TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for Tháng Sáu, 2010

Ý nghĩa của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 26, 2010

4. Ý nghĩa ngữ dụng

Đây là thành phần ý nghĩa liên quan đến việc sử dụng từ trong các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ.

Trong các hoạt động giao tiếp cụ thể, ý nghĩa của từ phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài ngôn ngữ, ví dụ như: mối quan hệ giữa người nói và người nghe, hoàn cảnh giao tiếp, các quy định của xã hội về ứng xử ngôn ngữ, các quan niệm về giá trị văn hóa …Vì vậy, ý nghĩa ngữ dụng của từ là ý nghĩa được bổ sung vào các thành phần ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của từ trong các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cụ thể và nói chung rất khó xác định một cách chắc chắn. Chính vì lí do này mà khi nói đến ý nghĩa của từ, người ta thường chỉ tập trung vào hai thành phần ý nghĩa là ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm. Tuy nhiên, theo một cách hiểu hẹp hơn thì ý nghĩa ngữ dụng là thành phần ý nghĩa mà nhờ đó từ có thể biểu thị được thái độ, tình cảm của người nói và tác động đến thái độ, tình cảm của người nghe. Ví dụ: Các từ ‘thâm sì’, ‘trắng dã’ của tiếng Việt không chỉ biểu thị sắc thái ‘đen’ hay ‘trắng’ mà còn biểu thị thái độ khinh bỉ, chê bai (khi nói về môi: ‘môi thâm sì’ hay về mắt: ‘mắt trắng dã’). Theo cách hiểu này thì ý nghĩa ngữ dụng của từ là thái độ, tình cảm mà một từ có thể gợi ra.

Nói chung, ý nghĩa ngữ dụng của từ thường xuất hiện trong lời nói. Hoàn cảnh giao tiếp cụ thể sẽ làm nổi rõ thành phần ý nghĩa này của từ. Vì vậy, muốn xác định ý nghĩa ngữ dụng của từ phải căn cứ vào các tình huống giao tiếp ngôn ngữ cụ thể, tức là dựa vào ngữ cảnh hoặc/và chu cảnh vật lí, trong đó từ được sử dụng.

5. ý nghĩa ngữ pháp

Đây là những thông tin đã được mã hoá trong từ mà dựa vào đó ta có thể tạo lập hoặc nhận biết các mối quan hệ giữa các từ.

Chẳng hạn, trong từ ‘worker’ của tiếng Anh, ngoài hai thành phần ý nghĩa biểu vật và biểu niệm nêu trên, còn có các thông tin sau đây:

– là một danh từ
– là một danh từ số ít.
– là một từ phái sinh (căn tố động từ + phụ tố).

Do đó, trước nó thường phải có quán từ (‘the’ hoặc ‘a’) và khi kết hợp nó với động từ thì động từ phải được biến đổi ở ngôi số ít. Hoặc như từ ‘nhà’ trong tiếng Việt: Nó có ý nghĩa sự vật, do đó nó là danh từ; nó là danh từ có biệt loại, do đó có thể kết hợp với loại từ ‘ngôi’; nó là danh từ đếm được, nên có thể trực tiếp kết hợp với các từ chỉ số lượng. Chẳng hạn, có thể nói: ‘cái nhà này’, ‘một ngôi nhà’, ‘một nhà’… nhưng không thể kết hợp nó với ‘sẽ’ hay ‘rất’ vốn là những từ đi kèm với động từ hoặc tính từ.

Bốn thành phần ý nghĩa này được quy thành hai phạm trù ý nghĩa: ý nghĩa từ vựng, và ý nghĩa ngữ pháp

Ý nghĩa từ vựng của từ bao gồm các thành phần ý nghĩa sau đây: ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa ngữ dụng.

Ýnghĩa ngữ pháp của từ cũng bao gồm những thành phần ý nghĩa nhỏ hơn là: ý nghĩa từ pháp, ý nghĩa từ loại và ý nghĩa quan hệ (sẽ nói rõ hơn ở phần sau).

Cần phải nói thêm rằng, không phải tất cả các từ của ngôn ngữ đều có đầy đủ các thành phần ý nghĩa như đó nêu ở trên. Có những từ vừa có ý nghĩa từ vựng vừa có ý nghĩa ngữ pháp (các từ chỉ những sự vật, hiện tượng tồn tại thực hoặc được coi như có thực trong thực tế khách quan, ví dụ: bàn, tủ, lúa, gạo) – đó gọi là thực từ. Song lại có những từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp (các từ công cụ, ví dụ như và, với, của) – đó là những hư từ. Có những từ không có, hoặc về nguyên tắc không có thành phần ý nghĩa ngữ dụng (như trường hợp các thuật ngữ khoa học-kĩ thuật). Các từ biểu thị khái niệm trừu tượng là những từ có ý nghĩa biểu niệm mà không có ý nghĩa biểu vật, ví dụ như ‘tinh thần’, ‘thiện chí’, trong khi đó thì danh từ riêng lại chỉ có ý nghĩa biểu vật mà không có ý nghĩa biểu niệm.

_________________________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa từ vựng học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 13, 2010

3. ý nghĩa biểu niệm

Đây là thành phần ý nghĩa liên quan đến chức năng biểu thị khái niệm của từ.

Khái niệm về sự vật/ hiện tượng được hình thành trong quá trình nhận thức của con người. Đó là kết quả của quá trình tìm hiểu và khái quát hoá nhằm rút ra những thuộc tính quan trọng nhất của sự vật, hiện tượng – tức là những thuộc tính cần và đủ để có thể phân biệt sự vật/ hiện tượng này với sự vật/ hiện tượng khác. Chẳng hạn, khi nhận thức những con gà trong thực tế khách quan, một đứa trẻ sẽ tìm hiểu tất cả các thuộc tính của từng con gà cụ thể, song dần dần, nó sẽ loại bỏ đi những thuộc tính không quan trọng của những con gà đó, ví dụ: màu lông, kích thước, kiểu mào…, để cuối cùng chỉ giữ lại những thuộc tính không thể thiếu được khi nói đến con gà, ví dụ như: gà là ‘động vật nuôi’, ‘thuộc họ chim’, ‘sống trên cạn’, ‘nuôi để lấy thịt hoặc lấy trứng’… Tập hợp những thuộc tính quan trọng đó chính là ý niệm hay khái niệm về loài gà nói chung. Sự liên hệ thường xuyên giữa khái niệm về loài gà với âm “gà” của tiếng Việt trong suốt quá trình nhận thức những con gà sẽ giúp đứa trẻ sử dụng được từ gà mà không cần phải luôn luôn liên hệ nó với những con gà trong thực tế khách quan nữa. Đó cũng chính là lúc mà đứa trẻ hiểu được ý nghĩa của từ gà trong tiếng Việt và sử dụng nó để tiến hành giao tiếp và tư duy trừu tượng. Ý nghĩa đó của từ “gà” gọi là ý nghĩa biểu niệm.

Như vậy, có thể nói một cách khái quát: Ý nghĩa biểu niệm là nội dung khái niệm về sự vật, hiện tượng mà từ biểu thị.

Tuy nhiên, mỗi dân tộc lại buộc phải biểu đạt những mảng thực tế khác nhau và bị chi phối bởi những yếu tố lịch sử – văn hoá – xã hội khác nhau. Điều đó dẫn đến kết quả là các dân tộc nhìn nhận và chia cắt thực tế khách quan theo những cách thức khác nhau. Cho nên, khi các ngôn ngữ gán vỏ âm thanh cho các khái niệm thì nội dung khái niệm về sự vật, hiện tượng được sắp xếp, tổ chức lại cho phù hợp với cách nhìn, cách chia cắt hiện thực khách quan của từng dân tộc. Nói cách khác, giữa khái niệm mà con người có được sau khi nhận thức sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan và khái niệm do từ của một ngôn ngữ cụ thể biểu thị có thể có chỗ không giống nhau. Vì vậy, cần phải phân biệt ‘khái niệm của tư duy lôgích’ với khái niệm do các từ biểu thị: nội dung khái niệm được các từ biểu thị gọi là ‘ý nghĩa biểu niệm’ của từ. Như vậy, sự khác nhau cơ bản ở đây sẽ là: khái niệm của tư duy lôgích mang tính toàn nhân loại còn ý nghĩa biểu niệm thì riêng cho từng ngôn ngữ. Thực vậy, cây lúa và những sản phẩm của nó như thóc, gạo, cơm, v.v… đối với người châu Âu không phải là những sự vật gần gũi, gắn bó với đời sồng hàng ngày của họ, do đó trong tiếng Nga hay tiếng Anh người ta chỉ dành một từ – từ rix/ rice – để chỉ chung tất cả các sự vật đó. Ngược lại, người Việt chỉ có một từ bánh mì duy nhất để chỉ tất cả các loại bánh mì mà người Nga thường phân biệt tỉ mỉ bằng các tên gọi riêng, ví dụ: khleb, bulka, but’erbrod, v.v… Do đó, ý nghĩa biểu niệm (và kéo theo nó là ý nghĩa biểu vật) của từ rix trong tiếng Nga hay rice trong tiếng Anh không giống với ý nghĩa biểu niệm của từ ‘lúa’ trong tiếng Việt. Tương tự như vậy, ý nghĩa biểu niệm của từ bánh mì trong tiếng Việt sẽ không trùng với ý nghĩa biểu niệm của từ ‘khleb’ trong tiếng Nga. Song, điều đó không có nghĩa là người Nga không phân biệt được cây lúa và những sản phẩm của nó, hay người Việt không phân biệt được các loại bánh mì khác nhau. Ở đây chỉ có sự « mù mờ » về mặt ngôn ngữ mà thôi, còn nếu xét về khả năng nhận thức thì mọi người trên thế giới, nói chung, đều giống nhau.

Tóm lại, ý nghĩa biểu niệm của từ là kết quả nhìn nhận và chia cắt hiện thực khách quan theo những cách thức khác nhau của mỗi dân tộc hoặc thậm chí của một địa phương. Do đó ý nghĩa biểu niệm của các từ là hiện tượng thuộc ngôn ngữ chứ không phải hoặc không nhất thiết phải là hiện tượng thuộc hiện thực khách quan. Cho nên, về nguyên tắc, ý nghĩa biểu niệm của từ có thể không trùng với khái niệm của tư duy lôgích. Đây chính là lí do vì sao cùng một sự vật hay hiện tượng nhưng các ngôn ngữ lại quan niệm theo những cách thức khác nhau thông qua việc gọi tên. Ví dụ: khái niệm “khăn mỏng hình vuông, thường được mang theo người để lau tay, lau miệng, chùi mũi, phủi quần áo…” được tiếng Việt quan niệm là ‘khăn tay’, trong khi tiếng Nga là ‘noxovoi platok’ – dịch thẳng là ‘khăn mũi’, còn tiếng Đức là ‘Taschentuch’ – dịch thẳng là ‘vải túi’.

Đi sâu vào bản chất của ý nghĩa biểu niệm, người ta còn phân biệt được những thành tố nhỏ hơn của nó – đó là cái ‘nét nghĩa’ hay ‘nghĩa vị’. ‘Nét nghĩa’ chính là những thuộc tính được rút ra từ khái niệm và được giữ lại để tổ chức nên ý nghĩa biểu niệm của từ. Vấn đề là, các ngôn ngữ có thể giữ lại những thuộc tính khác nhau và/ hoặc có cách thức riêng để tổ chức các nét nghĩa thành ý nghĩa của từ. Điều này khiến cho ý nghĩa biểu niệm của từ trong các ngôn ngữ thường khác nhau và do đó cũng khác với khái niệm tư duy lôgích.

Thực vậy, từ ‘nước’ trong tiếng Việt chỉ bao gồm nét nghĩa ‘chất lỏng’, trong khi từ ‘water’ của tiếng Anh bao gồm các nét nghĩa:
– chất lỏng,
– chất lỏng không màu
– chất lỏng không mùi
– chất lỏng không vị
Do vậy, ý nghĩa biểu niệm của từ ‘water’tiếng Anh gần với khái niệm tư duy lôgích hơn ý nghĩa biểu niệm của từ ‘nước’ tiếng Việt. Điều đó dẫn đến những khác biệt về cách thức và khả năng gọi tên những sự vật liên quan: người Anh không thể nói ‘nước mắm’, ‘nước dừa’, ‘nước mắt’, ‘nước miếng’, ‘nước mũi’, hay ‘điệu chảy nước’ như người Việt.

Để phân biệt hai loại phạm trù khái niệm này, ngôn ngữ học tri nhận đưa ra khái niệm ‘bức tranh khoa học về thế giới’ và ‘bức tranh ngôn ngữ về thế giới’, trong đó ‘bức tranh ngôn ngữ về thế giới’ còn được quan niệm là ‘bức tranh dân gian về thế giới’.

(còn nữa)
__________________________________________

Posted in Nhập môn ngôn ngữ học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa của từ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 12, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. ý nghĩa của từ là gì?

Khi nói đến ý nghĩa của từ, người ta thường nghĩ đến sự vật, hiện tượng hay nội dung khái niệm về sự vật, hiện tượng mà từ biểu thị. Nội dung khái niệm chính là sự phản ánh của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan vào trong từ. Chẳng hạn từ ‘nhà’ trong tiếng Việt vừa gợi ra cho ta ‘hình ảnh về những ngôi nhà’ trong thực tế khách quan, vừa gợi lên nội dung khái niệm về một ‘công trình xây dựng có mái che, có tường vách, dùng làm nơi ở hay nơi làm việc’.

Tuy nhiên, từ không chỉ có một chức năng là gọi tên sự vật, hiện tượng, hay biểu thị khái niệm. Từ còn có cả chức năng biểu thị thái độ, tình cảm của con người đối với hiện thực. Chẳng hạn, khi sử dụng các từ ‘hy sinh’ hay ‘toi mạng’, người Việt đều muốn tỏ thái độ, tình cảm (tích cực hoặc tiêu cực) của mình đối với đối tượng được nói tới và nhờ đó tác động đến thái độ, tình cảm của người nghe.

Ngoài ra, khi được dùng để đặt câu, từ còn có thêm một chức năng nữa: chức năng biểu thị quan hệ ngữ pháp, tức chức năng ngữ pháp. Chức năng ngữ pháp của từ liên quan đến khả năng kết hợp của từ với những từ khác trên dòng lời nói, và điều đó lại liên quan đến cấu trúc của từ. Chẳng hạn, khi được sử dụng trong lời nói, dạng thức từ ‘student’ (sinh viên) của tiếng Nga chỉ có thể làm ‘chủ thể ở số ít’ của động từ – đó là chức năng chủ ngữ, chứ không thể là đối tượng của hành động – tức là bổ ngữ trong câu. Điều đó được quy định bởi cấu trúc của nó: với cấu trúc hình thức ấy, nó luôn là: danh từ giống đực, số ít, nguyên cách và chỉ có thể giữ vai trò là chủ ngữ trong câu.

Do vậy, khi nói đến ý nghĩa của từ, ta cần phải hiểu rằng đó là một tập hợp của những thành phần ý nghĩa khác nhau, ứng với các chức năng khác nhau của từ.

Trong giới ngôn ngữ học, việc phân biệt các thành phần ý nghĩa của từ có thể không giống nhau. Thường thì người ta phân biệt hai thành phần ý nghĩa chủ yếu của từ: 1) ý nghĩa liên quan đến hiện thực ngoài ngôn ngữ (sự vật, hiện tượng hay khái niệm về sự vật, hiện tượng), và 2) ý nghĩa liên quan đến nội bộ hệ thống ngôn ngữ (khả năng kết hợp của từ). Song, cách phân biệt này nhiều khi không vạch được ranh giới rõ ràng cho các thành phần ý nghĩa của từ, vì hệ thống ngôn ngữ và hiện thực ngoài ngôn ngữ có liên quan mật thiết với nhau. Điều đó dẫn đến sự chồng chéo của các thành phần ý nghĩa. Bởi vậy, trong ngôn ngữ học hiện đại, người ta thường phân biệt bốn thành phần ý nghĩa của từ (ở đây phải tạm coi là từ chỉ có một nghĩa). Đó là: ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm, ý nghĩa ngữ dụng ý nghĩa ngữ pháp.

2. Ý nghĩa biểu vật của từ

Ý nghĩa biểu vật còn được gọi là ý nghĩa sự vật hoặc ý nghĩa sở chỉ. Đây là thành phần ý nghĩa liên quan đến chức năng biểu thị sự vật/hiện tượng của từ. Ý nghĩa này phản ánh bản thân các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan hoặc đặc trưng, tính chất… của chúng.

Tuy nhiên, đối tượng mà từ biểu thị lại không phải là một sự vật hay hiện tượng cụ thể, đơn lẻ nào của thực tế khách quan mà là một sự vật hay hiện tượng mang tính khái quát có thể đại diện cho các sự vật hay hiện tượng cùng loại. Thật vậy, từ ‘bàn’ trong tiếng Việt được dùng để chỉ mọi cái bàn có thể có trong thực tế khách quan, cho dù đó là bàn gỗ, bàn sắt, bàn vuông, bàn tròn, bàn ba chân, bàn bốn chân… . Từ ‘bàn’ chỉ có thể có được khả năng ấy, nếu nó không gắn với một cái bàn cụ thể nào cả. Nói cách khác, “cái bàn” mà từ ‘bàn’ trong tiếng Việt biểu thị là một cái bàn chung chung, một cái bàn đã được khái quát hoá để đưa vào ngôn ngữ. Nhờ đó, trong hoạt động giao tiếp, từ ‘bàn’ sẽ ứng được với tất cả những cái bàn cụ thể, bằng cách gợi lên trong tâm lý người sử dụng ngôn ngữ hình ảnh của những cái bàn mà họ muốn nói tới.

Do vậy, có thể nói: ý nghĩa biểu vật là hình ảnh chung nhất của tất cả các sự vật, hiện tượng cùng loại mà từ có thể gọi tên hay gợi ra. Hoặc cũng có thể nói theo cách khác: Sự tương ứng giữa từ và sự vật hay hiện tượng là sự tương ứng mang tính tổng loại (toàn loại) chứ không phải sự tương ứng theo kiểu một – một. Điều này cũng đúng với cả những trường hợp mà ý nghĩa biểu vật của từ là một sự vật duy nhất thuộc loại, ví dụ như trường hợp các từ mặt trời, mặt trăng hay thượng đế chẳng hạn, bởi lẽ ngay cả trong các trường hợp này, từ cũng loại bỏ mọi biểu hiện riêng biệt của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan, chỉ giữ lại những gì chung nhất, tức là những cái có tính chất tổng loại. Ví dụ: từ ‘mặt trăng’ chỉ biểu thị một mặt trăng chung chung, mà trong thực tế có thể ứng với ‘trăng non’, ‘trăng rằm’, ‘trăng mùa hạ’, ‘trăng mùa thu’, v.v…

Như vậy, ý nghĩa biểu vật của từ không phải là sự vật hay hiện tượng đúng như nó tồn tại trong thực tế khách quan mà là một sự vật, hiện tượng thuộc phạm trù ngôn ngữ, là sự phản ánh các sự vật, hiện tượng của thực tế khách quan vào trong ngôn ngữ. Cho nên, sự vật/hiện tượng do từ biểu thị được gọi là ‘cái biểu vật’ (‘denotat’). Cái biểu vật chính là hình ảnh chung nhất về sự vật/ hiện tượng mà từ gợi ra và có thể khác nhau giữa các ngôn ngữ, thậm chí giữa các cá nhân, do đặc điểm hiện thực của mỗi dân tộc hay của mỗi người. Ví dụ : Hình ảnh ‘cánh đồng’ trong tâm trí người Nga, người Pháp và người Việt không hoàn toàn giống nhau.

(còn nữa)
________________________________________________

Posted in Ngữ nghĩa từ vựng học, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »

Các phương thức cấu tạo từ mới

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 4, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Hệ thống cấu tạo từ (kiểu cấu tạo từ)

Các từ mới không phải là những từ được tạo ra một cách lẻ tẻ, rời rạc, ngẫu nhiên mà thường được tạo ra theo những khuôn mẫu cấu tạo nhất định và làm thành những hệ thống hay kiểu từ có chung đặc điểm cấu trúc và nghĩa. Đó chính là các hệ thống cấu tạo từ hay kiểu cấu tạo từ.

Hệ thống cấu tạo từ là tập hợp những từ có chung một khuôn hình cấu tạo (ví dụ: có chung một kiểu phụ tố, tính chất của căn tố giống nhau) và ý nghĩa cấu tạo giống nhau. Chẳng hạn, các từ worker (người lao động, công nhân), writer (người viết, nhà văn), singer (người hát, ca sĩ), reader (người đọc, độc giả) của tiếng Anh làm thành một hệ thống cấu tạo từ, vì chúng có chung một kiểu phụ tố (ở đây là hậu tố -er), tính chất của căn tố trong các từ này giống nhau (đó là căn tố động từ) và ý nghĩa cấu tạo của chúng giống nhau (người thực hiện một hành động hoặc một hoạt động nào đó). Tuy nhiên, do sự phát triển của ngôn ngữ nói chung và của vốn từ vựng nói riêng, các hệ thống cấu tạo từ có thể bị phân hoá. Một số từ trong hệ thống cấu tạo từ bị mất nghĩa ban đầu và nhận thêm nghĩa mới hoặc ý nghĩa cấu tạo đã khác đi. Do đó trong các hệ thống cấu tạo từ, ta có thể phân biệt những kiểu nhỏ hơn, dựa trên cơ sở ý nghĩa cấu tạo. Chẳng hạn, trong kiểu ‘phó + danh từ’ trong tiếng Việt, ta có thể phân biệt ít nhất ba kiểu nhỏ, chẳng hạn:

Phó giám đốc / Phó giáo sư / Phó mộc
Phó hiệu trưởng / Phó tiến sĩ / Phó nề

Trong các kiểu cấu tạo từ, ta còn nhận thấy rằng, có những kiểu bao gồm nhiều từ thuộc loại và có cấu trúc hình vị giống nhau, chẳng hạn như kiểu ‘căn tố động từ + phụ tố -er’ trong tiếng Anh hay kiểu ‘nhà + danh từ’ trong tiếng Việt. Đó là những kiểu cấu tạo từ đều đặn. Thường thì những kiểu này có tính sinh sản cao, tức là được sử dụng nhiều để tạo ra từ mới và hiện vẫn còn được sử dụng. Bên cạnh đó, có những kiểu chỉ bao gồm rất ít từ hoặc thậm chí chỉ gồm một từ duy nhất thuộc loại, như trường hợp kiểu ‘danh từ + hấu’ trong tiếng Việt; nó chỉ gồm có một từ thuộc loại là dưa hấu. Kiểu này không có tính sinh sản và hiện nay không còn được sử dụng để tạo thêm từ mới.

2. Các phương thức cấu tạo từ

Trước hết cần phải nói rằng, tất cả các từ trong ngôn ngữ đều được tạo ra theo một phương thức nào đấy. Song, đối với những từ gốc có cấu tạo bằng một hình vị cấu tạo từ, ta không thể giải thích được lý do cấu tạo của chúng, do đó không thể nói đến phương thức cấu tạo của chúng. Các từ gốc nguyên cấp đều là những từ được cấu tạo bằng một hình vị cấu tạo từ nên thường được gọi là từ đơn. Như vậy, các từ đơn là những từ không thể giải thích được về mặt cấu tạo, trừ một số từ tượng thanh và tượng hình. Mỗi từ đơn là một đơn vị duy nhất trong ngôn ngữ, xét về cách cấu tạo, và về cơ bản mang tính võ đoán. Chính vì vậy, khi nói đến các phương thức cấu tạo từ, người ta chỉ đề cập đến những cách thức mà các ngôn ngữ sử dụng để tạo ra những từ có thể giải thích được về mặt cấu tạo (tức là các từ tạo). Những từ được tạo ra theo cách đó thường mang tính hệ thống: Chúng tập hợp thành những nhóm có chung một kiểu cấu tạo. Do vậy:

Phương thức cấu tạo từ là cách thức và phương tiện mà các ngôn ngữ sử dụng để tạo ra các kiểu cấu tạo từ.

Các kiểu cấu tạo từ trong các ngôn ngữ có thể được mô tả ở những cấp độ khác nhau, và do đó số lượng các phương thức cấu tạo từ có thể rất lớn, song xét ở cấp độ chung nhất, có thể nêu ba phương thức cấu tạo từ chủ yếu sau đây:

(i). Phương thức phụ gia

Phương thức phụ gia là phương thức kết hợp một căn tố hoặc một phức thể căn tố với phụ tố để tạo ra từ mới. Những từ được tạo ra theo phương thức này thường được gọi là từ phái sinh. Ví dụ, trong tiếng Nga: căn tố golov được kết hợp với phụ tố -ka để tạo ra từ golovka (cái đầu nhỏ); hoặc trong tiếng Anh: căn tố milk (sữa) được kết hợp với phụ tố -y để tạo ra tính từ milky (có sữa, bằng sữa). Phương thức phụ gia vẫn được coi là phương thức đặc trưng cho các ngôn ngữ biến hình, như tiếng Nga, tiếng Anh hay tiếng Đức. Song thực ra, trong các ngôn ngữ không biến hình, như tiếng Việt, tiếng Khơme, hay tiếng Hán chẳng hạn, phương thức này cũng được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiều khi tính chất phụ tố của các hình vị cấu tạo từ ở những ngôn ngữ này không thật rõ ràng. Ví dụ: Các từ ‘nhạc sĩ’, ‘hợp tác hoá’, ‘nhà văn’ của tiếng Việt có thể có cách cấu tạo giống như từ phái sinh ở các ngôn ngữ biến hình, song các từ tố ‘sĩ, hoá, nhà’ lại không hoàn toàn giống như các phụ tố, bởi lẽ chúng có thể tồn tại độc lập với ý nghĩa ít nhiều có thể xác định được. Do vậy, nhiều người cho rằng không nên coi đây là những phụ tố và không nên coi những từ tạo trên đây là những từ được tạo ra bằng phương thức phụ gia.

(ii). Phương thức ghép

Ghép là phương thức kết hợp các hình vị cùng tính chất với nhau (chủ yếu là các căn tố với nhau) theo một trật tự nhất định để tạo ra từ mới – từ ghép. Đây là phương thức được sử dụng phổ biến trong các ngôn ngữ,
ví dụ: trong tiếng Việt: mua bán, thiệt hơn, thay đổi, được mất, xe hơi,
trong tiếng Anh: blackboard (bảng đen), inkpot (lọ mực), manpower (nhân lực),
trong tiếng Pháp: vinaigre (giấm), sous-marin (tàu ngầm),

Trong số các loại từ tạo thì từ ghép thường gây nên sự nghi ngờ và bất đồng ý kiến, vì rằng chúng dễ bị nhầm lẫn với cụm từ tự do. Vì vậy, người ta phải đưa ra các tiêu chuẩn nhận diện từ ghép. Ngoài các tiêu chuẩn áp dụng đối với các từ nói chung là:

– Phải có nghĩa hoàn chỉnh, nghĩa là biểu thị một nội dung khái niệm độc lập, hoàn chỉnh.

– Có cấu trúc hình thức chặt chẽ, nghĩa là không thể bỏ đi một hình vị (từ tố) mà nghĩa của từ vẫn được giữ nguyên, hoặc không thể chêm các thành phần khác vào giữa hình vị hay chêm các thành phần phụ cho từng hình vị riêng lẻ,

còn có thể nêu thêm hai tiêu chuẩn sau đây:

Phải có dấu hiệu hình thức, chẳng hạn như có hình vị nối (liên tố) giữa các căn tố, ví dụ: hình vị nối -o- trong zvuk/o/operator (người thu thanh) của tiếng Nga, hay speed/o/meter (đồng hồ tốc độ) của tiếng Anh.

Phải có sự biến âm (gọi là biến âm sandhi), nghĩa là các hình vị được ghép với nhau bị thay đổi hình thức ngữ âm, ví dụ: nguyên âm ‘e mũi’ của hình vị vin (rượu vang) biến thành [i] khi có được kết hợp với aigre (chua) thành vinaigre (giấm) trong tiếng Pháp, hay nguyên âm [o] của hình vị po trong từ potomu (vì vậy) trong tiếng Nga được phát âm ngắn hơn bình thường, do trọng âm của từ ghép này rơi vào âm tiết cuối.

(iii). Phương thức láy

Láy là phương thức lặp lại toàn bộ hay một bộ phận từ gốc để tạo ra từ mới – gọi là ‘từ láy’. Ví dụ: đen đen, trăng trắng, sành sạch trong tiếng Việt. Phương thức láy là phương thức được sử dụng phổ biến trong các ngôn ngữ không biến hình, ví dụ như tiếng Việt, Lào, Khơme, tiếng Inđônêxia, v.v… Trong nhiều ngôn ngữ, phương thức này chỉ được sử dụng rất hạn chế, và điều quan trọng là ở đó, các kiểu cấu tạo láy không có tính sinh sản, do đó thường chỉ gồm một từ duy nhất thuộc loại, chứ không bao gồm nhiều từ thuộc loại như trong các ngôn ngữ không biến hình, ví dụ như: tiptop (đỉnh cao) so-so (tàm tạm) trong tiếng Anh hay ‘chut-chut‘ (xuýt nữa) trong tiếng Nga. Hơn nữa, nhiều khi các từ láy ở những ngôn ngữ này lại có quan hệ với hiện tượng tượng thanh hay tượng hình, ví dụ như murmur (rì rầm) hay zigzag (ngoằn ngoèo) trong tiếng Anh, và do đó, thực ra chúng không phải là những từ tạo mà là từ gốc.

Ngoài ra, láy còn là phương thức để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp, ví dụ: ‘rénrén’ trong tiếng Trung và ‘người người’ trong tiếng Việt không phải là từ mới mà là dạng số nhiều của từ ‘rén’ và ‘người’. Bởi vậy, khi xác định phương thức láy cần phân biệt các dạng láy và từ láy, cũng như từ láy nguyên cấp (từ gốc) và từ láy thứ cấp – tức từ mới được tạo ra theo phương thức láy.

Trên đây chỉ là những phương thức cấu tạo từ có tính chất tổng quát. Tuỳ theo từng ngôn ngữ, các phương thức này có thể được chi tiết hoá thành những phương thức cụ thể hơn, ví dụ: phương thức tiền tố hoá, phương thức hậu tố hoá, phương thức vĩ tố hoá, phương thức tiền tố hoá + hậu tố hoá, phương thức tiền tố hoá + vĩ tố hoá, v.v…

_________________________________________

Posted in Nhập môn ngôn ngữ học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , , , , | Leave a Comment »