TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Archive for the ‘Từ vựng học’ Category

Ảnh hưởng của các ngôn ngữ Ấn-Âu đối với từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 19, 2010

1. Lịch sử vay mượn từ ngữ Ấn-Âu

Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp vào nửa cuối thể kỉ XIX và thời kì cai trị của thực dân Pháp kéo dài trên 80 năm. Trong thời kì đó, tiếng Pháp đã được đưa vào giảng dạy và sử dụng trong các trường học và là ngôn ngữ chính thức của nhà nước thuộc địa. Do vậy, các từ ngữ tiếng Pháp đã xâm nhập vào tiếng Việt khá nhiều, và thông qua tiếng Pháp, một số từ ngữ của những ngôn ngữ Ấn-Âu khác như tiếng Anh hay tiếng Nga cũng đi vào tiếng Việt.

Tuy nhiên, sự tiếp xúc của tiếng Việt với các ngôn ngữ Ấn-Âu diễn ra muộn hơn nhiều so với tiếng Hán và một số ngôn ngữ châu Á khác. Lúc này, tiếng Việt đã tiếp nhận một cách có hệ thống những từ ngữ tiếng Hán cần thiết để bổ sung cho vốn từ vựng của mình, do đó các từ ngữ Ấn-Âu chỉ được tiếp nhận một cách lẻ tẻ và thường tập trung vào các lĩnh vực khoa học-kĩ thuật.

Thời kì đầu, tiếng Việt thường không tiếp nhận các từ ngữ Ấn-Âu một cách trực tiếp mà tiếp nhận gián tiếp qua tiếng Hán, do đó các âm Ấn-Âu đều có dáng dấp của âm Hán-Việt, ví dụ: câu lạc bộ; Nã Phá Luân; Ba Lê; Anh Cát Lợi, Ba Lan

Về sau, cách tiếp nhận này đã được thay thế bằng cách tiếp nhận trực tiếp hoặc thông qua tiếng Pháp. Thời gian gần đây, xu hướng tiếp nhận trực tiếp không qua tiếng Pháp ngày càng trở nên phổ biến. Ví dụ: makéttinh (t. Anh: marketing); cátxê (t. Anh: cash); (t. Anh: show), Vácsava

Ngoài việc tiếp nhận hình thức và ý nghĩa của các từ ngữ Ấn-Âu, tiếng Việt còn mô phỏng cấu trúc của một số từ ngữ Ấn-Âu, khiến cho trong tiếng Việt có những từ ngữ và cách nói có cấu trúc nghĩa giống như trong các tiếng Ấn-Âu. Ví dụ: chiến tranh lạnh; giết thời gian (t.Pháp); vũ trang tận răng, đĩa cứng, đĩa mềm (t. Anh); vườn trẻ, nhà văn hóa (t.Nga).

2. Các lớp từ ngữ Ấn-Âu trong tiếng Việt

– Tiếng Việt vay mượn từ ngữ Ấn-Âu trước hết là để bổ sung những từ ngữ còn thiếu mà chủ yếu là những từ ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học-kĩ thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các từ ngữ Ấn-Âu được mượn vào tiếng Việt còn nhằm mục đích bổ sung một lớp từ có nghĩa chính xác hơn từ thuần Việt hoặc Hán-Việt (ví dụ: xúp lơ, mù tạt), nhất là trong lĩnh vực thuật ngữ. Trong một số trường hợp đặc biệt, nguyên nhân vay mượn từ ngữ Ấn-Âu vào tiếng Việt chỉ là ý thích mang tính thời thượng (ví dụ: nhạc dance, cátxê).

– Tuy đều là từ ngữ gốc Ấn-Âu nhưng giữa các từ ngữ này có sự khác biệt về mức độ Việt hóa. Nhìn chung, có thể phân biệt những lớp từ ngữ Ấn-Âu sau đây:

+ Từ được Việt hóa cao độ. Đó là những từ ngữ Ấn-Âu mà xét về hình thức và cách thức hoạt động không khác gì với một từ thuần Việt. Nói chung, đây thường là những từ ngữ thông dụng, mức độ Việt hóa phải đủ cao để người Việt có thể sử dụng giống như những từ của tiếng Việt. Có thể nêu ra đây một vài cách Việt hóa từ ngữ Ấn-Âu như sau:

* Thêm thanh điệu cho các âm tiết, ví dụ: cà phê, vét tông, cà rốt.
* Bỏ bớt phụ âm trong các nhóm phụ âm, ví dụ: phanh (frein), gam (gramme), kem (crème), van (valse).
* Thay đổi một số âm cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, ví dụ: bốc (box), ba tê (paté), búp bê (poupée), pê đan (pédall).
* Rút gọn từ, ví dụ: xăng (essence) ; lốp (enveloppe); săm (chambre à air)

+ Từ chỉ được Việt hóa một phần. Thường thì đây là những từ ngữ khoa học – kĩ thuật thông dụng. Xét trên chữ viết, những từ ngữ này thường được viết các âm tiết liền nhau hoặc giữa các âm tiết có dấu gạch nối, Ví dụ: xêmina (xê-mi-na), côngtơ (công-tơ), ampe (am-pe), đôping (đô-ping), tuốcbin (tuốc-bin), complê (com-plê), phécmơtuya (phéc-mơ-tuya),

+ Những từ không được Việt hóa hoặc chỉ được Việt hóa rất ít. Đây thường là những thuật ngữ khoa học-kĩ thuật, cần phải giữ được tính chính xác và tính quốc tế, đồng thời cũng là những từ có phạm vi sử dụng hẹp. Ví dụ: electron, miliampe, microphon, automat.

Đương nhiên, trong những trường hợp cần thiết, người ta còn phải chuyển tự các từ vay mượn của các ngôn ngữ Ấn-Âu, ví dụ: dicdac (zigzag), xêmina (seminar).
___________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt, Từ vựng học, Từ vựng ngoại lai | Thẻ: , , , , , , | 2 Comments »

Ảnh hưởng của một số ngôn ngữ châu Á khác đối với từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 11, 2010

Lê Đình Tư

Ngoài những ảnh hưởng của tiếng Hán, tiếng Việt còn chịu ảnh hưởng của một số ngôn ngữ châu Á khác, đặc biệt là các ngôn ngữ Khơme (Khmer), ngôn ngữ Tày-Thái, ngôn ngữ Ấn Độ (tiếng Phạn, tiếng Pali).

1. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Khơme

Có ảnh hưởng lớn nhất trong số các ngôn ngữ kể trên là tiếng Khơme. Do sự tiếp xúc khá thường xuyên với tiếng Khơme, một số lượng khá lớn từ tiếng Khơme đã đi vào tiếng Việt và giữ vai trò quan trọng trong lớp từ cơ bản của tiếng Việt. Tuy nhiên, sự vay mượn các từ ngữ gốc Môn-khơme đã diễn ra ngay từ thời kì xa xưa cho nên có nhiều từ cho đến nay rất khó xác định rõ nguồn gốc. Vì vậy, nói đến những từ ngữ gốc Môn-Khơme, người ta thường chú ý tới những từ ngữ được vay mượn trong thời gian gần đây hơn. Có thể nói, trong thời gian gần đây (từ khoảng thế kỉ XIX), giữa tiếng Khơme và tiếng Việt đã có những mối quan hệ trực tiếp mà chủ yếu là qua phương ngữ Nam Bộ. Các mối quan hệ này đã để lại một số từ chỉ các loại cây cỏ đặc trưng cho vùng Nam Bộ như: xoài, thốt nốt, sầu riêng, hay từ biểu thị hoạt động, cách thức hoạt động của người và động vật như: nhậu (= ăn và uống), tùm lum (= lung tung), xài (ăn, dùng), cà lăm, cà nhắc, ba lăng nhăng.
Nói chung, các từ ngữ gốc Khơme được Việt hóa cao độ trong tiếng Việt nên nhiều người Việt vẫn coi đây là những từ thuần Việt.

2. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Tày-Thái

Ngoài tiếng Khơme, các tiếng Tày-Thái cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến tiếng Việt. Nhưng những ảnh hưởng của tiếng Tày-Thái đối với tiếng Việt thường liên quan đến giai đoạn phát triển sớm hơn của tiếng Việt, tức là giai đoạn Việt-Mường. Trong giai đoạn sớm đó, giữa các ngôn ngữ trong vùng đã có sự tiếp xúc thường xuyên và chúng đã ảnh hưởng lẫn nhau theo nhiều chiều, khá phức tạp. Chính vì vậy, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định một cách chắc chắn những ảnh hưởng cụ thể của tiếng Tày-Thái đối với tiếng Việt hoặc ngược lại. Có nhiều khả năng tiếng Việt đã ảnh hưởng đến các ngôn ngữ Tày- Thái về mặt từ vựng chuyên môn (chính trị, khoa học, kỹ thuật), còn các tiếng Tày-Thái thì ảnh hưởng tới tiếng Việt về từ vựng sản xuất nông nghiệp. Có một điều chắc chắn là trong tiếng Việt hiện đại có nhiều từ mà hình thức ngữ âm và ý nghĩa giống hoặc gần giống với các từ tương đương trong các tiếng Tày-Thái. Ví dụ, so sánh:

Tiếng Việt: bún, hái, chóc (chim), dứa, ớt, quế.

Tiếng Tày-Thái: pún, hải, chộc, dửa, ớt, quẻ.

Hơn nữa, trong tiếng Việt ngày nay có một số từ ghép được tạo ra bằng cách kết hợp một từ thuần Việt và một từ gốc Tày-Thái. Ví dụ: chó má (má = chó, gốc Tày-Thái), mặt nạ (nạ=mặt, gốc Tày-Thái), súng ống (ống=súng, gốc Tày-Thái), chim chóc (chóc=chim, gốc Tày Thái).

Chính vì vậy, biết được nguồn gốc Tày-Thái (và cả nguồn gốc Môn-Khơme) của một số từ tiếng Việt, ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của các từ ghép trong tiếng Việt.

3. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Ấn Độ

Ấn Độ ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam về mặt văn hóa, tôn giáo. Việc tiếp thu các tôn giáo và các phép tu luyện Ấn Độ (như Yoga) đã khiến cho một số lượng lớn từ ngữ Ấn Độ được du nhập vào tiếng Việt. Tuy nhiên, do các sách kinh được truyền vào Việt Nam qua tiếng Hán nên nhiều từ ngữ Ấn Độ đã được phiên âm qua tiếng Hán và vì thế không còn giữ được cấu trúc âm thanh tiếng Phạn hay Pali. Ví dụ: Phật/Bụt (buddha), Tiểu thừa (hīnayāna), /Đại thừa (mahāyāna), Niết bàn (nirvāṇa), luân hồi (saṃsāra), Bồ Tát (bodhisattva). Riêng ở miền Trung Việt Nam, người Chăm đã tiếp thu đạo Bà la môn của Ấn Độ không qua tiếng Hán nên các từ ngữ vay mượn của Ấn Độ (tiếng Phạn, tiếng Pali hoặc tiếng Hinđu) vẫn giữ được âm gốc. Ví dụ: Shiva, Linga.

4. Ảnh hưởng của tiếng Nhật

Tiếng Nhật, nói chung, không có ảnh hưởng nhiều đến tiếng Việt ở giai đoạn phát triển sớm. Mãi đến thế kỉ XIX, tiếng Nhật mới có một ít ảnh hưởng đối với tiếng Việt, nhưng đó không phải là ảnh hưởng trực tiếp mà là ảnh hưởng gián tiếp thông qua tiếng Hán. Vào thời gian này, người Nhật đã tiếp xúc với châu Âu và làm quen với những khái niệm mới như: dân chủ, cộng hòa, kinh tế chính trị, xã hội…Họ đã dùng chữ Hán để dịch các khái niệm này. Về sau người Hán đọc các từ này theo âm Hán rồi người Việt lại mượn vào tiếng Việt và đọc theo âm Hán-Việt. Đây là lí do vì sao có những từ mượn của tiếng Hán nhưng người Việt không hiểu được cách cấu tạo, ví dụ: trường hợp, xã hội, kinh tế. Gần đây, một số từ ngữ tiếng Nhật đã được mượn thẳng vào tiếng Việt, ví dụ: kimônô, giuđô, karate, karaôkê.

_____________________________________________

Posted in Lịch sử tiếng Việt, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

Sông nước trong tiếng miền Nam

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 11, 2010

Trần Thị Ngọc Lang

Nam bộ là vùng đất sông nước, ruộng vườn. Sông rạch chằng chịt gắn bó bao đời với sinh hoạt, chi phối đời sống kinh tế cũng như đời sống tinh thần của con người. Bài viết này muốn nhấn mạnh tác động của thiên nhiên đến môi trường sống, đến tính cách, tâm lý của con người và tính cách, tâm lý đó sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn từ đặc trưng của mỗi vùng, miền.

Nam bộ là miền đất nhiều sông lắm rạch. Số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng liên quan đến sông nước vì vậy vô cùng phong phú, là nguồn đóng góp của phương ngữ Nam bộ vào ngôn ngữ toàn dân (NNTD): rạch, xẻo, con lươn, bùng binh, tắt, rỏng, vàm, lung, láng, bưng, bàu, cù lao, cồn, giồng…; nước lớn, nước ròng, nước rong, nước nổi, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương…; ghe, tam bản, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng… Những từ ngữ này không chỉ đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân vùng đất này, là yếu tố cấu tạo của nhiều địa danh mà còn phản ánh bối cảnh sáng tác của những câu hò, điệu hát dân gian và là mảnh đất tốt để nhà văn, nhà thơ khai thác.

Ngoài những ý nghĩa chung phản ánh những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên, nhiều từ ngữ sông nước còn được dùng theo nghĩa phái sinh để gọi tên những sự vật, hiện tượng khác theo cách mở rộng nghĩa. Năm 1895, Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quốc âm tự vị đã định nghĩa từ bùng binh: “khúc sông rộng phình tròn ra”. Đến năm 1970, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nghĩa từ bùng binh là “khu đất rộng nối các trục đường trong thành phố”: bùng binh Ngã Sáu, bùng binh Ngã Bảy… Như vậy một từ chỉ sông nước đã được dùng để gọi tên giao lộ của các con đường trong thành phố.

Nếu phương ngữ Bắc bộ gọi loại ôtô lớn chở hành khách trên các tuyến đường dài, thường là các đường liên tỉnh là ôtô ca (hay xe ca, xe khách) thì phương ngữ Nam bộ gọi là xe đò theo nghĩa đò là “thuyền chở khách trên sông nước theo một tuyến nhất định”.

Trong Từ điển tiếng Việt (viện Ngôn ngữ học), quá giang là “đi đò ngang qua sông”. Ngoài nghĩa đó, phương ngữ Nam bộ còn có thêm cách dùng phổ biến “đi nhờ một phương tiện vận tải nào đó” (vẫy xe xin đi quá giang một đoạn).

Khi thuyền chở đầy và nặng, không thể chở hơn được nữa, người ta nói là thuyền khẳm: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm…” (Nguyễn Đình Chiểu). Phương ngữ Nam bộ còn mở rộng nghĩa của khẳm là “quá nhiều, quá sức chứa”. Ví dụ: tiền vô khẳm, lời khẳm, thêm một ly nữa là khẳm… Chìm xuồng cũng thường được dùng ở nghĩa bóng: “cố ý bỏ qua, không đề cập tới nữa”: vụ đó kể như xử chìm xuồng rồi.

Phần lớn làng xã ở Nam bộ đều nằm hai bên bờ sông rạch. Từ đây dẫn đến một đặc điểm là đặt địa danh gắn liền với sông nước. Nhiều địa danh ở các tỉnh Nam bộ và TP.HCM mang tên nhóm từ sông nước này: Bàu Mây, Cồn Phụng, Cù Lao Dài, Giồng Trôm, Giồng Quéo, Láng Cò, Rạch Cá Trê, Rạch Cá Lóc, Rạch Bà Mụ… (Bến Tre); Vàm Cỏ (Long An); Vàm Cống (An Giang); Tắt Thủ (Cà Mau); Bàu Nai, Bàu Cát, Giồng Ông Tố, Bưng Sáu Xã, Rạch Chiếc, Rạch Miễu, Láng Le, Láng Thé, Rỏng Tràm, Rỏng Bàng, Vàm Sác… (TP.HCM).

Nếu so sánh địa danh ở các tỉnh Nam bộ với địa danh ở các tỉnh Bắc và Trung bộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy tính bình dị, dân dã của địa danh Nam bộ, trong đó các địa danh có từ ngữ sông nước kết hợp với danh từ chỉ động vật, thực vật, tên người nổi tiếng trong vùng… chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Những hình thức văn học dân gian như ca dao, hò, lý, cải lương… cũng đã khai thác và phản ánh những hình tượng thiên nhiên, tâm tư, tình cảm con người… qua những từ ngữ sông nước này. Trong ca dao Nam bộ, hình ảnh ghe xuồng, sông rạch xuất hiện với tần số cao.

Trong số các nhà văn Nam bộ, nhà văn lão thành Sơn Nam đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác và khảo cứu về vùng đất và con người Nam bộ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về Sơn Nam: “Là nhà văn, đi đâu anh cũng quá giang theo xuồng ghe của thương hồ. Anh đi sông lớn, sông nhỏ, theo kinh theo rạch, anh đi khắp cả sông nước miền Tây” (tạp chí Sông Hương, số 235, 9.2008). Bởi thế không lạ gì khi những từ ngữ sông nước xuất hiện nhiều trong các truyện và ký của Sơn Nam:

– Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa, nối liền qua những lung, bàu, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách… (Hương rừng, tập Hương rừng Cà Mau).

– Dưới sông, từng dề lục bình trôi theo ngọn nước ròng (Giấc mơ ngoài bãi tha ma, tập Hương rừng Cà Mau).

– Bấy lâu nay, ở vùng sông nước chằng chịt với chợ làng, chợ nổi ven sông, đêm thanh vắng nghe những câu hò, câu lý xen nhau dài theo con rạch, con kinh dường như vô tận, qua khúc loi, khúc vịnh, về đêm, trên nhánh bần gie có đóm đậu sáng ngời. (Từ U Minh đến Cần Thơ, Hồi ký).

Một nhà văn khác – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – sớm thành công và nổi tiếng với những sáng tác đậm chất Nam bộ, cũng viết về vùng đất và con người Nam bộ với ngôn ngữ vừa bình dị vừa tinh tế. Trong các tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, những từ ngữ sông nước cũng được sử dụng khá nhiều và giàu giá trị biểu cảm.

(Theo SGTT)

Posted in Danh học, Ngôn ngữ nghệ thuật, Ngôn ngữ và văn hóa, Tiếng địa phương | Thẻ: , , , , | 1 Comment »

Ẩn dụ trong địa danh

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 3, 2010

LÊ TRUNG HOA

Ẩn dụ là dùng tên của sự vật này để gọi sự vật khác căn cứ vào sự giống nhau của chúng. Trong địa danh Việt Nam có hàng trăm đơn vị được ra đời từ phương thức trên. Trong bài viết này, chúng tôi lần lượt trình bày các địa danh có quan hệ đến con người, động vật và sự vật.

NHỮNG ĐỊA DANH CÓ QUAN HỆ TỚI CON NGƯỜI

– Mẹ Bồng Con là dốc ở gần ngã ba Dầu Giây, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Mẹ Bồng Con vì có hai dốc liên tiếp, dốc lớn tượng trưng cho mẹ, dốc nhỏ tượng trưng cho con.
– Ông Trạng là núi ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cũng gọi núi Trạng Nguyên. Ông Trạng vì dáng núi giống như hình người đội mũ cánh chuồn.
– Phụ Tử là đảo có hình hai cột đá, một cao một thấp, ở gần bờ biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Giữa năm 2006, hòn phụ đã bị bào mòn, ngã đổ. Phụ Tử là “cha và con”, vì hai cột đá giống như hai cha con.
– Tiến Sĩ là núi nổi lên trên núi Xuân Đài, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tiến Sĩ vì dáng núi giống hình “ông tiến sĩ”.
– Vọng Phu là núi đá nằm ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Đắc Lắc và tỉnh Bình Định. Gọi là Vọng Phu (trông chồng) vì dáng núi giống người mẹ bồng con. Tương truyền, vì mong mỏi chồng ra trận lâu về, người vợ bồng con lên núi ngóng trông, lâu ngày hóa đá.
Một số gọi theo hình dáng của đấng linh thiêng hoặc hành động của con người.
– Bụt Mọc là hang ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Bụt Mọc vì trong hang có nhiều tảng đá lô nhô như tượng Phật.
– Lập Cập là đèo (thường gọi eo) ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, dài gần 10km, có hơn 1 kilômét có độ dốc cới mặt đường 50-60°. Lập Cập vì qua được đèo, tay chân run lập cập vì sợ sệt.
– Oa Oa là suối ở vùng Ái Tử, tỉnh Quảng Trị. Oa Oa vì tiếng nước chảy nghe như tiếng khóc của trẻ con.
– Hòn Chồng là núi đá nhỏ trên bờ biển ở hướng đông bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được nhân hóa. Còn Hòn Vợ nằm dưới biển. Hòn Chồng là núi có tảng đá chồng lên trên.

Một số sông của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng được nhân hóa.
– Krông Ana là tên sông (và tên huyện) của tỉnh Đắc Lắc. Krông Nô là tên sông (và tên huyện) của tỉnh Đắc Nông, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên. Krông: sông; Ana: cái, vợ; Krông Ana, sông vợ. Krông Nô (dạng gốc là Krông Knô, sông chồng).

NHỮNG ĐỊA DANH CÓ QUAN HỆ ĐẾN ĐỘNG VẬT

– Con Rắn là đèo ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Con Rắn vì đường đèo ngoằn ngoèo như con rắn.
– Con Voi là dãy núi kéo dài gần 100 kilômét từ tỉnh Lào Cai đến tỉnh Yên Bái, có đỉnh cao 1.450 mét. Con Voi có lẽ do hình dáng to lớn của núi.
– Gà Mái là đảo nhỏ trong vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Gà Mái vì đảo giống hình con gà mái.
– Lươn là rỏng (rãnh khuyết sâu) ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng gọi là Con lươn. Lươn là dòng nước nhỏ và dài như hình con lươn.
– Rùa là gò ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, quê hương bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Tên chữ là Sơn Quy. Rùa cũng là hòn (đảo) ở ngoài khơi tỉnh Kiên Giang. Rùa vì hình dáng gò và đảo giống như con rùa.
– Sam là núi ở xã Vĩnh Tế, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Cũng gọi là núi Vĩnh Tế. Sam vì núi có hình con sam.
– Sư Tử là đảo nhỏ trong vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Thời Pháp thuộc gọi là Sphinx (Quái thần hình sư tử, đầu đàn bà). Sư Tử vì dáng núi giống con sư tử.
– Tằm là hòn (đảo) ở ngoài khơi thành phố Nha Trang. Cũng gọi là hòn Tầm. Tằm, vì hình dáng đảo giống con tằm.

Một số địa danh được gọi theo hành động của các con vật.
– Bò Đái là khe trong núi ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Còn có tên Ồ Ồ, vì tiếng nước chảy, ở xa đến 10 kiômét vẫn nghe. Bò Đái gốc Tày – Nùng Bó Đảy, nghĩa là “nguồn nước có nhiều cây nứa tép”. Đây là hiện tượng mượn âm.
– Gà Chọi là các đảo nhỏ trong vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Gà Chọi vì hai hòn đảo giống hình hai con gà trống đang đá nhau.
– Hí Mã là núi ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hí Mã là “ngựa hí” vì núi giống như trường đua ngựa (Đại Nam nhất thống chí).
– Long Ẩn là núi ở huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Trên núi xưa có Văn miếu được xây dựng năm 1715. Long Ẩn là “rồng ẩn mình”, chỉ thế đất tốt ở đây.
– Mèo Cào là núi ở tỉnh Ninh Bình. Mèo Cào vì núi có các vách dựng đứng, nhiều vết lồi lõm kéo dài từ trên xuống như vết mèo cào.
– Trâu Ó là thác trên sông Cái, tỉnh Khánh Hòa. Trâu Ó là “trâu kêu lên”, vì nơi đây tai nạn thường xảy ra, tiếng kêu trời không ngớt.
– Trâu Quỳ là xã của huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội từ sau năm 1965. Trâu Quỳ vì tại xã có một núi đất có dáng con trâu nằm quỳ.

NHỮNG ĐỊA DANH CÓ QUAN HỆ VỚI CÁC SỰ VẬT

Đa số địa danh được đặt theo hình dáng của các sự vật.
– Âm Phủ là dốc chạy qua trường liên xã Đắc Pring – Đắc Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Âm Phủ vì dốc ở chỗ vắng vẻ và lặng lẽ.
– Ba Trái Đào là bãi tắm trong vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Vì ở đây có ba bãi cát hình cánh cung ôm chân hòn đảo nhỏ, đảo này có ba đỉnh, nhìn từ xa giống như ba quả đào tiên.
– Bảng là non ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Bảng vì dáng núi bằng phẳng như một tấm bảng.
– Bát Quái là thành xây năm 1790 tại làng Tân Khai, nay thuộc quận 1, TP. HCM. Cũng gọi là thành Gia Định, thành Quy – vì hình bát giác giống con rùa. Bát Quái vì thành có tám cửa như hình bát quái.
– Bông Lan là đảo ở đông nam Côn Đảo, trong quần đảo Côn Sơn, diện tích 0,200km2. Bông Lan vì hình dáng đảo giống bánh bông lan cắt đôi.
– Chiếc Đũa là núi ở ngoài cửa Thần Phù, tỉnh Ninh Bình. Chiếc Đũa vì núi cao lởm chởm, đứng một mình như hình chiếc đũa.
– Chữ Y là cầu bắc qua kinh Tàu Hủ và kinh Đôi, nối quận 5 với quận 8, TP. HCM. Cầu có 3 nhánh, tổng chiều dài 502,3 mét, được xây dựng trong các năm 1938-1941, được sửa chữa lớn năm 1992. Nâng cao một nhánh khi mở đường xuyên thành phố (2007-2009). Chữ Y vì cầu có hình chữ Y. Nhà thơ Đặng Hấn đã làm bài thơ Cầu chữ Y, có câu sau: Ôi, người đi trên chữ/ Chữ nâng người lên cao.
– Đá Dĩa là gành ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, chiều rộng 50m, dài hơn 2.000 mét. Được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng thắng cảnh quốc gia. Đá Dĩa vì tại đây có độ 30.000 phiến đá hình lục/ngũ giác, mỏng như cái dĩa, chồng lên nhau như chồng dĩa.
– Đòn Gánh là núi ở tỉnh Ninh Thuận. Đòn Gánh vì hình dáng núi dài, hai đầu gồ lên như hai mấu đòn gánh.
– Hang Ngoài là cầu nằm cuối đường Nguyễn Văn Nghi và Hang Trong là cầu nằm cuối đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, bắc qua trên đường xe lửa Bắc – Nam. Hang Ngoài vì xe lửa chui qua cầu như chui vào hang và để phân biệt với cầu Hang Trong.
– Hòn Chảo là đảo ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cao 1.564 mét. Hòn Chảo vì đỉnh núi lõm xuống giống như cái chảo.
– Hòn Chông là núi ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cao 221mét. Tên chữ là Kích Sơn. Hòn Chông vì đỉnh núi nhọn như cây chông.
– Hòn Chuông là núi ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, cao 892m. Cũng gọi là Hòn Chung. Hòn Chuông còn là tên đảo ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Hòn Chuông vì núi và đảo giống như cái chuông úp.
– Hòn Ấn và Hòn Kiếm là núi ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Hòn Ấn và Hòn Kiếm vì núi giống cái ấn và cái kiếm, nơi ba anh em Nguyễn Huệ khởi nghiệp. Hòn Ấn cùng với Hòn Kiếm cho thấy nhà Tây Sơn sẽ làm vua.
– Hòn Núc là núi ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tên dịch là Táo Sơn. Hòn Núc là “núi táo”, do hình dáng giống ông táo.
– Hồ Lô là núi đá vôi ở bờ biển huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cách thị xã Hà Tiên 25 kilômét. Tại đây có nhiều phong cảnh và hang động đẹp. Hồ Lô là “bầu rượu”, do dáng núi giống bầu rượu.
– Lò Xo là đèo trên đường Hồ Chí Minh, nằm ở chỗ giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Lò Xo gốc Pháp ressort, vì đèo ngoằn ngoèo như cái lò xo.
– Máng là sông đào nối liền sông Cầu ở tỉnh Thái Nguyên với sông Thương ở tỉnh Bắc Giang, dài 52 kilômét, qua đập nước Thác Huông, giúp vận chuyển hàng hóa và than, quặng từ Thái Nguyên đến Hải Phòng. Máng do lòng sông giống lòng máng.
– Mê Cung là hang trong vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có di chỉ khảo cổ học được phát hiện năm 1997, thuộc văn hóa Hòa Bình. Có lẽ hang có nhiều ngõ ngách như mê cung.
– Mống là cầu ở đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, bắc qua rạch Bến Nghé, dài 128m, rộng 5,2m, lề 0,5m. Đây là cây cầu cổ nhất ở Sài Gòn, xây năm 1893-1894, nay vẫn còn. Mống vì cầu có dáng cong lên như cái mống.
– Tam Đảo là dãy núi nằm ở ranh giới các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Ngọn cao nhất là 1.591 mét và là huyện của tỉnh Vĩnh Phúc, thành lập năm 1977. Tam Đảo nghĩa là “ba hòn đảo”. Vì dãy núi có ba ngọn nhô cao như ba hòn đảo nổi trên biển mây là Phù Nghĩa (1.400 mét), Thạch Bàn (1.388 mét) và Thiên Thị (1.375 mét) nên mang tên gọi trên.
– Thành là dãy núi thấp ở xã Tam Nghĩa, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Thành vì dãy núi chạy dài như một bức thành.
– Thiên Ấn và Thiên Bút là hai hòn núi ở tỉnh Quảng Ngãi. Thiên Ấn là “ấn trời” vì hình dáng núi giống như cái ấn. Còn Thiên Bút là “bút trời” vì đỉnh núi nhọn như ngòi bút.
– Vung là hòn (núi) ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cao 326m. Vung vì dáng núi giống như cái vung.

Một số địa danh dựa theo hành động của sự vật.
– Bay là thác ở núi Sáng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, cao độ 20 mét. Bay vì thác đổ xuống, gặp tảng đá nhô ra, nước dội ngược bay vào không trung. Bay còn là suối ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng gọi là khe Tung. Bay vì suối từ trong khe chảy ra, vượt qua một tảng đá lớn, rồi bổ nhào xuống vực Bà sâu thẳm, thành dòng thác, bọt nước tung bay như khói.

Một số hình thành theo màu sắc của đối tượng.
– Bạc là ba thác ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên – Huế. Bạc vì thác đổ từ trên cao hàng trăm mét xuống, trắng xóa như màu của bạc nên được gọi như thế.
– Mun là hòn (đảo) ở ngoài khơi biển TP. Nha Trang. Cũng gọi là hòn Yến (chim én). Mun vì đảo có nhiều vách đá dựng đứng màu đen tuyền.

Một số hình thành theo âm thanh của sự vật.
– Bầm Buông là cấm (rừng cấm) ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bầm Buông là từ tượng thanh, mô phỏng tiếng trống, tiếng chuông, vì ở đây có những tảng đá lớn, khi gõ vào nghe như tiếng vang của trống, chiêng.
– Thậm Thình là xã xưa ở gần đền Hùng, thuộc huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây, sau thuộc xã Vân Phụ, huyện Phù Ninh, từ 1977 thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Thậm Thình là từ tượng thanh, tương truyền do dân giã gạo làm bánh cho vua Hùng. Có lẽ đây là cách gọi tên theo tiếng vang của hang, rồi gán vào thời đại Hùng Vương.

Đa số các địa danh thuần Việt ra đời thông qua giác quan của cư dân bản địa. Ẩn dụ là cách tạo được hình ảnh một cách kín đáo. Đây là những địa danh phản ảnh trung thực nhất tâm lý, cách suy tư của dân tộc Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

____________________________________________________

Posted in Danh học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 13, 2010

3. ý nghĩa biểu niệm

Đây là thành phần ý nghĩa liên quan đến chức năng biểu thị khái niệm của từ.

Khái niệm về sự vật/ hiện tượng được hình thành trong quá trình nhận thức của con người. Đó là kết quả của quá trình tìm hiểu và khái quát hoá nhằm rút ra những thuộc tính quan trọng nhất của sự vật, hiện tượng – tức là những thuộc tính cần và đủ để có thể phân biệt sự vật/ hiện tượng này với sự vật/ hiện tượng khác. Chẳng hạn, khi nhận thức những con gà trong thực tế khách quan, một đứa trẻ sẽ tìm hiểu tất cả các thuộc tính của từng con gà cụ thể, song dần dần, nó sẽ loại bỏ đi những thuộc tính không quan trọng của những con gà đó, ví dụ: màu lông, kích thước, kiểu mào…, để cuối cùng chỉ giữ lại những thuộc tính không thể thiếu được khi nói đến con gà, ví dụ như: gà là ‘động vật nuôi’, ‘thuộc họ chim’, ‘sống trên cạn’, ‘nuôi để lấy thịt hoặc lấy trứng’… Tập hợp những thuộc tính quan trọng đó chính là ý niệm hay khái niệm về loài gà nói chung. Sự liên hệ thường xuyên giữa khái niệm về loài gà với âm “gà” của tiếng Việt trong suốt quá trình nhận thức những con gà sẽ giúp đứa trẻ sử dụng được từ gà mà không cần phải luôn luôn liên hệ nó với những con gà trong thực tế khách quan nữa. Đó cũng chính là lúc mà đứa trẻ hiểu được ý nghĩa của từ gà trong tiếng Việt và sử dụng nó để tiến hành giao tiếp và tư duy trừu tượng. Ý nghĩa đó của từ “gà” gọi là ý nghĩa biểu niệm.

Như vậy, có thể nói một cách khái quát: Ý nghĩa biểu niệm là nội dung khái niệm về sự vật, hiện tượng mà từ biểu thị.

Tuy nhiên, mỗi dân tộc lại buộc phải biểu đạt những mảng thực tế khác nhau và bị chi phối bởi những yếu tố lịch sử – văn hoá – xã hội khác nhau. Điều đó dẫn đến kết quả là các dân tộc nhìn nhận và chia cắt thực tế khách quan theo những cách thức khác nhau. Cho nên, khi các ngôn ngữ gán vỏ âm thanh cho các khái niệm thì nội dung khái niệm về sự vật, hiện tượng được sắp xếp, tổ chức lại cho phù hợp với cách nhìn, cách chia cắt hiện thực khách quan của từng dân tộc. Nói cách khác, giữa khái niệm mà con người có được sau khi nhận thức sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan và khái niệm do từ của một ngôn ngữ cụ thể biểu thị có thể có chỗ không giống nhau. Vì vậy, cần phải phân biệt ‘khái niệm của tư duy lôgích’ với khái niệm do các từ biểu thị: nội dung khái niệm được các từ biểu thị gọi là ‘ý nghĩa biểu niệm’ của từ. Như vậy, sự khác nhau cơ bản ở đây sẽ là: khái niệm của tư duy lôgích mang tính toàn nhân loại còn ý nghĩa biểu niệm thì riêng cho từng ngôn ngữ. Thực vậy, cây lúa và những sản phẩm của nó như thóc, gạo, cơm, v.v… đối với người châu Âu không phải là những sự vật gần gũi, gắn bó với đời sồng hàng ngày của họ, do đó trong tiếng Nga hay tiếng Anh người ta chỉ dành một từ – từ rix/ rice – để chỉ chung tất cả các sự vật đó. Ngược lại, người Việt chỉ có một từ bánh mì duy nhất để chỉ tất cả các loại bánh mì mà người Nga thường phân biệt tỉ mỉ bằng các tên gọi riêng, ví dụ: khleb, bulka, but’erbrod, v.v… Do đó, ý nghĩa biểu niệm (và kéo theo nó là ý nghĩa biểu vật) của từ rix trong tiếng Nga hay rice trong tiếng Anh không giống với ý nghĩa biểu niệm của từ ‘lúa’ trong tiếng Việt. Tương tự như vậy, ý nghĩa biểu niệm của từ bánh mì trong tiếng Việt sẽ không trùng với ý nghĩa biểu niệm của từ ‘khleb’ trong tiếng Nga. Song, điều đó không có nghĩa là người Nga không phân biệt được cây lúa và những sản phẩm của nó, hay người Việt không phân biệt được các loại bánh mì khác nhau. Ở đây chỉ có sự « mù mờ » về mặt ngôn ngữ mà thôi, còn nếu xét về khả năng nhận thức thì mọi người trên thế giới, nói chung, đều giống nhau.

Tóm lại, ý nghĩa biểu niệm của từ là kết quả nhìn nhận và chia cắt hiện thực khách quan theo những cách thức khác nhau của mỗi dân tộc hoặc thậm chí của một địa phương. Do đó ý nghĩa biểu niệm của các từ là hiện tượng thuộc ngôn ngữ chứ không phải hoặc không nhất thiết phải là hiện tượng thuộc hiện thực khách quan. Cho nên, về nguyên tắc, ý nghĩa biểu niệm của từ có thể không trùng với khái niệm của tư duy lôgích. Đây chính là lí do vì sao cùng một sự vật hay hiện tượng nhưng các ngôn ngữ lại quan niệm theo những cách thức khác nhau thông qua việc gọi tên. Ví dụ: khái niệm “khăn mỏng hình vuông, thường được mang theo người để lau tay, lau miệng, chùi mũi, phủi quần áo…” được tiếng Việt quan niệm là ‘khăn tay’, trong khi tiếng Nga là ‘noxovoi platok’ – dịch thẳng là ‘khăn mũi’, còn tiếng Đức là ‘Taschentuch’ – dịch thẳng là ‘vải túi’.

Đi sâu vào bản chất của ý nghĩa biểu niệm, người ta còn phân biệt được những thành tố nhỏ hơn của nó – đó là cái ‘nét nghĩa’ hay ‘nghĩa vị’. ‘Nét nghĩa’ chính là những thuộc tính được rút ra từ khái niệm và được giữ lại để tổ chức nên ý nghĩa biểu niệm của từ. Vấn đề là, các ngôn ngữ có thể giữ lại những thuộc tính khác nhau và/ hoặc có cách thức riêng để tổ chức các nét nghĩa thành ý nghĩa của từ. Điều này khiến cho ý nghĩa biểu niệm của từ trong các ngôn ngữ thường khác nhau và do đó cũng khác với khái niệm tư duy lôgích.

Thực vậy, từ ‘nước’ trong tiếng Việt chỉ bao gồm nét nghĩa ‘chất lỏng’, trong khi từ ‘water’ của tiếng Anh bao gồm các nét nghĩa:
– chất lỏng,
– chất lỏng không màu
– chất lỏng không mùi
– chất lỏng không vị
Do vậy, ý nghĩa biểu niệm của từ ‘water’tiếng Anh gần với khái niệm tư duy lôgích hơn ý nghĩa biểu niệm của từ ‘nước’ tiếng Việt. Điều đó dẫn đến những khác biệt về cách thức và khả năng gọi tên những sự vật liên quan: người Anh không thể nói ‘nước mắm’, ‘nước dừa’, ‘nước mắt’, ‘nước miếng’, ‘nước mũi’, hay ‘điệu chảy nước’ như người Việt.

Để phân biệt hai loại phạm trù khái niệm này, ngôn ngữ học tri nhận đưa ra khái niệm ‘bức tranh khoa học về thế giới’ và ‘bức tranh ngôn ngữ về thế giới’, trong đó ‘bức tranh ngôn ngữ về thế giới’ còn được quan niệm là ‘bức tranh dân gian về thế giới’.

(còn nữa)
__________________________________________

Posted in Nhập môn ngôn ngữ học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »

Các phương thức cấu tạo từ mới

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Sáu 4, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Hệ thống cấu tạo từ (kiểu cấu tạo từ)

Các từ mới không phải là những từ được tạo ra một cách lẻ tẻ, rời rạc, ngẫu nhiên mà thường được tạo ra theo những khuôn mẫu cấu tạo nhất định và làm thành những hệ thống hay kiểu từ có chung đặc điểm cấu trúc và nghĩa. Đó chính là các hệ thống cấu tạo từ hay kiểu cấu tạo từ.

Hệ thống cấu tạo từ là tập hợp những từ có chung một khuôn hình cấu tạo (ví dụ: có chung một kiểu phụ tố, tính chất của căn tố giống nhau) và ý nghĩa cấu tạo giống nhau. Chẳng hạn, các từ worker (người lao động, công nhân), writer (người viết, nhà văn), singer (người hát, ca sĩ), reader (người đọc, độc giả) của tiếng Anh làm thành một hệ thống cấu tạo từ, vì chúng có chung một kiểu phụ tố (ở đây là hậu tố -er), tính chất của căn tố trong các từ này giống nhau (đó là căn tố động từ) và ý nghĩa cấu tạo của chúng giống nhau (người thực hiện một hành động hoặc một hoạt động nào đó). Tuy nhiên, do sự phát triển của ngôn ngữ nói chung và của vốn từ vựng nói riêng, các hệ thống cấu tạo từ có thể bị phân hoá. Một số từ trong hệ thống cấu tạo từ bị mất nghĩa ban đầu và nhận thêm nghĩa mới hoặc ý nghĩa cấu tạo đã khác đi. Do đó trong các hệ thống cấu tạo từ, ta có thể phân biệt những kiểu nhỏ hơn, dựa trên cơ sở ý nghĩa cấu tạo. Chẳng hạn, trong kiểu ‘phó + danh từ’ trong tiếng Việt, ta có thể phân biệt ít nhất ba kiểu nhỏ, chẳng hạn:

Phó giám đốc / Phó giáo sư / Phó mộc
Phó hiệu trưởng / Phó tiến sĩ / Phó nề

Trong các kiểu cấu tạo từ, ta còn nhận thấy rằng, có những kiểu bao gồm nhiều từ thuộc loại và có cấu trúc hình vị giống nhau, chẳng hạn như kiểu ‘căn tố động từ + phụ tố -er’ trong tiếng Anh hay kiểu ‘nhà + danh từ’ trong tiếng Việt. Đó là những kiểu cấu tạo từ đều đặn. Thường thì những kiểu này có tính sinh sản cao, tức là được sử dụng nhiều để tạo ra từ mới và hiện vẫn còn được sử dụng. Bên cạnh đó, có những kiểu chỉ bao gồm rất ít từ hoặc thậm chí chỉ gồm một từ duy nhất thuộc loại, như trường hợp kiểu ‘danh từ + hấu’ trong tiếng Việt; nó chỉ gồm có một từ thuộc loại là dưa hấu. Kiểu này không có tính sinh sản và hiện nay không còn được sử dụng để tạo thêm từ mới.

2. Các phương thức cấu tạo từ

Trước hết cần phải nói rằng, tất cả các từ trong ngôn ngữ đều được tạo ra theo một phương thức nào đấy. Song, đối với những từ gốc có cấu tạo bằng một hình vị cấu tạo từ, ta không thể giải thích được lý do cấu tạo của chúng, do đó không thể nói đến phương thức cấu tạo của chúng. Các từ gốc nguyên cấp đều là những từ được cấu tạo bằng một hình vị cấu tạo từ nên thường được gọi là từ đơn. Như vậy, các từ đơn là những từ không thể giải thích được về mặt cấu tạo, trừ một số từ tượng thanh và tượng hình. Mỗi từ đơn là một đơn vị duy nhất trong ngôn ngữ, xét về cách cấu tạo, và về cơ bản mang tính võ đoán. Chính vì vậy, khi nói đến các phương thức cấu tạo từ, người ta chỉ đề cập đến những cách thức mà các ngôn ngữ sử dụng để tạo ra những từ có thể giải thích được về mặt cấu tạo (tức là các từ tạo). Những từ được tạo ra theo cách đó thường mang tính hệ thống: Chúng tập hợp thành những nhóm có chung một kiểu cấu tạo. Do vậy:

Phương thức cấu tạo từ là cách thức và phương tiện mà các ngôn ngữ sử dụng để tạo ra các kiểu cấu tạo từ.

Các kiểu cấu tạo từ trong các ngôn ngữ có thể được mô tả ở những cấp độ khác nhau, và do đó số lượng các phương thức cấu tạo từ có thể rất lớn, song xét ở cấp độ chung nhất, có thể nêu ba phương thức cấu tạo từ chủ yếu sau đây:

(i). Phương thức phụ gia

Phương thức phụ gia là phương thức kết hợp một căn tố hoặc một phức thể căn tố với phụ tố để tạo ra từ mới. Những từ được tạo ra theo phương thức này thường được gọi là từ phái sinh. Ví dụ, trong tiếng Nga: căn tố golov được kết hợp với phụ tố -ka để tạo ra từ golovka (cái đầu nhỏ); hoặc trong tiếng Anh: căn tố milk (sữa) được kết hợp với phụ tố -y để tạo ra tính từ milky (có sữa, bằng sữa). Phương thức phụ gia vẫn được coi là phương thức đặc trưng cho các ngôn ngữ biến hình, như tiếng Nga, tiếng Anh hay tiếng Đức. Song thực ra, trong các ngôn ngữ không biến hình, như tiếng Việt, tiếng Khơme, hay tiếng Hán chẳng hạn, phương thức này cũng được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiều khi tính chất phụ tố của các hình vị cấu tạo từ ở những ngôn ngữ này không thật rõ ràng. Ví dụ: Các từ ‘nhạc sĩ’, ‘hợp tác hoá’, ‘nhà văn’ của tiếng Việt có thể có cách cấu tạo giống như từ phái sinh ở các ngôn ngữ biến hình, song các từ tố ‘sĩ, hoá, nhà’ lại không hoàn toàn giống như các phụ tố, bởi lẽ chúng có thể tồn tại độc lập với ý nghĩa ít nhiều có thể xác định được. Do vậy, nhiều người cho rằng không nên coi đây là những phụ tố và không nên coi những từ tạo trên đây là những từ được tạo ra bằng phương thức phụ gia.

(ii). Phương thức ghép

Ghép là phương thức kết hợp các hình vị cùng tính chất với nhau (chủ yếu là các căn tố với nhau) theo một trật tự nhất định để tạo ra từ mới – từ ghép. Đây là phương thức được sử dụng phổ biến trong các ngôn ngữ,
ví dụ: trong tiếng Việt: mua bán, thiệt hơn, thay đổi, được mất, xe hơi,
trong tiếng Anh: blackboard (bảng đen), inkpot (lọ mực), manpower (nhân lực),
trong tiếng Pháp: vinaigre (giấm), sous-marin (tàu ngầm),

Trong số các loại từ tạo thì từ ghép thường gây nên sự nghi ngờ và bất đồng ý kiến, vì rằng chúng dễ bị nhầm lẫn với cụm từ tự do. Vì vậy, người ta phải đưa ra các tiêu chuẩn nhận diện từ ghép. Ngoài các tiêu chuẩn áp dụng đối với các từ nói chung là:

– Phải có nghĩa hoàn chỉnh, nghĩa là biểu thị một nội dung khái niệm độc lập, hoàn chỉnh.

– Có cấu trúc hình thức chặt chẽ, nghĩa là không thể bỏ đi một hình vị (từ tố) mà nghĩa của từ vẫn được giữ nguyên, hoặc không thể chêm các thành phần khác vào giữa hình vị hay chêm các thành phần phụ cho từng hình vị riêng lẻ,

còn có thể nêu thêm hai tiêu chuẩn sau đây:

Phải có dấu hiệu hình thức, chẳng hạn như có hình vị nối (liên tố) giữa các căn tố, ví dụ: hình vị nối -o- trong zvuk/o/operator (người thu thanh) của tiếng Nga, hay speed/o/meter (đồng hồ tốc độ) của tiếng Anh.

Phải có sự biến âm (gọi là biến âm sandhi), nghĩa là các hình vị được ghép với nhau bị thay đổi hình thức ngữ âm, ví dụ: nguyên âm ‘e mũi’ của hình vị vin (rượu vang) biến thành [i] khi có được kết hợp với aigre (chua) thành vinaigre (giấm) trong tiếng Pháp, hay nguyên âm [o] của hình vị po trong từ potomu (vì vậy) trong tiếng Nga được phát âm ngắn hơn bình thường, do trọng âm của từ ghép này rơi vào âm tiết cuối.

(iii). Phương thức láy

Láy là phương thức lặp lại toàn bộ hay một bộ phận từ gốc để tạo ra từ mới – gọi là ‘từ láy’. Ví dụ: đen đen, trăng trắng, sành sạch trong tiếng Việt. Phương thức láy là phương thức được sử dụng phổ biến trong các ngôn ngữ không biến hình, ví dụ như tiếng Việt, Lào, Khơme, tiếng Inđônêxia, v.v… Trong nhiều ngôn ngữ, phương thức này chỉ được sử dụng rất hạn chế, và điều quan trọng là ở đó, các kiểu cấu tạo láy không có tính sinh sản, do đó thường chỉ gồm một từ duy nhất thuộc loại, chứ không bao gồm nhiều từ thuộc loại như trong các ngôn ngữ không biến hình, ví dụ như: tiptop (đỉnh cao) so-so (tàm tạm) trong tiếng Anh hay ‘chut-chut‘ (xuýt nữa) trong tiếng Nga. Hơn nữa, nhiều khi các từ láy ở những ngôn ngữ này lại có quan hệ với hiện tượng tượng thanh hay tượng hình, ví dụ như murmur (rì rầm) hay zigzag (ngoằn ngoèo) trong tiếng Anh, và do đó, thực ra chúng không phải là những từ tạo mà là từ gốc.

Ngoài ra, láy còn là phương thức để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp, ví dụ: ‘rénrén’ trong tiếng Trung và ‘người người’ trong tiếng Việt không phải là từ mới mà là dạng số nhiều của từ ‘rén’ và ‘người’. Bởi vậy, khi xác định phương thức láy cần phân biệt các dạng láy và từ láy, cũng như từ láy nguyên cấp (từ gốc) và từ láy thứ cấp – tức từ mới được tạo ra theo phương thức láy.

Trên đây chỉ là những phương thức cấu tạo từ có tính chất tổng quát. Tuỳ theo từng ngôn ngữ, các phương thức này có thể được chi tiết hoá thành những phương thức cụ thể hơn, ví dụ: phương thức tiền tố hoá, phương thức hậu tố hoá, phương thức vĩ tố hoá, phương thức tiền tố hoá + hậu tố hoá, phương thức tiền tố hoá + vĩ tố hoá, v.v…

_________________________________________

Posted in Nhập môn ngôn ngữ học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Cấu tạo của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 20, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

2. Phân tích cấu tạo hình vị của từ

Như trên đã nói, khi phân tích các từ có cấu trúc nội tại – tức là các từ tạo, ta thu được những đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa: đó là những hình vị hay từ tố cấu tạo từ (để cho tiện, từ đây ta sẽ gọi chung là hình vị cấu tạo từ hay hình vị). Tuy nhiên, hình vị cấu tạo từ không phải là một loại hình vị thuần nhất, mà bao gồm một số tiểu loại với tính chất và chức năng khác nhau.

Căn cứ vào tính chất của hình vị trong từ, ngôn ngữ học truyền thống thường phân biệt ra hai loại hình vị: 1) căn tố (cũng còn gọi là chính tố) – là loại hình vị mang ý nghĩa cơ bản của từ và các hình vị khác phải phụ thuộc vào nó; 2) phụ tố – là những hình vị được ghép với căn tố để tạo nên nghĩa mới và bằng cách ấy tạo ra từ mới (từ tạo). Ví dụ: Trong từ domik (ngôi nhà nhỏ) của tiếng Nga, hình vị dom- là căn tố, vì nó mang ý nghĩa cơ bản của từ này (ngôi nhà), còn -ik là phụ tố, vì khi được ghép với căn tố dom- nó tạo nên nghĩa bổ sung cho căn tố: nêu lên tính chất, đặc điểm của ”ngôi nhà”.

Phụ tố có thể được ghép với căn tố theo những cách thức khác nhau. Tùy theo cách thức kết hợp phụ tố với căn tố, người ta thường phân biệt các loại phụ tố chủ yếu sau đây:

tiền tố (prefix): đó là loại phụ tố được ghép vào trước căn tố, ví dụ như bex- trong từ bexplatnưi (miễn phí) của tiếng Nga, hay in- trong từ infamous (ô nhục) của tiếng Anh.

hậu tố (sufix): đó là phụ tố được ghép vào sau căn tố, như -ok trong từ lexok (cánh rừng nhỏ) của tiếng Nga, hay -able trong từ comfortable (tiện lợi) trong tiếng Anh.

trung tố (infix): là hình vị được đặt xen vào giữa căn tố, ví dụ như từ knouch (cái nút) của tiếng Khơme chẳng hạn, vốn được tạo ra bằng cách đặt chêm trung tố -n- vào giữa căn tố kouch (buộc).

Trung tố được sử dụng phổ biến trong các ngôn ngữ Nam Á như tiếng Tagalog ở Philippin hay tiếng Khơme.

liên tố (interfix) (còn gọi là hình vị nối hay yếu tố nối): là yếu tố dùng để nối các căn tố với nhau nhằm tạo ra từ mới, ví dụ như liên tố -o- trong parovoz (đầu máy hơi nước) của tiếng Nga, hay speedometer (đồng hồ tốc độ) của tiếng Anh.

bao tố (circumfix): là hình vị có cấu tạo không liên tục, một phần của nó được đặt trước căn tố còn một phần được đặt sau căn tố. Ví dụ, trong tiếng Chikasaw ở Oklahoma, hình vị ik -o (có nghĩa phủ định) được đặt bao quanh căn tố để tạo ra từ mới. Ví dụ, so sánh:

lakna [(nó) màu vàng]/ iklakno [(nó) không màu vàng].

Bao tố được sử dụng nhiều trong một số ngôn ngữ như tiếng Mã Lai, tiếng Gioóc-gia, hay tiếng Đức hoặc tiếng Hunggari.

Cần phải nhắc lại rằng, những hình vị nêu trên được gọi là hình vị cấu tạo từ, dùng để cấu tạo từ mới. Trong một số ngôn ngữ, ngoài các hình vị cấu tạo từ ra, người ta còn phân biệt từ căn (hay thân từ) và vĩ tố (hay biến tố). Vĩ tố là hình vị thường được đặt sau căn tố và phụ tố dùng để thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp. Loại hình vị này thường biến đổi theo các chức năng ngữ pháp khác nhau của từ, ví dụ như vĩ tố -a trong từ kniga của tiếng Nga chẳng hạn, nó có thể biến đổi thành -u (nếu danh từ này làm bổ ngữ trong câu), thành -i (nếu danh từ là định ngữ). Còn từ căn có thể là một hay một phức thể hình vị gồm căn tố và phụ tố (không có vĩ tố). Đây là bộ phận lặp đi lặp lại trong tất cả các hình thái ngữ pháp của từ mà không thay đổi hoặc chỉ thay đổi chút ít cấu tạo hình vị của nó. Trong ví dụ nêu trên của tiếng Nga thì knig- chính là từ căn hay thân từ. Vĩ tố cũng có thể là một hình vị không có hình thức biểu hiện tường minh và khi ấy nó được gọi là hình vị zêrô. Ví dụ, trong danh từ [book-] tiếng Anh có hình vị zêrô [-0] sau từ căn book dùng để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp: số ít, nguyên cách. Tuy nhiên, loại hình vị này không phải là những những hình vị dùng để cấu tạo từ mới mà là hình vị dùng để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp (sẽ được nói kĩ hơn ở phần Ngữ pháp).

______________________________________________________

Posted in Nhập môn ngôn ngữ học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Cấu tạo của từ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 13, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Từ gốc và từ tạo (từ mới)

Khi xem xét các từ của một ngôn ngữ, ta thấy có những từ không có cấu trúc nội tại và do đó ta không thể phân tích chúng thành những bộ phận nhỏ hơn có nghĩa (tức hình vị hay từ tố). Ví dụ, nếu phân tích các từ ‘ngồi’, ‘xe’,’tươi’ trong tiếng Việt thành những bộ phận nhỏ hơn thì ta chỉ thu được các âm tố/âm vị, tức là những đơn vị không có nghĩa mà chỉ có chức năng khu biệt. Trong các ngôn ngữ khác cũng đều có những từ như vậy, ví dụ: life (cuộc sống), time (thời gian), sister (chị em gái) trong tiếng Anh, hay pero (bút) lex (rừng) trong tiếng Nga. Song, bên cạnh các từ loại này, ta lại thấy có rất nhiều từ có thể dễ dàng phân tích thành những bộ phận nhỏ hơn có ý nghĩa nhất định do chỗ những bộ phận ấy lặp đi lặp lại ở những từ khác với cùng một ý nghĩa hoặc với những ý nghĩa gần giống nhau. Ví dụ, từ ‘máy bay’ trong tiếng Việt: ta có thể phân tích nó thành hai bộ phận nhỏ hơn là ‘máy’ và ‘bay’. Bộ phận ‘máy’ với ý nghĩa là “hệ thống dùng để chuyển hoặc biến đổi năng lượng và chuyển động” xuất hiện ở một loạt từ khác, như ‘máychém’, ‘máy nổ’, ‘máy phay’, ‘máy cày’, v.v…và ‘bay’ với nghĩa “chuyển dời mình trên không” cũng được lặp lại ở các từ khác, như’ đĩa bay’, ‘tàu bay’, ‘bay lượn’, ‘bay chuyền’, v.v… Tương tự, trong tiếng Anh, từ manhood (tuổi trưởng thành của nam) có thể được phân tích thành hai bộ phận là man và hood, trong đó bộ phận man ta có thể bắt gặp trong các từ khác, như mankind (nhân loại), manpower (nhân lực), v.v…còn bộ phận hood với cùng một ý nghĩa xuất hiện trong các từ, như childhood (tuổi thơ ấu), babyhood (tuổi trứng nước), womanhood (tuổi trưởng thành ở nữ), v.v… Hay trong tiếng Nga cũng vậy, ta có thể tìm thấy một loạt từ loại này, chẳng hạn: domik (ngôi nhà nhỏ), lexok (cánh rừng nhỏ), v.v…

Đặc điểm chung của loại từ thứ nhất là chúng thường biểu thị những sự vật, hiện tượng hay khái niệm gắn bó với đời sống hàng ngày của con người từ xa xưa và vì thế, chúng đã tồn tại từ rất lâu trong ngôn ngữ. Trong khi đó thì các từ thuộc loại thứ hai thường là những từ tương đối mới, được tạo ra muộn hơn trên cơ sở của những từ thuộc loại thứ nhất. Chẳng hạn, từ ‘máy bay’ trong tiếng Việt so với cả ‘máy’ và ‘bay’ đều rất mới.
Chúng ta gọi loại từ thứ nhất là ‘từ gốc’ còn loại từ thứ hai là ‘từ tạo’ hay ‘từ mới’.

Các từ mới có thể khác nhau về cấp bậc cấu tạo, do chúng được tạo ra ở những thời điểm khác nhau: một từ mới không nhất thiết phải được tạo ra từ một hoặc những’ từ gốc ban đầu’ (hay còn gọi là ‘từ gốc nguyên cấp’) mà có thể được tạo ra từ một từ mới khác. Chẳng hạn, từ ‘cá’ của tiếng Việt trước đây được dùng làm từ gốc để tạo ra từ mới là ‘cá trắm’, sau đó do nhu cầu của hoạt động giao tiếp, từ ‘cá trắm’ lại được dùng để tạo ra những từ mới khác, như ‘cá trắm đen’ hay ‘cá trắm cỏ’. Và nếu sau này thấy cần thiết, người ta lại có thể dùng những từ sau cùng này để tạo ra những từ mới khác nữa. Như vậy, từ ‘cá trắm’ đã trở thành một từ gốc, song đây là loại’ từ gốc thứ cấp’, so với từ gốc nguyên cấp là từ ‘cá’. Hiện tượng từ mới có cấu trúc nhiều cấp bậc là hiện tượng phổ biến trong các ngôn ngữ, ví dụ như trong tiếng Anh: uncomfortable = un + [(comfort) + able] (bất tiện), hay trong tiếng Pháp: imperméable = im + [(permé) + able] (không thấm nước). Để phân biệt, ta sẽ gọi các từ tạo thuộc các cấp bậc cấu tạo khác nhau là từ ‘tạo bậc I’, ‘từ tạo bậc II’,…

Như vậy, xét về mặt cấu tạo, các từ khác nhau trước hết ở khả năng phân tích được hay không phân tích được thành những bộ phận nhỏ hơn có nghĩa, tức là thành các hình vị hay từ tố. Trong số những từ có thể phân tích được về mặt cấu trúc, ta lại có thể phân biệt những nhóm từ có cấp bậc cấu tạo khác nhau. Đó chính là cách thức cấu tạo từ trong các ngôn ngữ. Do đó, để biết được cách cấu tạo của từ mới, ta phải biết phân tích cấu tạo hình vị của từ.

(còn nữa)
__________________________________________

Posted in Nhập môn ngôn ngữ học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Từ nghề nghiệp một số nghề cổ truyền ở Huế

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 11, 2010

TRƯƠNG THỊ THUYẾT

1. Huế không chỉ nổi tiếng là một thành phố đẹp, nên thơ với những danh lam thắng cảnh như sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ và những lăng tẩm cổ kính…mà còn được du khách biết đến bởi những nghề truyền thống của mình.

Nghiên cứu về Huế, ngoài việc nghiên cứu lịch sử, địa lý và những lĩnh vực khoa học khác, chúng ta cần nghiên cứu về những đặc trưng ngôn ngữ. Việc tìm hiểu từ ngữ nghề nghiệp một số nghề cổ truyền chính là phục vụ cho mục đích đó.

Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã phải tiến hành làm việc theo phương pháp trực tiếp điều tra bằng cách hỏi các nghệ nhân về tên gọi, chức năng, đặc trưng… của từng sự việc, từng dụng cụ, từng thao tác, từng thành phẩm. Sau đó, chúng tôi làm công việc đối chiếu, so sánh các tư liệu có được tại các địa bàn khác nhau của Huế. Điều đó đảm bảo độ tin cậy trong khi xử lý những từ ngữ thu thập được về các mặt sau:

– Tìm hiểu tên gọi và cách gọi tên một số nghề cổ truyền ở Huế.

– Tìm hiểu về cấu tạo cũng như đi tìm những nét tương đồng và dị biệt giữa từ nghề nghiệp với từ địa phương, từ cổ…

Do khuôn khổ bài viết nên ở đây chúng tôi chỉ dừng lại khảo sát về tên gọi và cách gọi tên của ba nghề: nón lá, thêu, và điêu khắc trên gỗ.

Như chúng ta đã biết cách gọi tên của từ nghề nghiệp nằm trong xu thế đặt tên cho sự vật, hiện tượng hay quá trình lao động. Việc gọi tên này chủ yếu có thể dựa trên các cơ sở sau:

+ Dựa vào chức năng, đặc trưng về nguồn gốc của từ nghề nghiệp.

+ Dựa vào các công đoạn để đặt tên.

2. Có thể bắt đầu bằng một số từ ngữ nghề nón lá. Ai đã một lần đến Huế hẳn không thể quên bóng dáng cô gái Huế duyên dáng trong tà áo dài màu tím với chiếc nón bài thơ che nghiêng. Nón lá Huế đã có mặt ở khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Huế nổi tiếng là xứ sở của nón lá. Chằm nón là một nghề cổ truyền xuất hiện từ lâu ở đất này.

Qua khảo sát, chúng tôi thu được 97 từ ngữ chỉ tên gọi của nghề và các hiện tượng liên quan đến nghề này. Ở đây, tên gọi của từng sự vật hầu như đều có chức năng riêng trong từng công đoạn. “Gấc chằm vành chân” chỉ có một chức năng dùng để chằm vành cuối cùng. Nó khác với “gấc vấn” là loại gấc dùng để vấn vành. “Vành giằng” chỉ dùng vào việc giữ lá khi chằm nên vị trí luôn nằm ngoài “lá nón”.

Người ta còn gọi tên các sự vật dựa vào đặc trưng tính chất, hình dáng… của nó. Loại khuôn có độ dốc hơi đứng được gọi là “khuôn đứng”. Khuôn hơi bành ra được gọi là “khuôn trảng”. Khuôn tạo mái nón hơi bầu lại có tên “khuôn bầu”. Trong phân loại lá nón người ta chia ra “lá đực”, “lá cái”, “la gia”, “lá non”… như sự phân loại sự vật hữu sinh vậy. Còn kết quả sản phẩm thì lại được gọi tên theo số lớp lá, theo sắc màu của bài thơ: “nón hai lớp”, “nón ba lớp”, “nón bài thơ đỏ”, “nón bài thơ tím”…

Từng dụng cụ, từng bộ phận của dụng cụ được người thợ “làng nón” gọi bằng những tên gọi thích hợp. “Khuôn” nói chung là một cái gì đó có giới hạn nhất định. “Khuôn nón” được làm bằng gỗ, có 12 “kèo dọc” xếp theo hình chóp. Khuôn có 17 “nấc”. Khoảng cách từ nấc sau ngắn hơn nấc trước 1 mm tính từ dưới lên. “Vành” cũng có nhiều loại mang ý nghĩa loại biệt rõ nét.”Vành cương” là loại vành dưới cùng của khuôn. “Vành giằng” dùng để giữ lá nón khi chằm đúng như tên gọi của nó.

Do tính chất công việc của nghề nón lá cần nhẹ nhàng nên các thao tác trong nghề cũng tỷ mỷ, nhẹ nhàng và hàm chứa cả thủ thuật nhà nghề. Cũng là “sắp” nhưng lá khi cho lên nón phải “sắp xéo” sau khi đã “ủ lá”, “ủi lá”. Trong nghề nón, “lựa lá” là khâu quan trọng nhất. Người làm nghề khai thác lá nón phải biết chọn lá “đứng tuổi”. Nếu chọn lá già quá sẽ làm cho nón thô, nặng. Lá non khi “xây” nón không đẹp. Một chiếc nón nếu chọn được lá “vừa tuổi” chỉ cần tám, chín lá là đủ. Người thợ khi “chằm một tay” khi “chằm hai tay”. Người ta có thể “chằm thưa”, “chằm dày”, “chằm thô” hay “chằm mảnh” tùy theo yêu cầu của từng loại sản phẩm. Tùy theo mức độ diễn biến công việc và tính chất của nó mà người ta đặt ra tên gọi cho các hoạt động, động tác.

Sản phẩm làm ra người ta không dựa vào chức năng mà chủ yếu dựa vào chất liệu, màu sắc, mục đích tiêu thụ… để gọi tên. Nón được người tiêu thụ đặt hàng trước khi làm gọi là “nón đặt”. Làm bán sỉ cho bạn hàng ở chợ gọi là “nón chợ”. Nón lợp bằng lá gì được gọi tên ấy: “nón lá dừa”, “nón lá kè”… Nón có cài hoa giữa hai lớp lá được gọi “nón bông”, cài bài thơ gọi “nón bài thơ”. Đến lượt mình “nón bài thơ” lại được gọi tên loại biệt theo màu sắc: “nón bài thơ đỏ”, “nón bài thơ tím”. Nói chung nón bài thơ thuộc “nón hai lớp”. Giữa hai lớp lá có lót hình ảnh chùa Thiên Mụ đối diện với cầu Trường Tiền. Một phía khác là hình đôi nam nữ, đôi chim én hay một bông hồng đối diện với bài thơ. Tất cả đều lồng trong khung giấy hoa có sẵn và nhuộm màu đỏ, tím… Tên gọi “nón bài thơ đỏ”, “ nón bài thơ tím”… là dựa vào màu sắc ở khung này.

3. Thêu là một nghề thủ công truyền thống ở Huế. Sản phẩm của nó là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Khảo sát nghề thêu ở các cơ sở thêu xuất khẩu trong thành phố, chúng tôi thu nhập được149 đơn vị chỉ tên gọi của nghề. Người ta gọi tên có thể dựa vào chức năng của nó. Khung để thêu được gọi là “khung thêu”. Trong “khung thêu” lại có các tên gọi loại biệt, chẳng hạn khung thêu gối thì gọi là “khung gối”, thêu khăn gọi là “khung khăn”… Phần lớn từ ngữ dựa vào tính chất của màu sắc để phân biệt vì nghề thêu là một nghề thủ công đòi hỏi một số lượng màu sắc rất lớn để tạo hình. Người thợ thêu Huế sử dụng những sắc chỉ mang đặc trưng rất riêng: “chỉ tím”, “chỉ cổ đồng”, “chỉ hoa hiên”, “chỉ hoa hồng”, “chỉ lục nguyệt bạch”, “chỉ dạ lang”, “chỉ cổ đồng phai”… Có lúc dựa vào tính chất công việc hay quá trình làm việc, người thợ có các tên gọi: “thêu chăng chặn”, “thêu sa hạt thẳng”, “thêu đâm xô ngang”, “thêu đâm xô lượn”, “thêu đâm xô xoay”, “thêu lướt vặn cong”, “thêu bó bạt lượn cong”…

Trong quá trình sản xuất có những hiện tượng liên quan đến kỹ thuật như: để mũi chỉ thêu sau không đúng vào đầu mũi thêu trước tạo nên mối hở gọi là “hở khe”. Thêu đẹp là khi “chân chỉ đều” thêu xấu là khi “chân chỉ mẻ”. Nếu chỉ khi thêu bị chồng lên nhau gọi là “thêu bị vác” hay “vác chỉ”. “Vác” biểu thị hành động mang trên vai cái gì đó.

Khi sản phẩm ra đời, để gọi tên, người thợ có thể dựa vào chức năng của sản phẩm. Chẳng hạn, tấm dùng trải giường được gọi là “ra trải giường”, gối cho một người goi là “gối lẻ”, cho hai người gọi là “gối đôi”. Mỗi sản phẩm phẩm là một bức tranh hài hòa. Ở bốn góc của tấm “ra trải giường” thường thêu “bốn cành trôi”, ở giữa thêu “giàn hồng”. Trên mỗi sản phẩm là hình ảnh của thế giới tự nhiên như hoa lá, chim chóc, cỏ cây… Vì phải tỉ mỉ, khéo léo và làm nổi bật hình thêu trên nền vải nên người thợ đã phân biệt sự vật bằng các tên gọi mang tính biệt loại đến từng chi tiết. Chẳng hạn, cũng là bông hồng nhưng trên sản phẩm này thì “bông hồng bạch”, sản phẩm kia lại là “bông hồng quế”. Có những tên gọi các loài hoa trên sản phẩm được đặt theo quá trình phát triển của sự vật từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc: “hoa sơ khai”, “hoa hàm tiếu”, “hoa thịnh khai”, “hoa mãn khai”, “hoa tạ khai”. Trên áo cưới, gối cưới… được người thợ thêu Huế thêu những mẫu hình mang tính cách điệu. Tên gọi các hình thêu trên sản phẩm thường có một yếu tố chỉ động vật, một yếu tố chỉ thực vật: “mai-trĩ”, “trà-trĩ”, “chim-hoa”, “tùng-hạc”, “sen-phượng”…

Phương thức tạo hình của nghề thêu rất quan trọng. Ở đây, người ta làm công việc tái tạo lại thế giới tự nhiên bằng đường kim mũi chỉ. Vì vậy, người thợ thêu phải sử dụng linh hoạt và chính xác các màu. Làm thế nào để sản phẩm làm ra phải phản ánh đúng sự vật như trong thực tế. Người thợ giỏi không chỉ đơn thuần về nghệ thuật mà còn cả việc pha 123 màu chỉ cho hài hòa. Cố gắng “màu xanh lá cam” phải khác “ màu xanh lá sen”, phải không giống “màu xanh lá cúc”, “xanh lá mạ”… Những từ ngữ này đã nói lên sự quan sát và phân biệt chi li các sắc màu của sự vật trong thiên nhiên của người thợ thêu Huế.
4. Ở Huế, chúng ta thường thấy những bức chạm trỗ trên các đồ cổ, những đường nét hoa văn khắc trên gỗ trong chùa chiền, lăng tẩm và trong rất nhiều biệt thự ẩn hiện dưới những vườn cây… Các công trình điêu khắc trên gỗ đó hấp dẫn với mọi người vì nó mang những nét dáng riêng, hòa hợp với cảnh thiên nhiên thơ mộng để tạo nên cái bản sắc đậm đặc Huế. Chỉ riêng điêu khắc trên gỗ chúng tôi thu được 96 đơn vị.

Dụng cụ chủ yếu dùng cho việc điêu khắc trên gỗ gồm: “đục thẳng”, “đục lưỡi cong”, “đục vũm”, “đục tách”, “đục bạt”… Mỗi loại dụng cụ được gọi tên theo hình dáng và chức năng riêng. Từ mỗi loại trên lại được chia ra theo kích cỡ khác nhau: “đục cong năm phân”, “đục cong sáu phân”, “đục bạt một ly”,… Cũng là gọi tên theo chức năng nhưng các chức năng đó lại tiếp tục được phân loại tỉ mỉ hơn ngay trong tên gọi: “đục tách thô”, “đục tách thanh”…

Là một nghề đòi hỏi kỹ thuật của đôi tay tinh xảo để tạo những nét trang nhã, thanh thoát trong tác phẩm nên các tên goi hoạt động cũng nhẹ nhàng: “chuốt”, “tạc”, “trỗ”, “chạm”, “khảm”, “khắc”, “cạo”… bằng những mũi dao nhọn hay các loại “đục”, “chàng”, “thảng”… Chính nhờ những thao tác, những hoạt động nhẹ nhàng bằng những dụng cụ được phân loại đến chi tiết này mà nhìn vào từng nét khắc, ta thấy nó vừa “ngọt nét”, vừa “bén thớ gỗ”, và mỗi nét khắc như “chân đê” hay “bờ thành” thoai thoải.

Sau những ngày nghiêm túc làm việc, người nghệ nhân đã tạo nên được những sản phẩm thấm mồ hôi với các đề tài là từ Hán Việt: “tượng long cuốn thủy”, “tượng ông già Xích Bích”, “tranh khắc lan điệp”, “tranh khắc tùng cúc”, “tùng lộc”

Tất cả đều từ những “súc”, “tấm”, “mảnh” gỗ khác nhau, qua bàn tay nghệ nhân, nó đã trở thành những tác phẩm sống động đến kỳ diệu. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của người nghệ nhân Huế phải kể đến “tượng thuyền rồng”. Hình ảnh hai chiếc thuyền rồng kéo nhau bằng một sợi dây xích từ một khúc gỗ nguyên làm ra. Thoạt trông người ta vẫn tưởng các mắt xích gỗ kia được làm riêng từng nửa vòng rồi ghép lại. Sự thật cả ba phần được nối liền nhau giống một hình vẽ công phu nhiều đường nét nhưng chỉ bằng một nét vẽ.

5. Sẽ thiếu sót nếu tìm hiểu về tên gọi và cách gọi tên mà không nói đôi điều về nghĩa rộng nghĩa hẹp của các tên gọi. Chính nó và những “lời nhắn gởi sâu xa” thể hiện trong các tầng nghĩa được biểu hiện rõ nét trong những từ ngữ gọi tên sản phẩm. Những bức tranh khắc gỗ, những bức thiêu với những bông hoa, nhánh hoa mai-lan-cúc-trúc, trà mi, hải đường… không chỉ đơn thuần thông báo về cái đẹp mà qua đó muớn nhắn gởi về cả một truyền thống văn hóa của một vùng đất bằng những ý nghĩa biểu trưng mà nó mang. Bức chạm cành mai là tượng trưng cho cốt cách. Bức thêu bông lan là tượng trưng cho sự vương giả. Trên những tà áo dài trắng của các bạn gái Huế tuổi 20,21 ta thường thoáng gặp những bông trà mi đượm vẻ quyền thế nhưng trong sáng. Ta cũng chỉ gặp những chiếc áo dài thêu những bông quỳnh với dáng sơ khai, thịnh khai.. trong những đêm trăng bên sông Hương hay trên cầu Trường Tiền. Bông cẩm chướng, bông bất tử,… chỉ thấy trên áo dài các bạn gái hay phụ nữ có người yêu, có chồng đang ở xa… Bông cúc vàng thường chỉ dùng cho những bức thêu, bức chạm.. tượng trưng cho sự phú quý.

Nghĩa gián tếp trong tên gọi những bức cham, những sản phẩm thêu.. này chính là kết quả của quá trình sử dụng tên gọi các từ ngữ nghề nghiệp bằng một số biện pháp chuyển di ngữ nghĩa như ẩn dụ hóa, biểu trưng hóa.

Tóm lại, đã từ lâu chúng tôi cùng các đồng nghiệp của mình ở Huế vẫn đã và đang sưu tầm, giới thiệu và muốn làm một cuốn từ điển về các nghề cổ truyền của vùng đất này. Với những đặc điểm lịch sử riêng, các nghệ nhân thuộc các nghề truyền thống của Huế đã giữ gìn và sáng tạo nên nhiều thuật ngữ, từ ngữ nghề nghiệp gắn liền với kỹ thuật chế tác ra các loại đồ gỗ, đồ thêu, đồ tre… Các nghề trên được phát triển theo các công trình từ thô mộc đến hoàn thiện qua từng giai đoạn. Những sáng tạo kỹ thuật ấy được phản ánh trong các nhóm từ ngữ nghề nghiệp ngày một thay đổi theo năm tháng và nghề nghiệp. Do đó các từ ngữ chuyên môn trong nghề cũng thật đa dạng. Nếu mỗi người nghiên cứu chịu khó sưu tầm trong kho từ ngữ của các nghệ nhân Huế chắc rằng ta sẽ có một cuốn từ ngữ nghề nghiệp những nghề cổ truyền của mảnh đất này.

Việc thuật lại sơ lược các tên gọi và cách gọi tên một số công đoạn của ba nghề trên cũng chỉ nhằm mục đích bước đầu ghi lại một số từ ngữ nghề nghiệp xưa và nay của các nghề này.

T.T.T
(138/08-00)

——————————————–
Tài liệu tham khảo:
1.Tạp chí ngôn ngữ, các số 1-2/1977; 1-4/1978; 1/1980; 1-3/1984; 2/1985; 4/1989
2.Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb KHXH, Hà Nội, 1977
3.Lê Văn Hảo. Huế giữa chúng ta. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1984
4.Một số luận văn, khóa luận của sinh viên Ngữ Văn, ĐHTH Huế.

Posted in Từ ngữ nghề nghiệp, Từ vựng học | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Hình vị – từ – từ vựng

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 3, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

1. Hình vị – đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa

Nhiều người cứ nghĩ rằng, khi kết hợp các âm tố với nhau, ta sẽ có các từ. Sự thực thì không phải bao giờ cũng như vậy. Nếu kết hợp các âm [ă], [n] và thanh ngang lại với nhau thì ta thu được một tổ hợp âm “ăn” của tiếng Việt, có ý nghĩa hoàn chỉnh và ta có thể kết hợp nó với các đơn vị như “tôi” và “cơm” thành một thông báo: “Tôi ăn cơm”. Song, nếu ta kết hợp các âm [d], [ă], [n] và thanh sắc, thành tổ hợp âm “đắn” thì rõ ràng tổ hợp âm này không cho ta ý nghĩa nào cả, và do đó, ta không thể dùng nó để kết hợp trực tiếp với các đơn vị khác thành một thông báo. Chẳng hạn, không thể kết hợp nó như là một tính từ để tạo ra một câu, kiểu như: “Ông ấy có nước da đắn”. Tổ hợp âm này chỉ xuất hiện trong một đơn vị lớn hơn là “đỏ đắn”, và chỉ trong đơn vị ấy, “đắn” mới cho ta một ý nghĩa nào đấy. Nói là nó cho ta một ý nghĩa nào đấy, bởi vì khó ai có thể nói rõ “đắn” biểu thị cái gì, nhưng chắc chắn là nó có nghĩa, vì rằng nó giúp ta phân biệt “đỏ đắn” với “đỏ au” hay “đỏ”. Một loạt các đơn vị trong tiếng Việt đều có chung tính chất như vậy, ví dụ như: đèm, biêng, tiêng, núc, hấu, v.v… . ở nhiều ngôn ngữ, những đơn vị như vậy được gắn chặt với các đơn vị có nghĩa hoàn chỉnh, làm thành một bộ phận của chúng, ví dụ như: -er trong worker (công nhân), singer (ca sĩ) của tiếng Anh, hay – at’el trong pisat’el’ (nhà văn), prepodava t’el’ (giáo viên) trong tiếng Nga. Chúng ta chỉ có thể biết được chúng nhờ vào sự xuất hiện lặp đi lặp lại, với cùng một ý nghĩa hoặc với ý nghĩa tương đối giống nhau của chúng. Nói rằng chúng lặp đi lặp lại, nhưng không phải bao giờ hình thức của chúng cũng giữ được nguyên vẹn mà có thể bị thay đổi đến một mức độ nhất định, và khi ấy, để nhận diện chúng, ý nghĩa cấu tạo của chúng sẽ là căn cứ quan trọng. Chẳng hạn, beg- trong begat’ (chạy) của tiếng Nga có dạng thức là bež trong từ beženets (vận động viên chạy), hoặc write [rait] và written [rit] trong tiếng Anh cũng khụng hoàn toàn giống nhau. Đơn vị đó được coi là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa. Các nhà ngôn ngữ học gọi đó là hình vị hay từ tố.

Như vậy, hình vị (hay từ tố) là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ, chúng tồn tại bằng cách lặp đi lặp lại dưới cùng một dạng hoặc dưới dạng tương đối giống nhau trong các từ.

2. Từ là gì?

Tuy rằng xét ở nhiều khía cạnh, từ là đơn vị cơ bản, là đơn vị trung tâm trong toàn bộ hệ thống các đơn vị của ngôn ngữ, song việc xác định từ không phải lúc nào cũng thuận lợi và khó có thể nêu lên được một định nghĩa thật chính xác về từ, bởi lẽ từ không phải là loại đơn vị thuần nhất. Từ có thể khác nhau ở nhiều khía cạnh: khả năng thay đổi hình thức cấu tạo, khả năng biểu thị sự vật, hiện tượng, khả năng biểu thị khái niệm, khả năng biểu thị đặc trưng, tính chất, hành động hay hoạt động, khả năng liên kết các đơn vị ngôn ngữ, khả năng biểu thị trạng thái tâm – sinh lý, v.v… Do vậy, chúng ta sẽ nêu lên đây những đặc trưng cơ bản của từ, để từ đó có thể nêu lên một định nghĩa khả dĩ chấp nhận được về từ.
Trước hết, từ là một cấu trúc âm thanh, có thể được tách ra khỏi chuỗi lời nói một cách dễ dàng và hiển nhiên, nhờ vào các yếu tố siêu đoạn tính. Trong một số ngôn ngữ, như tiếng Séc, Pháp, Ba Lan… thì yếu tố siêu đoạn đó là vị trí cố định của trọng âm trong từ. Nhờ vào trọng âm từ mà người ta biết rõ khi nào thì từ bắt đầu và kết thúc. Trong tiếng Nga hay tiếng Anh thì đó là trọng âm lực, kèm theo những thay đổi về độ dài của nguyên âm trong âm tiết mang trọng âm và chất lượng của các nguyên âm trong những âm tiết không mang trọng âm. Ở những ngôn ngữ có trọng âm nhạc tính như tiếng Nhật hay tiếng Hàn, việc nhận diện các từ được thực hiện nhờ sự nhận biết sự thay đổi về độ cao của giọng nói khi phát âm các âm tiết khác nhau của từ. Trong khi đó thì người Việt lại dựa vào thanh điệu (đối với các từ một âm tiết), hoặc cả thanh điệu và trọng âm lực (đối với các từ đa tiết) để nhận diện các từ. Cấu trúc âm thanh của từ khá ổn định, tuy mức độ ổn định có khác nhau tuỳ theo từng ngôn ngữ. Chính vì vậy mà từ có thể được giữ lại trong trí nhớ các thành viên của cộng đồng ngôn ngữ dưới dạng những “hình ảnh âm thanh”.
Thứ hai, từ có một cấu trúc hình thức tương đối chặt chẽ, không cho phép ta dễ dàng phá vỡ nó bằng những cách thức như chêm xen các yếu tố khác vào giữa các bộ phận cấu tạo của chúng. Chẳng hạn, ta không thể chêm xen các từ như này, kia, ấy, của… vào giữa các bộ phận cấu tạo của các từ máy bay hay giáo trình. Trong khi đó thì máy tốt không phải là một từ vì ta có thể chêm xen các yếu tố khác vào giữa hai bộ phận “máy” và “tốt”, ví dụ: Cái máy này tốt. Chính vì vậy, có những đơn vị có hình thức ngữ âm rất giống nhau, nhưng đơn vị này là từ, còn đơn vị kia lại không phải là từ. Chẳng hạn, chân vịt trong con tàu thuỷ là một từ, nhưng chân vịt với nghĩa là chân của con vịt thì là hai từ.
Thứ ba, từ có nội dung ý nghĩa hoàn chỉnh. Đối với các thực từ (hay còn gọi là từ từ vựng), tức những từ biểu thị sự vật, hiện tượng, đặc trưng, tính chất v.v…, thì đó là nội dung khái niệm về các sự vật hay hiện tượng… mà từ biểu thị. Nội dung khái niệm này là những chỉnh thể. Nếu có một tác động nào đó nhằm chia cắt từ thành những bộ phận nhỏ hơn thì tính hoàn chỉnh của nội dung khái niệm đó sẽ bị phá vỡ. Thực vậy, từ ngã lòng trong tiếng Việt biểu thị khái niệm về trạng thái tâm lý: chán nản, không muốn tiếp tục một công việc đang làm. Nếu ta chia cắt nó thành hai bộ phận là ngã và lòng thì mỗi bộ phận sẽ biểu thị một nội dung khái niệm hoàn toàn khác mà khi cộng laị, ta sẽ thu được một nội dung ý nghĩa khác, hoặc không thu được một nội dung ý nghĩa rõ rệt nào cả. Tuy nhiên, tính hoàn chỉnh của nội dung khái niệm không phải bao giờ cũng giống nhau ở tất cả các ngôn ngữ. Như từ ‘ink-pot’ (lọ mực) trong tiếng Anh chẳng hạn, ta có thể phân tích nó thành “ink” (mực) và “pot” (lọ), trong đó mỗi bộ phận dường như vẫn có ý nghĩa hoàn chỉnh và nếu cộng hai ý nghĩa đó lại với nhau, dường như ta vẫn thu được ý nghĩa giống như từ ‘ink-pot’. Song, ngay cả trong những trường hợp như vậy, sự khác nhau giữa hai ý nghĩa vẫn tồn tại, tuy có khó nhận thấy hơn. Có thể diễn giải sự khác nhau đó như sau: Ink + pot = ink và pot, còn ink-pot = pot để đựng ink. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, ngay cả khi không có mực, một cái lọ mực vẫn cứ được gọi là lọ mực chứ không giống như trường hợp “ink + pot” (lọ và mực), trong đó mực luôn luôn phải có mặt. Như vậy, ý nghĩa của từ ink-pot vẫn chỉ là một nội dung khái niệm hoàn chỉnh, chứ không phải là do hai nội dung khái niệm cộng lại mà thành.
Còn đối với những từ không có chức năng biểu thị khái niệm (gọi là hư từ hoặc từ ngữ pháp) thì nội dung ý nghĩa đó là chức năng ngữ pháp được quy định chặt chẽ cho từng từ trong hệ thống ngôn ngữ. Những từ mà, và, nhưng của tiếng Việt; i, do, iz, của tiếng Nga, hay of, on, but của tiếng Anh, sở dĩ có thể đứng độc lập và được lưu giữ trong trí nhớ của người Việt, người Nga, hay người Anh là do tính hoàn chỉnh về chức năng ngữ pháp của chúng. Do có chức năng ngữ pháp riêng của mình mà mỗi hư từ trở thành một từ độc lập, cho dù nhiều khi hình thức của chúng có vẻ giống như những bộ phận của từ (tức là hình vị), như các giới từ na (trên), v (trong), s (với) trong tiếng Nga chẳng hạn; những từ đó không có trọng âm riêng và nhiều khi phụ thuộc về mặt ngữ âm vào thực từ. Ý nghĩa của các từ này là những loại quan hệ khác nhau giữa các từ mà chúng được dùng để biểu thị. Và xét về chức năng biểu thị quan hệ, mỗi hư từ là một đơn vị duy nhất, không thể thay thế, chứ không giống như các hình vị, vốn là những đơn vị có thể dùng chung cho nhiều từ và có thể bị thay thế (so sánh: singer [ca sĩ] / cooker [cái bếp] của tiếng Anh.
Thứ tư, từ là một loại đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ. Tính có sẵn của từ thể hiện ở chỗ chúng đã được tạo ra, được chấp nhận và được lưu giữ trong toàn thể cộng đồng ngôn ngữ, không phụ thuộc vào cá nhân những người sử dụng. Muốn sử dụng ngôn ngữ, người ta không phải tự mình tạo ra các từ, mà cần phải ghi nhớ chúng và tái hiện chúng đúng như chúng vẫn tồn tại cho toàn thể cộng đồng. Đối với những ngôn ngữ mà từ có những dạng thức tồn tại khác nhau, như các dạng thức cách hay thời trong tiếng Nga, tiếng Séc, tiếng Ba Lan chẳng hạn, thì các dạng thức đó của từ chỉ là những biến thể chức năng và người sử dụng các ngôn ngữ đó cũng phải ghi nhớ để tái hiện chúng như là những đơn vị có sẵn, chứ không ghi nhớ phần gốc của từ và phần biến thái của chúng một cách riêng rẽ, rồi khi sử dụng ngôn ngữ mới ghép chúng lại với nhau thành từ. Chẳng hạn, để có thể sử dụng được dạng thức worked của từ (to) work trong tiếng Anh, người ta không ghi nhớ work và ed riêng rẽ rồi mỗi khi giao tiếp lại kết hợp chúng với nhau, mà phải ghi nhớ và tái hiện toàn bộ dạng thức như là một chỉnh thể có sẵn. Điều này đã được chứng minh qua các công trình nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em Anh: Khi học nói, trẻ em ghi nhớ các dạng thức của từ như là những vật liệu có sẵn, nhưng đến khi nắm được ngôn ngữ ở một mức độ nhất định, chúng “sửa lại” ngôn ngữ cho đúng với hệ thống, dẫn đến những lỗi ngữ pháp, như thay vì nói went (đã đi) chúng lại nói goed cho đúng với phần lớn dạng thức quá khứ của động từ tiếng Anh.
Tính có sẵn là đặc trưng của từ. Các đơn vị khác thường không mang tính có sẵn. Âm vị và hình vị chỉ xuất hiện trong các từ, chứ không đứng độc lập. Câu thì tuy có thể đứng độc lập nhưng lại do các cá nhân tạo ra. Chính vì vậy, cùng một nội dung thông báo, người ta có thể diễn đạt bằng nhiều câu khác nhau. Chẳng hạn, cùng một nội dung: Nó đang ngủ say, ta có thể nói: Nó đang ngủ khì, hoặc Nó đang say giấc nồng. Với từ thì không thể như vậy. Để biểu thị một nội dung khái niệm: Động vật nuôi họ với hổ báo, nuôi để bắt chuột, người Việt chỉ có thể dùng từ mèo, chứ không thể dùng từ khác. Dĩ nhiên, ta phải loại trừ những trường hợp có biến thể phương ngữ, biến thể xã hội hay biến thể nguồn gốc (sẽ được đề cập đến ở phần sau). Như vậy, có thể nói, so với câu thì từ là đơn vị mang tính bắt buộc. Đó chính là do tính có sẵn của từ.
Từ những điều trình bầy trên đây, ta có thể đưa ra một định nghĩa khái quát về từ như sau:

Từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, có thể dễ dàng tách khỏi chuỗi âm thanh lời nói, có cấu trúc hình thức chặt chẽ, có nội dung ý nghĩa hoàn chỉnh và được sử dụng như là những vật liệu có sẵn để tạo ra những đơn vị thông báo.

3. Các đơn vị tương đương từ

Trong ngôn ngữ, bên cạnh các từ, ta còn có thể nhận thấy một loạt những đơn vị tuy không phải là từ nhưng có tính chất và chức năng giống như các từ. Ta gọi đó là những đơn vị tương đương từ.

4.1. Trước hết, đó là các nhóm ngữ cú hay còn gọi là các cụm từ cố định. Các nhóm ngữ cú được hình thành trong lịch sử phát triển của một ngôn ngữ. Mỗi nhóm ngữ cú là một tổ hợp từ, trong đó từng từ riêng lẻ thường đã mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Nghĩa của nhóm ngữ cú là nghĩa chung cho toàn bộ tổ hợp, chứ không phải là nghĩa của các từ cộng lại. Vì vậy, để có thể hiểu được và sử dụng được các nhóm ngữ cú, ta thường phải ghi nhớ chúng như là những chỉnh thể, cùng với nghĩa chung cho toàn bộ nhóm và khi sử dụng, ta không thể tuỳ tiện thay đổi tổ chức của chúng. Nói cách khác, nhóm ngữ cú có kết cấu chặt chẽ và ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của nhóm ngữ cú có thể tương đương với nghĩa của một từ, vì vậy ta có thể dùng chúng như những từ bình thường. Tuy nhiên, cũng có những nhóm ngữ cú mà cấu trúc và ý nghĩa rất giống với những nhóm từ tự do, nhưng đã được cố định hóa và được cộng đồng sử dụng như là những đơn vị có sẵn. Như vậy, các nhóm ngữ cú là những đơn vị ngôn ngữ được tạo ra và duy trì trong cộng đồng ngôn ngữ như là những đơn vị có sẵn, do vậy chúng không mất đi sau một hoạt động giao tiếp ngôn ngữ. Mọi thành viên trong cộng đồng đều phải ghi nhớ chúng như ghi nhớ các từ bình thường.

Trong các nhóm ngữ cú, người ta thường phân biệt hai loại:

a/ Thành ngữ

Đó là những tổ hợp từ có tính ổn định cao về tổ chức hình thức và nghĩa. Thành ngữ được tạo ra theo nhiều cách, nhưng thường có một đặc điểm chung là các từ tạo nên thành ngữ đã mất hẳn tính độc lập của chúng, vì thế ta thường không thể giải thích được lý do tại sao chúng được kết hợp với nhau, và không thể suy ra nghĩa của thành ngữ bằng cách tìm hiểu nghĩa của các từ hợp thành. Chẳng hạn, thành ngữ “mạt cưa, mướp đắng” có nghĩa là: ‘tay đáo để lại gặp tay đáo để khác,; nghĩa đó không thể suy ra từ nghĩa của các từ mạt cưa và mướp đắng, vốn là tên gọi của hai sự vật không có liên quan gì với nhau và lại càng không có liên quan gì với nghĩa của thành ngữ. Chính vì vậy, khi sử dụng một thành ngữ, người ta thường không để ý đến nghĩa của các từ cấu tạo nên nó mà chỉ nghĩ đến ý nghĩa chung của cả tổ hợp mà thôi. Và cũng chính vì không giải thích được lý do cấu tạo của thành ngữ mà người ta không thể tùy tiện thay đổi cấu tạo của chúng. Những tổ hợp từ như: mẹ tròn con vuông; lọt mắt xanh; nằm gai nếm mật, v.v. là những thành ngữ.

b/ Quán ngữ

Đó là những lối nói do sử dụng lâu ngày mà quen dần và trở lên ổn định về tổ chức hình thức và nghĩa. Khác với thành ngữ, trong quán ngữ, các từ vẫn còn giữ được tính độc lập tương đối của chúng, vì thế thường ta có thể suy ra nghĩa của quán ngữ bằng cách tìm hiểu ý nghĩa của các từ hợp thành. Nói chung, ta đều có thể giải thích lý do cấu tạo của quán ngữ. Chẳng hạn, quán ngữ “đẹp như tiên” là quán ngữ so sánh. Dựa vào ý nghĩa của các từ trong quán ngữ này, ta có thể hiểu ngay được ý nghĩa của nó. Do hiểu được ý nghĩa cấu tạo của quán ngữ nên đôi khi, ta có thể thay đổi chút ít thành phần cấu tạo của chúng. Chẳng hạn, ta có thể mở rộng quán ngữ trên thêm một chút thành “đẹp như tiên sa”, hay quán ngữ “khỏe như voi” có thể thay bằng “khoẻ như trâu”. Tất cả những lối nói như: nói có bàn thờ, khôn nhà dại chợ, lừ đừ như từ vào đền, khoẻ như voi, v.v. đều là những quán ngữ. Như vậy, có thể thấy rằng mối quan hệ giữa các từ tạo thành quán ngữ không vững chắc như trong thành ngữ, do đó nhiều khi các quán ngữ được sử dụng giống như các cụm từ tự do.

c/ Từ phức.

Trong mỗi ngôn ngữ, ta còn có thể nhận thấy rằng, có một số từ luôn luôn được một yếu tố cú pháp cố định đi kèm. Khi sử dụng những từ như vậy, ta không thể tuỳ tiện thay đổi hay gạt bỏ yếu tố cú pháp ấy đi. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, có từ ‘ghen’ được dùng với hai nghĩa: 1/ ghen tị và 2/ ghen tuông. Ở nghĩa thứ nhất, từ này bao giờ cũng được sử dụng kèm với giới từ ‘với’ (‘ghen với ai’), còn ở nghĩa thứ hai, nó chỉ được dùng một mình. Khi sử dụng từ này với nghĩa thứ nhất, người Việt không thể tự ý gạt bỏ giới từ ‘với’ hay thay vào đó một yếu tố khác. Vì vậy, có thể nói rằng: ‘ghen với…’ là một kết cấu vững chắc và hoàn chỉnh; nó được sử dụng như là một đơn vị có sẵn. Loại đơn vị này ngôn ngữ nào cũng có, ví dụ như look at (nhìn), look for (tìm) trong tiếng Anh chẳng hạn. Ta gọi đó là những từ phức. Muốn sử dụng đúng các từ phức, người ta phải ghi nhớ chúng như là những đơn vị có sẵn.
d/ Cuối cùng, trong mỗi ngôn ngữ, đều có tồn tại một số tổ hợp từ dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng hay khái niệm mà trong ngôn ngữ đó không có hình thức từ thích hợp đứng làm cái đại diện vật chất, ví dụ như: ‘máy bay lên thẳng’, ‘trường đại học tổng hợp’ trong tiếng Việt, ‘forget-me-not’ (hoa lưu li), ‘organ-grinder’ (người chơi đàn quay) trong tiếng Anh, hay ‘moxkitnaja xetka’ (cái màn), ‘p’es’ernưi trelov’ek’ (người ở hang) trong tiếng Nga. Các nhóm từ này bao giờ cũng hoạt động như là những chỉnh thể có sẵn và hoàn toàn tương ứng với từ về mặt chức năng, do đó hoàn toàn có thể xem chúng như là những đơn vị tương đương từ và cũng có thể gọi chúng là những từ phức, hoặc là đơn vị trung gian như một số nhà nghiên cứu đề nghị.

Từ vựng

Toàn bộ vốn từ và các đơn vị tương đương từ như vừa trình bày ở trên làm thành vốn từ vựng của ngôn ngữ. Như vậy, từ vựng không chỉ bao gồm một loại đơn vị thuần nhất mà gồm nhiều loại đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, đặc tính chung của các loại đơn vị từ vựng là có cấu trúc bền vững, ý nghĩa hoàn chỉnh, có thể tách ra khỏi chuỗi lời nói để đứng độc lập và có thể trực tiếp kết hợp với nhau theo những quy tắc nhất định thành các đơn vị thông báo. Về cơ bản, các đơn vị từ vựng là những đơn vị lớn nhất mà các thành viên của một cộng đồng ngôn ngữ buộc phải ghi nhớ để sử dụng trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ. Các đơn vị lớn hơn, như câu chẳng hạn, hoàn toàn không có tính bắt buộc về mặt ghi nhớ như vậy; chúng ta chỉ cần ghi nhớ các quy tắc tổ hợp các đơn vị từ vựng thành câu là đủ. Chính vì vậy, số lượng câu mà một cộng đồng có thể sản sinh ra là vô cùng, trong khi từ vựng là một tập hợp hữu hạn các đơn vị.

Mặt khác, như đã nói ở trên, các đơn vị nhỏ hơn từ không có khả năng trực tiếp kết hợp với nhau thành những đơn vị thông báo: âm vị chỉ có thể kết hợp với nhau thành hình vị, hình vị chỉ có thể kết hợp với nhau thành từ. Nói cách khác, các đơn vị nhỏ hơn từ không có khả năng kết hợp trực tiếp với nhau thành những đơn vị lớn hơn từ, ví dụ như cụm từ và câu. Vậy, từ là đơn vị nhỏ nhất có khả năng kết hợp trực tiếp với nhau thành các đơn vị thông báo.

Từ những điều trình bày ở trên, ta có thể đưa ra một định nghĩa chung về từ vựng như sau:

Từ vựng của một ngôn ngữ là tập hợp tất cả những đơn vị ngôn ngữ nào có cấu trúc hình thức bền vững, có nghĩa hoàn chỉnh, lớn nhất về tính bắt buộc ghi nhớ đối với các thành viên của cộng đồng và nhỏ nhất về khả năng trực tiếp kết hợp với nhau để tạo ra các đơn vị thông báo.

______________________________________________

Posted in Nhập môn ngôn ngữ học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , , , , , , | 1 Comment »