TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Posts Tagged ‘việt nam học’

Một số vấn đề về ngữ pháp văn bản tiếng Việt (tóm tắt)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 18, 2012

Lê Đình Tư

1. Tổng quan

1.1 Ngữ pháp văn bản, ngôn ngữ học văn bản và văn bản học

Ngữ pháp học truyền thống, trong khi chỉ quan tâm đến những đơn vị ngôn ngữ trong phạm vi câu, chưa đi sâu nghiên cứu chức năng giao tiếp của ngôn ngữ cũng như quá trình tiếp nhận và tạo lập các tín hiệu giao tiếp bằng ngôn ngữ, do đó không đủ khả năng giải thích nhiều hiện tượng biểu hiện trong phạm vi câu nhưng lại có liên quan đến những cơ chế ngoài câu như điệp, đối, việc lựa chọn các quán từ, vai trò của đại từ, từ nối, các mối liên kết giữa các câu, v.v. Điều này khiến cho nó không đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn trong phân tích tác phẩm văn học hay phân tích và xây dựng các loại văn bản khác nhau.

Ngữ pháp văn bản ra đời nhằm giải quyết những hạn chế của ngữ pháp trong phạm vi câu. Tuy nhiên, cách gọi tên bộ môn ngôn ngữ học này trong tiếng Việt có phần không chính xác, không phản ánh đúng quan niệm được chấp nhận trong ngôn ngữ học Âu châu, bởi vì thuật ngữ văn bản (text) của các ngôn ngữ Âu châu có thể gây ra sự hiểu nhầm trong tiếng Việt, nơi mà thuật ngữ này vẫn được hiểu theo nghĩa hẹp hơn: ‘sản phẩm ngôn ngữ viết’ hay ‘ngôn phẩm viết’. Do vậy, cần phải hiểu từ ‘văn bản’ theo nghĩa rộng hơn. Ở đây thuật ngữ ‘ngữ pháp văn bản’ bao hàm việc nghiên cứu văn bản không chỉ với tư cách là loại ngôn phẩm viết, mà còn cả với tư cách là những ngôn phẩm nói có cấu trúc của những chỉnh thể trên câu. Như vậy, với tư cách là một thuật ngữ ngôn ngữ học, ‘văn bản’ trong tiếng Việt từ nay cũng bao gồm cả những ngôn phẩm nói.

Ngữ pháp văn bản thường được dùng như là một thuật ngữ đồng nghĩa với ngôn ngữ học văn bản, tuy rằng ngôn ngữ học văn bản có phạm vi nghiên cứu rộng hơn, ví dụ như nó nghiên cứu cả những vấn đề siêu văn bản (hipertekst). Bên cạnh hai thuật ngữ tương đương này còn có một thuật ngữ khác dùng để chỉ một bộ môn khoa học khác nhưng đôi khi lại được dùng theo nghĩa giống như ngữ pháp văn bản, đó là văn bản học (tekstologia) (ví dụ: J. Bartmiński ). Tuy nhiên, theo cách hiểu của phần lớn các nhà ngôn ngữ học thì ‘ngữ pháp văn bản’ và ‘văn bản học’ là hai lĩnh vực khoa học khác nhau, vì quan tâm đến những vấn đề khác nhau: ‘văn bản học’ thường được dùng với nghĩa là ngành khoa học nghiên cứu các văn bản (chủ yếu là văn học) dưới góc độ so sánh nhằm tìm ra những thay đổi trong những văn bản đó. Mục đích chủ yếu của ‘văn bản học’ là phát hiện những chỗ sai sót hay khác biệt của các văn bản để xác định văn bản gốc và các dị bản, những chỗ sáng tạo trong văn bản, lai lịch của văn bản hoặc để phục vụ cho công việc biên tập.

1.2. Nghiên cứu ngữ pháp văn bản trên thế giới và ở Việt Nam
Ngữ pháp văn bản phát triển thành một bộ môn nghiên cứu độc lập trải qua 4 giai đoạn:

(i) Giai đoạn phi ngôn ngữ học: trước năm 30 của thế kỷ XX. Đó là giai đoạn nghiên cứu văn bản một cách rời rạc, chưa có sự định hướng ngôn ngữ học. Các nghiên cứu văn bản trong suốt thời gian này chủ yếu phục vụ cho những lĩnh vực nghiên cứu có liên quan đến văn bản như thuật hùng biện (ví dụ: các triết gia Hy Lạp cổ đại như Aristoteles, Quintillian) hay tu từ học.

(ii) Giai đoạn sơ khai: những năm 30 – 40 của thế kỷ XX. Đó là giai đoạn xuất hiện những công trình nghiên cứu văn bản ít nhiều có dịnh hướng ngôn ngữ học (ví dụ như của nhà ngôn ngữ học Tiệp Khắc Mathesius).

(iii) Giai đoạn tự khẳng định: những năm 50 – 60 của thế kỷ XX. Đây là giai đoạn hình thành và bổ sung các khái niệm cơ bản của ngữ pháp văn bản, xác định đối tượng và mục đích nghiên cứu của nó. Trong giai đoạn này bắt đầu xuất hiện các tung tâm nghiên cứu ở Tiệp Khắc hay ở Liên Xô (cũ). Ngoài ra, các ý kiến chuyên môn của những tên tuổi lớn trong ngôn ngữ học như L. Hjemslev hay H. Weinrich cũng đã góp phần làm cho ngữ pháp văn bản trở thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập.

(iv) Giai đoạn phát triển mạnh mẽ: từ những năm 70 đến nay. Ở giai đoạn này, ngữ pháp văn bản đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập. Người ta đã xây dựng và hoàn thiện được hệ thống khái niệm cơ bản, khẳng định văn bản là đơn vị lớn nhất của ngôn ngữ. Bên cạnh đó, ngữ pháp văn bản trong giai đoạn hiện tại không còn bị giới hạn trong việc nghiên cứu cấu trúc nội tại của văn bản mà còn mở rộng phạm vi nghiên cứu tới những đặc trưng hướng ngoại của nó. Xuất hiện ngày càng nhiều các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa các kiểu ứng xử và những đặc trưng xã hội hoặc văn hóa của con người, ví dụ: Trường phái Anh-Mỹ (Halliday, Hymes), các công trình nghiên cứu về ngữ dụng (Grice), hay phân tích hội thoại (Goffman, Jefferson).

Ở Việt Nam, nghiên cứu về ngữ pháp văn bản còn chưa có nhiều, tuy rằng cũng đã thu được những kết quả nhất định, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu về tính liên kết (Kohezja) của văn bản (ví dụ: Trần Ngọc Thêm) và tính mạch lạc (Koherencja) văn bản (ví dụ: Diệp Quang Ban). Cũng đã có một số nhà nghiên cứu (ví dụ: Đỗ Hữu Châu) bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu cấu trúc hướng ngoại của văn bản. Ngoài ra, có một số nhà nghiên cứu (ví dụ: Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú) vẫn tiếp tục đường hướng nghiên cứu về phong cách của văn bản.

2. Khái niệm về văn bản và văn bản tiếng Việt

2.1 Một vài quan niệm về văn bản
Thuật ngữ ‘văn bản’ trong các ngôn ngữ Ấn-Âu đều bắt nguồn từ chữ La-tinh ‘textus’ có nghĩa là ‘dây bện, vải’. Trong ngôn ngữ học, ‘văn bản’ đã được định nghĩa theo những cách khác nhau. Trên địa bàn tiếng Việt chẳng hạn, Đinh Trọng Lạc quan niệm: “Văn bản … là một thể thống nhất toàn vẹn được xây dựng theo những quy tắc nhất định”. Hữu Đạt thì cho rằng: “Văn bản là một tập hợp các câu (hay phát ngôn) được kết hợp với nhau theo một phương thức nhất định đảm bảo cho việc truyền đạt thông tin có hiệu quả và chính xác.” Định nghĩa của Trần Ngọc Thêm có phần đơn giản hơn: Văn bản là chỉnh thể thống nhất và trọn vẹn về nội dung và hình thức. Nhưng ông cũng khẳng định thêm: “Văn bản là một hệ thống mà trong đó các câu mới chỉ là các phần tử. Ngoài các câu–phần từ, trong hệ thống văn bản còn có cấu trúc. Cấu trúc của văn bản chỉ ra vị trí của mỗi câu và những mối quan hệ, liên hệ của nó với những câu xung quanh nói riêng và với toàn văn bản nói chung. Sự liên kết là mạng lưới của những quan hệ và liên hệ ấy.”.
Hiện nay, trong tiếng Việt, ‘văn bản’ được quan niệm là đơn vị cao nhất của ngôn ngữ. Đó là một chỉnh thể gồm một hay nhiều đoạn văn được liên kết chặt chẽ với nhau để thể hiện một nội dung hoàn chỉnh chung.

2.2 Các bình diện của văn bản
Văn bản là một chỉnh thể, trong đó có thể phân biệt ba bình diện:

(i) Bình diện ngữ kết (hay cấu tạo hình thức)
Đó là bình diện liên quan đến sự liên kết hình thức của các đơn vị ngôn ngữ như các yếu tố ngữ âm, các đơn vị từ vựng, các cách kết hợp mệnh đề và các cách liên kết câu. Bình diện này làm nên tính liên kết của văn bản.

(ii) Bình diện ngữ nghĩa (hay cấu tạo nội dung)
Bình diện này liên quan đến sự liên kết các đơn vị có nghĩa (hình vị, từ, câu) để thể hiện một thông điệp nhằm đạt được một ý định giao tiếp. Xét về mặt này, văn bản là một thể thống nhất về nội dung và tính lôgích. Bình diện này làm nên tính mạch lạc của văn bản.

(iii) Bình diện ngữ dụng
Đó là bình diện liên quan đến những yếu tố tham gia vào việc truyền tải và tiếp nhận văn bản: người nói, nguời nghe, hoàn cảnh giao tiếp, và đến ý định thông báo của người nói. Bình diện này liên quan đến đặc điểm hay chủng loại phong cách của văn bản .

(còn nữa)
___________________________________________________

Posted in Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: , , , , , , , , , , | 1 Comment »