TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Ảnh hưởng của các ngôn ngữ Ấn-Âu đối với từ vựng tiếng Việt

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 19, 2010

1. Lịch sử vay mượn từ ngữ Ấn-Âu

Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp vào nửa cuối thể kỉ XIX và thời kì cai trị của thực dân Pháp kéo dài trên 80 năm. Trong thời kì đó, tiếng Pháp đã được đưa vào giảng dạy và sử dụng trong các trường học và là ngôn ngữ chính thức của nhà nước thuộc địa. Do vậy, các từ ngữ tiếng Pháp đã xâm nhập vào tiếng Việt khá nhiều, và thông qua tiếng Pháp, một số từ ngữ của những ngôn ngữ Ấn-Âu khác như tiếng Anh hay tiếng Nga cũng đi vào tiếng Việt.

Tuy nhiên, sự tiếp xúc của tiếng Việt với các ngôn ngữ Ấn-Âu diễn ra muộn hơn nhiều so với tiếng Hán và một số ngôn ngữ châu Á khác. Lúc này, tiếng Việt đã tiếp nhận một cách có hệ thống những từ ngữ tiếng Hán cần thiết để bổ sung cho vốn từ vựng của mình, do đó các từ ngữ Ấn-Âu chỉ được tiếp nhận một cách lẻ tẻ và thường tập trung vào các lĩnh vực khoa học-kĩ thuật.

Thời kì đầu, tiếng Việt thường không tiếp nhận các từ ngữ Ấn-Âu một cách trực tiếp mà tiếp nhận gián tiếp qua tiếng Hán, do đó các âm Ấn-Âu đều có dáng dấp của âm Hán-Việt, ví dụ: câu lạc bộ; Nã Phá Luân; Ba Lê; Anh Cát Lợi, Ba Lan

Về sau, cách tiếp nhận này đã được thay thế bằng cách tiếp nhận trực tiếp hoặc thông qua tiếng Pháp. Thời gian gần đây, xu hướng tiếp nhận trực tiếp không qua tiếng Pháp ngày càng trở nên phổ biến. Ví dụ: makéttinh (t. Anh: marketing); cátxê (t. Anh: cash); (t. Anh: show), Vácsava

Ngoài việc tiếp nhận hình thức và ý nghĩa của các từ ngữ Ấn-Âu, tiếng Việt còn mô phỏng cấu trúc của một số từ ngữ Ấn-Âu, khiến cho trong tiếng Việt có những từ ngữ và cách nói có cấu trúc nghĩa giống như trong các tiếng Ấn-Âu. Ví dụ: chiến tranh lạnh; giết thời gian (t.Pháp); vũ trang tận răng, đĩa cứng, đĩa mềm (t. Anh); vườn trẻ, nhà văn hóa (t.Nga).

2. Các lớp từ ngữ Ấn-Âu trong tiếng Việt

– Tiếng Việt vay mượn từ ngữ Ấn-Âu trước hết là để bổ sung những từ ngữ còn thiếu mà chủ yếu là những từ ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học-kĩ thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các từ ngữ Ấn-Âu được mượn vào tiếng Việt còn nhằm mục đích bổ sung một lớp từ có nghĩa chính xác hơn từ thuần Việt hoặc Hán-Việt (ví dụ: xúp lơ, mù tạt), nhất là trong lĩnh vực thuật ngữ. Trong một số trường hợp đặc biệt, nguyên nhân vay mượn từ ngữ Ấn-Âu vào tiếng Việt chỉ là ý thích mang tính thời thượng (ví dụ: nhạc dance, cátxê).

– Tuy đều là từ ngữ gốc Ấn-Âu nhưng giữa các từ ngữ này có sự khác biệt về mức độ Việt hóa. Nhìn chung, có thể phân biệt những lớp từ ngữ Ấn-Âu sau đây:

+ Từ được Việt hóa cao độ. Đó là những từ ngữ Ấn-Âu mà xét về hình thức và cách thức hoạt động không khác gì với một từ thuần Việt. Nói chung, đây thường là những từ ngữ thông dụng, mức độ Việt hóa phải đủ cao để người Việt có thể sử dụng giống như những từ của tiếng Việt. Có thể nêu ra đây một vài cách Việt hóa từ ngữ Ấn-Âu như sau:

* Thêm thanh điệu cho các âm tiết, ví dụ: cà phê, vét tông, cà rốt.
* Bỏ bớt phụ âm trong các nhóm phụ âm, ví dụ: phanh (frein), gam (gramme), kem (crème), van (valse).
* Thay đổi một số âm cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, ví dụ: bốc (box), ba tê (paté), búp bê (poupée), pê đan (pédall).
* Rút gọn từ, ví dụ: xăng (essence) ; lốp (enveloppe); săm (chambre à air)

+ Từ chỉ được Việt hóa một phần. Thường thì đây là những từ ngữ khoa học – kĩ thuật thông dụng. Xét trên chữ viết, những từ ngữ này thường được viết các âm tiết liền nhau hoặc giữa các âm tiết có dấu gạch nối, Ví dụ: xêmina (xê-mi-na), côngtơ (công-tơ), ampe (am-pe), đôping (đô-ping), tuốcbin (tuốc-bin), complê (com-plê), phécmơtuya (phéc-mơ-tuya),

+ Những từ không được Việt hóa hoặc chỉ được Việt hóa rất ít. Đây thường là những thuật ngữ khoa học-kĩ thuật, cần phải giữ được tính chính xác và tính quốc tế, đồng thời cũng là những từ có phạm vi sử dụng hẹp. Ví dụ: electron, miliampe, microphon, automat.

Đương nhiên, trong những trường hợp cần thiết, người ta còn phải chuyển tự các từ vay mượn của các ngôn ngữ Ấn-Âu, ví dụ: dicdac (zigzag), xêmina (seminar).
___________________________

2 bình luận to “Ảnh hưởng của các ngôn ngữ Ấn-Âu đối với từ vựng tiếng Việt”

  1. Dung said

    Tham khảo danh sách từ mượn tiếng Pháp:
    http://ressources-cla.univ-fcomte.fr/gerflint/Mekong_Dic/mekong_dic.html

    • tuldvnhloc said

      Cám ơn bạn. Đây là cuốn từ điển tốt, tuy nhiên đối tượng phục vụ của bài viết chưa có khả năng sử dụng từ điển này. Chúc bạn một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc!

Bình luận về bài viết này