TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Ngữ âm tiếng Việt (tiếp theo)

Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 27, 2010

Lê Đình Tư
______________________________

V. Thanh điệu

1. Khái quát

Thanh điệu là một loại âm vị siêu đoạn tính, có tác dụng làm thay đổi ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ. Thanh điệu được thể hiện cùng với toàn bộ âm tiết, hay đúng hơn là toàn bộ phần thanh tính của âm tiết. Tiếng Việt là một thứ tiếng có khá nhiều thanh điệu: 6 thanh điệu, trong khi có một số ngôn ngữ chỉ có 3 hoặc 4 thanh điệu.

2. Phân loại thanh điệu

Có thể có 4 cách phân loại thanh điệu: xét về cao độ, xét về đường nét âm điệu, xét về sự biến thiên của thanh điệu và xét về động tác nghẽn thanh hầu.
Tuy nhiên, đối với việc phân biệt ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, ta chỉ cần ghi nhớ hai tiêu chí đầu. Đó là:

Tiêu chí cao độ:

Thanh điệu tiếng Việt đối lập nhau ở hai cao độ cơ bản: cao độ cao và cao độ thấp. Đó là sự đối lập về âm vực. Theo tiêu chí này ta phân biệt:

+ thanh điệu cao, tức là những thanh điệu được phát âm ở âm vực cao. Loại này bao gồm các thanh: thanh ngang, thanh sắc, thanh ngã.

+ thanh điệu thấp, tức là những thanh điệu được phát âm ở âm vực thấp. Đó là các thanh: thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng.

Tiêu chí âm điệu:

Trên mỗi âm vực, các thanh điệu còn khác nhau về quá trình diễn biến của cao độ theo thời gian. Đó là sự khác nhau về đường nét âm điệu. Theo tiêu chí này, ta phân biệt:

+ thanh điệu bằng phẳng (còn gọi là thanh bằng). Đây là những thanh điệu mà khi thể hiện, đường nét âm điệu diễn biến bằng phẳng, đồng đều từ đầu đến cuối, không có sự lên xuống bất thường. Đó là các thanh: thanh huyền và thanh ngang.

+ thanh điệu không bằng phẳng (cũng còn gọi là thanh trắc). Đây là những thanh điệu có âm điệu diễn biến phức tạp, khi lên khi xuống, thể hiện ra bằng một đường nét không bằng phẳng: thanh sắc, thanh ngã, thanh hỏi, thanh nặng.

3. Sự thể hiện và sự phân bố của thanh điệu

Thanh 1: thanh ngang (không được ghi trên chữ viết nên cũng gọi là thanh không dấu), xuất hiện trong tất cả các âm tiết, trừ âm tiết khép. Ví dụ: cây cam, mưa xuân, công ti. Nhưng không thể có các âm tiết như: lach, bat, lac

Thanh 2: thanh huyền [ghi bằng dấu huyền ( )], thấp hơn thanh ngang một bậc. Giống như thanh 1, thanh này có thể xuất hiện trong các âm tiết không phải là âm tiết khép, ví dụ: cà, sàn, bằng, đàm.

Thanh 3: thanh ngã [ghi bằng dấu ngã ( )] là thanh điệu thuộc âm vực cao (bắt đầu thấp hơn và kết thúc cao hơn), có thêm động tác nghẽn thanh hầu.
Thanh ngã cũng không thể xuất hiện trong các âm tiết khép. Ví dụ: xã, mãn nhãn, sững sờ.

Thanh 4: thanh hỏi [ghi bằng dấu hỏi ( )] là thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, điểm bắt đầu và kết thúc thanh điệu đều ở âm vực thấp.
Thanh này xuất hiện trong tất cả các âm tiết không phải là âm tiết khép. Ví dụ: vả lại, hỏi han, cảm cúm, cảng biển, cảnh đẹp.

Thanh 5: thanh sắc [ghi bằng dấu sắc ( )] là thanh điệu thuộc âm vực cao. Khi phát âm, điểm xuất phát thấp hơn thanh ngang một chút và điểm kết thúc ở âm vực cao. Ngoài ra, khi kết thúc còn phải có thêm động tác nghẽn thanh hầu.
Thanh này có thể xuất hiện trong tất cả các kiểu âm tiết. Ví dụ: khá lớn, bí quyết, chính thức, sáng sớm.

Thanh 6: thanh nặng [ghi bằng dấu nặng ( )], là thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, điểm xuất phát gần với độ cao xuất phát của thanh huyền nhưng kết thúc đột ngột ở độ cao thấp hơn.
Thanh nặng xuất hiện ở tất cả các kiểu âm tiết. Ví dụ: lạ đời, chợ xuân, lợi ích, lạm dụng, trục trặc, bẹp ruột.

____________________________________________

Bài tập cho phần Ngữ âm

Phiên âm âm vị học các âm tiết trong những từ sau đây: cưu mang, xoắn xuýt, qua quýt, thỉnh cầu, nghễnh ngãng, thi thoảng, thuần thục, phĩnh phờ, tươi tắn, khỏe khoắn, huyên thiên, đoan trang, tuềnh toàng, loằng ngoằng.

Bình luận về bài viết này