữ Nho là không cần thiết. Những văn bản mà Phạm Quỳnh gọi là “văn kĩ thuật” tức là văn sử, văn nghị luận, văn thuyết lý thì chữ Nho mới là đắc dụng.

Chữ Nho còn có thế mạnh thể hiện vai trò là ngôn ngữ trung gian trong việc phiên âm một số danh từ riêng từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. “Chúng tôi đã phiên âm tên Napoleon thành ba từ Hán Nam: Nã-phá-luân đọc lên nghe rất vang và có âm sắc thực sự của một chiến binh tuyệt vời. Theo cách đó, tên Washington (Hoa-thịnh-đốn) nghe cũng rất dễ chịu. Và tên Paris được phiên thành Pha lê thành (thành phố thủy tinh) thì thật không lựa chọn nào tốt hơn” [4, tr.452].

Thực tế cho thấy, từ Hán Việt chiếm một số lượng lớn và là một phần không thể thiếu trong kho từ vựng của tiếng Việt. Phạm Quỳnh nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần tính chất cần thiết của vay mượn từ vựng giống như tiếng Pháp và tiếng Latinh.
Tiếp đó, tiếng Việt không thể không vay mượn tiếng Pháp.

Vốn từ tiếng Pháp du nhập vào kho từ vựng tiếng Việt không nhiều. Nhưng tiếng Việt lại rất cần ở tiếng Pháp cái cấu trúc khoa học, đầy lí tính của nó. Nghĩa là, tiếng Việt cần vay mượn tiếng Pháp cả từ vựng lẫn cú pháp.

Tiếng Pháp đã đưa lại cho tiếng Việt tinh thần hoàn toàn mới với lớp từ mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. “Những vay mượn này gồm có những từ ngữ Pháp dịch sang những từ ngữ Nam tương đương, có khi là phiên âm những từ Pháp sang âm tiếng Nam hay có khi là phiên âm những từ Pháp vào tiếng Nam hay có khi đưa nguyên xi các từ Pháp vào tiếng Nam, mặc dù bản chất hai thứ tiếng khác nhau: một tiếng đa âm tiết còn một tiếng đơn âm tiết. Nhưng quy luật cuộc sống thực bắt buộc những vay mượn đó ngày càng nhiều lên và ngày càng làm giàu cho tiếng nước tôi ở mức độ đáng kể” [4, tr.449]. Phạm Quỳnh khuyến khích sự vay mượn “những lớp từ vựng của các khoa học cụ thể như vật lý, hóa học và các môn tự nhiên, đối với tên riêng lịch sử và địa lý” [4, tr.450]. Điều này cũng dễ hiểu, bởi tiếng Pháp biểu hiện một kiểu tư duy thiên về tính xác thực, rõ ràng và logic. Sự vay mượn này càng có ý nghĩa khi nhìn ở một góc độ nào đó là sự hài hòa Đông Tây.
Thực tế, tiếng Việt đã vay mượn kĩ thuật sắp xếp và diễn đạt theo kiểu cú pháp, phong cách văn xuôi hiện đại Pháp. Phạm Quỳnh viết: “Có một điều tôi muốn nhấn mạnh: đó là văn xuôi mới của nước Nam – vì sự sáng tạo một thứ văn xuôi của nước Nam là mối quan tâm chính của tôi, còn thơ thì đã đạt đến đỉnh cao trong những tác phẩm như Kiều rồi – rõ ràng là văn xuôi mới đang đi theo mẫu của văn xuôi Pháp và đang tìm cách vay mượn ở đó một số phẩm chất: sáng sủa, chính xác, lôgic, thanh nhã, dí dỏm và hài hước. Nó thận trọng tránh những thứ của văn phong Hán: biền ngẫu, đăng đối, rờm rà, suông nhạt, trịnh trọng. Nó sẽ ít mang tính tổng hợp hơn khi bỏ qua những sự ám chỉ và khuôn sáo mà mang tính phân tích nhiều hơn khi đi vào miêu tả chi tiết các hoàn cảnh và con người, các phương diện bên ngoài và trạng thái tâm lí bên trong. Nếu nó kiên trì con đường này, nó sẽ hợp nhất thành công tinh thần Pháp với tinh thần Nam: cái chất Pháp mang lại cho cái chất Nam sự sáng sủa, tính duy lí, còn cái chất Nam trong cuộc tiếp xúc này chỉ mất đi sự mơ hồ và thiếu chính xác, mất đi sự thiếu duy lí và lôgic, mà vẫn giữ lại được tất cả những ưu điểm vốn có: lương tri, hài hước, cân bằng, chừng mực, một cái gì sắc nhọn đối với mọi sự ngu ngốc và kiêu căng của con người” [4, tr.479].

Như vậy, tại thời điểm những năm 20 – 30 của thế kỉ trước, đối diện với một thực tế còn khá mịt mờ về tương lai ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, Phạm Quỳnh đã cố gắng nhìn và vạch ra một con đường cho quá trình hiện đại hóa. Dĩ nhiên, không phải mọi vấn đề trong “dự án” của ông đều mang tính khả thi. Nhưng từ góc nhìn hôm nay, khi vấn đề hội nhập, vấn đề toàn cầu hóa đang đặt ra, khi tiếng Việt đang không ngừng biến đổi (nhất là phương diện từ vựng), ta mới thấy một số luận điểm của Phạm Quỳnh chưa phải đã hết tính thời sự.

Hỗn nhập ngôn ngữ không đơn thuần là lý thuyết Phạm Quỳnh đặt ra để vạch con đường cho ngôn ngữ dân tộc. Đó còn là cả một chiến lược – điều mà ông đã trực tiếp thực thi trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình. Những bài viết của Phạm Quỳnh là bằng chứng thuyết phục nhất cho sự thể nghiệm quyết liệt của một cây bút thiết tha với tiếng mẹ đẻ. Có thể thấy điều đó qua tất cả sản phẩm tinh thần của ông ở tất cả các thể loại, từ dịch thuật, khảo luận đến du kí. Những bài viết đó, với sự chỉn chu trong việc sử dụng từ ngữ, cú pháp điển hình cho một lối viết độc đáo, kiểu văn phong đặc trưng của tiếng Việt văn hóa đầu thế kỉ XX.

Những bài viết của Phạm Quỳnh có phạm vi hiện thực đa tầng, các vấn đề sâu rộng. Điều đó đòi hỏi vốn từ ngữ giàu có để có thể biểu đạt hết mọi ý nghĩa. Đọc Phạm Quỳnh mới thấy được vốn từ phong phú và đầy biến hóa của ông. Đặc biệt, vốn từ Hán Việt và từ vay mượn từ tiếng Pháp đã được Phạm Quỳnh sử dụng đầy linh hoạt, trở thành một công cụ đắc lực để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc.

Phạm Quỳnh sử dụng từ Hán Việt với mật độ cao, nhưng không hề lạm dụng chúng. Bên cạnh những từ đã quen thuộc và dễ hiểu với số đông độc giả đương thời còn có những từ rất lạ tai. Đó phần lớn là những tử ngữ thuộc dạng đặc chủng khó thay thế. Đoạn văn ông miêu tả lễ tế đàn Nam Giao trong bài du kí Mười ngày ở Huế là một trong những ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng từ Hán Việt:

“Hoàng thượng đội mũ miện, mặc áo cổn, tay cầm ngọc trấn khuê (tức là cái hốt bằng ngọc), có hai ông quan võ cầm quạt lông che , bốn ông cầm đèn lồng, cầm nến, rồi mấy ông đi theo sau nữa. Ngài ngự vào nhà đại thứ làm lễ quán tẩy (rửa tay). Bấy giờ quan cung đạo (tức quan Lễ bộ) quỳ tâu rước ngài lên hoàng ốc”.

Có thể thấy, những từ ngữ Hán Việt mang tính chuyên biệt đó lại rất có lợi thế khi tái hiện lại không khí thiêng liêng của một nghi thức hoàng gia. Hơn nữa, với những từ khó hiểu và ít phổ cập như thế, Phạm Quỳnh có sự chú giải rõ ràng khiến cho sự tiếp nhận của độc giả dễ dàng hơn.

Nhìn chung, những đoạn văn như thế không nhiều trong bài viết Phạm Quỳnh. Nhưng, trong những trường hợp cần thiết, Phạm Quỳnh vẫn sử dụng nó như một sự lựa chọn tối ưu, phát huy khả năng biểu đạt miễn là phù hợp với giọng văn của bài viết. Từ Hán Việt là một bộ phận không thể thiếu trong văn Phạm Quỳnh, bởi trên thực tế, nó chiếm một số lượng không nhỏ trong vốn từ tiếng Việt. Mặt khác, Phạm Quỳnh cũng thể hiện quan điểm rất rõ ràng, khoa học, đó là “có sự vay mượn tiện lợi cần thiết và hữu ích” bên cạnh việc “lạm dụng vay mượn bừa bãi”.

Bên cạnh từ Hán Việt, văn Phạm Quỳnh xuất hiện không ít những từ tiếng Pháp. Lớp từ này được dùng với mật độ cao khi gọi tên những địa danh xa lạ trên thế giới. Ví dụ như Mesditerranée (bể Địa Trung Hải), Mer Rouge (Hồng Hải), Hotel Continental (Đại lục khách sạn, Ile de la Table (Bãi Cháy), Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), la perle de l’Extrême Orient (hạt báu của Á Đông), Hotel de Ville (thị sảnh Sài Gòn), La Tribune indigène (Nam Kì tân báo)… Ngoài ra, không thể không kể đến một bộ phận những thuật ngữ văn học, triết học của phương Tây chỉ mới du nhập vào Việt Nam thời gian này. Chẳng hạn thuật ngữ trong kịch có những từ như: actes (hồi), scènes (kịch), noeud dramatique (thắt nút), dé novement (mở nút)…

Đã thành qui luật, hễ nhà văn sử dụng một thứ tiếng làm phương tiện sáng tác văn chương, anh ta không thể nào thoát khỏi dấu ấn của thời đại thể hiện qua ngôn ngữ ấy. Điều này hiển nhiên, bởi ngôn ngữ là sản phẩm của cộng đồng xã hội, nhà văn, dù là thiên tài, cũng không thể tự đặt ra những phép tắc riêng. Đọc bài viết của Phạm Quỳnh, dễ thấy rằng văn ông cũng đầy rẫy những kiểu câu văn biền ngẫu với các vế câu đăng đối, nhạc điệu du dương. Tuy nhiên, ông đã biết kết hợp giữa lối viết truyền thống (chất Nam) và lối viết hiện đại (chất Pháp), phá vỡ thế đăng đối quá chỉnh của những câu văn đó, tạo nên những sản phẩm vừa chưa mất đi tính biền ngẫu, vừa mang dấu ấn của cú pháp hiện đại. Đặc biệt, trong văn Phạm Quỳnh đã bắt đầu xuất hiện những câu văn rất dài, các vế câu được sắp xếp hợp lí và logic, với những kí hiệu cú pháp hiện đại. Điều này cho thấy tư duy phân tích của phương Tây đã bắt đầu hiện diện trong trang viết của Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh không phải là người đầu tiên thể nghiệm chữ quốc ngữ trong văn xuôi. Công đầu trong lĩnh vực này phải kể đến một số nhà văn Nam Bộ đi tiên phong như Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản… Phạm Quỳnh cũng không phải là người duy nhất trăn trở với vận mệnh của tiếng mẹ đẻ, cũng như nỗ lực hoàn thiện văn tự dân tộc. Nhưng có thể nói, ông là một trong những người đầu tiên đã xây dựng một hệ thống luận điểm rất cơ bản, đầy tính khoa học cho lý thuyết “hỗn nhập ngôn ngữ” và thực hiện nó bằng tất cả tâm huyết của mình. Với chức danh chủ bút Nam Phong tạp chí – một tờ báo có ảnh hưởng sâu rộng tới tầng lớp trí thức đương thời -, Phạm Quỳnh đã lôi kéo được những người cùng chí hướng vào công cuộc xây dựng một tiếng Việt văn hóa hiện đại, giàu sức biểu hiện. Phạm Thế Ngũ rất có cơ sở khi cho rằng “trước đó, chưa hề ai đem tiếng Việt viết ra văn xuôi đủ vẻ như thế” [1, tr.193].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Thế Ngũ, (1997), Phạm Quỳnh – Nam Phong tạp chí, in trong sách Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Nxb Đồng Tháp.
[2] Vương Trí Nhàn, (2005), Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 (401).
[3] Phạm Quỳnh – Luận giải văn học và triết học, (2003) Nxb Văn hóa thông tin – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
[4] Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Nxb Tri Thức, 2007.
[5] Wikipedia tiếng Việt

_____________________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt, Ngôn ngữ và văn hóa | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

Ai “bức tử” chữ Hán – Nôm?

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 25, 2010

Vũ Thế khôi

Trên tạp chí Hồn Việt, số 18 tháng 12 – 2008, có đăng bài của hai tác giả Mai Bá Triều – Phạm Thị Tuyết Anh, nhan đề “Sự bức tử chữ Hán – Nôm”. Các tác giả cho rằng: “Dân tộc Việt Nam không hề tự từ bỏ chữ viết Hán – Nôm truyền thống của mình” và quy tội “bức tử cữ Hán – Nôm” cho chính quyền thực dân Pháp … “bằng những thông cáo và sau cùng là “Quy chế chung của Bộ giáo dục Pháp quốc – Bản xứ” chữ viết Hán – Nôm đã bị xoá bỏ hoàn toàn, để thay vào đó là chữ viết Việt – La tinh (hay còn gọi là quốc ngữ)” (tr. 13).

Người ta thường nói: lịch sử không chấp nhận chữ “nếu”, nên chỉ là vô bổ những giả định kiểu: nếu như các cụ ta lấy nguyên chữ Hán mà đọc theo âm Việt để biểu thị từ ngữ Việt chứ không sáng chế ra cái chữ Nôm rắc rối, hoặc vay muợn chữ viết La-tinh, thì giờ đây hay biết mấy, sẽ không có vấn nạn “đứt đoạn với văn hoá cổ truyền” v.v. và v.v… Việc có ích hơn sẽ là khách quan nhìn nhận lại vấn đề để ngày nay trong công cuộc cải cách giáo dục và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có cách ứng xử đúng mực đối với chữ Hán và di sản Hán Nôm của tổ tiên.

Hai tác giả viết rằng họ “đã cố gắng sưu tầm và nghiên cứu đề tài này, những mong hé mở một tia sáng công lý về “vụ án diệt ngữ” bằng một số tư liệu … tìm được”. Nhưng trong bài viết, chỉ thấy họ nhắc lướt qua “những thông cáo và “Quy chế chung” mà theo họ đã “bức tử” chữ Hán, còn thì dành nhiều chỗ để trích dẫn lời mấy vị quan Tây có thái độ tôn trọng nền văn hiến bằng chữ Hán của An Nam. Vậy nên chúng tôi cũng xin dựa vào những văn bản để khẳng định rằng: riêng trong vấn đề chữ viết chính thống của nước ta thì lịch sử đã có 2 lần lựa chọn phù hợp nhu cầu khách quan rồi. Từ chỗ tẩy chay chữ Hán, dần dần dân tộc ta đã chuyển sang tự nguyện chấp nhận chữ Hán vì nhu cầu sống còn là giành độc lập và trong ngót nghìn năm, chữ Hán đã trở thành chữ “Quốc ngữ” (xin lưu ý: chữ chứ không phải tiếng!) đầu tiên, phương tiện đắc lực trong sự nghiệp xây dựng nền tự chủ của quốc gia Đại Việt . Mười thế kỷ sau, đầu thế kỷ XX, cũng chính vì nhu cầu sống còn là “khai dân trí” và “chấn dân khí” tức làm một cuộc “cách mạng tân văn hoá” (Hoàng Xuân Hãn) để tiến tới cứu nước, khôi phục nền độc lập mà dân tộc ta lại tự nguyện ̣̣̣chấp nhận chuyển chức năng chữ viết phổ thông từ chữ Hán – Nôm sang chữ Quốc ngữ (La-tinh hoá), đồng thời vẫn cố gắng bảo tồn chữ Hán – Nôm như một cơ sở xây dựng quốc học và nền văn hoá dân tộc. Đó là cả một quá trình thay đổi nhận thức dưới tác động của những nhân tố lịch sử. Quá trình ấy đã diễn ra như sau.

Người Pháp vì lợi ích của họ tất yếu ngay từ đầu đã chủ trương xoá bỏ chữ Hán – Nôm, thay thế nó bằng Pháp ngữ và chữ Quốc ngữ đồng nhất với Pháp ngữ về chữ viết (tức cùng sử dụng bảng chữ cái La-tinh). Năm 1861, chưa chiếm xong Lục tỉnh (Nam Kỳ), thực dân Pháp đã lập trường Thông ngôn Bá – Đá – Lộc, chỉ dạy Pháp ngữ và chữ quốc ngữ, bỏ hẳn chữ Hán. Chiếm xong Nam kỳ, năm 1867 chúng bãi bỏ luôn ở đó thi cử chữ Hán. Một số người Việt thức thời như các ông Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký … đã ra sức truyền bá chữ Quốc ngữ, ra báo, làm sách, trên thực tế đã biến chữ Quốc ngữ, song hành cùng tiếng Pháp, thành một phương tiện trong sinh hoạt chính trị – văn hoá thường ngày ở “xứ Nam Kỳ tự trị”, nơi Nho học phát triển chưa được hai trăm năm. Nhưng công cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp do sĩ phu Nho học lãnh đạo bùng nổ và rồi diễn ra quyết liệt cho đến tận cuối thế kỷ, các thầy đồ và dân chúng khi ấy đều nhận thức rõ rằng cả Pháp ngữ lẫn Quốc ngữ đều là công cụ của kẻ xâm lược nên kiên quyết tẩy chay thứ “chữ loằng ngoằng như giun bò”, mặc dù, để mua chuộc, người Pháp bồi dưỡng 200fr. /năm cho những thầy đồ đồng ý dạy thêm chữ Quốc ngữ và cấp học phí cho sĩ tử tình nguyện học! Việc tẩy chay chữ Quốc ngữ lúc ấy diễn ra vẫn theo truyền thống xưa của dân tộc ta mà thôi: thời Bắc thuộc dân ta từng kiên trì tẩy chay chữ Hán khi nó còn là công cụ đồng hoá của ngoại bang, nên nó chỉ quẩn quanh nơi thị thành giữa bọn ngoại xâm và số người cộng tác với chúng, chứ không thể vượt qua luỹ tre đến với đông đảo dân chúng trong các làng Việt[1].

Bởi thế, sau khi chiếm xong toàn bộ nước ta và thiết lập được chế độ bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam sau Hiệp ước Patenôtre 1884, những viên quan cai trị người Pháp (như Paul Bert, chẳng hạn, người rất ủng hộ G. Dumoutier trong ý định duy trì giáo dục Nho học … “để có lợi cho chúng ta” – chính Dumoutier bộc lộ[2]) tỏ ra tỉnh táo hơn, đã phải cho dạy chữ Nho song song với Quốc ngữ và tiếng Pháp, tạo điều kiện cho các Toàn quyền Paul Doumer (1987 – 1902) và đặc biệt là Paul Beau (1902 – 1908) thực hiện chính sách “chinh phục bằng giáo dục”, như chư vị thực dân khôn ngoan này phát biểu. Năm 1906 Nha học chính Đông Dương, Hội đồng cải lương học vụ cho người bản xứ (trong thành viên có cả một số vị đại thần người Việt ), được thiết lập bởi những nghị định của toàn quyền Paul Beau, đã đưa ra chương trình cải cách giáo dục. Ngay đến thời điểm ấy, người Pháp, “bằng những văn kiện, tài liệu chính thức, có giá trị pháp lý, do những vị toàn quyền hoặc những quan chức cao cấp trong bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp, ban hành và ký tên” (như những lời “buộc tội” của hai tác giả) vẫn không dám “bức tử” chữ Hán! Ngược lại, vì chính sách “chinh phục bằng giáo dục”, họ vẫn chủ trương đảm bảo tư cách bình đẳng, chí ít là trong văn bản chính thức (trên thực tế thì không hẳn như vậy), cho cả ba: tiếng Pháp, chữ Hán và Quốc ngữ. Chứng cớ là trong chương trình cải cách, chữ Nho vẫn song hành cùng tiếng Pháp và Quốc ngữ; tốt nghiệp trung học theo chương trình này được quyền dự thi Hương, với 4 kỳ thi: 1) bằng chữ Nho, với 5 đầu bài khác nhau, trong đó có văn sách; 2) một bài thi bằng Quốc ngữ; 3) bài dịch Pháp – Việt và bài dịch Nho – Pháp; 4) kỳ phúc hạch để chọn cử nhân / tú tài gồm: bài luận chữ Nho, bài viết chữ Quốc ngữ và bài dịch Pháp – Nho (theo: Lịch sử Giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 – 1945, do Nguyễn Đăng Tiến chủ biên, nxb Giáo dục, 1996).

Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử bước sang đầu thế kỷ XX căn bản đã thay đổi. Thực dân Pháp đã bình định xong cả nước ta. Tiếng súng quyết chiến ở núi rừng Yên Thế còn vang vọng đấy, nhưng Phan Chu Trinh sau khi liều mạng lẻn vào tận đồn Phồn Xương năm 1906 để tiếp xúc với Đề Thám, trở về thất vọng nói với các đồng chí: “Ông Thám là một võ tướng mà thôi!”, tức ông đã thấy trước 6 năm là tiếng súng Khởi nghĩa Yên Thế rồi cũng sẽ tắt lịm vào năm 1913. Sau gần nửa thế kỷ (kể từ ngày pháo hạm Pháp nổ súng tấn công Sơn Trà – Đà Nẵng) cuộc kháng chiến vũ trang vô cùng anh dũng chống quân xâm lược, các sĩ phu đất Việt đã ngộ ra rằng: ta thất bại trong công cuộc giữ nước chính là vì thua giặc cả một thời đại về văn minh, kẻ thù té ra không như ta, quen thói hợm mình “văn hiến chi bang”, gọi là “bọn man di mắt xanh mũi lõ”, mà hơn hẳn ta cả trăm năm về trình độ phát triển, về văn minh. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra trước tầng lớp sĩ phu, lúc ấy còn đang lãnh trách nhiệm lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, là làm “cách mạng tân văn hoá”, canh tân đất nước, thông qua gấp rút tiếp thu tư tưởng và kỹ thuật văn minh Tây phương mà đưa cái đầu của dân mình lên ngang tầm kẻ thù để chiến đấu với chúng trên một mặt bằng văn hoá.

Bằng phương tiện nào? Không thể trực tiếp bằng tiếng Pháp, bởi vì cái thứ tiếng Pháp bồi dăm-bẩy tháng chỉ có thể giúp cho cái sự vinh thân phì gia, “sáng rượu sâm-banh, tối sữa bò”, còn muốn nắm vững đến trình độ tiếp thu được tư tưởng tiên tiến và tri thức văn minh, tối thiểu cũng cần phải học dăm năm! Cũng không thể bằng chữ Hán đòi hỏi hàng chục năm đèn sách mới mong đọc thông viết thạo được. Chỉ còn phương tiện Quốc ngữ La-tinh hoá, có thể nắm vững chỉ sau dăm – ba tháng, là đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của cuộc “cách mạng tân văn hoá” phải tiến hành ngay lúc ấy để tiếp tục dương ngọn cờ cứu nước. Bởi vậy chính các nhà Nho từng tẩy chay nó nửa thế kỷ trước như công cụ của bọn xâm lược, thì nay giác ngộ nhu cầu lịch sử ấy, từ năm 1903, tức đi trước chương trình cải lương của chính quyền Bảo hộ 3 năm, đã phát động cả một “cuộc cách mạng tân văn hoá”, mà linh hồn chính là chữ Quốc ngữ: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước / Phải đem ra tính trước dân ta” – chính các ông Nghè, ông Cử Nho học bây giờ khẳng định như vậy. Văn minh tân học sách (1904), tác phẩm được coi là “cương lĩnh” của phong trào Duy tân – Nghĩa thục 1903 – 1908, nêu việc dùng chữ Quốc ngữ thành “đường” thứ nhất trong 6 “đường” khai thông dân trí nhằm mục tiêu duy tân để cứu nước[3]. Chính nhờ triết lý giáo dục khai dân trí, chấn dân khí, mang tính cách mạng thực sự, mà chữ quốc ngữ từ đó, lần đầu tiên từ khi ra đời, bắt đầu gắn liền với truyền thống yêu nước, với tinh thần dân tộc và những tư tưởng mới – dân quyền, dân chủ và tri thức văn minh, khoa học của thời đại. Và cũng chính nhờ vậy mà các nhà Nho, từng thành đạt ngay trong nền khoa cử Nho học, những ông Nghè, ông Cử, ông Tú… trong có 5 năm đã làm được điều mà nhà cầm quyền thực dân không làm nổi trong ngót nửa thế kỷ kể từ khi bắt đầu xâm lăng đất Việt, đó là: làm một cuộc cách mạng trong nhận thức và tâm lý của sĩ phu và dân chúng đối với chữ Quốc ngữ La-tinh hoá, tức khách quan đã chuẩn bị cơ sở tư tưởng cho việc thay đổi chữ viết chính thống của nước ta và phế bỏ nền khoa cử Tống Nho hủ lậu bằng chữ Hán từ lâu đã hết tác dụng khai hoá và đã trở thành vật cản trên con đường tiến hoá của nước nhà.

Xin nhấn mạnh lại: các trí thức Nho học Duy tân đấu tranh đòi phế bỏ nền khoa cử bằng chữ Hán và yêu cầu dùng chữ Quốc ngữ làm chuyển ngữ phổ cập giáo dục nhằm khai dân trí, chấn dân khí để cứu nước chứ không hề chủ trương phế bỏ chữ Hán. Chứng cớ rành rành: Đông Kinh nghĩa thục và các trường “Tân học” khác đều tiếp tục dạy chữ Hán (miến phí, trong khi muốn theo học chữ Pháp phải đóng học phí!). Câu nói của cụ Phan Chu Trinh: “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc” (không phế bỏ chữ Hán, không thể cứu được nước Nam) là lời bột phát trong lúc tranh luận, về sau chính cụ Tây Hồ đã rút lại[4]. 11 năm sau khi Đông Kinh nghĩa thục bị nhà cầm quyền thực dân đóng cửa, năm 1919 Dương Bá Trạc, một trong 2 tân cử nhân Hán học trẻ tuổi đã diễn thuyết tại Đền Ngọc Sơn ngày Rằm tháng Giêng năm 1907 để cổ động duy tân theo gương Nhật Bản và chuẩn bị dư luận cho việc khai giảng Đông Kinh nghĩa thục, còn viết bài trên báo Nam Phong khẳng định phải tiếp tục dạy và học chữ Hán bởi hai lẽ: một là để làm giầu tiếng Việt, hai là để bảo tồn văn hoá dân tộc. Chính là vì vấp phải quyết tâm bảo tồn chữ Hán của giới trí thức Duy tân mà chính quyền Bảo hộ Pháp, tuy “thừa gió bẻ măng”, năm 1915 bắt đầu phế bỏ trên thực tế nền khoa cử bằng chữ Hán ở Bắc Kỳ (năm 1919 cả ở Trung Kỳ), và ngày 21 – 12 – 1917 cùng Nam triều ban hành văn bản đương thời gọi là “Học chính tổng quy”, tức “Quy chế chung về giáo dục ở Đông Dương” (Règlement général de l’Instruction Publique en Indochine), thay thế hẳn khoa cử Hán học bằng nền giáo dục Pháp – Việt, nhưng vẫn không dám loại hẳn chữ Hán ra khỏi học đường, mặc dù đã đề ra nhiều nhiều biện pháp hạn chế việc dạy chữ Hán, như: ở Trường sơ đẳng tiểu học (École Primaire Élémentaire, 3 năm) là môn tự nguyện không quá 1 tiếng rưỡi/tuần và phải được 3 thành phần thoả thuận là phụ huynh học sinh, Hội đồng kỳ mục xã, Hiệu trưởng; ở Trường tiểu học toàn cấp (École Primaire de pleine exerice, 5 năm với 2 năm cuối dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp) nơi nào phụ huynh cùng chính quyền địa phương yêu cầu thì Thống đốc, sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng hàng tỉnh, mới ra quyết định đưa môn chữ Nho thành môn học bắt buộc với hai lớp cuối; ở bậc trung học hoàn toàn dùng tiếng Pháp để giảng dạy, với môn chuyên tiếng pháp 12 giờ/tuần, còn chữ Quốc ngữ và chữ Nho không được quá 3giờ/tuần[5] v.v…

Vậy thì chữ Hán bị “bức tử” từ bao giờ và ai đã làm chuyện đó để tạo nên cái “khoảng trống đáng sợ” mà Nhà giáo Nhân dân GS Nguyễn Cảnh Toàn đã báo động trong bài viết sâu sắc “Chữ Nho với nền văn hoá Việt Nam”, đăng trên trang báo Văn Nghệ và Tạp chí Hán Nôm lập tức đăng lại trên số 4 năm 2003? Xin trích nguyên văn lời giải đáp của vị cựu Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên, người trong những bước đầu xây dựng nền tảng giáo dục nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từng được tiếp nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch:
“Đâu phải nó (“khoảng trống đáng sợ”) bỗng dưng mà có! Do chính chúng ta tạo nên (chúng tôi nhấn – VTK). Quá trình hình thành cái “khoảng chống đáng sợ này” tôi chứng kiến, nên xin kể lại, ngõ hầu rút ra được bài học gì chăng. Năm 1940 chính quyền thực dân Pháp xoá toẹt mấy tiết chữ Nho cuối cùng trong chương trình trung học. Nhưng ngay năm 1942, dưới áp lực của giới trí thức tiến bộ và để tranh giành họ với Nhật, người Pháp đã cho lập ra chuyên ban Cổ học Á Đông, học 6 năm với 5 tiết/tuần ở bậc trung học theo chương trình do Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và nhà Hán học Trần Văn Giáp biên soạn. Ngay năm học 1942 – 1943 đã tuyển 40 học sinh cho chuyên ban này ở trường Bưởi. Ý thức được nguy cơ tương lai về “khoảng trống” nên trên Thanh Nghị số 22 tháng 11 năm 1942, chúng tôi đã cổ suý cho việc lập ra chuyên ban này và kiến nghị lập ngay một lớp cao đẳng nữa, chuyên giảng về cổ học Hán – Việt. Tôi đánh giá việc lập chuyên ngành đào tạo này là “một then chốt quan trọng của một nền xây dựng xã hội trong tư tưởng quốc gia” (lúc ấy trên báo chí công khai chưa thể viết từ “độc lập”). Tiếp theo, Đề án cải cách giáo dục 1945 (của Bộ Quốc gia Giáo dục, đã thông qua Hội đồng Cố vấn học chính do Chủ tịch Hồ chí Minh thành lập – VTK) lại đề nghị dạy 1 – 2 giờ Hán tự ở tất cả các chuyên ban trung học như một môn cơ sở văn hoá liên quan mật thiết với tiếng Việt và văn hoá Việt. Nhưng rồi … chiến tranh. Và rồi – nên “nhìn thẳng vào sự thật và nói sự thật” như Đại hội VI của Đảng CSVN đã nêu gương” – tư tưởng duy ý chí đã cản trở … Còn từ sau đại hội Đổi mới đến nay vẫn chưa thực hiện được thì có lẽ là vì còn phải chờ sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp lãnh đạo ngành văn hoá – giáo dục … Rõ ràng chúng ta đã quên (hay cố tình che đi?) tấm gương kế thừa để phát triển của Nguyễn Tất thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”[6].

Hai vị tác giả trên tạp chí Hồn Việt đã dùng những lời lẽ đao to búa lớn về “vụ án diệt ngữ” còn là “ẩn số”, khiến các vị phải “hé mở một tia sáng công lý” v.v… và v.v…, thì chúng tôi xin thưa rằng nhân chứng, vật chứng vẫn còn nguyên đó.

Có thể coi là nhân chứng NGND GS Nguyễn Đình Chú, với những lời chứng minh bạch rằng: “Sau Cách mạng tháng 8, trong khu vực Kháng chiến, ở bậc trung học cấp II (nay là trung học cơ sở), tại nhiều trường vẫn học chữ Hán, mỗi tuần 3 tiết, nhưng sau đó thì bỏ. Đặc biệt đến năm 1950, khi có cải cách giáo dục thì chữ Hán ra rìa hoàn toàn (chúng tôi nhấn – VTK). Sau này ở bậc phổ thông trung học có học Trung văn, nhưng đọc theo âm Trung quốc hiện đại, không phải là âm Hán cổ nữa …”[7]. Xin nói thêm: cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, nhà văn hoá lớn, uyên thâm cả Tây học lẫn Đông học, bị bức bách đến mức từng phải đệ đơn lên Hồ Chủ tịch xin từ chức, cho đến cuối đời vẫn còn “trăn trở nhiều” về những ý tưởng không thực hiện được trong công cuộc xây dựng một nền giáo dục thực sự dân chủ, dân tộc và khoa học, trong đó có việc phải bỏ dở dang đề án lập chuyên ngành cổ học Á Đông từ bậc phổ thông lên đại học mà ông chính là người đề xuất[8].

Có thể coi là vật chứng cái công trình tổng kết nửa thế kỷ phát triển nền giáo dục cách mạng Việt Nam do các vị lãnh đạo “hậu sinh khả uý” của ngành chỉ đạo biên soạn, đã tuyên phong cho đường lối giáo dục ngoặt sang “tả khuynh” (chữ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) năm 1950 là “cải cách giáo dục lần thứ nhất”(chúng tôi nhấn – VTK), có nghĩa là phủ định tuyệt đối, coi như chưa từng có cuộc cải cách nền giáo dục quốc dân năm 1945 – 1946, thực sự mang tính cách mạng chính vì có kế thừa để phát triển những tư tưởng tiên tiến của trí thức Nho học và Tây học dân tộc – dân chủ, thậm chí ngang ngược bất chấp cả việc cuộc cải cách đó đã được pháp quy hoá bởi Sắc lệnh số 146 do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ngày 10 – 8 -1946 “đặt những nguyên tắc căn bản cho nền giáo dục mới”![9]

Vậy đâu phải “việc thay đổi chữ viết “Ta” (ý nói chữ Hán – Nôm) bằng chữ viết “Tây” (ám chỉ chữ Quốc ngữ La-tinh hoá) hoàn toàn (?!) do áp lực của chính quyền thực dân Pháp”? Đâu phải người ngoại bang “bức tử chữ Hán – Nôm”?

Một triết gia đã nói đại ý: Kẻ nào quên bài học lịch sử tất sẽ lặp lại sai lầm của nó.
_____________________________________
[1] Về vấn đề này xin tham khảo bài viết của chúng tôi: Về thời điểm bắt đầu và nhân tố thúc đẩy truyền bá chữ Hán, giao lưu văn hoá Trung – Việt. – Tạp chí Hán Nôm, số 3 năm 2006; cũng có thể tìm trên mạng Google, từ khoá Vũ Thế Khôi.
[2] Chi tiết về quan điểm và hoạt động của vị quan Tây ưu ái văn hoá Việt này xin đọc: René Despierres: Giám đốc Học chính Trung – Bắc Kỳ Dumoutier (1850 – 1904). – Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 168, ra tháng 2 / 2005.
[3] Văn minh tân học sách. Đặng Thai Mai dịch. – Hợp tuyển thơ văn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900 – 1930), nxb Văn học, tr. 513.
[4] Nguyễn Hiến Lê: Đông Kinh nghĩa thục. – nxb Văn hoá – Thông tin 2002, tr. 92 – 93. Tham khảo thêm: Phan Tây Hồ di thảo. – Ngô Đức Kế biên tập và phê bình; Lương Văn Can xuất bản năm 1926; dẫn theo: Ngô Đức Kế, cuộc đời và tác phẩm. – Ngô Đức Thọ sưu tầm, giới thiệu, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh in năm 2008, tr. 233 – 243.
[5] Theo: Nguyễn Q. Thắng: Khoa cử và giáo dục Việt nam. – nxb Văn hoá – Thông tin 1993, tr. 291 – 293.
[6] Vũ Đình Hoè: Vài ký ức về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục thời gian cuối năm 1945 đầu năm 1946 (Tham luận tại Hội thảo khoa học – thực tiễn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội đồng tổ chức ngày 8 – 10 – 2003”). – Đăng toàn văn: a/ tạp chí Khoa học và Tổ quốc (Diễn đàn trí thức), các số 21 / 2003 và 1+2 / 2004; b/ Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số Xuân 2004; giản lược: a/ báo Giáo dục & Thời đại, số 139, ra ngày 20 – 11 – 2003; tạp chí Xưa & Nay, số 223, tháng 11 / 2003.
[7] Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam. – Tạp chí Hán Nôm, số 2 / 2005.
[8] Nguyễn Kim Nữ Hạnh: Tiếp bước chân cha. – nxb Thế giới, Hà Nội 2003, tr 49.
[9] Bộ giáo dục và Đào tạo: 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945 1995). – nxb Giáo dục 1995, tr. 16 – 19.

__________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: , , , | Leave a Comment »