TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Posts Tagged ‘câu phong vị cổ kính’

Nguyễn Tuân: Nghề văn – nghề chữ

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Một 3, 2011

NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ

Trong một bài giảng bồi dưỡng người viết trẻ, Nguyễn Tuân đã bộc bạch quan niệm về nghề: “Nghề văn là nghề của chữ (1)… Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà “sinh sự” […] [1/tr.715,716]. Theo ông, đánh giá một nhà văn, đúng về mặt chuyên môn nghề nghiệp mà bàn, thì giá trị của người đó “là những công đức lập ngôn”, là ở chỗ ông ta “đã mở mang thêm vốn liếng dân tộc về tiếng nói được tới mức nào, và đã góp phần sáng tạo của mình vào ngôn ngữ Việt Nam như thế nào” [1/tr.239].

Đọc Nguyễn Tuân, thấy rõ ở ông một ý thức trách nhiệm hoàn toàn tự giác và một tình yêu sâu đậm hết sức nhạy cảm với những gì liên quan đến ngôn ngữ, đặc biệt là đến tiếng mẹ đẻ. Nguyễn Tuân không phải là nhà ngôn ngữ học, không phải là người lập thuyết. Ông là nhà thực hành tài hoa và sáng tạo với một ý thức rất cao về vai trò, trách nhiệm của nhà văn với ngôn ngữ mẹ đẻ, đúng như ông tự nhận trong mục chuyên môn của bản khai lí lịch ở Hội nhà văn: Chuyên viên tiếng Việt. Trong bài viết này, người viết cố gắng ghi nhận một số thủ pháp tạo từ, dựng câu của Nguyễn Tuân.

1. TỪ NGỮ

1.1. Chữ đặt đúng chỗ, mở rộng hiệu năng: Có những chữ (2) rất bình thường, quen thuộc; nhưng nhà văn đặt nó vào trong một quan hệ mới, lập tức tạo ra một ý vị bất ngờ, và hình như đã giải phóng những tiềm năng bấy lâu vẫn ngủ im trong con chữ.
Có cảm tưởng như Nguyễn Tuân đã đi vào tận ruột từ, tận đáy nghĩa; tạo điều kiện thích hợp cho từ ngữ tung hoành, trở thành một chữ đắc địa, bung ra những vẻ đẹp từ trước chưa thấy, tỏa ra một năng lượng tinh khôi. Như chữ “được” trong cái đầu đề Được ốm; như chữ “sống”, chữ “chết”, chữ “quạnh hiu” trong câu văn sau: “Từ lúc chưa được ốm nằm, cứ phải ốm đứng, chị Nguyễn từng đã hiểu biết đến nhiều thứ quạnh hiu đang sống trong cái lòng chết của mình.” [II/tr.509].
Những chữ bình thường nhờ đặt đúng chỗ, có một quan hệ bất thường, mà tỏa phát ra hào quang mới lạ, không hiếm trên những trang tùy bút Nguyễn Tuân: “Chỉ có tôi đang nói chuyện với một mớ tóc mây. Chỉ có hai ngón tay Chị Hoài đang nói chuyện với những sợi chỉ tơ thâm một mớ tóc xõa. […] Thế rồi trong giữa cái hiu quạnh tay đôi ấy khe khẽ nổi lên cái giọng kể chuyện Nhị Độ Mai” [II/tr.657].

1.2. Có những chữ do Nguyễn Tuân tự đặt ra bằng cách kết ghép hay thêm bớt một cách mới mẻ, bất ngờ, để diễn tả một nội hàm hoặc phong phú hơn, hoặc sắc bén, gây ấn tượng mạnh hơn. “Tuổi măng trứng”, “cái phẩm chấtthơ ngộ”, “cái buổi thơ nhiên”… là những sự kết ghép như thế. Chữ sông mỏi tả con sông Hương của một thời xa cũ: “Sáu nhịp cầu Tràng Tiền rạng dần lên như ba cặp lông mày trắng thần lãng mạn nào đang soi vào mặt sông mỏi” [IV/tr.777].
Nó đã lột tả tài tình đến thế, không chỉ dòng sông đọa lạc, mà cả cái không khí rời rã ám ảnh trong lòng cũng như ngoài đời cái xã hội thuộc địa cuối mùa hồi đó. Hình dung cái học vị tú tài của Tú Xương, Nguyễn Tuân viết: nó “me mé ghe ghé bể hoạn mà lại chưa đủ tiêu chuẩn bằng cấp để vào quan chế.” [4/tr.261]. Chữ “me mé ghe ghé” đã diễn tả được cả vị trí éo le mấp mé trên bậc thang xã hội, lẫn tâm trạng bực thân giận đời của ông Tú. Nó là sáng tạo độc đáo của Nguyễn Tuân – độc đáo cả từ vị lẫn ngữ âm.
Cùng một thủ pháp kết ghép mới lạ như trên, bằng nhiều dạng khác nhau, nhưng đều thể hiện được cái “nhỡn quan riêng” độc đáo của tác giả: “Tôi cắmmột điếu thuốc […] vào mồm thằng giặc […] Tôi bật diêm châm vào mặt nó” [IV/tr.696]; “Tôi rước tôi bước ra đường” [II/tr.311].

1.3. Nguyễn Tuân còn cách gây ấn tượng mới lạ, mạnh mẽ cho chữ bằng cách chuyển hoá từ loại (danh từ hóa, động từ hóa tính từ, hay ngược lại…). Thái độ miệt thị đến mức ghê tởm những kẻ sùng bái, nô lệ đồng tiền của nhà văn đã đọng lại trong một tính từ tôn lên thành danh từ: “Cái thối inh của xã hội tiền” [V/tr.607]. Cảm giác bao quát về một cái chợ nhếch nhác bẩn thỉu ở ngoại ô cũng được nhà văn tả bằng hai tính từ gộp lại được danh từ hóa như vậy: một cô đồ tể “đội mẹt thịt… góp với cái nhầy nhờn của buổi chợ sớm tại cửa ô.” [I/tr.233].
Cũng một sự chuyển hóa tương tự, nhưng bạo tay hơn, Nguyễn Tuân bỏ luôn cả chữ “cái”, để ấn tượng thêm đột xuất, trong một kết hợp từ mà ngoài Nguyễn Tuân có lẽ chưa ai trong văn xuôi dám “tây” đến vậy: “Cuộc sống đầy những bất thình lình nguy nga chưa có phụ người ta bao giờ, nếu người ta biết tận tụy xê dịch và tìm lẽ sống của mình trong cái thú làm người giang hồ.” [I/tr.821].
Ở một chỗ khác, Nguyễn Tuân động từ hóa một tính từ để lột tả một không khí quạnh quẽ, một quang cảnh hết cả sinh khí: “Nhà hát đã lạnh tiếng cười, tiếng đàn, lạnh cả đến một cái tàn đèn dầu lạc.” [5/tr.401]; hoặc để thể hiện không chỉ màu sắc tĩnh tại mà cả triển vọng đang diễn biến theo chiều hướng tươi đẹp của một con sông, một vùng đất, một tâm trạng: “Hỡi những bạn đò người Thái […] từ nay Sông Đà càng ngày càng xanh ve mãi lên một niềm hoài vọng!” [IV/tr.464].

1.4. Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, ngôn ngữ được xếp đặt, kết hợp hết sức linh hoạt, táo bạo, đôi khi dụng ý chệch chuẩn để lạ hóa ngôn từ, nhằm đạt những hiệu quả chữ nghĩa mới mẻ. Một trong những thủ pháp ngôn từ đó, là nhà văn đã tạo nên những kết hợp mới vẫn dựa trên nghĩa gốc của từ, nhưng trong quan hệ ngang với từ khác cùng câu, đã nảy sinh một sắc thái ý nghĩa mới cho một đối tượng, một trường hợp, một lĩnh vực nào đó. Với thủ pháp chuyển hóa từ nghĩa ấy, nhà văn đã làm nổi bật lên cái nhìn hết sức độc đáo đối với gia đình của một lãng tử, bằng một chữ “quàn” mà trước Nguyễn Tuân chắc hẳn không ai dám dùng như thế. “Tôi vẫn nhớ đến cái tiểu gia đình tôi quàn tạm ở một cái tỉnh nhỏ miền trong nọ.” [II/tr.656]. Nguyễn Tuân có hàng loạt những từ được dùng đắc địa trong ngữ cảnh đã chuyển hóa nghĩa như thế:
– “Có những đêm mưa to gió lớn làm nhòe những tiếng trống phủ cầm canh” [I/tr.513].
– “Gian nào cũng tô hô ra mặt phố” [III/tr.240].
– “Cái giọng hát […] rót cong được câu văn chầu vào tai người gần mình” [II/tr.242].

1.5. Nguyễn Tuân đặc biệt ưa dùng lối điệp dồn cộng hưởng. Thủ pháp này làm ý nghĩa, cảm xúc dồn dập tăng cấp; vừa khắc sâu tô đậm, vừa mở rộng trường cảm nhận cho người đọc.
Có khi nhà văn đưa hàng loạt từ để diễn tả nhiều khía cạnh sắc thái bổ sung cho nhau của cùng một tính chất, một hoàn cảnh:
– “Một thứ hạnh phúc chói thắm chín lành.” [IV/tr.215].
– “Những tiếng cười khê, nặc, dâm, ngấy.” [I/tr.257].
– “Sức sáng gắt gỏng, lọc lõi và dữ dội của Hồng Kông.” [I/tr.248].
Có khi ông tách một từ thành hai mảnh, kèm theo tiếng điệp nhấn vào, làm cho ngữ điệu thành da diết hơn, khiến từ vị thêm hẳn sức nặng:
– “Có một nhà văn đi rất dữ và viết cũng rất tợn” [V/tr.970].
– “Lắm hôm đang nuốt dở miếng cơm là cứ sặc khốn sặc khổ lên…”.
Có khi ông để liền nhau tới ba bốn cụm từ vừa gần nghĩa nhau, vừa có số âm tiết như nhau, để sức cộng hưởng càng tăng thêm cường độ – cả bằng từ vựng, cả bằng âm điệu:
– “Và giời Mèo, ánh sáng trong vô cùng, sáng vô ngần, lọc vô tận.” [V/tr.21].
– “Quanh chị Dậu, quanh cái thẻ sưu thuế người, cả một hệ thống thiên la địa võng bóc lột sự sống, ăn hiếp sự sống, bức tử sự sống.” [V/tr.733].
Có khi điệp cộng hưởng cùng một chữ, để ấn tượng thật đậm nét, tập trung:
– “Thầu cứt, thầu cơm, thầu rượu, thầu tất, cái gì có người gọi một cái là xin thầu ngay.” [1/tr.591].

1.6. Không ít trường hợp, nhà văn dùng hình thức xâu chuỗi (thường được hình thức hóa bằng những gạch nối) nhiều khái niệm liên quan hữu cơ với nhau thành một chữ gộp, để thể hiện một khái niệm đặc thù nào đó:
– “Cái kiểu thơ – mìn – nổ – chậm của B.Bretch” [V/tr.634].
– “Bà Tương – Phố – giọt – lê – thu” [II/tr.259].
– “Chị Dậu hai lần bị cưỡng dâm ở mấy cái tư – thất – công – đường – nhà – thổ” [V/tr.741].

1.7. Nguyễn Tuân đã trực tiếp phát ngôn nhiều lời chữ mang khẩu khí dân dã tự nhiên thoải mái – ở những chỗ cần đến cái giọng ấy, nó giúp hóa giải cho cả tác giả lẫn độc giả: “A men! Giời ôi là giời! Sống làm sao được đây! […] Nổi lên một mồi lửa cho nó cháy vèo mẹ nó đi cái thứ làng An nam ngột ngạt đó.” [V/tr.733]. Hoặc giọng cởi mở thân tình: “Chỗ nào cũng mò tới. Lắm lúc ăn mặc thực sang, lắm lúc như con mẹ ngộ.” [I/tr.725]. Lại có khi thật nhẹ nhõm, sống động: “Giã như cái chú gần đây thì còn gì là chả là giò nữa. Đâu lại có cái kiểu nện chày chủng chẳng tiếng đực tiếng cái tiếng mẹ tiếng con như thế.” (3)

1.8. Nguyễn Tuân còn tài hoa trong việc gây không khí, dựng bối cảnh, “phục chế” lại sắc thái phong vị một thời, một lĩnh vực đặc thù, bằng những từ cổ, từ nghề đương thời.
Một tờ “phiến trát” ở kia, hay mấy chữ “chén quan hà” ở đây; những động từ xưa cũ trong những câu: “Quan giấc đã dậy” [I/tr.725] hay “Em ăn mày được ít chữ của thầy” [II/tr.750]; “Cụ Kép đãi đứa cháu ngây thơ một nụ cười rất độ lượng.” [I/tr.198] hay “mời đi về quê phúc lại cho một ngôi mộ.” [I/tr.198] khác nào những mảnh gốm di chỉ, dựng lại cho ta không chỉ lời ăn tiếng nói, mà cả lề thói sinh hoạt, lễ giáo giao tiếp của một thời quá vãng. Lối đo đếm ước lượng thời gian trong câu thoại “Chừng vàng mặt giời thì võng Cậu Lãnh tôi sẽ có người cáng tới đây.” [III/tr.88] in dấu tư duy của một xã hội nông nghiệp thô sơ.
Đọc Chùa Đàn, ta biết đến tên của những động tác đánh đàn như “vê, lẩy, chụp, vuốt, nhấn; những tiếng thoảng, tiếng xòe”. Đọc Chiếc va li mới, ta làm quen với tiếng dân nghề sông nước: “sóng gối róc”, rồi “sóng vã tai”, buồm chạy cánh tiên hay chạy cánh xếp… Rồi “lồng củi”, “giạc lửa” (luồng đi của sức nóng hơi lửa), “bầu” (lòng lò nung); “tắm đôi hoa tai” (trong nghề kim hoàn); những từ quân sự: mai phục, vu hồi, thanh viện, trùng vi…

1.9. Nguyễn Tuân hay dùng giải ngữ để thuyết minh cho rõ những khía cạnh, tình huống, đặc trưng của đối tượng mình nói đến. Vế giải ngữ có khi dài hơn cả vế chính (“chính” theo quan hệ cú pháp), thậm chí tràn sang hẳn cả một câu khác.
Dấu ấn của Nguyễn Tuân ở giải ngữ, so với giải ngữ của hầu hết người viết khác – thường chỉ đóng vai trò phụ, như một chú thích kèm thêm – là ở chỗ nó thường có sức nặng đáng kể, nếu không là nặng nhất, trong ý nghĩa của câu văn. Chính ở những giải ngữ này, Nguyễn Tuân thường bộc lộ những cách nhìn riêng, những suy ngẫm đặc sắc của mình.
Khi Đại chiến II bắt đầu bén lửa vào Đông Dương, và Hà Nội đã “phòng thủ thụ động” với Những ngọn đèn xanh, Nguyễn Tuân thực sự băn khoăn, tự hỏi một cách nghiêm chỉnh: “Người ta – thứ nhất khi người ta là tâm hồn Việt Nam của năm 1939 – chẳng nhẽ chỉ biết có văn chương? và làm văn thôi?” [II/tr.433].
Và ở một tùy bút khác: “Tôi tương tư con sông Hương – một con sông không có sóng, nhưng hay chuyên chở những ngọn sóng của lòng người lỡ chơi trên mặt nước nó.” [I/tr.250], rõ ràng ở đây, thông báo quan trọng và ý vị đậm đà nhất của câu văn không phải ở cụm chủ vị đi trước, mà ở vế giải ngữ đi sau.
Vào chặng đường sáng tác sau này, khi nói đến kẻ thù, với cảm thức dân tộc nhạy sắc và tầm văn hóa uyên bác, Nguyễn Tuân còn sử dụng giải ngữ như một ngón đòn lợi hại, bằng một dạng giải ngữ hiếm có, tràn bờ ranh cú pháp thông thường, sang hẳn một câu khác: trước mặt mỗi thằng (4), trên nền nhà hỏi cung, lòi ra đôi dép trắng Thái Lan – Thái Lan, cái nơi đã cho không lực Hoa Kỳ mượn đất dựng sáu chục căn cứ để bay sang đánh Việt Nam. Thái Lan, cái xứ xa bị Mỹ ăn hiếp, mà các nhà báo Pháp vẫn gọi mỉa là “cái bang thứ năm mươi mốt của Hoa Kỳ” hoặc là chiếc hàng không mẫu hạm trên cạn của hạm đội VII.”[IV/tr.663].
Với bản lĩnh dày công tích lũy khổ luyện, Nguyễn Tuân đã nâng bậc, đổi ngôi cho giải ngữ từ địa vị một thành phần phụ thuộc trong cú pháp quy phạm, lên thành một nét trữ tình man mác, một vế chính luận sắc bén trong câu văn.

1.10. Nguyễn Tuân còn đặc biệt hay dùng định ngữ (5) và rất sở trường lấy nó để diễn tả vô cùng biến hóa, tinh tế về đủ mọi cảnh trạng, tình huống, tính chất, sắc độ… của sự vật khách quan cũng như của tâm tư chủ quan.
Ông có cách riêng để gọi một loại màu rất khó gọi tên: “Gió, rêu, mưa suốt năm đem lại cho tường gạch cái màu uyển chuyển của thời gian” [IV/tr.526]. Với định ngữ, Nguyễn Tuân còn thể hiện được những sắc thái, ý nghĩa bất ngờ nhất: “Một cái ngã tư đông đặc căm thù” [IV/tr.661]; “Ông Tú riêng giữa làng thơ ngồi hẳn một chiếu điều hoa nửa cạp hiện thực nửa cạp trữ tình” [V/tr.850].
Định ngữ trong lời văn Nguyễn Tuân dẫn ta tới những biên độ phiêu lưu tài hoa nhất của thưởng thức sắc màu: “Cái màu vàng giãy nảy” của chuối Ngự chợ Rồng [V/tr.766]; “Một màu nắng tháng ba Đường thi “yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu”. [IV/tr.453]. Định ngữ Nguyễn Tuân có khi lồng ghép đến mấy tầng lên nhau: “Trang sách ẩm mực in run run trong tay tác giả nó […] đang rung lên cái hơi thở cuối cùng của một nhà văn sung sức, của một quả trái đang nung mật mà lại đã nẫu cuống.” [1/tr.381].

2. CÂU

Trong thế mạnh ngôn từ của Nguyễn Tuân, phải đặc biệt chú ý đến câu văn của ông. Khác với từ là đơn vị của tiếng nói; câu là đơn vị của lời nói – ăn nên đọi, nói nên lời – gắn liền với tầm vóc văn hóa, đặc điểm nhân cách của người phát ngôn. Câu văn Nguyễn Tuân thể hiện rõ nét con người văn hóa, bản lĩnh nghệ thuật của ông. Có một số người nhấn mạnh đến lời văn cầu kì, kênh kiệu, miên man như vào mê trận của ông.
Thật ra, câu văn Nguyễn Tuân không chỉ có thế, cũng không phải phần lớn là thế. Và ngay những câu phức hợp, nhiều vế đó cũng thường có lí do nghệ thuật của nó; hơn nữa, không phải cứ khúc mắc, khó hiểu là kém giá trị đi.
Sau đây là một số dạng câu thường gặp trên các trang tùy bút Nguyễn Tuân:

2.1. Câu dân dã

1. “Thuốc phiện làm cho Đinh lạnh như tiền và còn làm cho Đinh dài hẳn người ra nữa. Hun đốt mãi thì còn gì mà chả!” [8/tr.144].
2. “Vào các thư viện bảo tàng khắp các nước mà tìm lấy. Khối”. [2/tr.5].
3. “Nhất nhẽ là phải làm thứ ma đói, anh cũng đành lòng.” [8/tr.104].
4. “Còm cọm mãi.” [II/tr.641].
5. “Tâm lại dám xưng chị! Và lại dám gọi những người ở đây là người Hời! Láo đến thế thì thôi.” [I/tr.378].
Những câu trên trước hết đúng là lối nói “đặc Việt Nam”, rất kiệm lời mà vẫn rõ tình thái phát ngôn. Có nhiều câu tưởng chừng nghe được cả ngữ điệu. Có khi như một lời chia sẻ thân tình. Nhà văn đã không nệ những quy phạm hàn lâm, để cho ngôn từ sống động mà tung cánh. Có câu nôm na suồng sã như lời buột miệng tự nhiên, nhưng vẫn là lời văn, không thể thêm bớt hoặc thay thế một chữ.

2.2. Câu có phong vị cổ kính, giao hòa cũ mới

Đây vẫn là những câu ta thường nói, thường nghe hiện nay, nhưng nó xen vào ít nhiều chữ nghĩa hay lối diễn đạt cổ. Có khi ngay trong một câu, một chữ rất xưa cũ (“giấc hương quan”) lại hòa hợp với những chữ in rõ dấu nỗi khủng hoảng “tân thời”: “Hồn quê lại giục khách tha hương nhớ tử phần. […] Giấc hương quan làm cho người ta khổ sở oằn oại đến thế là cùng.” [I/tr.280].
Có trường hợp, chỉ trong một đoạn văn, ta gặp cả mấy dạng câu – đối xứng cổ kính (câu a), khẩu ngữ dân gian (câu b), cấu trúc hiện đại (câu c): “[a] Đã một đĩa ớt xanh, lại một đĩa ớt đỏ. [b] Trông vui mắt lạ. [c] Nếu dùng bữa cơm này làm mẫu để vẽ một bức họa tĩnh vật thì cái giá trị bài trí của mâm cơm thực là hoàn toàn.” [I/tr.711].
Có những câu tuy “bình” mang dáng cũ, nhưng “rượu” hoàn toàn mới: “Nàng định nói chuyện đứng đắn mà Bạch thì cứ ỡm ờ. Hai người chia tay. Hòa tưng tức trong người. Bạch dửng dưng trên nét mặt.” [I/tr.999].
Câu văn không chỉ đối xứng về từ loại của chữ mà còn ngân lên nhạc trong thanh điệu, tiết tấu, âm vận của lời: “Thuyền tôi trôi qua Cầu Bầu, thuyền tôi qua Quán Bóng, thuyền tôi trôi xuống cống Đồng Quan.” [III/tr.239].
Lại có chùm câu vừa khoác áo truyền thống với cả nếp tà đối xứng (“Dưới cái màn trời triền miên”/ “Trên cái chiếu đất dằng dặc”), lẫn khuy khuyết cổ xưa “rừng tị nạn”, “mùi côi cút”, “chùm tóc mới vừa tơ”…); vừa có lối diễn đạt rất mới – gần như “trực dịch văn Tây” (“dằng dặc mùi côi cút”, “cái rêu nhầy nhờn của ngày đau khổ và lẩn lút”); tất cả hòa quyện vào nhau không thể tách bạch, thành một lời văn đặc sắc riêng của Nguyễn Tuân: Dưới cái màn trời triền miên những kinh động ngờ sợ, ánh sáng tối và ẩm ướt của rừng tị nạn đổ xuống một cái đầu xanh đang ngậm một chùm tóc mới vừa tơ mà đã nhuộm màu tang. Trên cái chiếu đất dằng dặc mùi côi cút, một cặp chân có khóa bạc vòng vàng đang in đôi gót đỏ như son lên cái rêu nhầy nhờn của ngày đau khổ và lẩn lút.” [I/tr.536,537].

2.3. Câu hiện đại

Dọc theo trang văn Nguyễn Tuân, ta còn thường gặp những câu rất mới, theo lôgic giàu lí tính của phương Tây, có lối cắt câu nhiều khi bất ngờ với tư duy truyền thống, nhưng rõ ràng có sự sắc sảo riêng, gây ấn tượng mạnh mẽ cho bạn đọc – ngay cả với bạn đọc bây giờ, chứ không chỉ với bạn đọc cách đây hơn nửa thế kỉ.
Những câu văn hiện đại sắc nhọn, hoặc nhiều tầng lớp vế chính vế phụ ấy chung sống hài hòa với những câu giàu nhạc tính của ngôn từ truyền thống, tạo nên một vẻ đa dạng, một cái duyên hoạt bát riêng cho tùy bút Nguyễn Tuân:
– “Con người ấy xưa nay là sự thiểu não hiện thành hình người” [8/tr.103].
– “Tôi lên cầu thang rất chậm, đầu còn bận những sung sướng.” [II/tr.802].
– “Người ta ghi lại những cái lổng chổng đổ vỡ gây nên bởi một người đàn bà, bởi những người đàn bà, bởi tất cả đàn bà.” [II/tr.647].
Lại có những câu quá tây, mặc dù không phải vụng về, mà rõ ràng có dụng ý của tác giả; nhưng đối với lỗ tai trung bình của công chúng Việt Nam ngay những năm hai ngàn này, nó cũng khó nghe lọt: “Tôi nhận thấy keo bẩn mấy hào chỉ trong lúc này là một lỗi lớn. Đối với phong nhã!” [I/tr.255].
Thế nhưng, hơn hai chục năm sau, khi bình truyện Tắt đèn, cũng là một vế trạng ngữ bắt đầu bằng giới từ “với”, đem tách ra, tôn lên thành câu như thế, do Nguyễn Tuân đã “thuần hóa” được nó, ta lại thấy sắc sảo, gây được ấn tượng: “Một cuộc sinh li (giống như tử biệt) bên một cái rá khoai nghèo và khói cứ loãng dần trên củ khoai nguội. Với bao nhiêu câu lục vấn của trẻ.” [1/tr.440].
Cùng loại câu nhiều vế nhiều tầng ấy, cần ghi nhận thêm câu Nguyễn Tuân tả cơn bão lũ nội tâm của tấn “thảm kịch trường thiên” cuộc đời một phụ nữ. Mặc dù tác giả viết hoa chữ “chị” sau dấu cảm – có thể theo một thói quen quy ước chính tả nào đó – nhưng xét cả về diễn tiến mạch văn, lẫn cái đà ngữ điệu, đây chỉ có thể là một câu (6). Câu văn dài hơi, gồm cả một giải ngữ trùm lớp đồng thời một so sánh chứa chất nỗi niềm ấy, càng nổi bật sức nặng, dư âm của nó, nhờ câu sau ngắn gọn, khẳng định chắc nịch thêm. Tác giả Tóc chị Hoài đã kết hợp thật đẹp cả “hoành” lẫn “tung” để lột tả cho kì được sự phong phú, phức tạp của đối tượng.
Đây chính là kiểu câu đặc trưng nhất của cú pháp Nguyễn Tuân: “Chị Hoài là một cái thảm kịch trường thiên, là một nguồn sống bồng bột tắc lối thoát, là một dòng nước lũ tháng bảy và ghê khiếp thay! Chị lại nín lặng tự đem cái thân mình ra làm con đê – một con đê dài dằng dặc chạy song song bên con sông ì ầm vỗ vô khối con sóng tình cảm phiền phức, một con đê đắp bằng những năm tháng âm thầm của một tuổi hoa niên thiếu ánh sáng, thiếu khí lành – để giữ vững dòng nước nguồn tâm đừng tràn lan ra. Dòng nước lũ ấy mạnh lắm.” [II/tr.650].
Loại câu dài hơi, dồn nén nhiều ý tình, khía cạnh của đối tượng miêu tả ấy,không chỉ đặc trưng cho cú pháp, mà cho cả bút pháp Nguyễn Tuân, một bút pháp cực tả, viết cái gì cũng hay đi đến thấu đáo mọi khía cạnh, ngóc ngách của nó.

2.4. Câu cấu trúc cộng hưởng

Nguyễn Tuân còn một cách dựng câu dồn nén khác, không phải bằng số nhiều của các vế trong một câu; mà bằng loạt câu liên hoàn, cùng dạng cấu trúc, cùng xoáy vào một chủ điểm – chỉ là chữ in mực đen giấy trắng, mà cho ta như nhìn thấy được cả cử chỉ, vẻ mặt khi phát ngôn; mà cho ta nghe rõ được cả giọng chì chiết, xót xa:
– “Nghe mà thấy đài quá! Nghe mà thấy sang quá!” [V/tr.360].
– “Sao mà chán đến thế! Sao mà lợm giọng đến thế” [nt/tr.552].
– “Còn đâu cái thời đậm đà của lũ lượt mặt to tai tía đóng cọc xì gà vào mồm, để lại sau chiếc xe cao su giờ […] một luồng thơm say của rượu mùi. Còn đâu cái thời tưng bừng của áo gấm guốc kinh găng trắng nhảy tàu điện và tóc thề và áo cào cào thướt tha bên những thông cù đương ra lộc. Còn đâu cái thuở cánh pháo ào rụng như đào gió trên ngàn xác đỏ chôn đứng cổ chân người bộ hành đi tìm xuân trên lề đường. Xa lắm rồi.” [II/tr.821,822].

2.5. Câu đặc biệt

Đó là những câu chỉ có một vế, một thành phần, nhằm nêu bật lên một ấn tượng độc lập, rõ nét; một cảm nhận sâu thấm; một dư âm kỉ niệm sâu xa:
– “Về thủ đô chứ? Tám năm. Lại về.” [III/tr.738].
– “Thói quen. Thói quen hằng ngày. Những thói quen hằng ngày tầm thường của một cuộc sống tầm thường.” [2/tr.39].
– “Cho đến bây giờ” (câu này đồng thời cũng là cả một đoạn) [II/tr.673].
Đây cũng là một kiểu câu hiện đại. Thực chất đó là những lời độc thoại nội tâm, trong tư thế nhìn ngẫm lại chính mình, thể hiện nhu cầu tự ý thức rất cao trong con người trí thức của thế kỉ XX này.

2.6. Câu thơ văn xuôi

Khi mới vào nghề, Nguyễn Tuân có làm thơ. Thơ ông không có gì mới mẻ, và chắc vì thế, cây bút thích làm một “Đà giang độc bắc lưu” này đã sớm rời bỏ thi đàn. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân từng thẩm thơ rất tinh tế. Và trên nhiều trang viết Nguyễn Tuân, có những đoạn văn xuôi đầy thi vị. Xin dẫn ra vài ví dụ:
– “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.” [IV/tr.452].
– “Và thời gian của đồng hồ thủy tiên đêm Tết xa như không ngớt thánh thót vương hương.” [IV/tr.587].
– “Sê-khốp là cái sáo diều vĩ đại, trên đôi cánh âm vang tiếng nói của hiện thực và nhịp thơ của lãng mạn.” [V/tr.544].
Ngoại trừ một số (rất ít) câu quá Tây khó lọt tai người Việt, những câu lan man rườm rậm, tật lặp chữ – những “của”, “là”… mà Thạch Lam đã nhắc đến từ bài viết về Vang bóng một thời (1940) – làm nặng nề câu cú; phải thừa nhận Nguyễn Tuân đã sáng tạo được những câu văn xuôi thật uyển chuyển.
Xét về cấu trúc, câu văn Nguyễn Tuân rất đa dạng, không bị gò bó bởi những qui phạm hàn lâm. Nhà văn cốt diễn tả sao cho lột được thần thái của đối tượng hay của cảm nhận cá nhân, bằng cách nói riêng, tự mình tìm tòi, khai phá lấy. Ông sở trường nhất loại câu thể hiện các diễn biến ngóc ngách của nội tâm (Một chuyến đi, Tóc chị Hoài…), loại câu cảm nhận bình phẩm độc đáo về văn chương, thế sự (Thời và thơ Tú Xương, Tình rừng…) và loại câu đặc tả đầy ấn tượng về cảnh vật (Người lái đò sông Đà, Cốm…).
***
Đi dọc hành trình sáng tác của Nguyễn Tuân, nhận thấy rất rõ sự vận động phát triển về ngôn từ. Ở vài tác phẩm đầu tay của ông, câu văn hơi văn còn phảng phất cổ và sáo (với những từ mòn và lối văn biền ngẫu). Liền sau đó diện mạo ngôn từ Nguyễn Tuân biến đổi, ông nhanh chóng định hình phong cách và khẳng định phong độ của mình.
Có sự song hành thú vị giữa tỉnh táo và mê đắm trong văn Nguyễn Tuân. Một mặt, câu chữ Nguyễn Tuân thể hiện rõ sự dụng công, có lúc đến độ cầu kì lộ liễu như là kĩ xảo; mặt khác lại là chất thơ có khả năng cuốn hút đến ngẩn ngơ. Bên cạnh những câu tầng tầng lớp lớp như muốn tận cùng kì lí với sự đời; lại có những câu mê đắm trong trẻo thanh tao như đang nhập cảm, hòa tan cùng cảnh sắc.
Đọc Nguyễn Tuân, có những lúc vừa bị lôi cuốn đến như mê hoặc bởi sức hút không cưỡng nổi của một ngòi bút điêu luyện, lại vừa cảm thấy đôi chút hoài nghi như một lực đẩy khó cắt nghĩa. Rõ ràng là phục tài, nhưng cứ có gì nhoi nhói trong cảm thức, trong tiếp nhận: hình như bậc thầy chữ này dụng công lộ quá, “nghề” quá; đôi khi tỉnh quá, lí trí quá, làm dáng rõ quá.
Phải chăng, tâm lí phương Đông chưa thoải mái được với những cá tính nhọn sắc, đầy lí tính như thế, và quan niệm truyền thống cũng chưa quen coi văn chương là một nghề, mà như một thiên chức, như một “ơn riêng”, một tiếng lòng tự nhiên không cưỡng nổi?
Bản lĩnh và niềm đam mê tài hoa đối với ngôn từ ấy cũng là sự thể hiện, đồng thời là sự thực hiện khát vọng tự do – tự do thể hiện chính mình, tự do là mình, có cái riêng của mình… Bởi vì khó có gì có thể tự do hơn ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ nghệ thuật.
Nguyễn Tuân không dừng lại ở chỗ chỉ là người hát rong suốt đời ngợi ca sự huyền diệu không cùng của tiếng Việt. Nếu ta ngẫm nghiệm kĩ miếng “nắng ròn tan” trên bãi sông Đà, “cái hồn nhiên trắng nõn” của mảnh tường quê hương với nước vôi ăn Tết, những đoạn văn chứa chất nỗi đời trong Tóc chị Hoài, những câu văn co duỗi hết sức uyển chuyển đa dạng… có thể nhặt ra vô số qua các thiên tùy bút từ Một chuyến đi trước kia đến những trang kí chống Mỹ sau này – những câu văn có nhạc điệu trữ tình giàu chất thơ của phương Đông truyền thống, lại cũng có cái lôgic sắc sảo trập trùng sự kiện của phương Tây hiện đại; ta sẽ thấy Nguyễn Tuân đã mở rộng bờ cõi ngôn từ văn chương làm giàu thêm cho lời ăn tiếng nói dân tộc như thế nào.
Cái giọng “đặc Việt Nam” ấy, thật ra đã được hiện đại hóa, nảy nở thêm nhiều sức diễn tả mới với những câu văn xuôi “có một không hai” mà Phan Ngọc đã đem sánh với câu thơ Nguyễn Du, câu đối Nguyễn Khuyến (7).
Với Nguyễn Tuân, ngôn từ không chỉ là chất liệu, phương tiện, mà còn là đối tượng của văn chương, là chính văn chương; và nhà văn đã có ý thức lạ hóa nó, để tạo được dấu ấn độc đáo cho mình và hấp dẫn độc giả. Ý thức này ở Nguyễn Tuân có gì đó gợi nhớ đến hình bóng của những người theo trường phái chủ nghĩa hình thức Nga thế kỉ XIX. Con đường ngôn từ mà Nguyễn Tuân khai phá có lẽ chỉ dành cho ông. Trên độc đạo ấy ông là khách độc hành. Nhưng rõ ràng, ở đây, Nguyễn Tuân đã để lại tấm gương lớn về lao động sáng tạo và dũng khí mở đường.
________________________________________
(*) Kí hiệu I, II, III, IV, V tương ứng với tập I, II, III, IV, V của Nguyễn Tuân toàn tập (Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn và giới thiệu), NXB VH, HN, 2000.
(1) Những chỗ in nghiêng trong trích dẫn tác phẩm Nguyễn Tuân là lưu ý của người viết bài này.
(2) Người viết dùng để chỉ chung về từ ngữ, khác với câu.
(3) Giò lụa.
(4) Tù binh giặc lái Mỹ.
(5) Về thuật ngữ này cũng như “giải ngữ” bên trên, người viết mạn phép tạm dùng, cốt để chỉ một số ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Tuân, có thể không đúng với các thuật ngữ chính thức của các nhà ngôn ngữ học ở ta hiện nay.
(6) Khẳng định này còn dựa trên cơ sở một tiền lệ khác: trong Một lá thư không gửi ở Tùy bút I viết trước đó hai năm, Nguyễn Tuân đã dùng dấu giữa câu tương tự: “Có tấn kịch nào dài độ năm sáu lớp mà bấy nhiêu đào kép cứ hoạt động trong một cảnh bài trí mà người ta vẫn chịu được không?” [10/tr.34].

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Tuân (1999), Nguyễn Tuân bàn về văn học nghệ thuật, NXB HNV.
2. Nguyễn Tuân (1989), Chiếc lư đồng mắt cua, NXB VH – Hội NC&GD VH TP.HCM.
3. Nguyễn Tuân (1982), Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập II, Nguyễn Đăng Mạnh tuyển), NXB VH.
4. Nguyễn Tuân (1996), Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập III, Lữ Huy Nguyên tuyển), NXB VH.
5. Nguyễn Tuân (1996), Quê hương, NXB HP.
6. Nguyễn Tuân (1981), Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I, Nguyễn Đăng Mạnh tuyển), NXB VH.
7. Nguyễn Tuân (1996), Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập II, Lữ Huy Nguyên tuyển), NXB VH.
8. Nguyễn Tuân (1999), Ngọn đèn dầu lạc, NXB HP.
9. Nguyễn Tuân (1989), Chùa Đàn, NXB Văn học – Hội NC&GD VH TP.HCM.
10. Nguyễn Tuân (1998), Tùy bút viết trước 1945, NXB HP.
11. Nguyễn Tuân (1976), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, NXB VHGP.
12. Nguyễn Tuân (1996), Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I, Lữ Huy Nguyên tuyển), NXB VH.

_______________________________________________________________________

Posted in Ngôn ngữ nghệ thuật, Ngữ dụng học | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »