TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Posts Tagged ‘liên tố’

Cấu tạo của từ (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 20, 2010

LÊ Đình Tư
(Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)

2. Phân tích cấu tạo hình vị của từ

Như trên đã nói, khi phân tích các từ có cấu trúc nội tại – tức là các từ tạo, ta thu được những đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa: đó là những hình vị hay từ tố cấu tạo từ (để cho tiện, từ đây ta sẽ gọi chung là hình vị cấu tạo từ hay hình vị). Tuy nhiên, hình vị cấu tạo từ không phải là một loại hình vị thuần nhất, mà bao gồm một số tiểu loại với tính chất và chức năng khác nhau.

Căn cứ vào tính chất của hình vị trong từ, ngôn ngữ học truyền thống thường phân biệt ra hai loại hình vị: 1) căn tố (cũng còn gọi là chính tố) – là loại hình vị mang ý nghĩa cơ bản của từ và các hình vị khác phải phụ thuộc vào nó; 2) phụ tố – là những hình vị được ghép với căn tố để tạo nên nghĩa mới và bằng cách ấy tạo ra từ mới (từ tạo). Ví dụ: Trong từ domik (ngôi nhà nhỏ) của tiếng Nga, hình vị dom- là căn tố, vì nó mang ý nghĩa cơ bản của từ này (ngôi nhà), còn -ik là phụ tố, vì khi được ghép với căn tố dom- nó tạo nên nghĩa bổ sung cho căn tố: nêu lên tính chất, đặc điểm của ”ngôi nhà”.

Phụ tố có thể được ghép với căn tố theo những cách thức khác nhau. Tùy theo cách thức kết hợp phụ tố với căn tố, người ta thường phân biệt các loại phụ tố chủ yếu sau đây:

tiền tố (prefix): đó là loại phụ tố được ghép vào trước căn tố, ví dụ như bex- trong từ bexplatnưi (miễn phí) của tiếng Nga, hay in- trong từ infamous (ô nhục) của tiếng Anh.

hậu tố (sufix): đó là phụ tố được ghép vào sau căn tố, như -ok trong từ lexok (cánh rừng nhỏ) của tiếng Nga, hay -able trong từ comfortable (tiện lợi) trong tiếng Anh.

trung tố (infix): là hình vị được đặt xen vào giữa căn tố, ví dụ như từ knouch (cái nút) của tiếng Khơme chẳng hạn, vốn được tạo ra bằng cách đặt chêm trung tố -n- vào giữa căn tố kouch (buộc).

Trung tố được sử dụng phổ biến trong các ngôn ngữ Nam Á như tiếng Tagalog ở Philippin hay tiếng Khơme.

liên tố (interfix) (còn gọi là hình vị nối hay yếu tố nối): là yếu tố dùng để nối các căn tố với nhau nhằm tạo ra từ mới, ví dụ như liên tố -o- trong parovoz (đầu máy hơi nước) của tiếng Nga, hay speedometer (đồng hồ tốc độ) của tiếng Anh.

bao tố (circumfix): là hình vị có cấu tạo không liên tục, một phần của nó được đặt trước căn tố còn một phần được đặt sau căn tố. Ví dụ, trong tiếng Chikasaw ở Oklahoma, hình vị ik -o (có nghĩa phủ định) được đặt bao quanh căn tố để tạo ra từ mới. Ví dụ, so sánh:

lakna [(nó) màu vàng]/ iklakno [(nó) không màu vàng].

Bao tố được sử dụng nhiều trong một số ngôn ngữ như tiếng Mã Lai, tiếng Gioóc-gia, hay tiếng Đức hoặc tiếng Hunggari.

Cần phải nhắc lại rằng, những hình vị nêu trên được gọi là hình vị cấu tạo từ, dùng để cấu tạo từ mới. Trong một số ngôn ngữ, ngoài các hình vị cấu tạo từ ra, người ta còn phân biệt từ căn (hay thân từ) và vĩ tố (hay biến tố). Vĩ tố là hình vị thường được đặt sau căn tố và phụ tố dùng để thể hiện các loại ý nghĩa ngữ pháp. Loại hình vị này thường biến đổi theo các chức năng ngữ pháp khác nhau của từ, ví dụ như vĩ tố -a trong từ kniga của tiếng Nga chẳng hạn, nó có thể biến đổi thành -u (nếu danh từ này làm bổ ngữ trong câu), thành -i (nếu danh từ là định ngữ). Còn từ căn có thể là một hay một phức thể hình vị gồm căn tố và phụ tố (không có vĩ tố). Đây là bộ phận lặp đi lặp lại trong tất cả các hình thái ngữ pháp của từ mà không thay đổi hoặc chỉ thay đổi chút ít cấu tạo hình vị của nó. Trong ví dụ nêu trên của tiếng Nga thì knig- chính là từ căn hay thân từ. Vĩ tố cũng có thể là một hình vị không có hình thức biểu hiện tường minh và khi ấy nó được gọi là hình vị zêrô. Ví dụ, trong danh từ [book-] tiếng Anh có hình vị zêrô [-0] sau từ căn book dùng để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp: số ít, nguyên cách. Tuy nhiên, loại hình vị này không phải là những những hình vị dùng để cấu tạo từ mới mà là hình vị dùng để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp (sẽ được nói kĩ hơn ở phần Ngữ pháp).

______________________________________________________

Posted in Nhập môn ngôn ngữ học, Từ vựng học | Thẻ: , , , , , , , , , , , , | Leave a Comment »

Đối chiếu từ vựng – Bình diện cấu tạo hình thức

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 13, 2010

Lê Đình Tư

1. Đối chiếu cấu tạo hình vị của từ

– Các loại hình vị cấu tạo từ. Hình vị cấu tạo từ được chia thành hai loại: căn tố và phụ tố.

– Căn tố: là hình vị cơ bản, là yếu tố cấu trúc chính của từ. Căn tố là bộ phận có thể tách khỏi từ để hoạt động độc lập, vì đây thường là những từ gốc. Ví dụ: time-less.

– Phụ tố: là những hình vị được ghép với căn tố để tạo ra từ mới hoặc để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp.

Trong các ngôn ngữ biến hình, người ta phân biệt hình vị từ vựng- ngữ pháp (hoặc hình vị từ vựng) và hình vị ngữ pháp, nhưng trong các ngôn ngữ không biến hình, chỉ có hình vị từ vựng-ngữ pháp mà không có ý nghĩa ngữ pháp theo cách hiểu của ngôn ngữ học châu Âu.

Các phụ tố trong các ngôn ngữ thường được chia thành:

*Tiền tố: là phụ tố hình vị đứng trước căn tố. Ví dụ: in-famous (t. Anh).
* Hậu tố: là hình vị đứng sau căn tố. Ví dụ: happi-ness (t. Anh).
* Trung tố: là hình vị được đặt xem vào giữa căn tố. Ví dụ: l-b-eun (= tốc độ)) được tạo ra từ leun (= nhanh) (t. Khơme).
* Liên tố : là hình vị dùng để nối các căn tố với nhau, ví dụ: speed-o-meter trong tiếng Anh hay zieml-e-kop (t. Nga).
* Bao tố: còn gọi là hình vị không liên tục. Đây là những hình vị bao quanh căn tố cả về phía đầu lẫn phía cuối. Loại hình vị này xuất hiện chủ yếu ở một số ngôn ngữ của thổ dân châu Mĩ, nhưng thời gian gần đây có một số nhà nghiên cứu cho rằng bao tố được sử dụng rộng rãi hơn ở nhiều ngôn ngữ khác. Ví dụ: roz-płakać-się (= khóc òa) (t. Ba Lan).
* biến tố: là những hình vị thường đứng sau căn tố và phụ tố để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp như: giống, số, cách, ngôi… Ví dụ: rek-a (t. Nga).

2. Những sự khác biệt về cấu tạo hình vị của từ trong các ngôn ngữ

– Các ngôn ngữ có sự khác biệt về cách sử dụng các phụ tố cấu tạo từ. Ví dụ: Các ngôn ngữ biến hình dùng các phụ tố để tạo từ mới nhưng tiếng Việt thường dùng cách ghép từ để tạo từ mới.

– Các ngôn ngữ biến hình có hiện tượng biến đổi ngữ âm của các hình vị cấu tạo từ, và do đó có khái niệm tha hình vị (alomorfem). Trong các ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, khái niệm tha hình vị chỉ dùng cho những hình vị có cùng hình thức ngữ âm, có ý nghĩa khác nhau nhưng liên quan với nhau. Ví dụ: hình vị nhà trong: nhà máy và nhà chính trị; đánh trong: đánh bạn và đánh ghen.

– Vị trí của các phụ tố trong các ngôn ngữ có thể rất khác nhau. Ví dụ: t. Việt: tính ích kỉ/ t. Anh: selfishness

– Trong các ngôn ngữ, các hình vị có thể khác nhau về mức độ sản sinh: tính sản sinh của các hình vị ở ngôn ngữ này cao nhưng ở ngôn ngữ kia lại thấp. Ví dụ: Hình vị ‘máy’ để tạo các danh từ trong tiếng Việt có tính sản sinh rất cao: máy nổ, máy gặt, máy tiện…, nhưng trong nhiều ngôn ngữ hình vị tương đương đều có khả năng sản sinh ít hơn tiếng Việt.

– Các ngôn ngữ còn khác nhau về các phương thức cấu tạo từ. Sự khác nhau thường thể hiện ở hai mặt:
* Số lượng các phương thức, ví dụ: Trong tiếng Việt có phương thức láy để tạo từ mới nhưng một số ngôn ngữ không dùng phương thức này;
* Mức độ ưa chuộng các phương thức cấu tạo từ, ví dụ: tiếng Việt ưa chuộng phương thức ghép và phương thức láy, còn các ngôn ngữ Ấn-Âu thì ưa chuộng phương thức phụ gia và phương thức ghép.

_____________________________________________

Posted in Ngôn ngữ học đối chiếu, Đối chiếu cấp độ từ vựng | Thẻ: , , , , , | 1 Comment »